What's new

[Chia sẻ] Những món ăn còn mãi trong tiềm thức mỗi người!!!!

nothing01

Phượt thủ
Chào các bạn.

Mình lấy những thông tin dưới đây từ diễn đàn khác nhưng thấy nội dung rất hay và bổ ích nên chia sẻ để mọi người cùng "nhâm nhi". (c)

Mắm sống bần chua
NQ4Ban.jpg


Nói đến Nam bộ nhất là vùng đất An Giang, người ta liền nghĩ ngay đến mắm; có thể nói đó là một trong những món ăn đặc trưng mà quanh năm người Nam bộ hầu như không thể thiếu. Mùa nước lên cá tôm từ thượng nguồn về nhiều, ăn tươi không hết thì mọi người ủ làm mắm để chế biến thành bao món ngon khác: lẩu mắm, mắm chưng hột vịt, bún mắm nhưng có lẽ dân dã nhất là ăn sống kèm trái bần chua

Món này có thể ăn kèm cơm nguội nhưng không phải là một món ăn cho no bụng mà đơn giản chỉ là một món ăn chơi. Người Nam bộ không dùng nó để đãi đằng khách quý cũng không chọn làm thứ cao lương mỹ vị nhưng có một cái gì đó rất dân dã, rất thôn quê mà cái vị chua và chát của bần kết hợp cùng vị mặn của mắm, vị ngọt đằm của cơm đã nguội thì cứ phải nhớ phải thèm, để rồi trong một buổi xế đói bụng chợt nhớ à phải ăn món đó.

rau12.jpg
mam%20ca.jpg


Thường thì ăn món này ngon nhất là tháng 7, tháng 8 khi đó trái bần vừa dôn dốt chưa chín hẳn, cơm quả chưa thành bột nhưng cũng không còn cứng, người ăn có thể thưởng thức quên thôi. Có thể ai không thích chua thì bảo ê răng, nhưng với những người thích ăn thì có chua mấy, ê răng mấy cũng có cách trị, đó là quả khế chua vừa chín nếu ăn vào vài lát khế, cảm giác ê răng sẽ biến mất. Có nhiều người về miền Tây tự hỏi rằng sao nơi này lại có thể sáng tạo ra nhiều món độc chiêu đến lạ thì người miền Tây lại bảo rằng hồi xưa khi Gia Long - Nguyễn Ánh vào đây đã tạo ra món này đó chứ, hồi đó vua đâu dùng chén đũa gì đâu, cứ tay bốc cơm nguội, tay xé mắm ăn mà ngon lành.
Có lẽ thời đó vùng Nam bộ còn hoang vu lắm, rừng thiêng lại nước độc nhưng hễ cây nào có trái thì cũng có thể ăn được nhất là vùng bãi bồi phù sa cây bần nhiều vô kể; ghe thuyền đang đi trên sông, có nấu sẵn nồi cơm khều thêm trái bần ăn cùng mắm là đã no bụng. Bây giờ không còn như xưa, thức ăn thức uống không thiếu thứ gì nhưng lâu lại thiếu hương vị ngày xưa, thế là lại ăn để kỷ niệm vậy mà. Nếu có ai về miền Tây vào dịp hè, đừng quên thưởng thức món này nhé, tuy không hấp dẫn như lẩu mắm, cá lóc nướng trui hay bò tùng xẻo nhưng là một hương vị lạ của vùng đồng bằng sông nước.
 
Ốc treo giàn bếp

octreo.jpg

Những tháng khô hạn, khi nhà có khách, cha tôi lấy giỏ ốc trên giàn bếp xuống rửa sạch, chụm lửa ăn với nước mắm sả, ớt kèm thêm rau thơm, vài chung rượu nồng. Ốc treo giàn bếp khi đó trở thành món đặc sản khó quên.

Miền Tây Nam Bộ vào những ngày nước rút, nội đồng khô cạn, cá xuống ao đìa, sông rạch trú ẩn nên bà con thường tát đìa bắt cá. Không chỉ bắt được cá, tôm, người ta còn bắt được rắn, rùa, ếch, cua, ốc... Quê tôi có món ốc treo giàn bếp rất hấp dẫn.

