What's new

[Chia sẻ] Tứ Trấn Thăng Long

Đã từ lâu rồi, từ thời vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, rồi thành được xây dựng, và tứ trấn được hình thành sau đó.

Thực sự, tứ trấn hình thành từ bao giờ và lịch sử ra sao, mình cũng không biết được, chỉ có ý nghĩ trong đầu là thăm lại nơi xưa sau một thời gian gọi là đủ dài để có được cảm giác "Nhớ Hà Nội".

Nếu có phượt tử nào uyên thâm, có thể giúp mình mở mang kiến thức về lịch sử chút thì quá tuyệt.

Cũng chỉ biết rằng, để kinh thành Thăng Long ngày một hưng thịnh và vững chắc, tứ trấn ra đời theo tư tưởng của Phương Đông như vậy.

Đầu tiên là Trấn Bắc. Nơi mà tất cả người dân đất Việt ai cũng biết tên - Đền Quán Thánh.




Nằm trên đường Quán Thánh, trấn phía Bắc kinh thành Thăng Long. Mặt chính điện hướng ra hướng nào thì mình không biết, nhưng đoán rằng, trấn Bắc, nghĩa là hướng về phía Bắc.

Trong đền có bức tượng bằng đồng đen nặng 4 tấn mà theo như sách báo, đó là tượng quan Trấn Vũ đang ngồi tu luyện. Cũng chả biết từ khi nào mà người dân thường rỉ tai nhau rằng: Nếu vào đền, xoa tay vào chân tượng rồi xoa lên mặt thì sẽ được khỏe mạnh.

Nhưng dân gian khi đã truyền tai nhau thì có lắm thứ kéo theo, giờ đây, khi vào đền, người dân cầm tiền xoa lên tất cả những gì họ nghe được là sẽ đem lại giàu sang, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cái gì sinh ra thì rồi cũng có thể mai một, chỉ những giá trị thực sự sẽ mãi trường tồn. Và cũng đúng theo nguyên lý đó, đền Trấn Vũ hay đền Quán Thánh mãi mãi tồn tại:

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà thọ xương
Mịt mù khói tỏa ngàn hương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ"

Chính điện



Bia trạng nguyên



Hai chú voi chầu trong sân, phía trước cửa chính điện



Bức tượng Hạc đứng 1 chân nơi cửa đền



Bức tượng này thì mình không hiểu là viết gì, vì không biết chữ gì khắc trên đó.

 
Last edited:
Đền Voi Phục (Tác giả Trần Lâm Biền) (tiếp)

Về đồ thờ
: Bước từ ngoài vào, như trên đã nói, hai bên đầu toà tiền bái có hai am thờ ngựa đỏ (trái đền) và ngựa bạch (phải đền) to bằng ngựa thực. Ngoài ý nghĩa mang tính biểu tượng của âm dương đối đãi, mã đáo thành công, tụ hội ước vọng cầu no đủ, thì chúng còn tượng cho lửa và nước, cho sinh lực của vũ trụ và là vật cưỡi của thần hay vật cõng bầu trời chuyển động, vì thế yên của ngựa thường là chim phượng (con chim thiêng có đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, đuôi công tượng trưng cho tinh tú, cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất.. hội lại là tượng cho vũ trụ, thánh nhân và nguồn sinh khí tầng trên)

