Tôi tìm vào nhà em, đó là một căn nhà tạm nơi bến sông. Bãi ngô xanh mướt vươn dài xuống tận mép nước, vườn chuối chen chân nhau rì rào theo từng đợt gió. Bên này bờ, vài con thuyền gác mái nghỉ trưa, thỉnh thoảng vọng lại tiếng gọi đò của khách bên kia sông. Tôi chợt sững lại trước bờ rào xương rồng mọc quanh nhà. Ngang mặt tôi, chúng dàn thành hàng dựng đứng tưởng sắp chọc thủng trời chiều. Các tay gai giơ ra, sẵn sàng xuyên thấu da thịt bất cứ ai vô tình chạm tới. Trong ánh nắng nhạt, những bông hoa hiện ra từ đám cây bản to như lá đa, trông thật kỳ diệu. Một vẻ đẹp trong sáng thánh thiện, xoá đi sự khắc nghiệt, dữ dằn xung quanh.
- Cậu tìm nhà ai? - Có tiếng bà cụ từ phía sau khiến tôi giật mình.
- Dạ, cụ cho cháu hỏi, nhà em Huệ có phải vào ngõ này không ạ? - Tôi lúng túng.
- Phải, tôi là bà nội của cháu đây, cậu tìm em nó có việc gì vậy?
Tôi cho cụ biết tôi là giáo viên chủ nhiệm của Huệ, tới thăm gia đình. Bà cụ vồn vã mời tôi vào nhà. Căn phòng ngoài nhỏ hẹp, tường bằng phên nứa trát bùn, mái lợp rạ. Ở giữa kê chiếc chõng tre đã cũ, phía trên bàn thờ có bức chân dung người lính với khuôn mặt nghiêm nghị, tôi đoán là ông nội Huệ.
- Mời thầy giáo xơi tạm chén nước – Bà cụ rót nước đưa cho tôi. Rồi cụ kể gia cảnh của mình - Nhà neo người lắm thầy giáo ạ, mẹ cháu xuống Hà Nội làm thuê cho người ta, nhà chỉ còn hai bà cháu tôi. Bố cháu, gần bốn chục tuổi đầu rồi nhưng suốt ngày cờ bạc, rượu chè bỏ bê nhà cửa vợ con, nhà tôi hết phúc vì nó rồi - Giọng cụ rưng rưng - Rồi nó theo đám bạn bè cờ bạc mở sới mãi dưới Hải Dương, năm ngoái bị công an bắt, nghe đâu phải ở tù những mấy năm… Bà cụ khóc.
Tôi lặng người đi, hoá ra là vậy. Cô trò nhỏ của tôi lúc nào cũng ưu tư, ngồi trong lớp học mà đầu óc cứ để đi đâu. Tôi thấy hơi hối hận vì đôi lúc trách mắng em. Bất giác, hình ảnh hoa xương rồng lại hiện ra trước mắt tôi, cánh hoa đẹp đẽ tươi tắn đang bị vây trùm bởi lớp đất đá khô cằn cùng những tay gai tua tủa…
***
Và hôm nay gặp lại, tôi không thể ngờ một cô bé xinh xắn có đôi mắt rất hiền dịu ngày xưa, bây giờ lại khác đi nhiều thế.
Đón ly cà phê từ tay bồi bàn, Huệ nhấm một ngụm rồi hỏi tôi :
- Thầy còn nhớ cái tên Ba “đen” không? Học trên em một khóa, hệ B ấy.
Tôi bóp đầu, Ba nào nhỉ? À Ba, lớp cô Hà chủ nhiệm. Cái cậu học sinh cao to, nước da bánh mật với khuôn mặt lúc nào cũng gườm gườm nom rất khó gần, lại lười học và nghịch nữa. Có lần trong tiết trả bài kiểm tra, cậu ta thắc mắc sao mình đã nộp bài mà giờ không thấy. Tôi hỏi họ tên, cậu ta trả lời ngay :
- Thưa thầy em là Tô Văn Ba ạ.
- Tôi không thấy bài nào mang họ tên em cả, chỉ có bài ghi Toshiba thôi.
Cả lớp cười ầm, tôi nghiêm mặt : - Lần sau phải nghiêm túc, đừng để xảy ra việc tương tự như thế này nghe chưa?
Ừ, cậu Ba này cũng không phải loại vừa, nhưng sao Huệ lại nhắc tới? Tôi chưa kịp hỏi thì Huệ đã cắt ngang dòng suy tưởng của tôi:
- Bước ngoặt đời em bắt đầu từ hắn đấy. Sau khi thầy chuyển về xuôi, đ¬ang học dở lớp 11 em với hắn dính vào yêu đương, rồi em có mang. Tuổi trẻ bồng bột biết gì đâu thầy, gia đình đành cho cưới chui và hai đứa bỏ học.
