What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
Yarlung Tsangpo

Những đỉnh núi tuyết lấp lánh trong nắng trôi qua, cao nguyên tuyết mênh mông. Chúng tôi nhìn thấy dãy Meily (Mai Lý), thấy ngọn Namche Barwa ở phía xa, rồi những hẻm núi ngay dưới chân. Nắng đã lên rồi.

11102153883_cd7b571dea_c.jpg


Và rồi dòng Yarlung Tsangpo uốn lượn hiện ra, như một nét vẽ ngẫu hứng của tạo hóa, như một mảnh gương kì lạ uốn éo qua bình nguyên hoàng thổ điểm những chấm vàng rực. Dòng sông này bắt nguồn tít phía Tây, gần núi thiêng Kailash, chảy qua bên dưới Lhasa sang phía Đông rồi ngoặt về Nam, hội với dòng sông Hằng để đổ ra biển cả.

Trên triền đồng bằng của dòng sông này, những bộ tộc Tibet đã tập hợp nhau lại, hình thành vương quốc rồi xây dựng đế quốc, rồi tan rã và khắc khoải. Người Tibet tôn thờ Núi, tôn thờ Hồ, nhưng nếu tôn thờ Sông, thì đây sẽ là dòng sông Mẹ của Tibet. Trong chuyến đi chúng tôi cũng đã đi dọc theo cả dòng chính và chi lưu của con sông này, có lúc sôi trào và có lúc bình yên.

11102139003_88052da9b4_c.jpg
 
Lhasa

Mọi người nói rằng giữa tháng 11 là vào mùa đông, Tibet sẽ chỉ có tuyết trắng thôi.

Chúng tôi nói rằng mùa đông Tibet còn rất nhiều màu sắc nữa. Và đây, màu vàng rực của cây lá, của nắng, của đất cao nguyên.

11099890804_ffaa8def46_c.jpg


Máy bay hạ cánh xuống sân bay Gonggar nằm giữa hai dãy núi.

Lhapka đã chờ sẵn ở bên ngoài, quàng vào cổ mỗi người một chiếc khăn trắng: "chan-xi-tê-lê" !! Lời chào mừng ấy theo suốt chúng tôi trên chặng đường. Trên đường, ở thị trấn, giữa đồng, trong tu viện, khi gặp người Tạng chúng tôi lại chào "chan-xi-tê-lê", và mỉm cười nghe lời chào lại.

Nắng vàng rực. Xe nhanh chóng đưa cả đoàn vượt qua con đường cao tốc (mà trong ảnh trên nhìn thấy đâm thẳng vào núi ấy), chui qua hầm Lão Hổ để về Lhasa. Vì buổi sáng dậy sớm, trên máy bay lại chong mắt ra nhìn nên lúc này tôi buồn ngủ quá, gà gật một lúc. Cho đến khi xe dừng lại: Trạm kiểm soát đầu tiên của TQ. Giấy phép phải trình ra. Sự ngột ngạt đã dần trào lên.

Rồi Lhasa hiện ra, với những khối nhà khô cứng, một vòng đu quay to đùng, những mảng màu đỏ choét với chữ Hán trắng vàng lòe loẹt. Dù đã được biết trước Lhasa giờ đã là một thành phố TQ sầm uất, tôi vẫn thấy ngột ngạt mệt mỏi. Dù chàng Tenzin chỉ tay về phía xa kêu "Potala" tôi vẫn không cảm thấy vui, vì giữa đám nhà lổng chổng đó, tòa cung điện xa xa lọt thỏm làm sao.

Và ngay cả khi xe chạy ngang qua dưới chân Potala, tay tôi bấm máy ảnh đó, mà cũng không có cảm xúc.

Tôi phải chờ một Potala trong một lúc khác, không phải lúc này, khi vừa phóng qua đường cao tốc và đi giữa những khối nhà thô kệch kia...
 
Lhasa

Xe dừng ở khách sạn Yak, nơi chúng tôi nghỉ hai đêm trước khi thực sự tiếp tục hành trình về phía Đông. Tenzin dặn dò kĩ rằng trong ngày đầu ở Lhasa không được tắm, không được đi nhiều để tránh sốc độ cao. Tôi chưa cảm thấy gì của cái gọi là bệnh vì độ cao cả, có thể vì Lhasa chưa đủ cao lắm (3500m) nhưng mà kể cả về sau lên chỗ cao hơn ngủ đêm tôi cũng không sao.

Nhưng nghe lời tất cả các bạn, tôi cũng đi lại nhẹ nhàng. Phòng ở trên tầng 3, cũng hơi lo ngại khi nghĩ đến việc chuyển vali lên đó. Trước kia các chuyến tôi đều mang balô to vác trên vai, nhưng lần này nghe mọi người mang vali kéo. Đang nhấc lên được vài bậc thì một chị nhân viên líu lo nói gì đó giằng lấy. Thế rồi hai tay hai vali, a lê hấp chị xốc thẳng lên tầng. Tôi chỉ phải xách cái balô nhỏ với mấy thứ linh tinh hớn hở đi theo.

