Từ trạm gác yến sào, tôi phải băng qua hai dải cát hẹp mới có chỗ chui vào rừng. Cuối dải cát thứ hai, một khối đá chắn lối, trên có sơn chữ “Lối vào” kèm mũi tên chỉ; khối đá tuy không lớn lắm nhưng lúc này sức lực đã kiệt rồi nên tôi đi theo chỉ dẫn. Đường mòn trong rừng quanh co, nhưng tôi có thể từ tốn đi, không mất sức như khi nhảy đá dưới cái nắng gay gắt.
Sau khi chui ra khỏi rừng cây bụi, vượt qua một khoảng trống ngắn nữa, tôi thấy thấp thoáng mấy cái võng mắc sẵn dưới tàng cây râm mát. Chà, thiên đường là đây, tôi thầm nghĩ. Còn gì sung sướng bằng khi được nằm võng, hưởng từng làn gió mát rượi sau những phút hành xác thế này.
Gần đó là căn nhà vách tôn, mái tôn của chú Ba Thanh.
Lúc đó khoảng 1 giờ 45 phút, không có ai ở nhà, cửa đóng, then cài. Chỉ có mấy con gà, hoặc được nhốt trong lồng, hoặc thả rông. Mấy cái lồng gà đặt dưới gốc cây dứa dại, được che chắn bằng bao xác rắn tạm bợ.
Cây dứa dại đã có vài cụm quả ngả sang màu cam rất hấp dẫn, có lẽ sắp chín.
Đây là loài thực vật thuộc họ Dứa dại, có khi gọi là họ Dứa gai (tên khoa học Pandanus). Trong họ này có khá nhiều loài trông bên ngoài na ná nhau, thực sự là thách đố lớn đối với dân ngoại đạo chúng ta. Loài mà chúng ta đang nhìn thấy ở đây có lẽ là loài dứa mập (tên khoa học Pandanus odoratissimus), nó còn được chia nhỏ hơn nữa thành dứa Huế và dứa Việt. Theo nhiều tài liệu tôi đọc được, phần lớn các loài trong họ này có thể dùng làm thuốc.
Dưới bóng cây râm mát, vài cái pa-let bằng gỗ được xếp chồng lên nhau, có lẽ để làm chỗ nghỉ tạm hoặc kê đồ. Bề mặt pa-let toàn cát với bụi nên tôi không nghỉ ở đó, chỉ quăng tạm ba lô lên rồi ra võng nằm. Nằm nghỉ một lúc chán, tôi nảy ra ý định nếm thử mùi vị của thứ quả lạ kia, mặc dù khi đó, tôi chả biết tí gì về nó, chỉ là thấy nó giống dứa thì muốn thử thôi. Lúc đó, quả thực cũng đói bụng, mà lương khô thì quá sức ngán ngẩm rồi.
Sau khi lựa được quả xem chừng chín nhất, tôi cầm rựa phạt xuống (cái gọi là quả đó thực ra là một cụm quả). Tiếp tục kê quả chặt được xuống phản, tôi băm băm chặt chặt. Không dễ dàng chút nào, các múi (các quả) liên kết khá chặt với nhau. Loay hoay một hồi rồi cũng xong. Giữa quả đó có một lõi trắng trông khá ngon mắt.
Tôi tách thử một múi ra, kê lên phản và phạt bỏ phần đầu đi. Ái chà chà, trông ngon lành như múi mít ấy nhỉ. Đưa lên miệng cắn, cứng quá, toàn xơ, chả có vị gì. Tôi tách phần lõi trắng và ăn thử, cũng thua luôn, chả được vẹo gì, đành để lại trên phản.
Nghĩ rằng mình đã tự tiện chặt quả của người ta, tôi đặt tờ 20.000 đ bên dưới nửa quả dứa. Kèm theo đó là mảnh giấy với lời lẽ: xin lỗi vì đã chặt cây khi chưa được sự đồng ý của chú, xin gửi lại một ít tiền … Thực ra, cây dứa dại mọc hoang trên bãi biển, không thuộc quyền sở hữu của ai cả. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ là mình đã xâm phạm khu vực của người ta thì tôn trọng, thế thôi.
Đang lúi húi thì nghe có tiếng động, tôi ngẩng lên thì thấy anh ở trạm gác yến sào, người đã chỉ đường cho tôi trước đó hơn giờ đồng hồ. Anh hỏi: “ Giờ mới đến đây à, sao đi chậm thế ?”, tôi chỉ ậm ừ. Anh và tôi trao đổi vài câu; anh nói đi lượm phân bò về trồng cây. Lúc đó, tôi chuẩn bị lên đường, anh chỉ cho một đường mòn nào đó, nhưng tôi không để ý vì đã có chủ định đi theo hành trình nhảy đá. Lúc đó khoảng 2 giờ 15 phút chiều ngày thứ tư của hành trình.
