What's new

Myanmar trong tôi ... là thật nhiều cảm xúc!

Tháng 3, 2014, hãng hàng không Quốc gia chào bán vé giá rẻ 1 số chặng bay trong nước và quốc tế. Chặng bay từ Hà Nội tới Myanmar cũng nằm trong số đó. Do đó, tôi đã rinh được vé cho hành trình mơ ước từ rất lâu này!
Hình ảnh về đất nước và con người Myanmar có trong tôi từ cách đây những 4, 5 năm gì đó. Từ khi tôi đọc "Myanmar trong tôi là bóng mặt trời" hay "Myanmar, miền đất vàng hồn hậu" trên Phượt, tôi đã luôn nghĩ về hình ảnh những ngôi chùa vàng, chiếc cầu UBein ở Mandalay hay quần thể chùa tháp ở Bagan trong hoàng hôn hay bình minh sương sớm!
Trên Phượt có thật nhiều topic tổng hợp về miền đất xa lạ mà quá đỗi thân quen này, tôi đọc miết, nung nấu và giờ tôi ngồi đây gõ những dòng này khi trong đầu còn chưa vơi chút nào hình ảnh và tình cảm về đất nước và con người nơi đây!

Sau chuyến đi chơi Krabi - Bangkok vào cuối tháng 4, cả tháng 5 tôi dành cho nghiên cứu về Myanmar. Từ sắp đặt hành trình, thời gian, địa điểm, book phòng, book vé di chuyển,... tất cả tôi lọ mọ làm cả. Hành trình này, về thời gian cho chuyến khứ hồi Hanoi-Yangon, tôi đã book theo 1 số bạn trên Phượt, do đó, đi về là cố định rồi. Tôi hy vọng rằng sẽ cùng các bạn lập thành 1 nhóm đi chung cho vui hoặc chí ít là share chi phí taxi ở 1 số chặng. Tuy nhiên, bể show hoàn toàn do có người bận việc gia đình, có người muốn đi theo lịch trình của riêng họ. Đến gần ngày đi, có 2 cô bé muốn tham gia, nhưng cuối cùng 1 cô k đặt được vé rẻ từ Sing đi Myanmar, còn 1 cô thì cũng k mua được vé rẻ Hanoi-Yangon nên để dành cho chuyến Châu Âu sắp tới. Thế là nhà tôi 1 mình 1 lịch trình!

Hàng ngày tôi nghiên cứu các topic, email cho Minthu (1 bạn tour guide ở Bagan đã được khá nhiều phượt tử chia sẻ trên Phượt) hỏi giá các chặng, hỏi nên đi ra sao; tôi email đặt chỗ qua 1 số hãng hàng không. Từ thư trả lời của họ, tôi reply hỏi đủ thứ ở Myanmar. Thật đáng yêu làm sao, từ Minthu đến các bạn ở các hãng hàng không, họ đều thư lại trả lời tôi rất nhiệt tình. Có hôm, chỉ 1 buổi chiều, tôi thư đi, nhận lại hơn chục lá thư với 1 bạn ở Air Myanmar. Tôi định mua 1 món quà tặng bạn ấy khi sang đó, nhưng sau đó tôi lại k book vé của hãng bạn ấy, nên tôi k có cơ hội gặp.

Đó là tình cảm đầu tiên, trực tiếp tôi cảm nhận khi làm việc với người dân Myanmar. Họ rất nhiệt tình, rất thân thiện và hiếu khách!

Sau khi đọc được chia sẻ của 1 nhóm mới đi về hồi tháng 5, họ đã book vé của Golden Myanmar Airlines (GMA), 1 hãng hàng không giá rẻ mới ở Myanmar với giá nội địa rẻ nhất trong các hãng, thanh toán trực tiếp khi book bằng thẻ Visa/Master Card (không như các hãng khác chỉ là reservation, trả tiền tại phòng vé hoặc hẹn nhờ họ mang vé ra sân bay), kèm theo điều kiện bắt buộc là tôi đi kèm con nhỏ và ông xã khá lười vận động, nên tôi quyết định mua vé máy bay của hãng này cho 2 chặng nội địa. Chặng còn lại của nội địa tôi đặt của Air Mandalay với mức giá rẻ nhất so với các hãng còn lại và so với Minthu hoặc 1 vài agent chào.

Tuy nhiên, GMA là hãng mới nên mới chỉ khai thác có vài chặng như: Yangon-Mandalay, Mandalay-Naung U (Bagan), Naung U (Bagan)-Heho (Inle lake), chứ chưa có Heho-Yangon hay Bagan-Yangon. Vì vậy, nếu bạn nào muốn đi Myanmar chơi nhớ lưu ý để sắp xếp lịch trình cho phù hợp nhé!

Tôi còn tính đi biển vì biển ở Myanmar rất đẹp và mới mẻ, nhưng thật tiếc cho tôi, mùa này là mùa mưa, khách sạn tại bãi biển có email cho tôi báo rằng có những hôm mưa 24/24 và hãng hàng không có thể cancel chuyến bay bất cứ khi nào. Vậy là tôi lỡ hẹn với biển Myanmar.

Cuối cùng, lịch trình của tôi như sau:

Ngày 1: 02/6, 18:10pm đến Yangon, book phòng ngủ 1 đêm tại 30th Corner Boutique Hostel (book qua Agoda).
Ăn tối, chơi loanh quanh tại Yangon.

Ngày 2: 03/6, 5:00am ra sân bay, check in chuyến Yangon - Mandalay, book vé của hàng không giá rẻ Golden Myanmar Airlines.
Thời gian bay: 6:15am - 7:25am, giá $US46/ng.
Chơi tại Mandalay.
5:00pm, bắt xe đi Bagan từ bến xe Shwemanthu. Giá vé 9.000 kyats/người.
Khoảng 10:00 - 11:00pm, đến Bagan.
Check in Bagan Thiripyitsaya Sanctuary Resort tại Bagan (book qua Agoda).

Ngày 3: 04/6, Chơi tại Bagan.

Ngày 4: 05/6, 7:00am ra sân bay check in chuyến bay Bagan - Inle lake (Naung U - Heho), book vé của hàng không giá rẻ Golden Myanmar Airlines
Thời gian bay: 8:15am - 8:55am, giá $US40/ng. (Sau có sự thay đổi chuyến bay làm cho tôi rất mến các bạn Myanmar và tôi đã có 1 chuyến bay rất vui nhộn).
9h hơn đến sân bay Heho, bắt taxi về trung tâm Naung Shwe giá 25.000 kyats/chuyến.
Đi thuyền ra Paramount Inle Resort (resort book qua Agoda), giá 15.000 kyats/chuyến.
Đi thuyền chơi quanh hồ, giá 20.000 kyats/chuyến.

