What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 60

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 60



P3250054.jpg

Một ngôi chùa có những kiến trúc là lạ gần chùa Cá sấu



Nhưng thiệt tình mà nói, ngôi chùa Cá Sấu Shwe Muay Wan chỉ có lạ và ấn tượng chú cá sấu xanh lét, to đùng nằm ôm lấy chùa, ngoài ra, chùa không “to lớn, hoành tráng, lộng lẫy” như Chùa Vàng, nếu không muốn nói rằng đây là một chùa nghèo.



P3250048.jpg

Đây, chùa Cá sấu Shwe Muay Wan đây!


P3250039.jpg

Cá sấu hoành tráng, còn chùa thì cũng khiêm tốn hén.


Như nhiều những ngôi chùa khác trên đất Miến Điện, các sư tiểu ở đây cũng lăn vào cuộc sống. Việc cuốc đất, gánh nước, tưới rau,… như hình ảnh chúng ta hay đọc, xem trong các tác phẩm Kim Dung…của các sư sãi… âu cũng là bình thường. Nhưng nhìn những bóng áo vàng áo đỏ lăn lê bò toài dưới gầm xe, những sư thầy trẻ tuổi trong chiếc áo cà sa lem luốc, đen đúa mỡ dầu, tay cơ-lê, tay mỏ-lết… dưới cái nắng trưa hừng hực, mồ hôi tuôn ròng… để sửa chiếc xe ben to đùng… mới thấy lòng nao nao. Cuộc sống tu hành ở đây có nhẹ bớt hồng trần?


P3250052.jpg

Các vị sư chùa Cá sấu đang sửa xe.​


Chạnh lòng, tôi cũng không dám và không muốn chụp hình họ. Nhưng những nụ cười chân tình, dù còn nhiều ngại ngần và cái gật đầu cho phép của họ tôi mới dám chụp vội vài tấm. Cũng may là background vẫn là chiếc xe bụi phủ, chứ nếu là những stupa lóng lánh vàng chắc là sẽ 1 sự tương phản rất mạnh, mà tôi không hình dung được.


P3250068.jpg

Các em bé Myamar thật dễ thương, trong 1 ngôi chùa khác.​



Tôi rời chùa Cá sấu, mang theo những nụ cười ấm áp Myanmar. Để rồi lại gặp những nụ cười!


___________________

Còn ít nhất 40 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 61

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 61



Tôi tiếp tục lang thang qua những ngôi chùa không tên ở Myawaddy. Tôi mạn phép gọi vậy, dù có ngôi chùa nào lại không có tên. Nhưng vì LP chỉ nêu danh 2 ngôi chùa, tôi vào wiki thấy cũng nhiêu đó, nên tôi cũng chỉ biết tên 2 ngôi Chùa Vàng và chùa Cá sấu kể trên. Địa hình đồi núi chập chùng của Myawaddi làm cho những chóp vàng lấp lánh hết vuông rồi tròn… của những ngôi chùa, những tháp stupa thoắt ẩn thoắt hiện giữa những vườn xanh càng thêm lộng lẫy.


P3250063.jpg



P3250105.jpg



P3250104.jpg



P3250081.jpg

Những ngôi chùa đẹp ở Myawaddy.


P3250096.jpg

Còn ngôi chùa mới này, chưa có đủ tiền nên phải làm chú voi giấy.​



Có người bạn người Thái, ở Mae Sot kể với tôi rằng, sở dĩ Myawaddy còn nghèo nhưng có nhiều những ngôi chùa đẹp như vậy là do nguồn tiền cúng dường có nguồn gốc từ những bông hoa anh túc mong manh đẹp lộng lẫy đến chết người…. Tôi chẳng biết, cũng như tôi đã từng nghe nói rằng ngôi chùa Mahabodhi ở Sangkhlaburi của Thailand cũng được cúng dường bởi không chỉ những khách giang hồ buôn lậu thuốc phiện mà còn cả súng đạn, cung cấp cho quân kháng chiến… Karen… Tôi cũng chẳng quan tâm. Điều tôi thấy mừng là những vị sư sãi ở những ngôi chùa này không dùng tiền đó cho họ. Họ vẫn gầy gò khắc khổ, vẫn cần cù lao động… và đặc biệt là chăm lo được (phần nào) cho những đứa trẻ nghèo tập trung ở chùa để học hành, ê a những câu kinh kệ tu tâm dưỡng tính… và những bữa cơm thơm thảo tình người.


