What's new

[Hồi ức] Philippines - Đi tìm lại dấu chân xưa

CRW_0754_v1-vi.jpg


Chiếc máy bay rùng mình đánh thức tôi khỏi giấc mơ. Qua khung cửa sổ, đất liền dần đần hiện ra. Thời gian như con thoi, thấp thoáng mà đã hơn 30 năm rồi. Tôi rời nơi này trên cánh chim sắt của một hãng hàng không đã mất tên theo năm tháng, tôi trở về trên chuyến bay mang tên quốc gia đã cưu mang tôi.

Chiếc tàu tuần duyên Phi chở tôi từ tàu Antila Bay cập bến Manila cũng vào một buổi chiều ngày Chủ Nhật. Ánh chiều vàng đổ dài, cố bước lên đất liền, tôi khuỵu ngã. 22 ngày nhấp nhô trên biển, mọi thứ đều trở nên bồng bềnh, mặt đất đầy gợn sóng. Hôm ấy, đón chúng tôi chỉ có những y tá, nét mặt lo âu, lặng lẽ chăm sóc. Xung quanh, tử thần vẫn còn bám theo chưa chịu bỏ cuộc.

Người sĩ quan Phi cầm hộ chiếu dò xét lâu hơn bình thường, anh hỏi tôi đã từng tới Phi chưa? "Vâng, tôi từng tới Phi hơn 30 năm trước"; "Welcome back!". Tôi vững chân đi qua hải quan, mặt đất không còn bồng bềnh. Ngoài cổng, ánh sáng lóa mắt. Manila, nơi xóa đi bóng đêm của đứa bé đen thui ngày ấy.

Phi trường Manila vẫn ồn ào, hỗn độn như ngày nào. Nơi cổng chào, những tao ngộ vui như ngày tết. Bạn bè, người thân chào đón, gặp mặt mừng rở. Tôi đi len qua giữa họ, xa lạ, lạc lõng. Tấm kính màu ngăn cách ký ức, phản lại hình ảnh một đứa bé đen đủi, nhó thó, ngoài kia thời gian đã trôi qua ra sao?

Chiếc taxi phóng vùn vụt trên đường cao tốc đưa tôi về khu Intramuros. Phía xa những tòa nhà cao trọc trời khu Makati vẫn ngạo nghễ như năm xưa, ban đêm vẫn hắt sáng lên cả vùng trời như trong ký ức của tôi. Bên kia Intramurous là bến cảng nơi tôi lần đầu đặt chân lên một quốc gia không phải là quê hương của mình.
HO1F9295_v1_s-vi.jpg


Trí nhớ con người thật lạ, tưởng rằng mọi sự đã quên nhưng chỉ cần khơi mào là lại ùa về như cơn bão. Nước từ vòi hoa sen vẫn còn mang vị lợ lợ của năm nào. Tôi nhắm mắt cố tìm lại hình ảnh rêu phong của khu tắm lộ thiên tại trại chuyển tiếp ngày xưa. Đâu đây, hương xà bông Camay vẫn còn phảng phất. Chiếc nệm trắng phau, chăn gối thơm tho, tôi cố ru giấc ngủ đầu tiên trong đời được nằm trên nệm ở Phi. Ánh đèn vàng ấm cúng trên đầu giường vẫn không xóa được ký ức những vết ố trên tường của căn phòng học cũ kỹ của quá khứ với nền xi măng lạnh trong khu trường học âm u, đầy ổ gà, dỗ dành những giấc mơ vắng bóng thần chết.

Dạo bước quanh bến cảng gió lộng, nhìn về hướng biển xa xăm, tôi tự hỏi không biết những người bạn đồng hành xấu số bây giờ nơi đâu? Niết Bàn, Thiên Đàng, hay một nơi nào đó mà không ai biết tên? Có một người nói với tôi: Con người chết đi hai lần, lần đầu khi mình qua đời và lần thứ hai khi người cuối cùng biết tên mình về bên kia thế giới. Tôi còn nhớ được tên 1 người bạn: Sang. Những ngày trước khi xuống tàu, Sang thường dẫn tôi đi chơi dọc những bờ ruộng nhà Sang. Ngày Sang mất tôi chỉ mới biết Sang hơn 2 tuần, số thời gian gặp mặt nhau chắc không quá 1 ngày. Hình ảnh của Sang vẫn vương vất đâu đây trong trí nhớ tôi hơn 30 năm qua. Tôi hy vọng tôi không phải là người cuối cùng biết Sang.

