What's new

Phượt ô tô? Xe máy? Đi bộ? Chạy? Không, tôi hitch-hike xuyên Việt

Bài viết rất hay nhưng phải chi bạn đừng kết hợp quảng cáo cho cái trang ảtport thì có lẽ hay hơn. Mình có vào coi thử thì trải nghiệm không bằng trên đây được, quảng cáo chi chít, trình bày rối rắm, like, share khắp nơi như ép người ta, thật không ra làm sao.
 
Trên web của bạn ấy thì đến part nào luôn rùi mà ko thấy post lên đây, hành trình đang hay mà :(
Ko muốn vào website của bạn vì quá nhiều quảng cáo, và các hộp thoại bắt like/share để unlock,
 
XIN LỖI ANH EM VÌ LÂU LẮM MỚI POST BÀI :(( EM BẬN LÀM VIỆC QUÁ KHÔNG CHĂM CHÚT ĐẾN NHU CẦU THÔNG TIN GIẢI TRÍ CỦA ANH EM =))



Tiếp tục với hành trình Thanh Hóa - Quảng Bình

Đến khoảng 6.45 tối, chúng tôi dừng chân tại một quán cơm ven đường gần trạm thu phí Đèo Ngang, Quảng Bình. Cũng tại đây, tôi chia tay hai anh tài xế quê Hưng Yên tốt bụng đó để có thể qua đêm tại nơi vắng vẻ (tôi không đi nhờ xe qua đêm). Sau khi thử vận may nhưng không thành công với những quán cơm, nhà dân, trạm xăng trong khu vực, tôi cuốc bộ trong đêm khuya khoắt lên trạm thu phí Đèo Ngang để xin ngủ nhờ qua đêm.

thumb_IMG_2839_1024-1024x768.jpg

Xung quanh đen kịt với thi thoảng là tiếng chó sủa vang vọng trong bóng tối, tôi đi bộ lên trạm thu phí phía trước mặt mà cảm thấy run sợ bên trong

Một trong những điều mọi hitchhiker (người xin đi nhờ xe) đều hiểu và phải làm quen, đó là sự từ chối. Nếu bạn đã dám đi nhờ xe, bạn sẽ phải nhận lấy hàng chục, hàng trăm lời từ chối trước khi có vận may mỉm cười với bạn. Vì vậy, đừng bao giờ cảm thấy vô vọng và mất niềm tin vào con người khi không thấy bàn tay nào chìa ra và kéo bạn lại, bởi những sự từ chối hững hờ đó là cái giá phải trả nếu bạn đi du lịch bụi bằng cách này. Thế nhưng hãy luôn mỉm cười với tất cả mọi người, cám ơn cả những người từ chối bạn và chúc họ may mắn, vì chỉ bằng cách cho đi những năng lượng tích cực, những điều tích cực mới có thể quay lại tìm bạn.

Bởi tôi đã quá quen với việc bị từ chối, vậy nên khi không được phép ngủ trong phòng bảo vệ của cơ quan thu phí, hay thậm chí không được dựng lều trong khuôn viên cơ quan, tôi cũng không reo rắc sự cau có và bực dọc lên tinh thần của mình. Tôi chấp nhận tối hôm đó sẽ dựng lều bên ngoài khuôn viên cơ quan, dưới bầu trời đêm được dự báo có bão và mưa, gần đường quốc lộ với những tiếng bíp bíp ồn ào của xe khách và những âm thanh ruỳnh ruỳnh của xe tải chạy qua. Cảm giác lo lắng cho sự an toàn của bản thân mình được an ủi đáng kể khi mà ngay cạnh nơi tôi dựng lều có các bác công an và thanh tra giao thông làm việc thâu đêm suốt sáng.

thumb_IMG_2840_1024-1024x768.jpg

Chúng ta thường sẽ cảm thấy được che chở khi đứng bên cạnh những thứ lớn hơn mình. Có chiếc xe này đỗ gần chiếc lều tôi ngủ, tôi không cảm thấy lo lắng chút nào trước viễn cảnh liên quan tới trộm cướp hay nghiện ngập.

Chìm vào giấc ngủ với những lời lẩm nhẩm cầu mong cho tối hôm đó trời không đổ mưa, tôi hoàn toàn không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng thây kệ, ngủ cái đã!

thumb_IMG_2848_1024-1024x768.jpg

Đương nhiên là không thoải mái, nếu bạn đang thắc mắc.


