What's new

[Chia sẻ] Trekking xuyên rừng - trải nghiệm qua từng bước chân

huonguyen

Phượt thủ
Hai ngày là chuyến đi quá ít cho việc khám phá và tìm hiểu về Vườn quốc gia Cúc Phương – nơi được đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển rừng tốt nhất nước. Nghe có vẻ chính trị và hơi nghiêm túc, nhưng trên thực tế có đi đến Cúc Phương, có lang thang trên những nẻo đường rừng, hít căng lồng ngực bầu không khí trong trẻo mới thấy hết ý nghĩa của việc bảo tồn rừng và các loài thú trong rừng đã vào guồng trôi suốt nơi đây.
Chuyến đi của chúng tôi, những kẻ yêu thiên nhiên đến nao lòng cũng chỉ vỏn vẹn 2 ngày, nên chỉ có thể khám phá một phần Cúc Phương mang tên “ Tuyến Cây Sấu cổ thụ, bản Mường”.
Tuyến “Cây Sấu cổ thụ, bản Mường” là tuyến du lịch mạo hiểm, là tuyến đi trekking xuyên rừng dài 17km với nhiều quèn đá cao - dốc, với những quèn đất trơn tuột đôi chân cũng không ngăn cản được những bước chân ưa khám phá.

Chuyến đi này đã qua nhiều lần trì hoãn. :D

Lần trì hoãn đầu tiên là do trận ngập lụt cả tuần tại Hà nội đầu tháng 11, việc di chuyển đến Ninh bình cũng là cả một khó khăn rất lớn. Trong những ngày Hà nội vẫn còn ngập thì đường đến Cúc Phương cũng có đoạn ngập dài đến 6 - 7 km.
Những tuần tiếp sau, mặc dù rất hào hứng và nhiệt tình, song việc di chuyển bằng xe máy với những tuyến đường chưa thực sự an toàn cũng làm cho bạn trưởng đoàn thực sự lo lắng. Chuyến đi những tưởng đã không thể thành hiện thực. Tinh thần mọi người thực sự đi xuống. :(
Cũng lại có lần trì hoãn do tuyến “Cây Sấu cổ thụ, bản Mường” là tuyến bắt buộc phải có hướng dân viên của Cúc Phương – do không kịp liên hệ đã không thực hiện được. Việc đi dù đường đã thông, thời tiết đã thuận, lòng người đã quyết mà vẫn không thể nhích chuyển. Tinh thần vì vậy lại trùng thêm chút nữa.

Thực ra, chưa có ai đã từng đi tuyến “Cây Sấu cổ thụ, bản Mường” này nên việc tìm kiếm thông tin và sẻ chia kinh nghiệm cho chuyến đi là không có và vì vậy không hề có phản hồi nào trong topic. Sự mơ hồ trong việc hình dung về chuyến đi cũng là lẽ đương nhiên.
Quân số dự định đã có lúc lên tới 20 người. Một con số có thể là lạc quan vì lượng thành viên tham gia đông, song cũng là con số đáng lo lắng cho chuyến di chuyển bằng xe máy.
Thời tiết đã hanh hao không còn những ngày ủ rũ của mưa gió mà cũng không làm cho quân số tăng lên. Trái lại, vì bận công việc, một số thành viên đành từ bỏ chuyến đi.
Quân số đã rút gọn chỉ còn 10 người tại thời điểm ấn định cuối cùng cho chuyến đi vào ngày 29, 30/11. Topic trên box Du lịch vẫn kẻ vào người ra, vẫn bàn ra tán vào và cuối cùng việc chốt lịch gặp mặt để phân chia xế ôm sẽ vào ngày thứ năm (27/11), cách ngày đi 2 ngày.

Theo các cao thủ trên đường phượt, đoàn đi số lượng 10 người là khá ổn. Với danh sách ở con số 10, với những nickname chưa gặp mặt mà sao đã cảm thấy như thân quen, những người đã giữ nguyên ý định tham gia chuyến đi 2 ngày cuối tháng, tinh thần trong topic như hâm nóng và phấn chấn hơn nhiều.

Nhưng. Lại nhưng. Vì thật nhiều lý do, trong đó có cả lý do dù không nói ra và dù có nói ra thì không phải ai cũng hiểu. Đó là việc vẫn chưa thông lắm, chưa mường tượng ra nhiều về tuyến đường mình sẽ đi ra sao, có gian nan như thế nào. Thêm một vài thành viên xin được rút tên ra khỏi danh sách.
Số thành viên chốt lại tới chiều ngày thứ 6 là 6 người. Con số lộc. Lại một con số may mắn đáng để hy vọng. Việc chuẩn bị cho 6 người vẫn được tiến hành. :)
(to be continue)
 
Last edited:
(tiếp)
Việc chuẩn bị cho một chuyến đi 2 ngày cũng sẽ không có gì đáng nói nếu như đó là một chuyến đi đã biết trước về cơ sở vật chất nơi mình đến, những khó khăn mình sẽ vượt qua. Nhưng việc chuẩn bị cho chuyến đi trekking Cúc Phương đối với chúng tôi, quả thật, đôi lúc thấy khó khăn vô chừng.
Khó khăn không đến ở việc chuẩn bị đồ ăn thức uống, không đến bởi sự lo lắng về việc xểnh nhà ra thất nghiệp lo lắng rằng liệu nơi mình đến có đáp ứng chừng 50% như ở nhà mình không, mà khó khăn đến là từ phương tiện di chuyển, khả năng di chuyển đường dài lần đâu tiên bằng xe máy của mỗi chúng tôi.
Sau khi chuẩn bị các vật dung cần thiết như thuốc men, đồ dùng cần thiết cho việc đi trekking trong rừng, đồ ăn thức uống đã xong, trong lòng những thành viên trong đoàn vẫn không khỏi bồn chồn, lo lắng .
21h30 ngày thứ 6, thêm 2 thành viên nữa xin rút khỏi chuyến đi vì bận công tác đột xuất. Đoàn đi lúc này chỉ còn vỏn vẹn 4 người : 1 xế và 3 ôm.
Một con số không thể ít hơn được nữa và đó là một con số có cảm giác là ổn vì số 4 trong dân gian được ví với sự vững chắc. Song, nếu tính theo cách tính khác thì con số 4 không hề là con số mong đợi.
Nhưng chúng tôi vẫn không nao núng và có thể chỉ là vì nghĩ đến sự tốt lành của chuyến đi dành cho những kẻ quá nhiệt thành mà thôi.
22h. Hoang mang lại đến. Bạn trưởng đoàn trao đổi rằng 1 ôm sẽ phải chuyển làm xế vì 2 ôm kia chưa chắc trong việc cầm lái khi đi đường dài.
Tôi đã cố gắng nhận trách nhiệm đó cho dù trong lòng tự hỏi liệu mình có thể làm được điều đó không.
Vẫn băn khoăn, vẫn bồn chồn, vẫn muốn đi. Đó là những cảm giác thật không đáng có với kẻ chưa hề nếm mùi làm xế đường trường như tôi. Thật vậy, trong chuyến đi, trên những con đường, cảm giác duy nhất cần thiết có là phải thật tự tin vào bản thân mình, vào sự điều khiển tay lái của mình, để tạo ra cảm giác an toàn không chỉ cho riêng mình mà là cho cả người ngồi sau cũng như các bạn cùng đi trong đoàn.

Thật khó ngủ mặc dù đã nhận được sự khích lệ từ bạn trưởng đoàn. Nếu như nói đi để chứng tỏ niềm tự ái cá nhân là muốn chứng minh cho mọi người thấy một điều gì đó thì tôi thực sự không dám. Tôi chỉ ước vọng cho chuyến đi thật êm ả đến nơi đến chốn và chỉ dừng lại đó mà thôi.

Giấc ngủ chập chờn và tràn mộng mị.

5h sáng. Tiếng báo thức của điện thoại thánh thót. Không thể ngủ nướng thêm như những lúc rảnh rang, không thể chần chừ nấn ná, tôi dậy chuẩn bị xếp đồ đã xếp sẵn dưới chân giường vào ba lô. Tâm trạng đã bớt lo lắng nhưng vẫn còn cảm giác cấn cá vì chưa thể tự tin về những việc mình sắp làm.