Mệt mỏi, chuyến bay từ Manila đi Puerto Princesca khởi hành trể hơn dự định hết 5 tiếng, lỗi tại tôi quên hộ chiếu tại khách sạn. Lần thứ 3 đến phi trường Manila để bay đi, tôi vẫn không có giấy tờ chứng minh quốc gia của mình.

Nhà nghỉ ở Puerto Princesca dùng nước giếng đầy phèn như khi ở trại năm xưa. Gội đầu xong tóc cứng như rể cây, tôi bật cười vu vơ với kỷ niệm nhỏ nhoi của mình.
HO1F8671_v1-vi.jpg


Cổng trại hôm nay thật xa lạ, đường vào cây cỏ xanh tươi, khác với cảnh bụi đỏ, đầy đá tổ ong năm xưa. Những ngôi nhà năm nào đã bị xóa bỏ, chỉ còn hang đá Đức Mẹ và một vài vết tích nhỏ. Bây giờ nơi đây là một làng người Phi nho nhỏ, dễ thương. Tôi cảm thấy an ủi vì nơi trú ngụ tạm thời xưa đã có dấu chân người, có thể tạm thời như tôi, hy vọng là vĩnh viễn để khu đất này có thể mãi mãi có sinh khí. Cố lôi lại trí nhớ nhỏ nhoi năm nào, tôi ráng tìm lại những con đường xưa một cách khó khăn. Đây con đường qua phi đạo nơi bọn con nít chúng tôi từng đứng đón gió ở sau các chiếc P-51 của Không Lực của WesCom. Con đường giờ đã bị khóa cổng, giấc mơ được đứng trên phi đạo cũng tan theo mây khói. Bên hông là bờ biển đầy đá tổ ong muốn bơi phải lội ra bãi cát xa xa vẫn còn đó nhưng con đường nhỏ để lội ra không còn rõ như xưa. Tôi tần ngần muốn lội xuống nhưng nước đang lớn và tôi một lần xuýt chết đuối trên con đường ấy cũng vào lúc thủy triều dâng cao.
HO1F8755_v1-vi.jpg


Vòng vo quanh trại tìm lại nơi ngôi nhà xưa, tim tôi chợt thót lại. Giữa các ngôi nhà nho nhỏ, một cây cóc dại đứng xòe bóng. Cái dáng xiêu vẹo ấy với cái lổ hổng ngay gốc mà bao nhiêu năm trước tôi đã từng leo. Tôi nhào tới, ôm lấy vỗ về người bạn tuổi thơ của mình, người Phi nhìn ngơ ngác. Cây cóc chào đón tôi với vài trái cóc chín mọng, tôi không dám leo lên người bạn cũ, sợ cây không chịu được trọng lượng, đành đứng dưới lấy que chọc. Những trái cóc nhỏ xấu xí kia gói ghém cả một chân trời tuổi thơ của tôi. Tôi chợt nhận ra, tuy cảnh vật đã thay, người xưa cũng không còn nhưng nơi này vẫn mãi mãi là một quê hương của tôi.
HO1F9251_v1-vi.jpg


Chiều dần buông, bên ngoài cửa sổ, những áng mây trôi chầm chậm như những hòn đảo lơ lửng trên không. Ngày xưa, biển xanh đậm trải dài đến vô tận, mặt biển như chiếc gương, phẳng lặng, yên bình. Mãi đến lúc ấy, tôi mới hiểu tại sao người ta đặt tên cho nó là Thái Bình Dương. Những cơn sóng bạc đầu của những ngày đầu tiên đã biến mất, thay vào đó là mặt biển phẳng lì với ánh dương quang chói lòa. Dần dần sự yên lặng không còn là của bình an mà đã trở thành sự thinh lặng của cái chết. Những lời cầu xin cho chuyến đi được an bình đã được thay thế bằng lời cầu gặp được bão tố. Bão để có nước uống, bão có thể đẩy dạt tàu vào trong đất liền. Những lời cầu vô vọng chìm sâu dưới lòng đại dương.

