What's new

Tản mạn Đà Lạt

Ghé qua Đà Lạt cũng nhiều lần từ khi chuyển vào Sài Gòn làm viêc. Mỗi một lần đến Đà Lạt lại có thêm những cóp nhặt, những tản mạn.

Đành lập riêng một topic cho những tản mạn Đà Lạt ạ ai có tản mạn nào xin góp vui

:)
 
Tản mạn càfe Đà Lạt



Cafe Đà Lạt, ấp lòng bàn tay vào ly, thấy hơi ấm mơn man chẳng đủ để xua đi cái lạnh cũng không đủ để thấy hết cô đơn. Nhưng chỉ cần hớp một hớp nhỏ, cơ thể tự dưng dãn hẳn ra,.. cảm hết cái khoái của sự đăng đắng ở môi trong khi cái lạnh đang tê rần rần len vào những chỗ da thịt không được che đậy... Người Hà Nội, là em, bất chợt thấy nguôi ngoai một chút nỗi nhớ mùa đông.

Cafe Đà Lạt, quán nào cũng bầy sofa, trừ những quán cafe cóc, nơi ưa thích của giới nghệ sỹ và nhiếp ảnh gia không nghèo nhưng thích xuề xòa. Các quán cafe sofa bầy từng dẫy sofa dọc theo tường, cùng dẫy bàn kính thâm thấp, tường cáu mùi thuốc lá, trên bàn la liệt cafe và các quân cờ. Các quán cafe cóc thì đơn giản hơn, bàn gỗ nhỏ, ghế gỗ nhỏ vừa đủ kê mông, vài băng ghế dài gác ngoài trời.

Đàn ông Đà Lạt mới đi cafe, ít khi thấy phụ nữ lê la quán xá như Hà Nội. Trong quán, người ta cafe thì ít mà kiếm cớ thả khói, đánh cờ, buôn chuyện chính sự là nhiều. Các bà các cô, có muốn cafe cũng sẽ thấy lạc lõng ở cái không khí sặc mùi đàn ông ấy.

Cafe Đà Lạt, những chỗ chỉ dành cho người Đà Lạt, rất khác với những quán cafe thả dốc, có lan can và treo hoa lủng lẳng... nơi những du khách uống sinh tố với giá 15 nghìn đồng. Cũng khác với kiểu quán cafe100gian kỳ quặc và rườm rà như đánh đố tâm trạng khách ghé qua. Cafe dành cho dân bản địa ở Đà Lạt đơn giản từ bài trí đến giá tiền. Chỉ từ 2,500 đến 3000đ một ly đen nóng. Khách tạt vào quán xù xụ áo khoác, dựng chân chống những chiếc xe máy cà tàng ở ngay vệ đường. Vào quán nhâm nhi cái ly nho nhỏ 3000 ấy, cạn cafe thì châm thêm trà từ cái tích nhôm, trao đổi dăm câu chuyện với những người ngồi bên cạnh, rồi lại vòng xuống Hồ Xuân Hương chụp ảnh dạo, hay đi đám cưới...

Cũng có quán cafe mang nhiều phong cách lịch thiệp, điềm đạm vừa thân tình vừa lãng đãng cho du khách giống như cafe Tùng ở khu Hòa Bình. Sau lớp cửa kính người ta có thể nhìn mưa Đà Lạt thả xuống phố như tuyết rơi, nghe một đĩa nhạc Pháp, nhấp cafe nóng và thử ngồi nhìn qua cửa kính như MPK chẳng hạn...

Đến Đà Lạt mà không lê la cafe bản địa, nghe lỏm chuyện Đông tây của các vị đàn ông nhàn rỗi ngồi say sưa với nhau quên thời gian... ấy là bạn đã mất một cơ hội hòa vào cái không khí lảng bảng, yên bình thực sự của Đà Lạt, nơi cái lạnh chỉ vừa đủ làm cốc cafe nóng không bỏng rát trên môi...