6h20. Vì đã hẹn với cả đoàn là sẽ gặp nhau ở Pico Plaza trên đường Nguyễn Trãi nên phải bắt xe ôm đi nhanh kẻo không kịp. Trời hanh nắng, những làn gió đầu đông lành lạnh. Dòng người hối hả ngược xuôi. Cảm giác phấn chấn đã thế chỗ cho sự lo lắng mặc dù đôi khi vẫn lẩn cẩn của sự thiếu tự tin.

6h40. Gặp trưởng đoàn và em sẽ làm ôm của tớ. Vui vẻ và phấn chấn hơn. Và thật không có lý do gì khiến mình làm cho người khác phải nao núng trước những ý nghĩ hồi đêm của mình, cũng như những sự thiếu tự tin vào việc lần đầu tiên cầm lái đi đường dài để làm người khác phải bồn chồn theo mình. Tiến lên. Trong đầu giờ chỉ còn một ý nghĩ. Không lùi bước.

Thành viên thứ 4 của đoàn yêu cầu được đón ở khu đô thị Linh Đàm. Gặp em, cả đoàn chợt phì cười vì hành trang cho chuyến đi trekking của em út đoàn thật bắt mắt, mặc dù không kém phần an toàn nếu như có chú vắt nào dám động tới. Chúng tôi thực sự nghĩ thế mặc dù cũng không khỏi nghĩ ngợi rằng với trang phục thế kia, với tuyến đường dài ngần ấy, với thời tiết lạnh nhường này, mặc dù vẫn có nắng, làm sao em có thể đi cả chặng đường dài mà không hắt hơi sổ mũi nhỉ.
Cả đoàn dừng lại ăn sáng trước khi chính thức bước vào cuộc hành trình.

Áo gió mũ chùm kín tai, khẩu trang bịt kín miệng, kính râm đeo kín mắt, và tất nhiên cả mũ bảo hiểm nữa, cả bốn chúng tôi bắt đầu lên đường.
Chúng tôi quyết định đi theo đường 1A chứ không theo đường Hồ Chí Minh như đã bàn vì cảm thấy hoang mang khi không có cảm giác đông đúc người xe. Đường 1A cũ nhỏ và hẹp. Nó đã hẹp hơn so với những lần tôi đã qua. Nó đã hẹp hơn so với ấn tượng còn nguyên lúc nhỏ khi đi qua đó. Đường 1A lúc xưa thật lớn so với sự nhỏ bé của mình. Dù sao nó cũng là con đường rộng chí ít là so với khuôn viên đường trong khu vực nhà chúng tôi ở.
Vì là xe đi mượn nên phải có vài phút làm quen xe với chú “ngựa non” mới tập du hí trên đường có hơn vạn km. Xe chạy tốt và êm khi ở tốc độ trung bình.

Tình hình di chuyển vẫn ổn trong vài ba chục phút đầu. Lúc thì xe tôi dẫn đầu, lúc thì xe Việt vượt lên. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ rời quá xa nhau ở khoảng cách 10m. Thỉnh thoảng em út đoàn ngoái lại xem các chị có còn ở gần mình không.
Chạy xe với cảm giác an toàn vì ở đường 1A mới – đường Pháp Vân có dải phân cách. Trên cả tuyến đường, cứ mỗi khi có dải phân cách là lòng lại thấy yên tâm thêm. Có dải phân cách xe cứ việc thong dong tiến không cần chú ý phía bên phần đường bên kia. Tuy nhiên, vẫn có cảm giác hơi lo vì tự nhiên nghĩ ngợi đến chuyện lỡ có cái xe “điên” nào mất lái chắn thình lình trước mặt mình. Không hiểu sao lúc đó cứ luẩn quẩn trong đầu 1 câu thơ trong bài “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng
“Đường lên thăm thẳm một chia phôi”
Cảm giác luẩn quẩn trong câu thơ ấy làm tôi sợ. Tôi sợ vì tôi chưa thực tin vào tay lái mình. Tôi cảm thấy sợ nếu như vì tôi mà em bé ngồi sau bị làm sao. Và cảm thấy sợ khi nghĩ nếu có chuyện gì xảy thật thì hối không kịp.

Nhưng ý chí tôi đã quyết. Vẫn phải tiến lên. Nhìn kỹ từng chục mét đường đi phía trước để tránh những vật thể lạ, cố gắng kiểm soát tình hình trên đường, đi với tốc độ thật vừa phải.

Vượt qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, là đoạn đường cũng đã hơi kém cạnh một chút rồi. Đường bụi và nhiều xe. Rất nhiều xe lớn. Chúng tôi đi tốc độ châm lại một chút. Qua cung đường đầy bụi vì sửa sang, xe chúng tôi lại lao đi vững tâm hơn.

Thực ra chú ngựa non này cũng không được ổn lắm vì đi nhanh đầu hơi đảo. Cũng không thực khó lắm để cai trị. Chỉ cốt sao chạy tốc độ vừa phải theo thống nhất với trưởng đoàn là mình chạy chậm cho an toàn mà. Cũng chỉ nghĩ là chạy chậm cho an toàn chứ đâu có nghĩ chú ngựa non này lại trở chứng thế đâu.

Xe Việt đã lao lên phía trước. Xe tôi vẫn tiếp tục bám theo. Bỗng, bập, bập, bập, xe chao đảo. Tôi không tin vào tay lái mình nữa. Em bé ngồi sau im lặng. Có thể nói là chết lặng thì hơn. Xe lạng sang trái cố thoát khỏi vòng kiểm soát của tôi. Tay tôi cố ghìm chặt lại. Chiếc xe chậm dừng và ngoan ngoãn hướng đường đi tiếp. Hồn vía bay hết lên trời. Chỉ sợ đổ xe. Bập bập.
Hóa ra là do tôi đi vào giải giảm tốc sát mép đường, giải giảm tốc vì sát mép đường nên có lẽ chưa bị mòn nhiều nên có vẻ còn mới nên chú xe của tôi mới nẩy tưng tưng lên thế. Hú hồn. Vượt qua đoạn giảm tốc đó, mãi mới thấy em bé sau tôi lên tiếng. Cảm ơn em. May có em bình tĩnh giúp chị cũng bình tĩnh theo. Ơn trời.
Trên đường đi, đối với tôi những người bạn khích lệ tinh thần cho tôi nhất là sự im lặng và khích lệ mỗi khi cần thiết của em gái sau xe tôi và những cột cây số đường. Những cột cây số ven đường ở lại phía sau, giúp cho Ninh Bình gần với chúng tôi hơn.

Đi qua Ninh bình khoảng một đoạn, xe Việt rẽ vào một con đường khác. Việt chạy xe chậm lại và báo chuẩn bị nghỉ trước khi tiến vào Cúc Phương.
Chúng tôi dừng lại ở thị trấn Me uống nước. Lại nghỉ ngơi, lại cười đùa. Không khí thật náo động bên quán nước trong thị trấn yên tĩnh của ngày thứ 7 này.

Uống nước nghỉ ngơi xong, 2 xe lại tiếp tục lao đi. Chỉ còn chừng 18km nữa là tới lối rẽ vào Cúc Phương. Tâm trạng chúng tôi ngày càng phấn khích.

Dừng lại mua thêm nước uống, đổ thêm xăng, mua thêm mũ mềm để đội chống nắng.
Đã đến cửa vườn Cúc Phương. Không khí như dịu lại. Chúng tôi hít căng lồng ngực làn không khí trong trẻo toả ra từ khu vườn lớn này. Ở đây hôm nay đang có hội thảo về bảo tồn loài thú linh trưởng. Khách khứa đi lại tấp nập. Từng đoàn xe đưa học sinh đi thăm quan đỗ chật đường vào.
Làm thủ tục nhận hướng dẫn viên của vườn, nộp lệ phí tham quan, chúng tôi lại lên xe đi tiếp. Đưa chúng tôi đi là anh Hòa – cán bộ của vườn quốc gia Cúc Phương đã 16 năm nay. Cửa vườn mở rộng và tràn đầy một màu xanh láng mát. Xe anh Hòa lao đi vun vút bỏ lại hai xe chúng tôi lơ nga lơ ngơ cũng lao theo mà chả hiểu con đường phía trước thế nào. Hóa ra vì là đường độc đạo nên chỉ cứ thế mà đi không cần ý kiến ý cò gì cả. Tuy nhiên, anh Hòa, vì thấy chúng tôi đi chậm nên thỉnh thoảng lại dừng xe chờ chúng tôi đến rồi lại đi tiếp.
Đến một đoạn có khu nhà của kiểm lâm, xe anh Hoà dừng lại. Chúng tôi dừng theo. Anh Hòa trao đổi với anh cán bộ ở đó điều gì đó. Thấy anh kiểm lâm trẻ than một câu “Thế này thì 6h30 mới cán đích”. Chúng tôi chả thấy gì là quan trọng vì 6h hay 7h cũng thế ấy mà. Chả sợ sệt gì cả. Trông lại mình trong gương chả khác gì thổ phỉ. Bịt bùng kín mít. Có cái ảnh chắc chết mất thôi. Thế mà xe kia cũng chộp được dung nhan khủng như thế mới gớm chứ.