Ngày 5: 06/6, 6:30am rời resort, 8:00am check in chuyến bay Heho - Yangon.
Về Yangon, check in khách sạn New Yangon Hotel (book qua Agoda - gần chợ Bogyoke Aung San (Scott Market)).
Chơi ở Yangon.

Ngày 6: 07/6, chơi nốt ở Yangon.
16:00pm check out khách sạn, ra sân bay, về nhà!

Và thế là, ngày 02/6/2014, chúng tôi lên đường!
 
Last edited:
Phần 1: Yangon - thành phố xanh, khá sạch sẽ và yên bình

Chuyến bay của tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon vào lúc 18:10. VNairlines giờ khai thác hàng tuần 5 chuyến đi về, do đó, chuyến tới Yangon sẽ hạ cánh vào khoảng 18:10 và chuyến về từ Yangon sẽ khởi hành vào khoảng 19:10 cùng ngày.

Mặc dù chúng ta đọc thông tin đã nói rằng Myanmar giờ miễn visa cho công dân Việt Nam, nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh, cán bộ bên bạn vẫn hỏi tôi về visa, tôi phải trình bày là đi du lịch, và họ đóng dấu, ghi chú rằng mình chỉ được ở nước bạn trong vòng 15 ngày.

Trước khi đi, tôi đã đặt vé máy bay cho 3 chặng nội địa trong đó có 2 chặng thanh toán trực tuyến luôn, còn 1 chặng cuối cùng Heho-Yangon tôi đặt chỗ của Air Mandalay. Họ email báo tôi về giờ làm việc, địa chỉ phòng vé của họ, nhưng giờ đó thì tôi k thể đến được. Chuyến bay của tôi đến lúc 18:10pm và sáng sớm hôm sau 6:15 tôi đã bay đi Mandalay mất rồi. Phòng vé rất nhiệt tình cho người ra sân bay đón tôi ở cửa đến, giao vé và thu tiền. Tôi nhờ luôn cô bé đó gọi taxi về thành phố và trả giá giúp chúng tôi. Thường người ta yêu cầu từ 8.000-10.000 kyats/chuyến, giá của chúng tôi là 7.000 kyats/chuyến về khách sạn ở trung tâm thành phố.

Ra đến cửa sân bay, ấn tượng đầu tiên là âm thanh chíu chít của đàn chim về tổ. Trên ngọn 1 cây to ngay trong khuôn viên sân bay, cơ man nào là chim, chúng bay ra bay vào, chao liệng trên ngọn cây và kêu ầm ĩ. Hình ảnh đó theo chúng tôi suốt 6 ngày ở Myanmar sau này. Đi đâu chúng tôi cũng thấy chim: cu, bồ câu, quạ, sẻ,... rất nhiều và chúng sống yên bình cùng với người dân nơi đây. Họ còn tết những bông lúa, bán ở chợ, người dân mua về treo lên cây cho chim ăn.

10405623_4446396414039_1927079257074098845_n.jpg

Chim đậu trên dây diện

Tiếp theo là đàn ông mặc váy (longyi) và ăn trầu! Nếu ai đã đọc về Myanmar, chuyện đó chẳng có gì là mới mẻ! Thế nhưng khi "mục sở thị" thì vẫn thấy ấn tượng khá nhiều! Họ lái xe ô tô, xe đạp, chơi thể thao,... vẫn mặc váy được! Longyi là mảnh vải rộng, may 1 đường thẳng từ trên xuống dưới, k có chun, k có dây buộc như của phụ nữ. Họ lồng vào chân, tới eo, 2 tay túm 2 bên, dang ra, rồi kéo về đằng trước buộc túm ở giữa. Đơn giản vậy nên thỉnh thoảng mối buộc có lỏng, dù có giữa phố, bạn cũng sẽ thấy họ hồn nhiên dang tay, kéo và buộc lại váy. Cạp váy là nơi họ cài điện thoại di động, cài ví và cả bật lửa!!!

10387691_4446446135282_7478442952170465702_n.jpg


Còn ăn trầu á, thế này nhé, bác lái xe ô tô máy lạnh, thỉnh thoảng kéo cửa kính, nhoài ra ngoài, nhổ nước trầu! Ấn tượng chưa? Trên xe đề "cấm hút thuốc" nhưng ăn trầu thì vô tư! Dọc đường phố, có rất nhiều quầy nhỏ têm trầu bán như thế này, các bác cứ vào mua vài túi, để trên xe ăn dần.

1904145_4446447215309_6259126756135938625_n.jpg

Cô bán trầu

Đó có lẽ là những ấn tượng đầu tiên bạn thấy khi đến Myanmar, dù cho đến vùng nào đi nữa!

Phòng nghỉ tôi đặt chỉ là ở 1 hostel nhỏ, vừa mới xây dựng năm 2014 nên rất mới và sạch sẽ. Tuy nhiên, nó được sửa chữa từ vài phòng của 1 chung cư/tập thể cũ, nên bạn sẽ hơi khó tìm. Cả dãy sẽ thấy 1 biển tên khách sạn treo dọc lối lên cầu thang thôi. Lên đến tầng 2 mới bước vào quầy reception của hostel. Từ đó bạn lại đi theo cầu thang gỗ để lên dãy phòng. Nhà vệ sinh dùng chung có chia 2 bên nam nữ. Với những ai đi quen rồi thì những hostel như thế này là chuyện bình thường và 30th Corner Boutique Hostel là 1 lực chọn rất phù hợp, vì nó mới, vì nó ở trung tâm (khu down town của Yangon), vì nó gần ngay phố ẩm thực, vì nó gần ngay chùa Sule. Tuy nhiên, với ai thích khách sạn ok hơn chút với phòng vệ sinh khép kín thì k nên chọn nhà nghỉ như thế này.

Trên đường về khu nghỉ, chúng tôi có nói chuyện khá cởi mở với anh lái xe, về Myanmar, Yangon, 1 số điểm đi chơi và về hành trình của chúng tôi. Vậy là anh ta nhận chở chúng tôi về nhà nghỉ, chờ check in, chở đi chơi chùa, đi vài chỗ, ăn tối, rồi về nhà nghỉ với giá 30$. Đó là 1 cái giá quá ổn và chúng tôi đồng ý.

Sau khi check in, chúng tôi được anh lái xe đưa đến chùa Shwedagon, ngôi chùa lớn nhất, to đẹp nhất và là biểu tượng của Myanamar.

Tôi google thông tin phục vụ các bạn đây:

Chùa Shwedagon (Shwedagon Zedi Daw ([ʃwèdəɡòun zèdìdɔ̀]), hay Chùa Vàng, ở Yangon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Miến Điện (nay là Myanma). Tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Stupa dát vàng của chùa cao tới 98 mét (có nơi ghi 99m). Chùa lại nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả thành phố Yangon.