Trong toà tiền bái, như nhiều đền, đặt chuông và trống. Chuông lớn vốn không có ở đền, song nó được xuất hiện ở đây là kết quả của một phật tử công đức vào năm 1994. Đối xứng là một trống đại, cũng gọi trống sấm. Các lão làng cho biết tang trống màu đỏ tượng trưng cho sinh khí của trời, rồng trên tang là biểu hiện của mây. Mặt trống có hàng diềm vân soắn chữ S là hình tượng của chớp.Mỗi lần gõ trống được coi như sấm chớp nổi nên, gọi mây về, tạo mưa ngọt cho mùa sinh sôi. Trong gian giữa toà tiền bái còn đặt bàn thờ, hạc chầu, tán lọng, bát bửu, lỗ bộ và nhiều hoành phi, câu đối ca tụng công đức nhà thánh. Sau ban thờ này là hệ thống cửa ngăn phân định nơi thờ “công đồng nhị vị Đức ông”, được coi là con của thánh, cũng là hai tướng hành khiển theo thánh đánh giặc. Tượng bằng đồng lớn gần bằng người thực, thân mỏng, dạng quan văn, thể nghiêm trang. Qua dáng dấp, nhiều người dễ liên hệ tới tượng ở Lăng Tự Đức (Huế). Đây là hai pho tượng còn lại của thời trước (niên đại không quá thế kỷ XIX). Trong toà hậu cung có sập thờ, nhang án và khám thờ trong đặt tượng Linh Lang. Hai bên có hạc chầu. Hai bên gian chính là ban thờ quan văn quan võ và bát bửu, lỗ bộ, hội lại tư thế của hậu cung thoáng như lấy gốc từ tổ chức của triều đình - Phải chăng đó là một hình thức tôn vinh truyền thống. Một hiện vật đáng chú ý ở đây là hòn đá thiêng có vết lõm, theo sự thêu dệt của người đời mà hõm đá được coi là vết gối đầu của Thánh. Song, thực ra đây là một hòn chân tảng đá mài, có thể là chứng tích kiến trúc còn lại của thời Lý, một xác nhận về vị trí của trấn Tây thành Thăng Long.

Sự tích vị thần và lễ hội
: Theo ngọc phả Linh Lang đại vương thì Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Sự tích kể rằng: Ở làng Đông Đoàn, xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây có gia đình họ Nguyễn hiền lành chất phác, nhưng muộn con. Một buổi bà mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang sinh được một gái, nhằm ngày 15 tháng 3 Đinh Sửu. Cha mẹ đặt tên là Hạo, cha mất sớm , mẹ phải ôm con về sống với bà dì ở thị trại thành Thăng Long (Thủ Lệ ngày nay). Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp, đoan trang nết na. Một hôm, Lý Thánh Tông ngự giá qua đây, đã gặp nàng Hạo. Nhà vua cảm mến cho đón nàng vào cung. Được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. Một hôm nàng ra bờ hồ Tây tắm rửa, thì một con giao long lao tới quấn chặt lấy bà, phun dãi đầy người, hương thơm sực nức, bà hoảng sợ phát ốm, khiến nhà vua phải đón về cung từ đó bà có thai tới mười bốn tháng. Một hôm mơ thấy con Long Vương tên là Hoàng Lang tới trước mặt thưa rằng sẽ thác sinh làm con bà. Hôm ấy ngày 13 tháng chạp Giáp Thìn, trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt, Nàng Hạo sinh được một nam tử, thể mạo khôi kỳ - ngày 20 tháng chạp, vua mở tiệc mừng rồi cho hai mẹ con về ở cung sở tại thuộc thị trại. Một tháng sau khi về thị trại, thì giặc Trịnh Vĩnh xâm lược, theo tiếng gọi cầu của nhà vua, Hoàng Lang vụt lớn xin đi đánh dẹp. Bằng lá cờ thần lớn, một voi lớn và nghĩa binh thị trại, Hoàng Lang đại thắng. Đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá rắn bò về hồ Tây. Từ đó dân quê mẹ ở Bồng Lai và thị trại (Thủ Lệ) cùng nhiều nơi, nhất là ven sông Tô Lịch, đã lập đền thờ ngài.



