What's new

Tình cờ Xuyên Việt

Dudi

Phượt thủ
Có lẽ vì thích tròn cho dễ nhớ, chọn cái gì cũng 7 như 7 sắc cầu vồng, nên chuyến vi hành giang hồ khắp nước bằng xe máy của chúng tôi xuất phát từ Sài Gòn vào lúc 7 h, ngày 7, tháng 7, năm 2007.

Chỉ là trùng hợp tình cờ. Sau này mới biết đó cũng là ngày diễn đàn này ra đời. Xét theo giờ giấc, lúc mọi người ở đây nâng cốc hả hê tại Hà Nội, thì chúng tôi đang túm tụm trong một cái quán nhờ nhờ tối, hít hà hương vị rượu bản địa với cái se se lạnh Đà Lạt. Âu cũng là nâng lên đặt xuống. Người mở mạng, kẻ gieo mình vào đêm đầu lang bạt trong chuyến phượt tròn 30 ngày.

Từ Sài Gòn ra bắc rồi vòng một vèo từ Đông sang Tây, từ Móng Cái qua Điện Biên, lúc đường cái quan, lúc la đà vào những đường mòn đến hướng dẫn viên địa phương cũng phải ngược xuôi đi tìm dân bản địa để hỏi bằng thứ tiếng líu lo không ai hiểu. 13 người trên 9 chiếc xe, nhiều lúc lạc tan tác. Một thành viên mải lang thang chụp chẹp, cho đến khi bị dân quân ra hô hoán xua đuổi, mới biết đã vô tình “vượt biên”.

Nhưng đường ra bắc không chỉ là đường thẳng theo QL 1, cũng không hẳn theo đường Hồ Chí Minh. Các cung đường được khéo chọn theo cách: một hôm lên bờ, một hôm xuống ruộng, tức một ngày lên rừng, một ngày xuống bể.

Cốt là để rửa mắt và rửa miệng, cho nó đỡ nhàm. Lý thuyết là thế, nhưng thực tế có khi lại là lên rừng xơi cá, xuống biển nhậu thú rừng. Tỷ như tới thủ đô mỏ vàng Phước Sơn giữa rừng Quảng Nam, lại toàn món cá ngon chưa từng, cá suối, cá đắng…


-----

P/S: Bài này định kèm theo 2 ảnh để “múa minh họa”. Nhưng yem loay hoay mãi không lồm được. Pác nào piết thì chỉ yem vối ợ.
Mời bác dùng chức năng "Kho ảnh" để đưa ảnh len server và hiện tren bài viết. Cheers!
 
Last edited:
Bác ôi, cái ảnh chưa bốt đươc, vì nó bẩu to quá. Yem cứ tưởng là cái gì cứ to là tốt, hoá ra có lúc cũng không mấy tốt, nhể.
Mấy cái vi tính tinh vi này khó we, yem chã biết lồm sao đây. Bác thương thì cầm tay chỉ việc may ra mối lồm được.
Đó là yem đã kiên quyết theo lời bác dạy rùi: Không biết thì hỏi tự ty lồm giề !
 
Bác dùng phần mềm resize ảnh lại rồi mới upload lên nhá.
Ảnh tối đa 600x800 pixels thôi thì mọi người còn dễ dàng xem được. Ảnh to quá thì mỗi lần mở ra xem ngại lắm.

ACDSee resize được, PhotoWork resize được, PhotoEditor được, PhotoShop được....

Bác sửa lại tên topic cho có dấu đi bác.

À, tuy rằng chúc rượu bác, nhưng cũng mong bác chỉ nên dùng từ lái in ít, hợp lý thôi. Đọc bài bác hay nhưng chen quá nhiều từ lái không được khoái lắm bác ợ...
 
Nhìn thoáng qua em tưởng bác up hình ở bển :D
@ dudi: ảnh bác resize và up thế là đạt rồi đấy, để luyện thêm tay nghề mời bác sang đây tham gia cuộc thi tay to canh nét post ảnh nhé

:D
 
Hầy dà, yem chỉ chụp để làm nhân chứng vật chứng thui, co biết ảnh ót gì đâu.
Thành thực cám ơn bác Chitto, bác Chuối, đặc biệt là bác Nhựa đã giúp yem nhìu.
Các bác nào mới như em, không hiểu gì cứ nhè mấy bác này mà hỏi nhé. Bảo đảm nhanh chóng trở thành trong sạch vững mạnh! Thiệt! :))
 
Tình cờ Xuyên Việt 2

Chuyến phượt vòng quanh đất nước bằng xe máy dài hơn 8.000 cây số được khởi đi bằng một cuộc tiễn đưa đơn giản mà bịn rịn, tại trước cửa Tòa thị chính. Gia đình, bạn bè, cả những bạn tiếc nuối chưa đi được, cũng đến động viên. Những tia nắng hồng còn ngủ nướng, gượng dậy xuyên qua búp xanh đọng sương, rồi đẩy vào lưng người lầm lũi ra đi.

