What's new

[Tổng hợp] Giới thiệu chung về tỉnh Bến Tre

Khám phá du lịch Bến Tre qua các loại hình di tích

Như chúng ta đã biết, hiện nay nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách rất đa dạng và phong phú. Có thể nói đi du lịch là để khám phá, để trải nghiệm, để kết bạn, để thư giãn và để tận hưởng tất cả những gì mà tiền nhân cũng như thiên nhiên ban tặng.
Bên cạnh loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, về nguồn, ... thì nhu cầu đi du lịch để bổ sung kiến thức về văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng dân gian thông qua các loại hình di tích đã và đang ngày càng có sức thu hút đối với du khách. Đây là tiềm năng du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, cần khai thác và phát huy xứng tầm với thế mạnh vốn có của nó.

Đối với Bến Tre, tuy là vùng đất mới, nhưng từ lâu đã được nhiều người biết đến là một trong những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; là vùng đất "Địa linh nhân kiệt". Vì thế, Bến Tre cũng có hệ thống di tích khá phong phú, đa dạng về loại hình, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể và cũng phản ánh truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng và những nét đặc trưng… của vùng đất xứ dừa Bến Tre.

Hiện tại, Bến Tre có 22 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích được công nhận cấp Quốc gia và 08 di tích cấp tỉnh. Ngoài di tích, Bến Tre còn có hệ thống đình, chùa, miếu, nhà cổ, bia, tượng, đền thờ liệt sĩ, ... rất phong phú và đa dạng lối kiến trúc xây dựng. Những năm qua hệ thống các loại hình này cũng đã thu hút du khách thập phương, góp phần rất lớn vào sự phát triển du lịch tỉnh nhà.

Về di tích, ta hiểu nó là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất. Mỗi di tích có ý nghĩa về mặt văn hóa - lịch sử và khi đầy đủ các điều kiện sẽ được công nhận theo thứ tự: Di tích cấp tỉnh, di tích cấp Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt. Theo phân loại, Bến Tre hiện có các loại hình di tích sau:
Về di tích lịch sử - văn hóa: là những công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Và di tích lịch sử - văn hóa phải có một trong các tiêu chí như:

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước. Các di tích loại này, Bến Tre có:
Di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam;
Di tích lịch sử chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam;
Di tích địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba cây da đôi, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri;
Di tích căn cứ Quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định, xã Tân Phú Tây, Mỏ Cày Bắc;
Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, xã Thạnh Phong, Thạnh Phú;
Di tích ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm;
Di tích các chứng tích về cuộc thảm sát 286 người vô tội do thực dân Pháp tiến hành năm 1947, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm;
Di tích Đình Tân Hưng và mộ ông Huỳnh Văn Thiệu, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại;
Di tích Đình Tân Ngãi, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc;
Di tích cuộc thảm sát 129 người dân vô tội của Mỹ - Ngụy, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc;
Di tích các trận đánh tại ngã tư Thạnh Tân, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại;
Di tích Đình Rắn, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam;
Ngôi nhà Bảo Tàng Bến Tre, Phường 3, Tp. Bến Tre...

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước. Các di tích tiêu biểu này tại Bến Tre hiện có:
Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri;
Di tích Mộ và đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm;
Di tích Mộ Võ Trường Toản, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri;
Khu mộ Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri;
Đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm;
Khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng, xã An Hiệp, huyện Ba Tri;
Miếu thờ và mộ Lê Quang Quan (Tán Kế), xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri;
Nhà bia Trương Vĩnh Ký, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách;
Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm;
Đền thờ trung tướng Đồng Văn Cống, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm;

Về di tích kiến trúc nghệ thuật: là công trình kiến trúc nghệ thuật, tổng thể kiến trúc có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển nghệ thuật kiến trúc của dân tộc. Quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử. Loại hình di tích này Bến Tre còn hiện hữu:
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri;
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm;
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Thạch, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành;
Di tích nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú;
Đình Phú Tự và cổ thụ Bạch Mai, xã Phú Hưng, Tp. Bến Tre;
Kiến trúc nghệ thuật của khu du lịch Cồn Phụng (còn gọi là khu Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam), xã Tân Thạch, huyện Châu Thành...

