What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Trước mặt India Gate có một đại lô dài và rất đẹp, hai bên là thảm cỏ rộng và cây xanh mướt. Con đường này dẫn thẳng tới Phủ tổng thống và các cơ quan đầu não của Ấn độ với kiến trúc vô cùng hài hòa và đẹp đẽ. Từ đây có thể chụp ảnh India Gate ở phía xa xa.
 
Pb: "Hoa văn chạm khắc tinh xảo trên cẩm thạch sáng trắng[/CENTER]


Lúc đến đây Red Fort, được nhìn tận mắt, được mân mê sờ mó - đúng nghĩa, được chiêm ngưỡng các kiệt tác của quốc vương Shah Jahan, tôi càng rạo rực mong cho ngày được đến Agra, để sớm được chiêm ngưỡng tuyệt tác của những tuyệt tác của vị vua tài hoa này, ngôi đền diễm lệ Taj Mahal. Chắc nó còn đẹp hơn bội bội phần!"


Hình điêu khắc trên đá cẩm thạch trắng không thôi cũng rất đẹp. Còn các hoa văn trên đá cẩm thạch trắng là các loại đá màu khác nhau, được cắt và ghép rất tỉ mỉ. Nếu vào buổi tối, soi đèn vào đá sẽ thấy sắc màu hiện lên vô cùng rực rỡ, kỳ ảo. Ngày nay, ở Agra có những cửa hàng với những người thợ thủ công ngồi ghép từng mảnh đá như tổ tiên họ đã làm trước đây, nhưng không phải để xây dựng một Red Fort và Taj Mahal nào nữa mà để làm các đồ thủ công, đồ trang trí đắt tiền.
 
Delhi của một thời vang bóng – 12

(cont.)


Delhi cỡi ngựa xem hoa 1 ngày thì thấm tháp gì, đủ thiếu gì, nhưng nếu các danh thắng ở Ấn Độ mà muốn la cà cho “đủ” chắc cũng mất vài năm (!). Do vậy, cả bọn quyết định là sẽ ở thêm Delhi một ngày nữa rồi đến tối sẽ lên tàu đi Amritsar. Công việc của ngày hôm nay là sáng sớm đóng gói hành lý, trả phòng, gửi hành lý lại nhà nghỉ để chiều quay về lấy, ra ga mua vé tàu đi Amritsar. Cũng từ ga tàu New Delhi, chúng tôi đi bộ đến ga Metro New Delhi, lên Metro thẳng hướng đến thành cổ Purana Qila, kế đó nữa là lăng mộ vua Humayun...


Nhưng đã được đến thành Purana Qila ngay đâu, ga gần nhất cách đó vài km, nhưng được cái trên đường đến đó có các điểm tham quan khác nghe nói cũng hấp dẫn nên cả đám cứ lò dò đi bộ. Giờ này nắng ở Delhi vẫn còn chát chúa nhưng cũng may là vỉa hè đoạn đường này có nhiều cây xanh nên cả bọn cứ thế túc tắc mà đi.


Tham quan cái viện bảo tàng của tòa án xong (phải nộp máy chụp hình và cả điện thoại di động) thấy cũng chẳng có gì hấp dẫn, cho dù việc tham quan miễn phí và có các chú lính nhiệt tình hướng dẫn. Nghe nói ở đây có 2 cái bảo tàng, 1 cái nói về hệ thống luật pháp của 3.500 trước CN, 1 cái là của thế kỷ 20. Nhưng hôm đó, chẳng biết sao cái 3.500 BC chẳng mở cửa, còn cái bảo tàng về hệ thống luật pháp của TK 20 thì chẳng hấp dẫn đối với mấy kẻ lang thang chỉ thích hoa lá hẹ màu mè.


Trên đường, có 1 ngôi đền hay chùa gì đó là lạ, chẳng có bảng biểu tiếng Anh gì hết nhưng cả bọn cứ xông vào. Dân tình cũng rất nhiệt tình chỉ trỏ nhưng chẳng hiểu gì hết. Chỉ thấy mấy cái cây được trang trí hay hay, ngắm nghía làm vài tấm hình rồi đi tiếp.


