What's new

[Chia sẻ] Khám phá amazon

Đây là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời mình. Mang lên đây chia sẻ với mọi người... :)

Bài 1: THÀNH PHỐ GIỮA RỪNG GIÀ

Nơi nào trên trái đất tập trung nhiều động thực vật kỳ lạ nhất? Nơi đâu là mái nhà của những bộ lạc kỳ bí- niềm khao khát được đặt chân đến của biết bao kẻ khám phá? Câu trả lời chung là AMAZON, bảo tàng thiên nhiên nhiệt đới kỳ vĩ nhất thế giới, trải rộng đến chín quốc gia, có con sông với chiều dài và lưu lượng lớn nhất thế giới. Để trải nghiệm những câu chuyện kì thú về rừng già và thổ dân Amazon, không đơn giản như một chuyến du lịch dài ngày…

Kế hoạch ấp ủ
Cách đây chưa lâu, hãng thông tấn BBC phát một đoạn video về một bộ lạc mới được phát hiện sâu trong rừng rậm Amazon (gần biên giới Brazil và Peru) càng kích thích tôi thêm tò mò, háo hức được tìm hiểu về Amazon.

Dù đã từng trải nghiệm những giây phút tưởng lả người đi vì khát, vì cái nóng kinh hồn trong những ngày cỡi lạc đà, lang thang tại sa mạc Gobi; những lúc xây xẩm, muốn gục xuống vì thiếu ô xi trên những đỉnh đèo hơn 5000m tại Tây Tạng; những ngày lên nương, vào rừng săn thú cùng với người Si La (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam) ở vùng miền núi Tây Bắc…nhưng với tôi, tiếp tục khám phá rừng già Amazon, tìm gặp thổ dân vẫn là một chuyến đi hấp dẫn dù không kém phần thử thách.

Những “bài tập” đeo ba lô gần 30 kí đi bộ mấy tiếng đồng hồ, những kĩ năng sinh tồn, nhìn sao, xem phương hướng… được tôi lôi ra tập luyện lại từ vài tháng trước khi lên đường. Dù đã từng ở Peru 2 tháng (năm 2008) khi làm loạt kí sự về người Inca, nhưng khi biết tôi định đi Amazon, viên lãnh sự tại sứ quán Peru vẫn đòi thêm sổ chích ngừa sốt vàng da và một loạt thuốc ngừa khác như: dịch tả, sốt rét… mới đồng ý cấp visa. “ Vì sự an toàn của anh thôi. Đến Amazon, không có sự chuẩn bị nào là thừa”, viên lãnh sự chìa cuốn hộ chiếu với dấu đóng visa Peru mới tinh cùng nụ cười: “Chúc chuyến đi an toàn”.



Iquitos- thủ đô sinh thái của Amazon
Nằm gần biên giới của Columbia và Brazil, Iquitos (một thành phố của Peru) được mệnh danh là thủ đô sinh thái của Amazon. Iquitos như bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi rừng rậm và những con sông lớn. Muốn đến Iquitos chỉ có thể bằng đường không hoặc đường thủy (khoảng bốn, năm ngày). Đây là thành phố lớn nhất thế giới không thể đến được bằng đường bộ.

Từ Lima (thủ đô Peru) mất gần hai giờ bay để đến Iquitos. Sân bay nhỏ, “nghèo nàn” hơn cả sân bay Phú Quốc của Việt Nam. Cùng một đất nước, nhưng mới đây tôi hãy còn sùm sụp bận áo ấm, quấn khăn len ho sù sụ vì lạnh, chỉ chưa đầy hai tiếng sau vưà ra khỏi máy bay, cái nóng đã xộc vào. 36 độ C, độ ẩm 90%. Gió thổi ào ào nhưng người vẫn nhớp nháp, khó chịu.




