What's new

[Chia sẻ] Xe touring là gì ? Tại sao bạn lại cần ráp 1 chiếc touring ?

"Dân đạp touring xài đồ gì?" - ĐÈN SAU

Nhu cầu trang bị ĐÈN TRƯỚC khi đạp đêm là thật sự cần thiết để mình tránh "địch", thì cái ĐÈN SAU cũng cần...phải có để "địch" nó tránh mình :).



Đa số các bạn đạp xe mình thấy trên đường dù không trang bị đèn trước nhưng đều trang bị cho mình ít nhất là một cái đèn sau. Điều đó cũng chứng tỏ là các bạn có quan tâm đến độ an toàn khi lưu thông trên đường :) ít nhất cũng là từ phía sau. Nếu để ý thì các bạn cũng nhận thấy rằng bản thân chiếc xe đạp cũng đã có trang bị đèn (light) sau: đó là cái phản quang của cặp pedal, hay miếng phản quang được gắn sẵn trên cái baga. Trên các túi xe đạp, nón bảo hiểm và quần áo xe đạp loại tốt đều có các vạch phản quang hoặc trên một vài vỏ xe (Schwable Plus chẳng hạn) cũng có sọc phản quang trên nhằm tăng thêm tính an toàn từ mọi phía. Đo đó đèn không chỉ có nhiệm vụ chiếu sáng trước, báo hiệu sau mà còn phải báo hiệu ở cả bên hông xe. Các loại vừa kể trên gọi là sáng thụ động positive hoặc reflector. Ở bài này mình chỉ đề cập tới ánh sáng active có nghĩa là tự phát ánh sáng hay đèn có bóng, để chủ động báo hiệu cho các phương tiện lưu thông từ phía sau và bên hông là có sự hiện diện của mình cho dù các phương tiện đó có trang bị đèn hay không.



Như đã nói ở bài ĐÈN TRƯỚC, các trang bị cho dân touring đối với mình phải bền bỉ. Đèn sau cũng vậy. Chất liệu mặt đèn phải bền màu, không phai, không mờ, đèn phải chịu được thời tiết ẩm ướt, các thiết bị điện tử phải hoạt động ổn định, pin cùng loại với các thiết bị khác, thời gian pin sử dụng được lâu, đèn có góc chiếu càng rộng càng tốt. Riêng về chế độ sáng (chớp tắt flashing...) thì mình không quan tâm lắm, lý do theo mình là do tâm lý của đa số người chạy sau mà thấy phía trước có cái gì chớp chớp, tắt tắt thì...một là chói và chướng mắt hay "bất bình ra tay", hai là tò mò vít ga chạy tới coi xem nó là cái gì...Đó cũng là tại sao ở một số nước người ta không cho phép sử dụng đèn sau là đèn chớp tắt.



Không phải nói là tất cả dân touring đều sử dụng baga sau nên mình cũng chỉ đề cập tới đèn gắn trên baga. Còn đèn có diện tích mặt đèn nhỏ ví dụ như đèn nút áo thì mình coi như là đèn dự phòng trong trừờng hợp đèn chính gắn trên baga...ngủm. Với đèn này thì bạn có thể gắn ở bất cứ đâu: trên nón (dễ bị bể vỡ), móc trên túi sau áo xe đạp hay túi xe đạp (dễ bị rơi), gắn trên cốt yên (dễ bị che khuất), gắn trên chân cặp giò đạp (chói mắt các phương tiện khác)...Điều bất tiện là đèn rất dễ mất do rơi rớt dọc đường hay do "cầm nhầm" vì nó rất dễ tháo lắp. Độ sáng, bề mặt chóa, mặt bảo vệ, góc sáng cũng hạn chế và rất dễ bị che khuất.



Những cây đèn bên dưới là những cây mình đã "săm soi" rất mất thời gian trên internet và sắm được. Mỗi loại có ưu nhược điểm riêng theo nhận định cá nhân của mình tuy nhiên nó có cùng chung ưu điểm là độ sáng rõ và nhìn thấy được từ rất xa vài trăm mét.



11040171_10204616388026014_772636445416893854_n.jpg
Cái đèn thứ nhất mình sắm và cũng đã ....mất rồi không hiểu là do rơi rớt (tự an ủi) hay do cầm nhầm? là cây đèn Cateye TL560. Cây này có chế độ sáng chớp tắt flashing rất là vui mắt và mắc nhất.



11760219_10204616370625579_3265339718995703153_n.jpg
Tới cây thứ 2 là cây B+M Busch & Müller 4D. Cây này có tơi 4 bóng led đo đó nó sáng rực nhưng không chói mắt, có thể nhìn rõ từ xa hơn vài trăm mét. Hai bóng đảm nhiệm cho chiếu sau, 2 bóng cho chiếu ngang. Do thiết kế có phần lồi như một góc tư quả cầu ở giữa nên góc phát sáng của cây này lên tới hơn 220 độ. Rất an toàn. Muốn thay pin bạn phải tháo 2 ốc có kèm sẵn long đền chống tháo để tháo ra khỏi baga và sau đó tiếp tục 2 vít phía sau rất mất thời gian...bù lại nó lại làm nản lòng các "chiến sỹ hay cầm nhầm" nên rất khó mất :). Cây này có thiết kế rất chắc chắn, đẹp tinh xảo, nhìn vô là biết "bờ rồ" liền, đệm cao su chống nước rất kiên cố, các phụ kiện đi kèm rất tỉ mỉ, chăm chút. Đèn sử dụng 2 pin AAA cho duy nhất một chế độ sáng liên tục permanent trong khoàng 40 giờ. Điểm mình không thích duy nhất của cây này là nó hơi bị "sumo", cả bề ngang lẫn bề cao.



