What's new

[Chia sẻ] Dọc đường New Zealand- Ghi chép (27/1/2016-15/2/2016)

Để bay từ Hà Nội sang NEW ZEALAND chúng tôi có hai chặng dừng chân. Chặng đầu vừa dừng, vừa chuyển máy bay tại Đài Bắc. Chặng hai ở Sydney. Chúng tôi chọn hãng China Airlines vì vào thời điểm của chuyến đi giá vé khứ hồi của hãng này là hợp lý hơn cả.
Trên máy bay sang Đài Bắc có khá đông chị em Việt Nam sang làm lao động giúp việc nhà . Họ trên dưới tuổi 30 còn mang nhiều vẻ chân chất của con gái nông thôn trong cách đi đứng, nói năng. Tờ giấy làm khăn ăn của tôi bị bay xuống đất, tôi chưa kịp nhận ra thì một cô gái ngồi cách hai hàng phía dưới đã nhanh nhẩu nhặt lên chạy lại đưa. Tôi cảm ơn và hơi ngạc nhiên về cái việc không phải ai cũng làm ở giữa chốn ồn ào, vội vã này. Tôi cũng có cảm giác đó khi đứng trên xe điện chuyển ga bay ở sân bay Đài Bắc. Một thanh niên đang ngồi với bạn gái vội đứng dậy nhường chỗ. Tôi cũng cám ơn vì xe chỉ chạy hai phút. Tôi cứ tưởng đó là một thanh niên châu Á nào đó, hóa ra họ cũng là hai bạn trẻ Việt Nam đang trên đường sang Mỹ. Tôi cứ ngẫm nghĩ về họ, khi có được công việc thích hợp thì chắc chắn họ là những người làm việc rất tốt.
Sau gần hai mươi tiếng đồng hồ rời Hà Nội chúng tôi đã đến thành phố dừng chân đầu tiên ở NEW ZEALAND.
 
8. Thung lũng mộng mơ và thành phố tình yêu
5/2- Trước khi rời nhà nghỉ bên hồ Pukaki, chúng tôi đã đứng lại hồi lâu ngắm những đỉnh tuyết sáng loáng của ngọn núi Cook dưới ánh mặt trời rực rỡ ban mai. Mặt nước hồ Pukaki xanh thẳm phản chiếu ánh nắng làm cho cả một nửa khoảng trời rực rỡ hẳn lên.
Chúng tôi xuôi theo hướng Nam và Tây Nam. Ban đầu vẫn là những cánh đồng không lớn lắm, chốc chốc lại có những giàn tưới vươn sải dài, đôi khi tới hàng trăm mét. Những chú bò thong thả gặm những đám cỏ xanh còn lóng lánh ánh nước. Những kênh dẫn nước về các khu vườn cỏ nổi cao như những con đập dài chạy trên những cánh đồng khô lác đác những đám cỏ héo.
Chúng tôi đã vào thăm một cơ sở nhỏ nuôi cá hồi « High Country Salmon » . Trong một số các bể nước những chú cá hồi cứ mải miết bơi không ngừng theo vòng tròn. Chúng đớp mồi trong vòng quay đó, có khi theo đà lao cả lên mặt nước, rồi lại đáp xuống tiếp tục bơi. Chúng tôi hào hứng vì được dễ dàng xem sự di truyền kỳ diệu đó của tự nhiên. Thêm nữa, chủ cơ sở lại niềm nở đón khách, dù có mua hàng hay không.
Càng đi xuống, các dãy núi từ hai bên càng áp sát các con đường. Đôi khi chúng dãn bớt ra, nhường cho những đồi đất uốn lượn. Qua khỏi thị trấn Omarama chưa lâu, trên một sườn đồi như vậy chúng tôi nhận ra một vùng hoa Lupin dại tím ngát ở bên đường giữa những rặng lau phơ phất xung quanh. Chính là trong mênh mông các triền đồi cao thấp bao bởi các dẫy núi xanh xanh phía xa, khách đi đường không thể nào không đến tận nơi để chiêm ngưỡng những bông hoa rực rỡ đến thế, để cảm nhận được sức mạnh nào làm cho chúng có thể vươn lên trên những ngọn đồi gió gần như ít khi ngừng thổi làm rạp cá đám lau uốn lượn như sóng nước.
Vừa ra khỏi vùng hoa dại, chúng tôi lại gặp tiếp con đèo Lindis Pass. Từ trên đồi cao nhìn xuống, con đường uốn lượn quanh một lòng chảo rộng chiếm toàn bộ cả một tầm mắt. Có cảm giác như cả mặt phẳng đất đai võng xuống như mặt vải và con đường là những sợi chỉ thêu lên mặt phẳng khổng lồ đó.
Vẫn trên chặng đường này, trước khi đến thị trấn Tarras không lâu, chúng tôi lại gặp một cảnh tượng khác. Giữa một vùng đất chỉ có những đám cỏ khô xác, lưa thưa vài cây xanh thấp nhỏ, chợt hiện ra một thung lũng xanh rờn cây cối. Từ thung lũng này, một chuỗi dài các dải cây xanh chạy song song với con đường- như là có một dòng chảy hút các nguồn nước xung quanh đổ theo một đường ngầm dưới lòng đất.
Thiên nhiên ở hòn đảo Nam vừa khắc nghiệt, vừa kỳ diệu. Chặng đường sau đó hầu như nằm giữa các khu núi đá, vừa khúc khuỷu, vừa luôn có các sườn đá chênh vênh lơ lửng đủ hình khối. Con đường sau khi ngoặt theo các sườn đá lại chạy ven theo các con hồ mênh mông- con nào cũng dài hàng chục cây số : Dunstan, Waikatipu… Chúng không rộng nên lúc nào cũng có thể thấy cảnh sắc cả hai bên bờ. Chính ở cuối hồ Dunstan, tại thị trấn Cromwell chúng tôi đã vào mua quả cherries ở trang trại « Glenfied Orchard »- nơi để cho khách đến mua tự hái quả. Suốt một tiếng đồng hồ giữa vườn cây cherries cao 4-5m với những chiếc thang sắt vững chắc, chúng tôi đã thưởng ngoạn và hái những chùm quả mọng tím đỏ trên các cành lá nặng trĩu quả, che kín bóng nắng.