Bên cạnh các loại hình kiến trúc trên, Bến Tre còn phong phú với hệ thống kiến trúc của các cơ sở tín ngưỡng - thờ tự của các tôn giáo như: Chùa cổ Hội Tôn, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành; Nhà thờ cổ Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách; Nhà thờ Cái Bông, xã An Phú Trung, huyện Ba Tri; Đình An Hội và chùa Viên Minh, phường 2, Tp. Bến Tre; chùa Viên Giác, phường 5, Tp. Bến Tre; Tòa thánh Cao đài Ban chỉnh, phường 6, Tp. Bến Tre; Kiến trúc Tòa thánh Cao đài Tiên Thiên, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành; Lăng thờ cá Ông tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú…

Ngoài ra, hệ thống bia, tượng… ở các huyện của Bến Tre cũng rất phong phú, đa dạng. Riêng tại trung tâm Tp. Bến Tre có các công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu như: Công viên Tượng Đài Đồng Khởi; công viên tượng đài Trần Văn Ơn; công viên tượng đài "Chiến thắng trên sông" hay còn gọi là công viên Hùng Vương...

Về di tích thắng cảnh (danh lam thắng cảnh): Là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Danh lam thắng cảnh phải có một trong các tiêu chí như: Cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ tiêu biểu; hay khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

Căn cứ vào các tiêu chí vế danh lam thắng cảnh, thì Bến Tre chưa có thắng cảnh nổi tiếng như các địa phương khác, song Bến Tre cũng có những địa danh, những cảnh đẹp thiên nhiên, là những di sản văn hóa miệt vườn trên ba dải cù lao xứ dừa, được nhiều du khách biết đến như: Hồ Trúc Giang tại thành phố Bến Tre; hệ thống các cồn nổi trên sông như: cảnh quan thiên nhiên Cồn Phụng, Cồn Qui trên sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, Bến Tre; Cồn Ốc trên sông Hàm Luông, huyện Giồng Trôm; Cồn Phú Đa trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Chợ Lách...; hệ sinh thái rừng ngặp mặn huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú; biển phù sa Thừa Đức, huyện Bình Đại và biển Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.... Đặc biệt, Bến Tre còn có vườn chim Vàm Hồ nằm bên hữu ngạn sông Ba Lai thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri; làng nghề cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành và những vườn cây ăn trái nổi tiếng cả nước ở Chợ Lách, Bến Tre...

Có thể nói, các loại hình di tích hiện hữu trên vùng đất Bến Tre, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa là những nguồn sử liệu trực tiếp, cho ta thông tin quan trọng để khôi phục những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, nó là những tài sản tinh thần hết sức quý giá, là niềm tự hào được Đảng bộ và nhân dân Bến Tre giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị, để phục vụ cuộc sống cộng đồng. Những năm qua, Bến Tre đã chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng, của toàn xã hội trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; luôn đề cao các yếu tố xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự, an toàn và mến khách lên hàng đầu, để nối kết hình thành nên các tour, tuyến du lịch đến các di tích tiêu biểu; nối kết tham quan các di tích với các tour, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại và về nguồn.
Nguyen+Dinh+Chieu.jpg

Di tích lịch sử - văn hóa gắn với danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (ảnh Ngọc Thạch)
Dong+Khoi.jpg

Di tích lịch sử - văn hóa gắn với sự kiện lịch sử Đồng Khởi Bến Tre
Toa+thanh.jpg

Kiến trúc tôn giáo - Tòa thánh Cao đài Ban chỉnh
Tuong+dai+Dong+Khoi.jpg

Kiến trúc văn hóa “Tượng đài Đồng khởi Bến Tre”
 
Giới thiệu chung về tỉnh Bến Tre

Chào anh !!! Anh là người Bến Tre đúng không ? . Không lầm anh làm trong Trung Tâm Xúc Tiến Du Lịch Bến Tre , đối diện quán cơm Vân sau rạp chiếu bóng Lê Anh Xuân đúng không ạ .
Nếu đúng như thế thì anh phải có cách và chiến lược để PR cho Bến Tre mình tốt hơn chứ , xin hỏi những nơi anh up cho mọi người xem anh đã từng đến chưa , hay cũng chỉ lấy trên mạng . Nếu lấy trên mạng thì ai cũng lấy được hết , còn mình tư vấn bằng sự hiểu biết mình thì ok hơn và bạn bè các nơi biết đến Bến Tre nhiều hơn , em cũng đang làm cách này đây .... em cũng tư vấn rất nhiều bạn về Bến Tre rôi , Ngoài những địa danh thì anh còn phai tư vấn chổ ăn , uống nữa ..... mình đang góp phần làm thay đổi nghành du lịch tỉnh nhà đó .
Anh vào Hội phượt Bến Tre điểm danh nhé . À cho em hỏi anh biết anh Huỳnh HDV du lịch Hàm Luông không ? .
Nếu anh không ngại để lai số điện hôm nào em về mời anh cf , em cũng làm bên nghành này .... ráng làm SG vài năm , chắc cũng về Bến Tre làm ..... iu Bến Tre quá đi mất .
 