10471000_4446381613669_7817144600273698692_n.jpg

Chùa Shwedagon (Yangon)

Chùa từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanmar. Khi vào chùa phải cởi giày dép. Thời thuộc Anh, chính quyền thực dân ra quy định rằng người Anh và quan chức chính phủ đô hộ vẫn được đi giày dép khi vào chùa. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.

10389723_4446379653620_2765083342831711309_n.jpg


Đi vào chùa này tất cả mọi người phải bỏ giầy dép. Phí tham quan là 8.000 kyats/người.
Nếu mặc quần, váy trên đầu gối, người ta sẽ cho thuê mảnh vải quấn bên ngoài như váy. Bạn phải đặt cọc 5.000kyats, khi ra thì trả lại và lấy lại tiền.

Ở Myanmar, nếu vào chùa (pagoda) bạn chỉ được đi vòng quanh bên vòng ngoài, nhưng nếu vào đền (temple) bạn sẽ được vào thăm cả bên trong.

Chúng tôi đi 1 vòng quanh chùa đã khá mệt. Xung quang chùa có rất nhiều ngọn tháp nhỏ thờ các vị Phật, các vị sư sãi theo từng thời kỳ, qua từng thế kỷ hay sao đó. Theo internet thì có khoảng 64 ngọn tháp lớn nhỏ xung quanh chùa.

10441246_4446379413614_8806642831419000824_n.jpg

Tháp nhỏ quanh chùa Shwedagon

Từ chùa đi ra đã hơn 9h tối, chúng tôi quyết định đi ăn. Con phố ẩm thực gần khu nhà nghỉ rất hấp dẫn nhưng nếu quay về từ đây thì xa và có thể về đến nơi họ đã đóng cửa. Anh lái xe đưa chúng tôi đến 1 quán tên là Enjoy, đồ ăn theo kiểu Thái khá ngon, giá cả cũng k đắt lắm. Bên ngoài có nhiều hàng bán đồ ăn địa phương nhưng khi chúng tôi đến họ ngừng nhận khách mất rồi.

10370427_4446382773698_7621198468125751681_n.jpg

Kem Myanmar ở nhà hàng Enjoy

Ăn xong thì cũng đã muộn, anh lái xe hỏi chúng tôi muốn đi đâu nữa nhưng chúng tôi bảo mệt rồi, về nghỉ để mai bay sớm. Vậy là phí mất chuyến chơi đêm, bỏ qua phố ẩm thực ở ngay nơi ở, bỏ qua chùa Sule mà dự định ở ngày cuối hành trình sẽ đi, chúng tôi cũng k đến được, chúng tôi về nhà nghỉ ngủ để chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai.

Sáng sớm hôm sau, anh lái xe quay lại đón chúng tôi từ 5h sáng, vì phải đón sớm nên chuyến này ra sân bay chúng tôi phải trả 10.000kyats.

(Còn tiếp)
 
Last edited:
Tiếp phần 1: Yangon

Sau hành trình qua Mandalay, Bagan, Inle lake, 2 ngày cuối cùng chúng tôi quay lại Yangon (6/6 và 7/6). Lần này tôi k đặt hostel kia nữa, mà đặt khách sạn New Yangon Hotel, gần với chợ Bogyoke Aung San, nổi tiếng ở đây, gần với ngã ba sông ở Yangon.

10455321_4446435575018_6907025658110685964_n.jpg

Từ tầng 7 khách sạn New Yangon nhìn ra sông

Sau khi check in khách sạn, buổi trưa chúng tôi đi lang thang quanh ks và thấy mấy món ăn như thế này, gọi là ăn thử đồ địa phương, ăn rất vừa miệng và rẻ.

10419489_4446476336037_6981198258122153116_n.jpg

Bún khá ngon, 2.500kyats/bát

Chiều tối, sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi đi tham quan 2 ngôi chùa khá nổi tiếng ở Yangon là Chauk Htat Gyi và Ngadatkyi.
Chùa Chauk Htat Gyi có bức tường Phật nằm khổng lồ dài 72m. Bàn chân Phật có rất nhiều ký tự và có 1 bảng ghi chú về các ký tự đó.

10351972_4446458695596_8444849148696243901_n.jpg


10340072_4446456815549_4984935976193196943_n.jpg


10374884_4446457215559_4488287072383137228_n.jpg


10443311_4446450415389_1432323947820445148_n.jpg


10390262_4446449175358_2238898735616243600_n.jpg


Chùa Ngadatkyi nằm ngày cạnh chùa Chauk Htat Gyi, ở đây có tượng Phật ngồi cũng rất to, nhưng đang được sửa chữa, trùng tu gì đó nên hình ảnh không được đẹp lắm.

10291831_4446446855300_7428393944475915159_n.jpg


Tối đó, theo như các bạn đã đi có chia sẻ 1 hàng ăn ngon mà rẻ, ở đường 5th, West Shwegonedine, Bahan Township, tôi cũng nhờ taxi đưa đến, nhưng taxi đi quá mất vài số nhà và đưa chúng tôi đến với Mai Thai, 1 nhà hàng nổi tiếng, đồ ăn ngon và giá cả cũng k phải là đắt đỏ so với 1 nhà hàng như vậy ở VN. Như vậy, tôi nghĩ, đây cũng là 1 địa chỉ để xả láng sau chuỗi ngày lang thang, ăn uống đơn giản chăng? Các bạn đi sau có thể tham khảo thêm.

10444518_4446438295086_4825663631211666773_n.jpg

Nộm đu đủ ở nhà hàng Mai Thai

Ngày 7/6, ngày cuối cùng ở Myanmar, hôm đó tôi lại bị mệt, chúng tôi đành bỏ qua chùa Sule, chỉ lang thang nốt Scott market cho biết về khu chợ nổi tiếng này. Chợ chủ yếu bán đồ vàng bạc, đá quý và đồ lưu niệm, chúng tôi cũng chẳng mua được gì vì đồ khá đắt. Cũng có hàng đẹp hàng không đẹp, nhưng chung quy cũng chẳng biết kiểm chứng ra sao. Chồng tôi chỉ quan tâm mua món ớt xanh ở bên họ về pha nước chấm. Ớt này nhỏ, xanh, thơm như ớt ở Đà Nẵng vậy. Tôi thì muốn mua lá lime về nấu Tom yum. Anh lái xe chở chúng tôi qua mấy khu chợ cóc, ở đó chúng tôi thoải mái mua những gia vị kia.

