I'm Vietnamese!!!
TAM NGUYEN·THURSDAY, SEPTEMBER 1, 2016·27 MINUTES
Đầu tiên tôi sẽ trích ra một đoạn viết của bạn tôi là một người Pháp chính hiệu tên Florent viết trên facebook: "Il y a maintenant 1 an, je débarquais au VIETNAM ! Entre aventures, découvertes & rencontres de personnes qui ont changé ma vie, c'est une expérience que je ne suis pas près d'oublier ! — feeling nostalgic."
Tôi tạm dịch ra tiếng Việt: "Đã một năm rồi, tôi đến với Việt Nam. Giữa những chuyến đi, khám phá và gặp gỡ những con người đã thay đổi cuộc đời tôi, đó là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ quên được."
Tây nó thấy yêu Việt Nam vậy, mà trong mắt nhiều người dân mình, Việt Nam xấu xí lắm. Hằng ngày vẫn đầy rẫy các lời ca thán của nhiều bạn trên "cộng đồng mạng" về con người, đất nước, du lịch... nói chung cái gì cứ đụng vô người Việt là thấy nó xấu. Nhưng sau một thời gian dài đi và nhìn ngó, tôi có những cái nhìn khác về những gì đang diễn ra. Không phải là AQ, cũng không phải lạc quan tếu. Mà là nhìn trực diện vào vấn đề để nhìn thấy bản chất của nó, chứ không hô hào la toáng lên mà thiếu đi sự phân tích một cách nghiêm túc.
Hồi mùa đông ở Paris, khi đang lập cập trong cái áo to xụ và vũng nước dưới chân đóng thành cục đá, bạn tôi ta thán: "Ước gì mùa đông qua nhanh nhanh, trời ơi tao ghét mùa đông và tao thích mùa hè lắm Tâm ơi." Tôi hơn gì nó, cũng đang run lập cập xếp hàng đợi vô ăn tối, nhưng nghe nói đến mùa hè thì tưởng tượng ra Nha Trang ngay. Chu cha mẹ ơi, giờ này mà được nằm lăn lộn dưới cát trắng Nha Trang chắc phê lắm. Tôi bèn nói với nó: Mày có biết là đất nước tao chỉ toàn mùa hè không? Nó quay lại: KHÔNG THỂ NÀO. Trời đất, làm gì có ở đâu chỉ toàn mùa hè chứ. Tôi nháy mắt với nó: Vậy mà có đó. Việt Nam. Và biển ở đất nước tao thì siêu đẹp luôn. Sau đó là nguyên một tràng giải thích về Việt Nam cũng như vài quốc gia khác ở Đông Nam Á có mùa hè dài bất tận. Bạn tôi chưa đi Châu Á bao giờ. Nên nghĩ rằng ở đâu trên thế giới này cũng có 4 mùa. Và mùa đông thường dài đằng đẵng với tuyết bay mù trời, cây cối trụi lá, rét căm căm. Tôi sướng lắm, chọc ngay vào nỗi đau đớn vì lạnh của nó, nên mắt nó sáng rực lên. "Tâm ơi, tao muốn đi Việt Nam." Thật ra, con người ta thường có xu hướng thích những gì mình không có. Và câu này đúng nè, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đi nhiều mới thấy mình nhỏ bé trước thế giới rộng lớn. Trước khi đi ra ngoài thế giới, tôi tưởng nơi nào cũng như nơi nào cả. Nhưng sau này, tôi biết mùa đông trời tối rất nhanh, 4h chiều là trời sụp tối rồi. Còn mùa hè, như lần rồi ở New York thì đến 8h tối trời vẫn còn chói nắng. Nghe đồn đến giữa hè còn muộn hơn. Thậm chí có những nơi mặt trời không bao giờ tắt. Hay như mùa này gọi là hè đúng không, nhưng ở Châu Úc đang bắt đầu mùa đông lạnh teo râu. Tôi tin rằng, không phải ai trên thế giới này cũng biết Việt Nam mình là một quốc gia đặc biệt khi miền Bắc đang mùa đông tê tái thì miền Nam đang nóng đổ lửa. Hay hình ảnh Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bên nắng đốt bên mưa quây đâu.
