What's new

[Chia sẻ] Tứ Xuyên Du Ký - Mênh mang thu vàng phương Bắc (10/2010)

Cũng hơi xấu hổ, khi topic Đông Nam Á vẫn còn dang dang dở dở, nhưng thôi cũng cố gắng, vì cảm xúc mùa thu vẫn đang còn lửng lửng trong đầu...
---


MỞ​


Phải mất gần 2 năm để bắt đầu cho những giấc mơ sặc sỡ màu sắc thiên nhiên và rộn rã những tiếng cười phiêu lãng. Những hình ảnh mùa thu phương Bắc với rừng cây đỏ lá, với những mặt hồ xanh biêng biếc soi bóng ngọn núi hùng vĩ tuyết phủ trắng xóa luôn là sự ám ảnh với một đứa mê dịch chuyển như mình... Book vé máy bay, lên lịch trình, rủ rê đồng bọn, tìm thông tin... có thể nói là cả một quá trình, cho đến phút cuối cùng trước khi chiếc Airbus 320 rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm rằng mình đã bắt đầu...

Vứt bỏ sau lưng một Sài Gòn đang chìm trong màn mây mù mịt của những cơn mưa thu dầm dề không dứt, chúng tôi tiến về phương Bắc, nơi có nắng vàng, trời xanh và rừng thu phong đỏ rực trong ánh chiều buông nhẹ; nơi có đàn bò yak đang gậm cỏ bên triền núi thanh bình; nơi có tiếng suối chảy róc rách xuyên qua những tán lá xào xạc trong gió thoảng; nơi có những đỉnh núi cao chót vót quanh năm tuyết phủ trắng xóa...

Điểm đến cuối cùng, mục tiêu duy nhất là một góc cao nguyên bao la nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên rộng lớn. Tứ Xuyên (四川) một tỉnh lớn nằm về phía Tây miền Trung của Trung Quốc, với dân số hơn 90 triệu người (đứng thứ 3 TQ và đông dân hơn cả Việt Nam) và diện tích là 485 ngàn km vuông, được bao bọc bới dãy Hymalaya ở phía Tây và là cửa ngõ giao thương với Tây Tạng huyền bí. Từ lâu, Tứ Xuyên được biết đến như là cái nôi của nền văn minh địa phương và nơi đây cũng chính là lãnh thổ của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.

Cung đường và lịch trình được chúng tôi nghiên cứu một cách cẩn thận bao gồm những điểm chính như sau:

- Từ Thành Đô (Chengdu) chạy về phía Tây để đến với khu Bảo tồn thiên nhiên núi Tứ Cô Nương (Siguniang Shan).

- Tiếp tục đi về phía Tây, ngang qua Ma'er Kang (thành phố là thủ phủ của khu tự trị Tạng Aba), băng qua cao nguyên rộng lớn Hongyuan (Hồng Nguyên) để đến Khu bảo tồn Hoàng Long.

- Từ Hoàng Long, tiếp tục đi về phía Cửu Trại Câu, mục tiêu chính của cả cuộc hành trình.

- Trở về theo cung đường phía Đông, qua Bình Vũ, Miên Dương về ngang Thành Đô, Lạc Sơn và đến Nga Mi Sơn (Emei Shan).

- Từ Nga Mi, lại quay về Thành Đô và ghé ngang Lạc Sơn Đại Phật.

- Cuối cùng là thăm thú Thành Đô, kinh đô nhà Thục Hán thời Tam Quốc, được mệnh danh là Thiên Phủ Chi Quốc với một quá khứ hào hùng.

Với hơn 2100km đường bộ và mất hơn 9 ngày để chinh phục một cung đường hùng vĩ, 8 người chúng tôi đã trải qua những cảm xúc phiêu bồng khó thể miêu tả được...


attachment.php

Phi đội UNO - Chạm ngõ thiên đường...

attachment.php

Biển mây và núi tuyết...

attachment.php

Long lanh Hoàng Long...

attachment.php

Mênh mang đường đến thiên đàng... ?!!

attachment.php

Cồn cào thác đổ...

attachment.php

... và rực rỡ thu vàng!
 
