What's new

Trang văn thơ thành viên tự sáng tác

Ối trời, em đi vắng có 1 hôm mà về thì nhà bị mất, trong nhà đông vui quá.
Bác mod nào chuyển ghép topic thì trả lại nhà cho em cái. Ghép thì đúng nhưng người sáng lập bạn đầu thì đâu mất rồi?
 
Chiều thu Trà Cổ

Tôi lại về đây với biển xanh
Trà Cổ chiều nay thật trong lành
Biển vắng bóng thuyền chưa cập bến
Rừng dương thưa thớt tiếng vàng anh.

Thu về em ơi nào có biết
Hạ biệt lòng ta cứ ngẩn ngơ
Bãi vắng tiếng chân người qua lại
Ngập ngừng Trà Cổ mấy vần thơ.
 
Về quê em đi anh , về Trà Cổ
Để đêm đêm nghe rì rầm sóng vỗ
Để hoàng hôn đứng trước biển làm thơ
Và để bình minh tắm gội những giấc mơ ...
 
Giận…!
Em giận rồi anh có biết không?
Giận thời gian xóa nhòa tất cả

Thời gian kia sao cớ sao lại nỡ
Làm anh quên những buổi hẹn hò
Quên nắm tay những khi em lạnh
Quên nhìn em và nói yêu em …

Thời gian kia sao không nhắc lại
Anh ngọt ngào như nắng ban mai
Vuốt tóc em trong chiều gió nhẹ
Khẽ thơm lên tựa áng mây hồng

Thời gian kia sao không quay lại
Để hai ta bước mãi không thôi
Anh và em con đường như ngắn lại
Phố xá đông vui chỉ có đôi mình

Em quá giận rồi phải không anh
Thời gian kia làm sao có lỗi
Có lẽ vì em quá yêu anh
Hờn dỗi chút thôi hồn con gái

Em cảm ơn thời gian mới phải
Để hai ta mãi mãi không rời …
Mùa Thu – 2012
 
Tác phẩm mới, tác phẩm mới:


GÁNH BÚN ĐẬU SAU GIẢNG ĐƯỜNG
( Truyện ngắn của Bằng Lăng Tím )