Đề tài mùa hè vĩnh cửu của tôi luôn là cứu cánh trong các câu chuyện với bạn bè Tây. Tụi nó thú vị trước những cái lạ mà nó chưa được trải nghiệm. Và chắc rằng, đứa Tây nào cũng muốn nằm dài trên bờ biển uống nước dừa dưới bầu trời mùa hè nhiệt đới. Đứa nào không thích là đứa đó bị bệnh. Vậy đi
=))
Hồi xưa, lúc bắt đầu bước ra nước ngoài, tôi cũng bị ngại ngần khi cầm trên tay passport Việt Nam. Trong đầu bị tiêm nhiễm toàn những thứ tào lao kiểu như: Passport Việt Nam qua cửa khẩu Singapore bị vịn lại, qua Thái Lan bị khám người, qua Mỹ coi chừng không được nhập cảnh, qua Hàn Quốc bị trả về... Hồi đó có biết gì đâu, cứ sờ sợ là bị phân biệt đối xử. Vậy mà sau đó tôi đi ta bà tứ hướng, thề rằng, đi đâu cũng được đối xử vui vẻ và công bằng. Bà mẹ, trong đầu mình nghĩ mình là lừa đảo thì chắc chắn mìnhh sẽ biểu hiện như một thằng lừa đảo. Còn nếu mình tự tin qua nước người ta du lịch, khám phá, học hỏi, mua sắm... thì thái độ của mình cũng sẽ như vậy. Thậm chí sang những nước lớn như Pháp, Mỹ, Nhật... tôi còn tự tin vô cùng vì mình là người Việt Nam. Trong mắt họ, Việt Nam còn nghèo lắm mà sao mày đi du lịch bụi sang tận đây? Còn đi một mình nữa cơ chứ. Tôi luôn trả lời rằng Việt Nam tao giờ khác xưa hồi. Không có chiến tranh nữa và thế hệ trẻ bọn tao đi bụi kiểu này hà rầm, chẳng có gì đáng ngạc nhiên đâu. Với cái mặt rất chảnh haha. Đương nhiên, tôi không chảnh cho bản thân mình, mà chảnh dùm cho một thế hệ luôn. Tụi mình trẻ, tụi mình làm việc chăm chỉ, nói được tiếng Anh, tụi mình ham mê dịch chuyển, tụi mình không cảm thấy xa lạ khi tiếp cận với thế giới... thì tụi mình đã là những công dân quốc tế rồi đấy thôi. Ai đặt ra cái quyền chỉ có dân nước giàu mới có quyền đi và trải nghiệm? Ai đặt ra chuyện passport Việt Nam nên phải đi đứng khép nép? Dẹp. Ba cái bài báo lá cải đăng tin người Việt xấu xí chỉ đáng để lót đít mà ngồi. Xã hội nào cũng có người tốt người xấu, người này người kia. Mình không tự tin thì người ta coi mình kém cỏi là đúng thôi.
Giờ kể chuyện nào trước nhỉ? Chuyện ở sân bay Đài Loan hay chuyện ở nhà Julia ở Paris?
Chuyện Paris trước đi nhé. Hôm đó ngồi nói chuyện với chú, ba của Julia. Chú định cư ở Pháp từ rất lâu rồi ai mà nhớ, nhưng chú vẫn nói tiếng Việt rất sõi. Chú bảo: Ở đây cũng đầy người kỳ cục con ơi. Gặp nhau là xổ tiếng Pháp rồi tự nói mình là người Pháp, không nhận gốc gác Việt Nam nữa. Mà Pháp cái gì không biết. Tóc đen, da vàng, mũi tẹt. Pháp chỉ là cái quốc tịch, chứ còn con người mình, thì đi đâu, làm gì, quốc tịch gì đi nữa thì làm sao chối bỏ được con. Mình là người Việt Nam. Cho đến khi chết thì vẫn là người Việt Nam.