10984600_10204616370745582_3811374531833278885_n.jpg
Cây thứ 3 là cây Asklen TL70. Cây này nhìn rất đẹp vừa vặn và stylist, tuy chỉ có 2 bóng led màu đỏ được bố trí ở phần lồi nhựa trắng. Với thiết kế này cộng với chất liệu và các họa tiết của phần nhựa đỏ mặt chóa đèn có tác dụng hắt ánh sáng từ 2 đèn led nằm ở ngoài cùng vào phần mặt nhựa đỏ ở giữa và tăng góc phát sáng của cây này lên tới 220 độ. Nhìn từ khoảng hơn 200m đèn này cho một vầng sáng rất rõ nhưng dịu. Đèn sử dụng 2 pin AAA cho 2 chế độ sáng: liên tục permanent (45 giờ) và chớp tắt flashing (90 giờ). Asklen TL70 có kèm theo 2 pát: một cho gắn vào túi baga, một cho gắn thẳng vào baga. Pát gắn vào baga có rãnh trượt, rất dễ tháo đèn để thay pin và cất...vào túi. Thiết kế "tool-less design" nên bạn có thể thay pin không cần dụng cụ gì cả. Chỉ cần tháo đèn ra gỏi pát trên baga bằng tay và lẩy nhẹ nắp nhựa để thay pin. Đây là điểm không thích theo ý mình vì cứ lo lắng là khi nào thì nó ra đi không lời từ biệt như cây Cateye. (https://www.youtube.com/watch?v=MHKjAYRmsbg)



Cả 3 cây đều đạt một số chuẩn sau:

- Chống nước cấp độ 1 (hơn hẳn cấp độ tự phong "chống nước nhẹ" TCVN :): hoạt động miệt mài trong điều kiện thời tiết mưa nhẹ tới tầm tã.

- Chuẩn an toàn chiếu sáng dành cho xe đạp cấp quốc gia: Cateye xuất xứ Nhật đạt chuẩn JIS của Nhật Bản, BM xuất xứ Đức đạt ZtVZO của Đức, riêng Asklen xuất xứ Taiwan đạt cả 2 chuẩn trên...ghê chưa?
 
"Dân đạp touring xài đồ gì?" - ĐÈN TRƯỚC

Khi mới bắt đầu nhiễm bệnh touring mình cứ lăn tăn trong cái việc chọn đồ để mua. Ôi thôi đủ thứ linh tinh, lang tang, chi phí thì cộng lại có khi lại gần bằng hoặc hơn giá trị của chiếc xe mà chưa chắc sử dụng như ý. Không tin thì các bạn "tự kiểm" hoặc hỏi các bạn đạp xe xem danh sách các đồ "đã mua mà lại....dư dùng" thử coi? Mình sẽ dành thời gian khi rãnh rỗi và có hứng để bắt đầu loạt "Dân đạp touring xài đồ gì?" để trước hết giúp các bạn sắp nhiễm bệnh, mới nhiễm bệnh, hoặc nhiễm bệnh touring lâu gòai mà chưa qua cơn vật vã có thêm tham khảo để lên kế hoạch hợp lý cho việc trang trải phí "thuốc men". Thứ hai là cũng mong nhận được ý kiến của các bạn để mình cập nhật những cái mới và tự chữa bệnh của mình.



Đây là ý kiến và cảm nhận của cá nhân mình, với điều kiện sử dụng là Việt Nam, nơi sống và sinh hoạt là Xì gòn, đặc thù là cho dân đạp touring, yêu cầu mua một lần sử dụng lâu dài, độ va đập yêu cầu là cao.... nên cũng chưa chắc là hoàn toàn đúng cho tất cả. Phản hồi và ném đá xây dựng thì mình nhận, còn lên đây chửi bới hay có những lời khiếm nhã, vô văn hóa là mình unfriend nhé.





ĐÈN TRƯỚC



Theo luật giao thông quốc tế thì đèn trước tất cả các phương tiện đều phải phát ánh sáng trắng hoặc trắng ấm, ngoại trừ đèn sương mù màu vàng. Đèn sau (đèn lái) là màu đỏ. Một số nước còn quy định riêng về đèn trước và đèn sau, ví dụ ở Đức đèn sau phải là đèn sáng liên tục, không được sử dụng đèn chớp tắt hoa lá cành gây rối mắt cho các phương tiện khác như ở VN ta.
10953269_10204118976671041_3351343880338772076_o.jpg
Đã bảo là đổ đèo đêm phải có đèn cơ mà.

