What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 10.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 10.


Chuyện khó khăn kế tiếp nữa là do tôi đi một mình.


Khi xông xênh xuống phố hỏi mua tour sáng mai đi thăm thú mấy chú rồng mới té ngửa khi biết rằng ở Labuanbajo không có cách làm du lịch như ở Bali, hay Thailand là tổ chức tour rồi bán vé cho khách đi theo tour đó,... Ở đây chỉ tổ chức những tour riêng cho từng nhóm khách. Nên nếu đi một mình tôi phải trả tiền cho nguyên tour đó. Mà thực ra có tour tiếc gì đâu, chỉ là cung cấp dịch vụ tàu thuyền chở khách đến đảo rồi về. Lên trên đảo phải mua vé, có HDV chuyên nghiệp của các đảo đó dẫn đi rồi nên công việc của các đại lý, công ty du lịch đó là chỉ mua mấy chiếc tàu, hoặc liên hệ với các ngư dân có tàu để chở khách đi thôi. Vậy mà cũng khó khăn, nên chắc còn lâu du lịch miệt này mới khá lên nữa.


IMG_2959_zps3dd7e7b6.jpg

Có vài khoảnh khắc tắt nắng, Labuanbajo sẫm xuống, như buồn giùm tôi!


Có thể bạn không tin nhưng buổi chiều đến tối đó tôi đã đi hết tất cả mấy chục văn phòng công ty, đại lý du lịch ở Labuanbajo hỏi thăm và để lại thông tin liên lạc để khi có du khách nào đi lẻ muốn ghép tour hoặc có đoàn nào chấp nhận cho tôi đi ké rồi chia sẻ chi phí – nhưng tất cả đều công cốc. Chi phí cho một ngày (chỉ tính tiền tàu, không tính tiền vé tham quan) đi về từ Labuanbajo đến đảo Rinca là khoảng 800k Rp (khoảng 80$). Do vậy, nếu nhóm có 2-3 người thì cứ thế chia ra, đỡ biết bao nhiêu, còn đi một mình mà ôm hết cái con tàu đó thì hơi chát, nhất là với kẻ lang bạt ăn nhờ ngủ ké như tôi.


Tất cả các văn phòng, đại lý du lịch du lịch đều lắc đầu cùi cụi. Tôi bắt đầu tính đến phương án là đến các nhà nghỉ, đến các quán ăn cho dân ba-lô tìm kiếm có nhóm nào đi để ké hoặc lưu lại thông tin ở đó, nhưng mấy việc cầu cạnh đó tôi không hảo, bữa giờ lê lết, người cũng mệt mệt, không khỏe, nên nản nản... nên thôi.


IMG_2990-2_zpsf4600517.jpg

Thôi thì đi miết chẳng có kết quả gì, kiếm chỗ ngồi ngắm hoàng hôn rồi tính tiếp.


Cho đến cuối ngày, cũng chẳng có thông tin gì khả quan hơn, tôi dẹp hết mọi chuyện qua một bên. Ghé siêu thị mua mấy chai bia Bintang lạnh tê tái xách ra khu chợ đêm tấp nập ngồi chơi đến lúc ngất ngư con tàu đi mới lết xác về ký túc xá nhà thờ.


Để mai tính!


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 11.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 11.


Labuanbajo, hay Labuhanbajo, hay Labuan Bajo là một phố biển đẹp, dù ngày trước chỉ là một làng chài nghèo xơ xác.


IMG_3224-1_zpsfae16ea4.jpg

Làng chài nghèo Labuanbajo bây giờ.


Nếu Labuanbajo nằm ở một nơi nào đó, không phải là quá gần những hòn đảo rồng, hoặc xa xa hơn nữa là những Bali, Gili,... thì có lẽ sẽ là một điểm đến rất lý thú khác của xứ vạn đảo Nam Dương này.


DSCN8717-1_zpsc0da6658.jpg

Nét duyên của những hòn đảo nhiều sắc lắm hình quanh quanh Labuanbajo.


DSCN8727-1_zps185406ca.jpg

Kim tự tháp ai làm giữa biển?