Mùa nào cũng vậy, số ốc bắt được cha tôi đem rửa sạch rồi đựng trong giỏ treo trên giàn bếp. Ông bảo: “Gác ốc trên giàn bếp để khói xông vào giỏ, ốc sẽ ngửi khói xông lên”. Lúc đầu tôi nghĩ làm như vậy ốc sẽ chết do hơi nóng bốc lên, nhưng không ngờ ốc lại mập ra, mình đầy nhũng mỡ.

Những tháng khô hạn, khi nhà có khách, cha tôi lấy giỏ ốc trên giàn bếp xuống, con nào cũng mím miệng, mình màu xám. Cha cho ốc vào một cái thau rửa sạch. Sau đó, người sắp ốc vào một cái nắp khạp chứa sẵn nước trứng gà. Tôi thấy những con ốc há miệng, quơ râu bắt đầu uống nước. Khoảng 20 phút sau, khi ốc đã uống hết nước, cha tôi bắt từng con, vạt đít rồi cho vào nồi đất. Trong nồi có sẵn một lớp sả, bên trên cho thêm lớp sả nữa và cho chút muối. Cha đặt nồi lên bếp chụm lửa chừng mười phút thì ốc há miệng. Cha đảo đi đảo lại một vài lần cho đều rồi đặt trên bếp vài phút nữa. ốc chín, cha nhắc xuống cho vào rổ để nguội rồi sắp ra đĩa.

2290875022_ffa330620b.jpg

Những con ốc đã tróc miệng thật bắt mắt. Tôi nhanh tay lấy một con, dùng ghim tre kéo mình ốc ra. Mề ốc vàng, mình trắng thơm ngon. Tôi chấm vào nước mắm sả ớt, vắt thêm một miếng chanh, ngon thấu gan thấu ruột.

Ốc là món ăn có mặt khắp mọi nơi, ngon dở tùy theo cách chế biến của từng người. Món ốc treo giàn bếp được cha tôi chế biến ăn với nước mắm sả, ớt kèm thêm rau thơm, vài chung rượu nồng trở thành món đặc sản khó quên.
 
Last edited:
Bông điên điển là đặc sản mùa lũ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, dùng nấu canh chua với cá linh non hoặc ăn lẩu mắm ăn. Lũ về còn mang theo chuột đồng, ốc bươu, ốc lác, rắn, rùa… món ăn hấp dẫn người miền Tây.

bong-dien-dien.jpg

Lũ về, những chùm điên điển trổ đầy bông vàng rực. Người dân các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu hái bông điên điển bán với giá 45.000-50.000 đồng mỗi kg. Bông này nấu canh chua hoặc nhúng vào lẩu mắm ăn ngon tuyệt, ăn một lần rồi nhớ mãi.

ca-linh-non.jpg

Cá linh non to bằng ngón tay út theo về trong nước lũ. Cá chỉ cần bóp nhẹ bụng lấy ruột, nấu canh, kho mắm. Đến khoảng tháng 10 âm lịch cá linh non sẽ to bằng 4 ngón tay, nướng ăn rất ngon.

cua-dong.jpg

Cua đồng rang me hoặc đâm nhuyễn đun sôi lấy “riêu” ăn bún hay nấu canh.

cang-cua.jpg

Những con cua đực có đôi càng rất to, chỉ cần ngâm vào nước đá vài phút cua bị “xỉu” nên dễ dàng bẻ càng bán với giá 40.000 đồng một kg. Càng cua dùng để rang muối hoặc hấp bia lai rai với bạn bè rất khoái khẩu.

chim.jpg

Mùa lũ cũng là mùa săn chim trời để bán.

ca-loc.jpg

Nước về mang theo nhiều cá lóc. Người dân đánh bắt làm khô phơi dọc theo hai bên đường về An Giang, Đồng Tháp

oc-buu.jpg

Ốc bươu, ốc lác cũng là đặc sản đồng bằng sông Cửu Long.
 