Không phải ngẫu nhiên yem đố các bác tấm hình post ở trên chụp ở đâu. Xin thưa: Đà Lạt. Nó được chụp chiều ngày 7.7.2007, khi mặt trời đang xuống núi và những kẻ phượt du đặt chân tới Đà Lạt, đích đến của chặng đầu tiên.

Vâng, Đà Lạt bi giờ như Tây.

Và bức ảnh dưới đây là nguyên gốc Moulin Rouge nổi tiếng giữa Paris:


1173471192bddb87e.jpg



Hơn ba trăm năm trước, bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt trong những chuyến ông phượt từ Nha Trang lên. Đà Lạt trở thành một thành phố Tây yên ả, lãng mạn. Rồi bi giờ, cả Moulin Rouge cũng được cọp-py từ Paris về Đà Lạt.

Ở Paris, đó là nơi đô hội của giới thượng lưu. Còn ở Đà Lạt, nó chỉ là một quán ăn thuần túy, xùy tiền là vào xơi.

Vài ông Tây bà đầm ngơ ngác dập dìu trên những con phố dốc khi thành phố lên đèn. Cuộc sống dường như đã sang số tăng tốc. Cái trầm tư lắng đọng đã vơi đi ít nhiều. Cái chợ trên những bậc thang khoác thêm sắc thị trường, mầu mè và xô bồ.

Những bậc thang nối cái quảng trường trung tâm trên cao có cái chòi nhà hát với khu chợ bên dưới, nếu yem nhớ không nhầm, là do KTS Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh Độc Lập) có thò tay vào. Nó mang dáng dấp của việc quy hoạch một quần thể kiến trúc kiểu Ý, nhất là những bậc thang trên quảng trường thánh Pi-e.

Ồn ào quá. Lượn xe máy quanh vòng Hồ Xuân Hương và đồi Cù để hít thở và tưởng tượng cái yên ắng đọng sương ngày xưa. Rồi về phố cổ, nấp vào một cái quán, ngắm những cái bóng lướt qua không gian ướt lạnh nổi lên sau những ánh đèn hắt đỏ. Chỉ ước Đà Lạt mãi xanh.

Nhưng nó phụ thuộc quá nhiều vào con người. Bi giờ lên Đà Lạt, có thể nghe rất nhiều giọng nói, nhiều nhất là miền Trung, từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Đố các bác, những người Kinh đầu tiên cùng người Pháp lên Đà Lạt định cư với người dân tộc là từ đâu?

Xin thưa, người Hà Nội gốc. Vì cần những người biết trồng hoa, biết nấu ăn và quản lý nhà vườn, nên ngay lúc tìm ra Đà Lạt, người Pháp mang theo gia nhân từ các vườn hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm…

Sách vở bẩu thế. Còn yem có một người quen, tên là Thành, gốc Hà Nội chánh hiệu con nai vàng, cả nhà vào Đà Lạt từ thuở những năm 30, vì bố anh ấy là kỹ sư canh nông, được người Pháp tuyển vào làm trồng trọt. Lớp ấy, bi giờ khuất núi hết rồi. Chỉ còn lại Đà Lạt làng hoa.

Nhưng một người quen khác, tên là Hóa, làm hoa ở Đà Lạt đến móm cả răng, nay chuyển sang bán lẩu đuôi bò. Hồi trước, tuần nào anh ấy xuống Sài Gòn bán hoa, cũng ghé nhà yem chơi. Nay không thấy anh ấy xuống nữa. Hỏi thì anh ấy bảo làm hoa hết thời rồi.

Thẻo nào, Moulin Rouge xa xăm hiện về đất hoa. Và rất có thể sẽ cạnh tranh cả với cái quán lẩu đuôi bò bình dân của anh bạn Hóa.

Đêm đầu tiên trong chuyến phượt 30 ngày là ở Đà Lạt, nằm trăn trở. Bốn ông nằm bốn góc, một ông vô tình ngáy o o. Vừa mới quen nhau sau khi nhận phòng. Vì đoàn quân xuất phát từ Sài Gòn trên đường đi lại cuốn theo thêm lính mới, những người đã nấp sẵn đâu đó dọc đường, nối mạng rồi hòa theo.

2 h sáng hôm sau, ngày 8.7, cái ông ngáy sung sướng ấy đã dậy, lục tục soạn đồ. 3h30 sáng, một ông khác dậy đi chạy, tập thể dục. 4h30 sáng, ông thứ ba dậy đi kiếm cà phê, động tác đầu tiên của đa phần người Sài Gòn thường làm mỗi sáng sớm.