Bữa ăn phổ biến của dân Iquitos

Được phát hiện từ giữa thế kỉ 18, Iquitos khi ấy chỉ là một thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng già. Từ đầu thế kỉ 20, khi cơn sốt mủ cao su (vốn có rất nhiều ở Amazon) bùng nổ, Iquitos trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất Nam Mỹ. Nằm ngay con sông Amazon nên Iquitos đã trở thành trung tâm giao thương của Châu Âu và cư dân Amazon.
Rồi cơn sốt cao su đi qua (bởi cao su tổng hợp được phát minh và người Châu Âu đã có thể “tậu” được những đồn điền cao su tại các nước Châu Á), như vừa trải qua một giấc mơ, Iquitos trở về với sự nghèo nàn của mình. Thương cảng nhộn nhịp tàu thuyền nước ngoài ngày nào giờ chỉ còn những chiếc ghe nhỏ trao đổi, mua bán trái cây, sản vật của cư dân quanh vùng. Một thời phồn hoa, thịnh vượng chỉ còn gợi nhớ lại bằng những công trình kiến trúc cũ già nua còn tồn tại cho đến ngày nay xung quanh quảng trường trung tâm.

Tôi bắt chiếc moto-kar (xe máy kéo thùng chở khách đằng sau tương tự xe lôi ở ta) cùng vài người du khách nước ngoài chạy quanh thành phố mà cứ ngỡ mình về lại…Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Nếu như hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng xe hơi, thì ở Iquitos đa số chạy xe máy (phần lớn là xe Wave, Cub đời cũ) phun khói mịt mù.. Các bác tài moto-kar chạy nhanh, lạng lách khá điệu nghệ. Là dân Việt nam nên tôi chẳng lạ, nhưng với người nước ngoài đó là một trải nghiệm thú vị. Họ rú lên, có người bịt cả mắt lại vì sợ hãi.


Xe máy và motokar là phương tiện di chuyển chủ yếu ở Iquitos

Dân Iquitos còn nghèo, nhiều vùng dân vẫn còn không có điện, nước sạch. Trên những góc phố, mỗi chiều tối, mấy bà nội trợ lại ngồi tụ tập tám chuyện. Bọn nhỏ trần trùng trục rượt đuổi nhau chạy quanh. Đến chương trình tivi là bắt ghế tụ tập lại xem chung bằng cái tivi nội địa cũ mèm… Ôi, sao mà giống Việt Nam đến thế. Ở đây, tivi, điện thoại, internet không phổ biến lắm. Cái usb 3G mua ở thủ đô Lima được quảng cáo là có thể xài bất kì nơi đâu nhưng lên tới đây thì tịt ngóm. Toi mất 200 soles (khoảng 1,4 triệu đồng).

Mục đích chuyến đi của tôi lần này là tìm gặp bộ lạc người Matsés- những chiến binh ẩn sâu trong rừng già nổi tiếng về những vụ bắt cóc phụ nữ bộ tộc khác về làm vợ và ăn thịt. Một hướng dẫn viên du lịch địa phương nghe thế liền nói: “Đi chi cho xa? Ngay đây thôi, có bộ lạc người Bora và Yagua hay lắm. Nhiều báo, đài cũng đến đó để viết bài, quay phim rồi đấy”. Để chứng minh lời mình nói, anh chìa cho tôi xem một loạt hình thổ dân ngực trần (kể cả nữ), vẽ mặt và người vằn vện đang cầm súng thổi tên (một loại vũ khí của người Amazon để săn thú). “Ồ, hấp dẫn thật!”, tôi quyết định ngay. Ừ, đi…

Do chỉ chụp hình, hỏi thăm thông tin, mình không tập trung quay phim. Thôi có gì xào nấy xem chơi cho vui ha :)
https://www.youtube.com/watch?v=K2NweDNHPOM

