What's new

Lính thời bình: Những ngày tháng dịch xê

Thread dành để ghi lại những tháng ngày dịch xê đẹp nhất của chúng tôi :L

Cung đường 15-30 km/ngày cho dân phủi ^^

- Phương tiện toàn thân
- Khối lượng mang vác cá nhân dưới 30 kg, chưa kể đồ cả đội
- Đặc điểm chính: Áp dụng mọi loại thời tiết địa hình, địa điểm. Nắng vàng biển xanh toàn anh đến đất lầy bão tháng 7, từ vượt sông mùa gió Đông đến qua núi mùa gió Lào. Hoạt động cộng đồng bắt buộc tham gia. Có đánh trận giả mà đạn thật, hơi nguy hiểm cho người yếu tim. Ăn, uống, ở, y tế, vệ sinh cá nhân... cùng với cả đội, mọi sự ly khai thường dẫn tới hậu quả xấu.
- Ưu điểm lớn nhất: Đồng đội, đồng đội, đồng đội.
- Khuyết điểm lớn nhất: Không tự ý làm điều gì nếu không được phép, ko chụp ảnh quay phim công khai - nhưng lén lút làm rồi up thì ... tự chịu
P/S: Mọi thông tin vẫn phản hồi theo phân cấp.

Ảnh đã được quê Anh Quân cho phép sử dụng. Một lần nữa cám ơn quê rất nhiều!

576263_222299701217826_843010586_n.jpg
 
Last edited:


"Cuộc đời là những chuyến đi". Ai đó đã nó như vậy về hành trình đi tìm đích đến cho nỗi đơn của mình. Với những người lính chúng tôi hành trình của mình là những lần hành quân diễn tập, đi bắn, đi dân vận... nói chung là tất cả những nhiệm vụ cho cơ hội để dời khỏi doanh trại đơn vị, trong hành trình lớn nhất của đời lính - hành quân xa. Đó thực sự là những tháng ngày nhiều kỷ niệm nhất, được gặp nhiều bạn mới, phong tục lạ, được ngắm những khung cảnh hùng vĩ... mà nếu chỉ quẩn quanh trong đơn vị chắc chẳng bao giờ có thể tìm ra.

10.jpg


Ảnh Anh Quân​

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, quân đoàn I và quân đoàn II trấn giữa Tây và Đông Bắc Bộ - phòng tuyến số III bảo vệ miền Bắc và thủ đô Hà Nội sau lực lượng biên phòng cùng bộ đội địa phương và dân quân, du kích . Đơn vị tôi về đứng chân trên đất Bắc Giang, nhưng thú thực chúng tôi chưa đi hết tỉnh này. Nói vậy chắc bạn sẽ bảo chú lính này lại bốc phét trên nói đi mà dưới lại nói không đi hết Bắc Giang. Vâng sự thật chúng tôi chưa đi bộ hết tỉnh Bắc Giang. Hầu hết những lần dời khỏi đơn vị chúng tôi đều hành quân bộ, những lần "được" ngồi xe cơ giới đi làm nhiệm vụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ba vòng tổng hợp diễn tập là đi bộ nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đi từ 7 đến 15 ngày, mỗi ngày trung bình hành quân bộ 15 đến 30 km. Thì hành quân rèn luyện hàng tuần, đi dân vận, làm hào, đi bắn(cả gác đạn), đi "cơ động"... Đó là những lần đi có thể gọi thành tên, không tính những lần không tên khác như vào rừng chặt tre nứa, những lần lao động trên chỉ huy sở sư đoàn... gọi chung là lao động xây dựng đơn vị.

Điều tiếc nuối lại là điều cấm kị trong quân đội đó là sử dụng máy ảnh. Những khoảnh khắc đẹp tôi gặp trên đường làm nhiệm vụ đã bị bỏ qua, có chăng lưu giữ không đầy đủ trong những mảnh ký ức và trở lại trong những dòng viết. Còn ghi hình bằng điện thoại di động, thú thật là đến gần lúc ra quân cả tiểu đoàn (trong lính) mới xuất hiện một chiếc nắp gập - nó cũng bị mất ngay sau cuộc diễn tập liền kề. Điều kiện phụ cấp với gia đình thời điểm đó cũng không cho phép nữa.