Sau bữa trưa nhẹ và giấc ngủ sâu, 4h chiều là giờ dạo phố.

11102151593_eba4e67a8c_c.jpg


Đây là con phố Bắc Kinh Đông lộ ngay phía ngoài khách sạn. Thứ Hai nên phố không đông lắm, nắng thì rõ to, mà trăng thì lơ lửng. Những chiếc xích-lô đều do người Tạng đạp, những chàng trai tóc dài lãng tử nhưng khắc khổ lam lũ. Nhều xe bật nhạc rộn ràng nhưng không dấu nổi vẻ vất vả. Bề mặt những ngôi nhà dọc phố chính được làm cho có phong cách Tibet, nghe nói đó là thành quả của thị trưởng mới trong mấy năm gần đây.
 
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Rất mê mẩn Tibet nên mỗi lần đọc bài về nó đều ngấu nghiến. Chờ đợi anh Chitto post bài tiếp :D
 
Những con quỷ đất Tạng

Trong sảnh khách sạn Yak nơi chúng tôi nghỉ có treo một bức tranh, bức tranh đó đây:

11131273843_c41d1f4e8f_o.jpg


Nếu nhìn kĩ thì có thể thấy đây chính là bản đồ của Tibet. Tín ngưỡng Tibet cho rằng đất Tibet nằm trên một con quỷ, một Nữ quỷ khổng lồ nằm ngửa tên là Simon, mạch máu màu xanh trên người nó là các dòng sông, thân thể nó là các dãy núi. Nữ quỷ vương nằm đó không nhúc nhích là vì trên tay chân của nó có các tu viện lớn, những quyền năng thiêng liêng của đức Phật trấn giữ.

Và ngay vị trí của ngực trái con quỷ, chính là thủ đô Lhasa, tim nó chính là vị trí của đền Jokhang.

Có thuyết nói người trấn giữ Quỹ nữ Lhasa là công chúa Văn Thành, hoặc công chúa Nepal, lại có thuyết nói là Liên Hoa Sinh đại sư. Thứ trấn giữ bền vững muôn thuở là pho tượng Jowo Sakyamuni.

Và tôi thì nhớ đến một con quỷ khổng lồ hơn nữa của Tibet: Đó là Quỷ vương đang ôm lấy bánh xe Lục đạo luân hồi của tất thảy chúng sinh. Đồ hình Lục đạo luân hồi này vốn xuất phát từ Tibet, mà nay thì các chùa ở Việt Nam, ở TQ đều có.

Như thế tất thảy đều nằm trên những con quỷ khủng khiếp. Nhưng tất cả đều bị nhiếp phục bởi Phật pháp.

11131272253_d39c863fca_o.jpg
 
Last edited:
Nữ thần Palden Lhamo

Hình tượng những con quỷ ghê rợn này vốn từ đạo Bon, đã được Phật giáo Tây Tạng hấp thu trong quá trình hội nhập. Những con quỷ là hình tượng xa xưa của những thế lực thiên nhiên mà người Tibet kính sợ, rồi đã từng được bổ sung thêm bởi những hình ảnh từ Ấn Độ giáo.

Chắc mọi người còn nhớ câu chuyện về mặt hồ thiêng liêng Lhamo Latso, nơi ngự của nữ thần Palden Lhamo, là nữ thần Bảo hộ toàn cõi Tây Tạng, bảo hộ riêng đất Lhasa, và Bảo hộ dòng truyền thế của các Dalai Lama. Nữ thần này cũng vốn là vị thần của đạo Bon cổ xưa, và vì thế trong tâm thức người Tibet, cũng có hình tướng khủng khiếp.

Có thể nói hình tướng của Nữ thần Palden Lhamo là khủng khiếp nhất: Người xanh lè, lòng bàn chân bàn tay đỏ hồng, móng vuốt dài nhọn, một tay cầm giáo lửa, một tay cầm cái cốc sọ người chứa đầy máu đưa lên miệng uống. Nữ thần có ba con mắt lồi với lông mày rậm, miệng rộng đầy răng nhọn, trên đầu đội mũ miện đầu lâu người, tóc dựng ngược là những quầng lửa. Nữ thần cưỡi một con la, mà tấm đệm trải chính là bộ da người - chính xác hơn là bộ da của đứa con trai của nữ thần, và đang phóng qua biển máu. Xung quanh là các quầng khói lửa ngùn ngụt. Hình tướng này mang nhiều biểu tượng của Ác thần Kali trong Hindu giáo.

Lạ thay, hình tướng ghê rợn đó lại chính là vị Phúc thần cao quý của Tibet, của các Dalai Lama Phật vốn là hóa thân của Quán Thế Âm - bậc đại từ đại bi.

Những ý nghĩa sâu xa đằng sau chuyện đó viết ra thì dài quá, tôi lại lan man mất rồi...