Last edited by a moderator:
Thật ra, đây toàn là những bài viết tâm huyết của anh chị em trong Trung tâm TTXTDL đã đi thực tế và cảm nhận từ thực tiễn mà viết rất thật về mỗi chuyến đi và điểm đến. Những hình ảnh ở đây, đều là hình ảnh chụp của Trung tâm và xin từ các đồng nghiệp đã đi thực tế. Không phải là hình ảnh được lấy từ mạng đâu. Còn về việc biết anh Huỳnh - HDV du lịch Hàm Luông, Trung tâm TTXTDL luôn giữ mối quan hệ mật thiết với các công ty kinh doanh du lịch của tỉnh Bến Tre, nên có sự quen biết mật thiết. Bạn cần thông tin liên lạc với anh thì cứ liên lạc trực tiếp vào số điện thoại của Trung tâm là được rồi. (075) 8511480. Gọi vào số điện thoại này, bạn gặp các anh chị em trong Trung tâm TTXTDL ai cũng sẽ hướng dẫn nhiệt tình và giúp đỡ bạn khi bạn cần thông tin về du lịch của tỉnh nhà. Rất mong nhận được sự liên hệ của các bạn về thăm đất Bến Tre!!!
Trung tâm TTXTDL Bến Tre
 
Chùa Vạn Phước - Điểm Du Lịch Tiềm Năng
Huyện Bình Đại là một huyện ven biển thuộc tỉnh Bến Tre, có địa hình gần như xung quanh là sông nước; đông giáp biển Đông, bắc giáp cửa sông Tiền, nam giáp cửa sông Ba Lai, tây giáp sông An Hóa.
Huyện Bình Đại rất có tiềm năng du lịch về biển như bãi biển Thừa Đức đang được khai thác; bãi biển Thới Thuận đang kêu gọi đầu tư; hệ thống hạ tầng đang được đầu tư xây dựng, mười cây cầu nằm trên trục lộ 883 trên địa phận Bình Đại đang thi công, hệ thống lộ và điện, nước cũng được đầu tư tiếp theo; thời gian ngắn là hạ tầng du lịch Bình Đại sẽ hoàn thiện đồng bộ; bên cạnh là hệ thống đường sông thuận lợi từ các nơi đi đến như: Bến Tre, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Giờ, Vũng Tàu, Trà Vinh…
Một vùng đất xứ biển, xung quanh là cây ngập mặn và những vuông tôm công nghiệp, lại có ngôi chùa khang trang được xây dựng nơi đầm lầy đầy cây dại; đó là Chùa Vạn Phước do Đại đức Thích Phước Chí trụ trì, chùa được hình thành từ năm 2000 tại ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, ngôi chùa tràn ngập ánh đạo vàng làm lộng lẫy một góc trời Đông duyên hải Bình Đại với khuôn viên rộng 8 ha, cách Thị Trấn Bình Đại 2 km trên đường ra biển, đã góp phần trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng đất biển này.
Chua+Van+Phuoc_1.jpg

Kiến trúc tổng quan chùa gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng chầu, khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, nhà làm việc, phòng khách, phòng thuốc Nam từ thiện, bảng công đức và bàn thờ Tổ quốc với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, … Đặc biệt có tượng phật Di Lặc cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn do điêu khắc gia Thụy Lam tạo tác hoàn thành ngày 29/01/2010. Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp hài hòa với các khuôn viên trong sân chùa làm bắt mắt cho du khách đã đến tham quan.
Chua+Van+Phuoc_2.jpg

Hiện nay chùa đã hoàn thành 95% và đã được quý Phật tử bốn phương hội tụ về quy ngưỡng, chiêm bái Phật; bên cạnh đó khách du lịch từ các tỉnh, nhất là từ Tp. Hồ Chí Minh đến tham quan du lịch khá đông, có đoàn lên đến vài trăm du khách.
 
Một số hình ảnh do có đi thực tế nhưng vào thời điểm đó không có người hoặc hình chụp không đẹp nên cũng sử dụng một số hình ảnh lấy từ mạng để mô tả thêm. Nhưng những hình ảnh ấy diễn tả rất thật với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây và có tính chất tham khảo. Bạn cần tìm hiểu thêm nhiều về đất Bến Tre của mình thì sẽ thấy có nhiều cảnh đẹp vô cùng!!!
 