Rồi trong bóng chiều của một ngày vẫn sáng đến tận 9 giờ tối, chúng tôi đã đi dạo trong Queenstown Gardens- khu vườn cây bao quanh vịnh Queenstown thuộc hồ Waikatipu. Phía sau khu vườn là những ngôi nhà trắng toát của thành phố đứng trên sườn núi cao. Một cáp treo bám theo vách núi khá dốc đang kéo hàng chục chiếc buồng chở khách như con thoi liên tục lên xuống.
Xung quanh bờ vịnh thoai thoải, nước trong vắt thấy rõ những hòn sỏi bên dưới, rất đông người ngồi, nằm trên bãi cát hoặc đang vùng vẫy trong lòng nước xanh thẳm. Nhiều người ngồi thành những đám đông, phần lớn là thanh niên trong các bộ đồ thể thao chuyện trò ồn ã hoặc nhâm nhi bên những chai vang vàng óng hoặc đỏ sậm. Các bà mẹ ngồi trông các bé gái đánh đu theo những sợi dây tung mình trên các vũng nước nhỏ. Những bé lớn hơn đang tập đi thăng bằng trên các sợi dây căng là là mặt đất. Chúng đang tập luyện để trở thành chủ nhân của các trò chơi du lịch mạo hiểm nổi tiếng thế giới của thành phố này. Trên đường đến đây, dọc theo các hồ và sông đầy nước, chúng tôi đã chứng kiến những xuồng máy, những môtô nước chở người lướt đi với tốc độ chóng mặt.
Giữa những dòng người đang đi lại, ở một góc phố nổi lên bức tượng màu đồng hun một người đàn ông trung niên đang đứng trầm mặc. Dưới chân bức tượng đề tên W.G.Rees(1827-1898)- người có công đầu trong việc thành lập thành phố vào năm 1860.
Ngay gần lối vào khu vườn là Đài tưởng niệm giống một chiếc cổng lớn để mọi người đi qua với dòng chữ trên nóc : « Service above self » (Nghĩa vụ cao hơn cá nhân). Hai bên cổng ghi tên tuổi những người con của thành phố đã hy sinh trong thế chiến I trong hàng ngũ quân đội Anh. Queenstown với không đầy ba vạn dân mà có sức cuốn hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
 
9. Những hồ nước xanh thẳm
6/2- Chúng tôi rời Queenstown trong không khí mát lạnh của buổi sáng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con hồ Waikatipu trên chặng đường hơn bốn chục cây số ngược lên phía Bắc đến thị trấn Glenorchy. Con hồ vẫn còn đoạn dài gần bằng thế nữa khi buổi chiều chúng tôi xuôi theo nó ngược xuống phía Nam. Vẫn mặt nước trong xanh ngăn ngắt với khoảng cách chừng 300-400m sang đến bờ hồ bên kia. Nếu bên này là những rặng cây xanh, thường phía bên kia là những khối đá sừng sững dựng cao sát mép nước . Chúng cứ đổi nhau như thế suốt chiều dài con hồ. Đôi lúc có những hòn đảo um tùm cây xanh nổi lên giữa hồ. Một hòn đảo lớn như thế ở gần thị trấn Glenorchy- từ cách xa vài cây số đã nhìn thấy- được gọi là chiếc đầu của hồ Wakatipu (Có lẽ vì nó nhận được đầu tiên những dòng nước do băng tan từ dãy núi Humbolot). Khi đến thị trấn này chúng tôi đã nhìn thấy trên nhiều đỉnh của rặng núi đứng sừng sững trước mặt vẫn lấp lánh nhiều mảng trắng bạc của băng vẫn còn dù vào cuối hè. Dưới ánh chiếu thuận chiều của mặt trời, mặt hồ là cả một tấm gương phẳng và dài xanh thẫm tít tắp đến tận xa. Song vào buổi chiều, dưới ánh mặt trời chiếu ngược lại, cả mặt hồ lại lóng lánh những gợn nước sáng bạc như đang có muôn nghìn con cá vẫy vùng trên mặt nước. Chúng tôi đã dừng lại nhiều lần để nhìn làn nước hồ nổi bật dưới những vực sâu trên nền cả một thảm cây xanh đủ dáng vẻ từ mặt nước phủ kín lên các thành vực.
Từ thị trấn Glenorchy chúng tôi đã đi vào con đường được mệnh danh là « Paradise Route »(Con đường thiên đường). Con đường nhỏ, gập gềnh song « thiên đường » chính là rừng cây xung quanh. Những khu rừng xanh um song ánh nắng vẫn chiếu sáng vào tận bên trong, nổi rõ những thân cây với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có cả một khu rừng lạ lùng chỉ những thân cây thẳng với cành không còn một chiếc lá nào. Con đường này càng nổi tiếng vì từng làm bối cảnh cho bộ phim « Chúa tể của những chiếc nhẫn ».
Khi đi qua thị trấn này, chúng tôi lại thấy tượng đài một người lính cầm súng chống báng xuống đất ở tư thế nghỉ. Hai bên bức tượng là bảng ghi tên tuổi những người lính sinh trưởng ở đây đã hy sinh trong thế chiến I và thế chiến II. Mỗi người ngoài được ghi ngày tháng năm sinh còn ghi thêm là con của ông bà nào. Người ta đã chú ý ghi công lao cả của những người sinh thành ra người lính.
Chúng tôi cứ ngẫm nghĩ về những điều mà người dân ở thị trấn này cũng như ở Queenstown đã làm để ghi nhớ những người con đã hy sinh của mình.