Last edited:
mam-ca.jpg

Mắm cá linh thơm phức. Mắm rất mềm nên có thể “ăn sống” rất ngon.

ran.jpg

Đây cũng là mùa rắn nước, rắn bông súng bò đầy các bờ ruộng ngập nước. Con gái miền Tây không biết sợ rắn

thit-chuot.jpg

Ruộng đồng bị lũ nhấn chìm, chuột đồng chạy lên gò đất cao, nông dân tha hồ bắt chuột bán với giá 30.000-40.000 đồng một kg. Thịt chuột làm sẵn giá mỗi ký 50.000-60.000 đồng, mua về rửa sạch ướp chao nướng hoặc nướng tươi chấm nước mắm ớt; kho với củ hành tím, ướp sả với ít muối chiên.

ech.jpg

Nhiều nông dân tất bật nuôi ếch vào mùa nước lớn

Còn tiếp....
 
Last edited:
Em chưa đi Miền Tây bao giờ nhưng rất thích nghe chuyện về miền Tây. Hóng tiếp nào
Về Miền Tây có cái "thú" của Miền Tây, lên rừng có cái "thú" của rừng núi bạn ah.
Có cái gì hay thì mình nhường lại mọi người. ^.^

Thú thả lờ mùa mưa lụt

images81572_7-3.jpg
Thả lờ là một đam mê của những người sống vùng nông thôn vào mùa mưa, lụt. Nhấc lờ lên, thấy nặng trĩu cá, lòng người sung sướng khôn tả.

Quê tôi có câu đồng dao: "Con cá trong lờ đỏ hoe con mắt/Con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô". Lờ là gì mà con cá trong lờ phải đỏ hoe con mắt, con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô? Xin thưa, đây là một dụng cụ làm từ nan, dùng bắt cá đồng, dáng hình trụ, gắn toi ở cả hai đầu.

langque%20(42).jpg

Lờ có nhiều loại. Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

so232360do%20locua2.jpg

Thả lờ là một đam mê của những người sống vùng nông thôn vào mùa mưa, lụt. Người lớn, trẻ con đều thích, cho dù lội nước, dầm mưa rét cóng. Cá bắt được càng nhiều càng thích, quên cả lạnh lẽo, đói khát. Còn nhớ khi nhỏ, hễ vào mùa mưa, nước lớn, chúng tôi mang áo tơi, đội nón xách lờ ra ruộng trong tay mỗi đứa khoảng chục cái lờ tiểu.

2826713285_9390a69ee1_o.jpg

Chúng tôi thường đặt lờ ngay bên mỗi trổ ruộng, nơi người ta cuốc ngang bờ cho nước chảy, cá thường đi qua lại. Khi đặt, ép lờ sát vào trổ, bứt cỏ phủ nguỵ trang và xiên một cây que cắm sâu xuống đất, giữ lờ không trôi. Mỗi lần, chúng tôi đặt khoảng chục lờ rồi đợi khoảng một giờ sau đi thăm, kéo lờ lên. Nếu có cá thì đổ vào giỏ, nếu không lại đặt xuống như cũ.


Thích nhất là những khi lụt, nước lớn. Lúc ấy, cá chạy mừng nước rất nhiều, đôi khi giở một lờ có mấy chục con cá đủ loại. Thông thường đi thả lờ vào mùa này hay bị lạnh cóng, tay chân tím tái, toàn thân run lập cập vậy nên khi về phải ngồi gần bếp lửa sưởi ấm. Thế là ngồi áp sát bếp, nướng cá vừa bắt được ăn luôn. Cá nướng cứ ăn với muối hạt tại bếp thì không gì ấm áp và vui sướng vô cùng. Tuổi thơ tôi đầy rẫy

320634.jpg

Mê mải thả lờ nên chúng tôi có khá nhiều kinh nghiệm dụ cá. Ví như vào ban đêm, bắt đom đóm nhốt vào trong lọ thuốc pinicilin, cột toòng ten trong lờ. Thấy ánh sáng nhấp nháy các loại, đặc biệt là cá Cẫng chui vào rất nhiều. Nhấc lờ lên, thấy nặng trĩu cá, lòng sung sướng khôn tả. Mỗi khi trời mưa lụt, thùng đất nhà tôi hồi ấy, lúc nào cũng nửa thùng cá, nhà ăn không hết.