He he, nhóm của Đức, Quỳnh, Hà đây mà. Bọn mình gặp nhau ở Dream Hostel, nhớ không.
Quỳnh cho chị tel, định hỏi em chút kinh nghiệm đi núi Tứ Cô Nương

@Nheva: Em nhớ chị T rồi, chị liên hệ với Bluesky85 để lấy số đt em chị nhé.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Khu vực núi Tứ Cô Nương bao gồm 4 ngọn núi cao 6250m,5664m,5454m,5355m tuyết phủ quanh năm.Nhiệt độ giữa ngày & đêm chênh lệch rất lớn.
Hiện tại có 3con đường từ Thành Đô đi đến Siguniang Shan:
1/.Chengdu-dujiangyan-yingxiu-wolong-balangshan-rilong:230km :
đoạn này ngắn nhất nhưng do động đất 2008 đến nay vẫn đang trong quá trình sữa chửa mở rộng,chưa thông xe được(2011 thông xe sẽ rút ngắn được tgian chỉ còn khoảng 5h, giá vé xe Bus trước đây 65Y/ người) qua Balangshan với độ cao 5.000m/mực nước biển,được cho là cung đường đẹp nhất & nguy hiểm nhất.Hiện tại chỉ có xe riêng dưới 7 chổ đi qua cung đường này thôi.
2/.Chengdu-Yaan-Jiajinshan : 361km
Đường này không có Bus,chỉ bao xe ,mất khoảng 8-9h.Cung đường này rất vắng, đi qua JiaJinShan cao hơn 4100m so với mực nước biển.
3/.Chengdu-Yaan-Luding-Kangding-Xiaojin-Rilong : 554 km
Hiện tại xe Bus đi đường này,mất khoảng 12h mới đến Rilong. Vé xe Bus :130-150Y/ người,do phải đi đường vòng nên rất xa.
Nếu có nhiều thời gian chúng ta nên thuê xe đi theo cung đường này,trên cả tuyệt vời.Đến Danba ở lại 1 ngày,sau đó từ Danba qua XiaoJin-Rilong khám phá núi Tứ cô Nương.
Tháng 6 được xem là đẹp nhất tại Khu vực núi Tứ Cô Nương, do đồng cỏ xanh mượt & hoa dại nở khắp nơi.
Khu vực núi Tứ Cô Nương bao gồm 3Gou : Giá vé dưới đây là vào mùa cao điểm từ T6-T10
1/.Haizigou ,chỉ có thể cưỡi ngựa và đi bộ trong Gou này,phải mang theo lương khô & nước uống để ăn trong ngày. Giá vé : 60Y/ng ,giá cưỡi ngựa 170Y/ngựa+nài+ăn trưa,nhớ nói rõ đích đến từ GouKou-Huahaizi(dưới chân núi tuyết) nên xuất phát từ 8h để còn kịp quay ra(Có thể Camping)
2/.ChangPingGou :giá vé 70Y/ng chỉ cưỡi ngựa & đi bộ, đường núi khá hẹp,có thể nhìn thấy cả 4 ngọn núi tuyết.
3/.ShuangQiaoGou :giá vé 80Y/ng,có xe tham quan 80Y/ng & đi bộ,chỉ mất nữa ngày tham quan Gou này.Do có qui hoạch rồi nên không còn vẽ đẹp hoang sơ như 2 Gou kia
Địa chỉ & số điện thoại của người cho thuê ngựa(kiêm chủ Hostel)
Lu Zhong Hua 138.82496235 (Lu Si-Changping Chun-Rilong Zhen)
Hostel phòng 3 người 100Y/ngày có nước nóng.
Giá cưỡi ngựa tùy đích đến sẽ có giá từ 50-200Y/ngày
Thẻ Sinh Viên có giá trị đối với vé vào cổng tại nơi này.Thông thường thì chúng ta chỉ khám phá 1 trong 3 Gou, vì nếu các bạn ngồi ngựa cả 1 ngày chênh vênh bên miệng vực ,đường gập ghềnh, ê ẩm cả người & có cả những vết thù trên lưng ngựa hoang thì sẽ không còn muốn (hoặc không thể) cưỡi ngựa cho ngày thứ 2 nữa.
P/S : Do có độ cao từ 3200m trở lên nên mọi người hạn chế vận động mạnh,chạy nhảy.Nhóm của mình có 2 đồng chí gục ngã khi đến đỉnh đèo.:gun.
 