PB231404.jpg

Cái cây được trang trí đẹp lạ ở cái đền / chùa không biết tên.


PB231405.jpg

Mấy anh mấy chú đi lễ toe toét cười khi được chụp hình


Ngay trước khi đến Purana Qila là một bảo tàng đồ thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ, rất đáng xem. Bảo tàng nằm trong một khuôn viên xanh mát và lưu giữ cả mô hình của những ngôi nhà, xóm làng của các dân tộc ở Ấn Độ. Ở đây lưu giữ và trưng bày hơn 20.000 hiện vật về thủ công mỹ nghệ từ cổ đến kim, đến từ khắp nơi trên đất Ấn.


PB231408.jpg

Các đồ vật bày bán cũng đầy tính nghệ thuật


PB231421.jpg

Các con hổ giấy này là tranh rối bóng, cử động được.


PB231411.jpg

Một cỗ xe ngày xưa, nhìn nó nhỏ vậy chứ không phải đâu


PB231412.jpg

Phải mượn một anh giai Ấn đứng chụp hình mới thấy nó to cỡ nào​


(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 13

(cont.)


PB231420.jpg

Trang trí trên tường nhà của một ngôi nhà Ấn xưa


PB231407.jpg

Các phù điêu chạm trổ giả cổ trong làng bảo tàng

Vì bảo tàng thủ công mỹ nghệ cũng không cho chụp hình bên trong nên tôi không chia sẻ được hình ảnh ở đây nhưng các tác phẩm của họ rất tinh xảo và đa dạng. Từ kim loại, đá quý đến ngọc, đến gỗ, đến xương động vật đến giấy, đến… đủ thứ bạn có thể nghĩ ra. Đồng bọn của tôi là dân “kiến” rất mê đắm các tác phẩm ở đây. Ở đây không chỉ là 1 bảo tàng mà còn có thêm một làng nghề thủ công, họ vừa làm vừa bày bán nhiều thứ đồ tinh xảo nên hôm đó, các đồng bọn đã khuân thêm một mớ đồ từ chỗ này về quê nhà. Tôi thì không, như mọi lần!


PB231406.jpg

Các bức tượng trong nơi thờ phụng thần Aiyanar – một vị thần theo dân gian Ấn Độ.​


Nếu có thời gian lang thang và đọc kỹ các thông tin chi tiết về các hiện vật được trưng bày ở đây thì sẽ rất thú vị. Cơ man nào là những bức tranh thêu tinh xảo, khảm ngọc quý đá quý lộng lẫy, ngay cả những món đồ gỗ hay đồ kim loại cũng được chạm trổ những nét hết sức tinh vi độc đáo.


PB231419.jpg


PB231416.jpg

Nhà tranh trong làng “giả” xưa


PB231417.jpg

Nhà giàu trong làng “giả” xưa​


Cả bọn đã quy định giờ tập trung để đi Purana Qila, nhưng phải dời đi dời lại mấy lần mới dứt ra được cái viện bảo tàng hấp dẫn này để kéo nhau lần mò theo bức tường thành rêu phong đi sang Purana Qila. Đi theo con đường hoang ven bờ thành này mát mẻ và thích hơn đi ngoài đường lộ chính nhiều nhưng cuối đường là phải leo qua hàng rào nhọn hoắt mới đến được cổng vào Purana Qila. Mấy bạn nữ mà có muốn đi con đường này nhớ lưu ý nhé, nếu không leo qua rào được phải vòng lại xa lắm đó.


(tbc.)
 
Cảm ơn bác BackPackervn rất nhiều về những chia sẻ của bác về Ấn Độ.
Sắp tới ngày 4/12/2009 em sắp có một chuyến đi tới Hydrabad, nhờ các bác kinh nghiệm chia sẻ với em chút ít.
 
