Re: 9 ngày trên đất Triệu Voi - nhà sàn, chum đá và những quả bom chưa nổ
Mua vé minivan đi Phonsavan. Hầu hết các nhà nghỉ hay đại lý bán vé 100k/người, bao gồm tiền tuktuk chở ra bến xe. Hoặc có thể tự bắt tuktuk buổi sáng mua vé trực tiếp tại bến, giá vé 90k/ người. Chúng tôi chọn cách mua vé trước của đại lý vì mấy lý do sau (1) đảm bảo có vé, đặc biệt vào mùa đông khách (2) chênh lệch 10k cũng không đáng kể nếu so với tiền tự bắt tuktuk ra bến xe và (3) buổi sáng ở Vang Vieng tương đối khó tìm tuktuk trong khi mỗi ngày chỉ có một chuyến sớm đi Phonsavan mà thôi.
Mỗi ngày chỉ có một chuyến minivan đi Phonsavan khởi hành lúc 9.30am, thời gian đi mất 6h. Từ bến xe Vang Vieng, mỗi ngày có 2 chuyến minivan đi Luang (xuất phát 9am và 2pm, giá vé 90k, đi hết 6h), một chuyến express bus đi Luang (10am, 80k, 7h). Từ Vang Vieng về Vientiane có một chuyến minivan (9am, 70k, 3h), 3 chuyến local bus (10am – 1pm – 2pm, 60k, 4h). Có đại lý bán vé về Vientiane chuyến 2pm giá chỉ có 45k, rất có thể là ăn chia với nhà xe mà không mua qua văn phòng. Thông thường chuyến 2pm là chuyến ghép của tuyến Luang Prabang – Vientiane, khi xe dừng tại Vang Vieng trả và đón khách rồi đi tiếp về Vientiane. Có nhiều khả năng bị trễ giờ, điển hình như hôm chúng tôi đi từ Luang Prabang về Vientiane, xe dừng tại bến xe Vang Vieng lúc 3pm.
Ăn tối tại Vang Vieng. Có thể ghé vào một trong rất nhiều quán ăn quanh khu tứ giác trung tâm, duỗi chân nằm dài quanh bàn ăn, xem phim Hollywood và nhấm nháp BeerLao.
Với những hang động và bản làng gần đó, Vang Vieng xứng đáng để du khách ở thêm một ngày và loanh quanh khám phá bằng xe đạp, băng qua cầu sang bên kia bờ hay đạp xe men theo xa lộ 13 để có được những góc ảnh đẹp mắt.
không có tiền ăn BBQ
...thôi thì gặm pancake vậy!!!
...đi tubing về...
tiện ghé masage phát nhẩy...
quán nằm
trông rất phè phỡn
nhưng không kém phần nghiêm chỉnh
(trưởng đoàn và phó đoàn, ngoài mặt như anh em, trong lòng như ba chấm, hố hố hố)
Re: 9 ngày trên đất Triệu Voi - nhà sàn, chum đá và những quả bom chưa nổ
Ngày 8/9/2010
Vang Vieng - Phonsavan
Buổi sáng, mưa sụt sùi. Đi ăn sáng, mây vờn trên núi, núi lẩn khuất trong mây, ẩn hiện như tranh thủy mặc. Người Lào thích dùng dù, ít mặc áo mưa. Đi bộ cũng thế, đi xe cũng vậy. Chia tay Andrew, chúng tôi lên đường đi Phonsavan.
Minivan 12 chỗ, hành lý chằng trên nóc xe, đậy lại bằng vải bạt. So với xe buýt, minivan chạy nhanh hơn trên địa hình đồi núi quanh co. Suốt 20 cây số đầu tiên sau khi rời Vang Vieng trên Xa lộ 13 về hướng ngã ba Phu Khoun, tôi mới cảm thấy tiếc nuối giá như mình có thêm một ngày ở đây để thỏa thuê đắm mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu. Những thế núi hiểm hóc, thấy chân không thấy đỉnh, như đang từ trong tranh hiển hiện trước mắt. Cổ thụ, dây leo cứ đổ dựng từ vách núi lan sát đến mép ruộng xanh mởn. Qua những khúc quanh, dòng Nam Song lừ đỏ lại hiện ra trầm tĩnh mà ẩn chứa đầy sức sống. Lại có những đồi bắp trập trùng ngỡ như đồi cỏ, lều canh lợp lá cứ lúp xúp như nấm mọc trên đồi. 10:30, xe đi ngang một trấn nhỏ có tiệm sửa xe máy, sau đó liên tục leo đèo uốn khúc cho đến tận địa phận Xieng Khouang.