Ấy là về sau hỏi nhau khớp giờ như vậy. Còn lúc ấy, có ai xem đồng hồ. Yem dậy chót, tắm giặt sạch sẽ, nai nịt gọn gàng, xách đồ xuống buộc vào xe, sẵn sàng đi chiến đấu… Hóa ra mới có 5 h sáng.

Mỗi ngày chạy vài trăm cây, vẫn ngủ nghê kiểu vậy. Ăn lại còn ít nữa, vì ăn nhiều sẽ sóc bụng không chạy được. Chỉ có uống là nhiều, đủ loại trên đường và tối về thì… bia đê!

Buổi tối đầu tiên ấy, trước khi đi ngủ, mọi người quây quần thử rượu Đà Lạt. Vui như hội. Thời khắc ấy, ở Hà Nội, có một đám khùng tưng bừng khai trương mạng Phượt.

Rôm rả với những câu chuyện của ngày đầu tiên. Và khi bàn về chuyện đi đứng ngày mai, dự báo là: sẽ vượt đường mới toe trong rừng, có khúc cả trăm cây số chưa chắc có bóng người. Cần đổ đầy xăng.

Và có thể sẽ phải gặp cả cướp…
 
Last edited:
Tình cờ Xuyên Việt 3

Tình cờ mà vẽ nên một cánh diều. Cái vòng cung phượt từ Hà Nội vòng ra Đông Bắc, sang Tây Bắc, về lại Hà Nội sẽ là cái thân diều. Những cung đường zích zắc từ Sài Gòn ra Hà Nội là cái đuôi diều uốn éo gấp khúc. QL 1 thênh thang trong chuyến trở về Sài Gòn là cái dây diều. Con diều tung cánh lên, kiêu hãnh, rồi cứ thế bồng bềnh mãi trong tâm tưởng…

Đồ nghề, toàn lởm cả. Cả đoàn, oách nhất là một chiếc LA 250, rồi đến Jupiter, còn lại là Bonus, Dream cà tàng. Cuối bảng là Cup 90 và Minsk. Máy ảnh, có mỗi một cái to, chả biết loại gì, chỉ biết có vài ống kính, còn lại toàn đồ đút túi như điện thoại. Nhiều người còn chẳng thèm mang máy ảnh.

Đó là một phong cách rất Sài Gòn. Miễn là được việc, không quan trọng cái khoản lấy le, hay là giải quyết khâu oai. Sẵn sàng hưởng đến tung tóe khi cái sướng đến, rồi thôi, khỏi nặng nề vướng bận.

Đồ thì thế, còn người xem ra cũng dữ. Trộm vía khai lý lịch phượt của một bà trong đoàn: từng một mình lang bạt kỳ hồ khắp nước, từng một mình trên chiếc Dream leo trèo hết Mèo Vạc, Đồng Văn, Lũng Cú. Mà bà ấy, đã 60 cái xuân xanh, vẫn phăm phăm chạy với cái tủ thuốc toòng teng treo phía trước. Thuốc gì không biết, nhưng cứ luôn phải ướp lạnh bằng nước đá, ngày phải xực đủ 6 cữ, cứ đến giờ lại phải “lên”.

Bà ấy (không nêu tên vì chưa hỏi ý kiến) tự thân là một cái bản đồ sống. Đường nào, quẹo đi đâu, có cái gì hay trên đường, bà ấy đều nói vanh vách. Thế nhưng, cung đường thứ hai, từ Đà Lạt xuống Tuy Hòa lần này, tất cả bản đồ sống trong đoàn đều bỗng chuyển sang… từ trần.

Bởi vì không theo đường cũ xì là đổ đèo Ngoạn Mục rồi ngoặt xuồng Cam Ranh. Đường ấy nay chỉ dành cho dân đua xe đạp. Còn dân phượt phải chơi đường mới toe, theo khí thế đâu có đường là ta cứ đi, chưa có cũng đi.

Con đường ấy, chưa có số, chưa được vẽ trên cuốn bản đồ giao thông đường bộ in năm 2006. Khúc ấy, trên bản đồ này, chỉ là những mảng xanh lè, với ký hiệu đồi núi chập chùng.

Theo bản đồ “chuyên trị” của dân phượt to bằng cái chiếu con mà mỗi thành viên trong đoàn đều ẵm theo một chiếc, từ Đà Lạt xuống Nha Trang con đường này mới được vẽ sơ như một sợi chỉ mảnh mai, len lỏi qua Đạ Sa, Long Lanh, Hòn Giao, Liên Sang, rồi cặp theo sông Cái, xuống Khánh Vĩnh, Diên Khánh.


1173471207497e5d2.jpg



Cái âm u và lạnh lẽo của rừng già còn được chụp xuống cả bầu trời mây vần vũ. Đi giữa trưa mà như lúc chiều tàn hoang vắng. Những cánh rừng hun hút còn thơm mùi vừa được gọt đẽo, cứ như mới vừa có dấu chân con người đặt đến hôm qua. Lạnh lưng. Thần hồn nát thần tính.


