12.3/ Địa điểm thứ ba tại cụm di tích Thới Sơn - chùa Phước Điền (hay còn gọi là trại ruộng Thới Sơn):
DSC_0425 by
Chantam, trên Flickr
Trại ruộng Thới Sơn (Chùa Phước Điền) là nơi Phật Thầy và các đệ tử dẫn dắt dân nghèo vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ. Họ khai phá và lập những cơ sở tôn giáo đầu tiên gọi là “Trại ruộng”. Ngoài mặt “Trại ruộng” để che mắt sự dòm ngó và gây khó dễ của bọn quan lại, nhưng thực tế đây là một cơ sở tôn giáo thuở sơ khai của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Nơi đây, sau khi tín đồ khai phá vùng đất hoang vu, họ bắt tay vào cày cấy, sản xuất, như quan niệm của Đức Phật Thầy từ buổi đầu lập đạo. Theo nếp sống và sinh hoạt được định ra từ những ngày đầu, thì ban ngày tín đồ cùng nhau trồng trọt, cày cấy, đến tối sẽ lo tu tập:
“Khát thời uống nước Tào Khê
Đói ăn ma phạn tối về canh tân”.
Như vậy rõ ràng đây là một mô hình mới và độc đáo, vừa có thể tu hành nhưng cũng không vì lợi ích bản thân mà quên đi cộng đồng xã hội. Chủ trương đó của Phật Thầy dẫu đã qua gần hai trăm năm, trại ruộng xưa nay đã thành chùa chiềng, làng mạc, nhưng tư tưởng ngày ấy vẫn được tín đồ kế tục và phát huy.
Ngày nay khuôn viên chùa Phước Điền có diện tích rộng lớn, tuy nhiên quy mô chánh điện lại nhỏ. Đó là bởi vì chủ trương Phật Thầy là giản dị hóa cách thức hành đạo, không xây chùa am lớn vì Phật cốt ở tâm chứ không phải xây chùa cao, đắp tượng lớn.
Theo một số tư liệu, chùa Phước Điền có hai cặp đối tương truyền của Phật Thầy, là:
“Nhứt trần bất nhiễm Bổ Đề địa
Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn”
và
“Phước bảo thiền quang thanh tịnh vô vi thường phổ chiếu
Điền kinh công đức viên dung bát nhã biến thông truyền”.