Hè vừa rồi tôi về trường cũ ôn thi cao học. Sau gần chục năm, cảnh vật cũng có nhiều thay đổi. Trường xây thêm mấy khu giảng đường mới, khó khăn lắm mới nhận ra một vài dấu vết của ngày xưa...
Cũng tình cờ, xuống Hà Nội lần này, tôi gặp lại người bạn thân hồi đại học. Anh tên Lường, Đào Văn Lường. Dáng to cao lực lưỡng, lại con nhà võ thành thử Lường nhanh nhẹn hoạt bát lạ thường. Hai thằng đi với nhau thực chả ăn nhập gì, một thì thấp bé như cái kẹo, một như chàng khổng lồ trong truyện cổ tích. Tôi cứ thắc mắc tại sao anh lại đâm đầu vào cái ngành sư phạm này làm gì. Với sức vóc và võ nghệ cao cường như anh thì chí ít, anh cũng theo nghề của cha là duy trì võ đường nổi tiếng ở quê, hoặc trở thành vận động viên Karate đẳng cấp quốc gia, nếu không nói giật giải quốc tế. Đằng này anh lại chọn nghề dạy học, mà lại dạy văn mới thật lạ. Anh rất thích viết, nhưng tác phẩm nào cũng dở ẹc. Mỗi lần truyện của tôi được đăng báo là anh lại háo hức đón đọc. Lường hay tỉ tê với tôi để học, tôi bảo: “Cái nghề văn thời nay chỉ là thú vui thôi, không mong kiếm được cơm đâu. Hơn nữa dạy Toán hay Lý thì dễ chứ viết văn thì dạy thế nào được, mỗi người một cách, thích viết thế nào chả xong, đâu có khuôn mẫu gì”. Nghe tôi nói, Lường lại hì hục viết.
Cái gánh bún đậu ngày xưa chúng tôi hay ăn gọi là quán bà Sánh. Tôi ăn chả hết một suất, phải thêm đậu bớt bún. Còn Lường, nhìn cách ăn của bạn mới thèm làm sao, rất ngon, rất mau lẹ và lần nào cũng hết nhẵn. Lường bảo:
- Của chúng sinh, không được bỏ phí phải tội.
Bây giờ, quay lại trường cũ, gặp nhau, Lường không khác xưa là mấy, nghiêm nghị hơn chút, vầng trán có vẻ đăm chiêu sâu thẳm điều gì đó. Khi nhắc đến chuyện vợ con, Lường chỉ thở dài không nói. Lường thích độc thân.
Trưa, định rủ Lường đi ăn bún đậu nhưng anh tắt máy, đành đi một mình. Tầm này đông khách, đa phần phải ngồi đợi. Bà Sánh không còn bán nữa, nhưng thế chỗ đó là một phụ nữ, tôi không rõ tuổi bởi lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mặt. Tay thoăn thoắt, mắt không rời việc, đứa con gái chừng sáu bảy tuổi tíu tít chạy tới chạy lui bê bún cho khách. Chỗ ngã ba có anh xe ôm thỉnh thoảnh chạy lại, lúc xách nước khi lấy bún, tôi đoán chắc là chồng. Nhìn gia đình họ tuy vất vả nhưng có vẻ hạnh phúc lắm. Đĩa bún đậu hờ hững, hôm nay thấy mệt, tôi ăn mà lòng dạ vẩn vương đẩu đâu. Bỗng nghe tiếng xi xao, chưa kịp định thần thì đã thấy xung quanh khách đứng hết cả dậy, ai cũng cầm lấy đĩa bún ăn dở và tản ra. Đứa con gái nhanh như chớp vơ vội ghế, còn cô chủ quán cuống cuồng xách hai quang gánh chạy vào ngõ nhỏ. Mấy tay trật tự viên ào tới, giằng lấy ghế từ tay con bé, miệng còi toe toe, mặc cho nó tội nghiệp kêu khóc van xin. Tôi liền giữ lấy một tay đeo băng đỏ mặt non choẹt và bảo:
- Này mấy anh, có biết cháu nó còn rất bé không?
- Ông xê ra, đừng có lôi thôi, để yên chúng tôi làm nhiệm vụ.
Nhiệm vụ, nhiệm vụ gì mà như cướp ban ngày thế? Tôi uất ức lên tận cổ, nhìn chục cái ghế bị vứt lên xe thùng mà vẫn chưa hiểu hành động thô lỗ của mấy tay dân phòng. Cơn bão qua đi, tôi tiến tới dỗ dành cô bé:
- Nín đi cháu, để chú mua lại ghế khác cho nhé?
Cô hàng bún đậu quảy gánh quay lại, bình thản như chưa có gì xảy ra. Chắc chuyện như thế đã thành lệ, cô không nói gì cứ lẳng lặng với công việc của mình, tiếp tục cắt cắt pha pha. Những khách vừa đứng dậy ban nãy giờ quay lại, mất ghế, họ đều ngồi xổm mà ăn. Chủ quen, khách cũng quen, còn tôi thì ngơ ngác. Ngày xưa, quán bún đậu của tôi có khi nào xảy ra như thế này đâu?
---> Tiếp
 