1173471207497f571.jpg



Những cái cầu mới toanh, uốn khúc giữa những mỏm đá. Phía dưới nó không phải là sông, chỉ là khe đá. Cầu nối núi với núi mà thành đường.

Nhưng vẫn còn nhiều đoạn chưa xong. Công trường ngổn ngang trong đất đỏ bùn lầy, lún đến nửa bánh xe. Thoát được ra đến đèo Hòn Giao mới thấy nắng và người trên đường. Rừng một bên và vực sâu một bên. Đèo cao, quanh co và dài, những chiếc xe đi lên thở hổn hển, lâu lâu phải dừng lại tưới nước vào máy.


117347120749808fa.jpg



Đang sướng đánh đu trên rừng, lại xuống QL 1 bụi bậm và ồn ào, từ Nha Trang băng ra Tuy Hòa, thủ phủ của Phú Yên, phố biển trầm lặng và thân thiện.

Không biết các bác thế nào, chứ yem nghe về Phú Yên lần đầu tiên là đọc trong sách giáo khoa cấp một từ thời những năm 60, một bài ngắn, nói về xứ dừa Bình Định và bão về Phú Yên, Tuy Hòa.

Đó là thời tưởng tượng về miền Nam ruột thịt với những câu hát cửa miệng: “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi. Chú ơi chú, bao giờ, bao giờ, cho em hái dừa, hái xoài, hái thơm, gửi sang Đông Đức tặng bạn của em…”

Tuy Hòa nay, tự khám phá hay hơn nhiều sự tưởng tượng từ câu hát tuổi thơ. Thành phố nằm trên bờ biển, ven cầu sắt Đà Rằng cũ càng êm đềm hơn khi đường cao tốc với cầu Đà Rằng bằng bê tông được làm mới về phía tây.

Có hai điều, sau này đi khắp nước, khó thấy như ở Tuy Hòa. Thứ nhất, gà cực ngon. Gà đồi, thơm thịt, không mỡ màng, đủ dai, nhai không đau răng, chỉ ngọt lịm. Đên gà Tam Kỳ nổi tiếng cũng không ngon bằng. Oánh chén bữa tối xong, đến đêm lại mò ra choảng phát nữa, cho bõ. Cứ mấy cái xe ở vệ đường QL1, ngay gần ngã tư trung tâm ấy mà xơi, ngon choét.

Giá cả ở Tuy Hòa rất được. Mấy đồng bọn vào thành phố ăn la cà đủ các món, khen rối rít, vừa ngon vừa rẻ, vừa vệ sinh lịch sự.

Nhưng cái thứ hai mới thích: người dân cực thân thiện. Họ sẵn sàng giúp đỡ rất nhiệt tình, chân thật. Cái này về sau mới thấm, kể ra để mà so sánh. Đến Hải Dương, Sơn La, hỏi han đường, bị xe ôm “xin” tiền. Người ta còn đòi dẫn đi, rồi xin 15-20 nghìn, hóa ra chỉ đi thẳng, chừng 2 cây số trong thành phố. Lên Cao Bằng, hỏi đường được mấy ông dân tộc chìa tay ra: cho tiền đi thì chỉ. Hỏi: Ngày xưa Kim Đồng với Vừ A Dính chỉ đường cho cách mạng, có lấy tiền đâu? Đáp: Hừ, cho tiền đi thì chỉ. Tức là không có đàm phán.

Còn ở Tuy Hòa khác hẳn.

Chỉ phải cái lúc đầu chưa quen âm ngữ địa phương, nên đôi khi phải ngẩn người một chút. Chả hạn, tất cả chữ a nói thành chữ e. Không biết tác giả dự án cải cách giáo dục đưa chữ e ra học trước chữ a có phải là người Phú Yên không kia chứ, hehe. Nhưng họ cũng không giận yem cái tội chém cha không bằng pha tiếng, khi nhại giọng mà hát làm quà:

“Beng beng, khi công en đi bét quen gien. Enh ném tey em, beng beng. Enh sẽ không quen beo giờ…è e í e…”.

Ánh vui lóe khóe mắt ướt qua kẽ tay đang bụm miệng của cả cô bán bánh mỳ lẫn cô bán cà phê ngồi cặp hai bên, trên lề đường QL 1 lúc bình minh.

Sẽ có lúc phải trở lại nơi này là cảm giác nổi lên khi chia ánh mắt chào những “đôi mắt người Tuy Hòa”. Nhổ neo ngược Kontum, trở lại với núi rừng…
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,421
Bài viết
1,147,019
Members
193,481
Latest member
hot51apkme04
Back
Top