What's new

[Chia sẻ] Những món ăn còn mãi trong tiềm thức mỗi người!!!!

Nhớ mùa tát đìa bắt cá

Sau này khi trưởng thành, mỗi dịp Tết đến, chúng tôi ai vẫn tự hỏi, sao hương vị bùn quê và những kỷ niệm những buổi tát đìa ngày xưa vẫn mãi nồng ấm, bồi hồi trong tâm tưởng.

“Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”,

không biết có bao nhiêu đứa trẻ thành thị cùng trang lứa với bọn lấy bập dừa làm súng đánh trận giả như chúng tôi ao ước được một lần ngồi vắt vẻo trên lưng trâu mà nghêu ngao ca hát. Tự do và thảnh thơi biết chừng nào! Mồ hôi mồ kê nhễ nhại khi dẫn trâu đi ăn cỏ, cái đầu trần dang nắng cả ngày ngoài đồng, nhưng đám chăn trâu tụi tôi vẫn cùi cụi ngày một lớn xác. Khoảng thời gian ấy có nhiều thú vui và nhiều kỷ niệm, đặc biệt là những dịp đi mót cá tát đìa đem nướng.

cdv_9.2_tet1.jpg

Vào mùa tát đìa, chúng tôi đón đợi háo hức còn hơn cả người lớn. Mùa này ruộng cạn hàng tháng liền nên cá cả cánh đồng chui hết vào đìa. Số cá thu được trong mỗi lần tát đìa là hàng gánh trĩu vai.

ap_20100305050557335.jpg

Không ai bắt hết cá nên bọn trẻ con dù rét mướt đến mấy nhưng hễ chủ đìa không còn bắt nữa là nhảy ào xuống bùn đi mót. Có đìa bùn sâu đến tận bụng, dưới vỉa ngầm ấy, không thiếu những chú cá kếch sù còn sót lại.

TNO_145118250.jpg


323662.jpg

Mỗi dịp tát đìa, hầu như cả xóm đều có cá ăn. Những con cá mót được sau khi tát đem nướng lên có vị ngon lạ thường đối với bọn trẻ chăn trâu. Mỗi chú cá khi dọn vừa tròn một đĩa. Cá xắn ra không hề bị vụn, thịt dai chắc, bùi và hơi ngọt tự nhiên, thơm như vừa mới nướng.

TNO_145121875.jpg

Người dân quê thường không có điều kiện và hiểu biết để chế biến các món ăn cầu kỳ. Nhưng riêng về món cá, có lẽ không mấy món tuyệt vời như món cá lóc tát đìa nướng than rồi đem kho khô.

Tatdia04.jpg

Người ta vớt những thanh tre đực cứng làm xiên, xiên con cá thành hình chữ U, đem nướng trên than củi rực hồng. Trong hơi nóng, cá chín thơm dần và tự cuộn tròn lại, đầu đuôi khép vào nhau. Để nguội, cá trở nên khô chắc, ướp tẩm gia vị rồi kho với nước mắm thật ngon, hơi đậm một chút, có thể để lâu cả tháng.

Đồng quê nay không còn nhiều chim cá tự nhiên, nhà nhà đều nhờ nuôi cá đồng mà khấm khá. Máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp dần thay vị trí “đầu cơ nghiệp” của con trâu. Chỉ còn vài gia đình chưa sắm nổi máy cày, máy bừa thì vẫn coi con trâu làm gia sản. Nhưng trẻ chăn trâu bây giờ không còn có nhiều kỷ niệm để sau này hồi tưởng, nhất là khi không được thưởng thức cảm giác tuyệt vời lúc đi mót cá đìa và ăn món cá đìa nướng.

Đám trẻ chăn trâu chúng tôi giờ đã trở thành những người đàn ông chững chạc, kỷ niệm theo tuổi đời ngày càng nhiều thêm. Thế mà mỗi khi Tết đến, gặp lại, ai cũng bảo, sao hương vị bùn quê và những kỷ niệm xưa vẫn mãi nồng ấm, bồi hồi trong tâm tưởng.
 