ĐƯỜNG MÂY (TT)


Rời khỏi đỉnh Jiajin sau khi tung tăng ảnh ọt, chúng tôi bắt đầu mê mệt vật vờ trong xe, cái cảm giác khó thở, đau đầu và nôn nao trong bụng làm chúng tôi lả người đi trong đoạn đường nhập nhoạng ánh chiều. Đoạn đường gần đến núi Tứ Cô Nương (Siguniang Shan) hết sức liêu trai! Chạng vạng tối, khi giọt nắng cuối cùng cũng trốn khỏi những đỉnh núi xa xa, những ngôi nhà Tạng sặc sỡ trôi tuột qua cửa kính, bỗng dưng...

"Cây gì trái lúc nhúc giống cây hồng vậy cà?!! Vùng này làm gì có hồng nhỉ?!... Ơ... táo táo táo táo táo... !!!!"

Ông tài xế đang phăng phăng gần 80km/h giựt mình hoảng vía thắng xe lại... két... két... étttt... Cả xe bừng tỉnh khỏi giấc mơ màn và lao nhanh xuống đường, mặc cho đầu óc vẫn còn đờ đẫn vì độ cao.

Quả thật là những cây táo lúc lỉu những trái chín, những vườn táo đang mùa thu hoạch của người Tạng bản xứ. Táo ở đây không to, nhưng chắc và ngọt lịm, dòn tan. Bà chủ vườn gốc người Hoa vui vẻ trèo lên cây hái mấy trái chín xuống dúi vào tay chúng tôi.



Rời khỏi đỉnh Jiajin trong trạng thái vật vờ, mệt mỏi...


Đường chiều thênh thang trong vắng lặng...


Thu vẫn ở bên ta...


Và ánh trăng non vẫn treo lững lờ theo từng bước chân lãng du...


Vườn táo ở 2 bên đường...


Xum xuê, chín mọng!


Thậm chí táo cũng mang một màu thu...



 
150006_1418303543163_1399888289_30955692_6489268_n.jpg


TỨ CÔ NƯƠNG - CHÊNH VÊNH TRÊN LƯNG NGỰA HOANG

Chúng tôi đến thị trấn nhỏ nằm dưới chân 4 ngọn núi hùng vĩ Siguniang Shan (núi Tứ Cô Nương). Cũng như Hoàng Long hay Cửu Trại Câu, khu bảo tồn thiên nhiên Tứ Cô Nương cũng thuộc vùng tự trị của người Tạng Aba và người Choang (Qiang). Một vùng sinh thái rộng hơn 2.000 km vuông với cảnh quan non núi hùng vĩ bao bọc lấy những thung lũng rộng, những đồng cỏ bao la, những rừng cây lá thấp đang chuyển vàng bởi mùa thu phương Bắc.

Bước xuống xe trong cái lạnh xuyên thấu vào da thịt, chúng tôi liêu xiêu bước vào nhận phòng khi đầu còn nhức bưng bưng vì độ cao, không khí loãng... Bữa cơm tối hôm đó không mấy hào hứng, vì đã có 1 chiến sĩ gục ngã tại phòng và 1 chiến sĩ gục tại bàn ăn, tất nhiên, sự thay đổi độ cao đột ngột ko mang lại một cảm giác dễ chịu lắm. Phần nữa, cơm vừa mang tới bàn ăn thì cái lạnh làm cho khô khốc lại, trợn mắt nuốt cũng không vô nổi. Tuy nhiên, cuối cùng nhờ vào tô canh rau nóng hổi cùng dĩa thịt treo bếp xào tỏi tây, cả nhóm cũng cố nuốt vào gọi là bữa tối. Ăn uống ở Tứ Xuyên không phải luôn là những trải nghiệm thích thú!

Đã tham khảo từ những nhóm đi trước, chúng tôi mặc cả và thỏa thuận thuê ngựa để đi vào Haizigou, một trong 3 con đường được thết kế cho khách du lịch vào khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Tứ Cô Nương, hai nhánh còn lại là ChangPing Gou và ShuangQiao Gou.