P3250064.jpg

Quét chùa xong rồi, luyện nội công cái!


P3250075.jpg

Trẻ con trong chùa ở Myawaddy - như có chút đượm buồn.​



Tôi gặp bọn trẻ ở vài ngôi chùa ở đây. Chúng rất ngoan hiền. Khi cần mẫn học hành, chăm chỉ lao động, hay đang dọn dẹp chuẩn bị bữa trưa đạm bạc cho chính chúng… tôi đều nhìn thấy trên đôi mắt sáng ngời của chúng những niềm tin, những hy vọng… mà tôi luôn thầm mong chúng sẽ còn mãi giữ được dài lâu.


Dù chỉ là những hy vọng!


___________________

Còn ít nhất 39 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 62

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 62



Tôi sẽ không lôi kéo bạn ở Myawaddi nữa, và cũng sẽ phải chừa lại những điểm thú vị hay ho khác cho bạn khám phá. Trước khi chia tay, tôi chỉ rủ rê bạn đi thăm ngôi chợ địa phương – không phải chợ biên giới bán các đồ điện tử, vật liệu xây dựng… sầm uất ngay bên bờ sông, để bạn có thêm 1 góc nhìn về Myawaddy.


Cách biên giới không xa, ngôi chợ này nghèo, mà lại mang một nét quen thân đến lạ lùng, dù tôi đã rất ngạc nhiên lúc đầu. Đó là những gian hàng mắm và chút mùi khăm khẳm vấn vương khó lẫn mà đã thành niềm nhớ miên man của những người dân nước Việt xa xứ. Tại sao đây là một khu vực miền núi mà có rất nhiều các loại mắm như ở miền Nam nước Việt vậy? Về đọc kỹ thêm mới biết, tuy ở miền núi, nhưng xuống biển không xa, chỉ gần 2g đi xe mà thôi, do vậy những phẩm vật của biển khơi không hề xa lạ nơi đây.


P3250137.jpg

Chợ nghèo


P3250136-1.jpg

Cô hàng mắm xinh quá!


Ngoài ra, những phẩm vật địa phương khác cũng nghèo nàn như những ngôi chợ quê nước Việt mình giờ vậy. Dân tình vẫn hiền lành dễ mến, vẫn những nụ cười toe toét bị che ngang khi khách du đưa máy lên, vẫn những mẹ quê nhai trầu đỏ loét, dù trai quê nhai trầu thì lạ hoắc, vẫn những cô thôn nữ xúm xít bên những gian hàng quần áo, cười giòn tan xô đẩy nhau, núp vào nhau khi thấy kẻ lạ chĩa ống kính vào... Mặc gà qué ỏm tỏi, những chú bé con theo cha theo mẹ ra chợ vẫn ngủ ngon lành trên những chiếc sạp nhỏ, những chiếc võng đòng đưa yên bình…


P3250135.jpg

Giấc trưa bình yên giữa chợ, mai này em có nhớ!


Lang thang Myawaddy, tôi càng lúc càng thấm sự chân tình của người dân địa phương. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng họ vẫn rất rộng lòng. Khắp nơi đều có những lu nước mát cho khách lỡ đường giữa trưa nắng, đều mà sao giờ tôi không thấy ở quê mình, dù nghe kể ngày xưa vẫn có. Cái thẻ nhớ của tôi bị đầy, ổ cứng thì để bên Mae Sot nên tôi phải vào tiệm net chép hình ra CD. Tiệm nghèo, máy cũ, đọc cái thẻ của tôi gần như không nổi… giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể, vậy mà họ miễn phí cho tôi, khi biết tôi là khách nước ngoài và không có tiền mệnh giá nhỏ để trả. Dĩ nhiên là tôi đã đi đổi tiền, quay lại trả cho họ, ép lắm cậu bé đó mới chịu cầm tiền…. những tấm chân tình này làm sao tôi có thể quên.