bat-ca-mua-kho-13.jpg

Riêng về lờ bầu, người lớn mới thả được vì phải dùng ghe sõng để thả vào chỗ nước sâu. Lờ bầu bắt được con cá nào là đích đáng to, to phải cỡ bàn tay trở lên. Đặc biệt là loại cá dầy, cá sảnh là ngon tuyệt. Loại cá này nếu kho ba lửa trở lên, có thể ăn luôn cả xương.

Thả lờ vào mùa mưa lụt với tôi quả là một thú vui, đam mê và hấp dẫn vô cùng…
 
Cái chái bếp

DSC00987.jpg

Nhà tôi làm theo kiểu xưa, một gian lớn ba căn và một gian nhỏ liền kề gọi là chái bếp. Cửa bếp thông ra sân sau, nơi có bể nước mưa và mười lăm bậc gạch dẫn xuống cầu ao rợp bóng mát cây sung già. Ngồi rửa chén mà đám bèo hoa tím Nhật Bản cứ xòe đuôi quấn quýt. Lũ cá lòng tong bé xíu cùng đám cá cờ dưới ao lượn lờ canh có thức ăn là nhào vào cướp mồi. Bàn ăn nhìn về hướng đông, khi mở cửa sổ ra sẽ được ánh nắng tạt vào và gió từ bụi tre qua liếp húng lủi thổi vào thơm mát. Trong gian bếp chật nhưng sạch sẽ này là nơi chứng kiến những dòng mồ hôi âm thầm đổ ra của mẹ và nội để lo cho gia đình tôi bữa cơm ngon canh ngọt.

DSC01011.jpg

Mẹ tôi nổi tiếng trong họ nhờ món rau sắng nấu trứng cua đồng. Khách đến nhà thế nào cha cũng ra ruộng bắt vài xâu cua cho mẹ trổ tài. Mẹ lựa những con cua bự nhất, khều trứng ra khỏi yếm của nó rồi buộc túm lại trong cuống lá khoai sọ, ba túm cho một nồi canh. Sau khi đun nước sôi mẹ cho nước mắm cốt và hành khô, đợi bốc mùi thật thơm rồi cho trứng cua vào, quết tí mỡ lên rau rồi tước cho vào nồi, ăn một lần nhớ cả đời. Mẹ và nội giỏi nấu ăn nên trong nhà bếp không biết cơ man nào là gia vị, mắm muối, mỗi cái đựng trong một lọ xếp hàng dài trên giá chén.

DSC04555.JPG

Bếp nhà tôi cùng lúc bắc được ba nồi: nồi cơm, thức ăn và một nồi nước nóng. Khi ông táo cũ thì cha nặn cái mới bằng đất sét chín lửa đỏ sậm màu gạch nung. Cứ bốn giờ sáng mẹ lại dậy nấu cơm để chúng tôi ăn cho kịp giờ đi học, đi làm. Thỉnh thoảng mẹ lấy khoai lang xếp vào nồi đất, nước xăm xắp, rải hoa bưởi lên trên, đậy nắp nồi lại hấp đến khi nước quánh lại như mật, khoai lang cháy một lớp bên dưới, mở nắp nồi khói xông mùi hoa bưởi thơm phức...
Đông về mẹ luôn giữ cái bếp hồng lửa than bằng những rễ cây, cành củi. Tối nội hay lụm cụm lấy cái cà ràng nhỏ un muỗi để dưới chõng tre chỗ anh em tôi học bài vừa đuổi muỗi vừa để sưởi ấm, tiếng than nổ tí tách nghe thật vui. Rồi nội kể chuyện ông Táo.

