What's new

Đêm "thác loạn" trên Đồng Tháp Mười

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có núi non hùng vĩ, chỉ có những con đường buồn tẻ chạy miệt mài cặp bờ sông, giữa đồng lúa hay đồng nước.

Vì vậy, đi chơi ở miền Nam, chủ yếu là xem tình, chứ không phải xem cảnh, chỗ nào vui thì chầu, chả nhát thiết cứ phải đẹp ). Miền sông nước hoang dã dường như tạo ra cái triết lý sống đơn giản, chân chất, khí khái “rất Nguyễn Đình Chiểu”.

Nhiều bác phượt ở miền Bắc, dù được rèn luyện nhiều những trận rượu ngô hay rượu sắn ở miền ngược, cũng thường hay ngại cách nhậu của dân miền Tây phóng khoáng và thiệt tình, nhiều khi dễ tưởng lầm tới mức cố chấp.

Một lần, bọn em đi miền Tây, với cái chốt của chuyền đi là Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, một huyện sông nước sát biên giới CPC. Nó nằm ở bờ bắc sông Tiền, khúc địa giới giữa Đồng Tháp và An Giang.

Chuyện đi đứng chẳng có gì khó khăn. Quốc lộ 1A thẳng xuống phía nam, cách cầu Tân Thuận chừng 4 km có ngã ba quẹo phải vào đường 30, cứ thế thẳng tiến, qua Cao Lãnh, qua tràm chim Tam Nông, là tới Hồng Ngự.

Đó là một thị trấn nhỏ, có hình như bàn tay nắm lại, chỉ chìa ngón cái và ngón trỏ chỉ lên phía bắc.

Các con đường trong thị trấn kẻ thẳng, chéo ngang bàn tay như những đường chỉ tay, chiếu vào khu trung tâm hình chữ nhật dài.

Nhưng các đường chỉ tay này đều dẫn ra sông Tiền, nơi có những bến cảng, bến đò, bến chợ sông nước.

Tại đó, nhờ những người bạn địa phương chuẩn bị trước, bọn em thuê hẳn một con thuyền, quyết chỉ rong chơi “thác loạn” suốt đêm trên sông nước.

Một đống đồ ăn sản vật sông nước (đến giờ em chả còn nhớ được gôm những gì, chỉ nhớ là là những món khó kiếm và rõ là lạ, ngon).

Cái còn nhớ được là các bác ấy khuân xuống thuyền một can rượu thuốc 20 lít nhà tự chế, (lúc đầu em cứ đinh ninh đó là can dầu của bác tài công mang xuống để chạy máy), lại còn cẩn thận mang thêm mấy can loại 5 lít để dự trữ phòng khi thiếu!

Thuyền nhổ neo lúc trời bắt đầu chạng vạng:

IMG_2291.jpg
 
Bọc qua một khoảng đất lớn chồi ra, rẽ vào một ngã ba sông, chui qua một cây cầu lớn. Một con sông đào rộng thênh thang mở ra, thẳng tắp, với nhà kiểu vùng sông nước chòi ra mặt tiền.

Đường ở miền nam là sông, mặt tiền là sông, đường bộ chỉ là hẻm sau. Mọi người khoái chí vắt vẻo hai bên mạn thuyền hóng gió và hưởng cái không gian thoáng thật thoáng:

IMG_0028.jpg


Chạy lâu lắm. Bờ thì xa thật xa, xa thêm:

IMG_0024.jpg


Vẫn chạy, cho cả đến khi hoàng hôn xuống hẳn:

IMG_0044.jpg


Rồi bỗng dưng thấy mênh mông trời nước. Sau này về tra bản đồ và Gúc vệ tinh, mới biết cái đại lộ sông nước ấy dẫn ngược lên phía tây bắc, ra giữa Đồng Tháp Mười.

