What's new

[Chia sẻ] Khám phá amazon

Đây là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời mình. Mang lên đây chia sẻ với mọi người... :)

Bài 1: THÀNH PHỐ GIỮA RỪNG GIÀ

Nơi nào trên trái đất tập trung nhiều động thực vật kỳ lạ nhất? Nơi đâu là mái nhà của những bộ lạc kỳ bí- niềm khao khát được đặt chân đến của biết bao kẻ khám phá? Câu trả lời chung là AMAZON, bảo tàng thiên nhiên nhiệt đới kỳ vĩ nhất thế giới, trải rộng đến chín quốc gia, có con sông với chiều dài và lưu lượng lớn nhất thế giới. Để trải nghiệm những câu chuyện kì thú về rừng già và thổ dân Amazon, không đơn giản như một chuyến du lịch dài ngày…

Kế hoạch ấp ủ
Cách đây chưa lâu, hãng thông tấn BBC phát một đoạn video về một bộ lạc mới được phát hiện sâu trong rừng rậm Amazon (gần biên giới Brazil và Peru) càng kích thích tôi thêm tò mò, háo hức được tìm hiểu về Amazon.

Dù đã từng trải nghiệm những giây phút tưởng lả người đi vì khát, vì cái nóng kinh hồn trong những ngày cỡi lạc đà, lang thang tại sa mạc Gobi; những lúc xây xẩm, muốn gục xuống vì thiếu ô xi trên những đỉnh đèo hơn 5000m tại Tây Tạng; những ngày lên nương, vào rừng săn thú cùng với người Si La (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam) ở vùng miền núi Tây Bắc…nhưng với tôi, tiếp tục khám phá rừng già Amazon, tìm gặp thổ dân vẫn là một chuyến đi hấp dẫn dù không kém phần thử thách.

Những “bài tập” đeo ba lô gần 30 kí đi bộ mấy tiếng đồng hồ, những kĩ năng sinh tồn, nhìn sao, xem phương hướng… được tôi lôi ra tập luyện lại từ vài tháng trước khi lên đường. Dù đã từng ở Peru 2 tháng (năm 2008) khi làm loạt kí sự về người Inca, nhưng khi biết tôi định đi Amazon, viên lãnh sự tại sứ quán Peru vẫn đòi thêm sổ chích ngừa sốt vàng da và một loạt thuốc ngừa khác như: dịch tả, sốt rét… mới đồng ý cấp visa. “ Vì sự an toàn của anh thôi. Đến Amazon, không có sự chuẩn bị nào là thừa”, viên lãnh sự chìa cuốn hộ chiếu với dấu đóng visa Peru mới tinh cùng nụ cười: “Chúc chuyến đi an toàn”.



Iquitos- thủ đô sinh thái của Amazon
Nằm gần biên giới của Columbia và Brazil, Iquitos (một thành phố của Peru) được mệnh danh là thủ đô sinh thái của Amazon. Iquitos như bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi rừng rậm và những con sông lớn. Muốn đến Iquitos chỉ có thể bằng đường không hoặc đường thủy (khoảng bốn, năm ngày). Đây là thành phố lớn nhất thế giới không thể đến được bằng đường bộ.

Từ Lima (thủ đô Peru) mất gần hai giờ bay để đến Iquitos. Sân bay nhỏ, “nghèo nàn” hơn cả sân bay Phú Quốc của Việt Nam. Cùng một đất nước, nhưng mới đây tôi hãy còn sùm sụp bận áo ấm, quấn khăn len ho sù sụ vì lạnh, chỉ chưa đầy hai tiếng sau vưà ra khỏi máy bay, cái nóng đã xộc vào. 36 độ C, độ ẩm 90%. Gió thổi ào ào nhưng người vẫn nhớp nháp, khó chịu.




Bữa ăn phổ biến của dân Iquitos

Được phát hiện từ giữa thế kỉ 18, Iquitos khi ấy chỉ là một thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng già. Từ đầu thế kỉ 20, khi cơn sốt mủ cao su (vốn có rất nhiều ở Amazon) bùng nổ, Iquitos trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất Nam Mỹ. Nằm ngay con sông Amazon nên Iquitos đã trở thành trung tâm giao thương của Châu Âu và cư dân Amazon.
Rồi cơn sốt cao su đi qua (bởi cao su tổng hợp được phát minh và người Châu Âu đã có thể “tậu” được những đồn điền cao su tại các nước Châu Á), như vừa trải qua một giấc mơ, Iquitos trở về với sự nghèo nàn của mình. Thương cảng nhộn nhịp tàu thuyền nước ngoài ngày nào giờ chỉ còn những chiếc ghe nhỏ trao đổi, mua bán trái cây, sản vật của cư dân quanh vùng. Một thời phồn hoa, thịnh vượng chỉ còn gợi nhớ lại bằng những công trình kiến trúc cũ già nua còn tồn tại cho đến ngày nay xung quanh quảng trường trung tâm.

Tôi bắt chiếc moto-kar (xe máy kéo thùng chở khách đằng sau tương tự xe lôi ở ta) cùng vài người du khách nước ngoài chạy quanh thành phố mà cứ ngỡ mình về lại…Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Nếu như hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng xe hơi, thì ở Iquitos đa số chạy xe máy (phần lớn là xe Wave, Cub đời cũ) phun khói mịt mù.. Các bác tài moto-kar chạy nhanh, lạng lách khá điệu nghệ. Là dân Việt nam nên tôi chẳng lạ, nhưng với người nước ngoài đó là một trải nghiệm thú vị. Họ rú lên, có người bịt cả mắt lại vì sợ hãi.


Xe máy và motokar là phương tiện di chuyển chủ yếu ở Iquitos

Dân Iquitos còn nghèo, nhiều vùng dân vẫn còn không có điện, nước sạch. Trên những góc phố, mỗi chiều tối, mấy bà nội trợ lại ngồi tụ tập tám chuyện. Bọn nhỏ trần trùng trục rượt đuổi nhau chạy quanh. Đến chương trình tivi là bắt ghế tụ tập lại xem chung bằng cái tivi nội địa cũ mèm… Ôi, sao mà giống Việt Nam đến thế. Ở đây, tivi, điện thoại, internet không phổ biến lắm. Cái usb 3G mua ở thủ đô Lima được quảng cáo là có thể xài bất kì nơi đâu nhưng lên tới đây thì tịt ngóm. Toi mất 200 soles (khoảng 1,4 triệu đồng).