Buổi chiều, từ « Con đường thiên đường » chúng tôi lại trở lại con đường men theo hồ Waikatipu về Queenstown. Từ đó đi tiếp gần 200km đến thị trấn Te Anau kề bên công viên quốc gia Fiordland. Con đường vòng theo thung lũng bao quanh rặng núi Eyre. Sau khi xuôi về phía Nam khoảng 100km, bắt đầu rẽ về phía Tây, hai bên đường lại hiện ra liên tiếp những đồng cỏ xanh thẫm, với các dàn máy tưới phun nước trắng xóa. Nhiều đàn cừu, đàn bò đông đúc nhởn nhơ gặm cỏ trên các cánh đồng phẳng hoặc men theo các sườn đồi.
 
10. Những cánh bay trên núi biếc.
7/2- Trước mặt chúng tôi là con đường nổi danh 110km đi xuyên qua công viên quốc gia Fiordland, từ Te Anau tới Milford Sound- thị trấn biển được coi là trung tâm của công viên nổi tiếng này. Trời chỉ hơi lạnh với bầu không khí trong suốt và nền trời xanh ngắt- không thể dễ dàng thấy vào những ngày hè muộn tại hòn đảo có thời tiết như ở vùng cực Bắc ở bán cầu Bắc. Hồ Te Anau cũng trải dài xanh trong đến già nửa chặng đường. Song nó chỉ hiện ra sát bên từng khúc một, còn phần lớn khuất sau những rặng cây dầy đặc hoặc đằng sau những dãy núi cao tạo thêm các khe sâu ngăn cách với con hồ. Chúng tôi đã dừng lại ở Te Anau Down- đoạn con hồ lộ ra. Trước mặt là hồ nước xanh thẫm trên nền núi đá với dải mây trắng dài vắt ngang, phía sau lưng là một vùng đồng cỏ rộng mầu vàng non với đàn cừu đông đúc cần mẫn gặm cỏ. Ít có cảnh nào tạo nên một vẻ đẹp yên bình đến thế.
Chúng tôi đã ngắm nghía những ngọn núi phản chiếu xuống Mirror Lakes- như một tấm gương lớn nằm tĩnh lặng trên nền đất. Đó là những tấm gương tự nhiên nằm trong chuỗi những tài sản thiên nhiên thuộc khu vực Tây Nam NEW ZEALAND được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Chúng tôi chỉ đủ thời gian đi chừng 20 phút vào trong khu rừng mở đầu cho chặng đường phải mất 3 giờ đồng hồ đi qua các thung lũng Hollyford, Greenstone và Eglinton. Chỉ là chặng đầu thôi mà chúng tôi đã thấy một khu rừng già với các thân cao rậm lá nhưng mặt trời vẫn chiếu sáng khắp mặt đất. Chúng tôi leo qua nhiều dốc đá để ngắm các dòng suối bị các tảng đá lớn chắn ngang tạo thành nhiều thác đổ các dòng nước cuộn réo không ngừng. Có lúc từ trên cao hàng trăm mét, chúng tôi nhìn một dòng suối len lỏi giữa các khe đá thành một vệt trắng dài nổi bật giữa thảm xây xanh mọc kín cả hai bên sườn núi.
Chúng tôi đã đi qua đường hầm Homer để đến Milford Sound. Đó vốn là một trong những khu vực hoang vu nhất mà con người khó đặt chân đến.
Hình ảnh những con người xây dựng con đường này trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt ở nơi này vào những năm 30 của thế kỷ trước còn được trưng bầy ở giữa chặng đường. Con hầm Homer dài 1,2km trên độ cao 945m so với mặt biển cũng mãi đến năm 1953 mới được hoàn thành. Nhờ đó mà người từ khắp thế giới có thể dễ dàng đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa đã dành cho Milford Sound.
Chúng tôi đã lên con tầu Maine of Milford đi trong gần hai giờ đồng hồ vòng tới cửa vịnh Anita đổ ra biển Tasman. Ngay khi bước lên tầu, sừng sững trước mặt chúng tôi đã là đỉnh núi Rahotu cao 1623m trên ngọn vẫn còn phủ băng trắng toát. Con tầu đi sát các sườn núi óng ánh nước của băng còn tiếp tục tan. Nhiều chỗ nước sối từ trên hàng trăm mét xuống thành những dòng thác tỏa bụi nước mịt mù, làm con tầu phải vòng tránh để khách khỏi bị ướt. Hai bên bờ vịnh là những dãy núi -cao không kém bao nhiêu so với ngọn Rohotu- thường có các dải mây trắng dăng ngang như những tấm lụa, còn trên đỉnh hoặc lấp lánh mặt băng trắng hoặc mờ mịt trong mù sương. Sau khi tròng trành ở cửa vịnh vì sóng biển, con tầu vòng về theo mặt bên kia của vịnh.
Nhìn bên ngoài, chúng tôi cũng nhận ra khách trên tầu có đủ từ các châu lục. Một bạn trẻ người Pháp, Alexandre Saint Laurent, đã nhận ra và hỏi thăm chúng tôi, vì anh bạn đã từng nghiên cứu một năm về Luật tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Xuống tầu rồi, chúng tôi còn nán lại ngắm cảnh những chiếc máy bay cánh quạt hoặc trực thăng loại nhỏ cứ thay nhau chừng 4-5 phút cất cánh từ một sân bay gần đấy. Những chiếc máy bay đủ các mầu sắc in rõ trên nền mặt núi biếc ngay trước mặt chúng tôi. Những chiếc này chở khách ngắm núi non, sông suối của công viên Fiorland và Milford Sound- linh hồn của công viên này. Chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi đọc tấm bia tưởng niệm đặt ngay tại bến tầu với dòng chữ « Chúng tôi không quên các bạn trẻ (gồm tên tuổi 6 người Nhật từ 24 đến 34 tuổi và 1 phi công 21 tuổi) đã mất trong vụ tai nạn máy bay tại đây ngày 30/12/1989 ».
Người ta không quên những nhọc nhằn trong quá khứ và sự mất mát của con người.
