Sáng hôm sau, chúng tôi check out khách sạn và bắt đầu khám phá Mandalay. Taxi ở Myanmar đều cũ cũ, bẩn bẩn (không sánh với taxi nhà mình được), tay lái nghịch nhưng lại đi bên phải. Chủ yêú xe ở đây nó nét giống xe bán tải đang làm mưa, làm gió tại VN. Với chiếc xe đó mà nhóm chúng tôi 5 người cố gắng chen chúc ngồi để đi. Đầu tiên chúng tôi đến chùa Kuthodaw. Chùa có gìn giữ là một di sản vô cùng vĩ đại của đất nước Myanmar, đó là bộ sách kinh Phật lớn nhất thế giới. Điều đặc biệt ở chỗ, cuốn sách này vô cùng khổng lồ, độc đáo, làm từ đá và có tới 1.458 tờ (khắc trên bia đá). Chỉ vài thông tin vậy thôi các bạn có thể tưởng tượng cuốn sách ấy lớn như thế nào. Trước cổng chùa có 1 kệ gỗ để khách vào chùa để giày dép. Đi vào bất cứ ngôi đền, chùa nào ở Myanmar, bạn đều thấy 1 bảng chia làm 4 ô, đề hình cấm: đi giày dép, đi tất, mặc quần/ váy cao trên gối và mặc áo 2 dây. Khách cứ để giầy, dép ở 1 chỗ, khi ra thì lấy, không bị mất và không mất phí.
Tiếp theo hành trình chúng tôi đến tu viện Shwenandaw. Shwenandaw là một công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng, xa xỉ, được xây dựng trong thế kỉ 19 nằm cạnh Atumashi. Đây là kiệt tác thể hiện trình độ chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân Myanmar. Những điểm nổi tiếng của Mandalay liên kết với nhau bởi 1 tấm vé thông hành duy nhất, trị giá 10000 kyat. Bạn taxi yêu quý của chúng tôi không muốn chúng tôi mất thêm 10000Kyat cho địa điểm này nên khuyên nhóm chúng tôi đứng ngoài ngắm. Vậy là các "girl nhà nghèo" và "boy nhà nghèo" vì bệnh "viêm màng túi" nên phải đứng ngoài hàng rào ngắm nghía, tác nghiệp, chụp hình như đúng rồi. Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn thấy buồn cười vì lúc đó.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là chùa Mahamuni, đây là nơi được sùng kính nhất tại Mandalay. Các phật từ Myanmar một lần trong đời phải hành hương về ngôi chùa này. Trong chánh điện còn lưu giữ bức tượng phật cao 3.8m, nặng 6.5 tấn và trang trí bằng đá quý. Theo truyền thuyết, thì trên thế giới có 5 pho tượng được tin là đúc từ thời đức Phật tại thế, thì Burma sở hữu 1 và chính là bức tượng thờ tại Muhamani Buddha. Và chỉ nam giới mới được tới gần và dát vàng lên tượng. Điều này tôi cảm thấy vô cùng bất công cho 2 chị em tôi khi không được vào đó với các anh trong nhóm. Dọc hành lang có màn hình tivi truyền hình trực tiếp hình người mộ đạo đang dát vàng lá lên tượng. Thế mới thấy niềm tin vào tôn giáo nó mãnh liệt như thế nào. Đặc biệt ở nơi đây bạn sẽ không được chụp ảnh, mỗi bức ảnh chụp phải mua vé 1000 kyat (bạn khó có thể chụp trộm được vì cảnh sát ở quanh đó).
Rời chùa Mahamuni, chúng tôi thẳng tiến đến làng Mingun - điểm đến tôi mong chờ nhất trong hành trình. Mingun cách cố đô 1.5h chạy xe. Người ta có thể đến Mingun bằng 2 cách, đi phà hoặc đi xe taxi – như bọn mình. Mingun là một ngôi làng nằm bên dòng sông Arrawaddy. Vé vào làng là 5000 kyat (bao gồm cả Sagaing hill). Đến đây bạn nhất định phải ghé thăm 3 điểm: phế tích chùa Mingun – công trình tham vọng của một vị vua dự kiến cao tới 150m, Chuông Mingun – quả chuông lớn nhất thế giới còn nguyên vẹn, chùa trắng Hsynbiume. Bởi vậy mới nói Mandalay là đất cố đô lưu giữ toàn kỉ lục thế giới về độ hoành tráng. Chúng tôi đến đây giữa trưa nắng, nheo mắt ngước nhìn đỉnh phế tích Mingun mà choáng ngợp. Nếu xưa kia nó xây dựng thành công, và không bị tàn phá bởi trận động đất của mấy thế kỉ trước, thì giờ đây có phải Burma đã sở hữu một báu vật thế giới rồi không?