Do đó để tránh đến mức có thể các va chạm khi lưu thông thì các bạn nên tuân theo quy ước này. Đừng nên tỏ ra nguy hiểm gắn đèn đỏ phía trước hoặc gắn đèn pha trắng toát phía sau nếu bạn không muốn có ngày gặp ma.



11169961_10204120663793218_6379766961065175469_n.jpg
H5 vào hang săn thú



Ai đã từng đạp đêm thì mới nhận ra đèn là quan trọng tới cỡ nào. Đặc biệt những ai đã từng đổ đèo đêm thì phải khuyên rằng nếu không có đèn thì tốt nhất bạn nên dựng lều ngủ lại. Đường đèo vào đêm cực kỳ nguy hiểm ngay cả khi bạn chạy ở bên vách. Ở hướng này thường có những rãnh thoát nước dọc theo đường. Ban ngày thì nó lù lù ra đó, nhưng về đêm nó thật sự là một cái bẫy chết người. Nếu đã có đèn rồi thì cũng vẫn chưa đủ. Chất lượng và số lượng của đèn cũng quan trọng ngang tầm: ở những cung đường mà vạch kẻ phản quang tim đường, giới hạn lòng đường không có hoặc mờ cộng với độ sáng của đèn trước không đủ để bạn nhận biết bạn đang lao đi ở phần nào trên đường thì điều gì sẽ xảy ra chắc bạn cũng đoán được. Do đó đối với đèn mình khuyên các bạn không nên tiếc tiền. Đèn là phải hoạt động ổn định mỗi khi bạn cần tới nó. Không thể chấp nhận một cây đèn dù mắc hay rẻ, tới khi cần nó hoạt động thì nó lại trục trặc. Số lượng đèn cũng cực kỳ quan trọng. Khi đạp đêm đảm bảo an toàn ở những cung không đèn, đặc biệt là đổ đèo đêm, bạn cần 2 cây đèn.
11209769_10204118660303132_452244152005375808_n.jpg
Mount dùng để gắn Led Lenser B7.2 vào phuộc trước Một cây gắn cố định soi mặt đường phía trước trong khoảng cách 1-8m để kịp thời tránh các vô số chướng ngại vật như ổ gà, cành cây gãy, đá, gạch, chai nước, bãi sỏi đá cát.... Cây đèn thứ 2 thường gắn trên trán dùng để soi xa hơn để định hướng, để ra hiệu cho xe đối diện, soi 2 bên vệ đường, đặc biệt thường dùng để soi khoảng đường ở phía trước khi bạn vào cua, nơi phần đường mà cây đèn thứ nhất không soi tới được.



Đối với những ai từng lái xe máy, đặc biệt xe hơi vào lúc trời tối ở những cung đường không đèn, không có dải phân cách, vạch phân làn, tim đường, vạch kẻ giới hạn lòng đường không có hoặc mờ thì mới nhận thức ra rõ ràng hơn hết mối nguy hiểm rình rập của những xe không đèn pha hoặc đèn lái tham gia giao thông. Ở khoảng cách 10-20m ngược chiều, ở những khúc cua khuất thì khả năng va chạm cực kỳ cao. Do đó ngoài chức năng soi đường cho bản thân người lái, đèn trước trên xe đạp còn phải đóng chức năng báo hiệu cho những bác tài đi ở phía trước rằng ở phần đường bên này theo hướng ngược chiều còn có...tui...đang lưu thông trên đó nữa nha. Riêng phần đèn lái (đèn sau) mình sẽ có một bài viết riêng.



11011199_10204118333054951_3619683224026541524_n.jpg
Led Lenser H5



Tiêu chí của mình là mỗi trang bị cho chuyến touring phải đảm bảo tính đa dụng, bền bỉ, tương thích với các trang thiết bị khác, ví dụ ống bơm có thể dùng làm gậy cái bang, túi ngủ có thể dùng làm võng.... Đối với đèn xe đạp thì nó cũng phải vừa soi đường khi đạp xe và cũng phải tiện dụng trong các trường hợp khác như khi dựng lều, hạ trại, nấu cơm, nướng cá, đọc sách, ...Nó cũng phải sử dụng cùng loại pin hoặc cùng loại dây sạc, dòng sạc với các thiết bị khác, có độ sáng vượt trội, nhiều chế độ sáng để tiết kiệm pin, không sinh nhiệt, có thể hoạt động trong thời gian dài từ ít nhất 2 giờ trở lên, hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ẩm độ cao, bụi bặm, chịu được va đập, ...



Đối với đèn thì mình không có điều kiện được trải nghiệm nhiệm nhiều loại đèn vì lý do là mình đã dành rất nhiều thời gian để google tìm hiểu các loại đèn với tiêu chí ở trên trước khi mua. Trọng tâm vào đèn có bán ở thị trường VN, chính hãng và có bảo hành càng tốt. Ngay sau lần mua đâu mình đã nghiêm túc rút kinh nghiệm ngay cho lần mua thứ hai. Do đó bài viết này không phải lả so sánh review gì cả mà chỉ nêu bật các tính năng của cây đèn mình đã chọn và nêu rõ là nó đáp ứng ra sao với các tiêu chí của mình.



