What's new

[Chia sẻ] Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao

Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao


Xuân đã sang, sao vẫn còn gió đông.

Xuân, sao giá băng vẫn chen về nơi miền quê xa nghèo.

Xuân, sao trời như buốt lạnh.

Xuân, sao vẫn lòng vẫn lạnh giá…



Tôi đi Trung Nguyên những ngày xuân Sài Gòn mưa sao về quá sớm. Bầu trời quang đãng những ngày xanh nắng tháng 3 sao vội tối sầm khi chiều xuống. Một chiều hối hả chạy qua cơn mưa trên con đường nhiều những cơn trốt hoa dầu bay tung trong gió lốc, một đêm bó gối trong quán nhìn mưa lạ, nghe gió lạnh hun hút thông thốc lùa qua quán, sao thấy chùng sâu…


Rồi tôi đi.

Bạn hỏi, sao đi hoài?

Bạn hỏi, đi chừng nào về?

Bạn hỏi, lại đi một mình nữa sao?

Bạn hỏi, vẫn còn tiền để đi sao?

Bạn hỏi, không sợ những cơn mưa axit, mưa phóng xạ sao?


…….


Tôi hỏi, sao tôi đi?


Rồi tôi đi.


23.03.2011. Đêm tháng Ba, Sài Gòn mưa đổ trắng trời…​
 
Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.

Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.




Huashan, hay Hoa Sơn, một trong những ngọn núi thiêng của Đạo giáo, một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc, di sản thiên nhiên Unesco… cũng là một trong những ngọn núi mà bọn đệ tử của Kim Dung tiên sinh đều mơ ước được đặt chân đến. Nghe nói, cả những bọn nữ đệ tử cũng mong tìm đến, để được lang thang dưới con thác lộng lẫy, mơ thấy Xung – Linh kiếm pháp dịu dàng, ước ao gặp được người trai chung tình như Lệnh Hồ đại ca…



Không lộng lẫy như Nga My hay Thái Sơn… nhưng Hoa Sơn thu hút du khách không chỉ vì lý do tôn giáo hay ‘văn học’ mà còn do vẻ hùng tráng của nó. Kiến tạo chủ yếu bằng đá vôi, Hoa Sơn không có nhiều cây cỏ, nhưng đặc biệt với những gốc thông, tùng, bách xanh ngời với những tư thế, dáng vẻ đặc biệt, xanh ngời trên đá trắng. Theo Wiki “Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100 km về phía đông. Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía nam) có tên Lạc Nhạn cao 2.154,9 m. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn. Hoa Sơn nổi danh là nơi hiểm nguy, thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi.”



P4040008.jpg



P4040014.jpg

Đầu mùa xuân cùng ai đi lễ? – Chùa dưới chân Hoa Sơn rực rỡ anh đào xuân​



He he he… nghe nói Hoa Sơn là nơi thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi và khi thấy ở quầy vé có bán thêm 1 mục mới lạ cho du khách “Bảo Hiểm”… tôi càng hạ quyết tâm. Và cho dù đã tiết kiệm được cả đống tiền do cái thẻ sinh viên quốc tế giả hiệu, tôi vẫn kiên quyết không bỏ ra 5Y để mua bảo hiểm… Dân chơi thì sợ gì mưa rơi há?


P4040156-1.jpg

Bạn có thấy con đường cheo leo dốc đứng men vách núi…



P4040145.jpg

… bạn có thấy ngôi chùa nho nhỏ trên đỉnh Nam Phong xa xa


P4040161-1.jpg

… để khi lên đến nơi, ngỡ ngàng trước những thân tùng đẹp ngạo nghễ.



Cứ thế tôi lên Hoa Sơn, với công phu Thần Hành Bách Biến của Vi tiểu ca, mong lượm được bí kíp của Phong Thanh Dương tiền bối, hay chí ít cũng cái vò rượu cũ của Lệnh Hồ huynh… Suốt hành trình, tôi chỉ có khờ dại sử dụng cáp treo cho lượt đi lên, vì muốn bảo quản sức khỏe cho cuộc chạy đua lên 5 đỉnh của Hoa Sơn, cũng như cho lượt về… Mà tôi cũng đã mất hơn 1 giờ để xếp hàng chờ cáp treo. Dường như hôm qua cả thành Trường An đổ về Binh Mã Dõng, còn hôm nay họ lại dồn về Hoa Sơn. Rút kinh nghiệm từ chuyến đi này, tôi chân thành khuyên các bạn đi sau, nếu muốn tham quan Hoa Sơn nên nghỉ đêm lại đây để có thời gian thư thả chứ vừa đi thăm thú ngó nghiêng, vừa phải luôn miệng “Excuse me!” để chen lấn giành đường, để bon chen vừa đi vừa chạy… như tôi thì quả là mất hứng thú. Tôi xin thề là hôm đó, từ lúc tôi đặt chân xuống cáp treo, tôi chỉ có nghỉ ngơi khoảng 15p, là lúc đói bụng quá, ăn tô mì ăn liền giá cắt cổ 15Y, còn toàn bộ khoảng thời gian còn lại là tôi di chuyển. Chỉ có dừng lại để chụp hình mà thôi, vì không thể vừa đi vừa chụp hình được. Mà nếu làm vậy được, chắc tôi cũng đã làm.
 
Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.

Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.




Tôi lòng vòng quá há! Đi mãi mà vẫn chưa rời Hoa Sơn!


Chia sẻ thêm với các bạn chút thông tin. Hoa Sơn, gồm 5 ngọn. Có 3 cách để lên Hoa Sơn từ chân núi. Cách thứ nhất là bắt đầu leo núi từ chùa Ngọc Hoàng, từ làng nằm ở phía bắc, dưới chân núi, nơi các xe từ Trường An sẽ đổ khách xuống. Cách này thường mất khoảng 3-5g để lên đến Bắc Phong, đỉnh đầu tiên của Hoa Sơn, mà cả 2 cách đi kia cũng thường chọn làm điểm đến đầu. Cách thứ 2, là từ làng đi taxi hoặc đi bộ đến cổng đông, cũng là cổng chính lên Hoa Sơn, mua vé xe bus (sau khi mua vé vào Hoa Sơn) đi lên đến điểm tập kết, ngay dưới chân cáp treo. Sau đó,leo núi bằng con đường chạy thẳng đứng nằm ngay dưới chân cáp treo. Con đường Soldier Path dẫn đến Bắc Phong này cũng sẽ lấy mất khoảng 2g. Cách thứ 3, là đi cáp treo, từ điểm dừng xe bus, cũng đến Bắc Phong và mất chỉ 15p. Đi xuống cũng vậy, đây là điều lạ, vì đường rất dốc, nguy hiểm nên tốc độ bị chậm lại. Hơn nữa, đường nhiều khi chỉ 1 người đi nên muốn đi nhanh cũng khó lòng. Còn khi đã đến được Bắc Phong, nếu muốn đi cả Đông Phong, Trung Phong, Nam Phong, Tây Phong (thường mọi người vẫn đi theo thứ tự này) bạn sẽ cần thêm 4g, tính từ Bắc Phong. Và bạn cũng cần tính thêm gần 2 giờ để đi bộ từ Bắc Phong xuống đến bến xe bus theo con đường Soldier Path – mà hôm đó tôi đã chen lấn xô đẩy chạy xuống trong vòng 1g5p – “hàng thật giá đúng” vui lòng không trả giá, để có thể kịp đón xe bus về lại Trường An trong đêm.



P4040031.jpg

Một đoạn ngắn của Soldier Path


P4040132.jpg

… những con đường chênh vênh lên Hoa Sơn…


P4040100.jpg

…cheo leo ven sườn núi…


P4040170-1.jpg

… nắng lên nhưng tuyết vẫn lạnh lẽo đường lên Hoa Sơn



Những ngày xuân này, Hoa Sơn như vừa qua mùa đông hay vẫn đang còn trong những ngày đông cuối. Dù hôm nay nắng rỡ ràng, những con suối vẫn phủ đầy băng tuyết. Băng tuyết vẫn còn nằm ven đường đi hay lấp loáng dưới những vạt tùng xanh ngắt, dù con đường đi dốc và nắng đang làm áo bạn sũng ướt. Sự tụ tập của quá đông người nên cảnh quan dù có đẹp, có thâm nghiêm đến mấy cũng bị đập tan, nhất là ở Bắc Phong, nơi các khách du lịch theo tour, và những người bỏ cuộc thường tụ tập nơi đây. Nhưng có 1 điều lạ, đứng tại các đỉnh của Hoa Sơn thì không cảm giác gì, nhưng nhìn sang các đỉnh khác thì rất đẹp và lôi cuốn. Nhìn ngọn núi cao chót vót vẫn nhìn thấy rõ ràng trong ngày nắng đẹp trời quang, nhìn những mái chùa thâm nghiêm nhỏ bé nép bên đá trắng, tùng xanh, con đường dốc đứng có những bóng người bé li ti đang đi lên, trong không gian văng vẳng tiếng những bài đạo ca… thế là lòng muốn đi đến. Dù nhiều khi đi đến xong lại hỏi mình tại sao lại cực nhọc leo đến đây?! Nhưng lại vẫn mệt nhọc lê bước cho đến khi đến Tây Phong, nhìn bóng chiều đổ vàng, nhìn con đường xa thăm thẳm, nhìn vào đồng hồ trên màn hình điện thoại… lòng vẫn hỏi, tại sao mình đến đây, rồi đêm nay chắc mình sẽ có 1 đêm Hoa Sơn như thế nào…