Hôm sau, tôi rủ được Lường đi cùng. Tôi kể về quán bún đậu cùng cô chủ quán lúc nào cũng đeo khẩu trang, Lường tỏ ra hờ hững và bảo đã đến đây rồi. Thấy thái độ như vậy của bạn, tôi cũng không hỏi thêm, nhưng cảm thấy có gì đó khó hiểu ở người bạn thân lâu ngày mới gặp này.
Đang ăn, bỗng lại có tiếng xi xao, lần này không thấy cô chủ quán đứng dậy và con bé cuống cuồng vơ ghế. Tôi quay đầu lại, chợt thấy một thằng đầu trọc hếu, săm trổ đầy mình chỉ mặt cô chủ quán:
- Ê người đẹp, sao cứ khất lần thế, già lừa ưa nặng, không muốn yên hả?
Đứa con gái mặt lấm lét, nhìn quanh như muốn cầu cứu. Cô chủ quán vẫn không nói gì, lẳng lặng vét những tờ giấy bạc nhàu nhĩ xếp lại đưa ra. Hắn giật lấy đếm đếm, rồi cau mày vứt toẹt xuống thúng bún quát:
- Con chó, mày đưa từng này mà nghe được à, ông thì đập cho nát hết bây giờ.
Chợt Lường đứng dậy, đưa tay vượn ra vỗ vai hắn và nói nhỏ:
- Này ông bạn, ông đang diễn cái trò quái gở gì vậy?
Hết sức ngạc nhiên, hắn quờ tay vơ ống đũa ném thẳng vào mặt Lường, mắt trợn lên toàn lòng trắng, hàm răng sám ngoét nom phát khiếp. Hắn dằn giọng:
- Thằng chó, mày biết bố mày là ai không mà dám to gan?
Bị xúc phạm, mặt Lường đỏ gay. Lường tức giận một tay gạt ống đũa, tay kia giáng xuống. Tên đầu trọc không kịp tránh, bị dính nguyên một cái tát nảy lửa của Lường, ngã dúi dụi vào thúng bún. Hắn lồm cồm bò dậy nghiến răng:
- Con chó to gan thật, muốn chết đây. Đã ngu lại đá lưỡi vào cầu chì à?
Nói rồi hắn chạy đến chiếc xe máy trước mặt, mở yên rút ra vật gì đó sáng loáng nhằm đầu Lường lướt tới. Thấy thế tôi hoảng hốt hét lên:
- Cẩn thận nó có dao.
Mọi người sợ hãi chạy tán loạn, Lường vẫn bình tĩnh, lần này anh tiến lên, không đợi thằng bặm trợn vung dao, anh tung một cước nhằm hạ bộ đá tới, đối thủ không kịp phản ứng, người cong như con tôm luộc lăn lộn dưới đất.
- Mày khôn hồn thì cút ngay, đừng để tao thấy mặt - Lường quát.
Hắn lồm cồm bò dậy không dám cất tiếng, rồi rồ ga biến đi rất nhanh. Tôi vội chạy lại giúp cô chủ quán thu dọn, con bé mếu máo bảo:
- Tháng nào cũng thế, nếu mẹ cháu không đưa sẽ bị đập hết đồ đạc.
Một chị hàng bún khác cũng xen vào, giọng đầy phẫn nộ và lo lắng:
- Hai chú ạ, thằng đầu gấu này ác lắm, ở đây ai cũng phải làm luật hết, nếu không thì đừng đòi yên ổn. Chốc nữa thế nào nó cũng quay lại đấy.
Chị vừa dứt lời, từ đằng góc phố đã thấy tiếng xe máy gầm rú, một chiếc kẹp ba ầm ầm lao tới. Tất cả sợ hãi la hét, tôi vội kêu:
- Chạy mau, nguy hiểm quá. Lường ơi.
Lường lùi lại, liếc thấy có chiếc ghế băng của quán nước bên cạnh, Lường vớ lấy thủ thế. Ba thằng, thằng nào cũng dao phớ côn gậy, mặt mũi nom chết khiếp. Gã bị đánh chảy máu mồm ban nãy chỉ tay về phía Lường bảo:
- Chính thằng chó đó, mày muốn chết, hôm nay bọn bố mày cho chết.
Cả lũ lao vào Lường, dao phớ vung lên sáng loáng.
Lường hét lên, tiếng hét dữ dội khủng khiếp. Tôi chợt nhớ hình như đã nghe tự bao giờ, phải rồi, đó là lần cắm trại giao lưu văn nghệ với mấy trường đại học trước khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Đêm lửa trại thật vui, Thúy xinh đẹp diễm kiều trong bộ váy Thái trên sân khấu, giọng hát mượt mà ngây ngất. Lường thổi sáo say sưa, tôi mải miết đàn. Ở trường, mọi người phát ghen với Lường vì chiếm được trái tim hoa khôi khoa Ngữ Văn. Trông họ đẹp đôi, cứ như sinh ra là của nhau vậy. Lường quê ở Sơn La, còn Thúy, một liền chị xứ Kinh Bắc nổi tiếng bởi các làn điệu Quan họ. Tình yêu vượt thời gian, bất chấp khoảng cách. Giá đừng có ngày tốt nghiệp, giá chương trình đại học không bao giờ kết thúc, họ sẽ mãi bên nhau, đẹp như tuổi thanh xuân, không gì ngăn cản nổi.
Chương trình ca nhạc kết thúc bằng tiết mục múa sạp Tây Bắc, rộn ràng vui tươi cùng tiếng khèn như giục giã. Tôi bỗng không thấy Lường và Thúy, họ đã lẳng lặng rời cuộc vui. Đằng sau trường là cánh đồng Đồng Xa, xung quanh yên ả. Họ tìm đến chỗ quen thuộc, đã bao lần nơi bờ mương này chứng kiến đôi bạn trẻ âu yếm, tình tự bên nhau. Đêm nay, ánh trăng cuối tháng mờ nhạt, chỉ còn nghe tiếng ếch và giun dế kêu lúc gần lúc xa. Bất giác Lường ghé sát vào vai Thúy thủ thỉ “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?” Thúy cười: “Tre non vừa thoát tuổi măng/ Cần sàng chàng cứ chặt phăng đem về” Lường ôm chặt lấy cơ thể mềm mại của Thúy, dưới ánh trăng trông nàng như một thiên thần. Cái mềm mại nóng bỏng ấy, càng ngày càng sát vào người Lường. Gió đâu đó thoảng lại vô thức cởi bỏ tất cả, giục giã mời mọc. Lường chìm đi, cảm giác bồng bềnh như lạc vào xứ Đào Nguyên...
Khi Lường đưa Thúy về trại, cả bọn nháo nhào tra hỏi. Bữa liên hoan dã chiến được dọn ra ngay trong lán trại chỉ huy. Con trai Sơn La uống thật giỏi, con gái xứ Kinh Bắc cũng thật tài. Đêm về khuya, tất cả say mềm, chìm vào giấc ngủ. Phía bên ngoài thỉnh thoảng vọng lại tiếng đàn hát, tiếng sáo gọi bạn.
Gần sáng Lường tỉnh dậy, bụng thoảng hơi men, cồn cào. Nhìn quanh không thấy Thúy đâu, những tay kỳ phùng địch thủ trong trận rượu đêm qua vẫn đang ngủ say như chết. Lường đứng dậy lững thững đi tìm Thúy, chạy quanh các trại, đèn đã tắt, mọi người vẫn ngủ. Trời đã bắt đầu sáng, phía đằng Đông hiện ra một quầng hồng nhạt, không gian rõ dần. Chợt Lường đứng sững lại trước một mái trại nhỏ rồi một tiếng hét khủng khiếp vang lên. Không ai ngăn được Lường, đất trời như có động. Lường như kẻ điên gạt mọi người lao tới... Trước mắt Lường, Thúy nằm trọn trong vòng tay của một chàng trai khác, đó là Sinh, cậu sinh viên khoa Toán, cũng là một kẻ si tình, theo đuổi Thúy từ năm thứ hai. Cả hai choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn nhau không biết chuyện gì đã xảy ra. Lường nghiến răng, tay nắm chặt, rồi hét thêm một tiếng nữa và quay mặt bỏ đi mặc Thúy kêu khóc còn Sinh đứng há hốc mồm...
---> Tiếp
 