 
11. Ly nước bên hồ
8/2 - Sáng sớm, sương mù giăng bên mặt hồ Te Anau một khoảng đủ có thể thấy rõ màu nước hồ trong suốt hơi xanh nhạt. Chúng tôi vòng ra cảng hồ để ngắm nhiều thuyền thể thao con sơn màu trắng dập dềnh trên sóng giữa mênh mông của mặt hồ. Ngày trước, khi giao thông trên bộ còn khó khăn, nó từng là một cảng vận chuyển hành khách và hàng hóa hoạt động tấp nập.
Chúng tôi rời Te Anau để trở lại thành phố du lịch sầm uất Queenstown. Lại trải dài trong tầm mắt những đồng cỏ màu vàng sẫm điểm lốm đốm hàng trăm con cừu màu trắng nhạt. Núi đồi nối tiếp nhau với những khối đá gồ ghề sừng sững và những thảm cây xanh trải dầy. Ở giữa chặng đường vắng vẻ đó, chúng tôi tạt vào một quán nối tiếng « Five Rivers Cafe », cảm thấy ngay hơi ấm quyện với mùi thơm của cafe và các món ăn, sau những làn gió lạnh bên ngoài. Quán nổi tiếng có lẽ vì đứng một mình giữa chặng đường này. Và có thể vì một lẽ nữa khi cách đó không xa có tấm biển cạnh một bức tường thấp ghi : « Những người di cư từ Anh sang đã xây những bức tường này vào cuối thế kỷ 19 làm nơi cư ngụ cho những thợ mỏ thuộc vùng Trung Otago và một số nơi lân cận ».
Không lâu sau, chúng tôi gặp lại đoạn cuối của con hồ Waikatipu (chạy suốt từ Glenorchy qua Queenstown xuống). Mặt hồ xanh thẫm ngút tầm mắt, phía bờ bên trái là dãy núi đá sừng sững, phía xa cuối mặt hồ là hai đỉnh núi đá gần như giao cắt nhau, phía bờ bên phải là những rặng cây xanh san sát. Cả một hồ nước như thế cứ lấp lánh sáng suốt dọc đường 20km ngược lên Queenstown.
Chúng tôi rẽ vào ăn bữa trưa nhẹ trên bãi cỏ xanh ven hồ của thị tứ Frankton sát trung tâm Queenstown. Trong bóng râm, gió qua mặt hồ thổi lên lành lạnh. Những bãi cỏ xung quanh cũng có nhiều người ăn bữa trưa như chúng tôi hoặc vừa nằm tắm nắng vừa đọc sách.
Trên mặt hồ nhiều chiếc môtô nước nối đuôi nhau lướt đi, tạo thành những vệt sóng trắng sáng chồng lên nhau cạnh bờ. Vài cậu thiếu niên cởi trần lội xuống bơi trong làn nước trong vắt.
Một ông bố dẫn hai đứa trẻ, một còn lẫm chẫm, một chừng 4-5 tuổi xuống vầy nước và xem đàn vịt bơi bên cạnh. Lát sau người vợ dáng vẻ gốc Á với dáng đi nặng nề của người sắp ở cữ mang gói bánh xuống cho hai đứa trẻ tung cho vịt ăn. Họ cho các con chơi một lát với đàn vịt rồi dắt chúng lên xe đi. Chúng tôi cảm thấy nét mặt họ rạng ngời trong cuộc dạo chơi hạnh phúc đơn sơ như thế.
Sau khi xếp xong hành lý ở Copthorne Hotel& Apartments ngay trên đường Frankton của Queenstown, chúng tôi tiếp tục ngắm mặt hồ Waikatipu(phần thuộc thành phố này gọi là vịnh Queenstown). Bầu trời trong xanh chỉ lác đác vài cụm mây nhỏ ở chân trời, gió thoảng nhẹ mang hơi nước của hồ. Từ tầng 5- tầng cao nhất của Copthorne, chúng tôi ngồi trên ban công rộng rãi, uống ly nước mát, nhâm nhi những trái Cherry đỏ sậm của vùng này. Chúng tôi ngắm làn nước xanh rợn sóng, những rặng cây như những búp măng lớn phía bên kia hồ, những bãi cỏ nửa xanh nửa vàng nối tiếp đằng sau và mấy tầng núi đá liên tiếp nữa cao sừng sững. Trên sườn bán đảo phía trái của hồ nước là những ngôi nhà trắng đứng thành nhiều lớp sáng lấp lóa dưới ánh nắng còn rực rỡ tuy đã ngả về chiều.
 
12. Hoang sơ và mạo hiểm
9/2- Vịnh Queenstown hiện ra rực rỡ trong ánh nắng sớm. Những ánh vàng dát lên sườn núi bên kia hồ. Những dẫy nhà trên sườn đồi bên phải càng sáng lên trong ánh nắng. Tất cả được phản chiếu lung linh dưới mặt hồ bắt đầu có màu xanh nhạt.
Chúng tôi sẽ đi một chặng dài nên không còn đủ thời gian lên đỉnh cáp treo ngắm toàn cảnh thành phố mà chỉ nhìn những toa cáp treo tiếp tục lên xuống khá thẳng đứng thành một vệt dài giữa đồi cây xanh (lên cao 450m, mà độ dài của cáp treo chỉ là 730m).
Chúng tôi vào khu vườn cây Queenstown Gardens ngắm lại phong cảnh trung tâm của thành phố trong không khí ngày thường. Không ồn ào, náo nhiệt như ngày nghỉ song vẫn đông người đi dạo hoặc ngồi chuyện trò trên các hàng ghế ven hồ. Tại một góc vắng trong khuôn viên của khu vườn đặt bức tượng một cô gái nằm co người trên bệ cao chừng một mét- bức tượng cũng chỉ bằng 1/3 người thật. Cô gái được ghi tên là Manata- theo một truyền thuyết về hồ Wakatipu. Chúng tôi chú ý là những bức tượng hoặc biển tưởng niệm ở đây thường chỉ vừa đủ để người ta ngắm và ngẫm nghĩ.
