What's new

[Chia sẻ] Đường xa vạn dặm

homeless man

Phượt gia
Lời mở đầu:

Đã lâu chẳng mở thêm topic nào dù hầu như ngày nào cũng vào phượt lướt tiêu đề và thỉnh thoảng mới đọc một bài khi nhìn thấy nick quen, và hiếm khi có bài trao đổi. Các bác có thể hỏi tại sao thế? Không đi phượt nữa ư? Hay Hết yêu phượt rồi chăng? Không, tôi xin nói ngay, tôi vẫn còn yêu Phượt lắm, vẫn đi đều khi có cơ hội và lịch phượt đã kín đến hết năm 2011. Vậy sao không viết bài chia sẻ nữa? Nói thật là tôi rất muốn viết, muốn kể về những khám phá, những trải nghiệm và cảm nhận của mình với các mem cũ và mới nhưng tự nhiên cụt hết cả hứng. Cứ loay hoay chả biết nên bắt đầu bằng chuyến đi nào trước và cách viết như thế nào cho hay, thể hiện như nào cho mới, cho hấp dẫn. Vậy nên cứ đắn đo lần lữa mãi thành ra không viết nữa.

Đến giờ, cũng chưa tìm ra cách thể hiện nào mới, nhưng ngày càng thấy nhiều anh em quen biết không tiếp tục chơi và viết trên diễn đàn nữa, thành ra tôi rất muốn viết tiếp về các chuyến đi của mình để nếu các bác có quay lại diễn đàn thì vẫn thấy có một người quen cũ đang cọc cạch viết bài. Và hơn nữa, viết đại đi sao mà phải xoắn:))(NT)?

--------------------------------------------------------------------


Đường xa vạn dặm là câu chuyện kể về các chuyến độc hành của một tên ham rong chơi, ưa mạo hiểm, thích đến những nơi ít người đến hoặc chưa ai đến thì càng tốt. Hắn rất thích lọ mọ đêm hôm khuya khoắt để thử cảm giác cô đơn khi độc hành. Mà thực sự có phải là độc hành? Đúng ra hắn đi một mình, nghĩa là hắn không đi với ai nhưng thực ra theo nghĩa rộng, hắn đâu có độc hành. Hắn đi với một mớ nhạc Trịnh ngân nga trong đầu, lẩm bẩm trong miệng và chẳng hiểu sao cứ đến những đoạn trường hay hoàn cảnh éo le thì lại vận vào như in. Hắn đi với một mớ hổ lốn các kinh nghiệm cóp nhặt làm thế nào để sống, để tồn tại. Hắn đi với niềm tin hắn là người duy nhất đã từng trải nghiệm trên những con đường khó khăn này. Hắn đi với niềm tin khủng hắn sẽ thu thập được nhiều thứ để viết, để kể, để khoe, để làm hàng với đạo hữu...

Và cuối cùng hắn được gì, thấy gì? Đó là lần bị bắt trên Tây Côn Lĩnh và thấy cái mạng hắn sao mà rẻ, các thứ giấy tờ hắn có chỉ là thứ giấy lộn chả ai tin. Đó là những lần thót tim khi bì bõm trong mưa ướt, nửa đêm một mình một ngựa lần mò trở về nơi tập kết từ cửa khẩu Na Mèo. Chỉ một bụi cây rung lắc hay cánh áo mưa phần phật theo gió phát ra tiếng động cũng làm người gan lì nhất phải giật mình kinh sợ. Là lần hắn lang thang ở Rizal Park-Manila mà chỉ mấy ngày sau ở nơi đó, 8 khách du lịch bị bắn chết sau vụ bắt cóc và giải cứu con tin đẫm máu. Hay đơn giản là thưởng thức mấy bắp ngô nếp trên một con đèo nào đó trên con đường thiên lý mua dây buộc mình. Hay lần hắn bị cả tảng đá to tướng rơi trước mũi xe mà chỉ có may mắn, trời thương khiến hắn đi chậm lại vài giây mới thoát. Chứ mà không, phải rất lâu mới có người biết sự vụ xảy ra trên hẻm núi vắng vẻ này...
 
Có chuyến đi bắt đầu từ Hà Nội, có chuyến đi bắt đầu từ Thanh Hóa nhưng với hắn, chuyến độc hành đầu tiên lại bắt đầu từ Bắc Kạn.