Sau khi chui ra khỏi rừng cây bụi, vượt qua một khoảng trống ngắn nữa, tôi thấy thấp thoáng mấy cái võng mắc sẵn dưới tàng cây râm mát. Chà, thiên đường là đây, tôi thầm nghĩ. Còn gì sung sướng bằng khi được nằm võng, hưởng từng làn gió mát rượi sau những phút hành xác thế này.
Gần đó là căn nhà vách tôn, mái tôn của chú Ba Thanh.
Lúc đó khoảng 1 giờ 45 phút, không có ai ở nhà, cửa đóng, then cài. Chỉ có mấy con gà, hoặc được nhốt trong lồng, hoặc thả rông. Mấy cái lồng gà đặt dưới gốc cây dứa dại, được che chắn bằng bao xác rắn tạm bợ.
Cây dứa dại đã có vài cụm quả ngả sang màu cam rất hấp dẫn, có lẽ sắp chín.
Đây là loài thực vật thuộc họ Dứa dại, có khi gọi là họ Dứa gai (tên khoa học Pandanus). Trong họ này có khá nhiều loài trông bên ngoài na ná nhau, thực sự là thách đố lớn đối với dân ngoại đạo chúng ta. Loài mà chúng ta đang nhìn thấy ở đây có lẽ là loài dứa mập (tên khoa học Pandanus odoratissimus), nó còn được chia nhỏ hơn nữa thành dứa Huế và dứa Việt. Theo nhiều tài liệu tôi đọc được, phần lớn các loài trong họ này có thể dùng làm thuốc.
Dưới bóng cây râm mát, vài cái pa-let bằng gỗ được xếp chồng lên nhau, có lẽ để làm chỗ nghỉ tạm hoặc kê đồ. Bề mặt pa-let toàn cát với bụi nên tôi không nghỉ ở đó, chỉ quăng tạm ba lô lên rồi ra võng nằm. Nằm nghỉ một lúc chán, tôi nảy ra ý định nếm thử mùi vị của thứ quả lạ kia, mặc dù khi đó, tôi chả biết tí gì về nó, chỉ là thấy nó giống dứa thì muốn thử thôi. Lúc đó, quả thực cũng đói bụng, mà lương khô thì quá sức ngán ngẩm rồi.
Sau khi lựa được quả xem chừng chín nhất, tôi cầm rựa phạt xuống (cái gọi là quả đó thực ra là một cụm quả). Tiếp tục kê quả chặt được xuống phản, tôi băm băm chặt chặt. Không dễ dàng chút nào, các múi (các quả) liên kết khá chặt với nhau. Loay hoay một hồi rồi cũng xong. Giữa quả đó có một lõi trắng trông khá ngon mắt.
Tôi tách thử một múi ra, kê lên phản và phạt bỏ phần đầu đi. Ái chà chà, trông ngon lành như múi mít ấy nhỉ. Đưa lên miệng cắn, cứng quá, toàn xơ, chả có vị gì. Tôi tách phần lõi trắng và ăn thử, cũng thua luôn, chả được vẹo gì, đành để lại trên phản.
Nghĩ rằng mình đã tự tiện chặt quả của người ta, tôi đặt tờ 20.000 đ bên dưới nửa quả dứa. Kèm theo đó là mảnh giấy với lời lẽ: xin lỗi vì đã chặt cây khi chưa được sự đồng ý của chú, xin gửi lại một ít tiền … Thực ra, cây dứa dại mọc hoang trên bãi biển, không thuộc quyền sở hữu của ai cả. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ là mình đã xâm phạm khu vực của người ta thì tôn trọng, thế thôi.
Đang lúi húi thì nghe có tiếng động, tôi ngẩng lên thì thấy anh ở trạm gác yến sào, người đã chỉ đường cho tôi trước đó hơn giờ đồng hồ. Anh hỏi: “ Giờ mới đến đây à, sao đi chậm thế ?”, tôi chỉ ậm ừ. Anh và tôi trao đổi vài câu; anh nói đi lượm phân bò về trồng cây. Lúc đó, tôi chuẩn bị lên đường, anh chỉ cho một đường mòn nào đó, nhưng tôi không để ý vì đã có chủ định đi theo hành trình nhảy đá. Lúc đó khoảng 2 giờ 15 phút chiều ngày thứ tư của hành trình.