Vì đã hiểu là chỉ có một con đường đi nên lũ chúng tôi cứ thế tăng ga lao qua một bãi đất trống đi vào một con đường hẹp. Trước mắt là một dải phân cách cao chừng 30cm chắn ngang. Hết đường đi rồi. Anh Hòa đâu rồi nhỉ? Băn khoăn không hiểu bác này biến đi chỗ nào thế không biết. Vòng xe lại đi tìm. Qua chỗ học sinh đứng đông lại thấy bác Hòa hiện ra. Bác đang hỏi xem mấy anh bảo vệ có thấy 2 xe máy chúng tôi phóng qua không thì nhìn thấy chúng tôi tiến lại.
Anh Hoà dẫn chúng tôi đến khu nhà nghỉ và để xe để chuẩn bị lên đường.
Chúng tôi chỉ có 45 phút để chuẩn bị cho bữa trưa. Bữa trưa được bày biện ra nhanh chóng vì đã chuẩn bị sẵn hết ở nhà. Đồ ăn nhanh mua ở cửa hàng Nguyên Sinh trên phố Lý Quốc Sư, một ít dưa chuột đã nạo vỏ sẵn từ nhà, hoa quả.
Bữa trưa diễn ra nhanh chóng. Cả bọn đã có những phút nghỉ ngơi thoải mái trước khi bước vào chặng trekking trong rừng.
 
Last edited:
(tiếp)
Trời xanh trong và vàng nắng. Khoác ba lô lên vai, chúng tôi hào hứng lên đường, trong đầu thầm nghĩ ui dào 17 km nhằm nhò gì. Chuyện nhỏ.
Com đường hẹp và có dải phân cách cao 30 cm chắn ngang ban nãy lại ở trước mặt . Hóa ra, mặc dầu lần đầu tiên đi tour trekking Cúc Phương này mà chúng tôi cũng đã mặc nhiên biết về con đường phải đi. May mà không ai đánh thuế nói phét nhỉ.
Bước qua dải phân cách, chúng tôi hùng dũng tiến vào vườn.
345680370.jpg

Đi đầu tất nhiên là anh Hoà, theo sau là các em gái, chốt cuối cùng là bạn trưởng đoàn. Cỏ cây rì rào, màu xanh lan tràn ngút ngàn tầm mắt. Không khí mát trong và đầy hương thơm của những mùi cỏ lạ. Những chú bướm đủ màu sắc bay phấp phới chào đón chúng tôi. Phải chụp một tấm ảnh ở cửa rừng. Tôi nghĩ thế. Cả đoàn vẫn tiếp tục đi. Riêng tôi, ngồi thụp xuống, mở ba lô, lấy máy ảnh ra. Cái ba lô của tôi cũng thật phức tạp. Mở được để lôi cái máy ảnh ra cũng phải qua mấy tầng áp bức của nào là táo, nào là giấy ăn, nào là mũ mềm đội chống nắng. May mà biết sẽ phải dùng sớm nên còn để nó bên trên cùng. Sau giờ ăn trưa mới bị thêm mấy em đàn áp nên mới khó khăn thế đấy. Đang chuẩn bị đóng ba lô, đột nhiên nghe thấy tiếng hức, hức. Chẳng hiểu là tiếng con gì, chỉ biết ba chân bốn cẳng lao về phía trước nơi có những người bạn tôi đang đi. Mặc dù chỉ mất chừng 3 phút để lấy máy ảnh ra khỏi ba lô và lắp pin vào thôi mà các bạn đã bỏ tôi đi một quãng khá xa. Rõ ràng, niềm phấn khích của việc khám phá đang thôi thúc các bạn. Vừa chạy vừa nghĩ, chu cha, lỡ có con hổ mang hay con gì lạ lạ lao ra thì chết. Sợ hú hồn.
Chạy được một quãng chừng 50m, đã nghe thấy tiếng các bạn tôi ở phía trước. Cảm giác bình an trở lại. Nếu lúc này có con gì mà tấn công thì cũng có thể gào toáng lên để yêu cầu trợ giúp. Đã nhìn thấy Việt và 2 em gái cùng anh hướng dẫn viên. Mọi người chắc cũng không để ý đến việc tôi đã tụt lại phía sau từ lúc nào. Đi trong rừng sâu, cảm giác ấm áp và an toàn nhất là thấy những người bạn luôn ở bên mình. Nơi miền rừng hoang dã nguyên sinh bao la, bao nhiêu những khó khăn ai mà lường trước được.
Thực ra phải đi qua 3km mới đến khu rừng già Cúc Phương. 3km từ cửa rừng được trải bằng bê tông. Nơi đây lúc xưa đồng bào Mường đã từng sinh sống. Đã thấy những cây ăn quả từ xa xưa cũ, nay cỏ cây lau tán mọc um tùm, đang chết dần. Đã thấy những khoảng sân xưa, thấy những hình dáng trong tưởng tượng của những căn nhà sàn nhỏ. Vì sự bảo tồn rừng nguyên sinh, đồng bào Mường ở đây đã tự nguyện rời nhà ra khoảnh đất khác sinh sống.

Vẫn đang trên đoạn đường bằng bê tông nên cũng vẫn chưa vượt qua khoảng cách đầu tiên là 3km. Đường vẫn dễ đi, song thỉnh thoảng lại chắn bởi một thân cây đổ ngang đường. Cỏ lau, dây leo mọc um tùm. Cỏ lấp đường đi, cỏ ôm lấy chân chúng tôi mềm mại. Nhưng vẫn lo sợ lắm dù đã được anh hướng dẫn đảm bảo chắc chắn là không có vắt trong thời tiết hanh khô nhường này. Trên đường đi thỉnh thoảng lại thấy có một ụ xi măng được làm giả thân cây. Trên đó có giới thiệu về những loài chim thú trong rừng. Có cả rắn hổ mang chúa nữa. Tôi cứ tâm niệm rằng, có lẽ ở mỗi gốc cây có giới thiệu đã từng có những con vật được giới thiệu trên đó đi qua nên cũng lần chần lo sợ. Chỉ nghĩ từ đâu đó, những con thú dữ lại nhảy xổ ra ngang đường thì làm sao đây.
Nhưng theo anh hướng dẫn viên giới thiệu và làm công tác tâm lý rằng những con thú dữ chỉ tấn công khi thực sự nó thấy đó là miếng mồi tức là nó chủ động, vật bị tấn công là kẻ bị động vì không hề biết đến sự có mặt của nó – con thú dữ. Còn nếu ngược khi người đi là người nhìn thấy con thú ở thế chủ động thì nó sẽ lẩn đi và không dám tấn công.
Qua bất cứ một loài cây nào với thân to và lạ, anh Hòa đều dừng lại giới thiệu rất cặn kẽ.
345680634.jpg

Chúng tôi lắng nghe trong lòng rất cảm phục vì sự hiểu biết của anh. Nghề mà. “Nhất nghệ tinh” câu này quá chuẩn.
Đã qua hết đoạn đường bê tông, nhưng vẫn chưa phải đã hết đoạn qua khu rừng thưa, chúng tôi mong ngóng tiến vào khu rừng già – nơi mang đầy những bí ẩn mà chúng tôi đang muốn khám phá.
Đôi chân đã hơi mệt mỏi. Miệng cũng đã khô khát vì thiếu nước. Với ánh nắng vẫn còn ngút ngàn phía trên, với những làn gió nhẹ thoảng mát, chúng tôi muốn dừng nghỉ ngơi cho dù phía trước là cả chặng đường chưa biết đến gian nan và còn rất xa.
Đến chân cây sấu cổ thụ, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi và chụp ảnh. Cây sấu thật to với bộ rễ hoành tráng.
345680476.jpg


Thân cây tẽ ra 3 nhánh. Nhánh trước mặt chúng tôi có hai khoảng không lớn 1 người có thể chui vừa. Chúng tôi hý hửng chui vào đó chụp ảnh.
Phía trước cây sấu cổ thụ là bộ bàn ghế làm bằng chất liệu xi măng giả thân cây dành cho du khách nghỉ ngơi.

Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi thấy rằng đã có đoàn nào đó đi ngang qua đây bỏ lại những túi rác nhỏ. Không thích và thực sự rất nản khi nghĩ đến những ý thức bị bỏ quên như thế. Nhưng biết làm sao đây. Ý thức khi đi du lịch là ở chỗ coi bất kỳ nơi nào cũng là ngôi nhà thân yêu của mình để luôn luôn ở nơi đó không bị bừa bãi và thật sạch sẽ.
Lại tiếp tục lên đường và muốn đi chóng nhanh đến nơi vì anh Hòa nói sắp vào khu rừng già.

Đường vào khu rừng già chả có gì là khác lạ đối với sự phân biệt của chúng tôi. Có hiểu gì đâu mà phân biệt. Chỉ thấy cỏ cây thân leo, cây lớn mọc chen chúc kề sát vai nhau chả thấy có chút ánh sáng nào lọt qua. Ánh sáng trong rừng già nhàn nhạt song vẫn có thể thấy rõ con đường đi dưới chân và bạn thân yêu vẫn đang bên mình. Chân bước theo chân, chúng tôi không rời nhau nửa bước. Cả đoàn phăm phăm đi rất nhanh. Một tốc độ đáng phục.
Đã đến những đoạn đường khó hơn trong rừng già. Việc di chuyển từ bước nọ sang bước kia không phải là bước mà phải ngồi xuống và đặt bàn chân cho vững vàng vào bước sắp tới. Bàn chân chúng tôi vẫn thật, gối chưa trùng mỏi, lòng đi vẫn còn hăng hái. Cây có chắn ngang đường, dây leo có chằng chịt không ngăn nổi bước chân chúng tôi.
Có đoạn vừa phải đi trên thân cây mục đổ, vừa phải đu trên những thân cây leo.
345680587.jpg

Hình như chúng tớ trở về bản năng ngày xưa của loài người thời nguyên thuỷ. Những thân cây leo chằng chịt nâng bước chân chúng tôi, dìu chúng tôi đi thật vững chắc.

Vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự khó khăn. Vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi cho dù anh Hoà nói là sẽ phải qua 2 cái quèn đá. Quèn đá là gì vậy nhỉ? Chỉ nghe thấy nói đến lèn đá. Lèn đá là núi đá. Nhưng có thấy dấu hiệu gì của núi ở đây đâu.
Đoàn trekking vẫn tiếp tục đi, đã bắt đầu có đoạn đường gập ghềnh và hiểm trở với những phiến đá nhỏ không đủ bước chân đi. Cạnh đường là những hố sâu. Anh hướng dẫn giới thiệu đây là những hố caster trong rừng. Những hố này có nhiệm vụ thu hút nước lũ trong rừng đổ xuống. Có những hố sâu thăm thẳm đến hàng chục mét. Nước lũ hút tất cả những nhành cây mục nát, những cái gì hiện hữu trên đường đi của nó xuống lòng hố, và từ đó đổ ra sông. Vì vậy, gần đây, mỗi khí có bão lũ, lòng sông lại vì thế ngầu tràn que mục.
(còn tiếp)
 
(tiếp)
Quên chưa kể chuyện ở chỗ cây sấu cổ thụ. Chỗ cây sấu cổ thụ cách đây mấy năm, khoảng cách từ cây sấu đi vào chừng 10m, một buổi, có một người dân đi vào bắt ốc rừng gần chỗ cây sấu. Mải miết bắt ốc, tự dưng ngẩng lên, đầu đột nhiên chạm nhẹ vào vật gì đấy ở phía bên trên. Ngửa cổ lên nhìn. Hoảng loạn, ba chân bốn cẳng chạy mải miết để thoát khỏi khu vực đó. Về đến nhà, vì sự sợ hãi quá độ khiến cho người này cấm khẩu mất bốn ngày. Người nhà không hiểu tại sao. Hỏi gì cũng không nói. Qua ngày thứ 5, anh ta mới vừa kể với tâm trạng sợ sệt rằng mình đã nhìn thấy một người đàn ông treo cổ ở chính chỗ cây sấu đi vào chừng 10m ấy. Và chỉ đến lúc ấy, ban quản lý vườn quốc gia Cúc Phương mới biết chỗ để tìm kiếm. Thực ra, từ mấy hôm trước ban quản lý đã có thông tin về sự mất tích của người này qua thông tin người nhà báo là có người đi Cúc Phương. Ông ấy đi Cúc Phương nhưng mãi chả thấy về nên phát thông tin nhờ ban quản lý đi tìm.
Chúng tôi nghe xong mà lạnh hết sống lưng. Trong rừng thanh vắng, cảm giác sau khi nghe kể chuyện càng thấy hoang vu và rùng rợn.
345798929.jpg


Vẫn là chuyện đi tìm miền cực lạc. Anh Hòa kể, cách đây chừng 4 năm, trong lúc đang đi hướng dẫn cho một đoàn nghiên cứu về cây trong rừng, cả đoàn thì mải miết ghi ghi chép chép các kết quả thu lượm được thì anh đi tha thẩn cách đó chừng mươi thước. Nghe tiếng gọi của đoàn nghiên cứu, anh quay lại. Mắt đập ngay vào một người đàn ông đã chết ở tư thế treo cổ. Không thể tả được sự sợ hãi. Luống cuống chạy lại phía đoàn nghiên cứu và chạy ra khoảng rừng thưa để gọi điện thoại vì chỉ ở chỗ đó mới còn sóng. Anh điện báo về cho ban quản lý vườn. Hóa ra, vì nợ nần cờ bạc quá nhiều, người đàn ông ở Đông Anh đã có vợ và 2 con này quyết chọn đến cái chết một cách bơ vơ và lạnh lẽo nhường vậy. Khổ thân! Cầu cho linh hồn người đã chết được siêu sinh tịnh độ.

Tại sao lại phải kể đến những điều như thế? Kể để thấy mặc dù sự chết thì cũng lắm cách, lắm nỗi, nhưng cũng không muốn chết như vậy vì cảm giác cô quạnh và đớn lạnh vô chừng.