Box:
Rừng nhiệt đới Amazon chiếm 5,5 triệu km2, trải rộng khắp 9 quốc gia Nam Mỹ (Brasil, Peru, Columbia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam, và French Guyana). Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới trên thế giới với hơn 2triệu rưỡi loài côn trùng, hàng chục ngàn loài động thực vật. Amazon còn nổi tiếng với những loài thú dữ như: trăn khổng lồ anaconda, ếch độc, cá cọp piranha…




Thú rừng bán công khai tại chợ Belen (Iquitos)


Con mata-mata
 
Bài 8: BÍ MẬT RỪNG GIÀ

Người Matses không có “bề dày văn hóa truyền thống”: không có những điệu múa cổ truyền, không có chữ viết, không có những phẩm vật độc đáo (để có thể trao đổi với những bộ tộc khác) nhưng sống trong môi trường đầy “hiểm họa”: thú dữ, rắn rít, cá sấu, sốt vàng da và gần như cách biệt với thế giới bên ngoài đã rèn người Matsés trở thành bậc thầy về kĩ năng sinh tồn giữa rừng già Amazon.

14356598010_210a9936f2.jpg

cầu trời đừng mưa

Đi săn
“Này nhóc, sapo giúp đi rừng không biết mệt mày cũng đã thử, Nu-nu giúp biết nơi nào nên đi săn mày cũng đã hít, hôm nay vào rừng với tao chứ?”, Dunu cười cười hỏi tôi. Bao nhiêu “bùa chú” chuẩn bị trước khi vào rừng của người Matsés tôi đều thử qua, chẳng lý do gì tôi lại từ chối.

Tôi hí hửng khoe với Dunu thêm một loại bùa (mới tậu được ở chợ thú rừng tại Iquitos trước khi vào đây): một chiếc nanh báo đeo lủng lẳng trước ngực. Nhìn nó, Dunu chợt biến sắc: “Cũng may là mày khoe trước khi tao và mày cùng đi săn. Không bao giờ được đeo vòng cổ nanh báo (ở Amazon không có cọp- PV) vì báo sẽ luôn đi theo mình và ăn thịt đấy”.

Nói xong, Dunu đến bên vách lá, lấy ra một khúc xương bỏ vào bếp đốt, khói bay lên khét lẹt vậy mà ông hít lấy hít để. “Đó là xương của con lười (con cù lần), ngửi khói cháy từ xương con này sẽ giúp mình đánh hơi, tìm thấy nó nhạy hơn”. Đoạn ông bước ra ngoài, gom mấy trái cọ chất thành đống rồi đốt lên. Đợi đến khi khói lửa đượm, khói xông lên mịt mù, Dunu lại tiếp tục tiến tới,“hơ” người trong đám khói đó. Dunu ra hiệu cho chúng tôi làm theo. Nhất cử nhất động của ông đều được tôi bắt chước hoàn hảo. Cứ làm, thắc mắc hỏi sau. “Hơ khói từ trái cọ bị đốt sẽ giúp người thợ săn đi rừng may mắn hơn”, Hector, nhà tự nhiên học, người dẫn đường của tôi giải thích.

14356766447_7ee67f4100.jpg


14543215255_63fdb1f7de.jpg


Bài học trong rừng
Chúng tôi xuất phát. Nói vào rừng cho vui, thật ra cái chòi chúng tôi đã nằm sâu trong rừng rồi. Chỉ vài bước qua khúc cây bắc ngang con suối là bước vào cánh rừng bạt ngàn. Ban ngày, nắng chói chang mà vào rừng trời như tối sầm. Những thân cổ thụ to đến mấy vòng ôm vươn tán cây rậm rạp trên cao nên nắng chỉ lọt xuống lốm đốm, nhợt nhạt. Không khí ẩm, sực mùi lá mục.

Trời nóng, đi một chặp mồ hôi rịn ra nhớp nháp cả người. Dunu ra hiệu cho chúng tôi dừng lại nghỉ mệt. Còn ông thì đi loanh quanh, ngó nghiêng, ngó ngửa. Bất chợt, ông cầm con dao chặt phăng một nhánh dây leo (to bằng cổ tay) trước mặt. Cành cây bị chặt rỉ nước ra, Dunu ngửa cổ uống sạch.