Chú chỉ nói lên một sự thật. Mà trong cộng đồng đó, chú nhìn thấy. Không phải vì chú yêu Việt Nam nhiều, hay chú không ưa mấy người kia. Tôi thì nghĩ rằng con người từ chối nguồn gốc của mình thì họ sẽ thuộc về nơi nào? Tôi, quốc tịch Việt Nam. Và tôi có thể đi mọi nơi trên thế giới này nếu tôi cố gắng. Đó là những gì tôi đã chứng minh được. Thậm chí tôi kể rồi đó thôi, khi phỏng vấn visa Mỹ, trong tài khoản tôi có rất ít tiền đó thôi, nhưng họ vẫn cấp visa một cách vui vẻ. Vì sao ư? Vì tôi làm cho họ tin rằng, nếu thực sự, tôi có muốn trốn ở lại, thì tôi hoàn toàn có thể tồn tại được ở cái xã hội đó mà không phải là một gánh nặng. Sau này, nhiều người hỏi sao có nhiều người rớt khi phỏng vấn Mỹ dù tài khoản có vài tỷ? Vài tỷ chỉ là một phần của vấn đề, nó ko phải là tất cả. Còn những thứ khác, thử hỏi họ không đạt yêu cầu thì làm sao được cấp visa?
Rồi, bây giờ là câu chuyện Đài Loan. Ai cũng biết ở Đài Loan có nhiều người Việt mình qua làm công nhân và oshin. Bữa đó tôi bay từ Mỹ về bằng China Airlines của Đài Loan. Mua vé quá cảnh ở Đài Loan 8 tiếng đồng hồ để vô thành phố chơi cho biết. Nhưng có nhiều thứ không như mình nghĩ. Khi đến sân bay, họ không cho tôi ra ngoài. Sau đó mới biết là mình phải điền vô một cái form online trước trên mạng, rồi in cái đó ra mới được ra khỏi sân bay. Tôi nhờ họ giúp đỡ nhưng họ trả lời rất lạnh lùng: Tụi tao không thể giúp mày. Không giúp cơ đấy. Vì passport của tôi ư? Trong khi đang lăng xăng giúp môt thằng Tây. Tôi suy nghĩ một hồi, rồi qua terminal khác, bước vô thẳng khu vực của China Airlines rồi nói: Tao muốn đi ra ngoài, đề nghị tụi bay làm cho tao cái giấy ra ngoài. Tụi nó nhìn nhau, không dám nói cái gì rồi tẩn mẩn ngồi làm. Thậm chí khi máy bị treo thì chạy qua máy khác làm. Tôi không quan tâm tụi nó nghĩ thế nào về người Việt hay passport Việt Nam, chỉ là tôi muốn tụi nó học cách tôn trọng người Việt. Cho dù tôi có là công nhân đi chăng nữa, thì thái độ lạnh lùng đó là thái độ gì? Sau đó thì tôi ra ngoài thật. Nhưng khi đặt cái tour miễn phí đi vào thành phố thì con nhân viên lại nhìn passport rồi trả lời: Tụi tao hết chỗ rồi. Ừ hết chỗ thì thôi, tôi tự đi cũng được. Dù thằng Tây đến sau thì vẫn còn chỗ. Có thể do nó đặt chỗ trước, có thể nó là Tây. Nhưng, vì là một ta ba lô chính hiệu nên tôi không nản chí, đi đến quầy vé để tự mua vé vào thành phố.
Tôi chỉ muốn nói rằng, trong mọi trường hợp, đừng tự kỷ ám thị rằng mình bị đối xử như thế vì mình là người Việt. Mà lúc nào, trong tâm thế của mình phải là mày phải đối xử với tao như một khách hàng. Dù tao có là người Việt, Sing, Thái, Lào, Campuchia hay người gì kệ tao. Miễn sao tao hợp pháp đến đây, tự do trong hành xử và không làm gì sai trái hay phạm pháp, thì mày không có quyền gì để phân biệt đối xử. Tôi nghĩ rằng mình không nên xây nó thành hàng rào, để đi đâu cũng xù lông lên với người ta. Mà đó chỉ là bản năng để tự vệ khi bị phân biệt đối xử. Còn bình thường, tôi vẫn là một người siêu thân thiện khi ở nước ngoài. Đến mức hành lý quá kí được cho qua là lẽ thường tình.