Nét duyên của nó mà những Bali, Gili không có là những con thuyền đánh cá của ngư dân chiều về bên xóm biển, dập dềnh tô nét duyên. Nét duyên của nó là một vịnh biển êm đềm, êm ru như không có con sóng nào thèm về với.


IMG_3197-1_zpsb988a583.jpg

Trời như vầy, biển tinh khôi như vầy... còn chần chờ gì nữa mà không mơ ‘tiên’!


Nét duyên của nó là vịnh nhỏ ôm quanh bởi những triền đồi thâm thấp, không cao ngút như núi già nhưng cũng đủ tạo một vòng xanh ôm lấy bờ xanh. Nét duyên của nó là cuộc sống của những làng chài hòa vào cuộc sống của khách du, nhưng vẫn không mất đi nét thô mộc. Nét duyên của nó là rất nhiều những hòn đảo hình thù đa dạng, sắc màu lạ lẫm vây quanh. Nét duyên của nó là những con đò sẽ đưa bạn về với cuộc sống Robinson nếu bạn dám đến những đảo vắng đó sống xa trần thế vài ngày.


IMG_3160-1_zpsa60e7e26.jpg

Xuống đây tắm tiên với tụi tui đi!


Nét duyên của nó là nhiều bãi rạng không xa lắm phố nhỏ, nơi những chuyến scuba-diving hay chỉ snorkeling thôi sẽ đưa bạn vào mê cung lộng lẫy của đại dương, có thể làm bạn quên lối về. Nét duyên của nó là nhiều, rất nhiều những bãi cát trắng không dài miên man, chỉ nhỏ nhắn xinh xắn, nằm rải rác đây đó ở những góc khuất của các hòn đảo nhỏ - để bạn đến mơ ‘tiên’ và quên đi cuộc đời trần...


IMG_2971-2_zpsbd204408.jpg

Hoàng hôn lộng lẫy ít thấy ở đất liền!


Và một nét duyên khó lẫn, mà ít gặp ở Bali, Gili là những hoàng hôn rực lửa đẹp lạ lùng, những hoàng hôn mà từ ngày rời xa một đất nước vạn đảo khác – The Philippines, đến giờ tôi mới gặp lại.


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 12.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 12.



Labuanbajo nằm ở cực tây đảo Flores, nằm trong tỉnh Đông Nusa Tenggara rộng lớn. Flores theo tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là hoa/flower. Phía đông nam của đảo này là đảo Timor rộng lớn, được chia làm 2 phần Đông Timor và Tây Timor. Trong đó Đông Timor đã tách ra thành quốc gia độc lập, một trong những đích chính trong hành trình Xa hơn Bali kỳ này.


Tuy tấp nập khách du lịch nhưng Labuanbajo không phải là thủ phủ của Flores. Maumere mới là thủ phủ. Thế nhưng cửa ngõ đường biển để sang Tây Timor lại nằm ở thành phố Ende. Thế nên so với các đảo khác chỉ lướt qua, khả năng lê lết ở Flores của tôi rất cao – nhưng điều này còn tùy thuộc vào giờ giấc của những chuyến tàu Pelni mà dăm bữa nửa tháng mới tạt ngang đây một lần.


DSCN8707-1_zps81bbfb68.jpg

Bình minh chưa qua những ngọn đồi, vịnh biển hồng tím mơ màng những con thuyền ngái ngủ.


Nằm gần đường xích đạo, điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt hay vì lý do lạ nào chưa biết, đảo Flores này là nơi một số loại sinh vật phát triển ngược nhau – hoặc là rất to lớn, hoặc là rất nhỏ đi. Flores là nơi người ta đã tìm ra di cốt của giống người lùn hobbit cách đây 18.000 năm về trước. Giống người lùn mà bây giờ được các nhà làm phim cho dời hộ khẩu sang tận New Zealand, làm nhân vật chính cho những siêu phẩm bom tấn Hollywood. Không chỉ thế, ở đây còn có giống voi tí hon, đã tuyệt chủng, chuột khổng lồ, vẫn tung tăng sống – sẽ là món nhậu tuyệt hảo cho dân mình, dơi sóc, dơi to như sóc vẫn bay đen kín trời chiều... Ngoài ra, điểm lôi cuốn nữa của Flores là những bộ lạc thiểu số sống trong rừng già với nhiều nét văn hóa lạ...