Đà Lạt, T5/2008, Bodyevil
 
Last edited:
ly càfe đắng tiếng còi tàu buồn... sến pà cố



Người nghệ sỹ già bên ly trà ( xuất khẩu thành thơ)



Rung đùi phơi bao :)



Ly cafe đắng, tiếng còi tàu buồn ( ấy là em vd thế chứ ĐL có mỗi cái tàu rách đi Trại Mát)

 
Last edited:
Mưa SG - Mưa Đà Lạt

Tản mạn mưa Đà Lạt


Mưa như tuyết rơi


Ngồi ở Sài Gòn trong căn phòng kính chừng 5m2 của tôi, điều hoà rù rì 22oC, ngoài trời những thanh âm ồn ã của chiều SG bỗng như tan vụn khi mưa trút xuống thành phố luôn bận rộn tiếng còi xe. Tôi kéo rèm sáo sang một bên rồi tự thưởng cho mình một bản Chopin được đánh bởi " Đặng Thái Sơn, người được Chopin chọn". Và rồi rất ngẫu nhiên tôi nhớ Đà Lạt, những cơn mưa và mây mù.

Tháng 5 mùa mưa Đà Lạt bắt đầu rồi kéo dài suốt đến tận cuối Đông. Mimosa bạc trắng trời và hoa phượng tím vẫn sót lại đâu đây góc phố. Không khí thành phố lúc nào cũng nhẹ bẫng ở 21o và chỉ cần một đám mây che khuất mặt trời Đà Lạt lại vội vàng đổ xuống một cơn mưa Tháng 5 rào rat.

Hiếm có người lữ khách nào tránh được một cơn mưa vội ở Đà Lạt. Mà đôi khi lên Đà Lạt cả mấy ngày nắng trong veo người ta lại thấy thiếu một cơn mưa rào ào ạt, mang mây sà xuống đồi, mang cái huyền ảo trả lại cho Đà Lat.

Không biết đã bao lần tôi mắc mưa ở Đà Lạt, chẳng từ thời điểm, mưa có thể đổ xuống ngay lúc đang tìm chỗ đặt chân trên những mỏm đá trơn trượt trên đường chinh phục Liang Biang. Cũng có lúc mưa rào xuống ngay khi đang chèo Kayak trên hồ Tuyền Lâm huyền ảo. Sung sướng hơn thì gặp mưa khi đang nằm trong chăn ấm và mở toang cửa sổ để nhìn sau cơn mưa, mây trắng đổ tràn xuống núi.

Đà Lạt không có cái thi vị của "mưa phả phất", đã mưa là nồng nàn, là ào ạt, là chẩy ngập phố, là lóc bóc bong bóng phập phồng.

Mưa Đà Lạt cũng không như mưa phố thị, từng hạt to ngọt mọng nước không vẩn bụi. Mưa đem mùi thông ngái xanh về, đem mùi đất nồng thơm. Mưa ở Trị Mát có mùi rau, mùi lá bắp cải dập, mưa ở Hồ Xuân Hương có mùi tanh của cá, mưa trên đèo có mùi mát ngái của đá phả ra. Mưa trong quán càfe lại có mùi quần áo ẩm và mùi càfe thơm thơm... nếu tình hơn một chút thì quàng tay qua người ai đấy để ngửi thấy mùi tóc còn khét nắng của cung phượt, hay hôn lên môi ai đấy để thấy vị càfe và cigar vừa ngọt vừa đắng.

Nếu đến Đà Lạt mà gặp mưa, đừng chần chừ gì mà không tạt vào một quán nhỏ ven đường. Dù là bán bánh tiêu sữa đậu hay bán xôi nóng, hoặc giả là một quán càfe thì càng tuyêt. Cứ ghé vào quán hàng Đà LẠt để la cà rồi bạn lại có thêm một câu chuyện tản mạn nữa để kể.