Thời gian ở Yangon chưa phải là nhiều, tôi hầu như chỉ "cưỡi ngựa" qua 1 vài điểm must see, nhưng thực sự Yangon khá dễ mến, từ người dân hiền lành, cuộc sống bình yên trôi trên những con phố, đến bầy chim luôn tự do đậu trên những hàng dây điện kia, tất cả đều hấp dẫn đối với tôi. Tôi cũng chưa tìm hiểu và kiểm chứng về thời tiết nơi đây, nhưng những ngày tôi đến ở đây thỉnh thoảng lại có mưa, thành phố lại gần sông, gần biển và có hồ Innya khá rộng ở giữa nên có lẽ khí hậu ở Yangon sẽ mát mẻ, dễ chịu hơn cả so với những điểm chúng tôi sắp đến. Xung quanh thành phố khá nhiều cây xanh, xe máy bị cấm nên đi lại ở Yangon không thấy bụi bặm như ở ta. Chỉ hôm sau thôi, khi tới Mandalay, tôi đã có bữa cơm kèm bụi ở thành phố này.

10406948_4446392213934_5799180114958403137_n.jpg

Hồ Innya ở Yangon

Tip nhỏ:

Xăng và điện ở Myanmar còn khá đắt, do đó giá xe taxi sẽ vì thế mà không thể rẻ hơn. Các xe taxi hầu như có biển số xe màu đỏ. Taxi k bật meter, họ đều báo giá cho chặng đường hoặc thời gian đi do còn phải chờ đợi chúng ta thăm thú hoặc ăn. Giá họ đưa cũng khá hợp lý, k nói thách lắm đâu, nhưng để có giá rẻ hơn, bạn cứ mặc cả bớt xuống 1 chút nhé, đến khi nào ok thì thôi!
 
Last edited:
Phần 2: Một ngày khá may mắn ở Mandalay

Lúc đầu tôi định bỏ Mandalay vì sau 1 hồi nghiên cứu tôi thấy ở Mandalay chỉ có cây cầu UBein là đắt giá nhất! Ấy thế nhưng cái hãng hàng không giá rẻ GMA lại k có chuyến Yangon-Bagan mà chỉ có Yangon-Mandalay, từ Mandalay đi sang Bagan bằng ô tô thì gần hơn nhiều so với đoạn đường Yangon-Bagan. Đơn giản vậy nên lịch trình của tôi đã có Mandalay và tôi đã có "1 buổi ban ngày" cảm nhận về vùng đất này!

Vì mua được vé máy bay giá rẻ từ Yangon đi Mandalay (46$/vé), cũng vì tối đó chúng tôi bắt xe đi Bagan luôn, nên Mandalay dường như chỉ là trạm trung chuyển cho hành trình.

Sáng sớm, chúng tôi có mặt ở sân bay nội địa Yangon vào khoảng 5h30. Tôi đưa tài liệu in vé đã book cho hãng bay và thủ tục được thực hiện nhanh chóng. Chuyến đi Myanamar này, tôi để ý, khi qua các cửa kiểm soát an ninh, hầu hết những chai nước đều không bị loại khi tôi cho vào hành lý xách tay của mình. Ở VN, dù bay nội địa hay quốc tế, nếu k phải có em bé đi cùng thì hầu như chai nước ở hành lý xách tay đều bị soi và loại ra. Tuy nhiên, ở đây nóng quá, tôi cho đại vào túi, và bất cứ chuyến bay nào, tôi đều thấy họ cho qua.

Sau khi làm thủ tục lấy vé, mỗi hãng bay đều phát cho hành khách 1 tem dán áo giống như vào 1 số điểm tham quan vậy. Nhìn tem đó, chúng ta sẽ biết chúng ta bay máy bay của hãng nào. Sau khi vào khu chờ lên máy bay, các nhân viên của các hãng sẽ cầm biển đề tên chuyến bay khi đến giờ lên máy bay. Các bạn cứ chú ý, khi nhân viên hãng bay đưa biển ghi số hiệu chuyến bay của mình, khi đó chúng ta lên máy bay thôi nào!

10445570_4481326927280_1871800333146883992_n.jpg

Vé máy bay của hãng GMA

10432971_4481328327315_3666528868771722941_n.jpg

Phòng chờ lên máy bay ở sân bay nội địa Yangon

Bay từ Yangon đi Mandalay chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. 7h25 chúng tôi đã có mặt tại sân bay Mandalay. Ở sân bay có khá nhiều lái xe taxi chào mời, nhưng khi tôi hỏi họ có nói được tiếng Anh k thì hầu hết mấy người tôi hỏi đều lắc đầu. Chúng tôi đã đọc qua và biết, hãng hàng không GMA có xe bus miễn phí đi vào trung tâm thành phố. Chúng tôi quyết định đi bus, vừa tiết kiệm, vừa trải nghiệm rồi đến đâu tính tiếp vậy.

Bạn lơ xe hỏi tôi xem chúng tôi về khách sạn nào, nhưng vì tối nay chúng tôi đi luôn nên tôi bảo cứ cho tôi vào trung tâm thành phố.

Đoạn đường từ sân bay về trung tâm Mandalay khá xa, đường rộng và sạch, xe cộ đi lại rất ít. Từ xa xa, tôi đã có thể nhìn thấy những dãy đồi với thật nhiều chùa tháp, chắc đó là Mandalay Hill hoặc Sagaing Hill? Khi đọc bài viết của bạn Thiện Nguyễn trên FB với tiêu đề "Từ Mandalay bụi bặm đến...", tôi cứ nghĩ bụi bặm mang cả nghĩa "du lịch bụi" chứ chưa hình dung 1 Mandalay "bụi thật bụi" đúng theo nghĩa đen của nó. Trên con đường từ sân bay về thành phố tôi vẫn chỉ thấy đường thoáng và sạch.

Vào tới trung tâm thành phố, lác đác có người xuống xe, tôi vẫn chưa định vị rằng mình sẽ xuống ở đâu. Đến 1 điểm, khá trung tâm, thấy mấy ng xuống, tôi bảo ông xã ngó xem có tiện quán xá gì không để mình xuống ăn sáng rồi đi tiếp. Thấy ông xã bảo ok, thế là cả nhà kéo nhau xuống. Khi đã yên vị ở lề đường, nhìn sang đối diện, tôi thấy điểm mình xuống khá là dễ nhớ cho những ai đi sau muốn đi lịch trình này, cũng như dễ tìm khi bạn gọi cho 1 taxi biết qua mạng, đó là Mandalay Hotel, 1 khách sạn khá lớn nằm ngay trung tâm.

Đứng tại đây, lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến bụi Mandalay như thế nào. Thỉnh thoảng lại có gió, thổi hắt hết bụi vào người!

10487537_4481336487519_3902552838720922061_n.jpg

Hotel Mandalay

Tới đây rồi, giờ đi tiếp như thế nào, đi những đâu? Trước khi đi, đọc topic của bạn thunhimpro, tôi có thấy card visit của bác tài taxi ở Mandalay, tôi email cho bác ấy, nhưng do mạng của nhà bác lỗi nên mãi bác mới email lại. Chúng tôi chưa bàn bạc gì về việc đón chúng tôi ở đâu khi đến Mandalay cũng như chưa có thỏa thuận gì về chi phí. Tôi chỉ mới nhận được email có sđt của bác và tôi vẫn để nguyên trên email. Tôi nghĩ, nếu đến đó, có taxi nào tiện thì bắt luôn, vì đằng nào cũng chưa hẹn hò gì với bác kia.