Đoàn đi chúng tôi không có bóng dáng của sự cô đơn, không có bóng dáng của sự lạnh lẽo nơi rừng hoang sương lạnh. Thay vào đó là sự mê đắm trong màu xanh ngút ngàn, với tiếng chim rừng véo von cùng sự vui nhộn của thành viên nhí nhất. Không có em, có lẽ chúng tôi sẽ không ngập tràn trong tiếng cười nhiều đến thế. Không có em chúng tôi sẽ không thấy cảm giác đoạn đường này sẽ ngắn hơn. Cười nghiêng ngả, cười không thể bước đi mỗi khi em thốt ra bất cứ một câu nói nào. Sao lại phải mệt vì cười? Không thấy mệt ở từng bước chân đi xuyên rừng là sao? Sao đoàn trekking của chúng tôi lại có em một cách hay đến vậy? Kẻ hoạt náo cả chặng đường trong rừng này thật nhiệt tình. Thỉnh thoảng có câu nói chả ăn nhập lắm cũng làm cho chúng tôi phì cười. Em nó còn hồn nhiên mà. Thảo nào, đệ tử của em chỉ thích giờ em giảng đạo mà không phải là giờ của người khác.
Nơi rừng hoang không thiếu đi tiếng cười. Nơi rừng hoang đã ánh lên màu rộn rã. Rừng đã sáng hơn. Ánh mặt trời không bỏ lỡ cơ hội rọi những tia lấp lánh cho những khoảng rừng mỏng.
Đôi chân vẫn còn đầy sự ham muốn khám phá, vẫn bước đi không ngừng nghỉ cho dù quèn đá đầu tiên dưới chân đã tới mà không hay biết.
Có thể nhận biết được là quèn đá vì là khoảng đường đầy rẫy những bậc , những bước trên đá nhọn. Những bước chân chỉ có thể lách vào mới vững vàng bước thêm bước tiếp. Có những bước quá dài, phải ngồi xuống. Không thể nhảy đánh huỵch một cái như nhảy từ trên tường xuống một bãi đất trống, không thể nhảy lao như lao qua vũng nước. Chẳng có gì là an toàn cả nếu thực hiện những động tác thiếu kiểm soát như thế. Một bên là dãy cây leo chằng chịt cạnh bờ núi đá thấp, bên kia là bờ vực sâu tối thẳm, con đường dưới chân nhỏ bé chỉ chừng 1,2m, sẽ chọn giải pháp đi nào nếu như không phải là thật cẩn thận ngồi xuống và đặt bàn chân chắc chắn vào bước đi tiếp tới.
Chẳng ai hay hoảng sợ như tôi. Hay vì tôi cứ lầm lũi đi mà không nghĩ sẽ nhìn lại người sau xem họ đi thế nào. Tôi cần sự an toàn. Tôi ngồi xuống để thấy bàn chân tôi thật vững chắc khi đã đặt trên những phiến đá vững, mô đất chắc để tiến bước đi tiếp. Đó là sự vất vả của việc đi xuống. Khi đi lên, những bờ đá cao chả có khoảng cách nhất định, những mé đá nhỏ chả vừa chân đi, chỉ có duy nhất những cây dây leo cái to thì như cổ tay trẻ nhỏ, cái nhỏ thì như cái đũa cả là người dìu chân chúng tôi bước tiếp phó mặc mồm, mũi chúng tôi thi nhau thở. Cái nóng bức trong việc đi gặp cái lạnh lẽo của rừng già khi chiều đổ làm chúng tôi không khỏi lo lắng cho sức khoẻ vì như vậy rất dễ nhiễm lạnh.
Chúng tôi vẫn không thể dừng nếu như không có sự cho phép của anh hướng dẫn. Thực ra, đấy là do nỗi lo không cán đích được sớm, nên cứ hau háu đi, cứ nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Dừng là dừng, đi là đi, không nghỉ nghiêm nghiêm nghỉ bát nháo gì cả. Mặc cho sức lực đã gần cạn, mặc cho những cơn đói đã bắt đầu chớm điên cuồng, chúng tôi không thể mè nheo vì không biết mình đã đi qua bao nhiêu chặng đường. Chỉ được báo là đường còn rất dài. Nghe mà lo, nghe mà sợ, nghe mà choáng. Đôi chân có còn không mệt mỏi?
Hết quèn đá thứ nhất, sức đi vẫn còn có thể cố được. Sang đến giữa quèn đá thứ 2 sức đi suy kiệt. Tôi vẫn đi vì không nghĩ là mọi người muốn nghỉ. Không thấy có tiếng cho phép nghỉ. Trời đã buông ánh chiều chậm. Những khoảng sáng lúc nãy đã nhạt màu. Màu u tối đã nhẹ lan.
- Nghỉ thôi anh Hòa ơi. Em mệt quá! – Sweet đề nghị.
Phải đi tiếp thêm mấy chục mét nữa mới đến đoạn nghỉ. Cả toán dừng lại. Tôi, Việt , út và anh Hoà ngồi ở phía trên khoảng rừng rộng. Sweet mệt mỏi và đuối sức ngồi mãi cuối phía sau chúng tôi. Không nhìn rõ mặt em và biết em rất mệt. Gắng lên em. Thật lo lắng, thật cảm thương. Chặng đường tiếp sẽ sao đây? Tôi tự hỏi. Sweet sẽ đi thế nào nhỉ?
(Có nhìn thấy em sweet bé nhỏ phía sau kia không? Đôi chân em mệt mỏi lùi lại phía dưới khung ảnh kia rồi)
345798952.jpg


Mệnh lệnh lên đường lại được đưa ra bất chấp đôi chân của từng đứa cưỡng lại muốn nghỉ. Có nghỉ thêm chút nữa được không dù tôi biết chắc rằng càng nghỉ lâu thì càng nản cái sự đi, càng mệt mỏi cho việc đi tiếp. Chắc chắn phải lên đường, tôi tự nhủ thế. Dường như chẳng ai muốn đi tiếp nữa cả. Nghỉ tràn lan, nghỉ chẳng đếm xỉa gì đến giờ giấc, miễn sao đôi chân quên mệt mỏi và chỉ thế chứ chả còn nghĩ thêm gì.
“Thường thì buổi tối ngủ lại trong rừng, khi nằm trên võng sẽ thấy rất thích thú. Song, đến sáng hôm sau có thể cạnh người có thêm con rắn, cái rết tìm chốn ấm áp len vào nằm cạnh. ” – Anh Hòa thản nhiên nói.
Cái gì cơ? Rắn á? Sợ quáng quàng khiến đôi chân và sức lực lại tràn căng, lại có thể tiếp tục lên đường. Đòn này dù ác nhưng có tác dụng khá tốt cho việc cần thiết phải khẩn trương trở lại vì trời đã mờ hơn trên những khoảng rừng già.

Đoàn người tiếp tục đi. Gối đã nhanh trùng hơn, đôi tay lạnh giá hơn vịn vào bờ đá lạnh. Thỉnh thoảng mới thấy có cây dây leo vững để víu vào. Vẫn phải an toàn bằng cách ngồi xuống dò dẫm cho sự vững chắc của bàn chân. Đến khi bàn chân không còn cảm giác thật nữa là lúc phải nghỉ ngơi nữa rồi. Vẫn không thể và không được phép nghỉ. Những bàn chân đã đau vì bị bó hẹp trong đôi giày dù đã cố chọn nhỉnh hơn chân một số. Em Sweet ca cẩm vì vụ quên không cắt bớt móng chân để giờ cứ bấu vào đau đến độ chảy nước mắt. Xuống dốc chân lại càng phải nhấn mạnh, sự đau càng tới nhiều. Giày Việt đã toác hết cả đế. Giày út thì lúc tuột cái trước, lúc tuột cái sau. Chân tôi cũng đang kêu gào đòi giải phóng. Chờ đến nơi đã chứ ạ. Làm gì có chuyện giải phóng giữa đường giữa chợ thế này.

Vẫn còn khó khăn lắm trên đoạn đường xa. Thầm nghĩ cái sự đi sao nó khốn khổ nhường này. Đang sung sướng ráo hoảnh trên những con đường êm dịu lại chui tấp vào đây thử cảm giác lạ. Ước có cánh bay vèo cái về nhà.

Vẫn phải tiếp tục dù chân đã lại chùn bước. Anh Hoà nói sẽ cho nghỉ ở bãi cỏ rộng và ăn uống một vài đồ ăn nhẹ. Cái cảm giác được ăn uống đó làm chúng tôi thấy thích thú. Thích thú không phải vì được ăn, mà thích thú vì chắc chắn nếu dành thời gian để ăn chắc chắn sẽ được nghỉ dài.

Lại háo hức, lại cười nói tá lả dù rất mệt. Không sao, sắp được nghỉ tràn cung mây rồi. Thi nhau chụp ảnh, thi nhau làm dáng bên những bờ cỏ lau xanh ngút ngàn.

Đã đến bãi cỏ xanh mướt mát. Ráng chiều đã vàng ruộm. Cảnh rừng thật đẹp và hữu tình.
345798907.jpg

Anh Hòa nói sẽ đi chừng 1 tiếng nữa là về đến bản Khanh. Ồi, 60 phút nữa thì đến nơi. Sướng ngất ngây và chả coi sự đau mỏi của đôi chân ra cái gì nữa cả. 60 phút thì nhanh ấy mà.
 