P4040123.jpg



P4040113.jpg

Chùa ơi, sao nằm chênh vênh chót vót, chân mỏi làm sao tìm về…


Hỏi đi hỏi lại, cũng chỉ có mình với mình… rồi lại vất vưởng xuống núi. May mà cũng còn cho phép dừng lại trên con đường diệu vợi để ngắm (và chụp hình, rồi bỏ) những cụm hoa đào khẳng khiu nhợt nhạt giữa Hoa Sơn hùng vĩ, ngó nghiêng vào cánh tùng âm u xanh giữa tuyết trắng, ngỡ ngàng trước những dáng tùng ngạo ngễ giữa cao xanh, ngơ ngẩn trước tiếng chuông xa bài kệ gần… cuối cùng tôi cũng lê xác lên được chuyến xe rời Hoa Sơn lúc 6.30pm. Khi biết rằng đây vẫn chưa phải là chuyến xe cuối về Trường An, tôi lại tiếc nuối sao mình đã quá vội.


P4040175.jpg

Mong manh đào mỏng trên đá Hoa Sơn ngày xuân nắng lạnh


Ôi, Hoa Sơn của tôi, Hoa Sơn của những ngày mê mệt luyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, lòng tự hỏi có chăng những khối tình chung, Hoa Sơn của những ngày mùa xuân lạnh mong manh những cánh đào, Hoa Sơn của những con đường dốc hun hút lên cao xanh mê mải lê gót, …Có còn chăng là Hoa Sơn trong mộng?… Tôi đã đến rồi, sao như chưa đến!


Có bao giờ tôi còn về lại Hoa Sơn…
 
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.

Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Famen Si, Famen Temple hay Chùa Pháp Môn là 1 điểm đến LP dường như miễn cưỡng khi nhắc đến, nhưng lại là điểm khó có thể bỏ qua, nếu như bạn là người mộ đạo, nếu như bạn đã mong muốn hoặc đã từng lang thang đến những miền Phật tích ở Nepal, India, hay ngay trên đất Trung Nguyên này.


P4050235.jpg

Đây là “biểu tượng” Pháp Môn Tự bạn nhìn thấy khắp nơi ở Trường An… (!?)


P4050226.jpg

Và đây là đường vào “Pháp Môn Tự” hoành tráng… (!?).



Ngôi chùa, được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ II Công Nguyên này, có xá lợi của Đức Phật, mà quốc vương mộ đạo Asoka đã dâng tặng. Qua bao dâu bể, ngôi chùa cũng đã được tái thiết nhiều lần, nhưng gần đây nhất là vào 1981, cũng là lúc mà người ta phát hiện kho di sản đã hơn thiên niên kỷ nằm bên dưới, khi bắt đầu việc tu sửa, tái thiết chùa vào 1987. Cùng với những chén ngọc lung linh chứa xá lợi, những cổ vật này, từ hộp vàng chén ngọc, vương trượng, các pho tượng Phật, Bồ Tát đẹp rạng ngời… đến đặc biệt nhất là các “tantric mandala” (lạ lùng với những mandala mà tôi may mắn được thấy ở các chùa Tạng) làm Pháp Môn Tự càng thêm thu hút khách thập phương. Theo nhiều tài liệu, việc phát hiện ra các di tích bên dưới chùa Pháp Môn chỉ đứng sau việc phát hiện ra các hang động tại Đôn Hoàng…



P4050300.jpg

Xá lợi của Đức Phật trong chén ngọc ở Pháp Môn Tự


Dù Pháp Môn Tự giờ đã thay đổi. Dù Pháp Môn Tự giờ đã quá khác xưa…, nhất là nếu bạn chỉ đi theo tour. Nhưng, may mà tôi không đi…
 
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.

Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Nếu chưa biết gì (như tôi), nếu không biết tiếng Hoa (như tôi), nếu vội vã (như tôi)…. nếu lơ đãng (như tôi), bị ấn tượng bởi một ngôi chùa hoành tráng, những pho tượng Phật, Bồ Tát cao vài chục mét nằm lung linh trên con đường hơn cây số dẫn đến một ngôi chùa hoành tráng cao cả trăm mét, là biểu tượng trên các pano, áp phích, vé, poster… bạn sẽ rất dễ lướt qua 1 con ngõ nhỏ dẫn đến Pháp Môn Tự, nếu bạn nghĩ rằng ngôi chùa to lớn kia chính là Pháp Môn Tự.


P4050321.jpg

Pháp Môn Tự ngày xuân xám


Ban đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Vì khi đón xe bus đi Famen Temple, mà tôi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần, chiếc xe đã dừng trước cổng của ngôi Đại Tự kia… vì khắp nơi nơi ở Trường An, tôi đếu thấy hình ảnh của ngôi Đại Tự kia… và đặc biệt là hầu như không có bảng ghi chú bằng tiếng Anh nào ngay trước cửa ngôi Đại Tự,… nên tôi vẫn nghĩ ngôi chùa đó là Pháp Môn Tự. Cho đến khi tôi lang thang trong giá lạnh trên sân ngôi Đại Tự, nhìn xa xa có 1 ngôi chùa nho nhỏ trong bóng cây, nơi có vài du khách từ Đại Tự rẽ vào, tôi quyết định sẽ ghé đến đó, dù hôm nay thời gian tôi không có nhiều.



P4050384.jpg

… vẫn lung linh bên đào hoa


Và tôi đã chôn chân mình ở đó. Ở Pháp Môn Tự ngày xuân xám nhưng hoa đào đã rực rỡ bung mình trong giá buốt để đem mùa xuân hồng về trên chùa xưa
 
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.

Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Cạnh ngôi chùa Pháp Môn, người ta đã xây dựng một ngôi chùa cực kỳ lớn. Nếu nói về độ to lớn, có lẽ đây là ngôi chùa lớn nhất tôi từng thấy. Từ ngoài cổng đến chùa, có xe điện để đưa khách vào. Dọc theo con đường đi là tượng của các vị bồ tát vàng rực. Chắc một ngày trời xanh nắng trong, những tấm hình được chụp ở đây sẽ rất lung linh.



P4050220.jpg

Đường vào Đại Tự


P4050198.jpg

Chỉ cái Bell Tower không cũng đủ thấy hoành tráng!


Tuy nhiên, bên cạnh cái “to lớn”, các tượng hoành tráng,… các nhà xây dựng ở đây đã làm được 1 điều cũng hay hay – kể lại câu chuyện tu hành của Đức Phật bằng những cụm tượng đá nho nhỏ, nằm trong những vườn cây xanh mát. Những pho tượng rất sinh động và đẹp này lại ít thu hút tín đồ đến thắp nhang khấn vái như những tượng lớn ngoài kia, nên lại là những điểm dừng rất thú vị.


P4050393.jpg

Ngày giác ngộ. Bức tượng về “Tử” (thứ 2 từ phải sang), sao gợi nhớ sông Hằng



P4050222.jpg

Nỗi đau buồn của các đệ từ ở Kushinagar


Còn trong Đại Tự lấp lánh ánh vàng là những bức tượng Phật to lớn và hàng ngàn những tượng Phật nhỏ trên các vách, cột…, theo mô hình “Động Ngàn Phật”. Tuy có bảng Cấm chụp hình bằng tiếng Hoa lẫn Anh và rất nhiều bảo vệ trong sắc phục Công An (!?) canh gác, nhưng việc chụp hình, với cả đèn flash, của các du khách bản địa vẫn nhoay nhoáy. Và có lẽ chẳng ai biết tôi là người “ngoại quốc”, nên tôi cũng không ngoại lệ, dù hình chụp bằng máy cùi bắp dị òm.


P4050252.jpg



P4050270.jpg

Bên trong Đại Tự


P4050273.jpg

Bên ngoài cũng óng ánh không kém​



Nhưng dù sao cũng chia sẻ chút ít với các bạn, vì chùa mới này chính là điểm đi theo tour của các du khách bản địa, mà tôi thấy họ cũng chỉ được dắt đi thăm viếng ở tầng dưới cùng, còn không được lang thang lên các tầng trên, để may mắn “phát hiện” ra Pháp Môn Tự xa xa bên kia, như tôi.
 
