Re: Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt (tháp Pô Romê)
Pô Romê cũng là một trong số các vị vua được thần hóa của người Chăm, được người Chăm thờ phụng vì có nhiều công lao với dân chúng lúc sinh thời.
Truyền thuyết Chăm mô tả về nguồn gốc, cuộc đời và sự nghiệp của Pô Romê khá ly kỳ.
Đại khái rằng mẹ Pô Romê đang là gái đồng trinh, tự nhiên thụ thai, nên bị đuổi ra khỏi nhà, phải tự vào rừng sinh nở và nuôi con, rồi sau đó nhờ những cơ duyên tình cờ mà Pô Romê được vua gả con gái cho, rồi sau đó truyền ngôi cho.
Tuy ông có nhiều công lao làm đất nước hưng thịnh, nhưng lại cũng là người trúng mỹ nhân kế của chúa Nguyễn, rồi thua trận và bị giết.
Đấy là về truyền thuyết, còn thực tế lịch sử, vua Pô Romê được ghi khá rõ (có lẽ vì ông sống khá gần với ngày nay).
Các tài liệu sử Chăm còn lại, ghi rõ rằng Pô Romê làm vua Chăm từ năm 1627 đến 1651.
Sau chiến bại của Trà Toàn năm 1471 với nhà Lê (Đại Việt), đất Chiêm Thành cũ bị chia nhỏ, Lê Thánh Tôn sau khi bắt Trà Toàn, đã phong vương cho cháu Trà Toàn là Bố Trì Tri, được cai quản vùng đất Panduranga và KautHara.
Em Trà Toàn là Trà Toại được cai trị ở vùng Tây Nguyên.
Đến thế kỷ XVI, thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vương quốc (Nam) Chiêm Thành được nhìn nhận trở lại.
Tuy nhiên, sau 1471, nhóm hoàng tộc Chăm từ Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) chạy về Giao Nam (Bình Thuận) lánh nạn và tranh chấp quyền bính với các dòng vương tôn địa phương tại Phan Rang (Virapura). Nhóm người này tự nhận là truyền nhân đích tôn của vương triều cũ (vương triều Vijaya) và kêu gọi dân chúng địa phương không thừa nhận dòng họ Bố Trì Tri vì chỉ là cấp thừa hành của các dòng tiên vương (do nhà Lê phong vương cho). Tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, các dòng vương tôn Nam Bắc Chiêm Thành kết thành từng phe nhóm tranh chấp lẫn nhau.
Với thời gian, dòng dõi vương tôn Nam Bàn được dân chúng mến chuộng và tôn lên làm vua cai trị lãnh thổ Nam Chiêm Thành. Yếu tố bộ tộc truyền thống Cau và Dừa phai dần trong ký ức tập thể dân gian và kể từ thế kỷ 15 trở về sau huyền thoại này không còn được nhắc tới nữa.
Dòng họ Bố Trì Tri không trị vì lâu. Năm 1478 Bố Trì Tri mất, em là Koulai lên thay nhưng năm 1505 bị ám sát tại Champassak (Nam Lào), con là Chakou Poulo kế nghiệp và trị vì đến 1530 thì mất.
Kể từ sau ngày đó con cháu dòng vương tôn Nam Bàn được hoàng triều và dân chúng tôn lên làm vua.
Con Trà Toại là hoàng thân Po Karutdrak được tôn lên làm vua, kế nghiệp Chakou Poulo cai quản xứ Panduranga.
Con Karutdrak, thái tử Maresarak làm vua năm 1536.
Po Kanarai lên ngôi năm 1541, hiệu Chế Bãi.
Năm 1553 Chế Bãi mất, Po Ất (Po At) lên thay
Năm 1560, Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm buộc phải cống nộp phẩm vật hàng năm. Không sao tìm đủ phẩm vật dâng nộp, Nguyễn Hoàng cử người xuống Aryaru (Tuy Hòa) thông báo cho vua Po Ất cung cấp số lượng phẩm vật nói trên, nhưng bị từ chối. Liền tức thì, Nguyễn Hoàng xua quân tiến chiếm Phan Rang, quân Chăm rã hàng, hàng ngàn người chạy theo Po Ất lên Tây Nguyên lánh nạn. Sau khi cướp phá các đền đài và tịch thu hết tài sản của hoàng gia Chiêm, Nguyễn Hoàng rút quân về nước nhưng để lại số binh sĩ trấn giữ Tuy Hòa.
Năm 1579, lợi dụng sự yếu kém của quân Chăm, một hoàng thân Khmer trấn thủ lãnh thổ đông-bắc Chân Lạp (Mondolkiri và Rattanakiri) dẫn đại quân tiến vào Phan Rang giết Po Ất rồi tự xưng vương, hiệu Po Klong Halau.
Năm 1603 khi Po Klong Halau qua đời, con là Po Thikdhik lên thay, hiệu Po Nit
Po Nit mất năm 1613, em là Po Chai Păran kế nghiệp. Po Chai Păran dời đô từ Virapura (Phan Rang) về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí) đề phòng chúa Nguyễn tấn công bất ngờ.
Năm 1618 Po Chai Păran mất, con là Po Ehklang lên ngôi.
Năm 1622 nội bộ triều chính Panduranga có loạn, một vương tôn đạo Bani tên Po Klong Menai (Po Klău Manai) giết Po Ehklang rồi tự xưng vương, hiệu Po Mahtaha
Dưới thời Po Klong Menai, xung đột với người da trắng và tôn giáo trở nên trầm trọng. Đất nước trở nên loạn lạc, dân chúng sống trong cảnh lầm than, tại mỗi nơi các lãnh chúa và tù trưởng địa phương tùy theo sức mạnh của mình tổ chức đánh phá các nơi khác để cướp bóc lương thực.
Trước cảnh loạn lạc này, năm 1627, một tù trưởng người Thượng gốc Churu tên Thốt được dân chúng Chăm và người Thượng tôn lên làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Dẹp loạn xong, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Po Romé (Pô Romê)
(Theo Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam - Nguyễn Văn Huy)
Như vậy, Pô Romê không phải là người Chăm mà là người ChuRu.
Pô Romê có lẽ là người mở ra triều đại cuối cùng của Nam Chiêm Thành, dòng dõi nhà vua sau đó nối nhau truyền 16 đời đến năm 1832 thì chấm dứt cùng với việc Panduranga bị vua Minh Mạng nhập hẳn vào đất Việt.