What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
Đúng như bạn Noguy9 nói tôi cũng luôn tin rằng ba bức tượng Đức Phật không được tạc vào thời điểm Người 8, 12 hay 25 tuổi. Nhiều tài liệu đều nói đến việc ba bức tượng này được tôn kính bậc nhất vì chúng không giống hàng triệu bức tượng Phật sau này được tạc khi Đức Phật đã nhập diệt. Lần nào tôi cũng thấy Namsay, Lhakpa hay Tenzin cũng vô cùng tự hào khi nói về việc Tây Tạng (Lhasa) được giữ và thờ phụng trên lãnh thổ của xứ tuyết mình 2 trong 3 bức tượng cao quý này, khiến tôi cũng tự hào ăn theo (hihi). Mà cuối cùng thì dù truyền thuyết về bức tượng Jowo có đúng hay thế nào đi nữa chúng tôi cũng có duyên may thật đặc biệt trong chuyến đi này ở Jokhang, hồi sau sẽ kể các bạn nghe....

Noguy9 có ảnh của cái cột mốc hiệp ước Sino- Tibet 822 ngay trước Jokhang không?

Năm nay trở lại Tây Tạng tôi thấy kiểm soát của chính phủ TQ ngày càng gắt gao hơn rất nhiều so với trước. Chỉ từ sân bay Cống Ca vê tới khách sạn mà chúng tôi phải dừng lại ở 5 trạm kiểm soát. Hành trình thăm thú của chúng tôi tới một loạt các địa điểm sau này như Reting, Lamaling hay nơi ở tại Basumtso, Tsetang, Samye cũng đều bị cảnh sát kiểm tra rất gắt gao. Chính vì thế tôi lại nhắc lại chuyện có bạn trên 1 thread ở box châu Á này nói về việc bạn ấy đi xe máy, giả vờ "phóng bay bay" qua các trạm kiểm soát trên lãnh thổ Tây Tạng là chuyện không tưởng.
 
Ở Tibet bây giờ không chỉ kiểm soát gắt gao, mà ngay cả mua xăng cũng phải xuất trình giấy tờ xe, bằng lái xe, rồi mới được mua xăng !

Đúng là truyền thuyết và chứng cứ khoa học bao giờ cũng có những điểm khó trùng khớp.
Nhưng giống như bác Chitto nói vậy, đôi khi mình vẫn cứ thích tin những truyền thuyết hơn! :D

Sorry vì làm loãng quá Topic của bác, mời bác tiếp tục, em không quấy nữa!

Ôi, tôi thích có người vào tham gia cùng trong topic này quá đi chứ, chỉ sợ không có người viết cùng. Topic tôi viết thường hay bị quá thiên về những kiến thức, nhưng đó là thói quen rồi, không thay đổi được, cứ muốn viết hết ra những gì mình biết.

Hôm nay mùng 1. Đốt chút hương Tạng trong chiếc lư đồng nhỏ mua ở Tạng, thắp ngọn nến trong cây đèn đồng từ Tạng (không có bơ bò yak). Đóng kín cửa phòng. Khói hương Tạng tràn ngập. Mới cách có một tuần mà đã thấy nhớ rồi.

Tình cờ, bài viết này là bài thứ 6001 mình viết trên Phuot.vn.
 
Drepung

Rời Barkhor, chúng tôi đến tu viện Drepung, tu viện lớn nhất của toàn cõi Tạng, là nơi đào tạo các Lama hàng đầu, và các Dalai Lama.

Cái tên Drepung chắc không phải tên gốc, vì Drepung nghĩa là Đụn gạo, mô tả hình dáng của quần thể tu viện với hàng chục công trình màu trắng nằm trên sườn núi - chỉ có khi toàn bộ quần thể đã hoàn thành, phải cả trăm năm sau khi nó được thành lập. Không biết tên gốc của nơi này là gì nhỉ?

Được xây dựng cách đây 600 năm (năm 1614) bởi đồ đệ của Tsongkhapa (Tông Khách Ba đại sư), các thế hệ tu sĩ phái Gelugpa đã tiếp tục xây dựng và phát triển nơi đây thành trung tâm học thuật của tông phái và của cả Tibet. Thời cực thịnh tu viện thường xuyên có khoảng 7 nghìn tu sĩ, và lúc lớn nhất là hơn 10 nghìn. Dalai Lama thứ 3 - Dalai Lama chính thức đầu tiên là người đứng đầu nơi đây, và Dalai Lama từ thứ 2 đến 14 đều tu học từ nơi đây.

Đây là nơi đầu tiên tôi chính thức bước vào sâu trong một tự viện ở Tây Tạng. Dù đã đọc, xem nhiều về các hình ảnh Phật giáo Tây Tạng, nơi đây vẫn là nơi đầu tiên, và vì thế tôi sẽ nhớ rất rõ.