Vừa xuống xe, có 1 bác xe ôm lại gần và hỏi han giống kiểu cò. Tôi nói muốn đi taxi, bác ấy alo gọi ngay 1 xe tới. Khi hỏi chuyện, bác lái xe lại k biết tiếng Anh. tôi nói cần 1 ng biết tiếng Anh và họ lại alo và cho tôi nói chuyện với 1 bác taxi khác nữa. Bác này nói đc tiếng Anh và đòi phí 40.000 kyats/ngày. Tôi lẩm nhẩm thấy giá đắt và sợ là mình còn phải trả phí "cò" cho ông xe ôm kia quá! Tôi trình bày rằng mình k muốn đi vì không tiện và tôi đã alo cho người đón rồi. Tôi cho họ xem số của bác taxi kia, họ hỏi có phải lái taxi không mà sao họ k biết. Tôi cũng nói đại là lái taxi, nhưng sau này mới biết là không phải.

Cuối cùng, sau 1 hồi giới thiệu, cò kè không được, bác xe ôm kia cũng đi, chúng tôi đợi 1 chút là bác lái xe đã biết trên mạng đến. Địa điểm chúng tôi đứng cũng khá dễ tìm nên cũng không phải chỉ chỏ nhiều. Bác lái xe tên là Phone Hlaing, email: [email protected], tôi đoán chắc bác ấy sinh năm 62 chăng. Bác trông khá hiền lành, nhã nhặn, hàng ngày nhận mail và đưa đón các đoàn du lịch như chúng tôi đi thăm quan Mandalay, chứ không phải lái xe taxi. Đầu tiên chỉ làm thêm lái xe, các đoàn đi về chia sẻ thông tin, dần dần bác ấy chỉ phục vụ các đoàn đi du lịch là đã kín lịch làm việc. Khách khá đông từ Trung Quốc, Thái và VN. (Gần giống như bạn Minthu mà trên Phượt các bạn đã chia sẻ rất nhiều ấy, nhưng chỉ làm quy mô cá nhân thôi, chưa năng động tích hợp công nghệ thông tin như Minthu đâu!)

Chúng tôi nhờ bác Phone đưa đi ăn sáng rồi bàn xem chúng tôi sẽ đi những đâu. Bác đưa chúng tôi vào 1 quán ăn ven 1 khu chợ nhỏ, quán ngay ngã tư và hứng đủ bụi từ 2 phía đường. Bàn ăn, ghế ăn, bát đũa bám đầy bụi! Tôi đưa ra những điểm mà mình đã liệt kê sẵn từ nhà, bác bảo như vậy thì sợ k đủ thời gian, hay là mình báo nhà xe đổi chuyến ô tô tối nay, đi chuyến muộn hơn 5h, khi đó ngắm cầu UBein trong hoàng hôn mới đẹp. Nói rồi bác bảo tôi đưa vé của nhà xe Shwemanthu ra để bác gọi cho họ hỏi giờ. Nhà xe báo tầm 6-7h tối có 1 xe nhưng k phải chất lượng cao, nếu đi chất lượng cao thì 10h tối có 1 chuyến nữa. Chồng tôi nghe vậy gạt ngay, 10h tối mới đi thì mệt lắm, 5h đi thì 10h tối đã đến nơi, nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Đằng nào thì khách sạn ở Bagan tôi cũng đã book từ đêm nay rồi, nên chúng tôi quyết định k đổi giờ xe nữa. Như vậy quỹ thời gian chỉ có từ 10h sáng đến 4h30 chiều cho Mandalay thôi. Bác lái xe lên 1 lịch trình đưa chúng tôi đi tham quan làm sao cho hợp lý nhất về đường xá và thời gian. Chi phí cho 1 ngày đi chơi, cuối buổi tiễn tại bến xe là 35.000 kyats, đó là 1 mức giá rất hợp lý. Chúng tôi vui vẻ măm mỗi người 1 đĩa cơm kèm thịt bò kho, rau xào, dưa cải bắp và canh thịt, một bữa ăn ngon, rẻ và đủ năng lượng lang thang đến tận chiều. Sau bữa ăn, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Mandalay.
 
Last edited:
Phần 2: tiếp tục ở Mandalay

Đầu tiên, chúng tôi đến Mandalay Palace, cung điện rất rộng, đẹp có hồ nước chảy quanh, khi lên tới Mandalay Hill nhìn xuống mới thấy tường thành cung điện dài rộng ra sao. Vào đây phải mất vé nên chúng tôi chỉ chụp vài bức ảnh rồi đi luôn.

10485525_4481337287539_8521639359578089502_n.jpg

Bên ngoài Mandalay Palace - xa xa trên đồi là Mandalay Hill

Sau đó chúng tôi qua thăm Chùa gỗ Shwenandaw và Thiền viện Atumashi, cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" nên chúng tôi chụp 1 vài bức ảnh và đi tiếp.

10301291_4481337887554_4947757960818579209_n.jpg

Thiền viện Atumashi

Google về 2 địa điểm trên phục vụ các bạn đây:

"Shwenandaw là một công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng, xa xỉ, được dựng trong thế kỷ 19, nằm cạnh Atumashi. Đây là một kiệt tác thể hiện trình độ chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân Myanmar.


Ngôi chùa này từng là một phần của hoàng cung tại Amarapura và vua Mindon chuyển về Mandalay. Chính vua Mindon đã trút hơi thở cuối cùng tại chùa này. Sau đó, vua Thibaw, con trai vua Mindon, di dời chùa ra ngoài khuôn viên cung điện hoàng gia và chuyển thành thiền viện năm 1880. Hoàng cung bị thiêu trong biển lửa hồi tháng 3.1945, Shwenandaw là công trình còn sống sót sau bao nhiêu bom đạn tàn phá thành phố này.
Ban đầu, chùa được sơn và dát vàng, nhưng thời gian đã làm bong hết lớp vàng phía ngoài."

"Nằm gần đồi Mandalay, thiền viện Atumashi (có tên là Độc Nhất) được vua Mindon cho xây dựng bằng gỗ teak và trát vữa từ năm 1857. Đây là dự án xây dựng liên quan đến tôn giáo cuối cùng được vua Mindon thực hiện.