Cảm giác đầu tiên là chênh vênh! Mặc dù ngựa thuê đã được huấn luyện và có người dắt ngựa đi theo cạnh, nhưng các chú chiến-binh-đồng-cỏ này lắm lúc lại dở chứng trên đường trường: có lúc cứ thong thả đứng im gặm cỏ, có lúc lại nhởn nhơ lủi vào suối uống nước không thèm đi nữa, lắm khi là giành nhau vị trí trước sau...

Nhưng nếu bỏ qua cái sự rề rà của mấy chú chiến mã, bỏ qua cái đau thắt cả người vì bị xốc, nhúng cả ngày thì rõ ràng chuyến du hành này rất đáng giá: qua khỏi những đồng cỏ bao la, từng đàn bò yak nhởn nhơ gặm cỏ, đoàn người ngựa lại men theo con đường mòn chui vào những cánh rừng lá thấp đầy rêu phong, những con suối nhỏ chảy qua những rặng cây lá đỏ rực một màu rực rỡ, tiếng chim líu lo trên cành, thỉnh thoảng lại có tiếng ngựa hí vang. Thế rồi xa xa lưng trời, lại hiện ra từng cánh rừng thông tùng vàng rực rỡ, điểm tô cho ngọn núi tuyết trằng xóa, dòng suối róc rách dưới thung lũng vắt vẻo ngang những lùm cây đầy sắc màu. Con đường hôm đó thật đẹp một cách phiêu lãng...

Hãy cứ thong thả buông cương, trong tiếng lọc cọc của bầy ngựa, trong cái không gian mát lành lạnh của núi rừng, hãy thả hồn mình vào những cảnh sắc thần tiên tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích. Con hồ rộng phía xa, những ngôi nhà được xếp bằng đá, bầy ngựa không yên cương cúi đầu ăn cỏ hiền lành, rừng thu, núi tuyết và những gương mặt rạng rỡ, những tiếng cười nói xôn xao... Tất cả dường như chỉ để trả lời 1 câu hỏi duy nhất: Ta đang còn tìm kiếm gì trong thế giới bao la và huyền bí này?!!...

Nhưng đường về, lại là những cảm giác khó chịu, khi phải đong đưa cả ngày trên lưng ngựa cùng cái ba lô nặng trịch, cơn đau hông, lưng và vai làm tôi gần như tắt thở! Và không chỉ mình tôi... Âu cũng là cái giá, cho những lãng khách đồng bằng ưa thích những trải nghiệm mới, và có vẻ, cái giá này vẫn còn quá hời so với những gì ta nhận được...





Ta còn tìm kiếm con đường nào nữa?!!...
 
Tiếp đi Koo.
Pà chị vì chuyện riêng mà không thể viết tiếp những chặng đường còn lại của mùa thu năm trước.
Cũng thấy buồn - nhưng viết thì lại càng buồn hơn.

Nên thôi.
"Đành để gió cuốn đi"
 
CHÊNH VÊNH TRÊN LƯNG NGỰA HOANG (tt)

Như thông tin nàng Hoa Quỳnh đã post phía trên, chi phí cho mỗi một chú ngựa thuê là 170Y (~ 510.000 VNĐ, bao gồm nài ngựa và ăn trưa mì gói), cộng thêm vé vào cổng Haizigou là 40Y (~ 120.000 VNĐ, đã được giảm 20Y nhờ vào thể sinh viên quốc tế... lởm :D). Đoạn đường từ cổng Haizigou cho đến điểm cuối hành trình vào khoảng 30km, hoàn toàn có thể trekking nếu bạn có thời gian và đủ dẻo dai... Và sau 1 ngày vất vưỡng trên lưng ngựa, tôi cũng tự nhủ với lòng, rằng nếu có cơ hội trở lại núi Tứ Cô Nương, sẽ lóc cóc đi bộ, vì chẳng thà mỏi nhừ cặp giò mà tranh thủ được nhiều góc ảnh đẹp, còn hơn đau nhức toàn thân và ảnh ọt cũng... lưng tưng theo chân ngựa!!!