Và hôm nay, tôi lại nghe tiếng thét ấy. Tiếng thét đầy uy lực, mạnh mẽ khiến thằng dẫn đầu phải lui bước. Nhưng hai thằng còn lại vẫn nhào lên, nhanh như cắt, Lường múa tít chiếc ghế băng. Dao, gậy văng ra tứ tung, một thằng dính đòn ôm đầu lăn lộn, được một lát nó lại chồm dậy lao vào. Bỗng chiếc ghế gãy, Lường vứt luôn hai đầu ghế, nhảy ra giữa, múa một vài đường quyền điêu nghệ. Ba tên đầu gấu cũng chẳng vừa, chúng xúm lại, vây chặt Lường vào giữa. Đứa đâm, đứa chém, đứa quật. Mắt Lường vầy đỏ, mặt Lường chau lại, cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Từng thằng lần lượt quằn quại dưới chân Lường. Khi còn một tên, thấy Lường lừ lừ tiến tới, sợ quá nó buông hết vũ khí, quay đầu định chạy. Lường khẽ rít lên: “Đứng lại”. Cả bọn run lập cập bò lê lết đến chân Lường van xin rối rít, lạy như tế sao. Lường chỉ tay vào bọn chúng quát:
- Từ nay, tao còn thấy chúng mày lảng vảng ở đây thì đừng có trách.
Nói xong, Lường đến bên chiếc xe máy của đám đầu gấu, rắc một cái, một mảng yếm lớn vỡ ra, Lường bóp vụn rồi vứt xuống đất. Mọi người chưa hiểu ý ra sao thì cả đám lâu nhâu đã mất dạng. Vừa lúc đó có tiếng còi hụ xe cảnh sát ập đến, mấy chú công an xuống xe hướng về Lường hất hàm:
- Có việc gì vậy? Sao máu me, nhựa yếm vương vãi thế này?
Lường bình thản cười bảo:
- Có gì đâu anh, vừa xảy ra vụ va chạm xe máy, nhưng họ tự dàn xếp và đi rồi.
Chú công an đứng tuổi nhìn quanh, nghắm nghía một hồi, thấy hiện trường đúng như một vụ tai nạn giao thông, liền ra hiệu cho đồng đội lên xe. Khu đường sau giảng đường trở nên yên bình. Mấy quán bún đậu và hàng nước mở hàng trở lại, ai cũng tấm tắc khen và thán phục Lường.