“Sao ông biết cây nào có nước để uống?”, tôi hỏi. “Tìm những loại cây leo rồi chặt thử. Thấy nước chảy ra đặc, màu đục thì đừng đụng vào. Thấy nước trong thì nếm thử một chút, nếu có vị đắng thì ngưng ngay. Nếu không, tiếp tục nếm thêm một tí và chờ một chút. Nếu vẫn thấy ổn, lúc này có thể uống thoải mái”, Dunu giải thích cặn kẽ.

14563362213_5fabe2b513.jpg

Vợ cũng thường đi theo vào rừng chung với chồng

Vũ khí đi săn của Dunu chỉ là một cây dao và cung tên. Cung của người Matsés làm từ lõi cây cọ, mũi tên dài khoảng hai mét, được làm từ cây mây, đuôi có gắn lông chim đại bàng hoặc kền kền. Làm mũi tên rất công phu, nên người Matsés giữ tên rất kỹ, bắn tên đi là phải tìm lại cho bằng được. Dunu ngồi xuống, rút mũi tên vốn đã nhọn hoắc ra mài đi mài lại.

“Ổng muốn cảnh báo những con thú dữ ‘tao có mũi tên sắc lắm đây, đừng hòng ăn thịt hay đụng đến tao’ đấy”, Denis, cháu ông, nói. Tôi ngỏ ý mượn Dunu cung tên thử bắn chơi, nhưng ông lắc đầu: Người Matsés không cho thợ săn khác mượn cung tên của mình. Bỗng trong bụi rậm trước mặt nghe tiếng sột soạt, một con thú ăn kiến (ant eater) chầm chậm bò ra. Dunu đang giương cung lên bỗng hạ xuống, không bắn.

“Sao không bắn?”, tôi hỏi. “Dùng cung tên bắn con thú ăn kiến sẽ rất xui. Nếu lỡ bắn, sau này không thể sử dụng tên đó để đi săn vì bắn không thể trúng đích được nữa”, Dunu giải thích.

Dunu xốc lại cung tên, tay cầm con dao, vừa đi vừa phát cây rừng, tiếp tục băng băng đi. Có lẽ mấy ngày nay đi bộ nhiều quá nên cái chân tôi bị chuột rút đau tái mặt. Không muốn ảnh hưởng đến người khác, tôi không nói nhưng cố gắng bám theo. Dù vậy, khoảng cách cứ xa dần cho đến lúc tôi không còn thấy Dunu nữa.

Lạc rồi! Tôi kêu to, nghe có tiếng đáp lại, nhưng không thấy người đâu cả. Cứ như vậy đến gần cả nửa tiếng. “Hay là thần rừng Chullachaqui giả tiếng để dụ tôi?”, một chút hoang mang thoáng qua trong đầu. Chullachaqui là con quỷ lùn của rừng Amazon. Nó thường biến hình thành người thân hoặc bạn bè rồi dụ họ đi sâu vào rừng cho đến khi lạc lối.

Dù mấy ngày trước đã được bà vợ cả của Dunu chỉ cách phát hiện bằng cách nhìn vào bàn chân, nếu một chân giống người chân kia có ngón chân và móng cúp vào (clubbed shape) như chân thú thì đích thị đó là con quỷ lùn, nhưng tôi vẫn không mấy tin tưởng.

Bài học vở lòng ngày trước ở Hội Du khảo trẻ TP.HCM về những cách ứng phó khi bị lạc trong rừng không ngờ lại có dịp sử dụng. Tôi đứng lại, không đi nữa. Trong khi đợi, đầu tôi vạch ra tất cả những phương án nếu chẳng may Dunu quay lại tìm không thấy. Cũng may, ông trời không muốn thử kỹ năng sinh tồn “ba rọi” của tôi, nên đợi thêm một chút, đã thấy Dunu lò dò quay lại.