Từ đây có mấy vấn đề được đặt ra:
- Câu chuyện về Linh Lang có nét tương đồng với tích truyện Thánh Gióng và phần nào chịu ảnh hưởng của phật giáo (tích truyện bóng áo cà sa đuổi quỷ).
- Thoáng có nét con sông Tô Lịch mang tư cách là dòng tiêu nước chống lầy lụt, được thiêng hoá mà thành rắn thần và nhân cách hoá để Linh Lang ra đời. Cũng có thể hiện tượng này còn là hình thức sử dụng những con sông nhỏ thay cho mương phai…Như vậy Linh Lang vừa mang tư cách là thần chống lụt, vừa là thần chống hạn, là thần nông nghiệp kiêm chức năng hộ quốc. Vì thế, vai trò của ngài rất lớn nên ngài đã được cầu viện tới ở các thời sau. Rất tiếc là nhà Mạc đã không giải quyết được yêu cầu truyền đời của nông dân, mà để cho nhà Lê, Trịnh lợi dụng được vai trò của ngài, góp phần khôi phục nhà Lê.
Đức thánh Linh Lang, mang tư cách là thần linh của cả một vùng rộng lớn, lấy đền Voi Phục làm trung tâm. Vì vậy lễ hội của đền có thể nghĩ như một cuộc sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính chất mở, với sự tham gia của thập phương, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, ít nhất là vùng Thuỵ Khuê, Thủ Lệ, Vạn Phúc rồi vùng Thập tam trại và cả Bồng Lai (Đan Phượng - Hà Tây) - lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai âm lịch., từng năm có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày tuỳ theo sự đóng góp của dân, đáng kể nhất là việc rước kiệu và một vài tục lệ khác.


Rước kiệu
: Cũng như nhiều nơi, việc này được chuẩn bị hết sức chu đáo, phân công cụ thể cho từng nhóm người, người được phân công đều coi là một vinh dự, nhưng nếu bỏ không tham gia thì làng sẽ phạt. Ngày mồng 10 tháng 2, mở đầu là đoàn rước của đền Voi Phục, Thuỵ Khuê (anh cả, đầu nguồn sông Tô Lịch) vào lễ thánh, tiếp theo là đoàn Thủ Lệ và các nơi chung thờ thánh. Vào những năm mưa thuận gió hoà, các làng mở đại hội, đám rước thật linh đình, đi từ Voi Phục tới đình Vạn Phúc (đình hàng tổng), đám rước theo lối mòn vượt những đồi gò, qua Miếu Trắng, gò Nhót, gò Đất, núi Rùa tới núi Bò (cũng gọi là núi Trúc) dừng lại (khoảng giữa ngọ) vì ở đây bằng phẳng có thể dừng kiệu. Khi kiệu lên xuống gò, quân kiệu phải lúc rướn, lúc khom cúi, lúc bò, lúc đi, lúc chạy, phải giữ thăng bằng cho kiệu và đồ thờ không bị đổ. Cả đoàn rước như một con rồng uốn khúc với nghi trượng nghiêm trang lên lên xuống xuống lúc ẩn lúc hiện, như tạo sự vần vũ của đất trời. Đền Voi Phục mang đi rước tất cả đồ thờ cúng liên quan, để tới đêm tế thánh ở đền Vạn Phúc (theo các già làng, phải tế đêm thì dễ được thần chứng giám). Hôm sau rước giá hồi cung, sau đó mới mở hội vui chơi.