***
Về phòng trọ, tôi ngưỡng mộ hỏi Lường:
- Cậu tài thật đấy, nhưng sao hôm nay lại giận dữ đến vậy?
Lường châm điếu thuốc phì phèo cười bảo:
- Tính mình vẫn thế, cứ thấy bất bình là bụng lại sôi lên, không chịu được, mà cậu không thấy có gì lạ ở quán bún đậu sao, không nhận ra ai à?
Tôi tò mò định hỏi, nhưng chợt thấy Lường nhìn về phía lối ra cánh đồng Đồng Xa, nơi ấy bây giờ đã thành khu dân cư đông đúc với dáng vẻ bâng khuâng thì lại thôi. Tôi lái ra chuyện khác:
- Cậu vẫn còn yêu Thúy phải không? Thế sau ngày ấy, hai người thế nào?
Lường nắm chặt tay, mắt hơi nhíu lại:
- Đừng nhắc tới con người phản bội ấy nữa, đàn bà thời nay khó tin lắm. Cái miệng nó nói yêu mình mà cái bụng nó lại hướng tới kẻ khác.
- Nhưng rút cục, giữa cậu và Thúy, bây giờ ra sao, cậu có tìm cô ấy?
- Tìm, nhưng để làm gì? Mà những kẻ phản bội đều có kết quả tồi tệ. Tay Sinh ra trường không xin được việc, bây giờ theo ông bố vợ hành nghề mổ lợn. Còn Thúy, chắc cậu đã biết rõ rồi còn gì?
- Sao cậu cực đoan thế, nàng ấy bây giờ dạy ở đâu?
- Dạy ở đâu ư? Cậu ngờ nghệch quá, vẫn không nhận ra à, cái cô nàng bán bún đậu đó, Thúy đấy. Chiếc khẩu trang chỉ che được mặt đâu che được tâm can?
Tôi kinh ngạc bật lên:
- Cái gì, là Thúy? Trời ơi. Cậu để sự hiểu lầm đi quá xa rồi, cũng bởi cái tính bảo thủ kiêu ngạo của cậu đấy. Thúy vô tội, cô ấy không có lỗi gì cả. Đêm trại liên hoan, Thúy say, cậu say và Sinh cũng say. Chính mắt mình nhìn thấy bọn con trai khiêng Sinh vào trại Thúy, thực ra chúng cũng chỉ trêu cậu thôi, chứ có ác ý gì đâu, nào ngờ lại trầm trọng như vậy. Sau ngày đó, mấy lần mình và mọi người đều muốn thanh minh cho Thúy, nhưng cậu có để cho ai giải thích đâu?
Lường tròn xoe mắt, rồi bỗng lao nhanh ra cửa. Tôi chỉ kịp gọi với theo:
- Lường, cậu làm sao thế, đêm khuya thế này...?
Mấy hôm tiếp theo vẫn không thấy Lường quay lại, gọi toàn tắt máy. Một mình lang thang qua cổng sau giảng đường, thật ngạc nhiên, chỗ quen thuộc mọi hôm, cô hàng bún đậu đeo khẩu trang được thay thế bằng quán chè bưởi An Giang. Đang nhìn trước ngó quanh thì bác hàng nước bên cạnh bảo:
- Tìm cô hàng bún đậu hả, mẹ con cô ấy đã về quê, từ nay không bán đâu.
Tôi hơi sững người, bác hàng nước lại bảo:
- Đầu giờ chiều hôm qua, mẹ con cô ấy ra chào mọi người, nói sẽ không ở đây nữa. Hai anh em họ tốt nghiệp về quê kiếm việc rồi.
Ô, thế ra người đàn ông chạy xe ôm hay đứng ở ngã ba này không phải chồng cô ấy ư, là anh trai? Tôi chả hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao cả.
Khuya hôm sau, Lường mò về phòng trọ miệng sặc sụa mùi rượu. Tôi lặng lẽ lấy khăn lau mặt cho bạn và để mặc cho Lường nằm yên. Nhưng Lường vẫn tỉnh, Lường không say. Đột nhiên Lường bảo tôi:
- Tôi là kẻ chả ra gì Học ạ. Gặp Thúy, cứ nghĩ đó là cái giá phải trả của kẻ phản bội. Giờ hiểu ra thì đã muộn, Thúy không tha thứ, cô ấy bỏ đi rồi...
Lường cho biết mấy hôm nay tìm Thúy, Lường đã biết toàn bộ sự thật. Sau ngày chia tay ra trường, Lường bỏ mặc Thúy trong tuyệt vọng, không nghe bất cứ một lời thanh minh nào. Trong lòng Lường chỉ duy nhất một ý nghĩ rằng Thúy đã phản bội Lường. Lường đâu biết rằng, Thúy đã âm thầm chịu đựng, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Một mình nuôi con, bố mẹ suốt ngày chì chiết. Thúy chỉ còn người anh cả là thông cảm và cùng Thúy vượt qua khó khăn. Tấm bằng Sư phạm loại khá vẫn không giúp Thúy xin được việc, đành lăn lộn với cuộc sống bằng đủ thứ nghề. Khi giọt máu của Lường lên ba, hai anh em ra Hà Nội học thêm ngoại ngữ. Thúy bán bún đậu, anh Thúy chạy xe ôm, tối lên giảng đường. Thỉnh thoảng gửi tiền về cho ông bà ngoại nuôi cháu. Mỗi kỳ nghỉ hè, Thúy lại cho con ra Hà Nội với mình. Lúc Lường tìm đến, họ nhất quyết từ chối lời cầu khẩn hối lỗi của Lường...
Lường nói với tôi, muốn tạ lỗi với cô ấy bằng quãng đường còn lại. Lường sẽ dành tất cả những gì tốt nhất có thể để chăm sóc mẹ con Thúy. Với điều kiện hiện nay, Lường có thể giúp Thúy quay lại với nghề dạy học. Sẽ không bao giờ Lường mắc sai lầm thêm nữa...