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.

Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Lang thang trong Đại Tự với thời gian tốc hành, tôi men theo con đường nhỏ sang ngôi chùa tháp đang ẩn mình xa xa, đến nơi mới thấy tấm bảng nhỏ ghi rõ bằng tiếng Anh, Famen Temple, lúc đó tôi mới hết lầm bầm, như từ sáng đến giờ.


P4050383.jpg

Toàn cảnh Pháp Môn Tự


P4050343.jpg

Pháp Môn Tự ở góc nhìn thường gặp trên mạng


P4050337.jpg

Pháp Môn Tự mùa xuân


Trong bảo tàng, có hình của Pháp Môn trước khi trùng tu và bây giờ, cũng không khác nhau nhiều lắm. Ngôi chùa dạng tháp thanh thoát giữa một khuôn viên xanh tươi. Điều đặc biệt là chùa chỉ cho khách thăm viếng tầng hầm, nơi phát hiện ra những di tích cổ, cũng là nơi hiện đang trưng bày 2 ly ngọc có xá lợi Đức Phật. Khách đông ơi là đông, và bảo vệ cũng nhiều. Mọi người bị đẩy đi theo vòng, không muốn đi cũng bị đẩy. Tôi may mắn lượn ngang lách dọc nên cũng chụp được tấm hình ly ngọc, nằm sau lớp kính dày, trong những hào quang sáng chói của stupa nhỏ lấp lánh vàng…


P4050297.jpg

Tầng hầm Pháp Môn Tự


Sau khi làm được việc tâm nguyện, viếng được xá lợi, tôi bắt đầu lang thang trong Pháp Môn Tự. Thời tiết Trường An những ngày xuân này thật lạ, cứ một ngày nắng rồi một ngày mưa. Hôm qua, Hoa Sơn nắng chói chang, hôm trước, Binh Mã Dõng mây xám, còn hôm nay, Pháp Môn mưa nhẹ… tuy nhiên, những vườn anh đào quanh Pháp Môn tự đã nở tưng bừng trong gió lạnh, đem lại sắc xuân cho ngôi chùa xưa.


P4050329.jpg



P4050385.jpg

Mùa xuân quanh Pháp Môn Tự


Ngoài ngôi chùa chính, còn nhiều ngôi chùa nhỏ nằm quanh đây đó. Trong đó có ngôi chùa Nghìn Phật cũng rất độc đáo. Tranh thủ ông từ canh chùa đang ngủ gà ngủ gật, lúc đi mấy vòng kora quanh tượng Phật đẹp, tôi cũng làm được vài tấm!



P4050334.jpg

Tượng đẹp.​



Một điểm đến dễ bị bỏ qua nhưng nhất thiết bạn phải đến là cái bảo tàng nho nhỏ nằm hơi khuất, nơi mà LP cho là lưu giữ những báu vật còn giá trị và đẹp đẽ hơn những thứ đang trưng bày trong Bảo Tàng Thiểm Tây. Tôi thấy hình như đúng thiệt!!!
 
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.

Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Tuy phần lớn những cổ vật phát hiện bên dưới Pháp Môn Tự ở thời Đường, nhưng cũng có những cổ vật lâu đời hơn, cũng như có những di tích Phật giáo của thời kỳ trước đó,… Tiếc là tôi đi một mình, không biết tiếng Hoa nên có nhiều cổ vật không có ghi chú tiếng Anh là tôi mù tịt.


Tuy nhiên, cũng có nhiều bảng phụ chú tôi có thể đọc được, vỡ vạc ra ít nhiều, như những hộp Mandala.


P4050350.jpg



P4050371.jpg



P4050369.jpg

Tantric Mandala


Trước giờ, bắt đầu biết thêm chút ít về Phật giáo, về Mandala từ những ngày lang thang tìm về Tây Tạng, tôi chỉ biết đến những Mandala tròn vành vạnh vẽ trên tường, làm bằng cát, những hạt đậu trong chùa, thêu trên thangka hay những Mandala 3 chiều lóng lánh ánh vàng… chứ tôi chưa biết đến những Mandala hình khối này.


P4050373.jpg

Quý.



Những tượng Phật, chủ yếu của thời nhà Đường này, thời đại huy hoàng nhất của văn hóa Trung Hoa, cũng đẹp và là lạ… Lang thang trong các khu vực của bảo tàng nhỏ nhắn nhưng tinh tế này, tôi thực sự bị lôi cuốn.