Xuất phát từ Chợ Đồn vào một sáng mây vần vũ với dự báo trời có mưa. Kế hoạch đã lên sao có thể bỏ vì trời mưa cơ chứ. Vậy cần chuẩn bị kỹ một chút là có thể lên đường. Đoạn đầu vẫn là cung đường quen thuộc từ Bằng Lũng vào đến Bản Cậu. Bác nào muốn tham khảo chi tiết có thể tìm trong topic Forester bạn là ai nên hắn không viết lại. Sau, cung đường này cũng đã có nhiều bác đi.


IMG_0853.jpg


Cây cầu nhỏ bắc qua suối ở Bản Đồn. Nơi đây thuộc khu vực cấm. Nếu chụp ảnh mà bị phát hiện là lôi thôi to.



IMG_0854.jpg


Dòng suối phẳng lặng này vốn được hình thành từ con đập chắn ngang lấy nước phục vụ tưới tiêu.


IMG_0865.jpg


Chú ngựa sắt cùng hắn lê lết khắp nơi.

 
Khi phượt một mình, ngoài những khi hỏi đường hay tìm hiểu thông tin từ người địa phương về các địa danh thì phần lớn thời gian phượt, hắn tự nhiên bị hoàn cảnh biến mình thành người câm. Ở những nơi đi qua có phố, có người, câm cũng chả sao vì ít nhiều hắn vẫn tìm được một mối liên hệ với cộng đồng xung quanh. Nhưng ở những nơi đèo heo hút gió, vắng lặng âm u kinh người thì hắn không muốn mình là một tên câm. Như thế càng thêm cô quạnh. Vậy phải làm sao? Lại lẩm bẩm một bài nhạc Trịnh. Hắn không biết các Phượt thủ khác như nào chứ với hắn, nhạc Trịnh rất hợp, cực hợp với những kẻ lang thang độc hành. Nhạc Trịnh thường buồn và đầy thân phận, triết lý thâm sâu nhưng phiêu bồng khiến người mê nhạc phải nhẩn nha suy nghĩ. Có những khi hắn lẩm bẩm một mình lời một bài hát, có khi hát váng lên để tự trấn an mình. Ngoài ra độc hành cũng là cơ hội lớn để độc thoại...


IMG_0859.jpg



IMG_0860.jpg


Cánh đồng lúa tại thôn Yên Thượng-Chợ Đồn. Dù ở miền núi, đôi khi cũng có những cánh đồng lúa khá lớn.​

Ở miền núi, độ dốc cao nên rất nhiều suối to, suối nhỏ. Có suối có nước chảy quanh năm nhưng có suối chỉ có nước trong mùa mưa hay chỉ có trong vài ngày mùa lũ. Do qua lại vùng này nhiều năm hắn biết khá rõ đường đi lối lại vùng này, cho đến tận Bản Cậu-xã Yên Thịnh. Tuy nhiên đi quá Bản Cậu thì đây là lần đầu vì hắn thường rẽ đi Bản Thi trước.


IMG_0866.jpg



IMG_0867.jpg


Cầu Bản Cậu bên đường 255 (Ở một số bản đồ khác nó có thể được đánh số là 253)
 
Tại sao lại là Đường xa vạn dặm mà không phải là một cái tên khác. Hắn thử nhẩm lại quãng đường mà hắn đã độc hành xem nó dài cỡ bao xa. Hóa ra nó xa thật, xa về đường đất, xa về không gian và thời gian và quan trọng hơn trên những nẻo đường phiêu du, diệu vợi hắn đã trải nghiệm biết bao tình huống vui, buồn, khám phá và hiểu biết thêm bao nét văn hóa, miền đất, con người mới. Và đó là lý do quan trọng khiến con đường vạn dặm ngày một dài thêm.


...Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về...



IMG_0868.jpg



IMG_0869.jpg

Suối bản Cậu, nơi con đường sắt trở quặng đã từng đi bên cạnh​


Lần mò lâu ở vùng này hắn biết, bản Cậu là một địa danh khá nổi tiếng trong việc trung chuyển quặng chì kẽm của người Pháp từ đầu thế kỷ trước. Hắn đã có dịp kể kỹ về điều này trên diễn đàn nhưng ở đoạn này cũng nên dừng lại chút để chia sẻ thêm thông chút thông tin mà hắn biết. Trước kia, bản Cậu có hai con đường: Con đường mòn qua đèo Kéo Mác sẽ tiếp tục kể sau đây và con đường sắt trở quặng bằng đầu máy hơi nước.