Cây đèn đầu tiên của mình là cây đèn Cree Q5. Bỏ ra khoảng hơn 200,000 thời điểm lúc đỏ mình đã có được một cây đèn đẹp long lanh, test thử độ sáng nó sáng quắc tới điếng người. Ở ngay lần xung trận đầu tiên của nó là cung Tây Bắc thì nó...không hoạt động ổn định. Cứ tưng lắc một phát là nó tắt ngúm. Giận người thì năm mà giận mình thì mười. Cũng may là mình có mang theo cây đèn đeo trán nên cũng đủ tự tin tiếp tục hành trình dù bây giờ nghĩ lại thật là liều. Lúc đó có lúc mình lao dốc trong đêm tối với vận tốc hơn 40km/h vài lần trong tích tắc mất định hướng nhất là những lần vào cua.



11178308_10204118335895022_3946585764485633417_n.jpg
Đèn led đỏ phía sau hộp pin của H5 thiết kế như một đèn lái



Để đáp ứng các tiêu chí đề ra thì mình loại ngay từ vòng gởi xe các loại đèn dành cho đùm dynamo vì thiếu tính đa năng. Các đèn sử dụng pin sạc với bộ sạc đặc thù cũng không được quan tâm vì đi touring có thể có 2 ngày liên tục bạn không tìm được chỗ nào để sạc pin ngoại trừ bạn mang theo 2 bộ pin đã sạc đầy. Nếu chiều theo tiêu chí này có khi bạn có một túi toàn là pin đặc chủng của các thiết bị.



Cây đèn đeo trán mua cùng đợt với cây đèn "xí cùn" Cree ở lần đầu là cây Led Lenser H5. Lý do mình mua H5 là vì nó đáp ứng tối thiểu những yêu cầu mình cần: độ sáng tuy chỉ 25 lumen nhưng độ soi xa tới gần 70m và đặc biệt thời lượng pin tới 20 giờ liên tục. Chóa đèn có thể chỉnh gật gù và zoom in/out. Pin gồm 3 viên AAA thông dụng chứa trong hộp cao su chống nước được bố trí phía sau và có thêm một đèn led đỏ coi như thêm một đèn lái an toàn. Lý do thứ 2 và thứ 3 là Led Lenser H5 được bảo hành tới tận 5 năm và nó được giảm giá ở thời điểm mình mua :). Cây đèn này thật ra là cây đèn minh thích nhất về sự hữu dụng. Nó xuất hiện hầu hết ở mọi hoạt động cần ánh sáng của mình khi đi touring và ngay ở khi ở nhà ví dụ như lấy ráy tai cho ông chú làm ở Viettel, hay chui xuống gầm tra nhớt cho sên xe hơi...



Cây đèn thứ 3 cũng là Led Lenser. Led Lenser B7.2 này được kèm bộ gá dành cho xe đạp nên có thể gá vào xe làm đèn pha hoặc tháo nhanh để làm đèn cầm tay.
11173414_10204120664473235_1437923757234291348_n.jpg
Thổi lửa nấu cơm Đèn này có đặc điểm là có 2 chế độ sáng 40 và 250 lumen với độ chiếu xa và thời gian sử dụng pin (bộ 4 viên AAA cùng loại với H5 đã có) lần lượt là 110m - 50 giờ và 220m - 4 giờ liên tục.
11193243_10204118332134928_8894989759271533700_n.jpg
Led Lenser B7.2 kèm đồ gá cho xe đạp Chóa có chức năng zoom in và out. B7.2 có thiết kế phần tản nhiệt nên dù có mở liên tục ở độ sáng cao nhất bạn vẫn không thấy nóng khi chạm vào phần thân hoặc chóa đèn. Cũng như cây H5 cây B7.2 này cũng được bảo hành tới 5 năm.



Cả 2 cây đều đạt chuẩn IPX4 có khả năng làm việc ở môi trường ẩm độ cao. Qua thực tế sử dụng của mình thì cả 2 cây đều làm việc tốt trong các trận mưa dầm dề đến cả hơn 2 giờ.



Nếu cầm tận tay 2 cây đèn này bạn cũng có thể hiểu tại sao nó được bảo hành tới 5 năm. Vật liệu tốt, các chi tiết của đèn được gia công tỉ mỉ và đẹp sắc sảo không chê vào đâu được, tạo một cảm giác rất là yên tâm.
 
"Dân đạp touring xài đồ gì?" - BÌNH NƯỚC

BÌNH NƯỚC



11049539_10204115216217032_8675024685873088059_n.jpg
Bình Camelbak Podium ChillCái này nói mới qua cửa miệng chắc nhiều người phì cười, cái bình nước..xin lỗi...có cái gì to tát đâu mà vẽ chuyện "zì viu" này nọ, vớ vẩn, rách việc... Ấy chớ mà khinh thường. Đi touring ngắn ngày hoặc loanh quanh trên các đường quốc lộ nơi có đầy hàng quán thì không thấy mấy quan trọng. Nhưng nếu khi bệnh bắt đầu trở nặng thì dân touring hay đi dài ngày, vào đường vắng, chốn không người... nơi mà mọi hỏng hóc phải được lập trình trước giảm tối thiểu về zero càng tốt thì bình nước là một trong những thứ không kém quan trọng. Mình cũng sử dụng nhiều loại, quan sát, tham khảo các loại bình mà các bạn trong và ngoài nước sử dụng thì mình thấy Camelbak Chill là một trong những loại bình thích hợp hơn cả cho dân touring và đó cũng là lý do nó được nhiều người ngay cả dân road sử dụng.



