What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy

Chào các Bạn/Anh/Chị,

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với nhiều người thì câu nói đó đúng, riêng tôi thì mỗi một cuộc hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một sự tỉnh ngộ. Và khi vẫn chưa thấy điểm dừng của sự khám phá, để lấp đầy khoảng trống đó tôi lại lên đường.

HDD82 thấy rằng các chuyến đi đã làm thay đổi mình nhiều hơn tưởng tượng. Các cuộc hành trình không còn là những cuộc phiêu lưu “điên khùng” nhằm chứng tỏ bản thân với mọi người nữa. Hơn hết là hành trình quay về khám phá con người thật sự, khả năng và bản lĩnh thật sự của mình…

Có rất nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, khoảng cách giữa hai điểm không quan trọng, đi xa hay đi nhiều không quan trọng, quan trọng là bản thân học được những gì, tiến được bao xa trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Cuối cùng, HDD82 lấy lại câu kết trong bài “Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy” rằng: Có những người đi để khẳng định bản thân, có những người đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng có những người đi chỉ vì được đi. Bằng cách kể lại chi tiết chuyến đi này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều bạn mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh bằng xe gắn máy, một thế giới tuyệt vời ở bên ngoài đang chờ đón bạn chiêm ngưỡng, đừng ngần ngại những gì bạn chưa biết, chưa nắm rõ...

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi,
Trái tim không hề vương vấn
Như mây bay gió thổi
Anh bước theo số phận của mình,
Cần gì phải có một lý do
Chỉ một tiếng hô thôi “Lên Đường”!!!”

Topic “Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy” xin được phép ra đời.
 
Nền giáo dục Mỹ được đánh giá rất cao, đó là chuyện không ai có thể phủ nhận, chẳng vậy mà trăm nghìn người từ khắp nơi trên Thế giới đến đây du học. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi người Mỹ họ đánh giá nền giáo dục của họ như thế nào?

Tiến sĩ Joe cho rằng ông không tin hệ thống giáo dục Mỹ giúp con ông phát huy hết tiềm năng và năng khiếu của chúng. Nhất là hệ thống trường cấp 1 và 2. Vì vậy ông cùng vợ có quyết định tương đối khó hiểu (đối với tôi lúc đó) là cho toàn bộ các con ông sẽ tự học ở nhà (gọi là Home-school). Chị Kari, vợ Joe, là mẹ và là cô giáo dạy học cho cả 04 đứa trẻ tại nhà.

Tự học ở nhà và không phải đến trường! Mỗi năm bọn trẻ phải trải qua một vài bài test của Chính phủ để đảm bảo rằng chúng được cha mẹ dạy các kiến thức cơ bản như Toán, Lịch sử, Văn học v.v... tương đương với bọn trẻ ở trường học. Sau này tôi mới biết có nhiều gia đình tương tự Joe ở Tp. Missoula, các bà mẹ kiểu này thường gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái và các vấn đề phát sinh với bọn trẻ.

Nhiều người VN muốn con cái được hưởng nền giáo dục Mỹ và không tiếc tiền để được đi Mỹ. Còn bản thân chính nhiều người Mỹ lại phủ định điều đó và cho con ở nhà. Bạn có thấy mâu thuẫn không? Mà dạy con ở nhà thì ở Việt Nam cũng dạy được, đâu cần phải đi đâu xa xôi?

Đôi khi sự thật và chân lý nằm ngay trong nhà chúng ta mà chúng ta cứ mãi tìm kiếm ở đâu đó nữa vòng trái đất...

Cùng gia đình Tiến sĩ Joe đi dạo vào một ngày đẹp trời.

[video=youtube;-_-SRELiDKo]https://www.youtube.com/watch?v=-_-SRELiDKo&feature=youtu.be[/video]
 
Tình nguyện là hoạt động khá sâu rộng và phổ biến trong xã hội Mỹ. Không phân biệt lứa tuổi và giới tính, mọi người đều tham gia làm tình nguyện không ít thì nhiều. Rất nhiều bạn sinh viên tôi gặp dành mỗi ngày trong tuần để lao động tình nguyện. "Tư bản", "Cá nhân chủ nghĩa" mà lại tình nguyện giúp đỡ cộng đồng nhiều như vậy? Câu hỏi này tôi rất lấy làm thắc mắc...

