What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Bali có gì lạ không em… – 50.

Bali có gì lạ không em… – 50.



DSCN8581-1_zps7e0b4b62.jpg



DSCN8582-1_zpsd41f1ce1.jpg

Cụm 4 ngôi đền nhìn từ bên kia sông.


Nằm ở 2 bên, dọc theo con sông linh thiêng Pakerisan, những ngôi đền Gunung Kawi được xây dựng vào năm 1080 CN, gần cuối thế kỷ thứ 11 bởi vị vua Anak Wungsu để tôn vinh vua cha, hoàng hậu, anh trai và cho chính mình. Giả thuyết ban đầu đây là những mộ phần, nhưng về sau các học giả cho rằng đây là những ngôi đền Hindu để tôn vinh quốc vương Udaya, hoàng hậu người Java, Gunapriya, những ái phi, thái tử Airlangga, người trị vì vùng Đông Java và vị hoàng tử trẻ nhất của ông, Anak Wungsu – người sau này đã kế vị và cho tạc nên những ngôi đền


DSCN8584-1_zps4bdad3fc.jpg

Cụm 5 ngôi đền bên bờ đông rực rỡ dưới ánh nắng chiều từ trời tây...


DSCN8624-1_zpsd7808561.jpg

…rồi chợt trở nên huyền bí khi nhìn ngang qua những cội cổ thụ, đám dây leo xanh rờn.


Sở dĩ có giả thuyết ban đầu cho rằng Gunung Kawi là những mộ phần bởi vì khác với những ngôi đền Hindu thông thường những ‘ngôi đền’ ở đây thực ra chỉ mang hình ảnh của những ngôi đền mà thôi. Người xưa đã tạc vào vách đá hình ảnh của những ngôi đền thay vì là xây nên những ngôi đền thực sự mà người ta có thể bước vào trong để thờ phụng khấn vái. Tuy nhiên khi không tìm ra những dấu tích của di thể, người ta mới bỏ đi giả thuyết đầu và những ngôi đền tạc trực tiếp vào vách đá này trở thành độc nhất vô nhị của người Bali. Trên toàn đảo Bali giờ chỉ còn sót lại 15 ngôi đền Hindu cổ thì ở Gunung Kawi này đã chiếm đến 10. Do vậy, cùng với những di tích nổi tiếng khác của Bali như Ngôi đền hoàng gia nổi tiếng Taman Ajun, Cánh đồng bậc thang cổ Jalutiwih,… cụm đền Gunung Kawi đã được chính quyền Indonesia làm hồ sơ đệ trình lên Unesco để chờ xác nhận, vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.


DSCN8571-1_zpscde218b9.jpg

Những hốc tạc vào trong đá ở Gunung Kawi….


DSCN8594-1_zps20e7fd9f.jpg

…và cả những gian phòng được đục, tạc vuông vắn thẳng thớm vào trong đá núi



Điều thú vị là qua ngàn năm dâu bể, nằm ở giữa cánh rừng còn tương đối rậm rịt, những kiến trúc của Gunung Kawi còn khá nguyên vẹn. Kể cả những di chỉ khắc, tạc trên đá kể về câu chuyện của nó những ngày xa xưa đó, bên cạnh những ngôi đền tạc vào đá đường nét sắc cạnh vẫn rờ rỡ… mà nhờ vào đó người ta biết đến một thời oai hùng của Tampaksiring xưa… Nên ngày được vinh danh chắc sẽ không còn xa.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 51.

Bali có gì lạ không em… – 51.



Ở Gunung Kawi có 10 ngôi đền nhưng thường người ta chỉ thấy 9. Ngôi đền còn lại chẳng hiểu vì sao lại nằm cách biệt ở vị trí xuôi dòng sông thiêng Pakerisan xuống 200m nữa, và không có đường đi, chỉ men theo bờ sông với nhiều đá tảng và cây rừng rậm rạp. Dòng Pakerisan chạy theo hướng bắc nam, bên bờ tây của dòng sông, khi chúng ta vừa xuống đến nơi là một cụm 4 ngôi đền (được cho là để tưởng nhớ các ái phi của vua cha), ngôi đền thứ 5 cũng nằm bên bờ tây này phải đi xuôi xuống tiếp 200m (được cho là vinh danh vị tể tướng của vương triều thời đó).