Mục đích chuyến đi của tôi lần này là tìm gặp bộ lạc người Matsés- những chiến binh ẩn sâu trong rừng già nổi tiếng về những vụ bắt cóc phụ nữ bộ tộc khác về làm vợ và ăn thịt. Một hướng dẫn viên du lịch địa phương nghe thế liền nói: “Đi chi cho xa? Ngay đây thôi, có bộ lạc người Bora và Yagua hay lắm. Nhiều báo, đài cũng đến đó để viết bài, quay phim rồi đấy”. Để chứng minh lời mình nói, anh chìa cho tôi xem một loạt hình thổ dân ngực trần (kể cả nữ), vẽ mặt và người vằn vện đang cầm súng thổi tên (một loại vũ khí của người Amazon để săn thú). “Ồ, hấp dẫn thật!”, tôi quyết định ngay. Ừ, đi…

Do chỉ chụp hình, hỏi thăm thông tin, mình không tập trung quay phim. Thôi có gì xào nấy xem chơi cho vui ha :)
https://www.youtube.com/watch?v=K2NweDNHPOM

Box:
Rừng nhiệt đới Amazon chiếm 5,5 triệu km2, trải rộng khắp 9 quốc gia Nam Mỹ (Brasil, Peru, Columbia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam, và French Guyana). Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới trên thế giới với hơn 2triệu rưỡi loài côn trùng, hàng chục ngàn loài động thực vật. Amazon còn nổi tiếng với những loài thú dữ như: trăn khổng lồ anaconda, ếch độc, cá cọp piranha…




Thú rừng bán công khai tại chợ Belen (Iquitos)


Con mata-mata
 
Bài 2: NGHỆ NHÂN CỦA RỪNG XANH

Chàng thổ dân bận chiếc khố bằng lá cây, mình trần cháy nắng, khẽ khàng bước sâu vào bụi rậm để tiến lại gần con mồi. Trên tàng cây cao, những con chim vẫn đang véo von. Anh dừng lại, nhẹ nhàng rút mũi tên từ trong túi nhỏ đeo bên người cẩn thận đặt vào cái ống dài rồi đưa lên miệng nhắm vào con chim gần nhất và…thổi mạnh. “Phụp”, một tiếng gọn nhẹ vang lên và con chim rơi xuống.

Đi gặp thổ dân Amazon
Đó là đoạn phim tôi yêu thích trên kênh Discovery về một buổi đi săn của thổ dân Amazon. Vốn là một fan “cuồng” của những kênh truyền hình thám hiểm, nên những thước phim về thổ dân Amazon này tôi đều đã xem đi xem lại nhiều lần. Tuy nhiên, lần này xem lại làm tôi không ngủ được. Trằn trọc, hồi hộp, háo hức. Cũng phải thôi, vì chỉ ngay sáng mai, tôi sẽ trực tiếp gặp những thổ dân Amazon bằng xương bằng thịt.

Trời vừa tờ mờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn. Cùng đi với tôi là một nhóm người Anh, Pháp, Đức. Họ cũng tò mò muốn tìm hiểu về thổ dân Amazon. “Cần mang theo những gì để vào gặp thổ dân Bora và Yagua?”, tôi hỏi. Câu trả lời của anh hướng dẫn viên làm tôi hơi ngạc nhiên: “Một chai nước và tiền (dĩ nhiên). Đó là tất cả những gì anh cần mang theo”. Gặp thổ dân vùng Amazon dễ dàng đến thế sao? Tôi lên đường với chút “gờn gợn” trong lòng.

Từ trung tâm Iquitos, tôi bắt “xe lôi” (moto-kar) giá 2 soles (khoảng 14 ngàn đồng) ra bến sông. Khác với tưởng tượng về con sông Amazon dài nhất thế giới (6.800 km-hơn 4 lần đoạn đường từ TP.HCM ra Hà Nội), khúc sông Amazon tại Iquitos hiền lành và đỏ quạch phù sa như con sông ở miền Tây. “Đừng tưởng lầm! Amazon có khoảng 10.000 con sông lớn, nhỏ. Đây chỉ là một khúc bé tí. Xuôi theo dòng ra cửa sông, có khúc rộng đến…325 km, trông như biển đấy”, người dẫn đường giải thích.

Vùng này giống một khu chợ nổi ở miền Tây như đúc. Người dân cũng thấp, đen; cũng vỏ lãi, ghe chở trái cây, nông sản từ những vùng lân cận đổ về mua bán, trao đổi; cũng xô bồ, nhộn nhịp… Nếu không biết trước, chẳng bao giờ tôi nghĩ mình đang ở một đất nước vùng Nam Mỹ xa xôi, cách Việt Nam cả nửa vòng trái đất.

Chiếc xuồng máy lạch xạch rời bến. Non một tiếng đồng hồ đã thấy anh hướng dẫn chỉ tay vào đám người đang đứng lố nhố tại cánh rừng ven sông cách đấy không xa: “Thổ dân Bora đấy!”.

Thổ dân Bora
Quả không hổ danh là những nghệ nhân đầy tài năng của rừng xanh (vốn nổi tiếng trong việc làm mặt nạ, súng thổi tên, đồ trang sức cùng nghệ thuật trang điểm độc đáo…), người Boras ở đây để ngực trần (kể cả nữ), đeo trên cổ những chuỗi hạt trái cây đủ màu đặc trưng của vùng Amazon, đội mũ gắn những chiếc lông đuôi vẹt dài thượt, mặc những tấm váy được đan từ vỏ cây vả, cây sung, chân đeo những vòng đeo bằng vỏ ốc, đeo trên mình những chiếc giỏ xinh xắn được đan từ lá cọ…

Vài thổ dân rất tự nhiên, không cần hỏi trước, dùng bàn tay đầy màu của mình…quẹt lên mặt chúng tôi. “Đừng sợ, những hình vẽ này sẽ giúp chúng ta tránh được rắn rít, thú dữ trong rừng đấy. ”, người hướng dẫn nói. Thì ra, đối với người Bora, thế giới tâm linh vẫn sống chung quanh thế giới thực của con người. Họ tin vào năng lực siêu nhiên sẽ sắp đặt thế giới và giải quyết mọi vấn đề theo cách tốt nhất. Những hình vẽ trên mặt, trên người họ biểu lộ niềm tin đó. (Và cũng tuỳ vào địa vị của họ trong bộ lạc mà hình vẽ của họ sẽ khác nhau).

14371706280_d04d108a45.jpg


14578492903_a9bf2527f0.jpg


14371774459_c9288a79ed.jpg


Mỗi người bỏ 20 soles (khoảng 140 ngàn đồng), gọi là “phí thăm bộ lạc”. Vẫn biết là ai cũng cần tiền để sống nhưng tự nhiên cảm thấy “lượng sượng”. “Mình sẽ tìm hiểu được gì thú vị ở đây?”, tôi thầm nghĩ.

Tuy nhiên, tôi cũng chẳng có thời gian “tâm tư” nhiều vì lập tức những người Bora đã lôi tuột chúng tôi vào vòng tròn cùng tham gia nhảy múa. Họ đồng loạt đi vòng quanh, dộng gậy xuống sàn đất, nam đánh trống, nữ múa và tất cả cùng hát. Tiếng gậy nhịp nhàng theo tiếng hát của những cô gái Bora ngực trần.

Bộ lạc người Bora chia làm nhiều họ. Mỗi họ sẽ có một con thú làm biểu trưng. Vì thế, họ thường nhảy múa để tưởng nhớ đến linh vật của họ. Hôm đó, họ nhảy những điệu múa để tỏ lòng tôn kính đến Sacha Vaca (một loài heo vòi chỉ có ở rừng Amazon), rồi họ chuyển sang điệu nhảy để tỏ lòng tôn kính con Manguare (một loài tương tự con diệc, bồ nông)…. “Trong những buổi lễ hội, người Bora có thể nhảy múa như thế cả đêm”, người hướng dẫn giải thích.