Delhi của một thời vang bóng – 14

@ qtrung, rất tiếc là bpk chưa đi được Hyderabad nên không có thông tin để chia sẻ với bạn. Bạn vào bài Ấn Độ, Hành trình di sản T2.2010 , hình như trong đó có một bạn cũng sắp đi Hyderabad để trao đổi với bạn đó nghen. Chúc bạn một chuyến đi vui!
….


(cont.)


PB231422.jpg

Một cổng thành ở con đường hoang

Con đường ven theo thành cổ, dọc theo Mathura Road ngoài kia, đi men ngay dưới chân các đoạn thành xưa không được tu sửa nên dấu vết hoang phế rất rõ. Thành có tường thật dày và cao ngất ngưỡng. Gần nửa thiên niên kỷ qua rồi, gạch đá cũng đã tan vỡ, đã hao gầy nhưng thành cũ còn rất uy nghi. Đi dưới chân thành này mới có cảm giác phiêu-phiêu về các câu chuyện, những hình ảnh vẫn xem về các trận công thành ngày xưa, chắc cũng không đơn giản như trong phim đâu – nhất là khi xem thành này.


PB231425.jpg

Thành xưa hoang phế


PB231428.jpg

Cổng thành Tây, nơi chúng tôi vào thành. Bạn có thấy cái hàng rào nhọn bên tay trái. Thấy vậy chứ cao lắm đó​


Nói đúng ra lúc đầu thấy con đường hoang vu cỏ mọc rậm rịt cả bọn cũng chưa dám đi nhưng thấy các bạn trẻ Ấn Độ băng băng vạch lối vén lá mở đường, thế là cả bọn mới lò dò thì theo, nào ngờ gặp con đường đẹp. Lúc đó còn hí hửng nghĩ là đi còn đường này vào được trong thành luôn, trốn được vé nữa chứ. Sau đó mới biết mình nhầm to…


PB231430.jpg

Khuôn viên mênh mông của Purana Qila nhìn từ ngoài cổng thành – xa xa là thánh đường Hồi giáo


PB231431.jpg

Những con đường thênh thang trong Purana Qila​

(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 15

(cont.)


Purana Qila nằm ngay trên vị trí của ngôi thành cổ xưa Indraprastha, phần vương quốc được chia cho năm anh em Pandava trong sử thi Mahabharata. Ngôi thành cổ này có 3 cổng, nếu bạn lang thang giống chúng tôi, nghĩa là đi metro đến ga Pragati Maidan, sau đó đi bộ xuôi theo con đường Mathura để viếng Bảo tàng thủ công mỹ nghệ Delhi,… bạn sẽ đi vào bằng cổng tây. Ngoài ra, còn có cổng đông của thành Purana Qila cũng mở cửa, cổng này thì gần sở thú Delhi, do vậy, nếu bạn thích đi xem sở thú và vừa viếng Purana Qila thì nên đi cổng đông, nhưng mà chẳng có ga metro nào ở gần đây cả.


PB231477.jpg


Thế kỷ XV-XVI là thời của các quốc vương Hồi giáo Mughal lừng danh ở Ấn Độ, lúc bây giờ, thế nhưng Purana Qila lại được xây dựng trong một thời gian ngắn mà vua Sher Shah, người đã làm gián đoạn các vương triều Mughal, đánh bại quốc vương Mughal Humayan, đẩy vị quốc vương Mughal này đến tận vùng Iran, để chiếm quyền kiểm soát vùng này. Ông đã cho xây dựng thành Purana Qila từ năm 1538 đến năm 1945, cũng là năm ông qua đời.


PB231462.jpg


PB231460.jpg

Các kiến trúc tinh xảo trong thành Purana Qila


PB231459.jpg


PB231457.jpg

Một nhóm các chạm trổ khác.