DSCN8569-1_zps02486621.jpg

Cụm 4 ngôi đền ở một góc chụp dưới nắng…


DSCN8566-1_zps8d496cb4.jpg

… ở một góc chụp xuôi nắng…


DSCN8570-1_zpscb2f7830.jpg

…và ở một góc trực diện.


Còn lang thang qua chiếc cầu, bên kia bờ đông là 5 ngôi đền mà với những di chỉ để lại, người ta biết rằng chúng được xây dựng để tưởng nhớ quốc vương Udaya, hoàng hậu, hoàng tử… Cụm 5 ngôi đền này được giữ gìn khá tốt và do nhìn về hướng tây, đón nắng chiều nên khá thích hợp cho việc chụp hình với những du khách đến vào chiều muộn.


DSCN8574-1_zps9eb8b627.jpg

Cụm 5 ngôi đền ở góc nhìn xuôi nắng…


DSCN8578-1_zpsc99df4b7.jpg

…và ở góc nhìn trực diện.


Giữa 2 cụm đền là dòng sông, triền sông tươi tốt, ẩm ướt nuôi dưỡng những hàng cây cổ thụ cao lớn, cành lá rêu phủ xanh rì. Thêm nữa là lũ dây leo già nua nhiều trăm năm tuổi quấn quít đong đưa… Nên ngồi từ bên này nhìn sang bên kia, hay những tấm hình chụp bên kia từ bên này sẽ là hình ảnh những đền xưa đá xám qua màn xanh cây lá rậm rịt… cho cảm giác như đang ở rừng đại ngàn – dù thật sự vẫn còn rừng nhưng quanh Gunung Kawi giờ cũng rất nhiều đồng nương xanh ngát.


DSCN8590-1_zpsa30412a3.jpg


DSCN8586-1_zps779af86e.jpg

…và những kiến trúc lạ khác ở Gunung Kawi


Ngoài các ngôi đền, Gunung Kawi còn có khu di tích lạ khác, nằm ở bờ đông bên kia sông. Cụm di tích gồm nhiều căn phòng được đục đẽo vuông vức, thẳng thớm đến ngạc nhiên vào trong vách đá này được cho là nơi để các vị tăng sĩ cư ngụ, thiền định. Thực ra, còn nhiều giả thuyết về cụm di tích này vì có những kiến trúc mà giờ người ta vẫn chưa xác định được mục đích được làm nên của chúng, kể cả một phiến đá to đùng nằm ở giữa hình dáng trông giống như một ngôi mộ nhưng lại là đá tảng được đục khắc càng làm người ta thắc mắc về công dụng của nó.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 52.

Bali có gì lạ không em… – 52.



DSCN8607-1_zps164051ae.jpg


DSCN8608-1_zps55a8d8c3.jpg

Cận cảnh những ngôi đền cổ xưa Gunung Kawi.


Cũng như nhiều di tích xưa cổ ở Bali, Gunung Kawi giờ vẫn là nơi thờ phụng, vẫn có những hoạt động tôn giáo bình thường. Có điều khu tế lễ giờ được dời lên khu mới, với những ngôi đền mới mái lợp cỏ đen như những ngôi đền Bali bây giờ. Nhiều những ngôi đền mái đen ngời ngợi trên cao, với hậu cảnh gần là vách đá với những ngôi đền đá xám tạc vào vách núi đá xám, hậu cảnh xa, rộng là cánh rừng xanh ngắt đang rờ rỡ trong nắng chiều vàng như đổ mật… làm cho buổi chiều Gunung Kawi đẹp ngỡ ngàng.


DSCN8597-1_zpscf1df919.jpg

Đường lên những ngôi đền mới…


DSCN8596-1_zps8b0d14bc.jpg

…những ngôi đền mới đẹp hơn với phông nền đẹp lạ.