Trời bao la, nước bao la, thỉnh thoảng có những đám cây lơ thơ, nhưng ngọn cỏ bồn bồn. Có lẽ nước không sâu lắm nên những cây này mới tồn tại và ngóc lên được.

Nước lăn tăn, gió hây hây. Trên đường đi, ba cây đàn ghi-ta được các bác oánh rống lên phèng phèng. Có lẽ vô lum cũng to lắm, nhưng ở cái chỗ này cứ như chỉ là thì thầm:

IMG_2299.jpg


Một điều ngạc nhiên là các bác này, từ nông dân, buôn bán, thợ thuyền, ai cũng đàn giỏi hát hay. Họ giải thích: Ở đây còn trò gì vui đâu, nên ai cũng tự mầy mò để tự sướng và giao lưu với chòm xóm…
 
Ra đến Đồng Tháp Mười, một quảng trường nước vĩ đại, bác tài kiếm một bụi cây mọc trên mặt nước, không nhớ là cây gì, nhưng nó là một chùm cây, thân nhỏ bằng ngón tay, lá nhỏ lơ thơ, nhưng dai ngoách như thân cây dâu, buộc thuyền vào đó.

Sóng dập dồn êm êm, nước đẩy thuyền đi, bụi cây rạp xuống kéo lại. Trăng lên, tỏ tỏ mờ mờ. Cả một đồng nước tĩnh lặng, thi thoảng chỉ có tiếng gió đùa trên cao và nước đùa ộp oạp ở mạn thuyền.

Nhưng trong thuyền thì rộn tiếng cười đùa, chỉ đạo bày mâm lăng xăng tíu tít chen tiếng đàn sáo thơ ca.

Xuống thuyền chả còn phân biệt tài công với thượng khách, chẵn 14 người mà lại khéo thế nào 7 giai 7 gái. Ai cũng như ai, như nhau và vui hết.

Bày biện xong xuôi, một bác gái chìa hai nắm tay úp xuống đi đến từng người, giai một tay, gái một tay. Chả biết các bác ý chuẩn bị từ lúc nào, nhưng trong mỗi nắm tay là những viên bi giấy loại giấy bao xi măng, nhỏ và vo tròn vội vã:

- Chọn lấy một cái và mở ra! Bác ý vui vẻ ra lệnh cho những người khách mới quen.

- Vụ gì dzậy? Em hỏi cho có hỏi.

- Lấy đi, như bắt thăm ấy, rồi đọc số lên.

Em chọn đại một cái, mở ra và xướng to như mọi người:

- 5 (hịhi, em là số 5)

Lần lượt rồi ai cũng có một con số. Xong xuôi, bác ấy hô: Ngồi vào!

Những người bạn địa phương mới quen nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Những bạn khách còn đang lúng túng, chưa biết thủ tục ra sao. Một bác gái tiến đến bên em, cười tươi và nói:

- Anh là số 5, anh ngồi với em. Em cũng số 5 nè.

Bác ý chìa con số ghi trong giấy ra cho em thấy, cứ như để khỏi sợ ăn gian. Em còn đang chùng chình thì bác ý chìa tay ra dắt. Phần cho nó thân mật, phần sợ khách chưa quen, thuyền dễ chòng chành.

“Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim phơi phới gió mùa thu…”

Ai cũng có người chăm sóc tận tình. Cái bác số 5 “của em” rất chu đáo, nào khăn, nào gắp, nào giới thiệu món nọ món kia, nào kể phong tục, cách chế biến, nào … ôi thì đủ thứ mà em chả nhớ hết.

Vì có một sự chăm sóc khác vô cùng ái ngại. Đó là “lên ly”.

Sau vài tua chào mừng, chào hỏi, chào sân…chăm phần chăm, là đến lượt “đá bổng đá bỏ”, ai thích uống riêng với ai thì uống, dù cả bàn có ăn theo hay không. Khách thường “được” thích lại hơi nhiều.

Loáng choáng, nhưng cũng lại phải chào đi chào lại mới toại lòng nhau, hết lượt.