Khi lao động tình nguyện, HDD82 thấy rằng tạm thời cái Tôi của mỗi người bị cái Chúng Ta lấn át, mỗi người không còn suy nghĩ về bản thân nhiều nữa mà biết quan tâm tới người khác. Và những hoạt động như vậy sẽ làm tăng giá trị mỗi cá nhân.

Giá trị của mỗi cá nhân không phải là giá trị tài sản vật chất như nhà cửa, xe hơi, tài khoản NH... anh ta sở hữu. Mà là những đóng góp của anh đối với cộng đồng.

"Người thầy tốt nhất là người thầy thực tế", chương trình tổ chức cho chúng tôi tới thăm tổ chức tình nguyện Ngân hàng Thực phẩm (Food Bank) để mọi người có cơ hội hiểu văn hóa tình nguyện ở Missoula. Food Bank là một siêu thị thức ăn miễn phí dành cho những người nghèo, cần giúp đỡ trong xã hội. Mỗi công dân đều có cơ hội lấy đồ ăn miễn phí 02 lần/tháng, thực phẩm thiết yếu như gạo, trứng, thịt, sữa v.v... thậm chí có cả thực phẩm cho chó mèo. Toàn bộ nhân viên làm việc ở đây đều là các tình nguyện viên địa phương.

Bắt đầu... Chúng tôi ai cũng hăng hái tham gia công việc. Chúng tôi chia nhóm: Nhóm thì đóng gói thức ăn, chia nhỏ thức ăn chó mèo vào các bịch nilong. Tuy là thức ăn chó mèo nhưng cũng phải vệ sinh an toàn thực phẩm không thua gì dành cho người cả (rửa tay xà phòng, đeo bao tay) mới ghê...



Nhóm thì đóng gói thực phẩm:



Mô hình hoạt động Food Bank thực sự là mô hình, cách làm hay mà nếu mỗi quốc gia đều có thì thật là tuyệt vời!

 
Chúng tôi còn tới tìm hiểu mô hình hoạt động của các công ty ươm giống cây xanh, với nhiệm vụ là cải tạo môi trường do Chính quyền địa phương lập nên. Rõ ràng các hoạt động khai thác khoáng sản, hoặc các thiên tai như cháy rừng sẽ gây các hậu quả xấu tới môi trường. Nhiệm vụ của các công ty này là ươm trồng, và chọn giống một số loại cây xanh. Họ chăm sóc cây trong nhà kính vào mùa đông rất cẩn thận trước khi trồng chúng trở lại thiên nhiên vào mùa hè. Thời gian nuôi dưỡng trong nhà kính của cây có thể lên tới 9-10 tháng.

Ngoài vấn đề tiền thu nhập, niềm vui trong công việc của cái anh chàng bề ngoài có vẻ khô khan này là giáo dục cho con cái của anh biết bảo vệ môi trường, và nhìn thấy những mảng màu xanh của rừng ngày càng nhiều hơn trên quê hương anh.

Nhìn chiều dài rễ cây để dự báo thời điểm khi nào có thể mang chúng ra trồng trong tự nhiên:





Nhưng công ty bảo vệ môi trường kiểu như thế này và ý thức gìn giữ môi trường cho thế hệ sau của người Mỹ rất đáng để chúng tôi học tập:







Phát triển bền vững, mầm xanh phải được gìn giữ cho thế hệ mai sau.