Vậy mà, nhiều khi lại nghe nhiều chuyện "nhục dùm". Ngộ ghê. Thời nay đẻ ra cái từ nhục dùm, chứ hồi trước đâu có. Mạnh ai nấy nhục thôi. Ăn cắp ở Nhật, nhục dùm, ăn buffet ở Singapore, nhục dùm, chôm đồ ở Thái, nhục dùm, trốn ở lại Hàn Quốc, nhục dùm... Rồi khi nghe tôi đi Nhật, thì có người bảo là cẩn thận chứ người Nhật ghét người Việt lắm. Ta nói sai quá sai mà. Người Nhật thích người Việt một cách ngạc nhiên. Và người Nhật cũng đủ thông minh để biết rằng vài thành phần ăn cắp xấu xí đó không thể đại diện cho cả một cộng đồng người Việt đang làm việc cần mẫn hăng say tại Nhật. Hay cả một Việt Nam vui vẻ hiền lành. Những người Nhật tôi gặp đều thích Việt Nam một cách kỳ lạ. Ai cũng đã từng đến Vịnh Hạ Long, hay đến Sài Gòn... hay vài tháng nữa tao đi Việt Nam. Họ khen người Việt thân thiện. Đúng thôi, vì người Việt mình mà gặp người Nhật thì luôn sẵn sàng giúp đỡ đấy thôi. Rồi lời tốt chuyền tai, họ tin rằng đến Việt Nam sẽ rất vui và có nhiều người tốt.
Nhưng Việt Nam cũng có giựt đồ! Ừ, ngay cả mình là dân Việt mà còn khổ lên khổ xuống với cái nạn giựt dọc ngoài đường. Chẳng có gì lạ khi người địa phương nó còn không tha chứ nói gì khách du lịch. Không lẽ tụi giựt đồ đứng lại nhìn coi mày là người Việt hay nước ngoài rồi mới quyết định giựt để giữ thể diện cho quốc gia, không làm nhục quốc thể. Rảnh. Giựt là giựt. Mà thời buổi này, mấy thông tin kiểu đó thiếu gì. Tôi tin rằng không có em bé ngây thơ nào sang Việt Nam chơi mà không đọc trước những cảnh báo ấy cả. Thế nó mới thú vị các bạn ạ. Tôi hỏi thằng bạn Tây, mày có sợ không? Nó nói tao thấy thú vị. Giống như một trò chơi được cài đặt sẵn là thằng Tây trước sau gì cũng bị giựt đồ, mà cuối cùng nó lại thoát. Nên nó khoái. Và chính cái xã hội phúc tạp này dạy cho những khách du lịch từ nước ngoài những bài học về sự khác biệt. Xã hội nào cũng có những tồn tại của nó. Chính sự khác biệt làm nên sự đa dạng của thế giới. Và Việt Nam thì quá khác biệt, như một thế giới khác mà tụi Tây ba lô chưa bao giờ nghĩ là nó sẽ trải qua. Rồi nhiều người, nhiều người hơn chọn thành phố này làm nơi để làm việc, sinh sống, và hạnh phúc theo cách riêng của họ. Tôi không hiểu, trong khi nhiều người khác đang yêu thích nó thì những người trong cuộc lại đang nhìn nó như con vật xấu xí bẩn thỉu và cần được xóa bỏ. Để thay đổi một xã hội và các vấn đề trong xã hội đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Từ từ, bình tĩnh...
Bữa nghe được một tiết lộ động trời của tụi Tây ba lô. Rằng trên đường đi nếu hết tiền thì bán điện thoại, laptop, máy chụp hình... lấy tiền xài. Xong rồi chạy vô công an phường bảo là tao bị giựt đồ, xin giấy xác nhận bị mất để về nước lấy lại tiền bảo hiểm hoặc lấy cái mới. Thấy tụi nó cũng toàn quỷ ma. Với bổn tính thân thiện và tin người, nhiều khi mình tin rằng đúng là mất mặt khi đi qua Việt Nam chơi bị giựt hết đồ sau này ai dám qua nữa. Trước khi qua Việt Nam, chắc chắn thằng nào con nào ngu cỡ nào cũng tranh thủ đi mua bảo hiểm cho tài sản của mình. Chẳng có cái gì bị mất cả, thậm chí còn được lời nữa cơ. Cho nên tôi cũng chẳng mảy may nhục dùm những trường hợp đó. Tụi bay đang đi vào vùng cấm, nơi mà tao còn không đảm bảo dc tài sản của mình thì ai không cẩn trọng sẽ mất của. Đương nhiên, ai cũng mong xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng trước khi nó tốt đẹp hơn, thì hãy cứ sống chung với lũ và coi đó như là một kinh nghiệm.