Tại sao lại là Camelbak Chill?



1. Chất liệu và công nghệ

- Được làm bằng vật liệu có tên dài loằn ngoằn "100% BPA-Free TruTaste polypropylene with HydroGuard". Mặc dù sản phẩm từ BPA (BPA - Bisphenol-A là hợp chất dùng sản xuất polycarbonate) như các bình nước, các chén dĩa...đã được FDA công nhận là đã an toàn với thực phẩm nhưng độ an toàn của các sản phẩm từ BPA vẫn còn đang tranh cãi và nghiên cứu. Camelbak tung sản phẩm của mình đạt chuẩn BPA-free tuyệt đối an toàn với thưc phẩm.
10429850_10204150180851126_5849143679715288164_n.jpg
Bạn có thể tìm dấu an toàn BPA-free trên hầu hết các sản phẩm chứa thực phẩm cho trẻ sơ sinh ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ ví dụ như bình sữa. Sản phẩm đạt BPA-free của Camelbak được chế tạo từ copolyester polymer có tên gọi thương mại Tritan® có đặc tính cơ lý tương tự như polycarbonate. Camelbak Chill còn được tích hợp Hydroguard, hợp chất chống vi khuẩn biến đổi màu, mùi và làm tăng độ bền của vật liệu qua thời gian . Bỏ qua những ngôn từ và nghiên cứu khoa học bên trên thì cảm nhận của riêng mình là thân bình Camelbak Chill rất mềm, mềm nhất so với tất cả các loại bình mình từng dùng. Khi bóp không cần tốn nhiều lực. Điều này rất quan trong khi bạn đã thấm mệt mà chỉ muốn tập trung lực vô guồng chân thay vì phải 1, 2, 3 bóp..và bóp. Hơn nữa nếu sử dụng gọng bình kim loại thì thân bình mềm là một điểm cộng, rất dễ lấy và đẩy bình vào nhẹ nhàng. Nếu không thì loay hoay, lúi cúi đẩy bình có khi lấn lane....phải rồi húc vô gốc cây lúc nào không hay.



- Tuy thân bình mềm nhưng nó lại rất khó trầy và bền bỉ. Qua thực tế sử dụng của bản thân và các bạn đồng hành thì rất khó phân biệt bình nào mới bình nào cũ khi trộn chung các bình có thời gian sử dụng khác nhau đến vài năm với nhau. Chỉ cần lau chùi kỹ bằng xà bông là nó lại mới y như ngày đầu rộn ràng :).



- Có 2 lớp được cách nhiệt có tác dụng thực tế rõ rệt. Tuy không giữ nhiệt được lâu như các bình chuyên dụng ví dụ Zojirushi nhưng chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài bình luôn luôn trong khoảng 2-3 độ. Thoáng nhìn thì thật là không khác biệt mấy nhưng nếu phải uống một ngụm nước luôn đảm bảo lạnh hơn 2-3 độ so với nhiệt độ thân bình khi đang lang thang ngoài trời nắng nóng thì cảm giác sẽ là rất khác. Riêng về lớp thiết kế thân bình và lớp cách nhiệt này cũng rất đáng nói: tuy nó là 2 lớp nhưng khi cầm bình trong tay bạn cảm giác nó chỉ là một lớp. Khi bóp không có tiếng xoạt xoạt do lớp cách nhiệt chạm vào lớp thân bình như phần lớn các bình cách nhiệt khác trên thị trường VN mà mình đã từng sử dụng.



- Chất liệu bình cũng đạt chuẩn TruTaste nghĩa là "không mùi" và "vị thật", bạn có thể cảm nhận ngay điều này ngay trong lần sử dụng đầu tiên. Nếu chứa nước là Coca-Cola thì khi uống chắc 100% là Camelbak Chill sẽ cho ra nước Coca mùi Cola chứ không phải Coca mùi....plastic. Đối với các bình có chất liệu rẻ tiền hơn hoặc chưa đạt chuẩn TruTaste thì bạn phải làm công đoạn tẩy mùi rất mất thời gian mà lại chưa chắc an toàn cho sức khỏe.



2. Thiết kế

- Thân bình thiết kế rất ergonomic, rất khó diễn tả bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận khi bạn cầm nó trong tay. Nói nôm na là khi cầm nó trong tay nó cho cảm giác rất vừa tay bất kể bàn tay của bạn nhỏ hay lớn, bạn là nam hay nữ. Nó không mềm ẻo lả trơn tuột như bong bóng nước nhưng nó cũng không cứng như bình nhựa khác...nó cứ...ứ ừ thê nào ấy :).