PB231438.jpg

Một tòa tháp trong Purana Qila​


Khi vua Sher Shah qua đời, quốc vương Humayan đã quay lại tấn công và chiếm lại quyền kiểm soát vùng này và từ đó, con cháu của ông tiếp tục phát huy tiếng tăm lừng lẫy của các các quốc vương Mughal đến nhiều thế kỷ sau.

(tbc.)
 
Cảm ơn bác BackPackervn rất nhiều về những chia sẻ của bác về Ấn Độ.
Sắp tới ngày 4/12/2009 em sắp có một chuyến đi tới Hydrabad, nhờ các bác kinh nghiệm chia sẻ với em chút ít.

Hyderabad là một trong những điển hình về sự chung sống của hai tôn giáo Hindu và Islam. Do tới 40% dân số ở đây theo Islam nên cuộc sống Hyderabad có sự hòa quyện mạnh mẽ của cả 2 tôn giáo. Tất nhiên đã có những xung đột đẫm máu gần đây nên dân du lịch cũng nên ý thức nhiều về sự an toàn, tốt nhất là tránh xa lễ hội và nếu không cần thiết thì đừng lãng vãng khu vực ga tàu, chợ búa đông người. Tuy nhiên Hyderabad là nơi tuyệt vời để xem kiến trúc Mughal và những di tích Hindu cổ.

Xem:
- Kiến trúc Islam: Charminar, cung điện Chowmahalla, đền Mecca Masjid (gạch nung từ đất đem ở thánh địa Mecca về), thành Golkonda.

- Kiến trúc Hindu: Thousand Pillar temple xây 1163 ở Warangal cách Hyderabad 150km

Mua: ngọc trai nước ngọt Hyderabad

Ăn: cơm Ấn Hyderabadi Biryani. Nếu thật sự thích thức ăn Ấn thì đừng nên bỏ qua món này. Cơm Biryani ở Ấn mỗi nơi một khác từ cách nấu đến cách cho hương vị nhưng cơm Ấn ở Hyderabad được cho là ngon nhất, nấu theo cách truyền thống của Mughal, đến từ sa mạc Afghanistan.
 
Delhi của một thời vang bóng – 16

@ oilman, Wow, lâu quá mới thấy bạn vào thăm. Bạn chia sẻ thêm về Ấn Độ đi nhé. Đọc những thông tin khác của bạn về Ân Độ, máu giang hồ (vặt) của bpk cũng bắt đầu sôi sùng sục, nhất là vào những ngày này, những buổi sáng Sài Gòn cuối năm lành lạnh… Thèm đi đâu đó quá!....

(cont.)


Đi từ cổng tây như chúng tôi, bạn sẽ thấy thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran trước tiên và bạn không thể lẫn vào đâu được vẻ diễm lệ không phai nhạt theo thời gian của toà thánh đường có kích thước vừa phải này. Đây là thánh đường của quốc vương Sher Shah. Trải qua 5 thế kỷ, thời gian và con người, toà thánh đường vẫn giữ được nhiều những phù điêu chạm khắc đa dạng tinh xảo trên đá sa thạch đỏ hay cẩm thạch trắng hay đá hoa cương…


PB231463.jpg

Thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran


PB231456.jpg



PB231455.jpg



PB231443.jpg

Các khung cửa sáng ngời của Qila-i-Kuhran​


Tuy không mang vẻ tinh xảo như chạm khắc cẩm thạch kiểu của Red Fort, các chạm trổ điêu khắc mềm mại, khéo léo của những nghệ nhân Ấn Độ trên các loại đá bằng những công cụ đơn giản ngày xưa sẽ làm cho chúng ta rất kinh ngạc. Toà thánh đường còn là nơi thăm viếng và chụp hình, làm dáng của rất nhiều nam thanh nữ tú Ấn Độ vì nét duyên dáng và sự gọn nhỏ ấm cúng của nó thay vì một Masjid Jama hoành tráng.