Trưa hôm đó, chúng tôi ăn trưa tại nhà hàng Sagaing Hill restaurant trước khi thăm quan Sagaing hill. Chuyện ăn uống trên đất Myanmar cũng có nhiều cái thú vị mà tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau này. Sau bữa trưa chúng tôi thăm quan Sagaing hill. Sagaing hill - "nơi cư trú của các vị thánh" là một quần thể rất nhiều chùa nhấp nhô trên những ngọn đồi khác nhau. Từ đỉnh Sagaing, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn dòng sông Irrawady dài nhất Myanmar lượn uốn quanh chân đồi, xung quanh vô số chùa tháp cao ẩn mình bên những tán cây rừng xanh rì. Lên đến đây rồi, các thành viên trong nhóm chúng tôi không còn say mê ngắm cảnh, tạo dáng, sống ảo nữa mà chỉ thấy .... buồn ngủ. Lúc đó chỉ ước gì có manh chiếu ở đây chắc chúng tôi sẽ ngủ ngon lành.
Ở đây khá gần cầu Ubein 5h chiều hôm đó chúng tôi đến điểm thăm quan cuối cùng trong ngày - cầu gỗ Ubein để ngắm hoàng hôn. Tôi đã nhiều lần tưởng tượng được đến Ubein, cầu gỗ Ubein chắc là thơ mộng, đẹp lắm..... Tôi đã rất mong chờ, hồi hộp được đến nơi này, không biết có như trong tưởng tượng của mình không. Cảm nhận ban đầu của tôi khi đến Ubein là..... sao lắm khách du lịch thế. Trên bờ thì một rừng quán xá, dưới nước thì từng đoàn thuyền hối hả khua mái chèo, trên cầu thì đông khỏi nói. Cầu Ubein đâu được đẹp đẽ, thơ mộng như tôi tưởng tượng. Sau một ngày rong ruổi khắp nơi ở Mandalay bụi bặm, được đón một buổi chiều hoàng hôn rực rỡ, được đón những tia nắng cuối cùng trong ngày tại nơi đây thật không gì tuyệt vời bằng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta công nhận cầu Ubein là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Cũng phải thôi, đẹp quá thì khỏi tả. Mà chỉ nhìn mới thấy đẹp. Bà chị "cây khế" của tôi nằm hẳn ra cầu để thưởng thức gió mát, hoàng hôn dần buông với ông anh cùng nhóm. Tôi thì lẽo đẽo chạy theo ông bạn đồng hành đến cuối cây cầu trước khi ngồi ở thành cầu đung đưa chân đón hoàng hôn. Tôi muốn ngồi mãi tại nơi đây để đắm mình trong ánh hoàng hôn, để gió lùa vào mái tóc rối, để đung đưa chân như những ngày còn bé thơ. Ubein - nơi đã cho tôi nhiều hơn một kỉ niệm với cây cầu gỗ.
Rời cầu gỗ Ubein chúng tôi về khách sạn lấy đồ. Điều đặc biệt ở các khách sạn Myanmar là sau khi bạn check out phòng, bạn vẫn có thể mượn phòng để tắm. Thế mới thấy các bạn Myanmar dễ thương như thế nào. Đến Mandalay mà không đi ăn ở nhà hàng Golden duck thì quả là thiếu sót lớn, tối hôm đó chúng tôi đề nghị bạn taxi chở chúng tôi đến nhà hàng này ngay lập tức. Khi đi thì hùng hổ thế, khi đến nhà hàng thì thấy chột dạ vì nhà hàng.... sang chảnh quá, không khác gì khách sạn Sheraton ở Hà Nội. Lại sợ vào đó, không đủ tiền trả nhà hàng nó túm lại........ bắt rửa bát trừ nợ thì chết. Đắn đo một lúc rồi cả nhóm cũng quyết vào và chúng tôi đã vô cùng sung sướng trước quyết định này. Nhà hàng đó tiêu chuẩn 5*, món ăn ngon, phục vụ tốt.... và giá thì siêu "hạt dẻ". Một bữa của chúng tôi cho 6 người mất khoảng 48000kyat, tôi nghĩ nếu nhà hàng này ở Hà Nội chắc phải 3 triệu bữa như thế này. Nói về ẩm thực Myanmar, tôi đã nghe nhiều phàn nàn trên diễn đàn rằng đồ ăn không ngon, nhiều dầu mỡ....bla.....bla..... Tuy nhiên chúng tôi đã được đến những nhà hàng, ăn những món ăn tuyệt vời từ nền ẩm thực đất nước bạn. Về cá nhân tôi thấy đồ ăn Myanmar ngon, hợp khẩu vị. Duy nhất một điều tôi băn khoăn là không hiểu vì lý do gì 3/5 người trong nhóm chúng tôi "đi tên lửa về trực thăng" trong những ngày ăn tại Myanamar. Chắc các member đó ...."xấu bụng"? (^_^)!
Tối hôm đó chúng tôi có chuyến xe đi đến Inle - điểm đến cuối cùng trong hành trình lúc 22h. Mandalay tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa rào và cái ôm tạm biệt của bạn taxi đã đưa chúng tôi đi trọn vẹn cả ngày hôm nay. Chúng tôi háo hức đến với Inle, điểm nghỉ dưỡng được bố trí cuối cùng trong lịch trình, để cho phép mình lười biếng, cho phép mình xài đến đồng kyat cuối cùng, cho phép mình thư thả sau 1 tuần dài chạy show hơn bất cứ ca sĩ nào. Chia tay bạn taxi dễ thương, chia tay Mandalay mà lòng còn nhiều lưu luyến, chẳng nỡ rời xa. Mandalay - biết bao giờ tôi mới trở lại?