Chi phí sau ngày thứ 2: 10 nghìn (cho một chai 1,5l)

Tổng chi phí tính đến hết ngày thứ 2: 20 nghìn

Tổng số km di chuyển bằng cách đi nhờ xe: 430km

Vị trí cuối ngày: Đèo Ngang, Quảng Bình

Suy nghĩ trong ngày: Đối với tôi, hay với những người không phải nếm trải sự khó khăn và vất vả khi phải mưu sinh trên những cánh đồng, khung cảnh thôn quê luôn hiện lên như một bức tranh đẹp đẽ, hài hòa về màu sắc và hợp lí về bố cục. Thế nhưng, đối với những người nông dân phải kiếm miếng cơm manh áo từ những tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hình ảnh của cánh đồng lúa có thể đơn giản chỉ gắn liền với những giọt mồ hôi, nước mắt nặng nhọc mà thôi.

thumb_DSC01594_1024-1024x768.jpg

Đã từng có trải nghiệm làm việc tại trang trại khi còn ở Úc, tôi có thể cảm nhận được những cái lưng tê nhức, những đôi chân chai sạn và những đôi bàn tay mỏi mệt đang làm việc trên đồng.

Artport.vn
 
Trước hết, có nhiều người hỏi tôi tại sao tôi có nhiều thời gian và kiên nhẫn đến vậy để nhất quyết chỉ di chuyển bằng cách đi nhờ xe rủi ro và đầy khó khăn. Tôi là một sinh viên sắp ra trường, đang thực hiện một thứ gọi là gap year và theo dõi từ đầu đến cuối hành trình đi nhờ xe này để hiểu tại sao đi nhờ xe lại là một chất gây nghiện đối với tôi.

Ngày 3 - Đèo Ngang, Quảng Bình đến Huế, Thừa Thiên Huế


Có lẽ bởi sự thật rằng tối hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi dựng lều ngủ ngoài trời, trong sự lo lắng bầu trơi đêm có thể trở mình trút nước xuống cái lều tội nghiệp của tôi, khiến cả đêm tôi giật mình tỉnh dậy vô số lần. À phải rồi, chắc tại tôi nằm ngủ ngay gần đường quốc lộ nên tiếng còi xe chạy qua đọng lại trong không trung dễ dàng tìm đến và phá quấy giấc ngủ của tôi đây mà. Mở mắt lúc 6 rưỡi sáng, tôi thở dài một tiếng an lòng khi nhận thấy mình vẫn yên ổn tới giờ, không bị ướt sũng dưới cơn mưa được dự báo nhưng không xuất hiện, không bị cướp bóc hay hãm hại chút nào bởi kẻ xấu "nào đó" mọi người vẫn thường rỉ tai nhau nghe. Thế giới này không tệ hại như bạn tưởng.

thumb_IMG_2850_10241.jpg

Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng lều để ngủ ngoài trời. Vậy nên sau khi làm rách một góc lều, tôi ngủ không yên khi tưởng tượng ra đủ loại giun bọ sẽ bò vào trong lều
Kéo phéc-mơ-tuya lều ngủ một nửa vòng tròn, tôi hứng khởi thò đầu ra khỏi chiếc kén bị ẩm ướt đôi chút vì sương sớm, và được chào đón bằng hình ảnh bác thanh tra đang đi vệ sinh cách đó tầm chục mét, quay mông lại với tôi. Câu chào buổi sáng chưa bao giờ ngại ngùng đến vậy.

IMG_2851.jpg

Khung cảnh sáng sớm. Rõ ràng, phơi quần áo lên nóc lều qua đêm không phải là một ý hay khi mà giờ đây quần áo tôi còn ướt hơn so với hôm qua vì sương...

Thu dọn đồ đạc xong xuôi, tôi mò vào phòng vệ sinh của cơ quan thu phí sau khi nhận được sự đồng ý của anh bảo vệ. Vệ sinh cá nhân và vấn đề giặt-phơi quần áo là một trong những trở ngại phiền toái nhất của việc đi du lịch bụi. Nếu bạn đã quen với việc có thể dễ dàng tìm đến phòng tắm hay phòng vệ sinh khi sống tại thành phố, du lịch bụi có thể trở thành ác mộng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân của bạn. Đôi khi, bạn sẽ chẳng tìm thấy toilet nào ngoài thiên nhiên, và nguồn nước sạch và ấm duy nhất chỉ có tại nhà dân xung quanh khiến cho những người hướng nội, ngại giao tiếp sẽ phải vận dụng hết chức năng của gan để nhu cầu cơ bản mỗi sáng của họ được giải quyết.