Bên dưới, con sông Pakerisan nhỏ nhắn như một con suối róc rách chảy qua những tảng đá to đùng. Con sông nhận những dòng nước đổ xuống từ những ngôi đền đá. Nước từ ngôi đền linh thiêng, nên con sông Pakerisan là con sông thiêng. Nước thiêng của dòng Pakerisan hiện vẫn được người dân Tampaksiring, người dân Bali dùng trong các buổi lễ cúng quan trọng.


DSCN8600-1_zpsecad0814.jpg

Cụm 4 ngôi đền xưa nhìn từ trên cao nơi những ngôi đền mới tọa lạc


DSCN8602-1_zps81548619.jpg

Cụm 5 ngôi đền xưa nhìn từ trên cao nơi những ngôi đền mới tọa lạc.


Nước thiêng của dòng Pakerisan cũng được dẫn dắt đổ vào những cánh đồng bậc thang trong thung lũng Gunung Kawi. Những cánh đồng miếng thì mạ non vừa cấy, vạt thì đổ nước ải lóng lánh, thửa thì mới vừa cày vỡ nâu màu phù sa óng ánh… nằm chỉ cách những ngôi đền đá cổ xưa chỉ vài bước chân là một điểm cộng cho Gunung Kawi. Những ngôi đền ngàn năm tuổi, những cội cổ thụ già rợp bóng, dòng sông xanh lấp lánh ánh bạc, những cánh đồng bậc thang rờ rỡ… có còn gì cần thêm cho Gunung Kawi nữa không?


DSCN8613-1_zps3ff13388.jpg

Dòng sông thiêng Pakerisan chạy giữa những vách đá, những ngôi đền cổ.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 53.

Bali có gì lạ không em… – 53.



Nhưng chắc sẽ còn rất lâu Gunung Kawi mới nằm trong danh sách các điểm đến cho những tour du lịch Bali khởi hành từ xứ Việt. Phần lớn vì con đường từ cổng vào đến dòng sông Pakerisan, nơi đền thiêng cư ngụ dài ‘đến’ 600m, một khoảng đường có thể nói là ‘rất dài’ với phần lớn những du khách đi theo tour. Nhưng đó vẫn chưa là lý do chính. Lý do nữa là con đường đó khá dốc, với 315 bậc thang khá cao mà tôi thấy tội nghiệp cho những cụ ông, bà người Châu Âu cứ đi đoạn ngắn là đứng thở dốc… Chưa kể là rất nguy hiểm nếu như HDV quản không chặt, để du khách nào bạo gan men theo bờ sông hiểm hóc đi xuống nữa để kiếm ngôi đền thứ 10 nằm tách bạch xa tít bên dưới… thì chỉ có nước xanh mặt mà ngồi chờ khách lên… Nên, ở một Bali có quá nhiều những điểm đến thì Gunung Kawi với nhiều ‘chướng ngại’ như vậy sẽ khó là một điểm đến cho khách đoàn.


Nhưng đối với những kẻ bạt mạng còn ‘trẻ’ thì những điều kể trên lại là những điểm cộng cho Gunung Kawi.


DSCN8630-1_zpsefff5cd1.jpg


DSCN8572-1_zpse5d145d2.jpg

Những gian hàng quà lưu niệm, lạ thay là những điểm cộng cho Gunung Kawi vì vẻ đẹp sắc xảo của chúng.


DSCN8633-1_zpsb3dc4fb4.jpg


DSCN8632-1_zps5acd6018.jpg

…quá đẹp và tinh xảo.