Trong chuyến xe ngất ngư từ Hà Nội về Bằng Lũng, một may mắn hiếm có khi hắn ngồi bên một bà lang đi bốc thuốc ở Nam Định về. Thực ra là bà mang thuốc do mình bốc cho người cần ở Nam Định. Nhà bà ở bên Linh Phú-Chiêm Hóa-Tuyên Quang nhưng thường sang bán thuốc bên chợ Lương Bằng-Chợ Đồn-Bắc Kạn. Lúc đầu, khi biết về con đường sắt, hắn cứ nghĩ nó sẽ đi song song hay gần con đường mòn 255 để tiện sửa chữa khi cần. Nhưng qua câu chuyện với bà Lang Linh Phú hắn biết con đường sắt kia đi men theo suối Bản Cậu, khi sang Chiêm Hóa nó đi qua các xã Bình Phú, Phú Bình, Tiến Hội để đến Đầm Hồng, một bến thuyền lớn bên sông Gâm. Từ đây, quặng đi theo đường thủy về xuôi-ra Hải Phòng để về Mẫu quốc. Con đường sắt kia đi rất xa con đường mòn và nó còn mãi đến sau giải phóng mới bị phá nhưng giờ chỉ còn rất ít người biết và nhớ đến. Việc hắn gặp được người biết và kể tường tận cho nghe về con đường sắt này âu cũng là một khám phá. Cùng với hệ thống các đường sắt trên núi cao gom quặng về một điểm, sau đó chuyển quặng xuống núi bằng hệ thống cáp treo, con đường sắt dài cả chục cây số men theo suối Bản Cậu là một kỳ công của người Pháp. Tiếc rằng, đến bây giờ không còn chút dấu tích nào. Tuy nhiên con đường mòn thì vẫn còn và bây giờ nó được gọi là tỉnh lộ 255.


IMG_0873.jpg


Cầu Bản Cậu. Cầu này do ta xây lại sau này, cách cầu do Pháp xây về phía thượng lưu hơn chục mét.
 
Hắn đi dọc theo con suối, mắt không ngừng kiếm tìm các dấu tích xưa. Ôi thời gian, thời gian chả còn gì. Chỗ nào bên dòng suối kia đã từng là nơi con đường sắt đi qua. Hắn đã từng thấy những trận lũ rừng, biến con suối hiền lành kia thành dòng sông tràn bờ hung hãn cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó. Cho nên, con đường sắt kia nếu có còn là còn trong ký ức của những người đã từng thấy hoặc từng biết về nó. Còn hắn, dù không thấy cũng đã mường tượng được phần nào.


IMG_0870.jpg



IMG_0874.jpg



Dấu vết rõ nét nhất về con đường do Pháp làm là ba cây trụ cầu xây bằng đá hộc còn lại trên suối Bản Cậu. Nhìn các trụ cầu cũng biết trước kia, cầu này làm bằng rầm thép. Sau này ta làm cầu bê tông cốt thép thành ra các trụ cầu này không dùng được nữa đành bỏ. Các rầm sắt chắc đã được thanh lý từ lâu nhưng những cây trụ thì còn mãi. Hắn cứ tỉ mẩn chụp đi chụp lại mấy cái dấu tích này và sợ rằng, nếu không chụp thì sau này có muốn cũng không còn. Chỉ có mấy cái trụ cầu cũ, đã bỏ từ lâu mà sao hắn vẫn thấy bùi ngùi khó tả. Ở đó, không biết bao nhiêu người đã khó nhọc tạo nên. Họ là ai? Họ đã đi đâu? Về đâu? Chỉ có bấy nhiêu thôi mà sao hắn cứ nặng lòng mãi?


IMG_0875.jpg



IMG_0876.jpg



IMG_0877.jpg
 
Hành trang của hắn cho chuyến độc hành đầu tiên rất đơn giản. Đó là cái ba lô nhỏ với mấy bộ quần áo trong đó có một bộ rằn ri loại cầu vai túi hộp. Nếu diện cả bộ vô trông cũng giống biệt kích Mỹ. Và chính hắn đã phải trả giá vì điểm này (sẽ kể kỹ sau). Ngoài ra có thêm mấy thanh lương khô phòng khi lỡ độ đường. Hắn cũng chả có kinh nghiệm hiểu biết gì về vùng đất hắn định đi. Thôi thì đường ở mồm như các cụ dạy đồng thời không quên mang theo hai cuốn bản đồ: Tập bản đồ hành chính Việt Nam và Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam.

Không có lịch trình trước hắn chỉ căn cứ vào bản đồ để đi. Những ngã ba hay tư không có biển chỉ dẫn hắn lại dừng lại hỏi đường. Có chỗ hỏi thì được, chứ vùng giáp biên giới mà hỏi đường thì có nguy cơ được mời về "đồn" liền...