Thiền viện là một cấu trúc đồ sộ (giống cung điện) bao quanh bởi 5 hệ thống bậc thang hình chữ nhật. Ban đầu, nơi này có 1 bức hình đức Phật lớn, cao gần 9 m được làm từ lụa và sơn mài quý. Nhiều đồ vật quý giá được đặt nơi bức hình này, trong đó có viên kim cương lớn (19,2 carat, do vua Maha Nawrahta tặng vua Bodawphaya) đặt ở trán đức Phật, bốn bộ Tripikata đầy đủ.

Khi người Anh sáp nhập Mandalay và Thượng Miến, rồi thiền viện và toàn bộ đồ vật bên trong bị đốt cháy năm 1890, chỉ còn vài trụ và một phần bậc thang. Viên kim cương lớn biến mất."


Trước khi đi, tôi đã đọc qua và biết ở Mandalay có 1 ngôi chùa gìn giữ 1 di sản vô cùng vĩ đại, đó là 1 bộ sách kinh Phật lớn nhất thế giới. Tôi google phục vụ các bạn đây:

"Nhắc đến sách, chúng ta thường nghĩ đến những trang giấy trắng in chữ đen còn thơm mùi mực, hay hiện đại hơn là e-book, những cuốn sách điện tử rất nhiều trên internet. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng còn có một “cuốn sách” khổng lồ, độc đáo được làm từ…đá! Nó có tới 1.458 tờ giấy. Đó là chùa Kuthodaw ở Mandalay, Myanmar.

Chùa Kuthodaw xây dựng năm 1857 dưới thời cai trị của hoàng đế Mindon Min (1808 - 1878). Đây là một quần thể bao gồm ngôi chùa chính và nhiều đền tháp nhỏ xung quanh. Chùa chính cao 57m, mạ vàng, được xây dựng mô phỏng theo chùa Shwezigon tại Nyaung-U gần Bagan. Ngôi chùa được xây dựng như một phần của hoàng cung Mandalay. Vua Mindon Min, lo lắng trước sự xâm lăng của người Anh cả về lãnh thổ lẫn tôn giáo đã quyết định để lại một công trình hoàng gia để truyền bá Phật giáo: một bộ kinh Tam Tạng tiếng Pali khắc trên đá. Mỗi tấm đá được đặt trong một tháp có cấu trúc như hang động nhỏ gọi là Kyauksa gu. Có 730 tháp được sắp xếp gọn gàng theo 03 hàng (trong cùng là 42 tháp, 168 tháp ở giữa và ngoài cùng là 519 tháp) xung quanh ngôi chùa vàng trung tâm.


Những trang kinh bằng đá cẩm thạch trắng có chiều cao 153 cm, rộng 107 cm và dày 13 cm. Đá cẩm thạch được khai thác từ vùng Sagyin cách Mandalay 51 km về phía bắc và được vận chuyển bằng đường sông tới khu vực xây dựng. Công việc ghi chép lại kinh Phật trên mặt đá hoàn toàn không đơn giản và phải mất tới ba ngày để một người thợ khắc kín hai mặt của một tấm biển. Sau khi khắc chữ lên bề mặt đá, các rãnh chữ được đổ khuôn vàng. Trên hai mặt của những tấm đá là nội dung kinh điển của bộ kinh Tam Tạng được khắc bằng tiếng Pali, mỗi mặt đều có 80 - 100 dòng chữ. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài và nhiều lần phục chế, nhiều chữ vàng đã không còn, chỉ còn lớp muội đen hay những vệt khắc đá.

Công việc khắc đá được hoàn thành và mở cửa cho công chúng vào chiêm bái ngày 04 tháng 05 năm 1868. Tương truyền, dù đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, du khách cũng phải mất đến 450 ngày mới có thể đọc và hiểu toàn bộ cuốn sách."


Khi đến cổng chùa, bác lái xe giới thiệu 1 tên khác, chùa Sandamuni, thế nhưng khi xe bác dừng, vào cổng chùa tôi lại nhìn thấy biển này, hóa ra là bác nhầm, đây là Kuthodaw, còn Sandamuni ở bên cạnh.
Trước cổng chùa có 1 kệ gỗ kê để khách vào chùa để giày dép. Đi vào bất cứ ngôi đền, chùa nào ở Myanmar, bạn đều thấy 1 bảng, có chia 4 ô, đề hình cấm: đi giầy dép, đi tất, mặc quần/váy cao trên gối và mặc áo 2 dây. Khách cứ để giầy, dép ở 1 chỗ, khi ra thì lấy, k bị mất và k mất phí. Tuy nhiên, ở đây, khi đi ra, có 1 ông cụ già ở đó, hình như ông ấy k nghe rõ hoặc k nói được, nhưng ông ngỏ ý rằng bạn hãy trả phí trông giày, dép và phí là tùy tâm.

10487283_4481338607572_2027174681151905241_n.jpg


10420279_4481339007582_5580664880961999923_n.jpg

Tháp đựng bia đá chép kinh

10464287_4481339527595_1086440389925498667_n.jpg

Một trang sách

Ở chùa này, cô bé bán tranh, đồ handmade dạo ngồi ngay khuôn viên chùa đã bôi bột thanaka và vẽ hình chiếc lá rất xinh lên mặt cho tôi. Vẽ xong cô bé tranh thủ mời mua đồ lưu niệm. Chồng tôi rất dễ tính, mua luôn cho cô này và 1 cô khác tiện thể đến chào ké, mỗi cô 2 bộ bưu thiếp lưu niệm làm bằng tre nứa và vẽ tay.

10381978_4481376448518_4507376023404859335_n.jpg


10463057_4481323007182_8753107611712689823_n.jpg


Ở đây chúng tôi cũng được thưởng thức kem túi nilon như rất nhiều bạn đã chia sẻ.

10416980_4481364568221_6336476450214442899_n.jpg


Ngay bên cạnh chùa Kuthodaw và khá giống Kuthodaw, là chùa Sandamuni nổi tiếng vì có hệ thống tam tạng kinh bằng đá, ngoài ra còn có chú giải và phụ chú giải do người dân cúng dường xây dựng đầu thế kỷ 19.Với 1.774 phiến đá được khắc chữ Myanmar đọc âm Pali và có mái che, quần thể này như rừng tháp trắng vươn lên trời. Ngôi chùa này ban đầu được vua Mindon xây nhằm tưởng nhớ người anh em cùng cha khác mẹ đã giúp ông củng cố quyền lực tại Pagan Min hồi năm 1853. Ngôi chùa này chúng tôi không tham quan. Nghe nói còn to hơn cả chùa Kuthodaw.
 
Phần 2: tiếp tục ở Mandalay

Sau khi tham quan chùa Kuthodaw, chúng tôi đi Mandalay Hill. Đường lên và đường xuống Mandaly Hill là 2 đường khác nhau, do đường nhỏ, dốc cao và quanh co lắm, nếu chung đường thì chắc k thể nào tránh nhau được. Đi ô tô phóng lên đỉnh đồi quả thật rất ấn tượng. Tới nơi, có 1 tháp lắp thang máy như thế này. Khi lên/xuống thang máy sẽ có người bấm và đi cùng thang. Phía trước có 1 hòm công đức, mọi người đi thang máy thì tùy tâm thả tiền.