P3250087.jpg

Nước thơm thảo.



P3250009.jpg

Bữa trưa trên đất Myawaddy, thấy nhiều tô chén vậy nhưng mất đâu khoảng 40.000VND – kể cả bia :T.​



Tôi chia tay Myawaddy, ngang qua con sông buồn, nơi những phận đời nhọc nhằn vẫn lụi hụi qua lại trong chiều nắng hoang hoải, nhuộm sông thêm vàng võ buồn.


Rồi tôi sẽ đi, tôi sẽ chia tay dòng sông… còn họ vẫn sẽ còn lầm lũi đi về… Sao tôi bỗng nhớ da diết ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ trên chùa… Tôi mong sao mai này con sông kia sẽ chở bớt đi những muộn phiền, cuộc đời sẽ giảm phần nào những khó khăn,… để chúng vẫn còn giữ được những nụ cười trong trẻo… như ngày nào….



___________________

Còn ít nhất 38 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 63

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 63



“Cuộc sống của người dân Myanmar sao thấy buồn quá ông há!” Nó thở dài, “Mà thực ra, ở mình cũng còn nhiều vùng bà con cực khổ như vậy lắm chứ không chỉ ở bển mới có đâu”.

“Ừa, tao biết chứ, nhưng thấy ở đâu khổ thì mình chia sẻ chút chút vậy mà. Nói thiệt, đi lông rông chơi nhiều lúc thấy mấy chuyện đó cũng chạnh lòng, nhiều lúc hết muốn đi, vì thấy sao mình ích kỷ quá, chỉ biết lang thang chơi cho mình mà không nghĩ đến người khác”.



“Thôi, chuyện này khó nói lắm. Ông có phúc phần may mắn (!?), đi được ông cứ đi, mai mốt về kéo cày trả nợ! Lo gì, ở đời đâu có ai mà sướng miết đâu mà ông thở than!?” Nó lại bắt đầu. “Nhưng thôi, ông quay về Thailand giùm cái, mà kỳ này dắt đi chỗ nào vui vui một chút đi anh hai. Đi mấy chỗ buồn buồn thấy lòng chùng xuống quá”.

“Okie, được rồi, đi chỗ nào vui vẻ một chút cho không khí nó sinh động hén! Ê, mậy, đừng nghe thấy từ “vui vẻ” là mắt sáng rỡ lên như vậy! Hổng có mấy chuyện đó đâu! Đừng có mơ!”.



***


Cái cách mà tôi đến miền đất này thật là lạ. Khi bước chân lên chiếc xe bus trong chiều đã muộn, nắng đã tắt, tôi cẩn thận chìa chiếc vé cho người phụ nữ kiểm soát vé và dùng ngôn ngữ thể hình báo với chị rằng tôi cần xuống xe ở đây vì tôi không biết rằng nơi tôi xuống đã là bến cuối hay chưa, nên cứ dặn trước cho nó chắc ăn. Chị ta cười cười, ok. Rồi xe chạy. Tôi chui vào góc cuối xe, vắng khách để nửa ngồi nửa nằm cho thoải mái. Sau một ngày dài lăn lóc trên đường, tôi đã thấm mệt nên lơ mơ ngủ trong lúc chiếc xe mải miết chạy sâu vào đêm đen sương mờ những cánh rừng rậm rịt vùng Isaan.