Khi ráng chiều đã nhạt, vùng trời thẫm hơn, lối đi trong rừng đã không còn rõ nét trước mắt chúng tôi. Nhưng vẫn nhìn thấy mặc dù chỉ lờ mờ con đường dưới chân. Rất yên tâm vì gần 10 ngày nay trời không mưa, con đường mòn không lầy lội, có chăng chỉ là làn sương xuống sớm ướt mềm dệ cỏ bên đường . Bóng tối ào xuống cũng không thúc giục chúng tôi đi nhanh hơn được vì đã cảm thấy lạnh và muốn thấy cái gì đó thân quen hơn là phải đi chừng 1 tiếng nữa trong rừng.
Sung sướng vì nghỉ được 1 khoảng thời gian dài sau chuyến vượt 2 cái quèn đá đầy vất vả và chông gai là một sự lựa chọn không mấy khả quan. Giờ đã nhận ra tác hại của việc nghỉ ngơi không hạn định, đã làm bước chân càng về tối càng thêm nao núng. Không khí lạnh thẳm. Thấy oải và sự mệt đến nhanh hơn lúc đi hết quèn đá thứ nhất. Chân vẫn bước theo chân. Lối đi mờ hơn và chỉ nhận biết bằng những sợi lau lách rã rạp hai bên đường mòn. Không trăng, chỉ có vì sao Hôm treo cô đơn trên lưng trời.
Vẫn là quèn nhưng là quèn đất. Khác với quèn đá sẽ làm đau bàn chân vì phải bước chênh vênh trên những mép đá nhọn, cái quèn đất xô chúng tôi trơn tuột xuống. Bàn chân không còn cảm giác của sự bấu víu vì sự đau đã lại hoành hành, nay lại phải cố ghìm vào lòng giầy mà vẫn khó đứng vững. Đất lổn nhổn và trơn tuột. Xoạch một cái, gối trái gập lại, còn chân kia thì duỗi thẳng, đang ở tư thế đi bất ngờ lại trượt ngã, ngồi gập gối trên cái dốc đất vừa bước vào. Tán rừng dày che đường chúng tôi. Chỉ thấy một màu xám mờ lan tràn.
Cái quèn đất này ngắn hơn, anh Hòa bảo thế, và đi sẽ ít khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi lại không cho là như vậy. Khi sức đã cùng, trở ngại dù có dễ hơn cũng khó để vượt qua. Thời gian trôi đi thật chậm. Nhưng trong lòng vẫn tâm niệm chỉ còn 40 phút nữa là đến bản Khanh rồi. Cố lên mới phải. Ai lại bỏ cuộc ở đúng chặng cuối cùng, và cũng không muốn làm mồi cho ve cám hay cái gì tương tự những thứ mà chúng tôi không biết đến đang trực rình rập chúng tôi.
Lại nói đến chuyện ve cám. Anh Hòa kể, một lần cũng đưa một đoàn đi khảo sát trong rừng. Đang nghỉ ngơi đột nhiên thấy ngứa ran hết cả người. Nghĩ có thể bị con gì đốt liền bỏ áo ra và nhờ người nhặt những con bé li ti như hạt cám trên lưng. Về đến nhà dân, kể lại chuyện đó cho ông chủ nhà, ông ấy kêu trời. Ông chủ nhà là người có kinh nghiệm đi rừng nhiều năm nói rằng nếu như bị con ve cám đốt chỉ có một cách là để nguyên như vậy, về nhà uống chút rượu thì con ve cám sẽ tự bật ra. Còn việc bắt ve cám ra khỏi, tuy cũng làm đỡ ngứa, nhưng cái chân của nó vẫn còn cắm phập vào người sẽ mưng lên và cứ lay lắt không lành vết những 1 năm liền. Chao ôi nghe mà sợ. Bọn tôi, cứ im thin thít, vừa đi vừa nghiêng nghiêng ngó ngó, thấy có mô đất nào khả nghi là lại hỏi anh Hoà. Đúng là thần hồn nát thần tính.
Thực ra vì hanh khô nên trời rất trong và cũng không đến nỗi quá khó để nhìn thấy những con đường dưới chân. Đã phải dùng đèn pin để hỗ trợ cho việc đi. Chẳng ai nghĩ sẽ phải đi 17 km trong rừng mà mất những tận 5 giờ như vậy. Và vì thế, đèn pin là thứ bị vứt quăng quật ở nhà.
Cũng may, cái điện thoại của Sweet có thể phát sáng, không chỉ sáng mà là còn rất sáng. Anh Hòa đưa một đèn pin cho Việt và Út đi ở phía sau cùng. Còn tôi, Sweet dùng đèn điện thoại của Sweet với sự dẫn đường của anh Hoà đi tiếp. Vừa đi vừa phải soi đường nên sự đi, vì vậy, thật chậm. Người cầm đèn là người khổ nhất. Vừa phải soi đường cho mình đi, vừa phải soi cho người sau nữa. Tôi vẫn bám theo Sweet, cố gắng cho em ít phải quay ngược lại soi cho tôi. Nhưng vẫn phải anh Hòa dẫn đường, Sweet mới tự tin đi nhanh được. Bao nhiêu thứ chưa biết tới trong rừng đêm này, chân thì đau mỏi phát khóc, Sweet chắc phải gồng lên rất nhiều để cả đoàn khỏi lo lắng. Ở phia sau, Út và Việt vẫn cứ lầm lũi tiến đi tuy rất ồn ĩ. Út, bản tính hay nói cười, dù mệt vẫn không thuyên giảm cái sự hoạt náo của mình. Đã đi chậm, chân đau mỏi, nghe chuyện tếu táo chả biết nên cười hay nên mếu nữa. Việt với nhiệm vụ chốt đoàn, lại thêm nhiệm vụ mang vác nữa. Tay phải cầm đèn pin rọi đường, vai khoác ba lô nặng trịch sau lưng, tay trái cầm túi đồ ăn thỉnh thoảng va vào cây leo nghe sột sột soạt soạt.
Anh Hoà lẩm bẩm” Ông kia chả cho cái tay nào được tự do thì ông bám víu vào đâu trên cái đường quèn đất này”. Việt có lẽ không nghe thấy và có thể nghe thấy nhưng cũng chưa thấy có gì là quan trọng cả nên vẫn cứ lầm lũi tiến đi. Lên dốc quèn thì đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng xuống dốc mới cả là một sự cần nói. Tay không còn tự do để bấu víu vì vướng nào đèn nào túi đồ ăn. Xuống một đoạn dốc nhỏ, chân Việt lại bị quèn đất lôi tuột xuống. Đèn pin quét loang loáng vì không có định hướng do trượt, tiếng túi đồ ăn đập bịch vào đường quèn. Tôi tự nhủ ”không ổn rồi”. “Việt đưa túi đồ ăn đây tớ cầm cho”- tôi nói. Việt lắc đầu. Tôi quả quyết “ Thôi nào, cứ đưa cho tớ. Tớ cũng chẳng bận bịu gì vì đã có em Sweet rọi đèn rồi.”
Lại đi tiếp. Tôi vẫn phải bước tiếp cho kịp với ánh đèn soi của Sweet và anh Hoà. Một lát, Sweet nghe chừng có vẻ đã quá đau chân nên đi chậm lại. Tôi vẫn lầm lũi bước sau anh Hoà. “Chị có đi được không?”- Anh Hòa hỏi. “À vâng, tôi vẫn có thể đi được ạ.”
Có thể đi được là đúng với nghĩa đen của nó. Không còn là bước chân hăng hái như ở phía cửa rừng hay lúc leo lên quèn đá đầu tiên. Trên đường dốc quèn đá đầu tiên, chỉ sự thở là khó khăn. Tôi vẫn cố đi mặc dù cảm thấy ngộp thở. Sweet thì càng cố gắng không đứt đoàn càng không thở nổi.
Còn bây giờ sự đi chỉ còn là bước theo quán tính. Bước thấp bước cao vì nhiều mô đất nhỏ trên đường. Lẽo đẽo đi vì lòng chả còn hứng thú gì cho việc trekking này nữa. Nghĩ ngợi, chắc chỉ còn chừng 20 phút nữa là đến nơi thôi.
Cả toán băng qua một khu đất bằng, phía trước là một cái lạch nhỏ nước chảy rì rào. Đất xung quanh trông chừng có vẻ khô ráo. Anh Hòa đón Út, rồi Sweet qua trước. Tôi ương ngạnh, không muốn người khác phải lo cho mình, lùi lại tìm sang dìa đá khác để đi. “Không bước được đâu, sình lắm đấy. Bà đưa tay đây!”- Hoà nói. Tôi vẫn chưa chịu tin. Nhưng cứ định chạm mũi giày vào chỗ nghĩ là có thể bước được là lại cảm thấy đất mềm dưới chân. Khuất phục, không để sự ương bướng có đất dụng võ, tôi đưa tay cho anh Hoà. Bám tay Anh Hoà bước qua, mới thấy, chỉ có dìa đá đó là an toàn nhất để không làm sụt đôi chân cho dù nhìn nó có vẻ chênh vênh bên dòng nước nhỏ.
Lên bao nhiêu dốc cao của quèn đất thì cũng phải xuống bấy nhiêu độ cao đã vượt qua. Chúng tôi đang ở trên độ cao so với đường vào cửa vườn Quốc gia là 300m. Một con số chả mấy ấn tượng gì mà làm cho chúng tôi chả còn chút hào hứng nào cho việc đi nữa. Chỉ muốn mau chóng cán đích. Rút điện thoại ra, chả sóng sánh gì cả chỉ thấy đã 6h15 rồi. Vậy mà sao vẫn chưa tới nơi. Nghi hoặc. Lúc trước, khi đi qua một khu đất bằng, anh Hòa tự dưng thốt lên “chả hiểu có đúng đường không nhỉ”. Nghe mà thấy hãi. Chẳng chuẩn bị đâu cái việc sẽ ngủ lại trong rừng.
Hay lạc đường thật nhỉ. Lúc ở trạm kiểm lâm nói là khoảng 5h30 là cán đích cơ mà, giờ vẫn ở đây. Chết thật, hay là, hay là…
Có vẻ lạc đường thật. Mông lung suy nghĩ. Rừng đã tối sẫm. Đường đi mù mù mờ mờ, đèn có soi càng làm sự lo lắng lên đến tột đỉnh. Nghe tiếng suối chảy mà không thấy suối. nghe tiếng rì rào mà chằng thấy lá vẫy tay reo, chẳng thấy có gì là cảm giác thân thuộc dù nghĩ rằng chỉ chừng 10 phút nữa là cán đích.
Bất chợt, một ánh đèn pin quét xoẹt qua bìa rừng. Tiếng rì rầm của lá cây biến mất, thay vào đó là tiếng rú ga của chiếc ô tô nào đó đi qua chừng phía trước. Lòng hứng khởi trỗi dậy khi anh Hòa nói “Mấy lão này biết mình về nên quét đèn đây”.
Có thể sẽ thật bực tức khi ngồi trong văn phòng mà nghe thấy tiếng còi xe inh ỏi dưới đường. Nhưng đúng lúc này, tiếng còi xe ở nơi hoang vắng đã làm cho tôi cảm thấy có thể yêu cái tiếng ồn ào ấy, vì nó cho lòng vơi đi cảm giác của sự cô đơn.
Đã nhìn thấy ánh đèn trong bản nhỏ. Cả đoàn chỉ còn cách bản Khanh đúng một con đường. Đã nghe thấy tiếng nói cười râm ran trong nhà sàn. Đến nơi rồi đấy nhỉ.
Bước nốt lên một phiến xi măng lớn, chúng tôi đã lên tới đường. Cả toán lặng người vì sung sướng, bước phăm phăm về phía nhà sàn. Ánh đèn ấm áp ùa ra đón chúng tôi. Leo lên cầu thang, nhìn vào phía trong đã thấy biết bao là người ngồi trong đó. Tiếng nói cười rộn rã, mùi đồ ăn toả ra thơm lừng quanh mâm cơm trong nhà sàn nhỏ. Cái đói cồn cào xâm chiếm chúng tôi. “Nhà mình đi rửa mặt mũi tay chân nhé rồi vào ăn cơm. Bể nước ở dưới kia. Nước hơi lạnh đấy”. Tuân thủ mệnh lệnh răm rắp. Lại rọi đèn, lại đi nhưng trong lòng đã phơi phới vì đã vượt qua chặng trekking gian nan trong rừng.
 