Hắn cũng đã nghe đến con đèo Kéo Mác đã lâu (trong tiếng Tày từ Kéo có nghĩa là Đèo) nhưng khi đến đây, hỏi người dân mới biết đây là con đèo kép. Trước khi lên đến đèo Kéo Mác, có một con đèo thấp hơn gọi là Kéo Điểm. Đoạn này hầu như không có dân ở, heo hút hoang tàn. Chỉ có xe máy (xóc kinh người), xe trâu và xe tải trở gỗ hay đi qua đây còn nói chung chả ai muốn đi qua trừ những tên phượt tử lang thang muốn hành xác.


IMG_0879.jpg



IMG_0880.jpg


Đoạn đường này xấu quá, chả ai quan tâm đâu đầu tư. Trước kia nó có trải nhựa nhưng chắc là lâu lắm rồi. Giờ thời gian và mưa lũ, có chỗ chả còn tí dấu vết gì đường nhựa, nền còn trơ lại mỗi đất. Có chỗ đường như cái sống trâu nham nhở lở lói. Nói chung, nếu trời không mưa thì cứ đi men theo bờ cỏ cho lành nếu không muốn xóc lộn tùng phèo gan ruột.


IMG_0881.jpg
 
Ở vùng núi non việc phân chia địa giới phức tạp hơn ở đồng bằng nhiều. Có một nguyên tắc người ta hay sử dụng là chia theo đỉnh rông. Địa giới sẽ tính từ điểm cao nhất. Đây là lý do tại sao địa phận hành chính hay được đặt tại các đỉnh đèo.



IMG_0882.jpg




IMG_0883.jpg




IMG_0885.jpg
 
8 tháng trước, bọn em có dịp đi lạc vào con đường này, từ Chiêm Hoá chui vào con đèo đầu tiên, đi miệt mài và đếm lùi những cái cột mốc "B.Lung" (khoảng gần 30km). Tới đầu thị trấn Bằng Lũng đổ xăng, nghe theo "tư vấn" của em bán xăng, chui tiếp vào đường đèo, cũng khoảng hơn chục km nữa chứ không chạy qua thị trấn. Ra tới đèo Ba Bồ thì cả lũ hú hét lên như điên.

Thật tình cờ, về cơ quan kể lại thì được biết có hai bạn cùng phòng đã từng xách Dream chạy theo hướng ngược lại, từ Ba Bể sang Chiêm Hoá, trên tuyến đường này vào 1 ngày mưa. Các bạn ấy mất đúng 1 ngày để vượt qua 2 con đèo này. Nghe nói có dân bản địa gọi đây là con đường "dắt trâu".

Bác "Hôm" có ảnh mấy khu mỏ bỏ hoang ở đoạn bản Thi không ạ? Bọn em không chụp được một tấm nào trên cả đoạn đường này.
 
Cuối cùng thì cũng đến được con đèo Kéo Điểm. Nó cách Kéo Mác khoảng 3 km. Lên đến đỉnh đèo, hắn để lại xe đi loanh quanh chụp ảnh. Độc hành có một cái hay là hắn không phải hỏi ý kiến ai, không bị ai thúc ép cũng như phải lo lắng đón ý, chiều ý bạn đồng hành. Thích là dừng lại, bao lâu còn tùy đất, tùy người có đủ hay, đủ đẹp để níu chân hắn hay không.

Trời âm u và đèo hưu quạnh quá, một mình hắn ở đây cũng thấy hơi ngại, hơi sợ tí. Xung quanh vắng lặng cây cối lúp súp cũng chẳng có gì nhiều để ở lại lâu. Sau mấy tấm ảnh ghi lại nơi hắn đã qua, hắn vội vã lên xe đi tiếp.


IMG_0887.jpg




IMG_0890.jpg




IMG_0891.jpg



@Nguoilangbat: Mấy cái mỏ cũ không có trên con đường này. Trên bản đồ từ bản Cậu đi vào nó cách hơn chục cây, lại ở trên núi cao. Người lạ muốn lên không phải dễ. Về cái mỏ này, tôi đã viết khá nhiều. Bạn có thể tham khảo thêm ở đây:

https://www.phuot.vn/threads/3863-National-Treasure-3-Hành-trình-tìm-vàng-ở-Bản-Thi
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,577
Bài viết
1,153,796
Members
190,132
Latest member
thetkenoithat
Back
Top