Cầu tre lắt lẻo

CAU_TRE.jpg

Ầu ơi... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học ầu ơi...
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Một buổi trưa khi ghé thăm người bạn, bất chợt nghe giọng ru con văng vẳng. Tôi chưa vội bấm chuông vì muốn nghe lại một bài hát ru quen thuộc, quen đến nỗi tôi cảm giác như mới nghe hồi hôm qua. Một bài hát ru quen thuộc đến nỗi mà bất cứ đứa trẻ nào sinh ra ở miền Tây đều đã nghe đến thuộc làu từ tấm bé. Bài hát đầu nôi này có thể bà hát ru cháu, mẹ hát ru con hay chị hát ru em... Những câu hát mộc mạc, đơn sơ lại có một sức sống đến lạ kỳ. Tôi đã nghe những câu hát này ở giữa lòng một đô thị lớn, ồn ào, hào nhoáng với muôn vàn âm thanh chát chúa, bực dọc. Kỳ lạ hơn là bài hát ru này xuất phát từ miệng bạn tôi, dân thành phố chính cống mà nó thú thiệt là chỉ biết cây cầu khỉ qua báo đài thôi chớ chưa bao giờ được đặt một bước chân lên cầu. Vậy mà tiếng ru con trầm bổng, có vần, có điệu và ngọt sớt mới lạ lùng.

_LND2902.jpg

Nghe giọng ru của bạn tôi, tôi bất chợt nhớ đến bà tôi, má tôi, chị tôi, những con người đã từng ru tôi ngủ, đã từng gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những giọt cảm xúc tràn đầy của tình yêu thương. Chính câu hát ru mộc mạc thấm đẫm tình yêu, tình quê hương, xứ sở này đã từng ngày nuôi dưỡng tôi khôn lớn, giúp tôi hiểu phải sống những thế nào cho xứng đáng. Và còn một điều quan trọng nữa là lời ru đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống bộn bề với bao lo toan, vất vả.

s.jpg

Mỗi khi gặp bế tắc, tôi lại thấy trước mắt mình hiện lên hình ảnh cây cầu khỉ chông chênh, lắt lẻo mà tôi phải vượt qua nếu muốn đi tiếp tục trên đoạn đường đời đầy chông gai phía trước. Hình ảnh thiêng liêng của má tôi từ lúc tóc còn xanh đến khi mái đầu bạc trắng đã không biết bao nhiêu lần dìu dắt cuộc đời tôi qua những cây cầu tre lắt lẻo của đời thường như thế.

1308961987_cautre%202.jpg

Bây giờ, tôi đã bỏ má ở lại quê nhà xa lắc để bon chen nơi đô hội ngột ngạt đến tận cùng mong tìm một cái gì đó mới lạ hơn, khác hơn mà chính bản thân mình cũng chưa có được câu trả lời xác đáng. Chỉ có điều là má luôn ở bên tôi bằng những cú điện thoại đường dài, tiếp tục công việc dìu dắt khó nhọc kia bằng nỗi nhớ đứa con xa quê không dứt. Má ơi! Con đã hơn ba mươi tuổi rồi! Con còn chưa thể tự mình đi qua những cây cầu tre lắt lẻo hay sao?

51978967.jpg

Trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi cứ muốn suốt cuộc đời này có được sự dìu dắt của má. Mãi mãi. Nhưng làm sao có chuyện như vậy phải không má vì sớm hay muộn gì con cũng phải tự đi một mình qua những cây cầu tre đầy thử thách. Nhất định con sẽ đi thật chắc chắn và còn phải làm một nhiệm vụ thiêng liêng giống má đã từng làm vì bây giờ con đã làm mẹ. Con đã hát lại bài hát ru ngày xưa đến cả ngàn lần không biết chán. Con gái con sinh ra nơi đô hội nhưng chắc chắn một ngày nào đó con sẽ đưa nó về quê cho nó thấy hình ảnh cây cầu tre chân thật, giản dị nhưng đẹp đến nao lòng. Nhất định như vậy, má à!