Lính thời bình cơm ăn ba bữa áo mặc cả ngày, điều kiện vật chất đơn vị ngày càng đầy đủ hơn so với đàn anh đi trước. Vì vậy trong tất cả các nhiêm vụ huấn luyện của bộ đội diễn tập vòng tổng hợp là khó khăn đáng kể nhất. Như đã nói ở trên một đợt diễn tập từ 7 đến 15 ngày tùy theo yêu cầu huấn luyện, cá biệt có thể kéo dài hơn 20 ngày. Những diễn tập loại này thường với quy mô lớn và bao gồm nhiều nhiệm vụ kết hợp. Diễn tập toàn quân được coi là quy mô diễn tập lớn nhất. Như đầu năm nay qđ II diễn tập lớn nhất từ sau năm 1975 - đó cũng là một cuộc diễn tập lớn. Với những diễn tập lớn thì không gian diễn tập cũng trên nhiều tỉnh thành hơn.

[video=youtube;qdE0VbItSuI]http://www.youtube.com/watch?v=qdE0VbItSuI&list=PLT5VlIPMOthnsSNvan9vU3litL78V8nU5&index=83[/video]​

Clip: Diễn tập hiệp đồng quân binh chủng có quy mô lớn nhất từ sau 1975​
 
Last edited:
Ngoài nhiệm vụ bắn, ném đạn thật, tập chiến thuật, xây dựng công sự trận địa thì hoạt động được coi là chủ yếu của diễn tập là hành quân bộ. Mỗi ngày trung bình hành quân bộ 15 đến 30 km, qua các loại địa hình khác nhau từ đồi núi, sông sâu đến đồng bằng. Thời gian thì bất kể đêm ngày, nói chung là thường đi sớm và đến nơi thì đã muộn. Sau đó xây dựng công sự trận địa và thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.

Đi bộ với trang bị trung bình từ 15 - 30 kg tất cả khí tài trên người. Tuy nhiên thực tế các chú lính luôn mang nhẹ hơn quy định bằng nhiều cách có thể. Ví dụ trong ba lô thường mang hai bộ đồ dài, một rằn ri dã ngoại, một quân phục cỏ úa, tính cả rằn ri trên người là ba bộ đồ dài(đồ ngắn chưa tính). Tuy nhiên thực tế nhiều chú lính chỉ mang một bộ đồ dài trên người. Bạn thử hình dung hơn một tuần đi bộ không thay quần áo sẽ ra làm sao. Bẩn là nhẹ, chưa kể mưa ướt đồ cũng mặc kệ không thay vì đi mãi nó cũng khô, mà không khô được mặc nguyên vậy ngủ. Điều rất lạ chúng tôi không đứa nào bị ốm do mưa. Bí quyết lưu truyền là đã đi bộ kiểu gì cũng ướt không mồ hôi thì cũng mưa, phải giữ cho một thứ khô ráo đó là cái đầu. Cái đầu tỉnh táo, được ăn no, chân không bị thương thì chỉ sau một đêm ngủ dậy(dù có thiếu giấc) chúng tôi vẫn tới điểm tập kết an toàn người và trang bị.

Trang bị cá nhân bỏ bớt lại hoặc không mang tuy có nhẹ hơn nhưng trang bị tập thể không anh chàng nào dám thiếu vỉ sẽ không có cái dùng . Tính sơ sơ thế này:

- Súng và trang bị theo súng gồm bao xe bao đồ, thông nòng, kính ngắm, hộp tiếp đạn, lê,... không thể thiếu. Vì thiếu cái nào không kiếm được trả phải đi tù ví dụ như súng chẳng hạn(thấy bảo vậy chứ chưa chứng kiến thực tế ). Có câu súng là vợ, đạn là con như thế. Thú thực là sau thời gian nghĩa vụ trải qua mấy loại súng, làm mất đồ thì không có chứ làm vỡ bên trong lòng súng thì không ít. Điều này chỉ có tôi và quân khí đại đội biết. Mà biết làm sao được bắn nhiều quá mà ^^