1908342_4481366688274_8539003273918523433_n.jpg

Tháp cầu thang máy đưa lên chùa và view ngắm cảnh từ đỉnh Mandalay Hill

Lên tới nơi, ta có thể ngắm Mandalay từ trên cao và từ đây tôi đã nhìn thấy Mandalay Palace quả thật là rộng lớn. Ở chùa trên đỉnh đồi họ thu phí cho điện thoại và máy ảnh nếu chụp hình, vì vậy, tôi không chụp 1 bức ảnh nào từ trên này.

Từ Mandalay Hill đi xuống, trời nóng, xe của bác tài không có điều hòa, cảm giác ngột ngạt và mệt mỏi bắt đầu xuất hiện. Cũng may chuyến này là ngày đầu tiên hành xác nên tôi mới xếp lịch đi ô tô luôn buổi tối, chứ nếu những ngày sau chắc chịu. Vì thế những ngày sau toàn bay là rất hợp lý!
Đến lúc này, cô bé của tôi bắt đầu ngủ, vừa nắng vừa nóng, tôi phải che và quạt cho con. Bác tài dẫn đến thăm tiếp 1 ngôi chùa có cấu trúc bằng gỗ tương tự Shwenandaw là chùa Shweinpin monestary, nhưng chỉ có ông xã xuống tham quan vì tôi bận bế con gái ngủ.

10403394_4481378728575_5925600265647172994_n.jpg

Chùa Shweinpin monestary

Sau đó, chúng tôi đến tham quan chùa Mahamuni, đây là nơi được sùng kính nhất tại Mandalay. Trong chánh điện còn lưu giữ bức tượng Phật cao 3,8m, nặng 6,5 tấn làm bằng vàng và trang trí bằng đá quý, chỉ nam giới mới được tới gần và dát vàng lên tượng. Dọc hành lang, có màn hình tivi truyền hình trực tiếp hình các người mộ đạo đang dát vàng lá lên tượng. Tôi là phụ nữ, k được tới gần, vậy nên tôi chỉ chụp được bức ảnh mờ như thế này. Không biết bức tượng Phật sẽ còn to ra đến thế nào khi ngày nào cũng có bao nhiêu người đến dát vàng lên tượng? Thật là quá ngưỡng mộ các bạn Miến quá đi!

10384470_4481382968681_7692448870617622130_n.jpg

Cổng vào chùa Mahamuni

10352347_4481372888429_1351191509784933080_n.jpg

Phật tử đang dát vàng lá lên tượng Phật

Theo truyền thuyết, trong lần đức Phật thăm Arakan (ngày nay là bang Rakhine) - lần thứ 4 đức Phật đến Myanmar - vua Candrasuriya tại vùng này đã xin phép tạc một bức tượng bằng kích thước của Đức Phật để thờ tại đền Mahamuni trên ngọn đồi Sirigutta.
Năm 1784 khi vua Bodawpaya đánh chiếm Arakan, ông đã chuyển bức tượng Phật cùng với chiến lợi phẩm và tù binh về. Ông cho xây chùa dưới chân đồi Mandalay để lưu giữ tượng Phật được cho là linh thiêng nhất vùng, để khẳng định sự mộ đạo của mình.

Những Phật tử mộ đạo và khách hành hương đến viếng tiếp tục bao phủ bức tượng Mahamuni bằng các lớp vàng lá chồng lên nhau. Có thể nói, bức tượng vẫn đang được làm lớn hơn mỗi ngày nhờ lớp vàng lá dát lên.

Tại chùa còn lưu giữ sáu bức tượng bằng đồng từ thời vương quốc Khmer, trong đó có những con sư tử, 2 bức là những chiến binh nam và một con voi ba đầu Erawan. Người ta đồn rằng, mọi bệnh tật sẽ được chữa nếu bệnh nhân đến rờ vào vùng tương ứng trên tượng đồng.
(copy trên internet) (Giờ đi về, google mới biết vụ này nhá! Tiếc quá!)

10376297_4481491931405_2667695440100506640_n.jpg

Những bức tường đồng trong chùa Mahamuni giờ tôi mới biết về lời đồn chữa được bệnh.
 
Last edited:
Phần 2: tiếp ở Mandalay

Từ chùa Mahamuni, chúng tôi đi thẳng ra cầu UBein, kết thúc hành trình tham quan Mandalay ở đây. Khi chúng tôi tới cầu mới là hơn 2h chiều, trời nắng, chưa phải là thời điểm đẹp để ngắm cầu, ngắm hoàng hôn và chụp ảnh, vậy nên thuyền gỗ xếp 1 hàng như thế này. Khi hoàng hôn xuống, mỗi thuyền sẽ có giá là 5.000 kyats/h đi trên hồ để ngắm cầu và chụp ảnh.

10426679_4481417409542_646462399812756075_n.jpg

Thuyền chờ khách đi ngắm hoàng hôn

1623713_4481418889579_7970927026700480422_n.jpg

Cầu UBein trong nắng chiều

10406559_4481383848703_1755001903701799219_n.jpg

Chụp với bác tài

Chúng tôi nghỉ ngơi, ăn chiều ở 1 quán ven hồ, tranh thủ ngủ gà ngủ gật 1 lúc. Tầm 4h, chúng tôi đi thuyền quanh hồ khoảng 15 phút (cho biết thôi chứ chụp ảnh vẫn chưa đẹp vì nắng lắm), rồi lên cầu chụp mấy kiểu ảnh với bác tài để chia tay Mandalay. Sau đó, bác tài đưa chúng tôi ra bến xe Shwemanthu bắt xe đi Bagan.

Vậy là cuối cùng tôi cũng đã đến được Mandalay, thành phố bụi bặm, cố đô của Myanmar, một điểm đến mà từ đầu tôi định bỏ qua. Giờ đến rồi mới thấy thật là may mắn khi tôi đã quyết định hành trình như thế này. Một Mandalay khá hấp dẫn du khách và khi ra về còn rất nhiều luyến tiếc vì chưa khám phá hết những cảnh đẹp nơi đây.

Đến bến xe, bác tài xế rất tốt, định giúp chúng tôi mua vé với giá chuẩn, sợ tôi đặt mua bị giá đắt, bác cứ gạt bảo tôi cất cái phiếu thu đã in đi. Tuy nhiên, khi hỏi vé thì nhà xe báo đã hết giờ mua vé và hết vé rồi. Tôi đưa phiếu thu ra, thì ra vé đã mua và được bạn Minthu trả tiền rồi mà bác lái xe không để ý. Giá vé cũng tương tự như ở bến, khi đó bác lái xe đã yên tâm và chuyển đồ vào xe cho chúng tôi. Lại thêm 1 điểm cộng nữa cho người Myanmar, họ thật nhiệt tình và tốt bụng.