 
Các câu chuyện vĩ mô như là tình nguyện cộng đồng, bảo vệ môi trường, hòa bình thế giới v.v... đã chia sẻ xong rồi, bây giờ quay qua các chuyện vi mô. Các bữa ăn ở Mỹ thực sự vẫn là thử thách với HDD82! Nói ra thì nhiều người cười bể bụng cho là tôi bị hâm hâm, được qua Mỹ ở khách sạn 4 sao với giá phòng hơn $100/ngày, ăn uống theo tiêu chuẩn ngon của Mỹ, mà thèm các món ăn Việt Nam quá trời.

Có ai thấy hấp dẫn không???



Tô mì gói cuối cùng... Bò bít tết có thể ăn không hết, nhưng mì tôm là dứt khoát... :D



Lâu lâu mới vào bếp kho được miếng thịt heo, có vị nước kho mặn mặn ăn chung với cơm thật là hạnh phúc...



Thời gian rãnh rỗi tại nhà Tiến sĩ Joe tôi dạy cho bọn trẻ nhà Joe các từ Việt Nam thông dụng như "Xin chào", "Cảm ơn", giới thiệu về món ăn, bài hát thiếu nhi và đặc biệt là giao thông VN! Mắt chúng tròn xoe ngạc nhiên... Khỏi phải nói! Đối với chúng, tôi vẫn là người tới từ một hành tinh khác! :D

 
Vài tuần đã trôi qua từ khi bị mất xe và tình hình không có tiến triển: không có bất cứ tin tức gì từ cảnh sát địa phương. HDD82 xác định hy vọng đã không còn... Nhưng ông bà có câu: "Thua keo này bày keo khác", không lẽ qua tới đây rồi mà bỏ cuộc sao? Tôi nung nấu kế hoạch kiếm chiếc xe đạp khác để chờ thời cơ lên đường.

Lần này, HDD82 gặp một ông lão địa phương, ông đang rao bán chiếc xe đạp gắn động cơ y chang chiếc trước của tôi. Trò chuyện với ông lão tôi vỡ ra nhiều điều: Việc tháo lắp chiếc xe khá đơn giản, chỉ cần hơn 10 dụng cụ cơ khí là xong. Tuy vậy, vấn đề lo ngại của tôi là động cơ 50cc hai thì quá yếu. Tôi thử và chiếc xe quá yếu đến độ không thể vượt con dốc cỡ 5%. Chưa kể khối lượng hành lý mang theo nữa chứ, vậy làm sao mà đi??? Dù tôi có thể đạp, nhưng thử đạp qua một ngọn đồi nhỏ mà người tôi đã mồ hôi mồ kê đầm đìa, xe không có nhiều tầng dĩa và líp nên đạp rất mệt. Cái này mà thêm hành lý nữa thì... :(

Không khả thi rồi!!! Chia tay ông lão mà trong bụng rối bời... Lên đường bằng cách nào đây? Làm sao đây???

Chiếc xe đạp của ông lão:

 
Lòng rối bời... Mua xe máy thì tài chính không cho phép, giấy phép lái xe không có, mua xe đi nữa mà không sang tên được cũng không ổn, không có bảo hiểm, lỡ cảnh sát dừng lại dọc đường thì làm sao? Hàng trăm câu hỏi quay cuồng trong trí óc...

Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến một buổi sáng CN tôi thức dậy trên chiếc giường nhỏ tại nhà Tiến sỹ Joe, chợt nhớ lại thời điểm buổi sáng trước chuyến đi Châu Âu xe máy nhiều năm trước, lúc đó cũng đang ở trên chiếc giường như vầy, trong kí túc xá ở Tp. Stockholm. Tâm trạng lúc đó thật háo hức và phấn khích. Cũng đâu có bằng lái xe máy, đâu có bảo hiểm xe máy, đâu có bảo hiểm du lịch, đâu có biết đường xá gì đâu mà sao háo hức đến thế!

Phải chăng đam mê lên đường bấy lâu nay đã bị sự sợ hãi vùi tắt???