Sau điệu nhảy, những người phụ nữ bỗng bao vây du khách và…chào bán đồ lưu niệm. Nói cho công bằng, những con búp bê, những chiếc túi xách đan từ lá cọ kia thật sự là những tác phẩm nghệ thuật rất xinh xắn. Và quả thật, nếu muốn có hình ảnh “ấn tượng” về những thổ dân vẽ rằn ri trên người, bận những trang phục lạ lẫm, “bắt mắt” thì đây chính là cơ hội tuyệt vời. Nhưng đó không phải là thứ tôi vượt hàng ngàn cây số để tìm kiếm. Thổ dân Bora chỉ vậy thôi sao? Tôi lịch sự từ chối, lẳng lặng chuồn ra khỏi đám đông nhốn nháo đó.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=_yCd5axvBBg

14557532362_2b7786126b_z.jpg


14356529030_f5e8ba911a_z.jpg


14539911521_7fc6b27697_z.jpg



Box:
Người Bora gốc ở Columbia, trước đây có khoảng 15.000 người sống nửa du canh du cư. Đầu thế kỉ 20, khi chiến dịch khai thác cao su nổ ra tại đây, người Bora bị bắt làm nô lệ. Họ bị ép vào tận rừng sâu để khai thác cao su. Người Bora hiện còn khoảng 3000 người sống chủ yếu ở Peru và Columbia (một số ít sống ở Brazil). Người Bora sống chung 1 cái lều cực lớn (gọi là maloca). Trong đó, từng gia đình sẽ chia ra từng khoảnh nhỏ (gọi là curaca).

14520073426_c05f38464c_z.jpg
 
Last edited:
Bài 3: ĐI TÌM THỔ DÂN AMAZON “THỨ THIỆT”

Chiếc thủy phi cơ bảy chỗ mang số hiệu EP 857 lượn vài vòng trên cánh rừng già rồi đáp xuống con sông Yavarí làm tung nước trắng xoá. Nơi đây là Angamos, biên giới của Peru và Brazil. Bắt đầu từ đây, thế giới văn minh gần như được bỏ lại phía sau.

14520197906_6929672864.jpg


Hi vọng loé lên
Khá thất vọng sau buổi tiếp xúc với “thổ dân nửa mùa” Yagua và Bora, tôi càng quyết tâm phải gặp được những thổ dân Amazon “thuần chất” hơn. Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu, đọc tài liệu khá nhiều về vùng này. Những bộ tộc khá hấp dẫn có thể gặp đó là người Shuar, người Jivaro (nổi tiếng với việc thu nhỏ đầu người lại cho đến khi nhỏ bằng quả cam), người Matis (được mệnh danh là người báo đốm), và người Matses (từng là những chiến binh cướp vợ bộ tộc khác và ăn thịt người).

Tôi mất cả ngày trời để lân la hỏi hàng chục công ty du lịch và cả Sở văn hoá tại Iquitos (Peru) nhưng đều nhận được cái lắc đầu. “Muốn tiếp xúc những bộ tộc đó, tại Iquitos may ra chỉ Amazon Explorer mới có thể dẫn đường ”, một người trong Hội nghiên cứu văn hoá thổ dân Amazon nói.

Amazon Explorer là công ty du lịch tại Iquitos chỉ có hai thành viên: Hector (nhà tự nhiên học người Argentina) và Bertien (người Hà Lan, phiên dịch tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh). Khá ngạc nhiên khi nghe tôi đề nghị dẫn đi gặp thổ dân Amazon “thứ thiệt”: “Lâu lắm rồi mới có người yêu cầu như thế, hầu hết đều chọn đi Bora và Yagua (nơi tôi đã đi trong bài trước). Người Shuar và người Matis ở khá xa Iquitos. Gặp người Matsés là khả thi nhất. 2400 USD cho chuyến đi 15 ngày”, Hector nói. Đây không phải là lúc mặc cả, tôi đồng ý.

Hector chìa tờ giấy trước mặt tôi: “ Anh kí vào đây”. Tờ giấy chi chit các quy định và dặn dò nhưng tóm lại chỉ một câu: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước bất cứ tai nạn nào xảy ra.” “Có nơi nào để mua bảo hiểm không?”, tôi hỏi. Hector cười: “Không công ty nào chịu bán bảo hiểm cho khách đi vào vùng rừng rậm Amazon đâu”. “Và tôi cũng nói trước, đừng nghĩ đến trực thăng cứu hộ hay đại loại thế như trên phim. Đã vào rừng, có nghĩa là chấp nhận mọi rủi ro!”, anh nói một câu khá lạnh lùng.

Lãnh địa người Matsés
Angamos là một thị trấn nhỏ nằm ngay biên giới của Brasil và Peru. Nơi đây được xem như điểm “văn minh” cuối cùng (vì hãy còn sử dụng điện từ bình ắc qui và một vài tiệm chạp phô nho nhỏ). Người dẫn đường Denis -29 tuổi, người Matsés kiêm luôn phiên dịch từ tiếng Matsés sang tiếng Tây Ban Nha- đón chúng tôi tại Angamos.

14542351912_66c8181ecd.jpg


Ngày nay, thổ dân Amazon được chính quyền bảo vệ nhiêù hơn. Muốn vào lãnh thổ của họ phải có giấy phép của chính quyền. Một nhà thám hiểm ở Châu Âu đã từng phải ngồi tù ở Brazil vì dám nói dối mình là bạn của thổ dân để xâm nhập vào sâu trong lãnh địa của thổ dân. Ngay cả xin được giấy phép (hoặc qua mặt được chính quyền), chuyện thổ dân “chào đón” kẻ lạ mặt dám xâm nhập vào vùng đất của họ bằng bẫy, bằng những mũi tên tẩm thuốc độc cũng…đã từng xảy ra.

Vùng của người Matses là khu bảo tồn quốc gia, muốn vào phải có giấy phép và được chính người Matses dẫn vào. Vì thế, đừng hòng nghĩ rằng có thể tự mình đi “thám hiểm”. “Khi vào vùng cấm, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nếu không đi chung với người Matses, những bọn trồng, buôn lậu thuốc phiện sẵn sàng giết chết người lạ vì họ không biết đấy là khách du lịch hay là người của chính phủ cài vào để bắt họ”, Denis nói.

14376081730_a6a002754b.jpg


Chiếc đò nhỏ chất đầy nhu yếu phẩm: trứng, sữa đặc, xà phòng, lương khô…(để làm quà cho người Matses) cùng bốn người: tôi, Hector, Bertien, và Denis xuôi theo con sông Yavarí lên đường. “ Chỉ vào ngã ba, nhánh hai con sông Yavarí và Galvez gặp nhau, Denis nói: “Chúng ta đang bước vào lãnh thổ của người Matses đấy”.

Không như những con sông khác, con sông Gálvez nhìn đen như…kênh Nhiêu Lộc trước kia bởi những chất hoá học từ vỏ cây rừng tiết ra. Chính chất này góp phần lọc nước, giết vi khuẩn và những con bọ gậy (lăng quăng) sinh ra muỗi. Nhờ vậy mà khu người Matses sinh sống không có muỗi.

Dọc con sông Galvez là những cây bông gòn cao, phủ tàng lá rộng khắp. Đậu kín ngọn cây cao hai bên bờ sông là biểu tượng của nước Honduras (Trung Mỹ): đàn vẹt Amazon đuôi dài, màu sắc sặc sỡ, to như con gà đang cãi nhau ỏm tỏi. “Bọn vẹt này rất chung thuỷ, luôn bay có cặp, chẳng khi nào bay một mình”, Hector nói.