Sài Gòn mưa đã tạnh, vừa đủ để phố sập xuống màu xám lạnh của buổi tối. Chỉ thèm cảm giác run lập cập sau khi mưa tạnh ở Đà Lạt , ào ra phố để thở hương tinh khôi của đất trời và líu ríu đi thật nhanh trước khi một cơn mưa khác ào ạt trút xuông...
 
Càfe Đà Lạt

Nếu sự nhàm chán và quen thuộc của Đà lạt đang làm tôi thất vọng thì vẫn có hai thứ có thể xui khiến tôi trở về xứ sở khói sương ấy như một kẻ bị trời đày: khí hậu và cà phê.
Sao không tự thiết kế một tour bụi như một kẻ "la cà" chuyên nghiệp?!

Thời gian tour có thể chỉ cần đến 2 ngày 2 đêm cuối tuần. Tôi quảy balô nhảy lên xe Thành Buởi hoặc Đà lạt Toserco vào chiều thứ 6, sau giờ làm. Và yên tâm, đánh một giấc trên xe thì phố sương mù đã hiện ra trước mặt. Sương mù và đèn vàng. Cái cảm giác vác ba-lô cóc bước đi xo ro trong đêm sương đèn vàng tịch lặng kia tạo một xúc cảm lạ của kẻ lữ hành đơn độc tìm về phố xưa.

Không khí Đà lạt dễ làm người ta uể oải và... sến bởi sống quá nhiều cho những hứ "feeling". Thôi, nên trị bệnh sến bằng một li cà phê đầu ngày. Tôi chọn cà phê Tùng để chào buổi sáng. Cà phê Tùng ở khu Hòa Bình, là một box nhỏ, có mặt và có tiếng tại Đà lạt từ trước 1975, là nơi ghé chân của nhiều người danh tiếng: Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng... Sau này trong thời khách hàng là thượng đế thì Tùng hơi có xu hướng tạp nhạp. Nhưng chọn cho mình một góc, gần cửa kính để nhìn ra đường phố buổi sáng se lạnh, thấy từng dáng người về qua. Nhạc đặc sản ở cà phê Tùng là Trịnh Công Sơn, nhạc Pháp thập niên 60 - 70 thế kỷ trước.
Thực ra, Đà lạt là xứ sở cà phê với những thương hiệu vang bóng một thời như: Văn, Kim Sáng, Shanghai... Nhưng sau giải phóng, phố cà phê kéo dài suốt con dốc Nguyễn Chí Thanh, trước khách sạn Ngọc Lan. Những Việt Hưng, Nghệ Sĩ, Nam Giao... đẹp một cách sang trọng và là nơi khách du lịch thường xuyên lui tới. Đặc biệt, tại quán Nghệ Sĩ hằng đêm cuối tuần thường thắp nến và có dạo piano. Nếu bạn là người nơi xa đến, có thể yêu cầu chủ quán chơi đàn vào bất cứ lúc nào để gom thêm cho bộ nhớ về cà phê phố núi thêm sinh động.

Cà phê Đà lạt cũng có nhiều quán độc và có xu thế "lập dị" ví dụ như Cung Tơ Chiều với người đàn bà tên Giang có giọng ca nổi loạn với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng nếu bạn có nhu cầu gặp bạn bè, đi nhóm thì không nên vào đây. Cô chủ quán kỳ quặc này sẽ không tiếc lời... tiễn khách! Trong khi đó, cà phê Nhà trăm mái của ông kiến trúc sư "quái kiệt" Lữ Trúc Phương thì chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện bạn phải cầm ly cà phê và chui vào đường hầm sâu nhập nhòe đèn đóm của một công trình kiến trúc xuyên lòng đất mà gã "quái kiệt" này dày công và thầm lặng xây dựng.
Nếu bạn là người thích sự sôi động và muốn hình dung về một Đà lạt khác, nên đi tìm những quán lạ. Mỗi chuyến đi Đà lạt, tôi đều khám phá một góc quán lạ. Ví dụ cà phê Nuit trên đường Trương Công Định với phong cách jazz, hard- rock khá lạ lùng. Từ một view trên cao, bạn có thể nghe jazz và nhìn phố khuya đèn vàng, con dốc quanh có mặt đầu tiên tại Đà lạt để thấy những bóng người tất tả trôi. Hay bạn có thể vào khu Ngã 5 Đại Học và uống cà phê cóc. Những ly cà phê với giá sinh viên nhưng chất lượng phục vụ thì không kém quán hạng sang Sài gòn. Có thể giới thiệu vài cái tên: Đời xưa, Trung nguyên, Diều no gió, Đồi xanh...