Một vài tục lệ
: Thông thường các phe giáp đều có lễ riêng khi có đại hội ở đình làng tổng (Vạn Phúc) thì lễ của làng nào, làng ấy phải gánh theo. Trước đó, có cuộc thi gà lễ. Mỗi giáp chuẩn bị một gà trống thật tốt, nuôi cho to béo, làm thịt, luộc chín, những con gà trúng giải là gà to béo nhất, khi luộc không bị nứt da, thịt mềm, đôi cánh dang ra như đang bay lên. Ngày hội đêm ngày 12, các nhà đều thắp đèn ở cổng để chúc mừng ngày sinh của thánh, nhiều nhà còn xây lồng đèn trên trụ cổng (nay vẫn còn). Một tục lệ khác rất đáng quan tâm là “cất áng đình”. Vào ngày cuối hội, một cụ già mặc áo đỏ (đã được chọn) vào lễ “mật khấn” ở đình Vạn Phúc, sau đó cụ làm thủ tục đóng cửa đình, gọi là “cất áng đình” rồi ra ngoài. Cùng lúc, mọi người xô đến giằng xé áo đỏ của cụ. Tục này có từ xưa, nên đường kim mũi chỉ cũng “hờ hững” và cụ già không bị xô đẩy quá mạnh mẽ. Cuộc tranh chấp cứ thế, ồn ào, náo nhiệt rất mất trật tự, nhưng không có hiện tượng dùng vũ lực đánh nhau. Cuối cùng chiếc áo chỉ còn là những mảnh vụn thiêng liêng. Sự lộn xộn như trở về “ thời gian chiêm bao” (thời kỳ con người còn trong hoang dã, vũ trụ chưa phân) là một nhu cầu của lễ hội cổ truyền. Theo lời giải thích tản mạn của các cụ, chúng ta tạm hiểu như sau: Người Việt đồng nhất chu trình một năm với tiến trình phát triển của loài người. Giai đoạn đầu, hỗn mang không trật tự , dần dần trời đất phân chia, mọi người đi vào quy củ, cuộc “hỗn chiến” xé áo như được đồng nhất với thời hỗn mang, đồng thời là sự tranh cướp sinh lực (màu đỏ là màu sinh khí, gắn với bầu trời, hạnh phúc…). Bằng hiện tượng này, con người như muốn nhắc lại cội nguồn, và sau khi tranh giành xong, trật tự lại được lập lại mọi người vào lễ thần với một ý thức tin tưởng ngầm trong tâm, đồng thời cũng như muốn nhắc nhở trời đất thần linh rằng: Từ đây vũ trụ đã qua thời hoang sơ, cầu mong các thần hỗ trợ cho mưa thuận gió hoà để mùa màng và vạn sự hanh thông.
Trên thác ghềnh của lịch sử, đền Voi Phục coi như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long, đền không chỉ liên quan trực tiếp với Kinh đô mà nó đã hội vào bản thân rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian, hiện nay khó ai có thể nắm bắt được hết những ý nghĩa thiêng liêng của kiến trúc mang vẻ đẹp thánh thiện này, chỉ biết rằng, đền Voi Phục, từ nay sẽ luôn được tôn tạo xứng đáng, vì đó là một điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
 
Tại kiến thức lịch sử của mình hạn chế, nên không biết viết sao. Vậy mình tìm được những thông tin này, đưa lên để các phượt tử xem.

Nếu các mod thấy không hợp lý thì cứ xóa đi, mình không có ý kiến gì.
 
Đền Bạch Mã - tác giả Vũ Xuân Hiển - Viện nghiên cứu Hán Nôm

Bạch Mã là một trong những di tích lịch sử- văn hóa nổi tiếng của Hà Nội. Người Hà Nội xưa và nay, cũng như khách thập phương trong, ngoài nước vẫn coi đây là một trong những chốn hành hương không thể không đến trong cuộc đời.

Đền Bạch Mã tọa trên phố Hàng Buồm, là nơi thờ một trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương của kinh thành Thăng Long xưa. Thần đền Bạch Mã thuộc một trong (tứ thần tứ trấn ấy là: bắc Trấn Võ, nam Cao Sơn, tây Linh Lang, đông Bạch Mã). Sự giao thoa văn hóa Hán - Việt trong thời kỳ Bắc thuộc đã để lại những dấu ấn phong phú. Từ thực tế lịch sử đó, trong thư tịch cổ vẫn còn một vài ghi chép chưa thật nhất quán về thần Bạch Mã. Khi đọc tấm văn bia nói về việc trùng tu đền, dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Chính Hòa 8 (1687) và sách thờ cúng ở đền, thì đền thờ Mã Phục Ba đời Hán, tức Mã Viện từng giữ chức Phục Ba tướng quân. Nhưng theo các sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh thì đền thờ thần Long Đỗ (hay Long Độ) của đất Đại La, tức Thăng Long, nay là Hà Nội. Trước khi bàn về vấn đề này, xin nhắc lại một chút sự tích thần Bạch Mã hiện được chép trong các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái.

Như chúng ta đã biết xưa kia khi Cao Biền người nhà Đường sang cai trị nước ta, có cho bồi đắp thành Đại La. Một hôm Biền đang vơ vẩn dạo chơi ngoài thành cửa Đông, thấy có đám mây 5 màu rực rỡ bốc lên từ mặt đất, rồi tụ lại ở không trung. Giữa đám mây mông lung mờ ảo, Biền thấy hiện ra một người cưỡi rồng vàng, đầu đội mũ hoa đỏ, mình mặc áo tía xiêm thêu, đi giầy đỏ. Rồi mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, tiếng nhạc vang lừng, hồi lâu mới tan đi. Đêm hôm đó, Biền mộng thấy người gặp lúc ban chiều. Người ấy bảo Biền rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ”. Biền tỉnh dậy sai bọn thủ hạ dựng đền tô tượng, rồi ngầm dùng một tấm sắt đồng làm bùa trấn yểm. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổ cây to, làm cho tất cả đồ yểm bằng sắt đồng đều biến thành cát bụi. Biền than thở: “Ta sẽ phải về đất Bắc thôi”. Quả nhiên sau đó, Biền phải trở về Trung Quốc.