Chiếc tàu tăng tốc rời bờ hướng về cửa biển, phía sau màn mưa theo gió đông bắc đang vượt rặng núi đuổi theo. Năm xưa, tôi buồn bã nhìn ở tận chân trời những màn mưa như thế. Cơn khát chỉ được thỏa mãn bởi những ngụm nước biển mặn chát, để rồi cơn khát càng mạnh hơn. Màu nước xanh thăm thẳm, hơn 30 năm rồi tôi mới thấy lại màu biển như thế, đẹp nhưng buồn thẳm.
HO1F8901_v1_s-vi.jpg


Hoàng hôn trên đại dương thật đẹp, tím quyện cam rực rở chìm dần dưới rặng núi xa, đả lâu lắm rồi tôi mới thấy được một hoàng hôn như thế. Chiếc thuyền thả neo đậu lại qua đêm trên biển. Xa xa những vùng trời rực sáng đèn thuyền đánh cá ban đêm.
CRW_0497_v1-vi.jpg


Trên biển mênh mông, thuyền chúng tôi là hạt cát, không đúng; chính xác hơn là một dấu chấm nhạt nhòa. Hơn 3 tuần lênh đênh trên biển, thuyền tôi gặp ít nhất là 30 tàu khác, tôi ngừng đếm ở con số 30. Những con thuyền tăng tốc khi chúng tôi kêu cứu, rồi thì tiếng kêu cứu cũng ngưng vang vọng vì sức đã tàn.

Gió thốc mưa, con thuyền chao đảo đánh thức, tôi bật dậy, tay vẫn nắm vịn mạn thuyền trên nóc buồng tàu để khỏi rớt xuống biển như năm nào. Gió không lạnh mà da nổi gai ốc. Hình ảnh xưa chợt ùa về, người chết được thả xuống biển, người sống không có nước mắt. Tôi cắn răng để tiếng khóc khỏi bật ra.

Chiều hôm ấy cũng giống như chiều hôm nay, ít mây. Chút ít sức tàn, tôi đã dùng để bò lên lại thuyền từ cây ván bên hông thuyền. Nằm lấy lại hơi thở, tôi nhìn P. đang nổi lềnh bềnh trong nước dưới khoang thuyền. Tôi bò qua nơi chú tôi đang nằm, chú đã hết nhúc nhích từ hôm qua nhưng lồng ngực vẫn thoi thóp. Lấy lại hơi, tôi leo lên nóc buồng tàu đón những tia nắng cuối ngày. Biết cái chết đã gần, tôi nhắm mắt cầu mong cho mẹ tôi và gia đình đừng buồn một khi nhận tin xấu. Một cảm giác an bình bao quanh, nỗi sợ hãi tan biến, tôi nằm xuống ngước nhìn bầu trời xanh.
HO1F8894_v1_s-vi.jpg


Tiếng còi hú xé vang hoàng hôn, chiếc Antila Bay tiến thẳng về thuyền chúng tôi. Hôm sau, ngày 2 tháng 8, những người may mắn của chuyến 84/140 Manila cập bến quê hương thứ hai của mình. Trong cuộc đời của mỗi người, có rất ít cơ hội chúng ta có thể nói "lúc đó là lúc cuộc đời tôi thay đổi", ngày hôm ấy có 84 người có được cơ hội đó, để có một câu chuyện để kể, một cuộc đời để sống, đời đời để biết ơn.

HO1F8651_v1_s-vi.jpg
 
Last edited:
Nhìn hình chụp , ui chao , sao mà nôn nao một chuyến đi Phi thế không biết ! Cảm ơn chủ topic , đang dõi theo topic cho chuyến đi sẽ thực hiện , dù không biết bao giờ.....
 
Giọng văn hay đọc hồi ức mà như cùng tác giả đi ngược thời gian về với quá khứ, cảm nhận được rỏ ràng như được tận mắt chứng kiến. Em rất thích bài viết của anh!

Ôi, nếu mà cô dạy văn lớp 5 của mình ngày xưa mà nghe được bạn khen mình như trên thì chắc sẽ lăn ra đất mà cười.
 