Lơ mơ tiếng xôn xao lúc xe dừng, người lên xe, kẻ xuống phố… tôi mở mắt, thấy xe dừng giữa phố phường nhộn nhịp… tưởng là đã đến nơi, định đứng lên xuống xe, nhưng chiếc xe bỗng chạy tiếp. Tôi lại chập chờn. Xe chạy một hồi, sau khi bán vé, thu tiền những khách mới lên xe, chị soát vé đi dần xuống cuối xe để đếm và kiểm tra số khách, bỗng la lên khi thấy tôi nằm thu lu trong góc xe. Té ra, chị đã quên mất tiêu tôi rồi. Chị ta xí la xí lô gì đó rồi kêu tôi đứng dậy, đi lên phía trước xe rồi kêu tài xế dừng xe và cùng tôi xuống xe. Tôi đã đi quá xa nơi tồi cần đến rồi thì phải! Mà bây giờ là ở giữa rừng đêm rồi, làm sao bây giờ! Tôi cũng hơi lo lắng, sợ nhất là nếu bị bỏ lại một mình giữa đường rừng tối đen như vậy. Nhưng không, chị soát vé ngoắc tôi đi theo chị vào một ngôi nhà bên đường, có cặp vợ chồng nông dân Thái và 1 cu con đang ăn cơm tối. Chị ta nói gì đó với họ. Lúc đầu tôi tưởng chị ta kêu họ cho tôi ngụ lại ở đây, sáng mai chờ xe quay lại, nhưng anh chồng bỗng vào nhà thay quần áo và ra dắt chiếc xe gắn máy. Bấy giờ, tôi mới biết là chị soát vé nhờ ảnh chở tôi đi ngược lại. Trời đất ơi, tôi cảm động vô cùng, vì sự nhiệt thành của chị soát vé, và cả 2 vợ chồng anh nông dân Thái kia nữa. Lúi húi nói mấy tiếng cảm ơn với chị vợ, tôi leo lên xe máy. Đợi xe chạy, chị soát vé mới quay lại và chiếc xe bus đi tiếp – chở theo chút tình của tôi.


PB110675.jpg

Vợ con của anh nông dân Thái Lan tốt bụng. Cu con giống y chang như mẹ há!​


Anh nông dân Thái chạy xé gió trong màn đêm đen mờ mịt, đi hơn 30p mới quay lại con phố xôn xao tấp nập lúc nãy và thả tôi xuống, rồi quay xe định chạy về nhà. Tôi vội giữ anh lại, chạy nhanh vào quán ven đường mua chút quà bánh gửi cho ku con. Gửi anh chút tiền, anh không nhận, tôi phải chỉ đi chỉ lại vào bình xăng xe mấy lần anh mới chịu nhận… rồi quay lại, đi vào trong đêm đen, đi về mái ấm đơn sơ, có người vợ hiền và đứa con thơ đang chờ, và cũng chở đi thêm một chút tình nữa của tôi.



PB110686-2.jpg



PB110685-1.jpg

Lộng lẫy That Phanom trong đêm.​



Vậy đó, tôi đã đến That Phanom hoa lệ rực rỡ bằng kỷ niệm khó có thể quên được như vậy đó.

___________________

Còn ít nhất 37 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 64

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 64



Tôi quyết định dừng chân ở That Phanom là nhờ những ngày rảnh rỗi ở Savanakhet ra bờ sông Mekong nằm đọc LP thật kỹ. Thời gian đó, mọi người còn chưa biết đến thị trấn nhỏ này, cũng ít có thông tin trên các travel blog… còn giờ thì thấy Việt Nam đã có tour du lịch ghé thăm nơi này, trên cung đường Đông Bắc Thái. He he he, mà anh ku chủ cái công ty mở tour này chắc bị dính dáng đến hội chứng “Thiên hạ đệ nhất nổ” của Trung Quốc nên đặt tên cho nơi này là “Thánh địa Phật giáo Thái Lan” – nghe muốn té ghế luôn!


PB110692-1.jpg

Wat Pra That Phanom lấp lánh trong đêm – được dát bằng 112 ki-lô-gam vàng đó – canh me gỡ 1 miếng hoài mà chưa được.​



Đêm đó, sau khi được anh nông dân Thái tốt bụng chở đến That Phanom, vội vã đi tìm quán trọ, lật đật quăng balo vào, tót ngay ra đường, tôi thẳng tiến đến ngôi tháp vàng lộng lẫy rực sáng. Chiêm ngưỡng và sửng sốt vì vẻ hoành tráng của chùa Pra That Phanom, tôi lại lên đường đi lòng vòng, khi chùa bắt đầu khép cửa chính. Bắt đầu đi tìm nơi ăn chơi (chưa kịp ăn uống gì tôi đã xông thẳng vào chùa vì sợ chùa đóng cửa), theo LP tôi định tìm đến quán Go All Night nhưng lạng quạng thế nào (vừa đi vừa "888" trả lời tin nhắn của bạn bè ở quê nhà...) tôi lại đi lạc vào quán khác. Thấy cũng được được bèn ngồi xuống luôn, khỏi đi tìm Go All Night nữa.