11150856_10204115224937250_5661483611269425763_n.jpg
- Nắp bình với thiết kế vặn chắc chắn, khóa đóng mở kiểu gạt, nhẹ nhàng dễ thao tác bằng một tay. Với khóa này bạn có thể yên tâm hoàn toàn là bỉnh không bị rỉ nước khi bỏ vào túi ví dụ túi đựng quần áo.



- Vòi thiết kế với van chống tràn JetValve™ với ống dẫn chìm có thể tháo lắp dễ dàng khi vệ sinh bình
11203043_10204115217097054_6814245404221879617_n.jpg
. JetValve™ đảm bảo ngay cả khi van đóng mở của bình đang ở vị trí mở thì nước trong bình vẫn không chảy ra nếu trút ngược vòi xuống đất. JetValve™ chỉ cho nước đi qua khi có lực bóp vào thân bình. Chỉ khi tới một áp suất nhất định thì tia nước sẽ phun mạnh thành vòi ngay lập tức giải tỏa cơn khát. Các bình với thiết kế vòi nổi bạn phải dùng răng cắn và kéo mở nắp vòi, sau đó bạn phải vừa hút vừa bóp hoặc bóp với một lực mạnh hơn. Với kiểu thiết kế vòi nổi thì tia nước đi ra yếu hơn và không ổn định theo hướng. Lắm lúc nó xịt lên vòm họng sặc xị cả lên ngay cả khi đă đưa vòi vào hẳn trong miệng. Tưởng tượng lúc đang thiếu oxy cho chuyến tiêu cục đưa 30kg hàng thồ lên con dốc dài miên man mà phải hút hút và sặc sặc thì có khi ngất xỉu như chơi.

11174307_10204115217337060_1597541412178083163_o.jpg




- Có dung tích lớn 21oz-610ml và 25oz-750ml thích hợp với những chuyến đi xa.



- Nhìn rất "bờ rồ", hoa văn và màu sắc long lanh nhưng trang nhã rất phong cách và đẳng cấp.



3. Giá cả: Hợp lý. Với chưa tới 400,000 ở thời điểm viết bài này thì bạn đã có trong tay một bình Camelbak Polidum Chill 21oz-610ml.



Điều duy nhất theo ý kiến cá nhân mình là bình không có nắp chặn bụi nên nếu đi vào đường nhiều bụi như đường đất đỏ thì ít nhất bạn phải hy sinh một lượng nước trong lần bóp đầu mặc dù thiết kế ống chìm đã hạn chế được một lượng đáng kể bụi bám vào.



11015477_10204115216617042_6054756442678956184_n.jpg
Bao cầm tay Camelbak cho dân điền kinhCalmelbak còn có riêng túi để cho dành cho dân điền kinh, rất hữu ích và tiết kiệm phí đầu tư 2 trong 1 khi bạn muốn dùng Camelbak lẫn cho điền kinh và xe đạp hoặc khi bị ...."gấu" bắt đổi môn :-
 
Góp ý tí về bộ đồ nghề đem theo : thực ra đi tour ít khi phải sửa xe, chủ yếu hay phải ra tay nhất là lủng bánh và đứt sên, thỉnh thoảng thì bị rớt 1 vài con ốc @@ thế nên cần thiết nhất là bộ đồ vá xe + săm dự phòng, master link và cái cảo sên, vài con ốc dự phòng.
- Bơm nên mua loại tốt, có để chống xuống đất bơm, vậy mới nhanh và đủ áp suất. Đã từng gặp mấy bác loay hoay cả 30p bơm chưa xong cái bánh xe do xài bơm tay quá mini ( thảm nhất là mấy bác đi road do cần bơm bánh áp suất cao mà xài bơm tay nhỏ )
- Bộ tool mini ko cần mua, nên mua cái bộ lục giác rời bán ở tiệm đồ sắt về lựa ra mấy cỡ cần thiết đem theo, giá rẻ mà hữu dụng hơn khi cần sửa chữa lớn. Riêng cái cảo sên mua loại tốt nhất có thể ( mình đã từng bể tour do hư cái cảo sên trong bộ tool mini )
- Ngoài ra nhét thêm 1-2 cọng ruột dây đề + dây thắng dự phòng ( nếu xài thắng đĩa cơ hoặc thắng V), bố thắng dự phòng ( cái này phải có, đi đường đổ đèo hoặc mưa gió, 1 ngày là có thể nát cặp bố thắng )
 
Góp ý tí về bộ đồ nghề đem theo : thực ra đi tour ít khi phải sửa xe, chủ yếu hay phải ra tay nhất là lủng bánh và đứt sên, thỉnh thoảng thì bị rớt 1 vài con ốc @@ thế nên cần thiết nhất là bộ đồ vá xe + săm dự phòng, master link và cái cảo sên, vài con ốc dự phòng.
- Bơm nên mua loại tốt, có để chống xuống đất bơm, vậy mới nhanh và đủ áp suất. Đã từng gặp mấy bác loay hoay cả 30p bơm chưa xong cái bánh xe do xài bơm tay quá mini ( thảm nhất là mấy bác đi road do cần bơm bánh áp suất cao mà xài bơm tay nhỏ )
- Bộ tool mini ko cần mua, nên mua cái bộ lục giác rời bán ở tiệm đồ sắt về lựa ra mấy cỡ cần thiết đem theo, giá rẻ mà hữu dụng hơn khi cần sửa chữa lớn. Riêng cái cảo sên mua loại tốt nhất có thể ( mình đã từng bể tour do hư cái cảo sên trong bộ tool mini )
- Ngoài ra nhét thêm 1-2 cọng ruột dây đề + dây thắng dự phòng ( nếu xài thắng đĩa cơ hoặc thắng V), bố thắng dự phòng ( cái này phải có, đi đường đổ đèo hoặc mưa gió, 1 ngày là có thể nát cặp bố thắng )