"Ngoài cổng, ánh sáng lóa mắt. Manila, nơi xóa đi bóng đêm của đứa bé đen thui ngày ấy."<=== Em đọc xong bài của bác, em lại đọc lại, đọc đi đọc lại và hình ảnh này cứ làm mắt em cay cay.
Bài bác viết cảm động quá. Lâu quá rồi em mới đọc 1 bài hay như vậy. Cảm ơn bác nhiều. Hy vọng bác viết nhiều để em hóng theo bác.
 
Hì, tiếc quá... Bây giờ mình mới có dịp tham gia phuot.vn để đọc những bài viết như thế này. Cảm ơn chủ topic nhé!
 
Xin phép được gọi chú là chú, vì 30 năm trước chú đã từng đến Phi Luật Tân, nghĩa là (có thể) chú cũng là 1 trong "hơn 20 vạn bàn tay" đã "bỏ lại thiên đường" và "ra đi giữa phố không đèn, ra đi trốn mắt người quen" lao lên những con tàu nhỏ, đánh đổi cái chết để được sống những ngày "hòa bình" sau 75.
Nếu được, xin chú nói thêm thật nhiều về những đoạn ký ức của chú về những ngày đó nhé, đơn giản... vì con muốn nghe. Và cũng nếu được, con xin đề nghị chú đọc thêm cuốn tiểu thuyết "Thời của thánh thần"- tác giả Hoàng Minh Tường, để xem, liệu những gì chú muốn kể, có thật bằng như thế, hay ... thật hơn cả thế.
(Xin lỗi tác giả Lam Phương và Nhật Ngân vì trót cầm nhầm vài câu hát của nhạc sỹ)
 
Xin phép được gọi chú là chú, vì 30 năm trước chú đã từng đến Phi Luật Tân, nghĩa là (có thể) chú cũng là 1 trong "hơn 20 vạn bàn tay" đã "bỏ lại thiên đường" và "ra đi giữa phố không đèn, ra đi trốn mắt người quen" lao lên những con tàu nhỏ, đánh đổi cái chết để được sống những ngày "hòa bình" sau 75.
Nếu được, xin chú nói thêm thật nhiều về những đoạn ký ức của chú về những ngày đó nhé, đơn giản... vì con muốn nghe. Và cũng nếu được, con xin đề nghị chú đọc thêm cuốn tiểu thuyết "Thời của thánh thần"- tác giả Hoàng Minh Tường, để xem, liệu những gì chú muốn kể, có thật bằng như thế, hay ... thật hơn cả thế.
(Xin lỗi tác giả Lam Phương và Nhật Ngân vì trót cầm nhầm vài câu hát của nhạc sỹ)

Xin lỗi là đáng lẽ là chú đã phải trả lời cho cháu từ sớm nhưng vì quá dốt thử đọc cuốn tiểu thuyết "Thời của thánh thần" mãi mà không xong (chú chỉ học tiếng Việt đến lớp 5 thôi). Phần khác là quá ham chơi cho nên quên béng luôn, hy vọng là cháu bỏ qua cho.

Chuyện xưa thì chú còn quá nhỏ để hiểu được là mình đang làm gì, hôm rời nhà chỉ nghỉ đơn giản là được đi Vũng Tàu mà thời ấy được rời khỏi thành phố là cả một hành trình siêu việt, cứ như là được đi Bắc Cực bây giờ. Những ký ức kể lại chắc có thể ly kỳ với cháu nhưng đối với chú (may mắn thay) nó êm đềm như dòng suối nhỏ. Có vài gợn sóng nhưng nếu không có thì hẵn buồn lắm thay :).

HO1F8979_v1-vi.jpg
 
Tuyệt vời quá anh ơi! Hiện tại, đất nước đã đổi về quan điểm kinh tế, chính trị và lịch sử. Những câu chuyện về giao thời năm 75 giờ đã được "tự do" nhưng để được nghe sinh động va quyến rũ với biển xanh,cát trắng như của anh thì quả là không dễ.Mong anh tiếp tục,cảm ơn anh!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,498
Bài viết
1,168,655
Members
191,375
Latest member
Mayfarm_88
Back
Top