Sống chung với lũ, đôi khi lại là một trải nghiệm hay. Trước khi đi Việt Nam, thì thằng Tây bà Đầm nào cũng chuẩn bị tinh thần cho mình một hành trình thú vị. Đẹp hay xấu chưa biết, nhưng nó phải thú vị. Vì đó là những trải nghiệm họ chưa từng trải qua trong đời và chắc chắn rằng Việt Nam là một quốc gia cần dành thời gian để "khám phá". Hiếm có đất nước nào có nhiều thuận lợi như mình. Biển đẹp vô bờ dọc chiều dài đất nước, thức ăn đa dạng các vùng miền không trùng lặp, văn hóa các vùng miền khác nhau, nhiều dân tộc sinh sống thuận hòa. Mấy bạn Tây ba lô tôi thích nhất là cưỡi xe máy từ Đà Nẵng vô Huế để ngắm nhìn cảnh đẹp, đi Hội An thả đèn lồng, Hà Nội phố phường, hay lên Sapa, Đồng Văn nghe hồn núi thở. Vào Nha Trang, Mũi Né tắm biển, vô Sài Gòn ăn chơi sôi động ngày đêm, lên Đà Lạt yên ả mát mẻ. Hay về miền Tây nghe hò, tát nước bắt cá... Ngay cả cái Sài Gòn này, nhiều người Việt nói với tôi rằng có gì đâu mà đi. Hồi đó, mỗi lần bạn Tây sang tôi dẫn đi Nhà thờ Đức Bà, nhà hát Thành phố, Bưu điện thành phố... Vì nghĩ đó là những thứ đặc biệt nhất ở thành phố mình ở. Sau này, khi đi Châu Âu mới té ngửa là trời ơi, bên này nhà thờ nó to hơn mình, bưu điện cũng bư hơn mình, nhà hát nó đẹp hơn mình. Cái nó cần đâu phải là những cái đó, mà là ngồi sau xe máy chạy lang thang trên đường, đi vào các chợ địa phương có chị bán hàng hung dữ nhưng thấy Tây thì giả bộ hiền thục đoan trang hồ quỳnh hương siu black, hay đi trên những con đường có bóng cây mát mẻ, kể nó nghe về lịch sử các kiểu. Đơn giản vì tôi hiểu 1 điều, nó đi tìm những thứ nó không có. Mỗi lần chở Damiano ra đường là tôi lo. Nó ngồi sau, lấy điện thoại hoặc máy quay ra chụp hình quay phim liên tục. Tôi phải nhắc nó: Mày coi chừng dùm tao cái. Nó ừ ừ, cất vô rồi len lén lấy ra chụp tiếp. Vì nó quá hào hứng mà. Ai đến đất nước này mà không hào hứng chứ?
Bữa ngồi cà phê ở Starbucks với bạn. Tôi ngồi đọc sách và bạn ngồi làm việc. Xa xa 2 dãy bàn là 2 cô gái Hàn Quốc xinh đẹp nói chuyện to kinh khủng. Ai cũng quay sang nhìn nhưng hai bạn đó hào hứng quá nên quên mất xung quanh. Thế mà bạn tôi tiến lại, nói là tao đang làm việc và tụi mày có thể nói chuyện nhỏ lại chút xíu không? Hai cô gái hiểu ra vấn đề nên nói xin lỗi và điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng nhà bên cạnh. Là ai cũng vậy, văn hóa ứng xử là cái thứ cần phải học khi bước ra đường. Người Việt Nam mình thường vui vẻ xởi lởi, đôi khi cũng ồn ào dữ lắm. Nhưng đó không thể là cái ồn ào mọi lúc mọi nơi, đâu thể xem mọi nơi là nhà. Và mấy bạn nước ngoài cũng vậy. Nếu ồn ào, nhắc ngay. Nhìn sành điệu xinh đẹp vậy mà ra đường bỏ quên văn hóa ứng xử ở nhà thì kỳ quá sá. Nhắc để thấy rằng người mình hay người nước ngoài cũng có người này người kia, không được đánh đồng. Vì không được đánh đồng nên có một chuyện tôi nghĩ rằng mình hơi nhạy cảm khi phán xét chuyện người Việt mình ăn buffet ở Singapore là mất thể diện quốc