DSCN8710-1_zps4c4f9864.jpg

Một chiều xanh êm như mơ, chiếc thuyền kiêu hãnh soi bóng xuống biển bình yên như gương hồ.


Nên, Labuanbajo đông khách du lịch. Không chỉ vì những chú rồng đất Komodo của nhóm đảo Rinca, Komodo gần đó mà còn chính vì những điểm đến độc đáo kể trên.


IMG_2995-1_zps6e7ac9cf.jpg

Biển xanh biếc, rừng ngập mặn xanh thẳm, nên núi khô thêm vàng sắc – sự khắc nghiệt, đa dạng biển trời Labunabajo


Nên, nếu không đi thăm thú được các chú rồng Komodo, điều mà tôi đã hụt trong chuyến đi Nam Dương lần trước, chắc tôi sẽ không buồn lắm vì cũng còn nhiều việc để làm.


Nhưng, suy nghĩ làm gì nhiều, để mai tính!


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 13.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 13.


Có nhiều sinh vật, thực vật lạ,... nhưng tiếc thay, không có những chú rồng Komodo trên các đảo của Flores!


Vì những điều kiện bí ẩn nào đó, đến giờ vẫn chưa tìm ra, vẫn chỉ là những giả thuyết,... người ta vẫn không hiểu tại sao trên toàn cõi địa cầu, cũng như trên 17.000 hòn đảo lớn nhỏ của Nam Dương, những chú rồng Komodo chỉ sinh sống ở 2 đảo Komodo Island, Rinca Island, và một số rất rất ít (vài ba con) ở một số đảo quanh quanh 2 đảo đó.


IMG_3003-2.jpg

Một góc biển cạnh đảo Rinca, đẹp lộng lẫy.


Và để đi đến Komodo island, tiện nhất là từ cảng Sape của đảo Sumbawa chứ không phải bên Labuanbajo, đảo Flores này. Nhưng, có lẽ vì Sumbawa ngoài việc có cung đường đi đến Komodo Island gần nhất, không còn các điểm đến khác lý thú như bên Flores, nên du khách ít dừng chân ở đó. Lý do nữa là từ Sape đi Komodo Island gần, nhưng đi Rinca thì xa hơn, so với từ Labuanbajo. Trong khi đó, dù đảo Komodo có nhiều rồng đất hơn (nên những chú rồng có tên Komodo/hay ngược lại) nhưng do rộng hơn và địa hình phức tạp hơn nên khó thấy những chú rồng hơn. Trong khi đó ở Rinca dù số cá thể rồng đất ít hơn nhưng do đảo nhỏ, địa hình đơn giản hơn nên dễ thấy những chú rồng hơn. Có thể vì vậy, các du khách chỉ muốn ngắm rồng đất rồi về thường đi từ Labuanbajo đến Rinca. Còn những du khách thích các tour vài ba ngày, kèm theo cả các cung đường trekking, cắm trại trong rừng hoang,... thì thường chọn đến Komodo và trên đường về tạt ngang vào Rinca.


IMG_3102-1.jpg



IMG_3016-2.jpg

Chỉ cách biển xanh ngăn ngắt mấy bước, chẳng hiểu sao Rinca khô khan cằn cỗi này lại là miền đất yêu thích của những chú rồng đất Komodo.


Mà làm sao không ghé Rinca được?


Vì Rinca đẹp lắm. Biển cũng đẹp và rừng núi cũng đẹp – dù 2 cái đẹp khác ngược nhau một trời một vực.


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 14.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 14.


Sau đêm ‘hoan lạc’ rã rời ở Labuanbajo đông vui mùa hội hè, tôi thức rất sớm, nhờ tiếng chuông ngân vang, nơi gác chuông nhà thờ, rất gần,… tưởng cứ như sát bên tai. Té ra, ngủ nhờ trong nhà thờ cũng có thêm một lợi ích khác.