Ngắm cảnh dọc đường là món quà khuyến mãi kỳ thú dành cho du khách đi tuyến đường này. Từ ngã ba Phu Khoun, rẽ phải để đi Xieng Khouang hay rẽ trái để về Luang Prabang, cảnh trí dần khác biệt từ đó. Tôi không thể tìm ra ngôn từ để diễn đạt sự thán phục của mình trước thiên nhiên tráng lệ trên cung đường, chỉ biết rằng không ít lần phải buột miệng xuýt xoa, khều người bạn đồng hành đang gà gật ngủ ”đẹp quá bác ạ!”. Thôi thì tạm dùng phép so sánh thô thiển từ ít vốn liếng kinh nghiệm đi lại mà thuật lại rằng: đi từ Vang Vieng len Xieng Khouang như đang đi ngang Tam Cốc kỳ bí của Ninh Bình, đèo dốc hùng vĩ của Tây Bắc và núi đồi mộng mơ của Lang Bian. Có thể nào chợp mắt để bỏ sót những bản nhà sàn vách lá, mấy dãy quán chợ chỉ độc măng rừng, bí rợ ven đường. Sao nỡ đành quên trường làng đơn sơ tíu tít trẻ nhỏ đi về trên dốc mù sương, hay ánh mắt em thơ trong vắt vội ôm mớ ngọn su xanh ngắt chạy theo bán cho hành khách trên xe. Mà tìm được ở nơi đâu cảnh gia súc gặm cỏ thanh bình trên đồi thông xanh mượt như thế!
Vang Vieng mưa sớm
Một tour điển hình ở Vang Vieng
Nhìn từ bến xe Vang Vieng, núi đá lô xô đánh dấu dòng chảy của Nam Song
Minivan/ minibus tương đối mới, không đủ khách vẫn khởi hành nhưng sẽ bắt khách dọc đường
Re: 9 ngày trên đất Triệu Voi - nhà sàn, chum đá và những quả bom chưa nổ
Nam Song qua kính xe, lúc ấy trời đang mưa lất phất...
Nam Song toàn cảnh ở một khúc ngoặt của dòng chảy, bên tay phải là những mái nhà sàn giữa trời mây sông núi, vẻ đẹp ẩn dật mà lãng mạn ấy chỉ tận mắt chiêm ngưỡng mới cảm nhận được, các bác ạh!
Nam Song đoạn Vang Vieng (ảnh của Andrew)
Ruộng đồng nơi chân núi (ảnh của Andrew)
Đây là lý do tại sao mình cảm thấy tiếc nuối giá như ở lại đây thêm một ngày tận mắt nhìn chẳng phải sướng lắm ru...(ảnh của Andrew)
Sương khói mờ nhân ảnh (ảnh của Andrew)
ngày nào cũng được ngắm nhìn cảnh vật chốn này, thiên đường chẳng phải đây sao, mà còn mãi kiếm tìm đâu nữa (ảnh và lời bình của Andrew)
Re: 9 ngày trên đất Triệu Voi - nhà sàn, chum đá và những quả bom chưa nổ
Phonsavan
Xe vào đến Phonsavan lúc 3.30pm, trả khách tại bến xe cũ ngay trung tâm thị trấn.
Chúng tôi nghỉ tại Dok Khoun Guesthouse, phòng đôi có quạt và phòng tắm 50k/ đêm. Theo lời một anh người Việt mở quán (quán hải sản Cường Hiền) tại đây, Dok Khoun là nhà nghỉ hoạt động hiệu quả nhất trong trấn. Sau vài năm kinh doanh, chủ nhà nghỉ đã dành dụm đủ tiền mở thêm một Dok Khoun Hotel bên kia đường. Tuy nhiên, trong hai đêm ngủ lại đây, chúng tôi thấy rằng vợ chồng người quản lý không thân thiện cho lắm (anh chồng hay rồ máy xe trong sân sau, tính tình có phần sỗ sàng, chúng tôi nhờ thay bóng đèn từ sáng mà mãi đến tối về phải yêu cầu thêm lần nữa mới chịu thay; lại nữa, đã biết chúng tôi đến từ Việt Nam nhưng không chịu nói tiếng Anh mà cứ tỉnh bơ nói tiếng Lào, có lúc quát tháo chúng tôi gì đó mà chúng tôi không hiểu), khi hỏi thông tin cũng không mấy mặn mà, chỉ quan tâm bán tour. Mọi người nên hỏi thăm thêm các nhà nghỉ khác, Kong Keo Guesthouse hay Nice Guesthouse gần đó cũng là lựa chọn của nhiều người.
Có nhiều phương án khi đi tham quan Cánh Đồng Chum. Phương án 1 là buổi chiều đến Phonsavan, thuê phòng nghỉ rồi bắt tuktuk đi xem Chum 1, giá dao động từ 80k – 100k cho cả lượt đi và về, đi chừng 20’. Vé vào cửa Chum 1 là 10k/ người nước ngoài, 5pm ngưng bán vé. Ngày hôm sau tự thuê xe máy (14USD, tương đương 120k) đi xem Chum 2 và Chum 3. Ở mỗi Chum đều có trạm bán vé (10k) và giữ xe. Trạm vé Chum 2 còn bán đồ ăn, có thể ngừng chân ăn trưa ở đấy. Ưu điểm của phương án này là tự do dừng nghỉ, chụp hình thỏa thích, nhược điểm là đường tương đối gồ ghề, nhất là vào mùa mưa từ tháng 6 – 11. Cần lưu ý là tuktuk không có dịch vụ đi Chum 2 và 3 vì đường xa và khó đi.