Chúng tôi đi về phía đông dọc theo con sông Kawarau. Khúc quanh của con sông này có cây cầu nổi tiếng trong giới trẻ thế giới gọi là Kawarau Bridge Bungy- được coi là nơi khởi nguồn trò chơi mạo hiểm này. Ở khúc quanh, tuy hai bên bờ là những tảng đá cao và dòng chảy bị bẻ ngoặt nên chảy xiết, song đến đoạn giữa nó đã chậm lại. Tại đây, trên độ cao 43m so với mặt nước , một chiếc cầu gỗ được bắc ngang qua. Khi chúng tôi tới thì đã có người vừa nhảy, đang chới với nắm đầu sào từ con thuyền đợi sẵn trên sông để đón lên thuyền. Ở giữa cầu, tại chỗ đứng để chuẩn bị lao xuống dưới, một nhân viên phụ trách đang dặn dò lần cuối người nhảy tiếp theo. Người này đã được buộc một sợi thừng to và dài ở chân. Sau cái vẫy tay chào mọi người, người nhảy giang hai tay lao xuống dưới. Sợi dây kéo lên xuống vài lần, cho người nhẩy được rút lên hạ xuống rồi mới thả người xuống thuyền đã đợi sẵn. Chỉ trong vòng 15 phút đã có 5-6 người nhảy như thế. Không phải ai cũng dám nhảy chúc đầu xuống và chạm tới mặt nước. Rất đông thanh niên cả nam lẫn nữ nhộn nhịp trong phòng đợi để lên nhảy. Đúng là giữa khoảng sông nước mênh mông như thế, nhìn những thân người phóng ra trên không, uốn lượn lên xuống, nó kích thích sự gan dạ của con người, đặc biệt là với lớp trẻ. Tuy trò nhảy Bungy mới chính thức bắt đầu từ năm 1988 nhưng ở Kawarau Gorge người ta đã nhảy kiểu như thế này từ năm 1881.
Đây cũng thuộc thung lũng Gibbston- một trong những vùng trồng nho nổi tiếng của hạt trung tâm Otago. Chúng tôi đã vào nhà hàng « Gibbston Valley Cheese » để nếm thử rượu nho và pho mát- đặc sản của vùng.
Đi tiếp vào vùng này, hai bên đường san sát những cánh đồng nho với những hàng cây thẳng tắp. Nếu nhìn kỹ, ở đầu nhiều hàng cây có ghi rõ tên loại nho đang trồng.
Chúng tôi đi dọc con sông Kawarau- con sông đưa nước từ hồ Waikatipu vào hồ Dunstan đem lại sự mầu mỡ cho vùng trung tâm Otago. Những cuộn cỏ to đã cắt bọc trong các bao nilong trắng hoặc xanh xếp đầy trên những cánh đồng rộng vàng rực màu các gốc cỏ.
Những cánh đồng đó vẫn còn chạy tiếp lên phía Bắc tới thị trấn Wanaka- nơi bắt đầu một con hồ nữa- hồ Wanaka. Chúng tôi đã nghỉ ăn trưa ở ven hồ thị trấn này. Ở đây hồ là nơi người ta thường đến nghỉ ngơi, kể cả ăn uống, rồi tắm nắng, bơi lội. Ở ven hồ Wanaka cũng vậy. Người ta cũng trải khăn ra bãi cỏ để ăn trưa hoặc tắm nắng. Ở bến tầu chở khách thăm hồ gần đó, các con tầu thay nhau vào đón khách.
Từ Wanaka trở lên phía Bắc, địa hình đã khác hẳn. Đường ven hồ lại khúc khuỷu lên xuống theo các vách núi. Hơn nữa ở đây lại có hai con hồ chạy song song : con Wanaka và con Hawea, mà đoạn giữa có chỗ cách nhau không quá 1km. Hàng triệu năm trước trên mặt các hồ này là lớp băng cứng dầy. Khi các hồ này được tạo thành, chúng có độ sâu thăm thẳm : chiếc nào cũng có chỗ sâu trên 300m.
Tiếp sau 2 con hồ là công viên quốc gia núi Aspiring. Dòng sông Haast chạy theo con đường chúng tôi đi, lúc là những dòng cạn, lúc là những dòng chảy đổ như thác. Giữa rừng cây già thân mốc thếch hoặc bám đầy rêu, chúng tôi gặp nhiều thác nước sối ào ào khi vượt qua các tảng đá lớn nằm chắn ngang dòng. Tại thác Fantail chúng tôi thấy giữa một khoảng trống rộng, dòng nước từ trên lao xuống, va vào khối đá bằng cả tòa nhà dữ dội tung bọt trắng vọt qua.
Con đường dẫn chúng tôi đến nhà nghỉ Haast River Safari ở đầu thị trấn Haast. Cả một khoảng mênh mông trước mặt chỉ thấy cỏ dại xém vàng, sau lưng là một quả đồi trọc. Haast nằm trong vùng di sản bảo tồn của thế giới « Vùng Tây Nam NEW ZEALAND »
Cho mãi đến năm 1965 con đường từ trung tâm Otago đến Haast mới được khai thông. Con đường đã được sơ khởi từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19. Rồi mãi đến những năm 30 của thế kỷ 20 nhờ có nhiều lao động thất nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nó mới có cơ hội được tiếp tục xây dựng. Rồi lại bị dang dở do thế chiến 2. Số phận con đường cho thấy đã phải trải qua những khó khăn biết chừng nào để dễ dàng đến được nơi hẻo lánh thế này.
 
13. Dòng sông và thần thoại

13. Dòng sông và thần thoại
10/2- Chúng tôi chia tay thị trấn Haast- một nơi mới nửa thế kỷ trước còn hoang vu, nay đã trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch thế giới dọc bờ biển miền Tây phía Nam dãy núi Alpes.