Cái lạnh như nén chúng tôi xuống. Rét, rét thế không biết. Ở rừng, cái rét như càng đậm hơn. Lốm đốm sao mọc trên trời. Vẫn nguyên ngôi sao Hôm lúc chập tối khi bắt đầu vào quèn đất cuối cùng.
Ở nhà bác chủ nhà hôm nay có tận 3 đoàn khách . Đoàn chúng tôi, đoàn VNA – đi quay phim tư liệu và một đoàn nghiên cứu về đa dạng thực vật ở Cúc Phương.
Bữa cơm tối đã sớm bắt đầu cho dù không thể tiến hành nhanh được vì các đoàn bên sang chúc rượu.
346457049.jpg

Rượu men lá ngọt lịm, không khí thật nồng ấm và vui vẻ. Tiếng chúc rượu dậy vang. Chúng tôi thấy lòng ấm áp quên đi những vất vả vừa mới trải qua.
Chân đã được giải thoát ra khỏi giày nhưng ý chừng vẫn chưa nguôi đau. Có lẽ lúc này, có chậu nước ấm nóng ngâm chân thì tốt thật.
Mọi người vẫn say sưa trong không khí vui tươi và mến khách của người dân bản Mường. Bác chủ nhà sau một hồi chuyện trò,đột nhiên biến mất. Khi trở lại, trên tay bác cầm một cây đàn trông giống như cây đàn nhị. Tiếng đàn réo rắt bản nhạc múa sạp của đồng bào dân tộc. Đoàn VNA tranh thủ ghi từng khuôn hình quý giá.
346460393.jpg

Tiếng vỗ tay vang dền khi bản đàn kết thúc.
Vì phải liên hệ với trung tâm bảo tồn thú linh trưởng cho chuyến đi ngày mai nên đoàn VNA, sau bữa cơm bản Mường ấm cúng liền chuẩn bị lên đường với lỉnh kỉnh đồ nghề mang theo.
Xong bữa cơm tối cũng đã hơn 9 giờ. Bầu trời giá lạnh với chi chít những vì sao báo hiệu một ngày nắng rỡ sắp tới.
Chưa thực sự buồn ngủ nhưng cái rét ngấm ngáp làm cho chân tay tê cứng. Chúng tôi ngồi thu lu vào một chỗ nhìn phía góc bên kia nhà sàn một đội quạt xoè đã được bày ra.
Các cô con gái chủ nhà cũng chuẩn bị đi ngủ sớm sau một ngày lao động vất vả, nên lục tục trải đệm, mang chăn đến cho chúng tôi.
Út quàng khăn ấm, lò dò ra ngoài ngắm sao. Thật không thể lãng mạn hơn trong cái tiết trời kiểu này.
Đội quạt xoè vẫn râm ran, chúng tôi, phần vì chân đau mỏi, phần vì quá muốn nghỉ ngơi, và lại cũng chẳng còn biết đi đâu trong cái đêm tối trời giá lạnh nhường này nên đành lấy chăn đệm làm bạn, ru giấc ngủ đến sớm hơn so với thông thường.
Cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, giấc ngủ yên lành làm dịu đi sự vất vả hồi chiều. Đêm thanh lặng và yên bình.
Trời mờ sáng. Đã có tiếng con bác chủ nhà lục tục dậy chuẩn bị đồ ăn cho khách.
346460825.jpg

Hành trình của chúng tôi sáng nay, sau khi trở về vườn quốc gia lấy xe máy sẽ đi sang chùa Bái Đính – ngôi chùa nghe nói có bức tượng Phật lớn nhất Việt nam.
Những tia nắng vàng nhẹ rọi xuống hiên nhà sàn. Cả đoàn nhanh chóng thu dọn đồ đạc, ăn sáng rồi lên đường, không quên chào từ biệt những vị chủ nhà mến khách. Từ biệt bản Khanh, từ biệt những người dân Mường chân chất, vương lại trong lòng chúng tôi những phút giây ấm cúng tưởng như đang ở chính ngôi nhà mình.
346461278.jpg

Đường từ bản Khanh trở lại vườn quốc gia không được tốt. Nhiều đoạn đã xuống cấp. Con sông Bưởi hẹp dòng vẫn mang đến một sự cuốn hút với những dải cây xanh chen những cánh đồng vàng rơm sau vụ gặt. Lòng sông hẹp nhưng vẫn một màu xanh quyến rũ lấp lánh ánh nắng. Trên cao kia bầu trời xanh thăm thẳm không gợn chút mây. Ánh nắng ban mai khiến cho mọi vật khoác lên mình một màu tươi mới.
346461671.jpg