Đến đời Lý Thái Tổ (1010), khi vua dời đô về đây, muốn mở rộng phủ thành, nhưng đắp thành nhiều lần không được. Vua cho người đi hỏi dân chúng, mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, vua bèn sai biện lễ cầu đảo. Đêm ấy vua nằm mộng gặp thần tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp, tất sẽ thành công. Bấy giờ vua thấy có con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành đắp lũy, xây tới đâu được chắc tới đấy. Nhà vua sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Vì thế gọi đây là đền Bạch Mã (đền ngựa trắng).
Suốt từ đời Lý Thái Tông sang tới đời Trần, Thăng Long phát triển trở thành nơi đô hội, song cũng không biết bao phen hỏa hoạn loạn tặc, nhưng không biết vì lẽ gì đó riêng đền thờ thần Bạch Mã vẫn nguyên vẹn. Vì thế, triều đình gia phong cho thần được hưởng lộc: Các kỳ nghinh xuân đều cử hành tại đây.

Hiện trong đền vẫn còn tấm biển gỗ đề thơ của Thái sư Trần Quang Khải rằng:
Tích văn hách trạc Đại vương linh,
Kim nhật phương tri quỉ mị kinh.
Hỏa bắc tam khu thiêu bất tận,
Phong lôi nhất trận phiến nan khuynh.
Chỉ huy vọng lượng tam thiên chúng,
Hô hấp tiễu trừ bách vạn binh.
Nguyện trượng dư uy thanh Bắc khấu,
Đôn linh vũ trụ lạc thăng bình.

Tạm dịch:
Hiển hách từng nghe tiếng Đại vương,
Nay hay quỉ quái thảy kinh nhường.
Lửa đốt bao phen không thể cháy,
Phong ba một trận chẳng hề long.
Ra tay trừ diệt loài hung quỉ,
Thét lớn một lời dẹp vạn binh.
Nguyện cậy dư uy trừ giặc bắc,
Khiến cho thiên hạ sống thanh bình.

Các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Trấn Vũ quán lục, Bạch Mã thần từ khảo chính và truyện Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương phân tích và chỉ ra rằng, do nhân việc trùng tu đền Bạch Mã vào năm Đinh Mão (1687), bấy giờ bức tường đằng Đông bị đổ nát, các thương nhân Bắc quốc như Chiêm Trọng Liên đứng ra quyên góp tiền bạc để tu bổ lại đền.


Trịnh Tuấn Am trong Bạch Mã thần từ khảo chính từng phân tích, nhân dịp trùng tu đền, các thương nhân Bắc Quốc đã vô tình hay hữu ý đưa tên hiệu của Mã Viện, một nhân vật lịch sử của Trung Quốc vào sách thờ ở đây, từ chữ “Bạch Mã” họ đã chữa ra Mã Viện, điều này không khó. Tác giả kết luận: “Cái cảm ngư lỗ truyền ngoa chi ngộ” tức cảm thấy đây là một sự lầm lẫn, chữ “ngư” đánh thành chữ “lỗ”, nhất thiết phải đính chính, để khỏi truyền mãi cái sai về sau. Cho nên cần phải hiểu đó là nơi thờ thần đất Hà Nội.

Theo một cách lý giải khác, từ cảm nhận của chúng tôi, như đã trình bày ở đầu bài viết, Bạch Mã chính là nơi hội tụ tính linh thiêng thời gian trong quá trình hình thành và phát triển của đất Thăng Long xưa, và cũng là nơi ít nhiều để lại dấu ấn của những kiều dân Trung Hoa trong thời kỳ di dân phát nghiệp xuống phía Nam từ thế kỷ 17. Đó chính là sự tất nhiên của một nền văn hóa mà không ai có thể phủ nhận. Vấn đề ở đây là: Cốt lõi văn hóa Việt của con người Việt được thể hiện một cách dung dị và mang tính thuyết phục cao, qua kiến trúc, văn bia, thần tích, tục lệ, lễ hội của đền Bạch Mã, đồng thời dung nạp những tinh hoa văn hóa bên ngoài một cách có chọn lọc.