14542353992_a3f81906aa.jpg


Thỉnh thoảng lại thấy bọn cá heo hồng (loại cá heo nước ngọt đặc trưng của vùng Amazon) nhảy vờn nước. Trong tài liệu tôi đọc trước khi đi thì người Matses rất sợ cá heo hồng vì theo họ nó thường giả dạng cô gái hoặc chàng trai xinh đẹp để dụ dỗ rồi lôi họ xuống đáy sông. Vì thế, người Matses không ăn thịt cá heo hồng vì linh hồn của nó sẽ giết mình. Vưà kiểm tra lại thông tin đó với Denis thì từ phía ngược lại một chiếc ghe chèo ngược ra hướng Angamos chở theo một chú nhóc bị sưng húp toàn thân và gần như mê sảng. “Nó tắm trên sông thì có con cá heo hồng bơi sát vào nó. Thế là khi lên bờ, nó bị thế này”, cha của đứa bé (cũng là người Matses) kể với Denis bằng giọng đầy sợ hãi.

Nắng gắt. Mùa khô nên nước cạn, người vẫn nhớp nháp mồ hôi vì độ ẩm cao. Tám tiếng đồng hồ ngồi trên ghe, người tôi bị nắng đốt cháy đỏ như con tôm luộc. Khi mặt trời đã sắp lặn phía sau cánh rừng già, khi mọi người cũng muốn lả đi vì say nắng và mệt cũng là lúc thấy thấp thoáng những dáng người nhỏ bé, ở trần…Denis reo to: “Tới nơi rồi!”.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=XPyn6lbemjA

14543173885_bbf3a50c8b.jpg

từ trái sang, Denis, người Matses dẫn đường, Hector, nhà tự nhiên học, Bertien, người phiên dịch và tôi.

Box:
Người Matses ở làng Buen Peru và San Juan, sát biên giới Peru và Brasil. Từ Iquitos, đi bằng thuỷ phi cơ (hoặc đi thuyền khoảng…một tuần) để đến Angamos (cách Iquitos hơn 800 km đường sông). Từ đây tiếp tục đi đò máy ngược dòng lên hơn tám tiếng nữa để đến Buen Peru và San Juan. Cách khác là đi thuyền 19 tiếng từ Iquitos đến Requena (160 km), sau đó đi bộ băng rừng ba ngày đêm mới đến. Đi kiểu này tuy ngắn hơn một chút, nhưng nguy hiểm gấp bội. Vì thế, tôi chọn phương án một.
 
Last edited:
Bài 4: CHIẾN BINH BÁO ĐEN

Là niềm kinh dị của biết bao bộ tộc khác tại Amazon, người Matsés nổi tiếng về những vụ đánh chiếm, bắt cóc phụ nữ bộ tộc khác về làm vợ và …ăn thịt.

Bộ lạc đa thê
Trước đây, cũng như các thổ dân khác tại rừng già Amazon, người Matsés luôn “thử” lòng can đảm của đối phương. Chỉ cần thấy đối phương thoáng chút sợ, xem như đồ đạc sẽ bị lột sạch. Moises, chuyên gia huấn luyện kĩ năng tồn tại trong rừng già Amazon, từng gặp người Matsés vào năm 1986 cho biết đã từng có hai phụ nữ Pháp bị người Matses bắt cóc. Sau khi được tìm thấy họ đã không còn được là phụ nữ nữa: âm vật của họ đã bị cắt mất. Tôi đọc điều này trước khi vào thăm người Matsés, dù không phải phụ nữ nhưng tôi không khỏi có một chút e dè, biết đâu tôi bị cắt “cái khác”.

Làng San Juan của người Matses sống sát dòng sông Galvez (gần biên giới Brazil và Peru). Thấy chúng tôi bọn trẻ trần truồng đang nghịch nước, rượt đuổi nhau ở mé sông bỏ chạy tán loạn. Những người phụ nữ ngực trần đang xắt chuối cũng bỏ dở, đưa ánh nhìn đầy dò xét. “Ông tôi kể lại hồi xưa thổ dân Amazon bị người da trắng giết chết rất nhiều. (Theo tài liệu tôi đọc được, họ chết vì dịch bệnh do người da trắng đem đến, và do bị bắt làm nô lệ khai thác cao su). Vì thế, cho đến bây giờ, người Matsés và nhiều bộ lạc khác ở Amazon vẫn tin rằng, người da trắng đến giết họ, lột da mặt, rồi lấy mỡ làm dầu bôi trơn đặc biệt cho máy bay, tên lửa…Mặc dù sau đó, Chính phủ và các nhà truyền giáo tuyên truyền, giải thích rất nhiều nhưng vẫn có người không tin”, Denis, người Matsés dẫn đường, cho biết.

Chúng tôi vào nhà Manquid, trưởng làng San Juan. Nhà người Matsés giống nhà sàn của người dân tộc thiểu số Việt Nam nhưng thấp hơn (chỉ kê cao hơn so với mặt đất chừng ba, bốn tấc): sàn và vách bằng tre, nứa đập dập, cột kèo bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ, lá dừa… Dáo, mác, cung tên được cất trên xà nhà. “Ngày xưa mọi người sống chung trong một cái nhà lớn gọi là maloca, có cái dài đến 50 mét (giống nhà chung của dân tộc thiểu số ở Việt Nam). Trong đó, mỗi gia đình sẽ phân chia ‘lãnh thổ’ bằng những tấm phên đan bằng chambira (một họ cây dừa)”, Manquid nói.

14356688999_7a02ef78dc.jpg


14356642230_02160bfdc2.jpg


14542346132_08756fd4cb.jpg

Nghiền chuối làm thức ăn trong “cối” và “chày” khá đặc biệt của người Matsés

Người Matses hiện vẫn ở chế độ đa thê. Manquid, 53 tuổi, cũng có hai vợ là chị em ruột, mỗi bà có năm người con. “Trước đây, hai đêm ở với vợ này, hai đêm với vợ khác. Bây giờ già rôì, không còn làm ăn gì được nữa nên mấy bả cũng thông cảm. Mà hai vợ là ít đấy. Thời của cha tao, có ông đến 8 vợ. Bây giờ thú rừng ít đi, sông cũng ít cá. Lấy nhiều vợ, làm sao lo nổi thức ăn cho vợ, con”, Manquid cho biết. Đều đặn mỗi ngày, tất cả đều ngồi ăn chung với nhau, nhưng mỗi bà lại phải tự nấu cơm riêng và mang đến cho chồng ăn. Nếu chồng no hoặc ăn không hết thì chồng sẽ cho con ăn. Vì thế, đối với người Matses, mỗi vợ sẽ có một bếp riêng), có quà gì cũng chia đều.

Manquid là người thông thái nhất làng, đã từng đến thủ đô làm việc với Chính phủ. Tuy vậy, ông tin rằng thế giới phẳng như một cái đĩa. Ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi: “Mày đi nhiều vậy, nói tao biết, đâu là điểm tận cùng của thế giới (?!)”.

Cướp vợ, ăn thịt người
“Muốn biết người Matsés đánh nhau thế nào, cứ hỏi Tumi” trưởng làng Manquid nói. Khác với tưởng tượng về một chiến binh vạm vỡ, to cao, trước mặt tôi là một ông già nhỏ thó, cao chỉ chừng một mét rưỡi, tóc “bum bê” (giống cái nồi úp lên đầu). Chiến binh Matsés đấy! Tumi là chiến binh còn sót lại của người Matsés ở làng San Juan. Ổng từng giết báo bằng cung tên, sang bộ lạc khác ở Brazil cướp người mang về làm vợ cho người trong bộ lạc. Chính một trong những bà vợ hiện nay của ông cũng do ông cướp về được từ người Matis ở Brazil.