PB110705.jpg



PB120741.jpg

Quán, có tên được dịch ra tiếng Anh là "Wooden House of Friends", nơi tôi đã gặp đồng hương, hình chụp vào buổi tối và sáng hôm sau.



PB110701.jpg



PB110706.jpg

Các đồng hương người Việt và gốc Việt.​


Ngồi một tý thì có 1 anh bàn kế bên cầm ly sang cụng cái chóc rồi hỏi "where r u from?", rồi anh trợn mắt lên vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời, anh hỏi lại: “Really?”. Thì ra anh ta là người gốc Việt (sinh ra bên Thái) và quán này là của 1 người cháu họ của anh, bố Việt mẹ Thái. Cũng dịp này, có 1 chú lớn lớn tuổi người Đà Nẵng (chú của anh) sang thăm, lại càng vui hơn nữa vì gặp đồng hương "thiệt". Thế là tám và uống gần nguyên đêm – trời ơi, còn được miễn phí hết luôn. Thiệt là quá đã!!! Anh chủ quán còn còn kêu tôi quay về nhà trọ lấy đồ sang, ở lại quán ngủ nữa. Nhưng phần thì sợ phiền, phần thì vì ông chú chủ nhà trọ cũng rất tốt bụng, vui vẻ, lại chịu bớt giá khi tôi thử trả giá nữa (?!) nên tôi hẹn mấy anh để dịp sau. Thú thật là từ hôm rời Sài Gòn đến giờ, hơn nửa tháng rồi tôi mới uống nhiệt tình và thiệt tình như vậy. Vì vui và an tâm vì gặp được người mình nơi đất khách quê người. ĐT liên lạc của các anh bạn này tôi vẫn còn giữ, bạn nào dự định sang That Phanom có thể liên lạc với tôi nhé. Cứ chén chú chén anh như vậy mà đêm trôi, và do vậy sáng hôm sau tôi thức dậy muộn, gần 8am – là quá muộn đối với tôi, và đầu nhức ong ong! May mà không có vụ án ly kỳ nào như trong phim Hangover!!!


___________________

Còn ít nhất 36 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 65



Không nói đến sự lộng lẫy của tòa Chedi/Stupa cao 57m, được chạm trổ, cẩn dát và làm bằng 112kg vàng ròng ở cái chóp nhọn trên cùng… ngôi chùa Wat Pra That Phanom rất nổi tiếng vì được cho là được xây dựng lần đầu cách đây 2.500 năm, 8 năm sau ngày Đức Phật nhập cõi Niết bàn, và có chứa xá lợi Phật. Ngôi chùa hiện giờ đã được xây đi xây lại nhiều lần. Ngôi chùa hiện nay, được xây lại hoành tráng vào thế kỷ XVI, bởi vua Setthatirath của vương triều Lane Xang (Lào).


PB120728-1.jpg

Phía sau cánh cổng rực rỡ này là ngôi chùa Wat Pra That Phanom​


Dù được sửa chữa nhiều lần, ngôi chùa và tòa chedi vẫn giữ nguyên nét đặc trưng thanh thoát của các stupa của Lào. Lần sửa chữa gần đây nhất là vào 1975, khi tòa tháp bị suy sụp bởi những cơn mưa lớn, nhưng có rất nhiều thông tin đồn thổi của người dân địa phương cho rằng nó liên quan đến việc sụp đổ, thay đổi chính quyền cai trị trên đất nước Lào, vì ngôi chùa này, khu vực này ngày xưa từng thuộc vào vương triều Lane Xang!!! Và, ngôi chùa này hiện nay là nơi thờ phụng của không chỉ người dân Thailand mà còn cả những người anh em Laos, chỉ cách trở bằng 1 con sông – dòng sông mẹ Nam Mekhong chia đôi bờ.