Trời vẫn còn rất sẫm màu, chưa xuống biển được. Biết rằng hôm nay sẽ có thể là một ngày rất dài, tôi lui cui pha một ly café thật đậm, mang ra hiên ngồi nhâm nhi với mấy cái bánh lạt và hũ bơ đậu phụng, bơ chocolate mua từ hồi bên Bali. Trong gió biển sớm mai nhè nhẹ, bên giọng ca khắc khoải của K.H da diết ‘bay đi cánh chim biển…’ nhìn biển xa Labuanbajo đang tím hồng dậy lên trong ngày mới – thấy nhẹ nhàng bình yên làm sao.


DSCN8725-1.jpg

Tinh khôi biển mai sớm. Nắng vàng đã nhuộm vàng đồng cỏ khô xa nhưng vẫn chưa đến biển, để biển xanh thẳm khắc khoải chờ.


Tôi đi thẳng xuống bến tàu. Có 2 phương án, a/ hỏi thăm tàu của người dân có đi Rinca hay không, nếu có đi theo rồi tính tiếp – vì làng và khu rừng nơi các chú rồng sinh sống rất xa nhau; b/ hỏi thăm các bạn lái tàu du lịch có cho đi ké với các du khách khác và đưa thêm tiền cho các bạn.


DSCN8726-1.jpg

Tàu của dân địa phương ra đảo Rinca. Sau này gặp một ku khoai Tây đi bụi mới biết đi tàu này chỉ mất có 40k Rp, nhưng…


Chưa kịp đến cuối cầu cảng, nơi chiều qua thấy những con tàu chở khách địa phương cập bến, chợt thấy mấy bạn trẻ đang lui cui chuẩn bị, dọn dẹp một con tàu du lịch nhỏ. Tiến tới hỏi, anh chủ tàu cho biết ‘tao thì ok, nhưng mày phải hỏi khách có chịu không chứ tụi tao không có quyền quyết định’. OK, dù sao cũng được 50% rồi. Chờ một lát, tới khoảng 7am tôi thấy có một đôi nam nữ trẻ tiến tới con tàu. Xông tới hỏi, lúc đầu 2 bạn trẻ hơi ngỡ ngàng. Nhưng khi tôi nói là sẽ chia sẻ tiền tàu ghe thì 2 bạn đồng ý. He he he, dù 2 bạn nói là ‘thôi được, không cần đâu, mày cứ đi với tụi tao’, nhưng tôi thấy rằng hình như họ cũng cần chứ không phải không cần thiệt! Thế là hạnh phúc lơn tơn lên tàu, làm ra bộ biết điều, ra ngay mũi tàu ngồi để phía sau các bạn trẻ tự nhiên hơn, chứ đã đi nhờ tàu mà còn làm kỳ đà cản mũi nữa thì tệ quá.


IMG_3014-1.jpg

Hai bạn trẻ tôi đi ké tàu đây.


Mà thực ra, nơi mũi tàu cũng là nơi có view chụp hình tốt nhất vì không bị vướng víu mái tàu, màn che,… nên tôi hân hoan dựa vào mạn tàu, thi thoảng đón đám bụi biển li ti mát lạnh, cùng lũ gió biển mơn man,… trong cái nắng mai đang nhuộm biển từ tím hồng sang xanh, xanh biếc, xanh thăm thẳm…


IMG_3129-1.jpg

Cửa ngõ vào Rinca.


Ngồi ngắm biển sáng tinh khôi, chợt nhớ chuyện long đong vất vả cả chiều qua mà vừa mắc cười vừa ngậm ngùi. Biết mọi chuyện đơn giản vầy, đâu việc gì chiều qua phải nhọc công, nhọc tâm quá trời như vậy. Thôi thì coi như cũng là kinh nghiệm! Mà kinh nghiệm thì bao giờ mới đủ đầy.


Chờ nhé, những chú rồng Komodo! Ta sắp đến rồi…..


(tbc.)
 
Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 15.

Vượt muôn trùng khơi tìm đến xứ rồng – 15.