Chúng tôi đi dọc bờ biển theo hướng Tây Bắc men theo các sườn núi đá dốc lên dốc xuống, các thung lũng trải dài , các cánh đồng cỏ xanh với nhiều đàn cừu thong thả gặm cỏ. Biển khuất sau các hàng cây, đồi núi. Mãi đến vịnh Bruce con đường mới vòng ra trước biển Tasman. Bờ vịnh là một đường vòng cung hứng những đợt sóng biển trắng xóa. Sát bên đường xếp đầy những viên đá nhẵn trên đó khách du lịch qua đây ghi lại tên họ của mình. Chúng tôi thấy có địa danh của khắp các châu lục. Cùng hòa vào cách ghi nhớ đó, chúng tôi cũng chọn ra những viên đá, ghi tên mình, rồi xếp vào bãi đá kỷ niệm.
Chúng tôi đi về phía hai con sông băng hàng đầu ở NEW ZEALAND. Đó là những sông băng ở phía bên kia của sườn núi Cook, nơi đã tạo ra sông băng Tasman.
Qua khỏi cầu sông Fox, nơi chỉ còn là một dòng nước cạn, chúng tôi đã đến sông băng Fox. Vào mùa này chúng tôi phải đi khoảng một tiếng, leo qua một con dốc khá cao để tới nơi nhìn thấy phần còn lại của con sông băng cách vài trăm mét. Sông băng này được tạo ra từ 7 ngọn núi tuyết xung quanh từ- ngọn cao nhất Tasman 3497m đến đỉnh Douglas thấp nhất 3077m. Vào mùa đông con sông này dài 13km, có bề mặt tới 32 km2 và ở độ cao từ 2800m đến 1700m so với mặt biển. Con sông đặt theo tên của thủ tướng NEW ZEALAND William Fox, là khách du lịch đầu tiên lên đến sông băng này. Người Maori vốn đặt tên con sông là To Mocka O Tuawe- nghĩa là cái giường của cô gái Tuawe. Vì sao sông băng lại trở thành giường của cô Tuawe- đó là cả một truyền thuyết của người Maori. Có lẽ bức tượng cô gái Manata của người Maori đang nằm ở khu vườn cây Queenstown Gardens cũng là truyền thuyết như thế về hồ Waikatipu. Người Maori đã dành những gì đẹp đẽ nhất cho người phụ nữ, cả trong tưởng tượng của mình.
Trên đường đến sông băng Franz Josef sau đó cách không xa lắm chúng tôi đã dừng lại ăn trưa bên một cánh rừng. Trong hương thơm tươi mát của rừng cây, chúng tôi vừa ăn vừa theo dõi những máy bay trực thăng nhỏ chốc chốc lại nối đuôi nhau bay qua. Những chuyến du lịch bằng máy bay để ngắm các đỉnh núi tuyết, các sông băng diễn ra đặc biệt nhộn nhịp vào mùa hè ở đây.
Lần này chúng tôi phải đi và leo dốc hơn một tiếng mới tới gần phần băng còn lại của sông băng Franz Josef. Sông băng này cũng đem lại những ấn tượng không kém về sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Non một thế kỷ trước, năm 1929 nhà văn E.E.Muir đã từng viết : « Sông băng Franz Josef là cái đẹp tuyệt vời trên thế giới ». Từ đó đến này nó đã bị co lại nhiều. Chỗ bắt đầu cánh rừng mà chúng tôi phải đi 15 phút mới ra đến bờ sông băng thì vào năm 1880 con sông băng đã đến đó. Chúng tôi đi qua nhiều thác nước cao vẫn đổ từ trên xuống ở hai bên thành núi, trước khi đến được nơi gần nhất xem phần sông băng còn lại. Con sông cũng được tạo bởi băng tuyết từ 6 đỉnh núi xung quanh cao trên 2000m đến xấp xỉ 3000m. Nó nằm ở độ cao 1900m đến 2500m so với mặt biển, với diện tích 29km2 và dài 10km. Tên của nó được nhà thám hiểm và địa chất J.V.Haast đặt vào năm 1863 theo tên của Hoàng đế Áo- Hung lúc đó. Song với người Maori tên nó là Ka Roimate O Hine Hukatero « Những dòng nước mắt của nàng Hukatero ». Cả hai sông băng này nổi tiếng trên thế giới vì chỉ có chúng là sông băng lại tạo ra những rừng mưa nhiệt đới.
Chúng tôi đã thấy rõ điều này trên con đường hơn 100km đến thị trấn Hokitika dọc theo phía Nam dãy núi Alpes. Qua khỏi một đoạn khá dài lượn theo sườn núi uốn khúc liên tục, chúng tôi ra đến một vùng đồng bằng trù phú không kém vùng trung Otago. Liên tiếp những đồng cỏ xanh rộng với những đàn cừu, đàn bò đông đúc. Nhiều ngôi nhà nằm giữa các rặng cây xanh và nhiều rặng cây phủ dày hai bên đường.
 
14. Tiếng vọng 35 triệu năm

11/2- Chúng tôi rời Hokitika, nơi được coi là « thị trấn nhỏ yên tĩnh » của bờ biển phía Tây của đảo Nam.
Ra đến cửa sông Hokitika chúng tôi vào thăm Trạm cửa sông- được xây dựng từ năm 1865. Từ một thế kỷ rưỡi trước nhân viên của trạm đã dùng các cờ nhiều màu sắc để báo hiệu cho các thuyền đi qua. Nó vẫn được sử dụng đến tận năm 1952. Nay nó được giữ lại như biểu tượng về những người đầu tiên đã lập nên thị trấn này. Gần đó còn neo lại một thuyền vận tải bằng gỗ to có một cột buồm đứng sát mép nước.
Chúng tôi đi dọc bờ biển theo hướng Đông Bắc, ngắm những đợt sóng lớn phủ bọt trắng xóa đập vào bờ, làm tung những cột nước cao khi va vào các tảng đá lớn nằm rải rác.