Phương án 2 là mua tour trọn ngày cho hôm sau, tham quan cả ba Chum, khởi hành 9am về đến nơi 4pm. Giá tour là 110k/ người bao gồm tiền vé vào cổng. Ưu điểm của phương án này là tour guide có thể cung cấp thêm nhiều thông tin ngoài lề, cộng thêm tour thường bao gồm tham quan làng người Lào, rất nguyên chất. Nếu mọi người chọn Phương án 2 có thể mua tour tại Lao Youth Travel, nằm giữa Dok Khoun GH và quán hải sản Cường Hiền – bác chủ nói tiếng Anh trung bình, tiếng Việt lõm bõm, rất hiền và chân thành với dân Việt.
Nhận phòng xong, chúng tôi thuê tuktuk đi Chum 1 ngay trong buổi chiều. Trời khá lạnh, phải mặc thêm một tấm áo khoác nhẹ. Đi hết 7 cây số đường nhựa, rẽ phải theo biển báo, lối dẫn vào Chum 1 đi ngang một bản Lào bình lặng. Trẻ em tung tăng đuổi gà bắt chó quanh sân rồi lại nhảy xuống đường mương nghịch nước. Thiếu nữ nghiêng mình chải tóc trước hiên nhà.
Chum 1 bao gồm nhiều di tích chum đá nằm rải rác, trong đó gồm cả chiếc chum lớn nhất với trọng lượng khoảng 6 tấn. Đi giáp một vòng Chum 1 giống như đi quanh một miệng chén nằm nghiêng, từ những bậc thang đầu tiên dẫn lên ngọn đồi nhỏ nơi tọa lạc của chum lớn, đi xuống vùng đất thoải rộng phía dưới với nhiều chum hơn trong các tư thế đứng nằm, rồi lại theo vết đường mòn leo lên ngọn đồi bên kia để vòng ra cổng chính. Rải rác đó đây những hố bom chứng tích của quá khứ chiến tranh tàn khốc. Cùng với Chum 2 và 3, Chum 1 thuộc nhóm 7 địa điểm (đánh số 1, 2, 3, 16, 23, 25, 52) – trong tổng số hơn 50 địa điểm được ghi nhận có di tích chum đá – đã được dò phá bom trong phạm vi tương đối để có thể mở cửa đón du khách. Ngày nay, việc tham quan chum đá của du khách đã dễ dàng hơn với hệ thống đường sá và hạ tầng dịch vụ. Thế nhưng quay ngược lại thời điểm năm 1930, mới thấy quý trọng và nghiêng mình cảm phục công lao của bà Madelene Colani, nhà khảo cổ học người Pháp đã dày công khảo sát và nghiên cứu để giới thiệu với thế giới kỳ quan cổ đại này. Công bố này của bà có thể so sánh với việc Henri Mouhot truyền bá hình ảnh của quần thể Angkor Wat đến phương Tây, nếu không muốn nói là có phần kỳ bí hơn, vì đến hiện nay vẫn chưa có một cơ sở khoa học nào được thừa nhận rộng rãi về nguồn gốc và tính năng của các chum đá cổ hơn 2,500 năm tuổi kia. Mọi định đoán vẫn chỉ là giả thuyết. Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có một bài viết rất đáng tham khảo, mọi người có thể tìm đọc tại link sau
(Quỳ lạy một nền văn minh đã mất ở Cánh đồng Chum) http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/canh-dong-chum
Re: 9 ngày trên đất Triệu Voi - nhà sàn, chum đá và những quả bom chưa nổ
đường phố Phonsavan
trên đường đi Chum 1, thi thoảng vẫn bắt gặp những cụ xe tải hồi đó...
ngoài du lịch, kinh tế vùng chỉ có nông nghiệp
Hãy bảo vệ những Cánh đồng Chum
1. Đừng trèo lên chum
2. Đừng đi lung tung ngoài phần đường đã đánh dấu
3. Đừng thả rác vào chum
4. Đừng đục khắc hay viết vẽ lên chum
5. Đừng lấy cánh đồng chum làm bãi cắm trại
6. Hãy hỗ trợ công đồng địa phương bằng cách mua và sử dụng những sản phẩm bản địa và dịch vụ do cư dân địa phương cung cấp
lối lên đồi nơi có Chum to nhất
đây Chum to
và người nhỏ (chú này trèo lên chum thế là không được đâu đấy nhé)
This site uses cookies to help personalise content, tailor your experience and to keep you logged in if you register.
By continuing to use this site, you are consenting to our use of cookies.