- Các trang bị khác như bi đông, bộ y tế(gồm cả cáng quân y), tượng gạo, thực phẩm đóng hộp, rau xanh, xoong nồi, bát đũa, dao găm, cuốc xẻng bộ binh, tăng bạt võng... cũng phải mang đầy đủ, không dùng cũng phải giữ cẩn thận. Tất cả chúng đều có nhiệm vụ khi cần tới, ví dụ như cuốc xẻng bộ binh chẳng hạn, có thể bạn không dùng nó để đào hào, nhưng nó là vật bất ly thân khi tập chiến thuật hoặc bắn đạn thật. Trong thực tế chiến đấu nó cứu mạng bộ đội nhiều(tất nhiên là để đào hầm hào rồi rồi táng nhau khi giáp lá cà). Chưa kể khi vượt sông cũng cần có chúng. Nói đến cuốc xẻng mới nhớ, dù mang theo cuộc xẻng bộ binh thì hầu như tiểu đội nào cũng mang theo 2,3 cái lưỡi cuốc xẻng bàn loại to bên ngoài hay dùng. Mang lưỡi đi tới nơi tập kết chặt cây làm cán, có nó chúng tôi đào hầm hào bớt vất vả hơn nhiều. Vì vậy cái gì bỏ nhà thì bỏ chứ lưỡi cuốc xẻng bàn là phải mang. Cuốc xẻng bộ binh có nhiều tác dụng lắm nhé. Mang đi tăng gia, đi cơ động, đào hào... có lúc thành xẻng chia cơm.

Riêng với những thứ liên quan đến đồ ăn thức uống được chia về từng người mang vác theo quy định và luân phiên trút xuống bếp.Với những thứ này hay bị các chú lính bỏ lại dọc đường hoặc tìm cách đổi lấy đồ ăn khác hoặc giành trút vào bếp. Những việc này tất nhiên là sai, tuy nhiên cũng là cách gian lận một số ít chú lính hay làm để giảm khối lượng trên vai. Còn bạn hỏi bỏ đi thì họ ăn bằng gì á. Thịt cá trứng có thể ít đi nhưng hầu như lính thời tôi không bị đói. Chỉ tiếc cho những sự phí phạm trên đường. Tiền của của bị vất đi không thương tiếc. Bạn mang nặng trên vai không chỉ là nhiệm vụ, nó giúp cho bạn có nhiều cơ hội sống sót hơn trong chiến đấu thực. Tôi nghĩ như vậy và tôi không bỏ đi một thứ gì khi được phân công mang vác.


1.jpg


Lán trú quân. Ảnh Đinh Hữu Bình
 
Last edited:
Có một lần đi diễn tập tiểu đội có 9 người thêm cả trung đội trưởng mà trong hầm có 3 cái màn và 3 cái vỏ chăn. Một đứa gác, trung đội trưởng nằm một mình một màn, tất cả những người còn lại nằm trong hai cái màn còn lại. Cuối cùng đêm quá lạnh, lúc đầu chen nhau 4 người vào một cái màn và chăn, sau đó màn bị kéo xuống, tất cả chúng ôm nhau ngủ úp thìa ngon lành dù người bê bết đất, nước mưa và mồ hôi. Từ lần sau chúng tôi không mang theo màn nữa, trùm tất cả chăn lên ôm chặt nhau ngủ rồi cũng hết 2, 3 tiếng đêm. Trú quân dài ngày thì được ngủ nhiều hơn một chút.

Trên mình gói gọn những thứ mang theo trên người lính bộ binh ước tầm 20 kg đổ lại. Với những thứ thiết yếu không thể không mang cán bộ phải kiểm tra chặt chẽ và thường không cân như khi chúng hành quân rèn luyện hàng tuần. Hành quân rèn luyện là hoạt động hàng tuần đối với chúng tôi, đi ngắn hơn diễn tập rất nhiều ngắn nhất là 5km, xa nhất là 15 km. Tuy nhiên cân nặng thường gấp đôi đến gấp 3 lần diễn tập. Các ba lô thường được cân trước khi hành quân, trong ba lô đơn vị tôi thường là bao cát hoặc đất đủ số lượng cân quy định ít nhất trên 25 kg. Bộ binh hỏa lực thường được mang nhẹ hơn. Tôi chọn cho mình cái ba lô khoảng 31, 32 cân gì đó. Thành quả là ra quân với cái lưng hơi cong và trong diễn tập cũng may là qua hết không làm phiền nhiều anh em khác. Điều đó cũng có tác dụng khá lâu khi sau này tôi có điều kiện dẫn khách và đi phượt với các bạn khác.