Sáng hôm đó Joe rủ tôi đi Nhà thờ cùng gia đình ông, vì gia đình Joe theo Thiên Chúa Giáo. Tôi không thích đi lắm nhưng cũng muốn thử cho biết. Một chị tóc vàng trẻ trung đứng ngay cửa nhà thờ dúi cho tôi một tờ giấy nhỏ, tờ giấy ghi các lời dạy của Chúa và vài nội dung lặt vặt khác... Tôi liếc nhìn... Dòng chữ màu vàng in đậm... “You do what you believe, and you believe what you do” – “Bạn làm những gì mà bạn tin tưởng. Và bạn tin tưởng những gì bạn làm” làm tôi bừng tỉnh hẳn.

Đúng rồi! Đã bao lâu nay tôi quá tập trung vào chuyện phương tiện xe cộ và các vấn đề bên ngoài mà quên đi phần quan trọng nhất -Niềm tin và Sự tin tưởng.

Trong tất cả các chuyến đi trước đây, tinh thần mới là yếu tố quyết định mà? Đã bao lâu rồi tôi để những lo lắng lấn át niềm vui lên đường?

“Bạn phải khao khát, khao khát thật sự như một đứa trẻ khát sữa mẹ”. (Kinh thánh, dòng…)

Im lặng…

Đúng! Khao khát lên đường của tôi đâu? Cái thời xông pha xe máy trên các nẻo đường đâu? Tinh thần tôi sao bạc nhược thế này?

Khoảnh khắc nhận ra khuyết điểm đó giống như khoảnh khắc chiếc bugi phóng ra các tia lửa điện làm nổ máy động cơ... Vâng! Mọi người đều có các nút thắt tinh thần cần tháo gỡ, tôi hy vọng rằng các bạn sẽ làm được điều đó để mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh.

 
Last edited:
"Cùng tắc biến, biến tắc thông". Khi tinh thần đã thông suốt thì mọi chuyện đều suôn sẻ! Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó tôi đã cùng chiến mã mới trên đoạn đường đất đỏ xuyên khu rừng nhỏ tại Missoula... Mục đích là kiểm tra thử chiến mã già nua này. Chiếc xe Honda được sản xuất năm 1970, ngót nghét 45 tuổi và là chiếc xe cổ nhất tôi từng lái. Nhiều người nhìn chiếc xe xong sẽ lắc đầu cho rằng nó có giá trị đồ cổ hơn là giá trị di chuyển cho chuyến đi dài. Nhưng họ không biết rằng động cơ lên đường của chủ nhân nó thì không hề thua kém bất cứ chiếc BMW 1200GS, Harley Davidson nào!







Cảm giác ngồi trên chiến mã thật tự do và sảng khoái!!!

Đường rừng vắng vẻ và ngôi mộ nhỏ bên đường nhắc nhở kẻ lữ hành rằng: xe máy luôn đi kèm với sự mạo hiểm...



Còn tiếp...
 
Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai tuần ở homestay tại nhà Tiến sỹ Joe thế rồi cũng kết thúc. Hai tuần không nhiều nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu được cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người bản xứ thật khác xa với các bộ phim chiếu rạp, hay các siêu phẩm bom tấn Holywood mà tôi đã xem. Nếu có một bộ phim mô tả đúng nhất cuộc sống của người dân ở đây, tôi không do dự mà chọn bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Một điều đáng nói là người Mỹ ở Montana nói chung cũng chỉ biết Việt Nam qua các cuộc chiến tranh mà thôi. Hình ảnh Việt Nam gắn liền với chiến tranh và sự hy sinh mất mát của cả hai phía... Bởi vậy, chương trình này quý ở chỗ giúp cho hai bên có cơ hội hiểu nhau hơn.

Trước khi chia tay các gia đình homestay, chương trình tổ chức một buổi tiệc nhỏ ngoài trời cho tất cả mọi người. Địa điểm tại một ngôi biệt thự bằng gỗ trên một hòn đảo nhỏ nằm giữa hồ Salmon Lake, cách Tp. Missoula hơn hai giờ chạy xe oto. Ánh mặt trời phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng, ngôi biệt thự được làm bằng loại gỗ rất chắc chắn, nội thất bên trong hiện đại, thức ăn thì lại tuyệt vời.