Tổng hợp video clip giới thiệu về Bến Tre nè các bạn ơi
[video=youtube_share;LcBdJiJ8QyE]http://youtu.be/LcBdJiJ8QyE[/video]
[video=youtube_share;rTq3FkIHpLI]http://youtu.be/rTq3FkIHpLI[/video]
 
Huỳnh Phủ, Điểm tiềm năng du lịch

Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ, là một công trình nghệ thuật kiến trúc cổ cần được bảo tồn và phát huy nhằm giữ gìn công trình kiến trúc có giá trị lịch sử phục vụ cho nghiên cứu, phục vụ khách du lịch tham quan; việc tu bổ, tôn tạo di tích này là một yêu cầu cần thiết; việc tu bổ, tôn tạo giữ được nguyên trạng khu Nhà cổ, sẽ là điểm tham quan du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Bến Tre nói chung và của huyện Thạnh Phú nói riêng vì đây sẽ tạo một quần thể du lịch về nguồn kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch tham quan, nghiên cứu,… tại một huyện vùng biển mà hiện nay đang gắn với các công trình xây dựng như khu Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển xã Thạnh Phong, Thạnh Hải.
HuynhPhu_1.jpg

Nhà cổ Huỳnh Phủ trước khi tu bổ
Nhà cổ Huỳnh Phủ là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo, hiện nội thất còn bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ngôi nhà xây dựng cách nay hơn 100 năm, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 14/04/2011.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo vào lúc 9 giờ ngày 09/01/2013 tại di tích nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ xã Đại Điền, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m2, nhà xây dựng trên nền cao 7 tất so với mặt đất tự nhiên, chung quanh được kè đá xanh. Nhà tổng cộng có 80 cột, trong đó 48 cột gỗ và 32 cột gạch, làm theo kiểu nhà rường ở Huế. Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. Hai đầu song được xây kín và trang trí hình một bông hoa 4 cánh.
Khu mộ cách ngôi nhà cổ 3km thuộc xã Phú Khánh có diện tích 966m2, được xây năm Tân Hợi (1911). Vật liệu xây dựng là đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ bên trong. Rào cao khoảng 1,5m gồm 2 phần: phần trên là những thanh đá được cắt hình chữ nhật hoặc hình tam giác, phần dưới là những phiến đá nguyên.
Trãi qua thời gian, sự xâm nhập của mối, mọt và tác động của điều kiện thiên nhiên, di tích đã bị xuống cấp trầm trọng, …. Hiện tại nội thất của căn nhà gần như còn nguyên vẹn, nhưng phần kết cấu gỗ khung, gỗ mái đã bị mối, mọt xâm hại. Hệ thống tường, nền gạch bị lún, nứt, mái ngói bị vỡ gây thấm dột nhiều nơi, cổng chính của khu nhà bị phá huỷ hoàn toàn, các kết cấu bằng đá bị rêu móc bám. Về khu mộ cũng không tránh khỏi sự tác động của thời gian như: hoa văn trang trí bằng sắt bị rỉ sét, nền khu mộ lún, nứt, mộ đá và các hạng mục tường, bình phong bị rêu bám….
Quy mô dự án bao gồm tu bổ, tôn tạo hệ thống tường rào, đường giao thông nội bộ, cây xanh, thoát nước, điện chiếu sáng diện tích toàn khu nhà 7.200m2; nhà cổ Huỳnh Phủ với diện tích 520m2, nhà phụ 70m2 và các hạng mục phụ trợ như: cổng chính, cổng phụ, nhà khách, nhà bếp, vệ sinh, bình phong, phục hồi một số đồ thờ, giường, bàn bếp, bàn cờ, miếu thờ ngoài trời, giếng đá cổ; khu mộ đá với diện tích 1830m2.
Công trình dự kiến sau gần hai năm sẽ hoàn thành đưa vào phục vụ nhân dân, phục vụ khách du lịch, sẽ là một sản phẩm du lịch tiềm năng, điểm du lịch tham quan hấp dẫn cho học sinh, sinh viên, các nhà khoa học cùng quí khách gần xa trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre mong rằng các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh quan tâm tạo tour, tuyến, thông tin giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu./.
HuynhPhu_2.jpg

Lễ khởi công Trùng tu, tôn tạo di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ
 
Trung tâm TTXTDL Bến Tre thay đổi địa chỉ văn phòng làm việc

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre xin trân trọng thông báo, kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2013, Trung tâm chính thức thay đổi địa chỉ văn phòng làm việc như sau:
Địa chỉ cũ: Số 45 Đại lộ Đồng Khởi, Phường 3, Tp. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Địa chỉ mới: Số 108/1 Đường 30/4, Phường 4, Tp. Bến Tre, tỉnh Bến Tre (Lầu 2) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre.
Số điện thoại: 075. 8511480 - Số Fax: 075. 3838813
Chúng tôi xin trân trọng thông báo để các bạn gần xa tiện việc liên hệ.
Trân trọng./.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,821
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top