Chúng tôi đã tạt qua thị trấn Shanty Town vốn xưa là một trong những làng tụ tập những thợ khai thác vàng vào thời kỳ sôi động tìm vàng của những năm 60 thế kỷ 19. Nổi bật ở lối vào thị trấn là hai nửa bánh răng bằng sắt đường kính đến 4m đặc trưng cho những cỗ máy sử dụng vào thời kỳ này. Tại phòng tiếp đón có khá đông thanh niên người Hoa mua vé vào thăm. Họ có thể là đến để tìm hiểu, mà cũng có thể là hậu duệ đời thứ 7- thứ 8 của những người Hoa chiếm số đông trong những thợ khai thác vàng đầu tiên đã lập nên ở đây một Chinetown từ hồi đó.
Chúng tôi đi tiếp 8km nữa đến cửa sông Greymouth để chờ xem những chú cá heo Hector bơi vào theo sóng. Thường chúng xuất hiện vào đầu buổi sáng, còn lúc này đã muộn, nên chúng tôi đành chỉ ngắm những làn sóng biển từ xa chạy va vào dòng nước sông chảy ra tung lên những bọt nước cao trắng xóa.
Chúng tôi nghỉ ăn trưa trên bãi cỏ gần cửa công viên quốc gia Paparoa tại thị trấn Punakaki. Xung quanh đậu đầy ôtô chở khách du lịch. Nhiều người cũng đang ăn trưa trên bãi cỏ hoặc bên những chiếc bàn đã đặt sẵn.
Từ đấy chúng tôi chỉ đi một đoạn ngắn là ra đến bãi đá Pancake Rocks& Blowholes (Bãi đá bánh kếp và ống phun nước). Mới đến gần, chúng tôi đã nghe những tiếng ầm ầm như tiếng nổ của những viên đạn pháo cỡ lớn và tiếng dội lại của chúng. Chúng tôi bước vào một con đường đi theo chiều kim đồng hồ và gặp ngay những bụi nước lớn phả vào mặt. Sóng dội đã đưa nước từ dưới xa mấy chục mét qua một khe đá hẹp có hình ống được gọi là « Chimney pot » vọt lên cao thành cột bụi nước lớn như từ một đài phun khổng lồ. Từng đợt phun gần như liên tục nên ai đi qua đều thấm đầy bụi nước. Ngay kề đó là một khoảng trống rộng sâu hoắm gọi là « Surge Pool ». Sóng chạy từ xa liên tục đổ vào đây qua các khe , ngách hở của các vách đá xung quanh cao mấy chục mét. Những con sóng bị ép phải luồn qua các khoảng hẹp đã như tức tối tăng vọt tốc độ, liên tục đập vào các thành đá bên trong rầm rầm. Chúng phả những màn nước từ dưới sâu bốc lên. Lần nào cũng thế, một chiếc cầu vồng rực rỡ hiện ra trong khoảnh khắc khi màn nước chưa kịp tan đi.(Chúng tôi đến đây vào tầm 1 giờ trưa, lúc ánh mặt trời chiếu thẳng xuống). Những khối đá này được tạo bởi những phiến đá mỏng, xếp lên nhau, như có bàn tay con người sắp xếp. Có một chỗ, những khối đá giống hệt chuỗi mặt người , mặt thú nhìn nghiêng(và được minh họa bằng một tấm bảng ngay trên lối đi). Ở cuối đường vòng tròn chúng tôi đến một hố sâu gọi là « Sudden Sound ». Những tiếng va đập được hút vào đấy tạo thành những âm thanh mạnh mẽ, dữ dội, liên tục hơn.
Chúng tôi xem một bảng giới thiệu những khối đá Pancake Rocks có hình dáng thế này đã được 10 vạn năm. Chúng vốn là những tảng đá nguyên khối được tạo ra từ 35 triệu năm trước. Song do sự biến động và bào mòn của sóng biển mà trở nên như vậy.
Chúng tôi đi thêm một vòng nữa để thấm thía sự kỳ diệu của tự nhiên- không biết nơi nào trên trái đất còn có hiện tượng như thế nữa.
Rời Pancake Rocks, chúng tôi đi vào con đường mòn Truman của công viên Paparoa. Con đường nằm trong bóng mát của các cây cổ thụ xung quanh, kể cả loại thông đỏ quý hiếm cũng như các cây thông thường khác. Đi đổ dốc đến 15 phút thì trước mắt chúng tôi hiện ra những làn sóng rộng trắng xóa của biển Tasman. Ven theo bãi biển là những động đá và bãi cát đen- đặc trưng của bờ biển phía Tây Nam của đảo Nam.
Chúng tôi còn đi tiếp mấy chục cây số nữa theo bờ biển này. Suốt dọc đường vẫn thấy những con sóng lớn không ngừng đập vào bãi biển. Nơi nào khách có thể đến gần bãi biển đều có tấm biển cảnh báo : « Biển ở đây nguy hiểm, không thể bơi được ».
Chúng tôi dừng chân ở thị trấn Westport, là một trong những thị trấn của các thợ khai thác vàng và than đá đầu tiên. Thị trấn nay đã như một cô gái được trang điểm bởi các cửa hàng mỹ nghệ, thời trang và các hoạt động nghệ thuật. Trong 25 năm qua, nó luôn được xếp vào top 3 của 26 thị trấn mang tên Westport khắp thế giới.
Chúng tôi rời bờ biển rẽ theo con sông Buller chảy về phía đông. Còn phải đi chừng 100km nữa mới đến thị trấn miền núi Murchison. Con sông đã theo chúng tôi đến cùng. Chúng tôi đi vòng theo con đường khoét vào hốc núi gần bên Swing Bridge – cây cầu treo dài nhất NEW ZEALAND- hiện là địa điểm nổi tiếng của trò chơi mạo hiểm vượt sông Buller bằng cáp treo. Song con đường chỉ men theo sông một phần, còn phần lớn luôn lên xuống theo các vách núi. Các ngọn núi ở đây phủ kín cây xanh nên tuy đang đi cheo leo trên cao, mà chúng tôi cứ tưởng như ở trong các khu rừng rậm.
Chúng tôi rẽ vào Mataki Hotel của thị trấn Murchison vào lúc mới chiều muộn, mà xung quanh đã rất vắng lặng.