Không là hậu duệ của họ khủng long nổi tiếng. Chẳng hơi hám tý nào với những chú rồng oai hùng bay lượn phun lửa phì phèo trong truyền thuyết của người châu Á Âu... Thế nhưng giống bò sát to đùng được gọi là Rồng Komodo của Indonesia lại có sức cuốn hút kỳ lạ với các nhà khoa học và khách ưa mạo hiểm. Tại sao tôi nói đến ‘khách ưu mạo hiểm’ – vì tôi sẽ chia sẻ với bạn một thông tin được dán ngay trước cửa văn phòng của kiểm lâm đảo Rinca. Tờ giấy mỏng manh, nhẹ tênh đó thống kê số người, không ít, đã bị tấn công bởi Rồng Komodo. Từ dân làng, du khách đến cả khách du lịch, thống kê rõ ràng thời gian nào, bao nhiêu người tử vong, bao nhiêu người thương tật bởi những con thằn lằn khổng lồ nhìn tưởng lù ** nhưng không phải vậy này.


IMG_3013-1.jpg

Biển đẹp Rinca. Vụng biển yên như ru.


Miền đất có những chú rồng đã được vinh danh là Di sản Thế giới Unesco - Công viên Quốc gia Komodo, miền Nusa Tenggara. Rinca với khoảng 1.100, Komodo với hơn 1.300 cá thể là 2 đảo chính của Công viên Quốc gia Komodo này, nơi hầu hết dòng họ nhà Komodo sinh sống. Ngoài ra, chỉ còn đâu đó 50 cá thể trên vài đảo gần gần đó.


IMG_3118-1.jpg

Văn phòng đơn sơ của một khu di tích Unesco Herritage.


Thực tế rồng Komodo thuộc loài thằn lằn, họ kỳ đà. Là loại thằn lằn to nhất, nặng nhất còn tồn tại trên Trái đất hiện nay. Sở dĩ nói vậy vì các nhà khoa học đã tìm thấy những hóa thạch của một giống thằn lằn cổ đại ở bắc Australia, có kích thước gấp 3 lần rồng Komodo bây giờ. Rồng Komodo dài khoảng 3m, cân nặng trung bình từ 150-200kg ở con trưởng thành.


IMG_3125-1.jpg

Chào đón khách ban đầu là những chú rồng xi-măng.


IMG_3046-2.jpg

Giờ là rồng thiệt. Chào sân đi chú em!


Thế nhưng kích thước to lớn chỉ là một trong những điểm kỳ bí hấp dẫn của những chú thằn lằn to xác mang tên Rồng Komodo này.


(tbc.)
 
Em chưa được đến đây đâu bác, nhưng nhìn kiến trúc và cung đường bác đi thì em đoán là ở Thái.
Nhắc đến câu chuyện đất dữ 6 năm trước thì em lại đoán Narathiwat ? Mấy lần "nhá hàng" về đất dữ mà chưa thấy kể chi tiết, lần này quay về lại, nhân tiện bác kể tiếp luôn nhé (beer)
 
Em chưa được đến đây đâu bác, nhưng nhìn kiến trúc và cung đường bác đi thì em đoán là ở Thái.
Nhắc đến câu chuyện đất dữ 6 năm trước thì em lại đoán Narathiwat ? Mấy lần "nhá hàng" về đất dữ mà chưa thấy kể chi tiết, lần này quay về lại, nhân tiện bác kể tiếp luôn nhé (beer)

Theo tôi biết thì đảo này nằm ở Indonesia,nằm ở giữa,phía tây là Bali,Lombok,còn phía đông là nước Đông Timor đã chia tách chứ không phải Thái.Tôi cũng đã "dòm ngó" nơi này từ vài năm trước...
 
"Xuống đây tắm tiên với tụi tui đi!" có tấm nào cận cảnh hơn không hả anh :D
Không chỉ thế, ở đây còn có giống voi tí hon, đã tuyệt chủng, chuột khổng lồ, vẫn tung tăng sống – sẽ là món nhậu tuyệt hảo cho dân mình, dơi sóc, dơi to như sóc vẫn bay đen kín trời chiều... .=> VN mình dám ăn lắm đó :)
 
Last edited:


@MQuyt & oldteatree, bạn nào cũng đúng hết (!?).