Chuyện trò om sòm cả một khúc sông nước mà chả có ai bị ảnh hưởng. Trên trăng, dưới nước, tất cả mọi thứ đều loang loáng cả. Mấy cái đèn sạc chiếu huơ hoắc chỉ đủ nhìn thấy cái mâm.

IMG_2337.jpg


Em vừa nhắm mắt lại ực một phát, vừa mở mắt ra đã thấy một ly khác gí vào. Lần lượt 7 bác gái cầm sẵn ly chìa sẵn ra bên cạnh. 6 bác zai kia cũng trong tình thế như vậy, sau khi đã thể hiện hết bản lĩnh đàn ông thời nay mà vẫn không theo kịp.

Các bác gái canh kỹ lắm, không thoát được ly nào mà cũng không thoát được giọt nào. Làm vài tua nữa, em phải nghĩ ra kế đứng lên đi vòng vòng rồi kiếm chỗ ngồi khác, hay là tranh thủ lúc các bác gái đứng lên đi lấy đồ bèn xê cái mông-tê-ri-a chuyển chỗ.

Tất cả các trò vặt đều không thoát. Còn chạy đi đâu được nữa trên cái thuyền nhỏ này…
 
Không uống cũng không được. Nhưng quan trọng là đã muốn chơi môt cuộc chơi hội nhập mà lại tách ra thì kỳ. Uống rượu không chỉ là một thói quen, mà là một lối sống ở miền Tây.

Một cách thể hiện lòng hiếu khách? Đúng là như thế nhưng còn hơn như thế, cho dù người miền Tây sống và nghĩ đơn giản và vui vẻ.

Một lần, em có công việc về miền Tây. Sở ban ngành mà em cần liên hệ tiếp chiếu lệ, chủ yếu là bố trí ăn ở ngủ nghỉ, còn công việc chính thì qua loa, cứ như là kệ cho ông tự tìm hiểu.

Chiều đến, mấy bác thấy lơ ngơ trong nhà khách một mình, bèn thương tình rù nhậu cho vui. Mấy anh em kéo nhau ra cái lều vịt ngoài đồng. Ở đó đã có một chảo cá lóc đang luộc.

Cá vớt ra, trong lúc nhậu thì thả gạo vào, xong sẽ húp cháo cá là xong.

Vừa vào mâm, một bác khệ nệ xách can rượu trắng 20 lít, trong vắt, vứt đánh huỵch, đủng đỉnh nhìn 5 người, nói như giao việc:

- Anh em mình làm thế này thôi nhé. Rượu Gò Đen chánh hiệu đấy!

Một cái ly xoay chừng được đem ra, và luật lệ địa phương cũng được tuyên bố cho khách biết: không được để cái ly xuống đất.

Chưa uống thì cứ phải cầm, cho đến khi uống hết thì úp ngược ly giao sang cho người khác.
 
Xoay được vài tua, chuyện tưng bừng khói lửa rồi, cứ mỗi lần em tranh thủ gà vào chuyện công việc, là mỗi lần bị các bác ý bị gạt đi. Nhậu là nhậu, không nói chuyện công việc!

Làm chục tua nữa, choáng váng mà cái can xem chừng chưa tụt xuống được bao nhiêu. Nhìn sang các bác kia cũng sắp rù hết. Một số bác chạy ra ngoài móc họng, rồi tỉnh bơ vào chiến đấu tiếp.

Nhậu kiểu miền Tây lai rai suốt đêm cũng không chết được. Không kể vừa uống vừa “hò sông Hậu” thì vừa uống vừa bi bô múa may quay cuồng nó cũng hả chút đỉnh.

Nhưng sẽ mệt mỏi cả đêm. Em nghĩ cứ đà này biết đến bao giờ mới ngưng được và kiểu gì cũng toi, thôi thì có khi mình toi luôn trước cho nó khoẻ.