Nhìn đứa con gái bé bỏng nằm ngủ ngoan ngoãn trong nôi, cái miệng tròn xoe chúm chím, tôi lại cất giọng ầu ơi một bài hát ru không bao giờ cũ. Có lẽ tôi ru cho đỡ cơn ghiền thôi chớ nó đã ngủ say sưa từ lâu lắm rồi...

... Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời.​
 
Canh bầu nấu lộn cá trê...

Không biết có thật sự mùi canh bầu nấu với cá trê làm người con trai mê mệt hay anh chỉ mượn cớ để mà ca tụng cái nết na hiền thục của người vợ sắp cưới :

"Canh bầu nấu lộn cá trê,
Anh đi làm rể anh mê canh bầu"

ba4alobacsicanhbau1.jpg

mà câu ca dao xưa còn đậm đà vị ngọt cho đến hôm nay...
Trái bầu là hình ảnh của sự giản dị, mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa của làng quê Việt Nam , nó tượng trưng cho sự thủy chung, tròn đầy hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình.

ap_20110518013557442.jpg

mà câu ca dao xưa còn đậm đà vị ngọt cho đến hôm nay...
Trái bầu là hình ảnh của sự giản dị, mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa của làng quê Việt Nam , nó tượng trưng cho sự thủy chung, tròn đầy hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình.

ap_20110518013557442.jpg

Bầu là loại trái mọc trên thân dây leo. Bà con ta thường bỏ hột vào khoảng tháng 10, khi nước lũ vừa rút. Bầu là loại cây dễ trồng, không cần bón phân chỉ cần tưới nước nhiều và bón thêm dưới gốc một mớ rơm, trấu mục. Dây bầu lớn nhanh, lá tròn xòe rộng. Bà con ta thường bắt giàn cho dây bầu leo lên. Chỉ cần ít nhánh tre ngoài vườn, mớ đọt chà thả qua thì dây bầu cứ vươn ra thỏa thích.

26547548765856fdgdfgdfy65476547645gdfgfdgdf.jpg

Giàn bầu vừa che bóng mát vừa tạo nên cảnh quan môi trường thơ mộng. Buổi trưa, nắng gắt khách đi đường tạt vào uống ngụm nước mưa, ngồi hóng mát dưới giàn bầu hít thở không khí trong lành thì thật là ... dễ chịu!

100_4710.jpg

Chừng hai tháng là bầu có trái. Trái bầu có nhiều loại: bầu eo (có hình giống như bầu rượu của các ông tiên trong truyện cổ tích), bầu sao (trái dài có đóm bông), bầu thúng (trái no tròn giống như cái thúng đựng lúa), bầu xanh (trái dài toàn thân có màu xanh đậm)... Những trái bầu treo lủng lẳng trên giàn giống như những chiếc lồng xanh xinh xinh . Lá bầu non xắt nhuyễn xào với thịt trâu ăn ngon đáo để, hay có thể dùng để gói thịt nấu món chả đùm, thịt sẽ dẻo và dai hơn. Trái bầu gọt vỏ, xắt sợi nấu canh với cá, tôm... hay xắt khúc luộc chấm với tương chao bình dị mà rất thơm. Bầu có trái rất sai, khi trái nhiều ăn không hết bà con đem ra chợ bán hoặc có người lo xa gọt vỏ xắt sợi phơi khô, phòng khi hiếm thức ăn sẽ dùng chế biến thành món ăn như bầu xào, bầu kho... vừa giòn, vừa dai rất ngọt, ngon.