PB120729-1.jpg




PB120725-1.jpg

Thanh thoát và lộng lẫy, Wat Pra That Phanom​



Dấu ấn, sự ảnh hưởng của người dân Lào lên trên miền đất này còn có thể thấy ở cổng chào của thị trấn, một mô hình thu nhỏ của Patuxai (Vientiane) / Khải Hoàn Môn (Paris), nằm trên con đường chính của phố, nhìn thẳng vào ngôi chùa Wat Pra That Phanom.


PB120724-1.jpg

"Khải hoàn môn" / Patuxai của That Phanom​


Đây cũng là một điểm đặc sắc và lạ ở That Phanom. Lúc đầu, tôi cũng tưởng là chỉ ở That Phanom mới có ảnh hưởng lạ, đặc biệt này, nhưng sau đó tôi mới biết mình đã lầm.


___________________

Còn ít nhất 35 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 66

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 66



Thực ra, tuy ít người biết đến thị trấn That Phanom, nhưng rất nhiều người biết đến tỉnh Nakhon Phanom, nơi thị trấn này trực thuộc. Khu ngoại ô của thành phố Nakhon Phanom, thủ phủ của tỉnh cùng tên, có ngôi làng Na Chooc, là nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sống và hoạt động những năm 1928-1929. Đến giờ, nơi đó là di tích, là điểm tham quan nằm trong cái tour thăm viếng Thánh địa Phật giáo Thái Lan mà tôi có nói ở trên. Nhưng tôi lại chưa ghé vào – dù đã ngang qua đó!


Gần đây hơn, vào năm 2008, chính xác là ngày 27.01.2008, người ta lại một lần nữa biết đến Nakhon Phanom qua vụ lật chiếc thuyền chở 23 người Việt, làm 14 người chết và mất tích xảy ra trên dòng Mekhong, ngang qua Nakhon Phanom của Thái và Thakhek của Lào. Nạn nhân là những người lao động Việt Nam nhập cư trái phép vào Thailand, đang trên đường về quê ăn Tết.


***


PB120744.jpg

Dòng Mekong, bên kia là Thakhek, Lào.​


Tôi đến That Phanom đúng vào hôm có phiên chợ của người Lào trên đất Thái. Khác xa chợ phiên Indochina ở Mukdahan sầm uất phồn thịnh… và rất nhiều hàng Tàu, chợ phiên That Phanom chỉ bày bán toàn những nông lâm ngư sản, phẩm vật của địa phương. Hầu hết là do người dân Lào từ bên kia sông mang sang bày bán, mong cầu kiếm thêm chút tiền còm vì giá cả bên Lào rẻ hơn bên Thái rất nhiều. Những con đò nhỏ mong manh tành tạch qua về trên dòng Mekong cuồn cuộn xuôi về biển đông hầu như lúc nào cũng khẳm đầy những thân phận nhọc nhằn.


PB120717.jpg



PB120718.jpg

Ai nói rằng chỉ có ở Bắc Việt mới có cốm xanh. Hàng cốm ở chợ phiên Lào Thái có rất nhiều cô hàng cốm, rất dễ thương khi khách lạ chụp hình.​



Lang thang trong chợ, ngắm nhìn những gương mặt chơn chất, những trao đổi bám mua hiền lành dung dị, vào viếng thăm những ngôi chùa bình yên ven dòng Mekong, ra sông trưa ngắm nắng… rồi cũng đến lúc tôi nói lời chia tay That Phanon lộng lẫy và yên bình.


PB120714.jpg



PB120712.jpg

Bên cạnh Wat Pra That Phanom mang đậm tính Lào, ở That Phanom lại có những ngôi chùa mang sắc thái Cambodia – mãi sau này tôi mới biết tại sao.​



Tôi có lời hẹn sẽ quay về nơi đây, nhưng mãi vẫn chưa thành.


___________________

Còn ít nhất 34 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 67

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 67



“Đang lấp lánh vàng son, cả 112kg vàng, tui đang phát ham, tính qua canh me gỡ vài miếng, tự nhiên ông nói cái vụ lật thuyền làm tui xìu quá hà! Tui nghe nói không những vậy, mà đời sống của bà con Việt kiều mình bên miệt đó ngày trước cũng nhiều khó khăn tủi hờn lắm phải không ông?”. Giờ cũng chịu khó đọc mấy tin không có mấy chuyện “lộ hàng” rồi hả ku?