Tumi ở trong căn nhà vách nứa nhỏ, nhưng có đến…ba cái bếp. Nhà truyền thống người Tày ở Việt Nam cũng có ba bếp, nhưng chỉ một bếp dùng để nấu nướng (hai bếp còn lại thường để sưởi ấm, giữ lửa).Với người Matsés thì khác, một nhà có thể có rất nhiều bếp tuỳ thuộc vào số…vợ của chủ nhà. Tumi có ba vợ.

14356835197_38bd2a154a.jpg


14543284925_dd3d6fdcbd.jpg

Chiến binh Tumi từng giết báo bằng cung tên, sang bộ khác ở Brazil cướp người mang về làm vợ

“Cướp vợ, và người của bộ lạc khác để mở rộng bộ lạc cũng như khẳng định vị thế và bản lĩnh của người Matses. Chúng tôi cũng cướp cả con nít, nuôi nấng dạy dỗ nó. Nếu là con gái thì 5, 10 năm sau sẽ lấy một người trong bộ lạc. Nếu là con trai, sau này lớn lên nó cũng trở thành người Matsés”, Tumi cho biết. Theo cuốn “Cuộc sống truyền thống của người Matsés” (La vida tradicional de los Matsés) thì những vụ đánh giết thế này mãi đến những năm 70’ mới chấm dứt.

Ngay cả mẹ của trưởng làng, bà Shang Ku Swo, cũng bị cướp từ bộ lạc Korubo. Khi còn trẻ, bà đã từng nhiều lần ăn thịt người chết trong bộ lạc. “Khi một người chết thì những người trong bộ lạc sẽ làm thịt người chết, nấu và ăn thịt người đó. Riêng bộ phận sinh dục thì chính người chồng sẽ ăn của người vợ (và ngược lại). Thậm chí xương cũng nấu ra, hút tủy ăn hết”, bà kể. Và tập tục ăn thịt người ghê rợn này hãy còn giữ cho đến những năm 60’ của thế kỷ 20.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=cZXIGez8SG4

14542347432_4df96cf2fe.jpg


14356837757_6582fe6878.jpg


14356714718_ff667c2aca.jpg

bà Shang Ku Swo, cũng bị cướp từ bộ lạc Korubo. Khi còn trẻ, bà đã từng nhiều lần ăn thịt người chết trong bộ lạc

Box:
Người Matsés (cả nam lẫn nữ) từ 40 tuổi trở lên đều xăm trên môi một đường sọc như mang cá kéo dài đến tận tai. Thế hệ sau đó hầu như không còn xăm hình nữa. Denis cũng không xăm. “Chúng tôi không muốn bị coi thường khi tiếp xúc với người văn minh. Dù gì các bộ lạc rừng Amazon cũng vận bị coi là tầng lớp thấp. Vả lại, ngày xưa xăm mặt để phân biệt người Matsés, không đánh nhầm khi chiến đấu vơí bộ lạc khác. Bây giờ không đánh nhau nữa, thì để hình xăm làm gì?”, anh nói.
 
Bài 5: Sống với thổ dân Matsés

Bắt cá không cần lưới, mồi; ăn, làm bếp và cả “chuyện ấy” đều diễn ra trên võng…Đó là một số điều lạ mà tôi biết thêm khi sống với thổ dân Matsés.

Đụng rắn độc
Tôi thức dậy khi ánh nắng sớm len qua vách nứa chiếu thẳng vào mặt. Người trong làng có lẽ đã vào rừng cả, không gian chỉ còn tiếng gà gáy le te và đàn vẹt đuôi dài vẫn tiếp tục cãi nhau ỏm tỏi ngoài mé sông. Yên bình quá! Manquid, trưởng làng San Juan, bưng cho tôi một gói lá chuối to bọc mấy củ khoai mì và vài con cá nướng. Người Matses không ăn đường (do không có), không sử dụng dầu ăn và muối cũng rất hiếm. Khi bắt được cá, họ chỉ bỏ lên lá chuối và nướng, ăn với khoai mì. “Bữa ăn thường ngày của người Matsés đấy. Mày là khách nên dùng dĩa, nĩa còn chúng tao thì như thế này thôi”, nói rồi ông dùng tay bốc ăn ngon lành.

“Đi bắt cá không?” Manquid hỏi tôi. Cô vợ hai đang nghiền chuối (nước chuối ép là thức uống phổ biến của người Matsés) thấy chồng chuẩn bị đi, cũng bỏ đó rồi te te chạy theo. “Người Matsés hiện sống chủ yếu bằng trồng trọt và săn bắn. Ngoài việc trồng khoai mì, lượm củi, nấu ăn…Khi chồng đi săn bắt, vợ cũng phải đi theo. Nếu bắt được cá, bắn được thú thì vợ sẽ mang về”, Manquid cho biết. “Ủa? Đi bắt cá sao không mang theo cần câu hoặc lưới?”, tôi thắc mắc. Manquid khoát tay: “Không cần đâu, ra đến đó sẽ biết”.

Điểm bắt cá là một con suối nhỏ lẩn khuất trong rừng. Manquid đi loanh quanh, đào bới một hồi, ôm về một đống rễ cây (tên là bar-bas-co), ngồi giã nát ra. Rồi Manquid mang đống rễ đã được giã khuấy xuống suối một hồi làm trắng cả một khúc suối. Trong khi đó, cô vợ đứng dưới nguồn, cách đó chừng vài chục mét, khua chân liên tục như trẻ nghịch nước. “Khua chân để cá sợ mà bơi ngược lên chỗ Manquid. Chất độc từ rễ cây đó sẽ lan ra trong nước làm cá thiếu oxi không thở được”, Hector-người dẫn đường, nhà tự nhiên học- giải thích. Thật vậy, chừng 10 phút sau, cá phơi bụng nằm nổi lên, vợ Manquid chỉ việc dùng vợt để vớt. “Yên tâm đi, chất này chỉ có tác dụng với cá, người ăn vào không sao đâu”, Manquid trấn an.

14542328422_6fdc5538a5.jpg


Trời hầm hập, cánh rừng già bạt ngàn đứng im phăng phắc. Nóng và ẩm điên người. Từ con suối bắt cá về nhà chỉ chừng nửa tiếng đi bộ mà đi muốn lả, mồ hôi túa ra nhớp nháp. Tôi nhờ Hector giữ đồ, rồi xuống suối tắm. Trời nóng, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh thì còn gì bằng. Tôi đang nằm ngửa, nhắm mắt tận hưởng thì Hector bỗng hét lớn: “Tập, coi chừng”. Một con rắn thân có khoang màu đỏ, vàng, đen dài gần một mét, to cỡ cổ tay đang nhẹ nhàng rẽ nước. Tôi điếng hồn. Bài học cơ bản về đi rừng chợt vụt lên trong đầu “Những gì càng sặc sỡ, bắt mắt càng phải đề phòng”. Trên bờ, Hector tiếp tục la lên: “Đừng động đậy”. Tôi đứng im, giơ hai tay lên trời. Nín thở. Con rắn bơi trong nước, trườn cái thân nhám nhúa cạ sát ngực tôi, rồi tiếp tục hành trình của mình…

Đợi tôi lên bờ, hoàng hồn lại, Hector mới nói: “Đó là con rắn đỏ (coral snakes), người dân ở đây gọi là Naka Naka. Đây là một trong những loài rắn sặc sỡ và có nọc độc nhất rừng nhiệt đới Amazon. Một cú đớp của nó có thể giết chết con mồi trong tích tắc”. Hú vía.