Vì là sáng chủ nhật nên vườn quốc gia vẫn đón nhiều đoàn đến thăm quan chủ yếu là học sinh trung học. Tạm biệt anh Hòa, tạm biệt Cúc Phương, chúng tôi lại rong ruổi trên đường sang chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính phải chừng 4 năm nữa mới xong, song đã thấy sự hoành tráng của cả một quần thể đã thành hình.
346461966.jpg

Nhìn từ phía xa, có cảm giác phong cách kiến trúc chùa Bái Đính mang màu sắc chùa chiền miền Vân Nam, Trung quốc. Tới lại thêm gần hơn với chùa, mới thấy đây là kiểu kiến trúc quen thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nhưng có hơi khác hơn vì mới xây dựng lại không khỏi làm tôi bỡ ngỡ. Những vị La Hán ngồi chật cả một khoảnh rộng dưới dốc núi chùa, chờ phần hành lang hai bên chùa hoàn thành sẽ thỉnh tượng vào.
Đường lên chùa chính là một dốc cao. Phải đi bộ, xe máy gửi lại chỗ lưng chừng núi.
Bên cạnh chùa Bái Đính là chùa Bái Đính cũ, nhỏ hơn, song nghe kể là đẹp hơn. Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi đành từ biệt Núi Chùa Bái Đính lên đường đi thăm động Tràng An.
346457521.jpg

Động Tràng An là quần thể 13 hang động bao gồm hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, đền Trần – nơi thờ vị tướng họ Trần có công với vua Đinh Tiên Hoàng, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương, phủ Khống – nơi thờ các vị tướng trên đường đi chôn cất vua Đinh trở về qua đây cùng tự sát để bày tỏ sự trung thành cũng như để bảo vệ bí mật về lăng mộ của vua Đinh.
Quần thể hang động này có rất nhiều thạch nhũ long lánh với hoa văn đẹp.Làn nước xanh trong nhìn thấy rõ những cây rong phấp phới múa trong làn nước.

Vì đến Tràng An lúc đã 3 giờ chiều nên khi đến ngang hang Si – hang gần cuối cùng của hành trình thì trời đã xẩm tối. Ra khỏi hang Si, không gian thật vắng lặng. Đâu rồi tiếng nói cười như những phút đi trong rừng, đâu rồi không khí hoạt náo hiện hữu trên từng chặng đường trên chùa Bái Đính , trong những lúc leo lên đền Trần… Út ngồi thinh lặng, chả nói câu gì.
Cả ba đứa chúng tôi càng buồn cười tợn. Út nói đã buồn cười, Út buồn trông càng buồn cười hơn. Chả hiểu có lý do gì mà chả nói năng chi thế không biết.
“Người ta càng về già càng thích những nơi tĩnh lặng yên bình. Thế nên hay chọn chùa chiền làm nơi du hành” - Việt nói, ngấm ngúi quay lại phía sau cười với Sweet và tôi.
Út vẫn chả nói gì.
Cái con bé này, nó sao thế nhỉ?
“Nói cho cô mình biết nhé, người ta nói chuyện với mình mà mình không đáp lại là vô duyên đấy. Chúng mình, xong chuyến này phải về xử lý đứa nào dám trêu Út để giờ Út chả nói năng gì với ai cả” – Tôi đe nẹt.
“Ơ, ơ chị ơi, lại có cái vì sao tối qua lúc mình ở chỗ quèn đất kìa” – Út lên tiếng.
Cả 3 đứa chúng tôi lại cười. Hóa ra Út cũng nhanh trở lại trạng thái vui vẻ.
Chiếc thuyền lại náo động bởi bốn đứa chúng tôi. Út lắm lời nhất. Bọn tôi chúi mũi vào trêu nàng cho không khí ấm áp trở lại. Đồng hồ đã chuyển sang 6 giờ. Mảnh trăng thượng tuần treo lơ lửng trên bầu trời .
Tạm biệt Tràng An chúng tôi lên đường trở về Hà nội. Lại mũ áo bịt bùng. Đèn pha quét sáng rọi đường chúng tôi đi.
Nếu lúc tạm biệt Hà nội ra đi, nỗi lo cho đoạn đường dài đến với Cúc Phương dưới ánh nắng chan hòa, với sự chưa tự tin về khả năng đi đường dài của bản thân chỉ là một, thì khi trở về nỗi lo trong lòng tôi lại dâng lên gấp đôi. Đi trong đêm tối trời, mình sẽ đi như thế nào đây.
Nhưng vẫn phải tiếp tục tiến lên vì đã không còn con đ ường nào khác. Phải trở về trong hôm nay. Sweet hỏi tôi có cần đổi lái không, em sẽ làm xế một chặng. Tôi, dù vẫn lấn cấn, nhưng không nao núng. Sweet phải ở lại phía sau.
Đèn pha ô tô quét loang loáng trước mặt làm tôi lóa mắt. Tôi vẫn nhìn thấy xe Việt ở phía trước nên vẫn cứ lao theo.
Bỗng một đoạn, qua một cái ngã ba, khi làn xe ô tô lao tới, xe Việt đã cách xa tôi đến cả 30 m, tự nhiên mắt tôi chả nhìn thấy gì cả. Chỉ thấy một vệt sáng loà. “Ấy, chị ơi. Kìa, kìa” - Sweet hốt hoảng. Tôi phanh khựng lại. Một cậu thiếu niên với chiếc xe đạp đã ở trước mũi xe của tôi. Chỉ cần nhấn ga thêm chút nữa là xẩy ra tai nạn. Hú hồn. Người run bắn. Môi mím chặt. Và từ sau lúc đó, cứ mỗi lần có đèn pha ô tô rọi ngược lại, tôi lại đi chậm, không dám tăng ga nữa.
Cả đoàn dừng lại ở Phủ Lý ăn một bữa cơm cuối cùng trên đất Hà Nam. Bữa cơm ngon và vẫn ngập tràn tiếng cười.
Đường về Hà nội thăm thẳm. Đêm tối mù mịt vây quanh. Chỉ có ánh đèn pha là người bạn tin cậy với chúng tôi quét từng mét đường nhỏ soi cho chúng tôi vững bước trên hành trình về nhà. Xe Việt đi chậm lại, Việt dặn không được đi vào sát mép đường vì có thể sẽ dính đinh. Thảo nào, thỉnh thoảng trên đoạn đường lại có một thằng cha đứng lơ nga lơ ngơ chả hiểu để làm gì trong cái đêm lạnh tối tăm thế này. Bọn khốn.
Pháp Vân chỉ còn cách chúng tôi 18km. Xa xa đã thấp thoáng những chấm nhỏ của nhịp sống hiện đại. Chúng tôi giữ tốc độ vừa phải bỏ lại sau lưng những lo lắng bộn bề. Vì đi ngược chiều gió nên cảm thấy đôi bàn chân lại tê dại. Nhưng vẫn vù vù tiến với tâm trạng hứng khởi sắp đến ngôi nhà thân yêu của mình.
Ninh Bình đã lùi lại, Pháp Vân đã ở phía sau, mùi khói bụi nồng nồng lòa mắt. Ánh sáng đô thị ngập tràn của đèn đường và ồn ã tiếng còi xe. Sự náo nhiệt đón chúng tôi và mừng vui khi chúng tôi trở về an toàn.
Kết thúc một cuộc hành trình, biết bao nhiêu điều phải kể, biết bao nhiêu điều cần nói, biết bao nhiêu lắng lo giờ đã thành kỷ niệm. Một kỷ niệm không thể nào quên về chuyến trekking xuyên rừng này.
 
Last edited:
Cụm ảnh tour trekking Cúc Phương (tiếp)

- Một cách đánh dấu đường. Chỗ này gần cái cây có người đàn ông ở Đông Anh treo cổ tự vẫn.
346587292.jpg


Các loài cây trong rừng

- Cây "phụ sinh thắt ngẹt": là thân cây phụ bao xung quanh cây chính và hút hết chất dinh dưỡng của cây chính.
346587362.jpg


- Cây lá han: phấn lá han rơi vào có mà ngứa rát mặt.
346587307.jpg


- Cây trò chỉ: đến mùa xuân trên những nhánh cây xa kia rực rỡ muôn sắc hoa Phong lan.
345680418.jpg


- Cây sung già trong rừng
346587317.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top