Em nghĩ ra một mưu, bèn gạ:

- Thôi, uống bằng ly xoay chừng này lâu lắm, bây giờ uống bằng chén (bát ăn cơm) đi cho nhanh.

Các bác kia còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, em nhanh tay vứt luôn cái ly vào góc nhà, lăn lốc cốc...
 
Vơ lấy cái chén, em rót đầy và tu một phát hết luôn (căng, nhưng nói là phải nhắm mắt làm). Uống kiểu giang hồ Lương Sơn Bạc, tu ừng ực, kệ cho nó vãi lung tung.

Rót chén khác mời người tiếp theo và không cho ngưng, không cho lấy bất cứ cớ gì để rời chiếu nhậu.

Kết quả nhanh hơn dự kiến. Tất cả đều cho tró ăn chè. Em được giấc ngủ ngon, ly bì.

Sáng, mở mắt ra thấy mình nằm trên đống thóc, chung quanh tan nát chim muông.

Khi đến nơi làm việc, em bỗng trở thành “người hùng” trong mắt đồng nghiệp. Mọi người nhìn với con mắt khác hẳn, sự hồ hởi, chan hoà ở đâu dồn dập đến, khác hẳn với kiểu lạnh lùng hôm trước.

Sếp Sở leng keng a nhố a nhồ đi những đâu đó, rồi thông báo:

- Chiều nay nhậu nữa nhé. Tớ vừa gọi điện xuống mấy huyện, gọi mấy chiến hữu lên nhậu với cậu cho nó “có tay”... rồi có gì ta làm việc luôn.
 
Chưa tan tầm, cái bàn đá rửa trước sân Sở đã dọn sẵn một mâm, chờ một cuộc chiến đấu mới. Em ý thức được rằng đó là công việc và mình phải hoàn thành.

Vừa hết giờ làm việc, tề tựu đầy đủ mấy bác lực lưỡng, người được giới thiệu tên là Chín, một tay tổ nhậu, người được giới thiệu là Tư, Năm, những đồng nghiệp thiện chiến từ các huyện về ... chào.

Quả thật, các bác ấy là những người uống rượu như uống nước lã. Em khúm núm hầu cho phải đạo và thắm tình đồng đội.

Chờ đến lúc mọi người vào cơn ngà ngà, em lại giở chiêu cũ, thả cái ly đi đánh choang một phát xuống nền để không ai lấy lại được.

Và cuộc uống tiếp theo chỉ bằng tô, cái tô nhơ nhỡ, to hơn cái chén, bé hơn cái tô ăn phở.

Chẳng ai có thể chịu được sự cấp tập đến thế. Em đương nhiên cũng chết. Nhưng tự hào là người chết sau cùng, sau khi còn nhớ có mấy tiếng kêu lốp bốp do các bác ấy rời tay ly, tự đập đầu xuống bàn... ngất ngay trên cây quất.

Và hình ảnh em còn cố trố lên nhớ được trước khi nhắm mắt xuôi tay là mấy bác kia gục cong keo đủ tư thế, phì phì…
 
Tự dưng trong con mắt các bác ý em trở thành “người chơi được”. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các “liệt sĩ tối hôm trước”, em hoàn thành vượt mức công việc được giao.

Việc chạy băng băng, khác hẳn cái uể oải hôm trước. Tình nghĩa anh em mà, gì cũng giúp và mọi sự dễ dàng, chóng vánh.

Về đến SG, thở phào về công việc đã hoàn thành nhưng ngẫm lại mới thấy: Nào ai biết ai ngờ, vì việc công mà mình phải hy sanh cả phèo phổi, ruột non ruột già tư, lại chả có bảo hiểm gì cả…

Xì-pam cái chuyện này chút xíu là để có cái “phông”, móc với cái đoạn đang tới “thác loạn” trên Đồng Tháp Mười…
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,496
Members
189,952
Latest member
Xelubeouu
Back
Top