“Ừ, cũng có nhiều chuyện không hay lắm. Bữa nào mầy rảnh rỗi tao lên mạng tải xuống rồi gửi cho mầy đọc. Mà thôi, lẽ ra tao tính “đi tiếp” lên Nakhon Phanom, nhưng thấy không khí buồn qua, tao dắt mầy dọt qua xứ khác chơi nghen. Mai mốt mình quay lại Nakhon Phanom sau há!”


***


Là 1 tỉnh rất xa lạ với người Việt, hầu như không n82m trên cung đường du lịch nào, nằm kẹt trong 1 góc sâu miền bắc Thailand, miền đất này đã từng thuộc về rất nhiều các vương triều, Lana, Burmese, Lanexang, Siam... nên những ngôi chùa xưa trong phố mang nhiều kiến trúc thật khác nhau.


P4100141.jpg


P4100002.jpg

Những ngôi chùa nhiều phong cách.​


Và do nằm trải dọc theo một con sông còn tươi mát, thành phố này là sự giao thoa đẹp giữa thiên nhiên và con người, bình yên đẹp những mái chùa vàng óng soi bóng xuống dòng sông, nơi lũ trâu ngoan nằm yên cho dòng sông ve vuốt… bên lũ trẻ trâu tưng bừng đùa nghịch…


P4090259.jpg

Sông quê chiều êm


P4100213.jpg

Mưa bay bên chùa vắng.​



Và sao tôi có thể quên một chiều mưa giật trắng trời, một mình tôi bên hiên chùa vắng. Chỉ một mình tôi thôi – ngoài kia, hoa sứ hồng, bằng lăng tím, phượng đỏ, bò cạp vàng,… rụng bay rực rỡ đất trời.


Nan bình yên của tôi đó.

___________________

Còn ít nhất 33 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 68

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 68



Tôi đến Nan trên chuyến xe trưa nóng nung người từ Phrae, những ngày tháng tư chưa mưa chờ mùa vui Songkran. Miền bắc Thailand những ngày này nóng hơn Saigon tháng 4 rất nhiều, nên tôi đành nhảy lên song-thẻo đi về nhà trọ, bỏ qua thói quen cố hữu là thường đi bộ, cõng balo tìm nhà nghỉ. Và tôi cũng bỏ luôn thói quen tót ra đường ngay khi đến miền đất mới mà trấn thủ trong nhà nghỉ, lướt net chờ chiều xuống.


Rồi tôi vọt ra đường, để choáng váng với Nan, từ cái nhìn đầu tiên!


P4100148.jpg

Thành cổ từ thế kỷ XIX…


P4100077.jpg

… ngôi chùa thanh khiết giữa mùa hoa lá tháng tư Nan bình yên​


Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh núi đỏ đèo cao sông sâu hiểm trở, Nan ngày xưa là 1 vương triều nhỏ, độc lập, ít tham gia vào các chiến sự nhộn nhịp của các vương triều Burmese, Sukhothai, Chiangmai, Lanna… Mãi cho đến thế kỷ XIV, khi vương triều hùng mạnh Lane Xang (nước Lào bây giờ) phát triển Chiang Thong (Luang Prabang ngày nay) thành kinh đô, người ta mới bắt đầu biết đến miền Wara Nakhon (Nan bây giờ), một điểm giao thương quan trọng trên con đường từ Luang Prabang đến kinh đô Chiang Mai của vương triều Lanna. Đến 1558, Nan rơi vào tay người Burmese và rơi vào hoang tàn. Mãi đến 2 thế kỷ sau, năm 1786 người Siam mới lấy lại được. Các lãnh chúa địa phương lại lên nắm quyền, Nan được xem như vùng bán tự trị trong vương triều Siam. Mãi đến 1931 Nan mới chính thức trở thành 1 tỉnh của Thailand.