Và buổi tối cuối cùng tạm xa Đà lạt sau những ngày lê la quán xá, tôi chọn cà phê Thủy Tạ hoặc Thanh Thủy với hướng nhìn ra mặt hồ Xuân Hương. Nếu Thủy Tạ có nét sang trọng của quán thời salon thì Thanh Thủy lại sang theo hướng hiện đại. Dù sao, cả hai cũng đều chỉ một mặt hồ Xuân Hương, bên này hoặc bên kia để thả tầm nhìn. Nếu bạn là người mê hương vị cà phê, nên chọn Thủy Tạ. Dù biết, đến Đà Lạt để uống cà phê thì yếu tố cà phê ngon không phải là tất cả mà còn đòi hỏi không gian, không khí...
Tôi đã trải qua 2 ngày trời la cà với cà phê Đà Lạt. Và yên tâm vác balô quay về Sài gòn, hẹn một dịp khác sẽ đủ thời gian để ngồi ngắm cà phê Đà lạt tí tách rơi và ngắm phố người đi qua sương mù...


Những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố này. Đây cũng là nơi giúp người ta lưu giữ ký ức của tâm hồn.

Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc khiêm nhường trong quán cà phê Tùng để ngắm phố mưa qua. Tùng nổi tiếng bởi địa chỉ này xuất hiện trong hầu hết sách hướng dẫn của các hãng lữ hành và còn bởi nó tồn tại trong một không gian đã đi qua thời gian. Quán cà phê nhỏ không mấy nổi bật ấy từ lâu đã trở thành một góc hồi niệm quá vãng và hơn nữa, là chốn tưởng niệm cho những kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại. Thật lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác thư thái như thế. Được ngồi lặng lẽ giữa những ẩm khách lặng lẽ. Nhạc, vẫn những giai điệu của người nghệ sĩ rong rêu ấy, thong thả những thanh âm cầu hồn theo tiếng tí tách. Cà phê kết tinh qua phin. Những tà áo dài lướt qua cửa kính như những cánh lay-ơn run rẩy trong màn mưa thoang thoảng leo dốc…

Thời gian ngai ngái ủ vàng trên những mép viền khung cửa, những ranh gỗ của bàn và ghế. Thời gian lê bước chân chậm chạp đi qua và đọng mờ những vết bụi của mình lên những bức tranh tường mà chủ nhân đã tôn trọng lưu giữ như những dấu ấn không dễ xoá nhòa. Tôi có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm sự hay ít ra là hoài niệm về một miền ký ức đã xa. Họ run rẩy đón nhận và sợ chạm vào thực tại sẽ xoá mất cái cảm giác như là chút vốn quý hiếm hoi trong phút cuối ngày. Trong một góc khuất, đôi ghế nan tre còn đó, thời gian đánh bóng lên từng vân tre của ngày xưa một màu vàng như nhũ. Ngày xưa chưa thật đã xưa, người hát rong đi qua cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh và nữ tri âm của mình đã có những buổi chiều lãng đãng khói sương nơi đây trên đường dài du ca và luân lạc. Trong không gian thoắt ẩn thoắt hiện, nửa thực nửa hư đâu đây là những di âm của cung la thứ mở đầu cho những bản tình ca đồng hành với thời gian. Giờ đây, nàng đã cách hơn nửa vòng trái đất, chàng còn xa hơn, nhưng đôi ghế nan tre lên bóng kia như nấn ná đợi chờ một hội ngộ tương phùng trong tưởng tượng. Không biết người ra đi có còn hồi niệm? Còn tôi và những ẩm khách chiều nay dường như đang hoài niệm về họ trong dư âm của những giai điệu với xúc cảm tốt lành…