Điểm đáng sợ nhất khi hành quân rèn luyện và diễn tập đối với riêng tôi là những lần chạy thu đội hình, đặc biệt là những lần vượt đường. Diễn tập thường đi với đội hình sư đoàn, còn hành quân rèn luyện thường là tiểu đoàn hoặc trung đoàn. Khi vượt qua ngã tư đường chúng tôi phải chạy vũ trang 2 đến 3 cây số(tôi ước chừng vậy). Dây ba lô thít chặt trên vai và buộc chặt ngang bụng, trên đó còn có tượng gạo rồi đủ thứ linh tinh khác, trước mặt đeo súng hoặc vác trên vai. Chạy với quãng đường xa tốc độ cao là điểm yếu của tôi. Mỗi lần chạy như vậy tôi thường rất mệt hoặc bị tụt lại đội hình đằng sau. Rất xấu hổ nhưng phải thừa nhận như vậy. Lần tụt tạt nghiêm trong nhất là một lần hành quân rèn luyện trung đoàn buổi đêm. Chạy không dài nhưng ba lô nặng , mắt trước mắt sau không thấy đồng đội mình đâu. Tôi cố gắng chạy đuổi về phía trước rồi trượt chân xoạc một phát, đầu gối cày xuống đường sỏi. Vừa kịp lúc đó tay trung liên của tiểu đội chạy tới kéo tôi dậy. Quần rác một phát, đầu gối tứa máu lẫn đất. Tôi vẫn cà nhắc về được đơn vị. Những lần sau hành quân đêm, dù rất cố gắng nhưng hụt chân cũng không ít lần xảy ra. May là không có gì nghiêm trọng nữa.

Lần hành quân rèn luyện nhớ nhất đời lính là gần cuối tân binh. Chiều sau khi ăn xong, chuẩn bị balo tôi đã thấy biêng biêng đầu óc. Đã tính xin nghỉ, thôi kệ cứ đi xem chịu được không. Ngay lúc bước chân khỏi cổng đơn vị là tôi sốt. Balo thì nặng nó như dúi tôi xuống đường, chân đi hoàn toàn theo quán tính. Đến nửa đường được nghỉ, mắt tôi đã hoa hết cả lên, vất uỵch cái balo xuống với cái súng. Tôi gục xuống thở dốc. Rồi tôi cũng về được tới đơn vị, tiểu đội trưởng mắng: "Hôm ấy mà đi theo đội hình trung đoàn có mà mày lăn xuống dốc rồi. Lần sau ốm không báo thì liệu hồn đấy". Tôi chỉ biết cười trừ tôi cũng đã vượt qua mình được rồi. (Sau này có vài lần gặp lại tình huống tương tự, tôi không còn lạ lẫm như lần đầu nữa). Sau đó nghỉ ốm hai ngày, mấy quê ra ngoài mua thuốc rồi mua mỳ tôm cho tôi.

DSCF8018.JPG


Kỉ niệm một lần trước khi hành quân rèn luyện hàng tuần với xạ thả B41 của tiểu đội