1234155710.nv.jpg

Cá trê cũng có nhiều loại: cá trê vàng, cá trê trắng, cá trê dừa, cá trê năng... Thịt cá trê mềm, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá trê dừa nấu canh chua, cá trê năng chiên giòn ăn với nước mắm gừng, nhưng có lẽ ngon và đậm đà hương vị nhất vẫn là cá trê vàng nấu canh bầu: Vài con cá trê vàng ngâm với nước muối, xát tro chà sạch nhớt, tách bỏ và lấy hai cục máu tanh ở mang ra, cho cá vào nồi nước lạnh bắt lên bếp đun sôi. Bầu gọt vỏ, xắt sợi để sẵn, chờ tới khi nước sôi (lửa lớn) cá chín nứt da, hơi khoanh tròn, bóng mẫy thì vớt cá ra dĩa, chế vào đó tí nước mắm, rắc tiêu, ít lá hành hương xắt nhuyễn. Sau đó bỏ bầu vào nồi, nước sôi vài dạo cho thêm tí muối, đường, bột ngọt, vớt bọt cho nước canh trong, khi sợi bầu chín trong cho dĩa cá trở lại nồi, chờ nước sôi thêm một dạo là xong.

a97509eee7fa499f2ace28942df49cbb_goodsmart_vn.jpg

Canh bầu nấu với cá trê thơm lừng mùi cá, nước mắm, tiêu và hành lá. Cá trê không rã, vàng ươm. Sợi bầu và nước trong veo ngọt đậm đà.
Sau một ngày làm việc mệt học húp một chén canh bầu mồ hôi vả ra, sự mệt nhọc tan nhanh. Còn ăn chung với cơm gạo tám thơm - nhất là Nàng thơm Chợ Đào chính hiệu thì...bới một hơi ba bốn chén lúc nào không biết!
 
Last edited:
DƯA MẮM, DƯA MUỐI

2838453191_87edb6be8c.jpg

Ở Nam bộ khi thắt ngặt thức ăn, người ta dở khạp mắm lấy dưa ra chế biến món ăn, thật giản dị mà thắm đậm tình quê, tình người biết bao! Còn người ăn chay, thì có dưa muối. Dưa mắm, dưa muối đều là món ăn đạm bạc của người lao động dân dã, mà hầu hết ở chợ quê phương Nam đều có bày bán.

post-25-1199526540.jpg

Dưa mắm - dưa muối cơ bản được làm bằng dưa leo, đu đủ, dưa gang... Nếu người ăn mặn thì trưng dụng nước của các loại mắm tiết ra rồi lấy vật liệu dưa leo, đu đủ, dưa gang, ngâm vô để khoản 20 ngày cho thấm đều là lấy ra dùng được. Còn người ăn chay cũng dùng vật liệu: Dưa leo, đu đủ, dưa gang ngâm với nước vôi một ngày một đêm cho gìn rồi vớt ra, rửa sạch để ráo. Sau đó, ngâm nước muối cho thật mặn rồi nhận dưa leo, đu dủ, dưa gang vào khạp muối cho thâm, khoảng 15 ngày là vớt ra ăn được.

Dưa mắm hoặc dưa muối sau khi vớt ra rửa sạch, xắt nhỏ từng miếng, ướp thêm gia vị, bột ngọt, tỏi, chanh, ớt... trộn đều cho thật thấm ăn mới "bắt miệng" Còn người ăn mặn, có thể cầu kỳ một chút thì tăng cường thịt ba rọi luột xắt lát mỏng, tôm hoặc tép luột trộn vào. Có thể phi mỡ tỏi cho thơm cháy vào để nâng cấp đỉa dưa mắm.

5900776570_6283a47706.jpg

Sau những giờ phút lao động vất ngoài đồng áng, bụng đói cồn cào, về nhà lục nồi cơm nguội, ăn với dưa mắm làm sẳn là nhất trần đời !
Mỗi buổi sáng điểm tâm, ăn cháo đậu đen hay cháo trắng với dưa mắm là " hợp gu" nhất. Đôi khi người ta an dưa mắm với bắp nấu, vùa cạp vừa ăn.

Ngày nhỏ ở nông thôn, gia đình đông anh em, mẹ tôi thường dự trữ dưa mắm để ăn lâu dài. Lâu ngày, thấy ngán, ra sau vườn, hái đọt rau lang đem luột chín chấm với nước tương ngon lành, cần chi cá, thịt.