Người ta nói, cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ, bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn những kẻ môn đồ của giáo phái cà phê thì cho nó là người đàn bà mang bùa ngải trong mình…

Từng có một quán cà phê bên hồ Xuân Hương mang cái tên nhẹ bồng bềnh bằng tiếng Pháp: Danube Bleu. Dòng sông xanh ấy gắn bó với tôi và bạn bè từ những ngày đầu đặt chân lên xứ sương mù. Có một đêm như mọi đêm, bản sonate "Ánh trăng” của Beethoven lung linh và thánh thiện đến thế. Những ánh đèn đường ngả bóng xuống mặt hồ như chùm ly pha lê sóng sánh rực rỡ. Chúng tôi vỡ oà cảm xúc và liên tưởng đến cái bi kịch thần thánh trong bức tranh “Bữa tiệc ly” của danh họa Leonar De Vinci. Đó là đêm cuối cùng, ngày mai bạn tôi rời thành phố cao nguyên đi xa. Đèn trong quán tắt dần. Bữa tiệc với những vũ điệu ánh sáng trên hồ cũng nhạt. Bản sonate chỉ còn du dương những thanh âm cuối cùng, nấn ná luyến lưu cho một cuộc chia tay chưa hẹn ngày tái ngộ. Và nhiều đêm như thế, tôi và người đã ở trọ trong tâm hồn nhau. Cùng “dòng sông xanh” ngửa mặt trông đồi Cù sẫm bóng và lan man những điều gì không còn nhớ nữa. Gặp lại nhau, người hỏi, tôi ngậm ngùi: “Danube Bleu đóng cửa lâu rồi”. Lại có thêm xúc cảm “khắc dấu tìm gươm”. Cà phê đâu còn là cà phê!…Tâm hồn đã quyện vào nhau trong những giọt tí ta tí tách thõng như sương ấy. Không gian ấy ta luôn lưu giữ và gợi lại những thổn thức hoài niệm về một thời đã qua.

Ở những đô thị khác, muốn có một không gian uyển chuyển tự nhiên như Đà Lạt thật khó. Người dịu tính coi đây như nơi trú chân lý tưởng. Khách giang hồ coi đây là chốn thỏa chí tang bồng. Trong cái se lạnh của heo may cao nguyên, lượn theo những con đường lúc ẩn lúc hiện, những quán cà phê giữa lưng chừng dốc như những quán Ba Cá Bống trong cổ tích về cậu bé Buratino ở đất nước Tí Hon. Nào Bích Đào, Dương Cầm, Nam Giao, Nghệ Sĩ…; nào Guitare, Valentine, Memory…; nào 57, 60, 72, 81…


Kẻ tục lụy vạn sinh là tôi chưa phải là người sành thứ thức uống đầy thi vị này, cũng không dám lạm ngôn về những thú tao nhã tạo nên hưng phấn sáng tạo của các bậc tao nhân mặc khách. Chỉ biết rằng, chiều nay trong góc quán khiêm nhường ngắm phố mưa qua chợt nao lòng về những ngày quá vãng, những ngày không trở lại thêm một lần nào nữa trong đời…

- Sưu tầm -
 
Last edited:
Quán hàng Đà Lạt

Người Đà lạt có lẽ cũng giống như người Hà Nội ở điểm thích ăn quà vặt. Cũng có thể chỉ là do điều kiện địa lý đưa đẩy mà thôi, cái lạnh thường làm người ta ủy mi. Vì thế không thể trách anh con trai to lớn khoẻ mạnh có thói quen cứ 6h chiều lại đi uống sữa đậu nành nóng. Anh ấy cũng chỉ đột nhiên thấy mong manh khi chiều Đà Lạt buông lạnh.

