Khi Bạn đi mây về gió, hãy nhìn qua ô cửa máy bay!Và chính bức hình chụp một góc vịnh Vân Phong này đã làm tôi say lòng, tự hứa là sẽ đên và đi dù không thể để lại dấu chân trên toàn bán đảo .....Thì âu vẫn thấy mình hạnh phúc!
Nỗi cô đơn lưu luyến giã từ bãi Gành Bà dưới chân đèo Cổ Mã, tôi đi theo con đường xẻ cát về Tuần Lễ - Đầm Môn
Đẹp như tranh vẽ !
Bán đảo Hòn Gốm nhìn trên bản đồ như một ống tay áo vươn ra biển, dài khoảng 30 cây số, bắt đầu từ đèo Cổ Mã. Đứng trên Quốc lộ 1A, dễ dàng nhìn thấy đồi cát trắng xóa chạy dài, chở trên lưng là những rừng phi lao, dương liễu lúp xúp, rập rờn ra tận ngoài biển. Ngày xưa còn có tên gọi là truông chàm bởi một rừng tràm dày đặc trên cồn cát làm nhiệm vụ chắn gió. Trên bán đảo có hai thôn, Tuần Lễ thuộc xã Vạn Thọ, tiếp giáp với Quốc Lộ 1A và Đầm Môn thuộc xã đảo Vạn Thạnh, gần như bị cô lập với đất liền bởi các cồn cát lớn liên tiếp chạy dọc theo bờ biển.
Đầm Môn có Đầm Môn thượng, Đầm Môn hạ và Xuân Đừng từ hồi nào đến giờ phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe. Gần nhà xa ngõ, từ Đầm Môn qua Tuần Lễ phải băng qua cồn cát dài hơn 10 cây số, đi bộ mất 3 giờ mỏi rã đôi chân, cát nỏng bóng, chập chùng trắng lóa, nhìn xuống đất thì chảy nước mắt sống, nhìn lên trời chỉ thấy nắng, nhìn trước mặt, xung quanh một màu trắng chói chang, bốn bề gió thổi cát bay muốn bét con mắt, từ xưa đến giờ ít ai đi bộ qua cồn cát này. Ông trời khắc nghiệt dựng nên cồn cát ngăn cản không cho con gái Đầm Môn ưng con trai Tuần Lễ, nếu có duyên ông Tơ bà Nguyệt thì từ Tuần Lễ phải đi đường bộ theo Quốc Lộ 1A, khoảng hơn 10 cây số mới đến khu thị tứ của huyện Vạn Ninh, rồi từ đó xuống bến đò đi ghe mất hai tiếng qua Đầm Môn. Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, con trai Đầm Môn sức dài vai rộng, quanh năm đối mặt với biển khơi, con gái tay chân dẻo dai quăng lưới như múa, sá chi đường vòng, những năm sau này hai làng gắn kết sui gia, đi ghe hai tiếng, đi xe ôm thêm hai mươi ngàn, lòng vòng, ông già, bà cả thấy ngại, chỉ có bọn con trai, con gái đến tuổi cặp kê mới hăm hở.
Vùng Tu Bông nổi tiếng từ xưa đến giờ là gió, gió thổi “tu oa, tu oa” quanh năm suốt tháng, hết mùa lào đến mùa bấc, do ở vùng này có đôi chỗ núi hạ thấp xuống thành thung lũng, hút gió lào và gió bấc tụ vào. Ông trời khắc nghiệt với Tuần Lễ nhưng lại hào phóng cho Đầm Môn. Tuần Lễ phía đàng Tây, một dải đất hẹp, sau lưng là cát, trước mặt là biển. Ông già bà cả kể chuyện rằng, ngày xưa những con rùa lần hồi bò chậm chạp trên cát tìm nơi sinh sống, cuộc di dân từ đầu thôn đến cuối thôn vừa đúng một tuần. Người ta đặt tên làng Tuần Lễ do sự tích những con rùa này. Từ tháng chín đến tháng giêng là mùa tố, gió thường xuyên mạnh cấp 4, cấp 5 đã tạo nên những ụ cát liên tiếp nhau kiểu bát úp và gây ra dịch chuyển của các ụ cát này. Cát di động mạnh có nơi xâm lấn dần các khu dân cư và đất sản xuất. Có người trong đời phải dời nhà ra mé biển đến năm, bảy lần, cát lấp đến đâu, múc không nổi thì dời nhà đến đó. Mùa tố thì cát bay, cát nhảy, ăn cơm cũng lạo xạo cát trong miệng, mùa nồm thì tịnh không một ngọn gió, hanh và oi bức. Trong khi đó Đầm Môn nằm khuất sâu trong vịnh, kín đáo, khí hậu dễ chịu, ấm áp quanh năm, bãi biển cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh, môi trường tự nhiên hầu như còn giữ được nguyên vẹn chưa bị ô nhiễm. Từ Đầm Môn nhìn ra biển, tầm nhìn bị khuất bởi núi Mũi Phồng, ngọn núi này chạy dài dựa theo Hòn Lớn, qua Hòn Nhọn, Hòn Mới về Hốc Nại, qua Hòn Cát Thắm, Hòn Gầm là đến đất liền. Phóng tầm mắt xa hơn nữa là đảo Khải Lương, nơi nuôi ngọc trai lớn nhất của Khánh Hòa. Nhìn trên bản đồ Đầm Môn là một cái vịnh tròn khoét sâu vào bán đảo Hòn Gốm, bên ngoài có đảo Hòn Lớn án ngữ, hai đường thông thương ra vào là lạch cửa Bé và cửa Lớn, còn có tên gọi là Lạch Cổ Cò là một cái eo giữa Hòn Lớn và Đầm Môn Hạ, có hình dáng như cổ cò, khoảng cách trung bình của lạch này khoảng 300m. Bên ngoài hai con lạch này là vùng Vịnh Vân Phong.(con đường xẻ cát - Đào thị Thanh Tuyền)