Thực ra chỉ có một con đường, lại có nhiều biển chỉ dẫn nên điểm nào thấy trước là đột ngột rẽ vào, chả có tuần tự trước sau gì cả. Đi được một quãng rồi vẫn chưa nhìn thấy gì thêm , hoặc giả, mình đã lao vun vút qua mà chẳng để ý. Lại phải dừng lại nhỉ. Phải giở bảo bối ra một chút nhỉ. Đi mà không có định hướng là không xong rồi. Điểm nhìn thấy đầu tiên trong chỉ dẫn là Chùa Hang. Lại phóng xe đi mải miết, qua những ruộng ngô xanh rờn xen canh gối vụ trồng tỏi. Đi mãi đi mãi mà chẳng thấy biển chỉ dẫn đường đi tới chùa Hang. Sao đây, nhầm đường chăng? Phía xa kia là khu nghĩa trang bạt ngàn hướng ra phía biển. Quay ngược trở lại, có lẽ mình nhầm đường. Dừng chân hai cô học trò nhỏ mới đi học về đang hì hụi đạp xe dọc nương ngô "Bé ơi, cho cô hỏi đường đi chùa Hang với!" "Chùa Hang ở gần nhà con, cô đi theo con cô nhé".
Chiếc xe cà tàng lọ mọ theo sau chiếc xe đạp nhỏ. Dường như cảm thấy nếu đi theo sẽ mất thời gian nhiều lắm, bé con ngoái lại"Cô ơi, cô cứ đi theo đường này một đoạn nữa đến chỗ rẽ là đường đi chùa Hang. Cô đi theo con thì lâu lắm". Theo lời chỉ dẫn tôi vẫy tay tạm biệt hai đứa trẻ rồi vượt lên phóng về hướng vừa được chỉ.
Đường lên chùa Hang, một danh thắng được Bộ Văn hoá - thông tin cấp bằng công nhận di tích văn hoá, được rải một lớp đá tròn nhỏ, chạy loanh quanh giữa cánh đồng bắp xanh rờn.
Bỗng nhìn thấy một gờ xi măng chắn ngang phía trước, bên cạnh là một cái tháp cũ kỹ ẩm thấp rêu phong. Tôi giật mình. Chùa Hang đây sao? Tam quan chùa mà hiện diện bởi một cổng tháp cũ kỹ nhường này? Bên kia cái tháp là một quán hàng. Tôi chạy lại và được cô bé bán hàng chỉ dẫn "Đây là đường xuống Chùa Hang, chị ạ"
Vượt qua cái gờ xi măng, một dải bậc thả xuống dưới kia là biển. Bước thêm chục bước đã thấy tượng Quan Thế Âm hiển hiện trước sân chùa thấp thoáng sau những cây bàng già cằn cỗi.
Chùa Hang nằm sâu trong lòng khối nham thạch khổng lồ hình dáng ở thế đang phun trào.
Tượng Quan Thế Âm uy nghi trước cổng chùa
Chùa rộng 480 mét vuông, chỉ cao có 3,2 mét. Tiền thân của chùa là một ngôi đền Chăm cổ. Những tượng Chăm đã bị người Pháp đưa đi từ đầu thế kỷ 20, và dân đảo thay thế bằng bàn thờ Phật và thờ các tiên hiền của 3 tộc lớn nhất đảo.
Trong chùa, thỉnh thoảng lại có một giọt nước mát trên vòm hang nhỏ xuống, rồi tan giữa câu kinh.