P4100018.jpg

Sự đa dạng trong các phong cách chùa chiền phải xem từ các linh vật, bắt đầu từ sư tử của Burmese…


P4100016.jpg

…rồi đến voi của Sukhothai…


P4100021.jpg

…rồi lại đến sư tử Thai Lũe (?) đuổi theo sư tử Burmese…


P4100070.jpg

…và không thể nhầm vào đâu Naga của Thailand!​


Một đoạn thành cổ ôm quanh Nan ngày xưa, giờ vẫn sừng sững giữa phố, bên những ngôi chùa lạ, và những hàng bò cạp nước rực rỡ vàng những ngày tháng tư nắng cũng vàng ơi là vàng.


___________________

Còn ít nhất 32 chương hồi nữa!nho
 
Last edited:
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 69

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 69



Sau một đêm bên bờ sông Nam Nan lộng gió, tôi bắt đầu ngày mới bằng việc viếng thăm ngôi chùa gần nhà nhất, Wat Pra That Chang Kham. Ngôi chùa quan trọng thứ nhì trong thành phố này vào lúc sáng sớm yên vắng. Chùa Wat Pra That Chang Kham được xây dựng lần đầu từ 1458, với nhiều truyền thuyết và huyền thoại xung quanh chùa, như về chuyện 1 người nước ngoài mua một bức tượng Phật, theo kiến trúc Sukhothai (tức là đã rất lâu) vào những năm 50 thế kỷ trước, với giá tiền thật cao. Nhưng khi di chuyển bức tượng cao 145cm này, ông làm ngã bức tượng, lớp vỏ bên ngoài tượng vỡ ra, để lộ một tượng khác bằng vàng ròng. Ông đã trả lại bức tượng đó cho chùa và pho tượng vàng đó vẫn được giữ lại chùa đến hiện nay...


P4100005.jpg

Pho tượng vàng sau khung kính – chắc sợ kẻ hoang đàng tôi đến gỡ một miếng chăng?!


P4100001.jpg

Wat Pra That Chang Kham, 3 kiến trúc đa dạng hòa vào nhau.​


Tuy ngôi chùa chính Wat Pra That Chang Kham được xây đi xây lại nhiều lần, nhưng tòa tháp chedi lớn phía sau chùa đã được gìn giữ từ thế kỷ XIV và rất dễ dàng nhận ra phong cách Sukhothai của tháp qua bầy voi quanh ngôi tháp, rất quen thuộc nếu bạn đã từng lang thang Sukhothai, Si Satchanalai hay Kamphengphet…


P4100008.jpg



P4100016-1.jpg

Tòa chedi phong cách Sukhothai.​



Trong sớm mai thanh khiết, ở một miền đất có rất ít du khách chỉ đó đây vài người mộ đạo lặng lẽ,… lang thang trong ngôi chùa Wat Pra That Chang Kham, hương sứ bảng lảng dịu dàng, những thiện nam tín nữ với những nụ cười hiền hòa thân thiện, những câu chào êm ái… mới thấy mình đã quá may mắn lạc bước đến nơi này.



Từ Wat Pra That Chang Kham, tôi lang thang qua ngôi chùa nhỏ Wat Hua Khuang ngay gần đó. Ngôi chùa Wat Hua Khuang nhỏ nhắn xinh xắn này có một tòa chedi theo phong cách phối hợp giữa Lanna & Lanexang, còn ngôi nhà nguyện nhỏ bé bằng gỗ xinh xắn kế bên lại được xây dựng theo phong cách Luang Prabang… Bạn sẽ ngạc nhiên trước những kiến trúc đa phong cách này nhưng sẽ không có cảm giác xa lạ, vì ngôi chùa nhỏ xinh, những chú tiểu thân thiện, những sư thầy hiền hòa… sẽ làm bạn thấy như đang ở quê nhà yên bình ngày xưa.



P4100040.jpg

Nhẹ nhàng Wat Hua Khuang


P4100028.jpg



P4100025.jpg

Sự pha hòa các phong cách Lanna, Lanexang, Luang Prabang… đẹp dịu dàng​


___________________

Còn ít nhất 31 chương hồi nữa!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,958
Bài viết
1,157,005
Members
190,295
Latest member
go88linktai
Back
Top