Chiếc xe VIP bus chỉ tầm 28-30 chỗ gì đó, nói là VIP mà tôi thấy bình thường sao đó. Không hiểu nếu đây là VIP thì bình thường sẽ ra sao? Chúng tôi được phát mỗi người 1 chai nước và 1 chiếc khăn lạnh. Trên đường đi, xe bị vỡ lốp, chúng tôi phải đợi tài xế thay lốp trong vòng khoảng 20 phút. Đường đi ở Myanmar rất vắng nên xe đi với vận tốc khá nhanh. Tuy nhiên cũng khá xóc và cửa kính xe cứ long lên lòng xọc nghe rất điếc tai. Tôi ngủ gà ngủ gật, thấy khá mệt nếu mà chịu đựng thêm 1 vài chặng ô tô dài hơn thế này nữa. Dọc đường đi, tôi để ý thấy rất ít nhà dân và trạm xăng ở bên đường, chắc các xe cứ trang bị đầy đủ xăng là lên đường thôi.

10155221_4481375168486_545147294585813129_n.jpg

VIP bus đang bị vỡ lốp

Chúng tôi đi đến tầm 8h thì xe đỗ lại ăn tối ở 1 quán ven đường. Chủ quán rất dễ tính, họ biết chúng tôi có 3 người nên phục vụ 3 đĩa cơm, thức ăn thì có thịt bò kho, thịt gà, rau, nộm, canh. Nếu thấy món gì vơi, họ lại múc ra thêm. Món canh có vị khá giống với canh dưa sắn của Phú Thọ quê tôi. Món thịt bò kho ở Myanmar cũng rất ngon. Đi ăn ở những hàng bình dân tôi đều rất ưng món này. Tổng chi phí ăn uống là 9.500kyats cho 3 người.

Khoảng 10h30 tối hôm đó, chúng tôi đến Bagan. Minthu đón tôi ở bến xe và đưa chúng tôi về Bagan Thiripyitsaya Sanctuary Resort, nơi tôi đã tự book qua Agoda. Chúng tôi check in khách sạn và nghỉ ngơi lấy sức cho ngày mai, một ngày với Bagan yên bình, với Bagan nổi tiếng, nơi có cả 1 thung lũng chùa tháp đã lôi cuốn, thôi thúc tôi thật nhiều đến với miền đất này.

Tip nhỏ:

- Các bạn có thể đặt và mua trực tuyến vé máy bay của hãng GMA qua trang web của hãng.
- Đến sân bay Mandalay cứ đi free bus của hãng vào trung tâm rồi bắt taxi đi chơi sau vì đoạn đường từ sân bay về trung tâm thành phố khá là xa.
- Địa chỉ mail của bác tài Phone Hlaing: [email protected], sđt: +95 943199192. Bác này điềm tĩnh, hiền lành, tiếng Anh dùng được. Chủ yếu chỉ lái xe đưa đi các điểm chứ hầu như không giới thiệu, hướng dẫn gì về điểm tham quan cả.
 
Hay quá, em sắp đi đó chị, đọc được bài của chị chi tiết mà lên được lich trình hòm hòm ở Mandalay luôn. hóng chờ phần tiếp ở Bagan
 
Phần 3: Bagan yên bình và mong ngày trở lại!

Ở Bagan, tôi đặt phòng nghỉ tại Bagan Thiripyitsaya Sanctuary Resort. Lý do tôi hoang chút là vì tôi đi cùng con nhỏ. Thêm vào đó, qua 1 ngày hành xác ở Mandalay rồi, nên tôi chọn 1 chỗ ở tươm tất chút cho cả nhà relax. Đây là 1 resort khá mới và đẹp nằm bên bờ sông, hình như chúng tôi là những vị khách Việt Nam đầu tiên đến resort này. Khi tôi search trên Agoda, tôi cũng quan tâm tới Bagan Hotel River View hoặc Aye Yar River View Resort, đây là 2 resort cũng nằm bên bờ sông, đẹp và đã có nhiều người VN đến và comment trên đó, nhưng có chê, có khen. Tuy nhiên, resort tôi chọn tôi thấy hình đẹp, ít bị chê và quan trọng là giá rẻ hơn 2 chỗ kia nên tôi đặt.

10302020_4502092606409_5113163143750325632_n.jpg

Cây trong khuôn viên resort - Một loại cây thấy nhiều ở Bagan, thân loang lổ những vệt đen như bị cháy, quạ và các loài chim khác sống nhiều trên đó!

10448820_4502093366428_7966059699792898477_n.jpg


10415653_4502098886566_2952998546308393114_n.jpg


10377065_4502099406579_1437889593232576576_n.jpg


10487421_4502100726612_7641063986033287283_n.jpg

Mỗi căn nhà sàn ở resort có 4 phòng xung quanh. Trước cửa phòng đều bố trí bàn và ghế cho khách ngồi chơi.

10431529_4502102606659_29745775603948075_n.jpg


Bữa sáng ở resort. Mùa này ít khách nên nhà bếp k bày hết các món cho khách chọn. Khi khách vào ăn, phục vụ sẽ mang các món ra bàn luôn.

Ở Bagan có 3 khu vực, Nyaung Oo và gần sân bay; Old Bagan; New Bagan. Tôi chọn Old Bagan vì nghĩ nó ở gần các điểm tham quan nhất. 2 khu kia thì nhiều khách sạn và guest house hơn. Tuy nhiên, nếu các bạn thích trải nghiệm thì chọn khu nào cũng được, có thời gian ở Bagan nhiều thì thuê xe đạp, xe điện lang thang cho vui, vì Bagan nhỏ bé thôi mà! Tôi thì chính xác cũng chỉ có 1 ngày 2 đêm với Bagan, như vậy là trọn 1 ngày tham quan ở đây, lên xuống xe ô tô máy lạnh cả ngày, nên chính ra ở đâu cũng được.

Nói nghe lên xe xuống ngựa sướng vậy sao mệt, không có đâu bạn nhé! Những ngày này ở Bagan nắng nóng dữ lắm, dù có xe chở nhưng cứ lên xe là tìm chai nước ngay đấy! Ở Bagan nói riêng, cũng như ở Myanmar nói chung, tôi thấy rất nhiều những bình nước, vại nước miễn phí để bên lề đường, chắc là nhà nước hoặc 1 tổ chức nào đó ủng hộ dân và du khách như vậy.

10458339_4504532467404_7567143455040189174_n.jpg

Nước uống miễn phí
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,190
Bài viết
1,150,443
Members
189,948
Latest member
mass
Back
Top