Nghe tôi hỏi về Chullachaqui,Dunu nói Chullachaqui chỉ dụ và bắt những người đi săn. Khi đó Chullachaqui sẽ giả tiếng của con thú thợ săn muốn bắn. Và thế là thợ săn đi theo, đi mãi cho đến khi bị lạc trong rừng thẳm. Trong bộ tộc đã có nhiều người bị Chullachaqui dụ vào rừng mấy ngày. Khi tìm được, họ gần như hoảng loạn.

Như để chứng minh thêm sự nguy hiểm của Chullachaqui, ông chỉ vào hàng lông mày đã được cạo sạch của mình: “Phải làm thế để Chullachaqui không ‘thấy’ được mình. Ông ta chỉ thấy và bắt những người còn lông mày”. Nghe Dunu nói tôi cũng hơi lạnh người vì cặp lông mày của tôi còn nguyên. Tôi không tin quỷ ma, nhưng ở giữa rừng thiêng nước độc này, chẳng ai dám nói cứng chuyện gì.

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=lDQVLDfP2kw

14542302872_7272b9eb61.jpg

Cả nhà ngủ trên võng thế này
 
Bài cuối: SÁT THỦ SÔNG AMAZON

“Đó là loài cá hung bạo nhất thế giới. Chúng sẽ táp đứt rời ngón tay của những kẻ nghịch nước bất cẩn, chúng sẽ khiến những tay bơi lội ở mỗi khúc sông tại Paraguay trở thành tàn tật; chúng sẽ cắn xé và nuốt sống những vật thể sống nào bị thương vô phúc rớt xuống sông. Máu đã làm chúng trở nên điên cuồng...”

Đoạn mô tả cá cọp piranha do cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt viết trong quyển “Xuyên qua Brazil hoang dã” (năm1914) đã làm tôi quá đỗi tò mò và quyết phải tìm hiểu bằng được trong chuyến khám phá Amazon này.

Đi câu sát thủ
Thấy tôi có vẻ hứng thú với cá cọp, Denis,người Matsés dẫn đường, bỉu môi: “Tưởng gì ghê gớm chứ, piranha ở đây có đầy. Nếu muốn chút nữa tôi dẫn anh đi câu”. Cùng thổ dân Amazon đi câu cá cọp piranha, kẻ đứng đầu danh sách 13 sát thủ nước ngọt đáng sợ nhất (do tạp chí khoa học National Geographic bình chọn), thì còn gì bằng. Dĩ nhiên, tôi đồng ý ngay tắp lự…

14356731777_f3f744d1dd.jpg


Đồ nghề đi câu cá cọp khá đơn giản: vài cọng dây rừng làm dây câu, lưỡi câu. Chúng tôi xuôi theo con sông Galvez Denis ngồi trước mũi ghe, tay lăm lăm cây chỉa ba, bất chợt đâm thẳng xuống nước. Một con cá to gần bằng bàn tay bị đâm xuyên qua đang giãy đành đạch. “Mồi câu piranha đấy”, Denis nói rồi dùng dao cắt sống con cá làm nhiều phần. “Mồi phải tươi và có máu như vầy mới dụ được piranha. Loài này nhạy lắm, chỉ cần có chút máu, từ cách đó hơn ba km bọn chúng vẫn có thể đánh hơi được”, Hector (nhà tự nhiên học, người dẫn đường) nói thêm.