3.jpg


4.jpg


Balo hành quân rèn luyện. Ảnh Hưng Nguyễn Bắc
 
Last edited:
Như đã nói ở trên với tôi giữ cho cái đầu tỉnh táo khô ráo, được ăn no, chân không bị thương thì chỉ sau một đêm ngủ dậy(dù có thiếu giấc) chúng tôi vẫn tới điểm tập kết an toàn người và trang bị. Về việc ăn uống của chúng tôi trong những lần hành quân xa do bếp đại đội nấu cho ăn. Đầu bếp cũng là lính nghĩa vụ thuộc trung đội nuôi quân của tiểu đoàn. Có lúc tăng cường thêm người các trung đội xuống phụ khi cần. Hầu hết khẩu phần gạo chia về từng người đựng trong các tượng gạo - nhìn kỹ là quân phục của lính khi ra ra quân được tận dụng may lại để dùng. Rau xanh, muối mắm, gia vị, đồ hộp, lương khô khác cũng phân công từng người mang. Riêng thực phẩm tươi phần nhiều là thịt heo, lính nuôi quân xuống tiểu đoàn lấy rồi nấu cho bộ đội ăn. Nếu hôm sau phải ăn cơm nắm có thịt thì thịt chín đóng bọc được chia về tiểu đội. Không ít lần chưa tới nơi thịt có mùi, may là ăn xong mà không có bị sao. Thường thì những ngày diễn tập chẳng bao giờ có thời tiết đẹp. Không nắng cháy lại mưa to, cá biệt một ngày có đủ thứ thời tiết: sáng lạnh buốt, trưa nắng rang, chiều mưa, tối gió to bung cả lán với hầm. Vì vậy lo cơm cho bộ đội cũng là khó khăn của anh em nuôi quân - chúng tôi hay gọi vui và đểu là quân nhọ đít. Diễn tập năm đầu tiên hầu như bữa nào chúng tôi cũng ăn cơm rớt - nhão. Vừa sắn cơm - như bánh đúc vừa lầm bầm chửi nuôi quân, vậy mà nồi cơm cũng hết, lại đi xin thêm. Hồi ấy chưa biết rõ nấu ăn thế nào, sau này được cử xuống tăng cường nuôi quân diễn tập mới biết họ vất vả thế nào. Nếu cán bộ dễ thì không phải đào bếp Hoàng Cầm kê gạch làm bếp còn đỡ, bắt đào bếp vừa phải đẹp, vừa phải không khói. Phải đào cả giếng (thực ra là chỗ chứa nước). Nấu đúng ngày mưa thì đúng là số nhọ, củi ướt mèm,nấu xong cơm là cả một vấn đề.

2.jpg


Bữa cơm diễn tập của lính. Ảnh Hưng Nguyễn Bắc

2.jpg




Sau này sang năm thứ hai đã ranh hơn, nuôi quân bắt đầu xin đi cùng đội hình tiểu đoàn, có đôi lúc được đi đường tắt ngắn hơn nữa nên ăn uống những lần sau cũng đỡ hơn nhiều. Nhớ có lần diễn tập đến giờ ăn cơm, tiện thể tôi mang giầy, tất xuống bếp hong cho khô để mai đi tiếp. Bỏ tất với lót giầy lên nắp nồi cơm hong nhờ, quay đi quay lại thì không thấy đâu. Soi đèn quanh cũng không thấy, mãi sau vớt rau ra chia mới thấy tất và lót giầy trong nồi rau. Hóa ra tranh tối tranh sáng, chú nuôi quân không bật đèn pin, mở nắp nồi rau úp sang bên nồi cơm, hai thứ "ngon lành" kia dính và rơi luôn vào nồi rau khi được đậy trở lại. Rau vẫn được chia và mọi người vẫn ăn bình thường, chỉ có tôi và chú nuôi quân kia là biết chuyện.

Có lần diễn tập đến chỗ trú quân muộn. Chỉ huy cho ăn tối giữa đường, trời thì mưa, cả bọn ướt đầm đia như chuột lột. Tung cái áo mưa trùm lên, lôi cơm nắm đã có mùi ra ăn. Đủ thứ tâm trạng và mùi vị. Trong ấy không lẫn đâu được mùi bãi phân trâu ngay bên cạnh. Mặc kệ ăn cũng hết chỗ cơm. Đêm đó lên Eo gió đào hầm trú quân, mấy lán bị gió tốc hết lên không thể ngủ được. Đêm đó bọn tôi còn được tăng cường bữa cháo ăn sàn sạn vị cát. Mãi sau mới biết, nuôi quân đến trễ không kiếm được giếng nước, đào cũng không xong. Chúng nó múc luôn nước dưới mương để lắng chút rồi nấu cháo. Một bữa cháo vị bùn đáng nhớ.

Một lần diễn tập khác cũng dính dáng đến việc ăn. Tiểu đội trưởng đi về nói thấy có hàng lòng heo nóng dưới chân đồi. Mọi người nhất trí xuống mua về ăn trước khi cắt cơm lên lán. Bữa trưa đó khá hoành tráng vì có thêm lòng nóng. Mặc dù ngồi ăn trong lán nhầy nhụa bùn đến mắt cá chân vì đêm qua mưa to nước tràn vào. Giun đùn lên mấy chú bằng chiếc đũa cứ ngoe ngoe bên cạnh khi chúng tôi ăn. Những lần diễn tập sau chúng tôi hùn tiền tăng cường đồ tươi cho bữa ăn nếu có dịp. Thỉnh thoảng cũng có tý rượu cho vui nhưng phải dấu cán bộ.