gia. Khi một vài tiệm buffet ở bên đó người ta có quy định không lấy đồ ăn dư bằng tiếng Việt. Thế là nhảy lên đong đỏng và quy chụp, đánh giá nhiều người đang làm nhục quốc thể. Xin thưa, có nhiều khi những người bị đánh giá đó còn chưa biết rằng họ đã làm những việc tày đình đến thếTôi đi Singapore, được bạn dẫn đi ăn buffet. Nhìn quanh nhiều cô chú dì người Việt mình cũng đang ăn. Văn hóa người Việt là hiếu khách, ăn uống lúc nào cũng nấu dư ra cho gia đình thằng 5, chị 6 ghé qua ăn, hay thậm chí là mời hàng xóm, láng giềng. Nhất là khi có khách thì khỏi nói, nhà có nghèo thì cũng ráng làm một mâm ê hề. Có bao giờ bạn thấy nhà ở quê mà chia phần ăn theo khẩu phần chưa? Ăn cơm xong cái nồi sạch bóng? Chắc chắn không. Lúc nào cũng còn dư để thằng út, đứa cháu đói bụng mà ăn thêm. Nên đi ra nước ngoài, cái thói quen đó một sớm một chiều làm sao xóa bỏ cho được? Du lịch đã không còn dành riêng cho một riêng ai. Dì 3 thím 6 ở quê giờ có tiền là mua cái tour đi du lịch như bỡn. Rồi lại nghe ông hướng dẫn viên nói là vô quán đó trả mười mấy độ rồi ăn thả ga. Haha, nên vô đó thả ga thiệt, y như cái bản tính người Việt hồn hậu, bưng đồ ăn ra nghĩ mình không ăn thì bưng cho người này người kia. Rồi ăn dư, cái bị lên báo mang tội làm nhục quốc thể. Dân mình, bao nhiêu là ở nông thôn? Bao nhiêu là ở Sài Gòn? Hà Nội? Cho nên có lỡ nhìn thấy người này người kia hành xử chưa đúng thì hãy thông cảm với họ. Đâu phải ai cũng được xếp hàng vô uống cà phê sang chảnh 100 ngàn đâu, mà đó là tình làng nghĩa xóm chân phương mộc mạc. Nên tôi thấy thương họ nhiều hơn là giận. Thương chứ không phải thương hại. Vì đâu đó là hình ảnh những người xung quanh mình. Khi nào xã hội phát triển đồng bộ thì mình mới có quyền yêu cầu những hành xử văn minh, còn bây giờ, lấy cái thói quen tốt đẹp để bị quy chụp thành hành xử kém, đó là điều đau lòng. Đương nhiên, tôi không đề cập đến một thành phần háu ăn hám đói, đúng là "làm nhục quốc thể" quá đi mà.
Trong cùng một xã hội, mỗi con người lại có một quá trình khác nhau để trưởng thành. Là do mình chọn hay chối bỏ. Để thấy rằng mỗi con người dù tốt dù xấu thì đừng đổ thừa cho xã hội. Mà cũng ngộ, tốt mình nhận, xấu xã hội chịu. Đâu ra. Xấu tốt gì thì cũng là con người mình thôi, xã hội là một phạm trù rộng chứ có ai là đại diện đâu. Còn nếu cảm thấy xã hội còn nhiều cái chưa tốt, thì hãy cố gắng mà đi đi, đến nơi mà bạn nghĩ là nó phù hợp với bạn. Chứ mỗi ngày ca thán, "nhục dùm", oằn oại trong những cái "vũng lầy tư tưởng" thì cũng có ngày chìm trong đó. Thay vì vậy, thì hãy đứng lên, tự tin bước đi, hành xử văn minh lịch sự... cũng có nghĩa là góp phần làm cho người ta nhìn Việt Nam mình một cách tích cực. Lựa chọn nào, là của bạn. Nhưng lựa chọn nào, lại chính là con người bạn...
P/S: Post lại. Đối với cái note này, nếu được, tôi nhờ mọi người share ra cho nhiều người cùng đọc. Để thấy, để hiểu và để yêu hai chữ Việt Nam nhiều hơn
<3
<3
<3