Denis bỏ miếng mồi còn dính máu tươi vào lưỡi, vừa thả câu anh vừa dùng mái chèo khuấy cho nước động lên “để bọn chúng tưởng có con mồi bị thương vừa rớt xuống nước”. Nghe vậy tôi cũng thò tay xuống khuấy nước phụ. Bất chợt tôi nghe nhói ở đầu ngón tay nên giật mình rút tay lên. Tôi bị cá cắn. Vết cắn không sâu nhưng đủ để máu ứa ra. “Hồi nãy quên dặn anh đừng thò tay xuống nước khi câu. Nhưng anh may đấy, có người còn bị cắn lòi thịt”, Denis vừa nói thì cần câu cũng rung nhẹ. Nhanh như cắt, anh giật lên. Một con cá bụng đỏ, vây đỏ to hơn bàn tay đã bị dính câu, giãy đành đạch.

“Piranha có hơn 20 loài, và loài bụng đỏ là đáng sợ nhất vì nó tấn công cực nhanh và mạnh. Bọn này có hàm răng cực sắc và khoẻ, một cú cắn của nó có sức mạnh gấp 30 lần trọng lượng cơ thể nó”, như để chứng minh lời mình nói Hector banh hàm con cá ra cho tôi xem hai hàm răng như những cái nanh lởm chởm và nhọn hoắt đan xen vào nhau như răng lược, nhìn thôi đã thấy ớn.

14541724624_b40f867e72.jpg

Hàm răng sắc nhọn của hung thần sông Amazon, cá cọp Piranha

Nó làm tôi nhớ lại đoạn kể của cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt trong chuyến đi thám hiểm vùng Amazon năm 1913. “Con bò đột nhiên bị lôi xuống sông. Mặt nước như sôi lên bởi hàng trăm con piranha khát máu đang điên cuồng cắn xé nạn nhân xấu số. Chỉ vài phút sau, mặt nước yên tĩnh trở lại. Một bộ xương trắng hếu nổi lên…” Nghĩ tới đó tự nhiên tôi rùng mình.

Nghe tôi kể về chuyện đó, Denis cười lớn: “Trừ khi bị thương, chảy máu chứ piranha rất hiếm khi tấn công người. Chúng tôi ở đây vẫn câu bọn nó suốt đấy thôi. Piranha nướng lên ăn ngon lắm”.

14542243702_9e0daa0c98.jpg

Piranha cũng là món ăn khoái khẩu của thổ dân Amazon

Box:
Theo National Geographic, Piranha có hơn 20 loài, kích thước từ 14 – 26cm, là giống ăn tạp, khi không tìm được mồi, nó có thể ăn thịt đồng loại của mình. Piranha nguy hiểm hơn cả cá mập vì cá mập luôn săn động vật nhỏ hơn mình còn piranha thì bất chấp con mồi lớn hay nhỏ.

Theo một thống kê không chính thức, hàng năm tại Brazil có khoảng 1.200 con bò bị cá cọp ăn thịt. Ray Owczarzak, người phụ trách Viện Hải Dương học quốc gia ở Baltimore (Mỹ), cho biết chỉ cần 300-500 con piranha, một người nặng 80 kg có thể bị rỉa còn bộ xương chỉ trong vòng….5 phút.


Tạm biệt chiến binh
Buổi đi câu kết thúc với chiến lợi phẩm gần hai chục con cá cọp cùng những loài khác. Trong khi đợi Denis nướng cá, nằm đung đưa trên cái võng chăm bi ra nghe tiếng chim gù xa xa, nhìn khói bếp bay lên tôi bỗng nhớ đến chái bếp ngày nào ngoại vẫn hay ngồi chụm lưả nấu cơm. Tự nhiên thèm được nghe một câu vọng cổ đến lạ…Về thôi! Dù sao tôi cũng ở trong rừng với người Matsés nửa tháng rồi còn gì.

Khi tôi ngồi viết những dòng cuối cùng này thì nhận được thư của Bertien, người phiên dịch cho tôi suốt thời gian sống với người Matsés. Thư ngắn thôi, nhưng đã khiến tôi thẩn thờ. “Dunu bị viêm gan siêu vi B. Tội nghiệp, ngay cả khi bệnh tái phát nặng ông già vẫn cương quyết không chịu rời cái chòi nhỏ bé nằm giữa rừng của mình. Chỉ cho đến khi nằm liệt, mọi người mới có thể “cưỡng bức” đưa ông đến Angamos xin đi nhờ máy bay quân sự để lên Iquitos chữa trị. Nằm viện được vài ngày Dunu chết…”.