14356603358_05bccd3cf3.jpg

Tui (tay phải) và con heo vòi Amazon

Chiếc võng vạn năng
Võng dĩ nhiên là để nằm. Đúng nhưng chưa đủ. Với người Matsés, chiếc võng đan từ sợi cây chambira (một họ cây dừa) đóng một vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Ngay tại bếp, nếu để ý sẽ thấy luôn có một chiếc võng sát đấy. Họ ngồi trên võng, chồm lên bếp lưả để nấu ăn. Đến bữa ăn, mỗi người gói đồ ăn vào lá chuối, tự bưng lên võng của mình rồi bốc ăn. Thậm chí, quan hệ tình dục cũng diễn ra…trên võng. (Điều này tôi đã hỏi nhiều người Matsés và họ đều khẳng định điều đó). Tài thật! “Nằm trên võng để đề phòng côn trùng, rắn rít. Ngày nay, đã nhiều người ngủ mùng (do chính phủ cung cấp), nhưng võng vẫn là thứ không thể thiếu của người Matsés”, Denis, người Matsés dẫn đường, cho biết.

Hiện nay, tuy chưa có điện nhưng người Matsés cũng được chính phủ hỗ trợ khá nhiều: cung cấp mùng, màn, áo quần…Tuy nhiên, mọi việc đều có giá của nó. Dù đã khoanh vùng khu bảo tồn cho những bộ lạc ít người, nhưng chính phủ Peru vẫn đang cắt dần đất đầu nguồn để bán cho những công ty dầu mỏ. Chính điều này đã làm ô nhiễm nguồn nước (vốn là nguồn sống chính của các bộ lạc ít người) khiến đời sống của họ bị đe doạ thật sự. Chưa kể, nền văn minh đem lại sự thuận lợi, tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng lấy đi bản sắc truyền thống của người Matsés một cách không thương tiếc. Tại San Juan và Buen Peru nơi người Matsés tập trung sinh sống, hầu hết đều bận áo thun, quần jean, váy vải…Phụ nữ không còn ghim trên mũi những sợi lông dài như những con báo gấm, không bận váy đan bằng sợi cây chambira, thanh niên không còn xăm mặt làm chiến binh như cha ông họ.

14356583860_3bb7556b37.jpg


14563386963_e490c306ea.jpg

Chiếc võng vạn năng vừa để ngủ, ngồi làm bếp, ăn, và cả ... “chuyện ấy”

Văn minh có sự cám dỗ kỳ lạ. Thanh niên Matsés rủ nhau lũ lượt rời bỏ làng của mình để ra Angamos, nơi có bóng đèn điện, có đầu đĩa nhạc CD (dù chỉ chạy bằng bình ắc quy)… Lidya, 23 tuổi, một con, đang xúng xính bận thử những chiếc váy hoa sặc sỡ bằng vải rẻ tiền mới đổi được từ Angamos bằng một bao đầy ắp rùa. Khi tôi hỏi về sự “pha tạp” quá nhanh của thanh niên Matsés hiện nay, cô hỏi ngược lại: “Anh cũng là thanh niên, lại có hiểu biết. Vậy cho anh ở trần, bận váy chambira mãi như chúng tôi, anh có đồng ý không?” Chỉ vậy thôi, mà tôi không thể trả lời. Biết là mình không thể ích kỷ muốn họ phải tiếp tục “ăn lông, ở lỗ” mãi, nhưng lòng vẫn không khỏi buồn. Ừ, dù sao tôi cũng chỉ là một người kể chuyện đường xa tò mò thôi mà…

Biết tôi rất muốn tìm hiểu cuộc sống của người Matsés nguyên thuỷ, Denis nói: “Tôi có ông bác bỏ làng vào sống trong rừng sâu vì không muốn tiếp xúc với thế giới văn minh. Để tôi vào hỏi thử xem ổng có chịu gặp anh không”. Nói rồi anh dắt con dao dài vào người rồi quày quả đi. Tối mịt Denis trở về, mặt hớn hở: “Ổng chịu rồi, mai lên đường”.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=FhHooHhftiQ

14388911820_0eac54da88.jpg

Tui (ợ giựa) và hai con kẹt (tự nhiện muộn nọi giọng Huệ, hehe)

Box:
Phải thừa nhận một thực tế rằng, đây không phải là thế kỉ 15, để như Christop Column khám phá ra Châu Mỹ. Chúng ta lại càng không phải là một trong những số rất ít những nhà thám hiểm thật sự với những kĩ năng và phương tiện hỗ trợ đặc biệt như National Geographic hoặc Discovery… Vì thế, đừng “ngây thơ” rằng mình sẽ khám phá được một nơi nào đó còn “hoang sơ” và “thuần chủng” 100%, văn minh chưa hề chạm đến. Thời đại bây giờ, khi bạn đọc được thông tin về một nơi nào đó, có nghĩa là nơi đó đã bị “ô nhiễm” văn minh, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
 
Last edited:
Chào anh.
Trước tiên, em xin lỗi vì đã cắt ngang bài viết của anh. Nhưng cho em hỏi anh có phải là nhà báo Nguyễn Tập đã xuất bản cuốn '' Dặm Đường Lang Thang'' vào năm 2006 do nhà xuất bản trẻ phát hành không dạ(?).

Em xin cám ơn.
 
Bài 7: CON BÁO LẠC BẦY

Từ chối sự văn minh đang len lỏi, bành trướng đến các bộ tộc ít người ở rừng già Amazon. Dunu cùng vợ con bỏ làng, trốn tận sâu trong rừng để sống cuộc sống săn bắt, hái lượm như cha ông họ đã từng sống trước đây…


Tiếng gọi nơi hoang dã

Từ làng San Juan xuôi theo dòng sông Galvez hơn một tiếng đồng hồ để đến Buen Peru, ngôi làng thứ hai của người Matsés. Từ đây lại tiếp tục băng rừng thêm vài tiếng nữa, cho đến khi rả rời cả đôi chân, mồ hôi ướt sủng như tắm là cũng vưà thấy thấp thoáng xa xa một cái chòi lá như cái ụ rơm giữa rừng già. Đó là nơi ở của Dunu (tiếng Matsés nghĩa là chiến binh).

Một ông già đen nhẻm, trần truồng lò đầu ra khỏi chòi, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên. Cho đến khi thấy mặt người dẫn đường Denis (là cháu của ông), mặt ông mới giãn ra. Ông chui tọt vào chòi. Một phút sau trở ra, người vẫn thế, vẫn vòng lá dừa trên đầu, vẫn hình xăm đặc trưng của người Matses trên mặt, nhưng lần này thì không còn trần truồng nữa mà thay vào đó là cái quần xịp cũ kĩ.