P4050348.jpg



P4050356.jpg

Lạ


Một điều hay nữa, tôi khuyến cáo các bẹn nên ghé thăm bảo tàng này, là khi bạn leo lên tầng 3 và ra ngoài lan can, bạn sẽ có được những tấm hình toàn cảnh về Pháp Môn Tự, mà bạn không thể nào có khi đi lòng vòng dưới sân chùa.


P4050325.jpg

Chia tay Pháp Môn


Dự định chỉ dành ít thời gian cho Pháp Môn, khi tôi nhìn lại đồng hồ, tôi giật mình. Ngày mây xám nên tôi nào ngờ chiều đã thật muộn. Vội vã băng qua những con đường thênh thang dài hun hút bên Đại Tự, tiếc nuối lướt qua những hàng anh đào, bạch đào,… tôi leo lên chiếc xe rời Pháp Môn Tự… lòng còn mãi vấn vương về ngôi chùa xưa…
 
Những ánh mắt ga đêm Thiên Thủy.

06.04.2011 Những ánh mắt ga đêm Thiên Thủy.



Có lẽ, chắc là sẽ rất lâu tôi mới quên được những ánh mắt ấy, từ khung cửa sổ kính đã mờ đục của chuyến tàu đêm Xi’an – Lanzhou, trên sân ga Tianshui lúc 2.15 sáng.



Thực ra, tôi cũng biết tính sân si còn rất nặng của mình còn lâu mới giảm bớt. Đó cũng là căn nguyên của nhiều câu chuyện vui buồn đan xen mãi vào nhau trên những cung đường lang bạt, cũng như của câu chuyện này. Tôi đã mua vé chuyến tàu đêm Xi’an – Lanzhou, theo đúng tính toán tiết kiệm là sẽ ngủ trên tàu một đêm, để đến Lanzhou lúc hơn 6 giờ sáng – khỏi tốn 1 đêm nhà trọ. Mua vé xong xuôi, trên những chuyến xe bus rảnh rỗi, đọc tới đọc lui và nhớ lại “Con đường tơ lụa” – Xa Mộ Kỳ, tôi thấy Tianshui cũng hay quá, bèn quyết định sẽ dừng lại ở đây, thay vì đi thẳng đến Lanzhou. Có lẽ tôi đã đúng trong việc chọn điểm dừng, nhưng tôi đã sai khi có quyết định đó vào thời điểm những ngày lễ Thanh Minh này ở TQ. Tôi không thể đổi vé được, vì không có đúng chuyến tàu hoặc nếu có thì không còn vé ghế ngồi, vé nằm thì quá đắt, đắt hơn cái vé ghế ngồi đến Lanzhou, dù đoạn đường chỉ phân nửa. Do vậy, tôi quyết định dùng cái vé tàu Xi’an – Lanzhou đã mua để đi và xuống tàu ở ga Tianshui – dù biết trước là phải xuống tàu lúc khoảng 2-3 giờ sáng giữa những ngày xuân, đang ngày càng lạnh hơn khi tôi đi lên hướng bắc.



Và câu chuyện này của tôi thành đề tài bàn tán sôi nổi lúc nửa đêm giữa những người phụ nữ TQ theo đạo Hồi ở Lanzhou và một cô gái trẻ ở một góc toa tàu. Lúc đầu, tôi rất ngại giao tiếp với họ. Lý do là khi đi tàu tôi thường cõng theo bia (để dễ ngủ) (!?). Do vậy, tôi rất ngại việc lôi bia ra uống trước những người xem việc đó là không phù hợp vì lý do tôn giáo họ cấm đoán tuyệt đối việc đó, thêm nữa, họ là phụ nữ. Do vậy, tôi lặng lẽ nép vào 1 góc nhỏ, dấu mặt sau những trang sách và một khoảng cách xa vắng tạo ra bởi những lon bia. Đến lúc người soát vé đến, tôi ú ớ giao tiếp, rồi hỏi về việc khi nào đến Thiên Thủy, để tôi xuống ga của mình…, họ mới biết tôi không phải là người Hoa, bèn bắt đầu hỏi thăm tôi và hành trình – thông qua thông dịch viên là cô gái trẻ.