Vậy là con báo lạc bầy của bộ tộc Matsés đã chết khi rời khỏi rừng. Nghe nói trước khi chết, Dunu cứ nằng nặc đòi về lại rừng, về lại cái chòi lá tồi tàn của ông nơi có hai bà vợ và hai đứa con đang ngóng chờ…

Còn nhớ khi chia tay, Dunu đã đặt tên cho tôi là “Dunu cania” (có nghĩa là “chiến binh nhóc”). Ông nói: “Mày đã thử sapo, nu-nu, đã đi rừng, bắt cá với tao… Ở lại đi, tao sẽ đào tạo mày thành 1 thằng ‘du-nu’ (chiến binh) thật sự”. Thế mà Dunu đành lỗi hẹn với tôi…

Tôi lục lại đống đồ kỉ niệm, lôi ra chiếc võng chambira mà Dunu tặng trước khi chia tay. Chiếc võng hãy còn ướp mùi mồ hôi, mùi nắng, mùi rừng. Tôi nằm lên võng đong đưa và nhắm mắt lại. Trong dòng hồi tưởng miên man về những kỷ niệm đã qua, tôi mơ hồ như trở lại cánh rừng già Amazon bạt ngàn, ở đó, ông già Dunu đen nhẻm, trần truồng đang đứng trước cái chòi lá, nhìn tôi cười hiền và nói: “Bư-ram-bô, Dunu cania”- Chào chiến binh nhóc…

Clip:
https://www.youtube.com/watch?v=dJViGls5cDw

14520141346_8f1f885d5a.jpg

Gia đình Dunu

14356640039_c3e8052db0.jpg

Dunu
 
Cám ơn anh đã chia sẻ bài viết này, thú vị lắm lun. Hy vọng anh có thể chia sẻ thêm nhiều bài viết cho mọi người *cả viết sách nữa nha anh* . Ngoài Ai Cập thì Amazon là ước mơ từ thời em còn nhỏ xíu ^^. Nhờ anh mà em biết thêm nhìu thứ, biết đâu sau này có cơ hội sang Amazon còn có chút tư liệu tham khảo.
 
Chẹp, thế là nếu đi Peru lại có thêm điểm này để hóng nữa rồi. Em vẫn ấp ủ chuyến Peru cho năm sau mà cứ đọc thế này rồi thêm điểm thêm điểm ham hố quá đi mất.
Không biết bác có liên quan đến cái đoàn quay phim về amazon nhà mình đang có bộ phim tư liệu nhiều tập trên tivi không nữa. Nhưng rõ là nghe bác kể ở đây hấp dẫn hơn nhiều so với xem phim kia. Giọng văn bác gần gũi nhưng đầy hình tượng làm em nhớ cái cảm giác hồi nhỏ đọc Đất rừng phương Nam quá. Lời văn ngắn gọn súc tích nhưng làm mọi thứ được kể sống động xung quanh. Cám ơn bác đã chia sẻ :)
 
Em cảm ơn anh về bài viết tuyệt vời thế này, anh làm em rục rịch nôn nao quá.
Theo kế hoạch, nhóm em 3 người toàn nữ sẽ có chuyến đi đến Peru, Brazil vào năm sau, anh có lời khuyên nào cho tụi em ko anh Tập ơi? Em rất thích Amazon nhưng tụi em toàn nữ đi như anh thì khá là nguy hiểm, em sợ. Nhưng đã đến tận đây mà bỏ qua Âmzon thì quá tiếc :( tụi em nên đi chương trình thăm Amazon sao cho an toàn hả anh?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,715
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top