Đơn vị nằm trọn trong trường bắn quốc gia khu vực I, hay gọi là TBI. Tuy là đất quốc phòng nhưng người dân vẫn sinh sống và canh tác ngay trong khu vực trường bắn. Với tôi mỗi lần dã ngoại hành quân diễn tập mới thấu hiểu cái câu "quân với dân như cá với nước". Chỗ trú quân càng gần dân càng đỡ vất vả. Nhờ được dân chỗ ăn, ở, nước sạch... chưa kể có thể mua thêm đồ nếu có bán. Vì vậy việc ứng xử quan hệ tốt với dân không chỉ tốt cho chúng tôi mà còn tạo điều kiện cho lứa đàn em sau đến trú quân. Có lần đi dã ngoại, xóm đó là địa chỉ quen thuộc mỗi lần đơn vị tôi tới đều được người dân bố trí cho chỗ ở. Lần đó tất cảc các tiểu đội đều đã xong chỗ ăn nghỉ, duy một nhà không cho lính vào ở. Hỏi ra mới biết năm trước không biết đơn vị nào tắm ở giếng làm rơi cả bánh xà phòng xuống mà không thèm nói một câu rồi đi thẳng. Nói mãi cuối cùng họ cho lính vào nhưng chỉ lên trên đồi, bảo lên đó dựng lán mà ngủ. Còn bảo cán bộ phải hứa với gia đình chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Người dân khu vực đơn vị ngoài người Nhật Kí Lạnh còn lại là người Sán Chay, Sán Chỉ, người Dao, người Hoa, người Nùng... họ rất thật thà và quý lính. Một số chú lính láu cá, khôn vặt gây chuyện bị bắt sống đã phải trả giá như bị cắt tai trôi sông.

Thường thì mỗi lần diễn tập một nhiệm vụ quan trọng nữa là "xây dựng công sự trận địa", "tập chiến thuật", "bắn chiến đấu(có thể đạn thật hoặc đạn bông). "Xây dựng công sự trận địa" gồm đào hầm, hào, hố bắn và các thứ liên quan khác. Năm đầu diễn tập bị rèn dữ nhất về việc này. Cả ngày đi bộ đến nơi trú quân mong mỏi nhất là đào xong hầm ngủ, dựng lán để nghỉ. Tuy nhiên chúng tôi phải đào các đường hào và hố bắn - những thứ sẽ che chắn những người lính khi thực chiến. Lúc ấy cảm giác đã rất tệ sau khi nghe phải đào hào cả đêm. Và chúng tôi đã vừa đào vừa ngủ gật. Cái đêm trước buổi sáng ăn lòng heo nóng kể trên hai người chúng tôi phân đào một nhánh hào. Đêm hai đứa leo lên cây vải ngủ được một lúc thì thấy rậm rịch lại nhảy xuống đào. Giữa đêm được báo về lán nghỉ, sau khi cắt gác thì mưa như xối nước xuống từ trên đồi xuống, nước tràn cả qua những rãnh thoát nước xung quanh lán. Ướt lạnh vậy vẫn ngủ đến sáng.

Hồi ấy áo lót bên trong của chúng tôi có màu trắng. Lúc đào hào nóng toát mồ hôi phải cởi áo rằn ri ra. Đúng lúc cán bộ tới kiểm tra, họ thấy mắng té tát là ý thức địch tình, ngụy trang thế à rồi bắt mặc áo dã ngoại vào. Lúc ấy người thì ướt đẫm mồ hôi, áo trắng thì đã lấm lem màu đất gan gà. Bộ đội bây giờ sướng hơn từ khăn mặt, áo lót đến các quân trang khác đã đậm đà "ý thức địch tình, ngụy trang" hơn nhiều. Tất cả không màu rằn ri thì có màu xanh hết.

Để cho thật hơn với tình huống chiến đấu, đêm đào hào luôn có pháo sáng với tiếng thuốc nổ oánh ầm ầm ở những ngọn đồi kế cận. Có lần vừa dứt đợt tiếng nổ lại thấy tiếng chạy đuổi hô hào ở thung dưới chân đồi. Lúc sau họ khép chặt vòng vây sát tới tận lán tiểu đội. Chạy ra thì thấy họ đã bắt được một con cáo, chưa kịp bảo họ đi thì họ đã khuất dạng lúc nào. Lần đó đơn vị đóng vòng ngoài với vệ binh bị khiển trách vì mất cảnh giác. Những ngọn đồi này phần nhiều có nhà dân dựng xen kẽ với chỗ trú quân của lính.