- Thế bọn em sống ra sao? Tôi ngạc nhiên.
- Thoạt đầu hắn tỏ ra quan tâm, lo lắng cho vợ con thầy ạ. Hắn đi làm cửu vạn, mấy tháng đầu còn gửi tiền về, sau rồi không thấy. Một hôm nghe người làng kháo nhau,
chồng em theo đám giang hồ cờ bạc, và hình như còn nghiện cả ma tuý nữa. Em chết điếng người liền đi tìm, nhưng khi gặp, hắn lạnh lùng bảo:
- Mày ôm con về đi, lần sau đừng có tìm tao nữa.
Nhìn cái mặt bặm trợn và cái đầu cạo trọc hếu của hắn, em thấy rùng mình, không hiểu vì sao em lại có thể yêu và lấy một con người như hắn làm chồng. Hắn vứt cho mẹ con em một ít tiền rồi mất hút.
- Em xin lỗi, thầy cho em châm điếu thuốc, em quen rồi chưa bỏ được - nói rồi Huệ bật tách một tiếng, chiếc bật lửa xì-bô của Mỹ phát lửa, điếu thuốc lên khói rất thành thạo. Có lẽ Huệ hút đã lâu, đôi môi thâm và hơi thở nồng nặc mùi thuốc lá khiến tôi khó chịu. Rít một hơi thuốc dài cô lại tiếp tục kể :
- Ôm con về đến nhà thì bà nội em đã mất được mấy tiếng, lúc đó em như phát điên, đứa con khóc ngặt trên tay. Chặng đường đời đầu tiên của em đau khổ và vất vả từ ngày ấy. Chôn cất bà xong, em theo mẹ xuống Hà Nội làm. Nhưng con gái em ốm quá, bởi cháu sinh thiếu tháng mà em lại ít sữa, nên chẳng bao lâu em phải về quê, bới đất lật cỏ sống qua ngày. Khi con bé hơn một tuổi thì hắn thân tàn ma dại ở đâu mò về. Hắn tỏ ra ân hận và bảo với em rằng, đã xin cho em một chỗ làm rất ổn định mà lương cao, rồi giục đi ngay không người ta nhận người khác mất. Thương con, em mủi lòng tin hắn, cũng vì em không muốn con em sinh ra mà không có cha, hơn nữa hắn nói cùng làm ở chỗ đó, nên em vội vã thu xếp đi theo hắn.
Hành trình dài, mệt mỏi, say xe, mẹ con em như lả đi. Gần tối thì đến một khu vắng vẻ toàn đồi núi, cả ba xuống xe và vào một căn nhà bên vệ đường, hắn bảo vào đây nghỉ tạm, sáng mai đến chỗ làm.
Nửa đêm, em thấy xung quanh xóc mạnh, tỉnh dậy, phát hiện ra mình nằm trên chiếc ô tô có mui bịt kín. Nghe tiếng em kêu, từ đằng trước một bà trạc tứ tuần, mặt toàn phấn nói hắn đã bán mẹ con em cho bà ta rồi, bây giờ ngoan ngoãn theo bà ta, nếu chống cự sẽ bị đẩy xuống rừng cho cọp ăn thịt. Em đau đớn uất ức, tủi nhục ê chề, cả sợ hãi nữa, ôm con vào lòng mà không còn giọt nước mắt nào để khóc.
Đi mất mấy ngày thì tới khu nhà có kiến trúc kỳ quái, xung quanh vườn tược xanh tốt. Một lão béo, mắt hiêng hiếc, tay cầm chiếc gậy kiểu ba toong cứ cúi sát xuống mặt em nhìn mãi, lúc lâu mới gật gật cái đầu : - Đẹp đẹp, rất đẹp, tao thích
Mụ mặt toàn phấn nói với em :
- Từ bây giờ cô ở đây, ông Zhen là chồng mới của cô, nhìn cô, ông ta rất bằng lòng. Đừng bao giờ có ý định bỏ trốn nhé, mất mạng đấy.
Lúc đó em nghĩ thôi chả còn gì để mất, miễn làm sao có chỗ trú chân cho mẹ con em là được. Vườn nhà Zhen rất rộng, có nhiều người làm. Lão ấy có lẽ hơn cả tuổi bố em, dáng bệ vệ. Nhìn mặt lão, em lại hình dung tới tên quan huyện trong truyện của Nguyễn Công Hoan, đôi má chảy xuống, phị ra làm con mắt đã hẹp lại càng ti hí hơn. Được cái lão cũng chiều, không bắt em làm lụng gì mà còn cho ăn uống rất tử tế, lại còn tìm người dạy tiếng bản địa cho em. Năm sau em sinh cho lão một bé trai kháu khỉnh, lão yêu con lắm. Nhờ vậy mà cuộc sống của em không phải lo toan vất vả, đứa
Tiếp --->