Đến khi biết được khả năng Hoa ngữ của tôi, cùng với hành trình kỳ cục xuống ga lúc nửa đêm về sáng, họ bắt đầu lo lắng cho tôi. Họ xôn xao bàn tán cách giúp đỡ. Còn cô gái thì vội vã và nhiệt tình chuyển ngữ những câu giao tiếp cần thiết sang tiếng Hoa trên những mảnh giấy để tôi thuận tiện sử dụng hỏi han đường xá… Họ bàn tán rôm rả, những người khác ở xa hơn cũng ngó nghiêng tôi, làm tôi rất ngại. Họ dặn dò tôi đủ mọi thứ điều, khuyên nhủ tôi đủ thứ… cho đến lúc tàu dừng tại ga Tianshui và tôi xuống tàu, sau khi mang đầy túi những mảnh giấy ghi đủ lời hướng dẫn, và lòng trĩu nặng vì lời mời ghé nhà họ ở Lanzhou dùng cơm tối!!!


P4060408-1.jpg

Những người tốt trên chuyến tàu



P4070568.jpg

Những mảnh giấy đong đầy những ân tình


Chuyện đến đây có lẽ là xong. Nhưng sau khi cuốn theo dòng người chen lấn đẩy tôi trôi tuột xuống cửa tàu, tôi nghĩ mình nên quay lại, dù chỉ để vẫy tay chào tạm biệt. Tôi đi nép sát vào con tàu để tránh dòng người đang ùa ra. Đến khi thấy khung cửa sổ, tôi mới thấy cả nhóm họ đang nháo nhác dán mắt vào khung cửa kính để nhìn tìm tôi nhưng không thấy vì tôi đang men sát con tàu, tôi bồi hồi thấy rõ sự lo lắng trong ánh mắt của họ khi không thấy tôi... Khi tôi gõ gõ vào cửa kính, họ mới nhìn xuống, thấy tôi và vỡ òa lên kinh ngạc, mừng rỡ… Tôi vẫy tay chào, cúi người xuống, một lần nữa. Rồi tôi lặng quay bước...


***


Có lẽ, chắc sẽ còn rất lâu tôi mới quên được những ánh mắt ấy, của một đêm lạnh trên sân ga Tianshui!!!


***


Có lẽ, tôi cũng sẽ khó quên ánh mắt của một người phụ nữ “thanh lịch” ở thành Lan Châu, một ngày sau đó, đã khạc nhổ, sau khi lùi lại vài bước, trừng mắt lên… khi tôi cầm cuốn LP bước tới hỏi đường…



***


Có lẽ, không nên có phần gõ thêm này. Nhưng đó mới là cuộc đời…
 
Last edited:
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật

06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật



Dự định ban đầu của hành trình này là tôi sẽ chỉ lang thang trên đất Trung Hoa khoảng 2 tuần, sau đó vòng về Lào qua ngã Kunming-Jinghong-Boten-Luang Prabang để nhảy nhót với Tết Té nước Bun Pimai Lào với chúng bạn, đã hẹn hò sẽ gặp nhau ở đó. Rồi sẽ ngược Mekong sang Thailand, đến Chiangmai nhảy nhót tiếp ở Songkran muộn. Mấy hôm trước, bạn đã sms báo tin là đặt phòng ở LPQ cho mấy ngày Pimai bận rộn rồi… chuẩn bị sang nghen!!!



Dự tính là như vậy, nhưng lang thang Trung Nguyên mùa xuân, trên cung đường lạ và quá hấp dẫn này, tôi thấy khó lòng cắt ngang để quay về được (!?). Sau nhiều lần đắn đo, tôi đành bấm máy nhắn tin là sẽ lỗi hẹn mùa Pimai năm nay, xin lỗi bạn. Xong rồi tắt máy, vì sợ bị chửi!!! Mà có đáng bị hay không…?! :T :T :T



Những ngày ở thành Trường An, tôi cứ phân vân là sẽ đi lên, đi ngang, hay đi xuống… cuối cùng tôi chọn cung đường đi xiên xiên về hướng Tây Bắc, đi theo Con đường tơ lụa ngày xưa, cũng xuất phát từ thành Trường An này. Như vậy, sau những ngày Trung Nguyên xuân trên non cao, tôi không biết Đường tơ lụa mùa xuân của tôi sẽ lang thang đến tận đẩu tận đâu…, rồi có lạc qua Tây Tạng mùa xuân hay Tân Cương mùa xuân gì gì nữa không… Chỉ biết là tôi sẽ đến Thiên Thủy, một điểm đến quan trọng trong Con đường tơ lụa, mà tôi còn nhớ láng máng Xa Mộ Kỳ đã đề cập đến trong cuốn sách CĐTL của ông, dù cuốn sách đó tôi đã để lại lữ quán Khongor tận Ulanbatar, Mông Cổ….