14541672444_9d0eb1748f.jpg

Trang phục thường ngày của Dunu khi không có người lạ

“Ông già chẳng khi nào bận quần. Mấy cái quần này là bọn tôi mang đến và thuyết phục mãi ông mới chịu mặc. Nhưng chỉ khi có người lạ đến thôi. Ngay cả khi đi rừng, ông chỉ độc một cái vòng lá trên đầu, kẹp dương vật vào sợi thắt lưng làm bằng lá cọ cột ngang bụng (để khỏi lủng lẳng). Cứ thế mà tồng ngồng với hai bà vợ và hai đứa con”, Denis cho biết.

Dunu vốn là người Matis bị người Matsés bắt cóc về từ khi còn nhỏ nên cũng trở thành người Matsés và sống tại làng Buen Peru. Những thập niên cuối thế kỷ trước, khi những người truyền giáo và chính phủ Peru đem “ánh sáng văn minh” tìm đến người Matsés và cung cấp thực phẩm, quần áo, thuốc men…phần lớn đều chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có một số người Matsés từ chối. Họ dần lùi sâu vào rừng, tránh tiếp xúc với thế giới văn minh. Dunu là một trong số đó.

Ông mang theo hai bà vợ vào rừng, cả gia đình tự cô lập giữa rừng già, sinh con đẻ cái ở đấy. Bà vợ cả trạc tuổi Dunu vẫn “trang điểm” như tổ tiên mình bằng những sợi râu làm từ gân lá cọ gắn trên mũi trông như con báo (loài vật oai hùng, đáng sợ nhất của người Matsés).

Cuộc sống nguyên thuỷ
Hector, nhà tự nhiên học, lại lên cơn thèm thuốc lá. Hộp quẹt mang theo sạch cả gaz nên quay sang hỏi Dunu xin chút lửa. Dunu chẳng nói chẳng rằng, dùng dao khoét một lỗ nhỏ trên cây nứa, đặt dưới đó một chút bùi nhùi (từ cây bông gòn) rồi lấy một cây que đặt vào lỗ, dùng tay se liên tục. Chừng năm phút sau, ma sát giữa cây que và thanh nứa đã bắt lửa vào đống bùi nhùi.

14563376883_9399949e52.jpg


Thật ra, cách làm lửa kiểu này tôi không lạ vì đó là những một trong những kiến thức cơ bản khi đi rừng, nhưng không ngờ ở thời đại này, khi tên lửa, vệ tinh đã phóng vù vù khỏi trái đất cách đây vài chục năm, khi chỉ cần bỏ 2.000 đồng ra là mua được cái hộp quẹt xài thả ga cả tháng thì ở một nơi không cách xa thế giới văn minh là mấy, vẫn có người hàng ngày muốn có lửa phải hì hục làm bằng một cách thủ công và thô sơ như thế.

Nơi ở của gia đình Dunu là cái chòi lá được dựng trên nền đất, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài bốn cái võng và hai cái bếp cho hai bà vợ. Khắp chòi, thứ “văn minh nhất” có lẽ là mấy cái nồi và vài bộ quần áo mà Denis mang vào cho. Ngay sát cửa (thật ra chỉ là tấm phên bằng lá dừa) treo đầy cung tên và dáo để chống kẻ thù hoặc thú một cách nhanh nhất.

Bà vợ cả đang cắt tóc cho con gái bằng một đoạn nứa được mài sắc. Cắt đến đâu, bà nhanh tay lượm tóc rụng giấu vào hai bên vách lá: “Phải cất kĩ, không thì bọn bộ tộc khác tìm được rồi ếm bùa mình”, bà thì thào ra vẻ bí mật. “Người Matses có ếm ngược lại không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Muốn ếm ai, chỉ việc lấy tóc nó nhai tobacco (một loại thuốc lá loại nặng) trong miệng rồi nhổ vào đống tóc của kẻ thù mà mình muốn ếm. Người bị ếm bụng sẽ bị trướng lên và chết”, bà nói.

Bà vợ hai mới đi rừng về, vai vác cây chuối thật to, đầu vẫn đeo theo cái gùi bện bằng lá cây rừng. Nghe hỏi về bùa chú, bà cũng kể thêm: “Cách ếm khác là lấy tóc hay móng tay của nó vất vào lưả rồi ếm”. “Thế sao phải giấu mà không đốt tóc, móng tay của mình để không ai có thể ếm mình được?” tôi hỏi. “Không, nếu làm như vậy sẽ là tự ếm mình luôn đấy”.

14539809441_6327520549.jpg

Bà vợ cả vẫn ghim những sợi râu (bằng gân lá cọ) như con báo gấm-con vật hùng mạnh và đáng sợ nhất của người Matsés.

14356807597_f78d0ccca8.jpg

Bà vợ hai

Đang nói thì trời bắt đầu chuyển mưa. Mây đen đã phủ kín, gió thổi ầm ào qua cánh rừng làm hàng cây vặn mình kêu răng rắc, cuốn theo đám lá bay đầy trời…Dunu ngậm một nhúm tobacco trong miệng nhai rồi ngưả mặt lên trời phun ra và lẩm bẩm: “Trời đừng làm mưa nữa vì muôn thú sẽ sợ hãi, con người không thể đi săn được”.

Trong khi đó, Sadia, vợ cả của Dunu, lại lẳng lặng ra trước lều cắm hai cái rìu xuống đất. “Đừng lo, sẽ không mưa đâu”, bà nói giọng chắc nịch. Không mưa sao được. Không khí đã sực mùi hơi nước, mưa đã lắc rắc vài hạt… Vậy mà lạ thật, chỉ vài phút sau, trời tự nhiên quang đãng lại, mặt trời lại chói chang như chưa từng chuyển mưa bao giờ. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao thế?”. Bà già không trả lời chỉ hỏi ngược lại: “Tao cầm hai cái riù giơ lên trước mặt, mày có sợ không?” “Dĩ nhiên rồi,” tôi đáp. Rồi bà tiếp, giọng thản nhiên: “Ừ thì ông trời cũng vậy thôi”.

14541743554_24c6e38f83.jpg

Hai cây rìu để doạ ông trời đừng mưa

Box:
Dunu khoảng gần 60 tuổi. Ước chừng là vậy vì khi tôi hỏi tuổi, Dunu lắc đầu không biết và chỉ nói “nhiều lắm”. Hỏi tuổi bà vợ cả, cũng nhận được câu trả lời y chang. Lúc này Denis mới giải thích: “Người Matsés chỉ biết đếm đến 5. Đấy là số lớn nhất. Sau đó lại lặp lại chu kì của 5. Thí dụ: số 7 sẽ là 2 của đơn vị 5 thứ 2. Người trẻ bây giờ dùng tiếng Tây ban nha để đếm từ số 6 nhưng những người Matses lớn tuổi (không biết tiếng Tây ban nha) vẫn sử dụng cách đếm truyền thống của họ. Vì thế, với những gì lớn hơn 25, họ sẽ nói: rất nhiều (vì không còn số để đếm nữa)”.