***
Sáng hôm sau, tôi cùng Lường ra bến xe buýt để đi Nội Duệ. Nhất định phải gặp lại Thúy, tôi sẵn sàng làm chất xúc tác vun vén cho hai người. Được động viên khích lệ, Lường cũng phấn chấn, đôi mắt chứa đầy hy vọng. Hành khách đông nghẹn, nắng sớm mai cao dần lên, bầu trời quang đãng không gợn mây. Chiếc xe mang số hiệu 54 Long Biên - Bắc Ninh từ từ vào bến, tôi cùng Lường vội bước lên, trong lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Bất giác trước mắt tôi hiện lên hình ảnh đôi uyên ương Lường - Thúy xúng xính bên nhau trong ngày cưới. Tiếng nhạc, tiếng hát Quan họ rộn ràng thanh thoát, quan viên hai họ tất bật, gương mặt đôi bạn rạng ngời nhìn nhau hạnh phúc...

Viết xong ngày 3.10.2012
BLT
 
Song Khủa cảm tác


Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ cung offroad (*) mây vời vợi xa
Ta về ta nhớ thiết tha
Dáng ai bé nhỏ mặn mà yêu thương
Cùng nhau vượt những cung đường
... Mộc Châu, Song Khủa, dặm trường Vạn Yên
Sối Tọ ai đó gọi tên
Để thương để nhớ qua miền Mường Cơi....
Mình về nơi ấy xa xôi
Nhớ chăng em hỡi khoảng trời bên nhau...?

(*) Offroad: đường khó, gập ghềnh, lầy lội
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,562
Bài viết
1,153,675
Members
190,125
Latest member
johnauston54
Back
Top