Khung cảnh hồ nước phẳng lặng gợi cảm giác êm đềm và thanh bình



Mọi người hồ hởi tham gia các trò chơi dưới nước và chụp ảnh:





Nụ cười của những người làm các công việc bình thường lúc nào cũng rạng rỡ trong các tấm hình. Đối với họ thì các câu hỏi kiểu như: "Ồ, chiếc áo của anh đẹp quá. Chúng ta chụp hình chung nhé?" luôn được chào đón nồng nhiệt... :D



Nhưng cảm xúc sắp đến giờ chia tay khiến bầu không khí về cuối trở nên trầm lắng... Tiếng cười nói dần ít đi... Ai nói người Mỹ sống không tình cảm? Bờ hồ buổi chiều xuân hôm đó đã chứng kiến không ít nước mắt rơi.. Nước mắt chia ly!



Tôi cũng tạm biệt gia đình Tiến sỹ Joe, những cái bắt tay, những cái ôm chặt và lũ trẻ cứ quấn quít... Hình ảnh cả gia đình Joe đứng vẫy vẫy trong chiếc kính chiếu hậu xe hơi bé tí vẫn còn mãi trong trái tim tôi... Nụ cười trước khi lên đường đến thủ đô Washington D.C.

 
Last edited:
Thủ đô Washington D.C. là trụ sở của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ - nơi cấp học bổng cho không chỉ 14 người đến từ 5 nước Đông Nam Á chúng tôi mà còn hơn 200 bạn đến từ hơn 40 nước trên Thế giới. Ngoài chương trình Economic Empowerment Program - EEP 2014 này, Bộ ngoại giao Mỹ còn có nhiều chương trình khác nữa. Bởi vì hơn 200 người này học tập rải rác khắp các bang của Mỹ, nên tuần học tập tại Washington D.C là lúc để tất cả chúng tôi làm quen và kết nối với nhau.

Hoa Kỳ mà tổ chức chương trình thì khỏi phải nói, mọi thứ đều theo kế hoạch và gần như hoàn hảo. Chúng tôi chẳng phải lo nghĩ gì cả, cứ khách sạn bốn sao trung tâm Washington D.C. mà ở, nhà hàng mà ăn, tiền tiêu vặt mà xài thoải mái... :D

 
Thủ đô Washington D.C. có vị trí địa lý thuộc bờ Đông Nước Mỹ, còn bang Montana ở bờ Tây. Chênh lệch múi giờ giữa hai nơi là 02 tiếng. Thời gian bay khoảng chừng 7-9 tiếng và chuyển máy bay một vài lần.



Washington D.C. tạo cho tôi ấn tượng đây là thành phố xanh sạch, kiến trúc tổng thể rất hài hòa với nhiều khoảng không gian trống để người dân và du khách vui chơi, không có nhiều nhà cao tầng, nhà chọc trời. Nhịp sống ở đây cũng tương đối yên bình, thư giãn.

Đi dạo lòng vòng có thể thấy hoa được trồng nhiều theo luống trên vỉa hè và chăm chút cẩn thận:



Thỉnh thoảng bắt gặp vài quầy bán hàng rong:



Khách du lịch:



Hình như đây là ngày hội dành cho người đồng tính? Tôi cũng không chắc. Chỉ thấy đoàn người dài diễu hành hò reo không ngớt trên trục đường chính, vừa đi vừa tiếng nhạc xập xình, đoàn người liệng các chuỗi vòng nhiều màu sắc đỏ trắng sặc sỡ vào đám đông đứng hóng hớt hai bên đường. Bang Montana không chấp nhận đám cưới đồng tính, nhưng tại Washington D.C thì hoàn toàn hợp pháp:





Người da màu tham gia đông vui. Họ đa phần rất vui tính. Những tài xế taxi, quét dọn đường phố, bảo vệ, tiếp tân khách sạn ở Washington D.C đều thấy người da màu:

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,638
Bài viết
1,154,254
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top