Đà Lạt có nhiều hàng quán bán quà vặt, nhưng không giống Hà Nội với những gánh hàng rong trên phố hay Sài Gòn tân tiến với xe nộm, xe hoa quả. Đà Lạt lấy thương hiệu ở ngay cửa nhà, trong ngõ xóm hay ở vỉa hè nơi ngã 3 đường. Sáng trưa,chiều hay tối lúc nào người Đà lạt cũng tìm được món quà điểm tâm nhẹ nhàng, nóng ấm.

Người Đà Lạt dậy rất sớm, vì từ lúc tờ mờ tối họ đã tắt đèn đắp chăn rồi ( ). Với những kẻ săn ảnh muốn chụp mây, thường hay lần mò dậy từ lúc 4h sạng Đà Lạt vẫn chiều anh ta 1 bữa sáng ngon lành khi trời chưa rang. Xung quanh khu bến xe cuối dốc chợ, hầu như quán hàng bán không nghỉ. Trong hẻm, các quán bún phở cho dân lao động hay dân vãng lai, mở từ khi mặt Hồ Xuân Hương còn bốc hơi ấm lên như mây. Trời lạnh thấm vào xương, kẻ giang hồ được bán bún chan nước lèo thật nóng thì chẳng còn gì phải phàn nàn. Nếu bạn là người cẩn trọng, muốn chuẩn bị chút lai rai phòng khi trên đường đi săn mây có rơi xuống vực thì có thể mua thêm ngô luộc hay ngô bung mỡ hành. Sang hơn chút thì rình bánh mỳ nóng mới ra lò còn hôi hổi mùi thơm của một ngày mới...

Đà Lạt vào ngày...

Ngày ở Đà Lạt cũng ít khi có cái không khí bận rộn. Người ta sống chậm, chậm từ cách nâng ly càfe ngang miệng nhấp như châm tửu. Chậm từ cái dáng quăng cần câu làm tan mặt nước Hồ Xuân Hương... Chậm cả ở cái thú nhâm nhi hàng quán.

Hãy nghe người Đà Lạt nói về Đà Lạt:
" nhưng tớ cũng gặp những người cứ 1,2 tháng là lại lên ĐL 1 lần chỉ để đi dạo quang Hồ Xuân Hương trong đêm lạnh, chỉ để uống ly cafe đen nóng mỗi sáng sớm, nhâm nhi ly sữa đậu nành nóng hổi trên tay trong cái rét căm căm buổi đêm hay chỉ đơn giản là để nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc nào đấy trên mảnh đất lãng mạn này, vùng đất của những người yêu nhau hoặc đã từng yêu nhau."
Trong cái đoạn chia sẻ tâm sự ngăn ngắn vậy, anh chàng ĐL đã 2 lần nhắc đến cái sự ăn.,, đủ để biết ăn đã thành cái văn hoá xứ lạnh thế nào he he he

Không hiểu từ đâu cả văn hoá bản địa lẫn văn hoá du nhập mà món ăn Đà Lạt cũng vô cùng phong phú. Hà Nội có thể tự hào với thịt chó nhưng xin thưa đốt đuốc cả ngày ở Hà Nội cũgn không tìm được món đùi chó chiên dòn chấm muối ớt như ở xứ núi này. Món đùi chó chiên có cái dai của da, săn chắc của thịt, vừa đẹp mắt lại không rùng mình như khi nhìn bát xáo măng chân chó đen thui ở Hà Nội. Quán thịt chó Hoà Bình ở Đà Lạt cao điểm lúc 12h trưa và các món ngon được dọn sạch nhanh chóng đến mức sau 3h chiều là quán đã tàn canh