14563309243_904e3a1129.jpg

Đứa con gái

14356767477_e561af37e3.jpg

Đứa con trai

14563377793_0501220f76.jpg

Cắt tóc cho con gái bằng thanh nứa vót nhọn
 
Bài 7: ĐỘC DƯỢC RỪNG THẲM

Tận sâu trong rừng già Amazon, người Matsés đang cất giữ một phương pháp độc đáo dùng chất độc của con nhái điện để làm thuốc chữa bệnh cũng như tăng cường khả năng săn thú…

Con nhái điện
Chiều buông xuống, đêm dần đến bằng tiếng nỉ non của côn trùng, tiếng vo ve của muỗi, tiếng hú gọi bầy của đàn khỉ, tiếng ầm ì xa xa của những cơn sấm chớp báo hiệu cơn mưa vùng Amazon sắp đến… Đêm đặc quánh. Đêm Amazon thì ngay cả những thợ săn thiện chiến cũng phải đề phòng. Họ có thể trở thành con mồi của thú rừng, côn trùng, của cá sấu…

Hai giờ sáng, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt mỏi, Dunu chợt đến lay từng người dậy: “Sapo”. Chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy thái độ nghiêm trọng của ông, chúng tôi không hỏi một câu, nhanh gọn xỏ giày bám theo. Dunu ra hiệu im lặng lắng nghe, vẳng từ xa, thoáng nghe tiếng ộp oạp nho nhỏ, ông thì thào: “ Đó là con nhái điện- con vật sở hưũ sức mạnh của người Matsés đấy”.

14405069068_f6d5286d51.jpg


Dunu hướng về tiếng con nhái kêu rồi ồm ồm giả giọng con nhái để “trả lời”. “Nó đang gọi bạn tình. Tao trả lời nó,” ông giải thích. Chúng tôi nhanh chóng cùng ông vào rừng, lần theo tiếng nhái. Cứ mỗi lần nhái kêu, Dunu lại “trả lời”. Tiếng nhái có vẻ ngày càng rõ hơn. Nhưng lội rừng hơn 15 phút vẫn chưa thấy. Núi rừng bao la, con nhái thì bé tí, trời lại tối như mực. Làm sao có thể mò ra nó? Dunu khoát tay ra dấu im lặng và tiếp tục “trả lời”.

Chợt ông dừng lại, trèo phốc lên cây nhanh như một con báo. Thoáng chốc, Dunu đã lẫn trong tàn cây cao. Tiếng nhái bỗng im bặt. Dunu tụt xuống, trong tay là con nhái xanh, to gần bằng bàn tay, đưa tôi xem và nói: “Mày may mắn lắm. Con nhái này hiếm, không phải lúc nào cũng tìm được”.

Sapo- sức mạnh của người Matsés
Sáng hôm sau, Dunu mang con nhái ra, cắm bốn cây que xuống đất, dùng dây cột bốn chân rồi căng nó ra. Bà vợ ngồi bên cạnh, tay bấm mạnh vào chân nhái. Con nhái đau quá, rùng mình rồi tiết ra trên da một ít chất lỏng như sữa đặc. Dunu dùng cây que, gạn lấy chất lỏng đó rồi bôi lên thanh nứa. Làm như thế vài lần, sau khi lấy được khoảng vài giọt, Dunu cởi dây, trả tự do cho con nhái.

Chất lỏng đó được bôi lên thanh nứa, chỉ vài ít phút sau đã khô lại: “Vậy là dư xài cho mấy chuyến đi săn sắp tới rồi”, ông nói, tỏ vẻ hài lòng. “Con nhái này có gì đặc biệt mà người Matsés lại quan trọng đến thế?”, tôi hỏi. “Người Matsés thường sử dụng chất độc này trước những chuyến đi săn dài ngày. Chất độc trên da nhái sẽ giúp con người thấy được loài thú trước khi bị nó phát hiện; giúp phân biệt được đâu là quả độc, quả lành; giúp linh hồn của con người canh bẫy giùm khi con người đi ngủ; giúp đi rừng không biết mệt, đói, khát…”, Dunu giải thích rồi khích: “Muốn thử không?”.

14543177335_6f8454b30d.jpg


14588368941_053fd9f09e.jpg


14611748493_5a2f5349a2.jpg


Tôi đồng ý, với điều kiện phải có người thử trước cho tôi xem. Chắc cú mà. Denis “hi sinh” làm trước. Thế là Dunu bẻ một nhánh cây nhỏ bằng đầu đũa, châm vào bếp lửa cho đến khi cháy rực lên rồi chấm thẳng vào bắp tay Denis. Vết chấm đã lòi thịt, Dunu quẹt 1 ít nhựa độc của con ếch rồi bôi lên. Kết quả đến liền sau đó chỉ vài phút, Denis gập người xuống, nước mắt, mũi chảy dàn dụa, rồi ói…

Thấy phản ứng của Denis tôi chẳng còn tâm trí muốn thử sapo. Nhưng đã lỡ… Chấm đầu tiên, làm cả cơ thể tôi nóng dần lên,người bắt đầu đổ mồ hôi, bụng quặn đau. Khi chấm thứ hai chạm vào, người tôi như có lưả đốt từ bên trong, mồ hôi vả ra như tắm, mặt bừng bừng, tim đập mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Lúc này tôi cảm giác được máu chảy rần rật quanh người.

Nhà báo Mỹ Peter Gorman, một trong những nhà báo đầu tiên tiếp xúc với người Matses từ những năm 80’ cũng đã thử sapo và cảm thấy “như thú rừng đang ‘nhập’ vào mình và bất chợt tôi nhận ra mình đang bò và gầm gừ như một con thú”. Tôi không có cảm giác đó như Gorman nhưng chấm thứ 3 vưà xong, tôi không kiểm soát được cảm giác của mình nữa, đầu óc quay cuồng. Tôi qụy xuống, nôn thốc nôn tháo rồi gục xuống, đầu lơ mơ không còn nhận biết gì nữa…

Đến khi tôi hoàng hồn, mở mắt tỉnh lại, mọi người đều lộ vẻ mừng rỡ. Dunu nói: “Người mới chỉ thử một chấm. Mày đòi chơi ba chấm mà tỉnh lại nhanh như vậy là khoẻ. Có người chết vì sử dụng sapo quá liều rồi đấy”.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=C2BNH4LA7Uk

14539791001_a1d4d321de.jpg

Tui thử Sapo (để đi rừng không biết mệt)

Box:
Để biết được nơi nào nên đi săn, con thú nào sẽ săn được, người Matsés sử dụng Nu-nu. Đó là bột tán nhỏ trộn bởi thuốc lá và tro đốt từ vỏ cây macambo (một họ cây cacao). Nu-nu là một loại ma túy gây ảo giác. Để một ít bột Nu-nu vào một đầu ống tre. Một người sẽ kê miệng vào đầu kia và thổi mạnh. Bột nu-nu sẽ theo ống tre “bay” thẳng vào mũi người “chơi”. (Tôi cũng thử và cảm thấy lâng lâng, nhưng vừa đứng dậy là quay mòng mòng và té cắm đầu xuống đất).

Nhà báo Mỹ Peter Gorman tả về cảm giác của ông khi sử dụng nu-nu: “Trong cảm giác nửa tỉnh nửa mơ ấy, trước mặt tôi hiện ra những con khỉ, heo vòi, lợn lòi… rồi sấm sét nổ lên, vài con thú ngã xuống.” Sau đó, những người Matses yêu cầu Gorman kể cặn kẽ về những điều ông thấy trong “cơn mê” đấy để xác định điạ điểm đi săn. Ngày hôm sau đi săn, Gorman và những người Matsés đã săn được những con thú mà Gorman thấy trong giấc mơ và lạ hơn nữa là địa điểm đi săn gần như giống hệt những điều Gorman thấy trong giấc mơ.

14520082816_3bc591a616.jpg

Tui thử Nu-nu (để biết điểm nên đi săn)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,500
Members
189,952
Latest member
Xelubeouu
Back
Top