Bạch Mã - Huyền thoại và hiện thực đan xen nhau, tạo ra một bức tranh lịch sử sinh động, rất đáng để cho mỗi chúng ta, những người con của Hà Nội nay, suy ngẫm và cống hiến cho ngày mai của Hà Nội.
 
Đã từ lâu rồi, từ thời vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long, rồi thành được xây dựng, và tứ trấn được hình thành sau đó.

Thực sự, tứ trấn hình thành từ bao giờ và lịch sử ra sao, mình cũng không biết được, chỉ có ý nghĩ trong đầu là thăm lại nơi xưa sau một thời gian gọi là đủ dài để có được cảm giác "Nhớ Hà Nội".

Nếu có phượt tử nào uyên thâm, có thể giúp mình mở mang kiến thức về lịch sử chút thì quá tuyệt.

Cũng chỉ biết rằng, để kinh thành Thăng Long ngày một hưng thịnh và vững chắc, tứ trấn ra đời theo tư tưởng của Phương Đông như vậy.

Đầu tiên là Trấn Bắc. Nơi mà tất cả người dân đất Việt ai cũng biết tên - Đền Quán Thánh.

Góp thêm chút sưu tầm về Trấn Bắc và vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ:

3310595001_b1358a6f41.jpg


http://vi.wikipedia.org/wiki/Trấn_Vũ

Ngôi đền Quán Thánh nằm ở điểm đầu đường Thanh Niên (đường Cổ Ngư xưa) thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ để trấn giữ yêu quái ở phía Bắc Kinh thành.

Trấn Vũ Quán có từ thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028) và đã trải qua nhiều lần xây dựng, sửa chữa. Diện mạo hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào đời Thành Thái thứ 5 (1893).
Đền Quán Thánh, có người gọi là Quan Thánh, là một trong “Thăng Long tứ trấn” Tương truyền được lập từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010). Đền xưa có tên là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại đế quán, đến năm 1823 vua Minh Mạng đổi ra là Trấn Vũ quán, năm 1842 dưới thời vua Thiệu Trị đổi ra tên hiện nay.

Thánh Trấn Vũ, vị thần được thờ tại đền Quan Thánh mang tính cách vừa là của Việt Nam, vừa là của Trung Quốc.

Tượng đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy Tông, do chính Trịnh Tạc đứng ra làm với ý nghĩa trả công đức Thần báo mộng, giúp chúa dẹp được họ Mạc ở Hải Phòng.


Đây là công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng tài nghệ tạc tượng hết sức tài hoa của những nghệ nhân Việt Nam từ thế kỷ XVII.

Tượng đặt ở chính giữa hậu cung, cao 3,95m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng được đúc với tư thế ngồi trên bệ, mặt vuông, mắt mở to, nhìn thẳng, lông mày rậm, mũi to, sống mũi thẳng, cánh nở, cằm tròn, miệng khép, môi to, dày, tai to, cổ ngắn, râu dài, tóc xõa, không đội mũ, mặc áo đạo sỹ, trông cương nghị. Thân tượng nở nang, cân đối, có dáng dấp một võ tướng.

Tay trái của tượng giơ cao lên ngực. Ngón tay cái và ngón tay giữa bắt vào nhau, ngón tay trỏ chỉ lên phía trên như đang bắt quyết.