Một con đường đầy bóng nắng

11131021085_a191f02c76_z.jpg
 
Tsongkhapa đại sư

Drepung là cả một quần thể rộng, có nhiều đường lên xuống.

Chúng tôi đi theo con đường bên trái leo lên nhiều bậc thang. Bên sườn núi có một số tảng đá tự nhiên dựng thẳng, và trên tảng đá lớn nhất có bức họa vẽ hình Đại sư Tsongkhapa (Tông Khách Ba), nhà cải cách Phật giáo, Tổ sư của phái Gelugpa.

Nếu như phái Nyingmapa (Ninh Mã) tự hào là tông phái có truyền thống lâu đời nhất, phái Sakya đã từng nắm quyền cao nhất thời Nguyên và ảnh hưởng đến cả đế quốc Nguyên Mông, thì Gelugpa là phái cải cách và có vị Tổ sư là người Tạng gốc. Để phân biệt với ba phái trước đội mũ đỏ, Tông Khách Ba đã đội mũ vàng, và vì thế hình tượng Đại sư luôn có chiếc mũ vàng trùm đầu.

Hình tượng Tông Khách Ba đại sư nổi bật giữa trời xanh, hai bên có tranh hai đại đệ tử, là những người lập ra các tu viện Drepung, Sera, Ganden, Con chim thần Garuda, vật cưỡi của thần Visnu cũng được vẽ bên dưới. Con chim thần được coi là linh vật bảo hộ cho các vị Phật, vị thần và các Đại sư, các Bồ tát.

11131115274_1efa700645_z.jpg
 
Đại thangka

Phía sau những tảng đá vẽ tranh Đại sư Tông Khách Ba này là khu vực thực hiện lễ treo Thangka trong lễ Shoton.

Hàng năm, vào lễ này một bức Thangka vĩ đại rộng hàng trăm mét vuông sẽ được trải ra trên sườn núi, trở thành một trong những nghi lễ đặc biệt và long trọng nhất ở Tây Tạng. Chúng tôi không đến vào lễ đó, nên tất nhiên không được chiêm ngưỡng những bức thangka khổng lồ này rồi.

Ảnh sưu tầm từ hãng tin Reuter: Lễ treo Thangka ở Drepung

11190801116_0bb5a14aeb_z.jpg


11190763755_63102055ab_z.jpg
 
Nội viện

Chúng tôi theo Tenzin bước vào trong khu vực nội viện. Mỗi gian phòng đều treo biển "Giá chụp ảnh 20 tệ" khiến tôi nản lòng. Kể ra nếu họ làm một mức phí chung cho toàn bộ tu viện thì tôi cũng có thể sẵn sàng trả, nhưng nếu cứ mỗi căn phòng đều 20 tệ thì thực ra là vô lý vì có nhiều phòng quá, và như vậy chỉ khuyến khích người ta chụp lén mà thôi.

Tìm trên mạng, những bức ảnh trong Drepung cũng có, nên một số ảnh bên trong sau đây là lấy từ mạng.

Điều ấn tượng đầu tiên là những ngọn đèn đốt bằng bơ yak (hay mỡ yak nhỉ - bác Nguyễn Tường Bách viết là mỡ trâu). Những ngọn lửa tượng trưng cho sự giác ngộ của Phật giáo, xóa tan bóng tối vô minh, tượng trưng sự kế tục lâu dài của Phật pháp. Ngọn lửa mang quá nhiều ý nghĩa, và vì thế luôn được thắp sáng trước các bàn thờ. Có những ngọn đèn nhỏ chỉ một ngọn bấc, nhưng có những cây đèn rất lớn đốt cả chục, thậm chí hàng chục ngọn bấc. Bơ yak trong tiết trời lạnh đóng cứng xung quanh, và chỉ chảy ra ở gần ngọn lửa. Những người Tạng cầm phích rót bơ lỏng vào đèn, hoặc xắn từng chút bơ đông cứng đắp vào quanh ngọn lửa một cách thành kính.

11173229195_94a89efe12_z.jpg

(Ảnh sưu tầm)
 
Drepung

Gian điện đầu tiên chúng tôi vào thăm ở giữa có một ngai dành cho các Tu viện trưởng của Drepung ngồi. Những người Tạng đến đây đều quỳ và áp trán vào bên dưới bệ tỏ lòng tôn kính và cầu phúc. Thuở ban đầu ở Drepung có hai vị lãnh đạo, một vị về sau trở thành Dalai Lama lãnh đạo tối cao Tibet, thì vị kia trở thành Tu viện trưởng Drepung, lãnh đạo toàn bộ tông phái Gelugpa.