Đà lạt cũng tấp nập các quán bánh canh, phở "Nam Định", hủ tíu SG hay miến Gà Bắc Kỳ ... nhưng nếu muốn thưởng thức chút gì đặc biệt cho bữa trưa thì nên thử Actiso hầm giò heo ( rứt tốt cho các bà bầu nhá). Bông actiso thường chỉ được dân miền xuôi tưởng tượng trên bìa hộp actiso sỉro hay trà actiso, nhưng lên Đà Lạt bạn có thể sì sụp húp nước bột actiso ninh với xương ngọt mát. Cắn ngập răng bông actiso vừa bùi vừa thơm... thú lắm. Actiso nở từ Noel cho đến đầu hè năm sau vì thế mà món canh Actiso lúc nào cũng sẵn để phục vụ du khách....

Nếu xế chiều bụng bạn đã lâm râm đói thì có thể tạt vào quán càfe nhâm nhi càfe và ăn nhữung chiếc bánh quy bột được cán vừa đầy vừa xốp... ăn bánh quy nhà làm với trà nóng là nhất vị.... đừng thấy các bác bàn bên vừa ăn vừa rung đùi mà lạ vì nếu bạn ăn rồi đùi cũng rung lên bần bật vì khoái khẩu í chứ....

Một ngày với các món ăn chật dạ dày vì thế mà cũng qua nhanh... nhưng chớ vội vui mừng. Khi chiều xuống ấy mới là lúc để Đà LẠt tưng bừng vào hội ăn chơi...

Đến khi sương thả nhẹ xuống phố ấy mới là lúc dân Đà LẠt cần sự hỗ trợ tinh thần của các món nóng dòn...

Món mà đám nữ sinh thích nhất phải kể đến Xắp xắp... nghe rất lạ tai và thú vị. Người ta dễ tưởng tượng đến 1 thứ gì đó chan săm sắp nước, có chua có ngọt... tưởng tượng cũng gần đúng. Xăm xắp giống khô bò ở SG và nộm bò ở HN, nhưng khác cái thay vì thịt bò thì người ta dùng nội tạng bò sấy khô... dù gì cũng là bò cả. Món Xăm xắp rất rẻ, chừng 4000/đĩa , người ta thường ăn 3 đĩa 1 lúc, chan ớt thật cay và xuýt xoa. Xăm xắp nổi tiếng nhứt là của 1 ông già hay ngồi bên bờ hồ xuân Hương và ở ngã ba dưới Viện Phật Học.

Đã xong món xăm xắp thì xách xe chạy tuốt lên khu Hoà Bình nhé , lúc này ở đường Tăng Bạt Hồ đáng nháo cả lên. Người ta đang chen nhau để uống sữa đậu nành và ăn cossant, bánh tiêu, quẩy nóng, bánh bông lan.. đều là tự làm cả. Sữa đậu nành thơm mát được xách từng xô lớn trút vào nồi để đun nóng. Những nồi nhôm lớn như nồi luộc bánh chưng nghi ngút khói. người ta nấu sữa đậu nành , sữa đậu xanh, sữa đậu gì nữa í ko nhớ... Trẻ già, trai gái say sưa từ chiều đến đêm khuya. Phố chỉ vắng lặng sau 11h đêm bất kể mưa nắng.