ah đúng rồi em quên mất cặp bố thắng, cũng rất quan trọng
 
Top 100 chiếc xe touring tốt nhất

Ở VN thì dòng xe touring còn khá khiêm tốn, chỉ có vài loại bao gồm :

- Dòng giá rẻ : hiện nay mình thấy Windspeed là 1 lựa chọn tốt, giá sườn tầm trên dưới 3triệu, đầu tư khoảng 10- 13 triệu bạn đã có thể có dc 1 chiếc touring ngon

DSC08984 by Nam Nguyen, on Flickr
chiếc WS của mình, sườn CR9, full group deore, bánh mavic đùm novatec, vỏ swachble big apple, baga WS, giá tầm 13tr5

Ngoài ra bạn cũng có thể mua xe hàng bãi nhật, nhưng xe bãi giờ nói thật là rất khó tìm hàng ngon, và giá cũng ko hề rẻ . Nhìu chiếc tính ra còn đắt hơn cả mua mới

- Dòng trung cấp thì có Darkrock ( cũng của WS ), LKHM vvv... giá sườn tầm 6-7 triệu, nhưng nếu là mình thì 1 là mình sẽ ráp WS chạy đỡ, bán lại đỡ lỗ, và có tiền thì lên surly luôn chứ ko chơi lỡ cỡ. Bữa cái sườn WS mình chạy dc 1 tháng hơn, bán lại lỗ 1triệu .

- Dòng cao cấp thì hiện nay gần như chỉ có Surly, giá giao động từ 12 - 15triệu/ sườn, ráp nguyên chiếc bèo bèo phải tầm 30tr trở lên .

Và nếu đã mua xe touring, mình khuyên bạn nên chọn xe ráp, đừng chọn xe nguyên chiếc. Touring nó khác những dòng xe khác vì bạn sẽ đạp nó ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng ... nên nó phải thật sự hợp với bạn. Mua 1 chiếc touring cũng giống như lấy vợ vậy, ko phải vui chơi wa đường đâu nhé .

Và bạn cũng nên xác định mục đích của bạn khi ráp 1 chiếc touring : - đi loanh quanh trong thành phố ? Đi xa 1 - 2 ngày cuối tuần ? Hay là dạt nhà đi bụi vài tháng ? Bạn chỉ đi những cung đường đẹp hay dự tính sẽ offroad, trèo đèo lộu suối ?

Dĩ nhiên ko có 1 chiếc touring nào là hoàn hảo, nhưng với mình thì mình chọn ráp 1 chiếc touring đa dụng nhất có thể : Đạp lòng vòng đi giao hàng trong tp cũng okie, đi bụi vài ngày cũng dc, offroad cũng chơi luôn

DSC00396 by Nam Nguyen, on Flickr

chiếc Motobecane mình đang đi đáp ứng tốt dc yêu cầu của mình .

thật sự là mình chưa đi 1 chiếc touring đúng nghĩa nào, mình đã mua và ráp tổng cộng 4 chiếc xe thì tất cả đều là MTB chứ ko phải touring. Thật ra MTB vẫn đi tour tốt nếu bạn build nó về hướng touring ( chỉ có yêu cầu là xe đừng có phuộc nhún và gắn dc baga, nhưng ko gắn dc baga thì vẫn chế tốt như con Moto của mình )

Lan man hơi dài, tập trung vào chủ đề chính của bài này : 100 chiếc xe touring tốt nhất. Như đã nói ở trên, khoai lang chỉ có vài loại xe touring, nhưng với khoai tây thì touring bao la bát ngát. Hôm nay mình xin lược dịch bài :Top 100 Touring Bicycles – The Best Touring Bikes" - nguồn : http://bicycletouringpro.com, vừa để chia sẻ với các bạn, vừa để bổ sung kiến thức cho mình luôn .
 
bianchi-volpe.jpg

1.Bianchi Volpe
Bianchi Volpe sở hữu 1 bộ khung sườn và phuộc thép êm ái và nhiều phụ kiện kèm theo với chất lượng chế tạo tốt, giá cả phải chăng. Chiếc xe này có thể đáp ứng tốt từ đi loăng quăng mỗi ngày cho đến những cung đường khó xơi .
Bianchi là 1 thương hiệu xe của Ý, đã có 125 năm tuổi. Ở VN thì thấy khá nhiều anh em đi road Bianchi, MTB cũng có .