Khi con đường đi dốc đó nằm giữa những vườn xanh, bên những đồng xanh, rồi những cánh đồng bậc thang mướt mát… Khi vì những lý do trên, ngôi đền không lố nha lố nhố những du khách áo đỏ xí lô xí là chen nhau phô phang súng to ống dài lẫn… để bạn có thể có những khung hình không có bóng người trong đó (điều sẽ là điệp vụ bất khả thi ở những nơi như Tanah Lot…), hay chỉ để thả mình trên đám cỏ mượt, bên một cội cây già nào đó nhìn nắng chiều xuyên qua những vạt dây leo rậm rịt của rừng già hắt những vạt nắng xuống đá xám già nua… nghe lá hát, nhìn mây trắng lững lờ trôi trên cao xanh ngỡ như thời gian trôi ngược, tưởng như mình trở về ngày xưa đó ngàn năm trước


DSCN8621-1_zpsd5265aa1.jpg

Những ngôi đền tạc vào vách đá trong bóng rừng thâm u…


Nên buổi chiều Gunung Kawi đó với tôi là đủ cho những ngày Ubud. Đủ đến mức chẳng còn muốn đi đâu nữa!


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 54.

Bali có gì lạ không em… – 54.


Sau đêm chia tay Ubud nồng nàn, sau buổi mai trong trẻo nấn ná luyến tiếc trong vườn xanh, cuối cùng tôi cũng phải thật sự chia tay Ubud. Thầm hẹn nhiều lần sau quay lại, vì giờ Ubud đã gần gũi, thân quen như một quê mới của tôi.


Canh giờ, nhưng tôi vẫn đến ĐSQ Đông Timor sớm, lang thang trong hồi hộp tôi chờ cửa mở. Rồi cửa cũng mở, tôi lại vào trong ngồi chờ tiếp. Rồi cửa tò vò cũng mở, tôi được ngoắc đến, hồi hộp. ‘Okie, đây là thư xác nhận để mày có thể lấy visa tại cửa khẩu’, ‘nhưng sao có nhiêu ngày vậy anh’, ‘không biết, xếp tao duyệt vậy thôi’, ’vậy có thể gia hạn được không anh’,’theo tao biết thì đi đường bộ thì không gia hạn visa được đâu, mày sang đó đến phòng xuất nhập cảnh hỏi thăm thử xem sao’, ‘cảm ơn anh’, ‘chúc mày may mắn nhé’.


Vậy là xong. Dù không có được visa có số ngày như mong muốn nhưng dù sao có cũng hơn không. Biết đâu như vậy cũng tốt vì với cái tính cà rà của mình tôi thì những hạn mức về thời gian nhiều khi lại rất cần.


Từ Denpasar tôi lại chạy về Kuta, trả xe, nhờ anh chủ xe chở đến đại lý bán vé xe đi Padangbai, nơi tôi sẽ lên tiếp chuyến phà sang Lombok, để chính thức bắt đầu hành trình Xa hơn Bali.


Chia sẻ vài hình ảnh về những bước đường lang bạt phía trước.


IMG_3939-1_zpsb5a61cb9.jpg

Những người dân quê mộc mạc miền Manufui, và cả trên những miền đất xa ngái heo hút của xứ vạn đảo làm tôi cứ ngỡ mình lang thang về quê nhà.


IMG_3041-1_zpsfd123874.jpg

Những chú rồng đất Komodo kiêu hãnh, một trong những động lực chính thúc đẩy hành trình Xa hơn Bali của tôi.


IMG_3003-1_zps7e1bc238.jpg

Một trưa nắng Rinca, biển xanh như không có thật.


IMG_2970-1_zps7015f6b0.jpg

Một hoàng hôn rực rỡ Labuanbajo.


DSCN8844-1_zps36ae0a55.jpg

Một trưa xanh Kelimutu, với 3 chiếc hồ núi lửa với 3 màu khác nhau, tuyệt sắc.


Chia tay nhé, Bali!




Bắt đầu nhé, Xa hơn Bali!
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 1.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 1.


Nusa Tenggara là tên gọi hành chánh của một cụm rất nhiều đảo lớn nhỏ. Những đảo lớn như Lombok, Sumbawa, Flores, West Timor,… ngày tôi đi 2008 đường đất trên các đảo nhiều nơi chưa liền lạc, hay đang ngổn ngang,… di chuyển bằng ghe tàu là phương tiện chính. Trong các đảo đó, có thể nhiều người sẽ biết đến những hòn đảo Gili, nằm gần đảo lớn Lombok, cũng là cửa ngõ chính từ Java/Bali sang Nusa Tenggara. Gili cũng chỉ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Nusa Tenggara. Những điểm hấp dẫn khác như Kelimutu, Tây Timor,… và xứ rồng: Komodo & Rinca Islands.