PB231444.jpg

Hoa văn trong thánh đường


PB231451.jpg

Thiếu nữ Ấn xinh mơ màng trong thánh đường (chụp lén nên nhòe)​


Bên cạnh thánh đường có 2 thái cực, một bên là bãi cỏ xanh mướt mời gọi bạn đi tiếp vào trong thành Purana Qila, một bên là đồng khô cỏ hoang mọc bời bời bên cạnh những dấu xưa đổ nát – phần không được phục chế và bảo dưỡng của thành cổ. Chính phần này đã làm cho ngôi thánh đường Hồi giáo càng đẹp lộng lẫy giữa hoang tàn. Chúng bạn đã bỏ đi tìm cảnh đẹp người xinh… còn tôi ngồi lặng trên bức tuờng cũ nát nhìn cỏ hoang mê mải mọc chạy tít xa miệt mài, mơ về một Ấn Độ nhiều trăm năm trước, nghĩ về vài chục năm sau… biết có còn…


PB231442.jpg

Giữa uy nghi kiêu hãnh và hoang phế…​

(tbc.)
 
Delhi của một thời vang bóng – 17

(cont.)


Không xa thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran bạn sẽ thấy một tòa nhà bát giác bằng sa thạch đỏ, tòa nhà Sher Mandar, được đức vua Humayan, sau khi quay trở lại, chiếm lại thành Purana Qila, đã dùng làm thư viện. Cũng chính tại tòa nhà thư viện Sher Mandar này, đức vua đã trượt chân té khi đi xuống các bậc tam cấp. Ông đã bị thương và qua đời sau đó ít lâu. Từ việc này có thể rút ra một kinh nghiệm nho nhỏ: nên dành thời gian đi du lịch hơn là đi thư viện vì nguy cơ tử vong rất cao (just kidding).


PB231436.jpg



PB231478.jpg

Tòa nhà thư viện Sher Mandar​


Khuôn viên của thành đến đây là bãi cỏ xanh rì với nhiều cây to xanh mát trong vườn cũng như những con đường với những hàng cây cau kiểng mọc thẳng tắp. Con đường xanh mát đó dẫn đến một phế tích được viếng thăm nhiều nhất ở Purana Qila, nơi còn có một cổng thành xưa mà chính quyền Ấn Độ đã không cho trùng tu, vẫn giữ lại được nét oai nghi của thành xưa sau gần nửa thiên niên kỷ. Có rất nhiều các anh cảnh sát canh giữ nơi này nhưng họ cũng để cho các bạn trẻ (và cả bạn không trẻ bpk) vào bên trong lần mò tìm xem có gì hay ho không. Thực ra, cũng như nhiều việc khác, chỉ nên đứng ngoài nhìn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Bên trong chỉ là hố sâu, gạch nát cầu thang sụp… và dĩ nhiên là không ai cho phép leo lên cái thành gần 500 năm tuổi rồi – đừng có mơ!!!


PB231470.jpg


PB231472.jpg



PB231475.jpg

Đây là cái cổng thành được xuất hiện nhiều nhất trên các post-card, hình về Purana Qila vì nó được giữ nguyên hiện trang, không được (hay bị) trùng tu nhưng vẫn giữ được nét xưa huy hoàng của nó​


Lang thang trong thành Purana Qila, ngắm thành xưa vườn mới đài xưa đền cũ… đã đời, chúng tôi rút lui để tìm đường sang lăng mộ vua Humayan. Nhưng trước khi đi, xin phép hơi khiếm nhã một tý, tôi gửi lên đây một trong nhiều tấm hình “chộp” được trong vườn của Purana Qila – như 1 trong nhiều minh chứng (theo thiển ý của tôi) vì sao kinh Kamasutra ra đời trên đất Ấn. Có thể bạn không đồng ý, vì bạn có thể chia sẻ nhiều tấm hình để chứng minh kinh Kamasutra đúng ra phải ra đời ở xứ An Nam (!?). Vậy xin mời bạn :D !


PB231468.jpg

Chuyện tình yêu – chỉ có ở India!​


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,372
Bài viết
1,159,416
Members
190,552
Latest member
chinh77
Back
Top