Cũng cần nói thêm để tránh hiểu lầm, cưỡi ngựa theo 3 gou của Tứ Cô Nương hoàn toàn không phải là đi thẳng lên đỉnh núi, mà chỉ đi dọc theo đường mòn xuyên qua những đồng cỏ bao la, những cánh rừng lá thấp huyền ảo, chênh vênh theo lưng chừng núi và ngắm xuống thung lũng lá vàng mênh mông giữa mùa thu... Bởi vì những đỉnh Tứ Cô Nương đều cao trên 5.000m (đỉnh cao nhất Đại Cô Nương cao đến 6.250m và tuyết phủ vĩnh cửu) nên việc trekking lên đỉnh là bất khả thi với các du khách thông thường. Từ "câu" (tiếng Trung: 溝, phiên âm tiếng Anh: gou) có nghĩa là vùng thung lũng rộng giữa núi, có hồ nước. Chính vì thế, Haizigou hoặc Hailougou (chưa biết phiên âm Hán Việt như thế nào), hay Jiuzhaigou (Cửu Trại Câu) đều có cùng từ gou (câu) và ý nghĩa như nhau...


Một trấn nhỏ dưới chân Haizigou, nơi đây có đầy đủ các dịch vụ du lịch tối thiểu: nhà nghỉ, quán ăn, siêu thị... Tất nhiên, dân bản xứ không sử dụng ngoại ngữ!


Khu bảo tồn nằm trong châu tự trị của người Tạng...


Bữa sáng với màn thầu, cháo trắng và trứng luộc luôn là nỗi ám ảnh với du khách đến từ phương Nam.


Ánh bình minh rọi lên cánh rừng thu rực rỡ, hứa hẹn một ngày đẹp trời...


Lồng lộng mây trời...

 

Rừng bạch dương đang rộn rã chuyển màu...


Bốn ngọn Tứ Cô Nương qua cái nhìn đầu tiên...


Quầy vé vào Haizigou. Lần đầu tiên, mấy cái thẻ sinh viên QT bắt đầu phát huy tác dụng... ^^


Cây lá cứ rực rỡ thế đấy!


Ơi, thu vàng!


Một góc nhìn khác về hướng núi...

 
CHÊNH VÊNH TRÊN LƯNG NGỰA HOANG (tt)

Vắt vẻo trên lưng ngựa, đi hết khúc cua với những tán bạch dương vàng rực trong ánh bình minh, một vùng thảo nguyên mênh mông bắt đầu lộ diện. Tiếp tục chênh vênh trên lưng chừng núi, nhìn xuống dưới là thung lũng mênh mông, xa xa là những con đường uốn lượn giữa những tán cây lá vàng rạo rực...



Thêm một góc nhìn nữa hướng về các "Cô-Nương" bạc đầu vì tuyết sương...


Một vùng đồng cỏ mênh mông níu chân lũ ngựa...


Đủng đỉnh gặm cỏ trên triền đồi...


Bên kia núi, con đường uốn lượn quanh những lùm cây đầy màu sắc...


Cả ngọn cỏ cũng chuyển màu tươi tắn...


"Ngựa quen đường cũ"...


Bao la quá!

 
CHÊNH VÊNH TRÊN LƯNG NGỰA HOANG (tt)

Rời khỏi vùng đồng cỏ thênh thang, đoàn người ngựa bắt đầu bước vào một địa hình mới: những tán rừng lá thấp và các bụi cỏ xen lẫn nhau, tất cả đều khoác lên mình chiếc áo mùa thu lộng lẫy...


Đôi bò yak cứ ngơ ngác nhìn đám khách phương xa nhí nhố...


Rồi ngoảnh mặt bỏ đi như muốn nói: tụi bây đồ con nít... hí hí...


Chiếc áo thu lộng lẫy được khoác trên từng nhánh cây, ngọn cỏ...


Phiêu lãng quá...


Xa xa, núi tuyết lại hiện ra...


Cảnh làm mình nhớ tranh Levitan quá!


Đi mãi cũng không hết những sắc màu...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,594
Bài viết
1,153,916
Members
190,144
Latest member
acesgame
Back
Top