Sang năm thứ hai chúng tôi biết người biết việc hơn, dạn dày hơn... việc o ép đào hầm hào không còn như hồi năm một nữa. Đến nơi trú quân chúng tôi đào hầm, dựng lán, để đêm không bị nước vào cho ấm chỗ ngủ trước, chỗ ăn đàng hoàng đã. Sau đó mới đến những việc khác. Nhưng rồi đêm vẫn ngắn ngủn như bao đêm diễn tập khác không vì tập bài, đào hào thì cũng dậy sớm cho những cung đường mới.




4.jpg


Đơn vị cối 82 hành quân diễn tập. Ảnh Anh Quân
 
Last edited:
"Tập chiến thuật", "bắn chiến đấu" là phần hấp dẫn nhất đối với tôi dẫu mệt thế nào đi nữa tôi cũng ko thể bỏ qua. Cảm giác khi tất cả đơn vị cùng đồng thanh hô xung phong xông lên chiếm lĩnh điểm cao trong tiếng ầm ầm của các loại tiếng nổ như một trận chiến thực thụ. Trước đó chúng tôi ém quân tại điểm xuất phát tiến công từ sáng sớm. Đến giờ G đã định hàng loạt loại đạn đủ thứ pháo to, pháo nhỏ bay vèo vèo trên đầu chỗ chúng tôi nằm. Rồi nổ dòn tan trùm bão lửa lên điểm cao. Khi pháo lớn bắt đầu chuyển hướng bắn về phía sau đến lượt bộ binh như chúng tôi tiến hành mở cửa. Các loại đạn nhọn, cối, DKZ tiêu diệt, chế áp mục tiêu đầu cầu, các ụ súng, lô cốt các ụ kháng cự... hỗ trợ đơn vị mở cửa. Một đường thẳng dài dưới chân điểm cao được mở cẩn thận lên tận đỉnh. Bằng sức công phá của hàng loạt bộc phá ống, mìn định hướng các loại hàng rào, mìn, vật cản đã được dọn sạch . Trên thực tế chiến đấu mở cửa đầu cầu chết nhiều lính nhất. Ngày nay với công cụ dọn mìn hiện đại, người lính sẽ ít bị tổn thất, nhưng cảm giác giật nụ xòe nằm chờ bộc phá nổ thật là thích đối với tôi.

Cửa mở đã thông, bộ binh chiếm lĩnh vòng hào đầu tiên. Xe tăng vượt lên, con "công nông già" sau bao năm chinh chiến nam bắc vẫn còn đủ sức xuyên qua các bờ hào, cán nát hết các lô cốt. Nghễu nghện trên đỉnh đồi, vừa tiến vừa chỉnh hướng bắn. Chưa kịp dừng lại nó nhả phát đạn đầu tiên vào mục tiêu phía trước ngay trong khi hành tiến. Bọn bộ binh chúng tôi chạy theo sau nó đến phát mệt - thực ra là nó che đạn cho bộ binh. Bọn DKZ, 12ly7 với cối 82 mới đáng nể. Lòng pháo bọn này bọc chăn bông dày chống sức nóng, vác hẳn trên vai chạy phăm phăm theo xe tăng. Mấy đứa pháo thủ chạy sau gánh đạn tòng teng trên vai. Dừng đúng vị trí, giá súng, lắp đạn là tụi hỏa lực bộ binh này nã ngay. Trong khi đó bô binh chúng tôi nằm ngay dưới làn đạn của tụi này, đang cố sức bò men theo vạt đồi để mở tiếp cửa mở thứ hai. Ngoảnh mặt lại phía sau trên đỉnh đồi vừa chiếm lĩnh, những quầng lửa khai hỏa liên tục của bọn DKZ trong rộn ràng nhịp điệu của khẩu lệnh. Phía chúng tôi AK tép, trung đại liên,M79, cối 60, B40-41... có bổ trợ thêm tụi B72 hóa học thi nhau nã về mục tiêu. Bọn 12ly7 sau khi bắn tiêu diệt mục tiêu máy bay bay thấp, hạ nòng bắn chế áp mục tiêu đầu cầu cho bộ binh bò lên đánh bộc phá mở cửa tiếp. Mấy lá cờ cắm trên cứ điểm đã được chuẩn bị cho các hướng quân. Cửa mở thông hỏa lực chuyển làn ra hai bên trong năm phút để bộ binh chuẩn bị xung phong dọn chiến trường. Chúng tôi tiến qua các đường hào, tung lựu đạn tiêu diệt hầm ngầm, những cái kiên cố hơn là phần của bộc phá khối - thứ này cũng hay được dùng ốp xe tăng. Cuối cùng là tất cả đồng thanh xung phong, lá cờ đỏ thắm đã tung bay trên đỉnh cứ điểm. Với những nhiệm vụ có bắn đạn thế này thì việc an toàn tính mạng bộ đội và khí tài được đặt cao hơn mục tiêu tiêu diệt.