P4060508.jpg

Có nhiều, rất nhiều ấn tượng về Mạch Tích Sơn, nhưng tôi ngẩn ngơ nhất là những “nụ cười Mona Lisa” của Đức Phật và các vị Bồ tát…​




P/S: Trong nhiều những tấm hình về Maiji Shan, các bạn sẽ thấy có bóng đen loáng thoáng ngang dọc trên đó. Lý do là những tấm hình đó được chụp xuyên qua những ô cửa lưới (!) hoặc những lỗ khoét rộng hơn trên các mắt lưới….
 
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật

06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật




Tôi đã có đêm rất đáng nhớ tại ga lạnh Thiên Thủy, nếu không muốn nói là hơi hãi hùng. Khác với dự tính của tôi, ga Thiên Thủy quá nhỏ, không có 1 cái KFC hay Chinese Fast-Food 24h nào – nghĩa là không có chỗ cho tôi tạm tá túc chờ trời sáng.


Tôi lang thang tìm một cái quán ăn nào đó để chui vào ngồi tạm, lúc khoảng 2 giờ 30 sáng, nhưng không có. Quanh sân ga vắng ngắt, tối và có vẻ nguy hiểm… nên tôi lui về ngồi chờ trên băng ghế trước phòng vé. Gió khuya hun hút lạnh, càng lúc càng lạnh. Ngồi cũng lạnh, đứng lên đi lòng vòng cũng lạnh, không lý bây giờ chạy lòng vòng cho nó bớt lạnh… tình cảnh của tôi lúc đó, nói thiệt, khá thảm… Cuối cùng lạnh quá chịu không nổi, tôi lò dò mò sang cái tòa nhà giống giống như nhà trọ, bên tay trái nhà ga, mà tôi vừa thấy có vài người đi vào đó, khi một chuyến tàu nào đó vừa đến. Té ra, đó vừa là nhà trọ, nhưng có 1 quán ăn nằm kế… Tôi chưa bao giờ mừng đến vậy, lọt tọt chui vào quán, hươ tay múa chân một hồi, chui vào một góc nhỏ, và kiên trì gục đầu xuống bàn ôm balo cố thủ ở đó đến 7 giờ sáng, lúc trời cũng chỉ mới hừng sáng… Rồi cũng qua một đêm Tianshui.


P4060482.jpg

Dãy Tần Lĩnh và Mạch Tích Sơn ngày xuân xám.



Hơn 7g, tôi ra trước ga, đón chuyến bus 34 sớm nhất đi Mạch Tích Sơn. Trời rất lạnh, lạnh đến nổi chỉ có mất cái lỗ nhỏ trên kính xe gió đã thun thút quét buốt giá nên tôi phải lấy mấy cái postcard che lại tránh gió, rồi tiếp tục ngủ gà ngủ gật trên xe. Điều đó làm cho cô bán vé biết tôi là “người nước ngoài”, nên đã nhiệt tình kêu bác tài xế chạy xe đến thẳng phòng vé của khu bảo tồn Maiji Shan – lúc đó trên xe chỉ còn mình tôi là khách. Sự nhiệt tình này mém nữa đã hại tôi. Lúc về, tôi cũng tưởng xe bus sẽ chạy như cũ, tức là có ghé lại điểm dừng lúc sáng nên tôi ngồi đó chờ. Chờ mãi, mấy thanh niên địa phương tới hoa tay múa chân chỉ trỏ gì đó tôi cũng không biết. Chờ lâu quá, đến lúc có 1 nhóm khách xuống núi, hỏi họ và báo cho tôi biết là phải đi ra làng mới có xe chứ xe bus không ghé đây. Trời ơi, may mà họ xuống núi sớm chứ họ xuống trễ chắc tôi ở lại Thiên Thủy thêm đêm nữa quá.


Tôi đến Mạch Tích Sơn quá sớm, phải chờ đến 8.30g các cô bán vé mới lục tục kéo đến. May mà dù không có nắng lên xanh ngắt, nhưng đã có những vạt nắng hiếm hoi lung linh ở Mạch Tích Sơn lúc tôi đến.

P4060419.jpg

Xa xa. Tôi cứ ngỡ mình đi lạc đến chùa treo Huyền Không Tự khi vừa mấp mé đến chân Mạch Tích Sơn…


P4060438.jpg



P4060448.jpg

… để rồi ngẩn ngơ trước Mạch Tích Sơn



Tôi ngỡ ngàng….
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,719
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top