DSCN8652-1_zps45c5da35.jpg

Padangbai một trưa nhiều nắng nhưng cũng nhiều mây nhiều gió,… làm chao đảo con thuyền nhỏ, làm chao lòng ai cũng đang bời bời…


DSCN8651-1_zps9ce97fb8.jpg

Leo lên chiếc phà, chia tay Padangbai, chia tay Bali tôi đi về những miền đất mới.


Thật lạ lùng làm sao, xứ Nam Dương có trên 17.000 đảo lớn nhỏ nhưng vì một lý do nào đó bây giờ người ta vẫn chưa rõ, loài bò sát lớn nhất trái đất, được gọi bằng cái tên mỹ miều Rồng Komodo hầu như chỉ chọn sinh sống ở 2 hòn đảo này. Non cao biển rộng sông xanh hồ biếc thì mỗi nơi một vẻ, nhưng những chú rồng Komodo trên toàn cõi địa cầu chỉ sinh sống (trong tự do, không nói đến sở thú) độc nhất ở đây. Nên, nhiều người nói, đi Indonesia mà chưa thăm thú được các chú rồng đất thì xem như chưa đi (!?). Nên tôi cũng phải đi thôi. Dự định đã đi từ chuyến trước, nhưng đếm đi đếm lại giờ giấc thấy không đủ nên đành ôm hận quay lưng. Giờ, giờ giấc thênh thang nên cứ thế thẳng tiến.


IMG_2902-1_zps565e1436.jpg

Những giờ phút trống rỗng vì không thể đọc, tập trung gì trên con phà chòng chành,… chỉ biết lên bong ngồi ngắm những con tàu đi…


IMG_2906-1_zpsc3e860de.jpg

…hay chờ chiều xuống, hoàng hôn nhạt nhòa buồn bã trên biển hoang vu xám ngày trời buồn.


Nếu túi bạn rủng rỉnh, từ Bali hay Gili, có thể đi trên những du thuyền sang trọng thẳng tiến đến Công viên quốc gia Komodo (bao gồm cả 2 đảo Komodo và Rinca) để thăm thú những chú rồng đất, với giá trung bình từ khoảng 800US$/người trở lên cho thời gian du lịch khoảng một tuần. Còn nếu túi bạn không đầy lắm hay bạn thích phiêu lưu với những con đường, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và sức lực để vượt qua những con đường dằng dặc, mấy chuyến phà lênh đênh ngày đêm,… Cứ như là Vượt muôn trùng khơi vậy.


Đường đất cụ thể sẽ là:

- Từ Kuta, Bali đi xe đến cảng Padangbai.

- Từ Padangbai đi phà sang cảng Lembar của đảo Lombok, từ đó đi xe về thành phố Mataram, thủ phủ của Lombok.

- Từ Mataram đi xe đến cảng Labuhan, đi phà sang cảng Poto Tano, bờ tây của đảo Sumbawa, đi xe từ bờ tây sang bờ đông đảo lớn, đến Bima, thành phố thủ phủ của đảo Sumbawa.

- Từ Bima đi Sape, bến cảng phía bờ đông của đảo Sumbawa.

- Từ Sape, đi phà sang cảng Labuanbajo, cửa ngõ vào đảo Flores.

- Từ Labuanbajo thuê tàu ra đảo Rinca/Komodo, xứ sở của những chú rồng.

- Quay lại Labuanbajo, đi tiếp về hướng đông, càng lúc càng xa hơn Bali.


Trong những chuyến xe nối tiếp nhau đi trên đường đó, có chuyến xe đi mất gần 12g. Trong 3 chuyến phà ngang qua các eo biển, có 2 chuyến đi mất 8-9g (cho mỗi chuyến) lênh đênh trên biển.