DSC04554.JPG

Mùa hạn mẹ tôi đi chặt củi về phơi chật cả khoảng sân lớn, số củi này đủ cho gia đình đốt lò quanh năm, kể cả giỗ chạp, ngày Tết. Khi cha gánh mạ ra đồng và gánh phân đem bón hay tranh thủ đào thêm mấy gốc cây làm củi đun gánh về, dù củi dừa của mẹ chất đầy sau bếp. Trong đôi quang gánh buổi chiều trở về thế nào cũng có vài chục ốc bươu, cua đồng, có khi là những con cá rô hột mít mắc cạn trong một vũng nước nào đó. Những con ấy tôi thảy cả vào bếp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên mùi cua cháy, mùi vỏ ốc bị lửa than làm nứt quyện mùi ngai ngái của bùn bốc lên, mùi thơm của những con rô non và mùi khoai nướng ngòn ngọt, mùi sắn cháy bùi bùi...

DSC00486-1.jpg

Mỗi khi đi đâu xa về thấy chái bếp nhà mình lừng lững khói cơm chiều trên cái nền trời màu tím sẫm là thấy lòng ấm lại. Ở đó mẹ tôi rồi chị tôi đang cặm cụi kho cá, nấu cơm. Bữa cơm dọn ra cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Năm tháng cứ trôi qua nhưng trong lòng tôi vẫn còn đó tươi nguyên hình ảnh và tình cảm một chái bếp; dù trong ngày hè oi nồng hay giữa tiết đông lạnh căm gió mùa, ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Cái chái bếp ấy đã tạo ra tình cảm gia đình trong tôi và giờ nó vẫn tiếp tục gợi thương, gợi nhớ...
 
Cá lóc nướng cuốn đọt sen

cd229ca2.jpg

Cá lóc dù là nướng lửa than, lửa rơm hay nướng đất sét, cách nào cũng ngon tuyệt, điệu nghệ nhất là món cá lóc nướng ăn với đọt sen. Nhưng không phải muốn ăn lúc nào cũng có mà chúng ta phải chọn đúng chỗ, đúng thời điểm, chẳng hạn như ở vườn Quốc gia Tràm Chim - Tam Nông hoặc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng - Cao Lãnh (Đồng Tháp), nơi có nguồn cá lóc đồng dồi dào và nhiều ao sen, láng sen mới khám phá và thưởng thức được thứ hương đồng cỏ nội vô cùng thi vị.

4646085343_533e138528_o.jpg

Muốn có một bữa tiệc thú vị trong mùa hè oi bức, trước hết chúng ta phải chọn cho được những con cá lóc to, mập ú rồi nướng bằng lửa than hồng hoặc dùng rơm để đốt (còn gọi là nướng trui).

12022011406.jpg

Sau khi chín đều, da cá chuyển sang màu vàng rộm, mùi bốc lên ****g phức, chúng ta dùng que tre cạo bỏ hết lớp vảy khét bên ngoài rồi dùng đũa vẽ ra theo chiều dọc của lưng cá. Muốn cầu kỳ hơn chúng ta có thể rưới đều lên thịt cá một lớp mỡ hành để làm tăng thêm mùi vị hấp dẫn.

Khi vào tiệc, mỗi người tha hồ dùng những đọt sen cuốn chung với bún và cá còn nóng hổi, kèm thêm chút rau thơm như quế, húng, khế, dưa leo, chuối chát... chấm với nước mắm me vừa chua cay vừa nồng thắm, chỉ cần đưa lên miệng cũng đã thấy ngon rồi. So với món bánh tráng cuốn thì đọt sen vượt trội hơn ở vị đăng đắng, ngòn ngọt, mùi đặc trưng thơm, ngon, giòn và lạ miệng, hoàn toàn khác hẳn với các loài thảo dã khác.

IMG_0739.JPG

Đến với Đồng Tháp Mười, sắc thái đặc trưng của hầu hết các món ăn đều có nguồn gốc từ cây nhà lá vườn, thực phẩm tươi sống, ngon ngọt và bổ dưỡng. Cách chế biến cũng giản dị, không cầu kỳ hoa mỹ nhưng món nào cũng đậm đà hương vị đồng bằng, rất phù hợp với những ai ưa thích thú điền dã.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top