Nhiều hộ chuyên sống bằng nghề làm dưa mắn - dưa muối dự trữ để bán có thu nhập cao. Nhà có diên tích rộng họ dung chứa hàng chục khạp mái dầm to tướng làm dưa đem bán chợ quanh năm, cuộc sống khoẻ re.

MyMomCooks%2B002.JPG

Ngày nay món dưa mắm vẫn tồn tại bên mâm cơm của nhiều hộ giàu có, nhưng được thêm hương vị, có tôm trộn thịt xé phay, rắc thêm đậu phộng thơm ngát. Tuy vậy, người lao động vẫn còn giữ được truyền thống món dưa mắn quen thuộc dân dã một thời, đậm đà bàn sắc văn hoá ẩm thực đất phương Nam. Dưa mắm dưa muối tuy là hai món ăn bình dị, nhưng thiếu nó như thiếu chút hồn quê.

Cái món này nhớ mỗi lần ăn xong là khát nước hoài luôn, nhưng mà hông sao, có mấy lu nước mưa ngoài sau nhà, tha hồ mà uống, nước mưa nhà lá ngọt mát lành, hương vị rất riêng không sao tả được, giờ uống nước ở đâu cũng hông bằng nước mưa quê minh.
 
Last edited:
Ốc treo giàn bếp

octreo.jpg

Xin hỏi bạn, nếu mình muốn tìm hiểu về món này, thì mình đến đâu mới thưởng thức được. Mình đang đi tìm hiểu về ẩm thực dân gian. Mong bạn chỉ giáo giùm.
Cám ơn

Món này được khai sinh ở Đồng Tháp Mười. Nước đang rút, chính là mùa thu hoạch ốc, nhưng phải đợi 3 hay 4 tháng sau thì ốc mới mập. Vậy nên, muốn thưởng thức anh cũng phải nén lòng mà chờ thôi, còn nếu cố thử thì cũng được. Anh cứ thử hỏi các quán ở Đồng Tháp xem sao. Cái này đành phải chịu khó vậy! Nhưng anh cũng có thể mua ốc lác về treo giàn bếp để dành tới tết hoặc qua tết rồi chế biến cũng được mà. Tin chắc với tài nghệ của anh thì các bác nông dân nhà ta không thể sánh kịp.

À, lúc ngang qua Tri Tôn - Tịnh Biên, anh thử món ốc húp trứng xem sao. Nghe thiên hạ đồn rằng món đó cũng rất ngon.
 
Ốc treo giàn bếp

octreo.jpg

Xin hỏi bạn, nếu mình muốn tìm hiểu về món này, thì mình đến đâu mới thưởng thức được. Mình đang đi tìm hiểu về ẩm thực dân gian. Mong bạn chỉ giáo giùm.
Cám ơn

Chào bạn.
Món ốc này mình thấy có bán ở gần cầu Sắt, chỗ này chỉ bán duy nhất món ốc này.
QUán hay bán buổi tối.

Mình ko nhớ địa chỉ lắm, bạn tới gần đó hỏi thử xem.
 
Món này được khai sinh ở Đồng Tháp Mười. Nước đang rút, chính là mùa thu hoạch ốc, nhưng phải đợi 3 hay 4 tháng sau thì ốc mới mập. Vậy nên, muốn thưởng thức anh cũng phải nén lòng mà chờ thôi, còn nếu cố thử thì cũng được. Anh cứ thử hỏi các quán ở Đồng Tháp xem sao. Cái này đành phải chịu khó vậy! Nhưng anh cũng có thể mua ốc lác về treo giàn bếp để dành tới tết hoặc qua tết rồi chế biến cũng được mà. Tin chắc với tài nghệ của anh thì các bác nông dân nhà ta không thể sánh kịp.

À, lúc ngang qua Tri Tôn - Tịnh Biên, anh thử món ốc húp trứng xem sao. Nghe thiên hạ đồn rằng món đó cũng rất ngon.

Món ốc này hơi bị lạ....
Bạn cho xem hình ảnh để mọi người chiêm ngưỡng thử xem!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,590
Bài viết
1,153,868
Members
190,140
Latest member
inhopanphat
Back
Top