DSCN8680-1_zpsd2c406d7.jpg

Nhìn vệt sóng con phà, trên biển khơi thường chỉ đi thẳng, giờ sao cong, như một dấu hỏi, cho tôi, cho bước đường lang bạt của tôi...?


Nói là vài giây, gõ vỏn vẹn mươi dòng,… nhưng đi thì mất đến vài ngày, và bao nhiêu cảm xúc – nhất là khi bạn là người lữ hành đơn độc!


Đi lang bạt như vậy, gọi là Vượt muôn trùng khơi cũng không là quá đáng lắm phải không bạn!


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 2.


@ Mèo Bay, hình như vậy. Bpk không hỏi, nhưng thấy nó làm bằng chất liệu giống như xương/ngà, nhưng giá bán không phải của ngà, nên chắc là xương, vả lại Bali không có voi. Rất tinh xảo và đẹp hơn trong hình rất nhiều, tiếc là đường đi còn quá dài không thể gồng gánh theo nên đành ngậm ngùi tiếc.

---------------




He he he, bữa giờ nhảy dù đi chơi nên bỏ topic hoang vu lạnh vắng. Đền bù bằng một tấm hình về một miền đất đẹp mà rồi mai này tôi sẽ kể nhé. Có ai nhìn hình biết miền này nơi nao không ta?


IMG_4175-1_zpsb70d5808.jpg

Một trưa nắng trên sông xanh như chưa bao giờ được , nên mê muội xanh, mê đắm xanh…​

------------



Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 2.


Thực ra, tôi không cần phải vất vả như vậy, mà đi như thế này tốn tiền hơn mua vé trọn gói. Lý do là tôi muốn dừng lại nhiều nơi, biết đâu lại gặp những miền đất hay mà mình chưa biết.


Nhưng, những ngày này, đi như vậy là hơi quá phiêu lưu. Vì những ngày qua lang bạt ở đảo ngọc Bali tôn giáo chính là Hindu, tôi nào có biết, trên toàn cõi 17.000 đảo của Nam Dương chỉ trừ nơi ấy là không nhộn nhịp – vì ở những miền đất/đảo khác ngoài Bali đang là những ngày cuối của mùa chay Ramadan. Những ngày này cũng gần gần như mấy bữa nữa là 30 Tết của người Việt mình, nên mọi thứ lu xu bu, ồn ã khác thường, khi vừa Xa hơn Bali.


IMG_2901-1_zps9086c5e8.jpg

Biển xanh thẳm, giận dữ, nên chuyến phà từ Padangbai qua Lombok thường chỉ 4-5 tiếng giờ mất đến 9 tiếng.


Tôi gặp, trò chuyện cho qua giờ trên chuyến phà đằng đẵng với một thanh niên trẻ, từ Jakarta về Mataram. Bạn cũng trải qua nhiều chuyến xe tàu,… giờ cùng bềnh bồng trên chuyến phà từ Padangbai qua Lombok. Chuyến phà bình thường đi 5 tiếng buổi chiều giông gió này đi đến 9 tiếng. Làm tôi chới với. Không phải vì những con sóng mà vì đến bến cảng quá muộn không còn phương tiện công cộng về Mataram. Cũng may, nhờ nhiều chuyện, tôi gặp bạn, và hạ cánh an toàn đến Mataram.


Nơi mà tôi cảm giác như đang rơi vào hố sâu, thăm thẳm.


(tbc.)
 
Chào BKK,
Mình củng từng lê la ở Indo rồi, nhưng đọc bài của bạn như vào một vùng đất lạ, thật thú vị với khung bật cảm xúc mà bạn cảm nhận.
Khâm phục và cám ơn bạn.
Nhưng bạn ơi, bạn làm mình đau bao tử mất thôi vì quá sốt ruột với "Hồn lưu lạc..." của bạn và hầu như hằng ngày mình phải check bài của bạn thì mới đi nghủ được. Trạng thái nầy đã mấy tháng rồi đó.
Một lần nữa cám ơn và mong nhiều bài dài..dài.... của Bạn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,657
Bài viết
1,154,589
Members
190,156
Latest member
phathaioqan1
Back
Top