Bạn oldteatree nói về hòn đảo của những chú rồng Komodo, theo mạch của bài, thì đúng nó ở giữa Lombok và đảo Timor, được tách ra 2 phần, Tây Timor là một tỉnh của Indonesia, phần còn lại, Đông Timor là một quốc gia riêng biệt, vừa chào đời hơn 10 năm.


Bạn MQuyt đang nói về miền đất tôi post ở entry số #129 lâu lắc lâu lơ. Miền đất đó đúng là Thailand, nhưng không phải là Narathiwat. Đúng là nơi đó là một miền đất dữ, tang thương, nhưng không phải 6 năm trước, hay ngay cả bom đạn vẫn đang đì đùng thời gian gần đây, mà là hơn 70 năm trước lận! Hơn 300.000 người đã nằm xuống ở Kanchanaburi này trong những năm 40 thế kỷ trước. Con sông đó là Mae Nam Kwai, nơi có cây cầu nổi tiếng trong bộ phim kinh điển Cầu sông Kwai, đã làm bao nhiêu nam thanh nữ tú của Sài Gòn trước năm 1975 ngẩn ngơ mê mẩn. Có thể không biết, không tự huýt sáo được, nhưng khi nghe điệu nhạc của bài The River Kwai March được huýt sáo thì hầu như 100% người Sài Gòn lứa U70, U60 đều nhận ra. Nhiều người cho rằng điệu huýt sáo khá hay của Elvis Phương trong bài rất ‘hit’ thời bấy giờ 'Vết thù trên lưng ngựa hoang' đã lấy cảm hứng từ cách huýt sáo trong bộ phim đó.


MQuyt, về miền Narathiwat tôi hy vọng sẽ có dịp chia sẻ, cũng như tôi nhất định sẽ quay lại đó. Không biết phố có thay đổi nhiều không, nhưng có một thay đổi mà tôi khá buồn khi đọc L.P phiên bản mới về nơi đó. Đó là căn nhà trọ năm xưa tôi dừng chân giờ không còn được giới thiệu trong sách. Không biết vì nó không còn nữa hay vì nó đã xuống cấp nên người ta không giới thiệu nữa. Nhưng làm sao nó có thể xuống cấp hơn! Đó là một nhà nghỉ mà tôi khó có thể quên trong quãng đời lang bạt của mình. Không chỉ vì địa thế đẹp, khi nó có mặt hậu của tầng 1 dường như nhô ra, nằm trên dòng sông, có lan can và những chiếc ghế ngồi nhâm nhi bịa lạnh ngắm sông chiều sông đêm để gió mơn man ru,… rất hay. Mà vì nhà trọ này có nguyên tầng trệt dành cho các cô gái bán hoa, tầng trên mới dành cho khách trọ (những khách thuộc dạng tôi!). Có nhiều chuyện đã xảy ra ở đây (!?). Tôi đã nói chuyện nhiều với vài cô, những câu chuyện khá hay, dù không có hơi hướm kiểu báo Công An TP HCM hay An Ninh Thế Giới,… Nếu có dịp, nhất định tôi sẽ chia sẻ với bạn những câu chuyện rất thú vị về miền đất này.


@ binhan, hình cận cảnh chắc chắn là có chứ, nhưng không nên public ở mấy chỗ công cộng này he he he. Còn về món dơi đó à, ở Sài Gòn ngày trước có quán bán (và người gõ những dòng này, he he he) cũng đã từng ăn (không dưới vài lần) món dơi quạ, con dơi to, nặng hơn ký - giống như loại mà người ta gọi là dơi sóc trên đất Nam Dương này. Không biết bây giờ quán đó còn bán (hay còn dám bán không) vì đã rất lâu rồi không ghé quán đó nữa. Dám chơi thì bữa nào thử đi há, mà giá cũng khá chát à nha!


Tặng các bạn mấy tấm hình về miền Narathiwat và một tấm về Cầu sông Kwai trước khi quay lại hành trình với những chú rồng Komodo há!


P1240282-1.jpg

Lan can với view đẹp của căn nhà nghỉ lạ lùng ở Narathiwat ngày nào.


P1240265-1.jpg

Narathiwat vẫn xanh bình yên.


IMG_3962-1.jpg

Cầu sông Kwai một mai sớm, rất sớm trong nắng hồng.​


 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top