Tay phải úp xuống đốc kiếm. Thanh kiếm to, mũi chúc xuống chống lên mai con rùa. Con rùa đầu ngẩng lên, mắt nhìn vào đầu con rắn, hai chân rùa sải rộng ra phía ngoài như đang tư thế chuyển động. Con rắn uốn mình quanh lưỡi kiếm, đầu nhỏ và chúc xuống như định mổ xuống đầu rùa.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là bảo vật quốc gia, một trong "tứ đại khí" của Kinh thành Thăng Long! (nguồn http://diendan.nguoihanoi.net/viewtopic.php?t=3583)


180px-Tran_Vo.jpg

Huyền Thiên Trấn Vũ - Vị thần trấn phía Bắc kinh thành Thăng Long

Một vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, ông còn các danh xưng khác: Thượng đế tổ sư, Đãng ma thiên tôn, Hỗn nguyên giáo chủ, Bắc cực huyền linh đại đế... Ông có 2 con vật thiêng là Linh Quy và Thần Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ.

Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần coi giữ phương Bắc, từng đầu thai làm con vua nước Tinh Lạc (Trung Quốc), lớn lên bỏ ngôi hoàng tử đến tu luyện trong hang ở Vũ Dương liền trong 42 năm, đã giúp người phương Bắc diệt trừ nhiều quỷ dữ, giúp dân đời Chu chiến thắng thần dịch hạch gây bệnh chết người hàng loạt, được Thượng đế phong là Đại Từ, Đại Bi, cuối cùng được phong là Huyền Thiên Trấn Vũ. Huyền Thiên Trấn Vũ sau đó sang nước Việt, giúp các vua Hùng ba lần đánh thắng giặc ngoại xâm. Đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân ở phương Bắc rất hung dữ đem quân xâm lấn đất nước Văn Lang. Quan quân vua Hùng đánh không nổi. Thần đã đầu thai vào một bà mẹ ở làng Phù Đổng bộ Võ Ninh, sinh ra cậu bé chẳng nói chẳng rằng, nhưng khi nghe tin sứ nhà vua đi truyền rao tìm người tài giỏi, đã tự nhiên bật thành tiếng xin sứ giả tâu lên nhà vua, xin vua cấp cho ngựa sắt nặng một nghìn cân và một cây roi sắt nặng một trăm cân. Khi nhận được ngựa sắt, roi sắt vua ban, thần đang từ là một cậu bé bỗng vươn lên thành chàng trai cao lớn dẫn đầu mấy vạn quân Nam xông lên đánh cho giặc Ân tan tành, giữ vững bờ cõi giang sơn. Sau khi đánh tan giặc, thần hóa phép ở núi Vệ Linh bay lên trời. Vua Hùng bèn phong thần là Đổng Thiên Vương và lập cho đền thờ cúng trọng thể. Theo truyền thuyết đó thì Huyền Thiên Trấn Vũ chính là Đức Thánh Gióng có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân mà nhân dân ta đang thờ cúng ở nhiều nơi.

Cũng theo truyền thuyết vào đời Hùng Vương thứ 14, thần đã giúp nhân dân làng Bồ Đề cạnh sông Hồng trừ diệt con rùa yêu tinh từng tàn hại nhiều dân lành. Đến thời vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa để chống trả quân xâm lược Triệu Đà, có con gà trắng hóa tinh và quỷ ở vùng núi Thất Diệu thường đến quấy phá khiến nhà vua không xây được thành, thần nghe theo lời thỉnh cầu của thần Kim Quy đã giúp vua An Dương Vương trừ hết mọi tà ma, nhờ đó Loa Thành được xây nên vững chắc. Sau đó một thời gian, thần trở lại phương Bắc đầu thai làm con vua Tùy. Sang đời Đường, thần đã giúp vua Đường tiêu diệt con quỷ dữ thường gieo bệnh giết hại trẻ con Trung Quốc. Đến thời vua Lê Đại Hành, thần lại xuống đất Lỗ Lâm gần thành Long Đỗ giúp nhân dân trừ quỷ dữ. Khi bọn tướng nhà Tống là Hầu Nhân Báo và Tôn Toàn Hưng theo lệnh vua Tống đem quân sang cướp nước Đại Cồ Việt, thần đã dâng nước sông Nguyệt Đức (sông Cầu), sông Nhật Đức (sông Thương) lên cao tạo thành hào sâu ngăn cản. Thần còn hiện thành một vị tướng nhà trời cao 10 trượng, mặc chiến bào màu vàng, tay cầm ngọn giáo bằng vàng đứng trên đầu trước mặt quân Tống. Quan quân Tống trông thấy thế sợ quá hoảng hốt quay đầu vắt chân lên cổ tháo chạy. Quân Nam nhân cơ hội đó mãnh liệt truy kích quân giặc, giết chết chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo, bảo vệ toàn vẹn non sông. Sang đời Lý, đời Trần, thần còn xuất hiện nhiều lần giúp nhân dân diệt trừ quỷ dữ.