Quanh tường gian điện này là rất nhiều các khám thờ nhỏ, với tượng của rất nhiều vị Lama cao cấp: Từ tượng Dalai Lama, tượng các Tu viện trưởng, các bậc tái sinh chuyển thế, Riponche. Tenzin chỉ cho chúng tôi thấy hai pho tượng của hai vị thầy đã dạy dỗ cho Dalai Lama 14 tại Drepung. Các Dalai Lama đều phải học tập tại đây.

Phía bên phải có pho tượng Quán Thế Âm đứng tuyệt đẹp, chúng tôi đứng mãi để ngắm pho tượng này.

11190916733_54a13db43f_z.jpg

(Ảnh sưu tầm)

Các cấp bậc tu của phái Gelugpa gồm:
1. Sadi hay là chú tiểu, vào tu viện khi còn bé
2. Dge slong là tỳ kheo, từ 20 tuổi thụ giới và chính thức được tính tuổi tu
3. Ghese, phải học đủ trình độ mới lãnh thụ danh hiệu này, có nơi nói tương đương Tiến sĩ Phật học, hoặc là Thượng tọa
4. Gyupa, bậc đã quán được Mật tông, rất cao cấp và rất khó đạt tới
5. Khenpo, các Đại sư đứng đầu các tu viện, phải do Dalai Lama ấn chứng

Một số trong bậc Gyupa trở lên có thể tái sinh chuyển thế, được gọi là Tulku.

Từ Lama đúng ra chỉ dành cho các vị rất cao cấp, tương đương Guru - đạo sư, được coi là hiện thân của Phật, chứ không như các tu sĩ khác. Tuy nhiên dùng với nghĩa rộng đã quen nên ngày nay nhiều người (không phải người Tibet) gọi tu sĩ là Lama hết.
 
Cung Ganden

Phía sau tòa điện là một sân nhỏ, thông sang một tòa nhà ba tầng. Những người Tạng đi đến đây bỗng tỏ vẻ thành kính hơn.

Chúng tôi đang đứng trước cung Ganden, nơi sinh hoạt và tu học của các Dalai Lama từ thứ 2 đến 14. Ganden là tên tiếng Tạng của tầng trời thứ 33, tầng trời cao nhất (trời Đâu Suất). Tòa nhà được Dalai Lama thứ 2 xây dựng và về sau các đời Dalai Lama đều phải về đây tu học để đạt đến trình độ Ghese và Gyupa. Tòa nhà khá khiêm tốn với cầu thang nhỏ và dốc, khác với cung Potala hoành tráng sau này. Dù nhỏ như vậy nhưng đây mới chính là nơi các vị lãnh đạo tối cao của Tây Tạng thâm nhập vào thế giới thâm sâu của Phật pháp để trở thành bậc "Trí tuệ như biển cả".

Tầng ba là nơi tu học của các Dalai Lama, chỉ những nơi dành cho Dalai Lama mới được căng vải vàng tươi như thế.

11131039805_05d4ac920f_c.jpg
 
Trí tuệ lớn từ căn phòng nhỏ

Bức ảnh này chụp trong gian phòng học của các Dalai Lama. Phòng nhỏ và thấp, với bàn ghế có phần đơn sơ giản dị. Tôi tưởng tượng cảnh mỗi sáng mỗi chiều, hai vị đại sư già sẽ giảng dạy những triết lý thâm sâu của Phật cho một chú bé mà sau khi bước ra khỏi căn phòng này, các vị đại sư sẽ cúi chào chú và tôn vinh chú là bậc lãnh đạo tối cao của cái cõi tuyết cao nhất thế giới này. Dù bên ngoài cao trọng bao nhiêu, thì trong căn phòng này chú vẫn chỉ là một người học trò. Dù trong tiền kiếp chú đã tích lũy bao nhiêu kinh sách thì ở đây chú vẫn phải nhắc lại để mở lại những điều đang tiềm tàng trong A-lại-da thức.

Có thể nói căn phòng này là nơi đánh thức dậy những gì tiềm ẩn trong mỗi vị Dalai Lama, vì các vị chỉ là là tái sinh của muôn vàn kiếp trước. Nhưng nếu như không có sự đánh thức ấy thì đứa trẻ vẫn chỉ là đứa trẻ.

Tôi không biết Dalai Lama 14 đang lưu vong tại Ấn Độ kia sẽ nhớ gì về quê hương, nhưng chắc chắn lá sẽ có nhớ căn phòng nhỏ này, nơi mà trí tuệ dần được khai mở và đánh thức.

11131029145_cdbcfed35c_z.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,625
Bài viết
1,154,107
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top