brodie-elan.jpg

2.Brodie Elan
Cao tốc Pacific Coast 101, từ Hồ Garda tới Hồ Como, Cabot Trail hay Tour D’Afrique, chỉ việc nhảy lên xe, nhấn pedan và để con chym, àh lộn, con tim bạn dẫn đường. Với vẻ đẹp cổ điễn, 1 chiếc Brodie là chiếc xe đầu tiên của bạn và cũng có thể là chiếc xe cuối cùng của bạn ( ý là ăn ở trọn đời bên nhau á - ko biết dịch sao cho đúng ý, đi học điểm văn toàn 5-6đ mong các bác thông cảm )


brodie-romulus.jpg

3.Brodie Rombulus
Sỡ hữu bộ group Shimano STi , giò dĩa 3 dĩa giúp bạn thoải mái điều chỉnh tốc độ, bộ khung thép cromoly vững chắc tha hồ tải đồ. Hàng ngon giá thơm .



bruce-gorden-blt.jpg

4.Bruce Gordon Cycles BLT-X4.
Được design để trở thành 1 chiếc xe thồ hàng đúng nghĩa, với bộ khung sườn dc thiết kế vững chắc và ổn định. Bánh 26" đa năng có thể vừa đi đường trường vừa offroad ngon .

cannondale-touring-bicycle.jpg

5.Cannondale Touring5.
Cannondale sản xuất chiếc touring đầu tiên của hãng vào năm 1983, kể từ đó touring bike của Cannondale luôn phát triển, nó có mặt từ chợ Kra-chi cho đến tiệm tạp hóa ở Kalispell ( dù chả thấy chiếc nào ở VN ).
Bổ sung : Cannondale là 1 hãng xe đạp của US, thành lập từ năm 1971. Mình là fan boy của Cannondale, 4 chiếc xe của mình thì 2 chiếc là của Cannondale rồi : Trail 5 và Rize 3 .







 
co-motion-americano-touring-bicycle.jpg

6. Co-Motion Americano
Co-Motion Americano đã đặt ra những chuẩn mực mà 1 chiếc touring phải có :có thể di chuyển xuyên lục địa mà chả gặp sự cố gì .Nó được thiết kế để có thể tăng tối đa tải trọng mà vẫn đảm bảo độ ổn định và an toàn mà " ko 1 chiếc xe nào khác có thễ so sánh dc " - theo Co-motion chém gió, mà chắc thiệt, ước ao của dân touring là 1 chiếc Co-Motion mà. Mình biết 1 ông sẵn sàng bán thân để có dc 1 chiếc Co-Motion, chỉ có điều thân ổng bán ko ai mua thôi .

Bổ Sung : Co-Motion là 1 hãng xe handmade của US, thành lập vào năm 1988, 1 nhóm bạn chơi xe touring bắt đầu từ những chiếc xe làm cho bản thân, sau đó làm cho bạn bè, dc bà con ủng hộ nhiệt liệt, họ đã thành lập Co-Motion với slogan :
"American Made, Oregon Made, Handmade " . Co-Motion dc làm thủ công và dc thiết kế dựa vào góp ý của dân touring khắp nơi trên thế giới, giúp nó hiện nay trở thành 1 trong những chiếc touring đáng ao ước nhất và giá cũng trên núi nhất trên thế giới


co-motion-nor-wester.jpg

7. Co-Motion Nor’Wester Tour
Nếu bạn chỉ cần 1 chiếc xe nhẹ nhàng, ko cần đến khả năng siêu thồ hàng như Americano hay Pangea thì Nor’Wester Tour thì chiếc xe tốt nhất mà tiền có thể mua dc. Nor’Wester Tour thích hợp cho những chuyến đi thong dong và ngắm cảnh .

co-motion-pangea-touring-bicycle.jpg

8. Co-Motion Pangea
" Thật ko thể tin dc, thật là tuyệt vời " - Đó là Pangea , 1 chiếc xe tuyệt vời để vòng quanh thế giới. Pangea có tất cả những gì cho 1 chuyến đi tour thử thách và khắc nghiệt. Pangea dc thiết kế ổn định, vững chắc với tất cả những đặc điểm đã khiến Co-Motion trở nên nổi tiếng .
 
Last edited:
Có một vấn đề nhỏ mình cần hỏi, khi đạp xe bàn chân các bạn đặt lên pedal như thế nào? sử dụng mũi chân hay lòng bàn chân? Hiện mình đạp chủ yếu bằng phần mũi chân, thấy có lực hơn tuy nhiên khi đạp bằng phần lòng bàn chân thấy thoải mái hơn.
 
Có một vấn đề nhỏ mình cần hỏi, khi đạp xe bàn chân các bạn đặt lên pedal như thế nào? sử dụng mũi chân hay lòng bàn chân? Hiện mình đạp chủ yếu bằng phần mũi chân, thấy có lực hơn tuy nhiên khi đạp bằng phần lòng bàn chân thấy thoải mái hơn.

mình đạm bằng mũi, vì mình đi giày can, tất cả giày can đều thiết kế để đạp xe bằng mũi, và đó cũng là tư thế đạp đúng
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,435
Bài viết
1,147,290
Members
193,503
Latest member
giacay0989588749
Back
Top