Chúng tôi vừa chia tay vùng bờ biển Tây Nam của đảo Nam. Vùng này chỉ có 1% dân số mà khai thác tới 9% diện tích của cả nước. Những người ở đây đã đi tiên phong trong những năm mở đầu xây dựng đất nước và quản lý nhiều kỳ quan của tự nhiên : những công viên quốc gia bao la, những sông băng như huyền thoại…
 
15. Tổ tiên và cháu con

12/2- Sáng sớm ở Murchison tuy đã le lói ánh nắng, song vẫn rất giá. Dù chập tối qua khi đến đây trời khá ấm. Đúng là kiểu thời tiết vùng núi.
Chúng tôi đi tiếp theo hướng Đông Bắc, để lại phía sau những ngôi nhà xinh xắn trang điểm bằng những bụi hoa nhiều màu sắc phía trước, một khu vườn nhỏ có cây trồng và một bãi chăn thả gia súc. Murchison có cái vẻ thơ mộng riêng. Trong buổi chiều muộn hôm qua, khi qua một phố nhỏ bán đồ uống, chúng tôi thấy bên những chiếc bàn đặt ngoài trời một số người đang nhâm nhi những cốc rượu vang sóng sánh. Vài người trên cánh tay đầy những nét xăm trổ theo mốt thịnh hành hiện nay và kiểu của người Maori xưa.
Con sông Buller chỉ thi thoảng hiện ra bên những cánh đồng cỏ xanh hoặc bên các thung lũng với các đàn cừu, đàn bò đang gặm cỏ. Còn phần lớn thời gian con đường chúng tôi đi uốn lượn qua hết đỉnh đèo này đến đỉnh khác với những khúc ngoặt ngắn liên tục. Tại đỉnh đèo Hope Saddle cao chừng 800m chúng tôi đã đứng ngắm các đỉnh núi xung quanh- có tới 17 đỉnh mà đỉnh cao nhất chừng 2000m.
Xuống đến thung lũng Moutere chừng nửa tiếng chúng tôi tạt vào một quán Galery bên đường treo một con cá được trạm trổ từ một gốc cây. Người tiếp chúng tôi là một nghệ nhân ăn mặc xuềnh xoàng như đang làm việc trong xưởng của mình. Ông giới thiệu những tác phẩm được đục, khắc từ các gốc hoặc cành cây đang được bày trên sạp. Đó là hình tượng các con vật quen thuộc trong rừng NEW ZEALAND. Tại xưởng làm việc sau nhà, chỉ có mái che bên trên, chúng tôi thấy những tác phẩm đang làm dở : một con rắn đang uốn mình ngóc đầu, một chú rùa thong thả bước. Sát bên xưởng là một dòng suối rộng chảy chậm rãi, nước trong suốt nhìn rõ các hòn sỏi lớn nằm dưới đáy. Cạnh xưởng là một vườn con trồng vài cây cà chua, bắp cải, xà lách- hẳn là chỉ để chủ nhân sử dụng hàng ngày. Trong khu vườn cạnh dòng suối có mấy cây lê, táo chĩu chịt quả giữa các kẽ lá. Chia tay chủ nhân, chúng tôi cảm thấy như phần nào hiểu được thêm cuộc sống của một người lao động tự do bình thường ở NEW ZEALAND.
Chúng tôi đến bãi biển của thị trấn Motueka vào đúng tầm trưa, nên dừng lại ăn trưa nhẹ trên một bãi cỏ bên những chiếc bàn dài có ghế đặt sẵn. Nhiều ông bà già nằm phơi nắng từng đôi ngay trên mặt nước biển. Tại một bể tắm tự nhiên được ngăn bởi những thanh chắn dài trên mặt biển, có cầu gỗ dẫn ra, nhiều bà mẹ ngồi trên cầu trông các cô bé, cậu bé nhẩy ùm ùm xuống bể.
Chúng tôi đi dọc bãi biển, ngắm những du thuyền nhỏ neo trong vịnh Stephens. Tại bãi biển Kareterari, chúng tôi đã leo lên ngọn đồi cao có cây cột gỗ với dòng chữ Kaka- PaH- Point trên đó cắm những tấm biển ghi tên và khoảng cách tới một số thành phố như : Wellington : 145km, Nelson 34km… Bên cạnh cây cột có ba phiến đá cỡ vừa. Trên một phiến đá có khắc những dòng chữ, đại ý : Đây là thiên đường đầu tiên của những người vượt qua thử thách và sóng dữ, những người đã tạo nền móng cho đất nước xinh đẹp này. Trên một phiến đá khác thì ghi : « Gửi lời tri ân đến tổ tiên- những người đã dành chỗ trú chân cho người di cư đã chèo thuyền qua biển rộng, vượt qua núi cao, rừng rậm, tạo nên nỗ lực chung của mọi người trên mảnh đất này ». Chúng tôi cảm thấy chính những người hiện đang vui chơi, nghỉ ngơi ở đây đã lặng lẽ viết nên những dòng chữ này.
Chúng tôi đi tiếp lên đỉnh Hawkes của công viên quốc gia Kahurangi- một công viên chiếm phần lớn góc Tây Bắc của đảo Nam. Công viên nổi tiếng vì có con đường đi bộ vượt rừng, vượt núi dài gần 80km mà phải mất từ 4-6 ngày mới đi hết. Con đường dẫn lên đỉnh này lượn theo sườn núi đá chênh vênh. Tại đỉnh Hawkes chúng tôi nhìn thấy rõ vịnh Tasman xa xa một màu xanh thẫm, nơi mà trưa nay chúng tôi đừng lại nghỉ trên một bãi biển. Xung quanh vịnh là những đỉnh núi điệp trùng - chúng tôi đếm có tới 12 đỉnh. Từ tầm cao và tầm xa như thế, chúng tôi thấy ngợp trước một bức tranh thiên nhiên khổng lồ : nó uốn thẳng xuống từ đỉnh cao rồi trải rộng ra xung quanh đến tít tắp.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,682
Members
190,125
Latest member
johnauston54
Back
Top