Theo Quỳnh Chi (Danh nhân Hà Nội)
 
Last edited:
Trả lời hộ bạn Autum vậy nhé
.........Trung tâm***********Tứ trấn thăng long nằm ở....chính câu hỏi mà bạn đặt ra đấy ! =))
Tứ trấn của kinh thành nằm ở 4 góc, có thể ko như hình vuông, nhưng trung tâm thì phải ở Hoàng thành là lẽ hiển nhiên....:))
Còn Hoàng thành như thế nào thì ngày 2 tết bạn Autum quá biết rồi ...có thể giải thích rõ hơn:)
 
Các bạn có biết trung tâm của Tứ trấn nằm ở đâu không ?

Ý bạn hỏi Trung tâm là Trung tâm như thế nào.

Nếu là trung tâm về độ quan trọng, thiêng liêng, thì là điện Kính Thiên trên núi Nùng trong Hoàng thành.

Còn nếu coi Bốn ngôi đền là đỉnh một tứ giác, và lấy giao của hai đường chéo, thì giao điểm đó nằm ở góc phía Tây Nam của hoàng thành xưa, và hiện nay nó rơi vào đúng... Đại sứ quán Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu thì cái thuyết về Tứ trấn Thăng Long có thể cũng chỉ là suy diễn, chắp nối qua nhiều giai đoạn, chứ không phải là dụng ý của các vua chúa thời trước. Do đó giao điểm của Tứ trấn nằm ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về mặt phong thuỷ hay tâm linh cả.


39532026.jpg


Mình thì không biết, nhưng theo mình đoán thì trung tâm Tứ trấn sẽ nằm chính giữa hồ gươm - Tháp rùa, không biết có đúng không nữa

Hồ Gươm thời Lý Trần là hồ nước bỏ hoang, đến đời Lê làm chỗ tập thủy quân vì thông với sông Hồng. Cuối đời Lê mới có vài công trình ở cạnh hồ. Cái gò Rùa thì hoàn toàn là gò hoang cho đến năm 1884 thì bá hộ Kim xây cái lầu nửa ta nửa tây (giai thoại nói là để táng mả bố của ông ấy ở đó - nhưng nhiều khả năng là sai).

Cho nên Hồ Gươm mới trở thành trung tâm Hà Nội từ khoảng 200 năm nay thôi.
 
Em thì em không cho rằng chùa Một Cột là trung tâm của tứ trấn, vì nếu tứ trấn là đền thì trung tâm cũng phải là một ngôi đền. Ở một topic khác em đồng ý với quan điểm của bác Chitto tứ trấn hình thành sau này chứ không phải chủ ý của các vua chúa trị vì Thăng Long. Nói đến tứ trấn là khái niệm của Phật giáo nên em cho rằng cái gợi ý của bác chitto về bốn ngôi chùa(Sóc Thiên Vương- chùa Non, Pháp Vân - chùa Dâu, Pháp Vũ - chùa Đậu, Thiên Phúc - chùa Thầy) làm tứ trấn Thăng Long có lẽ hay hơn, và lấy Tháp Báo Thiên làm trung tâm.
Còn ngu ý của em nếu lấy đền làm trấn thì nên có 5 ngôi hoặc 8 ngôi cho nó có vẻ hợp lý hơn như kiểu trấn 5 phương, hoặc chấn bát quái gì đó.
Ngoài ra ngay tại HN cũng có rất nhiều ngôi chùa mang những cái tên từ xa xưa mà bản thân nó đã nói nên điều đó như Trấn Quốc, Hộ Quốc, Báo Quốc, Hưng Quốc ........
Nên em nghĩ rằng có hay không các nhà lịch sử dựng ra tứ trấn một cách cảm tính để cho HN của chúng ta thêm "Linh thiêng và hào hoa"
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,821
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top