Lại nói về hành quân - nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian nhất của một đơn vị bộ binh khi diễn tập. Cảnh quan ở Bắc Giang phần nhiều là đồi núi, núi ở đây chủ yếu là núi đất là chính. Những buổi vượt đèo thường bắt đầu rất sớm từ sáng, bởi còn dồn quân. Mục tiêu là đến nơi trú quân đúng thời gian và địa điểm đã định, quan trọng hơn là đội hình luôn ổn định dù tình huống hay quy mô nào. Bọn hỏa lực như DKZ, 12ly7, cối 82-100... thường được đi đầu vì khí tài của họ nặng, còn nếu cho bộ binh chúng tôi đi trước họ có lẽ là thảm họa đối với cả đội hình.

Đi trong đội hình cả sư đoàn, khi đơn vị đầu tiên đã qua trên đỉnh đèo thì đơn vị cuối cùng mới bước chân đầu tiên mới di chuyển. Đoàn người dài dằng dặc lỉnh kỉnh balo tượng gạo, súng ống... rầm rập dưới tán rừng. Gò mình với tay kéo nhau qua những đoạn hẻm sâu, dốc đứng. Chạy trối chết không kịp thở qua một ngã tư đang nhộn nhịp phải dừng lại yên ắng ngắm bóng quân qua. Há hốc mồm hít thở lấy hít thở để qua một đoạn sông sâu, đến bờ rồi miệng có cả hai mùi nước sông với nước mắm. Và ngỡ ngàng khi đi xuyên một khoảng đồi trắng lau phơ phất gió; một đoạn thung ngập mây và sương, đi xuyên qua bờ môi đã cứng lạnh và ướt đẫm; một góc rừng mới đốt khét lẹt với những gốc cây đầy tàn lửa, không khí đẫm mùi đất mới được lật lên; một đoạn suối rộn tiếng cười đùa của lũ trẻ, trên đỉnh đồi kia tiếng lục lạc của bầy trâu tiếng nghé ọ gọi bầy dưới ráng chiều; một căn nhà nằm gọn một góc đồi mới dọn, có một hàng tã trẻ con trắng phau mới phơi trước hiên, hệt như trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến: "họ đã sống cuộc sống thanh bình"; một ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Mỏ Qụa, trên ý toàn đá là đá vậy mà có một cái giếng nước mát lạnh...

Còn nhiều lần trải qua không thể nào quên chỉ diễn ra một một lần như thế.


(Còn nữa) (wait)
 
Last edited:
Một số hình dung về diễn tập bắn đạn thật:

[video=youtube;1Fg5XddiFks]http://www.youtube.com/watch?v=1Fg5XddiFks&list=PLT5VlIPMOthnsSNvan9vU3litL78V8nU5[/video]

Bộ binh tấn công cửa mở Diễn tập bắn chiến đấu tiến công cấp đại đội của học viên trường sĩ quan lục quân I, năm 2006

[video=youtube;csvcyeyo3Ig]http://www.youtube.com/watch?v=csvcyeyo3Ig&list=PLT5VlIPMOthnsSNvan9vU3litL78V8nU5[/video]

Chiến đấu phòng ngự bộ binh Diễn tập chiến đấu phòng ngự cấp đại đội của học viên trường sĩ quan lục quân I, năm 2006​
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,472
Bài viết
1,168,600
Members
191,369
Latest member
phutungxenangnguoi
Back
Top