Người Đà LẠt cũng ko đếm xỉa mấy đến khoa học, họ ăn trứng vịt lộn với sữa đậu nành, rồi ăn trứng vịt lộn với ốc và sữa đậu nành. Bao cái kết tủa cũng được khí lạnh đánh bật thì phải. Quán trứng lộn đậu nành bên hông Novotel lúc nào cũng tấp nập. Lại thêm khu chợ đuổi bán ốc ở dưới bậc thang chợ Đà Lạt đêm nào cũng tấp nập hải sản. Không hiểu từ ngõ ngách nào mà hải sản ở Đà Lạt nhiều như ở Phan Thiết... vừa rẻ vừa ngon vừa tươi rói... tối tối không ăn cơm mà làm bát ốc gạo chấm mắm gừng với tí rươự cay thì thôi rồi. Cả buổi tối ở Đà LẠt cứ rừng rực lửa.

Nhắc đến từ rừng rực tự nhiên nhớ món Pín Đà Lạt. Pín Đà Lạt đánh bại các loại Pín từ xuôi ra ngược. Không tin hả , thử ghé Đà LẠt mà nghe người ta rỉ tai nhau về quán Pín trên đường Bùi Thị Xuân với các món rượu rễ ngâm ông uống bà khen....

Trong ánh lửa nến lập loè, những hũ pín hầm thuốc bắc đượt đốt cồn hâm nóng cháy xanh như ma trơi... trời Đà LẠt tự dưng đổ mưa và điện toàn thành phố tắt ngấm....

Lúc ấy ngồi húp nước Pín mà dịu hết cả lòng.... Giá cứ ở Đà LẠt mãi mà ăn quà vặt có phải sướng không ta!!!

- the end -
 
Last edited:
LE lãng mạn quá nhỉ. Ai người Đà Lạt đọc chắc phải cảm kích lắm ;)

Mỗi cái avatar của LE mỗi khi nhìn thấy nó là SF bị choáng nghiêng ngả theo.
 
Đến với Đà lạt , xứ sở của mây mù và cái lạnh se se nhẹ nhàng khi chiều buông - là đến với thú thu mình trong các quán cà fê tránh cơn mưa chiều bất chơt.

Khách vãng lai chỉ ngồi thu mình ngắm mặt hồ nhạt nhoét hay các đôi tình nhân cầm tay nhau chả buồn biết trời mưa hay nắng.
Người Đà lạt lấy quán cà fe làm nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các thú chơi. Đặc biệt là chơi xe cổ.

Sáng sớm hàng ngày, những chiếc xe Vespa cổ được chế tác thêm tinh xảo đậu cả dẫy dọc theo bờ hồ trước Quán Thái bảo - nơi bán các loại trà Atiso nổi tiếng của Đà Lạt.
Dân chơi xe cổ không thể không biết tới cặp đôi Sơn Tinh - Thủy Tinh, hai chiếc vespa được độ lại bộ vỏ bằng vỏ cây, vỏ ốc.

Hầu như ai có thời gian đều ghé qua quán Tường Vi, quán cafe trang trí bằng xe cổ như Mobilette, BS, Honda 68 gần như còn nguyên bản...

Hoặc ghé quán của Cồ, chủ quán là dân chơi xe và chơi đồ cổ. Quán bằng gỗ, dây điện chạy dọc nhà theo các con sứ cách điện lối nhà thời pháp thuộc.
Trong nhà trang trí bằng các bộ đèn cổ, vài chiếc xe máy phân khổi lớn được chủ nhân bài trí cho quán rất đặc săc, nhất là chiếc Vespa được phủ kín toàn thân bằng tiền giấy thời cộng hòa.
 
Last edited by a moderator:
Người Thái cho rằng Chiềng Mai là Đà lạt của Thái lan. Tuy hạ tầng của CM rất hiện đại so với Đà Lạt nhưng có 1 cái mà người Thái không bao giờ làm được đó là nhiệt độ. Nhiệt độ ở CM chỉ hơi mát so với Bangkok. Ngoài ra cây cảnh cũng là điểm mạnh của Đà Lạt. Mong là ĐL và cả Bảo Lộc nữa sẽ mãi là điểm thu hút du khách của cả thế giới. Muốn vậy thì còn rất nhiều việc phải làm.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,184
Bài viết
1,150,412
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top