Re: Tìm về nơi cửa Phật- Chuyến hành trình của những kẻ “ế” nhà HTPH
Thời tiết oi bức khiến 5 kẻ ế dường như uể oải. Bỏ lại sau lưng nhiều hang động đẹp như Hang Bụt Mọc; Động Gió Lùa, Chợ Trời hay sự tích về Hang Thánh Hóa- nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác trở về cõi Phật; Rồi Hang Cắc Cớ với truyền thuyết một bể chứa hàng nghìn bộ xương của nghĩa quân ta mà lòng ai không thôi khắc khoải. Bởi ít nhiều truyền thuyết cũng đã ghi rằng, đây là nơi gặp gỡ và kết duyên của những kẻ trai chưa vợ, gái chưa chồng: “Gái chưa trồng trông hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.”
Hành trình xuống núi không mấy vất vả. Song cũng có kẻ đã phải như thế này:
5 kẻ ế quyết định dừng chân bên chiếc cầu Nguyệt hướng về phía ao. Chị hàng nước, có lẽ sau những buổi sáng dậy sớm chuẩn bị đồ đi bán thì giờ đây cũng gục mặt bên những hàng cau thẳng tắp dưới mái hiên chùa.
Xa xa, những đứa trẻ hồn nhiên đầm mình trong nước và đang oẳn tù tì chơi trò ngụp lặn. Những tiếng cười giòn tan. Những cú quẫy nước thật mạnh. Và cả làn da chẳng bao giờ cần đến thứ thuốc gọi là kem chống nắng cứ nhấp nhô thoắt ẩn thoắt hiện trên ao nước cạnh Thủy đình. Ôi tuổi thơ ấy mới đẹp đẽ làm sao!
Sau một hồi nghỉ ngơi thì vài kẻ ế lại tranh thủ tạo dáng:
Thi thoảng lắm mới bắt gặp Dinh Luu cười như thế này trong suốt cả chuyến đi:
Rời khỏi chùa Thầy, 5 kẻ ế tiếp tục qua những con đường làng đã được bê tông hóa để đến với chùa Tây Phương, ngôi chùa được xem là có những bức tượng cổ nhất, đẹp nhất và được ghi nhận là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê.
Men theo 329 bậc đá ong, với những gian hàng nhỏ xinh bán đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ, thi thoảng nó bắt gặp lẫn trong đó là hình ảnh những cụ già bỏm bẻm nhai trầu với mẹt hàng kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chè lam mà thấy như thân quen quá đỗi. Những gương mặt bình dị, những giọng nói lơ lớ hơi bị luyến láy trong vần điệu và cả những chiếc áo đã sờn theo mùa nắng. Đó là tất cả những hình ảnh gần gũi nhất mà nó cá rằng, bất kì ai dù có đi đâu đó thật xa thì cũng không lúc nào thôi nhớ.
Trước sân chùa, tán những cây xoài cổ thụ vươn bóng che mát cho những ai đã về đến nơi cửa Phật. Không quá đỗi lạ lẫm và cũng không đến mức ngạc nhiên khi 5 kẻ ế cứ dán mắt mình vào những bức tượng Phật bằng gỗ. Nghệ thuật điêu khắc quả thật quá tuyệt vời. Những câu hỏi dần hiện lên trong suy nghĩ, tại sao cùng hiện thân là Phật nhưng lại có người to béo, người gầy còm? Tại sao vẻ mặt mỗi người cũng mỗi khác? Và tại sao các đức Phật cùng đắc đạo nhưng mỗi người lại ở một tư thế khác hẳn nhau??? Có lẽ, chỉ có thể suy diễn rằng, phải chăng, phải chăng đức Phật cũng là hiện thân của con người, cũng vẫn trầm tư suy nghĩ đến những nỗi đau quằn quại của chúng sinh mà trở nên như thế??? (Tiếc là eddy không chụp lại hình ảnh của bất kì bức tượng nào hết)
Và chuyến hành trình tìm về nơi của Phật của 5 kẻ ế nhà HTPH đã khép lại. Rời khỏi chùa Tây Phương, những câu thơ của nhà thơ Huy Cận bỗng vẳng lại bên tai:
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổi trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen...
...Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...