11133420483_e16572f0f2_o.jpg
 
Last edited:
Nhầm đường

Bước ra khỏi khách sạn trong nắng chiều, mục tiêu của mấy đứa là đến quảng trường Barkhor trước đền Jokhang, trái tim của Tibet. Hỏi đường thế nào mà một người chỉ cứ đi thẳng đi, đi thẳng đi. Ừ thì đi thẳng.

Phố chính rất rộng, cửa hàng cửa hiệu sầm uất, có rất nhiều thương hiệu lớn. Màu sắc TQ tràn ngập cứ gọi là thôi rồi Lhasa ơi. Vừa đi vừa thắc mắc là sao người trong khách sạn nói gần lắm mà đi mãi thế này. Chả mấy chốc đi qua đến mấy cái ngã tư, tôi nhìn bảng chỉ dẫn cũng chả thấy chữ Đại chiêu tự (tức là Jokhang) đâu. Nói thêm là tôi chỉ biết mặt một ít chữ Hán, còn nói và nghe thì chịu, đến mặc cả con số cũng chỉ dùng phương thức "xòe bàn tay đếm ngón tay" thôi.

Thế rồi bỗng thấy cái này lù lù trước mặt, nhầm đường đến hơn 1km rồi !

11102057064_496d012081_c.jpg
 
Potala

Khi vị vua đầu tiên của Tibet chống lại Zhangzhung, ông đặt thủ phủ tại thung lũng Yumbalagang, cách Lhasa hơn 60km. Songtsan Gampo (Tùng-tán Can-bố) đã lấy thung lũng rộng rãi hơn này làm thủ đô vào năm 640. Giữa thung lũng Lhasa có một quả đồi cao, gọi là Đồi Đỏ vì màu đất của nó đậm hơn các dãy núi xung quanh. Songtsan Gampo xây dựng trên đỉnh đồi một lâu đài nhỏ, mang tên là lâu đài Đỏ. Cung điện của ông thì nằm quanh đồi, và triều đình Tibet trong 200 năm vẫn vây quanh quả đồi này.

Trải hàng trăm năm Lhasa mất vị trí thủ đô, đến tận thời Tsongkhapa (Tông Khách Ba) Đại sư cải cách Phật giáo, mới lấy thung lũng này làm trung tâm, và lập ba tu viện Drepung, Sera, Ganden ở ba phía thung lũng.

Năm 1645, nghĩa là 1000 năm sau Songtsan Gampo, Dalai Lama thứ 5 sau khi nắm chính quyền đã quyết định không ngự tại tu viện Drepung nữa, mà xây dựng một cung điện để trị vì Tibet. Ngài đã chọn ngọn Đồi Đỏ để xây dựng cung điện. Cung điện xây được hơn 30 năm thì Dalai Lama 5 mất, mà vẫn chưa xong. Các trưởng lão quyết định không phát tang mà chờ đến khi xây xong cung, làm xong tháp mộ vàng mới phát tang. Thế là phải chờ gần 15 năm nữa, cung điện mới hoàn thành.

Các Dalai Lama được tôn là hóa thân của Avalokitesvara - Quán Thế Âm bồ tát, mà theo truyền thuyết Quán Thế Âm ngự tại đạo tràng là núi Potalaka (Núi Phổ Đà), vì thế cung điện cũng được đặt tên là Potala.

Công trình vĩ đại mất 45 năm xây dựng, với 1 triệu lao động, cao 13 tầng với 1000 căn phòng này là đầu não của Tibet trong gần 400 năm tiếp theo.

Vì chúng tôi dành ngày cuối của cuộc hành trình để vào thăm nơi đây, tôi sẽ viết về nơi này kĩ lưỡng hơn ở những ngày cuối.

Còn buổi chiều hôm đó, chúng tôi đi dạo và chơi phía trước cung điện, tất nhiên là sau khi đã đi qua cửa kiểm soát an ninh có máy soi của công an TQ !
 
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Không ngủ được (chắc vì shock độ thấp) làm clip tặng mọi người vậy!

[video=youtube;1T5C2Cg8zuE]http://www.youtube.com/watch?v=1T5C2Cg8zuE&feature=youtu.be [/video]
 
Potala

@Lymy: Tks nhìu nhìu !!!

Phía bên ngoài cửa chứ Potala có một số người làm lễ Ngũ thể nhập địa trước cung điện của các vị Dalai Lama. Không biết người đàn ông này đã hành lễ bao nhiêu lần? Cung điện xa quá, nhưng với tâm thức thành kính, chắc hẳn với ông nó lại ở rất gần.

11102052814_c9be122353_z.jpg



Trước cửa chính cung Potala chim bồ câu được cho ăn nên đậu khá nhiều. Một đứa bé chạy đuổi những cánh chim và hét lên những tiếng thích thú. Tôi ước mình bé lại.

11102031586_89f6cb56e9_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,942
Latest member
Nhocdecor
Back
Top