Nhu cầu giặt-phơi cũng vậy, trừ khi bạn được nghỉ tại nhà dân, việc phải di chuyển liên tục sẽ dấy lên nỗi lo quần áo bị ẩm mốc, và tệ hơn là không có quần áo khô để mặc.

thumb_IMG_2852_1024-1024x768.jpg

Tận dụng trời nắng, và anh bảo vệ đang không để ý, tôi vắt tạm quần áo lên hàng rào cơ quan, hi vọng sau một tiếng quần áo tôi đủ khô để có thể đi tiếp.

Đi nhờ xe lần thứ nhất trong ngày

Vậy là tôi lại lên đường. Khoác lên mình chiếc balo giờ đã nhẹ bớt sau khi đống thức ăn hộp đã chui tọt vào bụng sau bữa tối hôm trước, tôi cuốc bộ dọc theo đường quốc lộ như thường lệ. Còn khoảng 1300km nữa tôi sẽ đến được thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đi bộ qua trạm thu phí và nhận được những ánh nhìn tò mò của các bác đang xây dựng công trình gần đó. Tôi mỉm cười và vẫy tay với họ một cách vô lo vô nghĩ như thể phía trước đang có taxi dành riêng cho tôi chờ sẵn. Lúc này, tôi không cảm thấy chút lo lắng nào về chặng đường dài nẫu ruột phía trước, mà chỉ quan tâm đến việc tôi có thể tìm bữa ăn sáng của mình ở đâu. Có thực mới vực được đạo. Có cái bụng chắc và đầy tôi mới có đủ sức để tiếp tục đưa tay lên trời, vẫy một cách cầu khẩn với mọi chiếc xe chạy ngang qua. Vì vậy, tôi tạt vào một quán ăn ven đường sau khi mới đi bộ được khoảng 10 phút.

Nhưng tôi cũng không nhớ nổi vì lí do gì mà tôi không dùng bữa sáng tại đó, mà chỉ mua một chai nước 1,5l rồi lại đi tiếp. Tôi hờ hững đánh mắt vội vàng với chiếc xe tải đang đánh lái ra khỏi quán ăn, với biển số 36 (biển Thanh Hóa) được in lên tờ giấy dán trên cửa kính, khi tin rằng những chiếc xe mang biển số như vậy sẽ chẳng chạy quá xa khỏi Thanh Hóa là bao. Nếu bạn có ý định đi nhờ xe đường dài như tôi, hãy thử vận may với những chiếc xe mang biển số của khu vực mà bạn muốn tới. Chẳng hạn, nếu bạn muốn đi nhờ xe từ Nam ra Hà Nội, hãy lao ra đường và chặn những chiếc xe mang biển số 29, 30, 31 nếu chúng xuất hiện.

123.png
Chiếc xe đã đưa tôi đi từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có biển số Hưng Yên. Nếu các bạn đi nhờ xe từ Nam ra Bắc, hãy nhắm những chiếc xe có biển số như thế này

Vậy là tôi lại quay trở về tâm sự với người bạn trung thành nhất trong hành trình của mình - con đường quốc lộ nối liền Bắc Nam - mà không thể biết nổi chiếc xe sẽ đưa tôi đi tiếp đang ở đâu, bao giờ sẽ xuất hiện, và sẽ đưa tôi đi được bao xa. Những băn khoăn và lo lắng mới chớm xuất hiện trong đầu tôi chưa đầy một phút, thì câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề đã nháy xi nhan, tấp vào lề. Kiên nhẫn và chờ đợi.

Mặc dù từng có kinh nghiệm với hơn 4 nghìn cây số đi nhờ xe khi còn ở Úc, đôi lúc tôi vẫn không thể tin được đi nhờ xe ở Việt Nam có thể dễ dàng và đơn giản như vậy. "Trời ơi chẳng lẽ tôi muốn đi bộ cũng không được sao, tại sao mọi người cứ chui từ đâu ra bắt tôi phải lên xe vậy?", tôi nghĩ đùa trong đầu như vậy trước sự hào phóng bình dị đến bất ngờ của người những người không hề quen biết.

Tôi nhận thấy, khả năng mình gặp phải tài xế bất lương trên đường chỉ nhỏ như khả năng trúng số độc đắc vậy. Trước chuyến đi, tôi cũng hay hoang tưởng rằng từ "người lạ" đồng nghĩa với "người xấu", bởi chúng ta thường sợ những thứ chúng ta không hiểu. Chẳng phải ai cũng được dạy rằng không đi theo người lạ, không nhận đồ của người lạ, không nói chuyện với người lạ sao? Từ đó, cụm từ "người lạ" phần nào đó trở thành danh từ gói gọn tất cả những người chúng ta chưa từng tiếp xúc lại với nhau, buộc chun xung quanh họ thật chắc, rồi dùng băng keo gắn cho họ cái mác người chắc-là-xấu. Tuy nhiên, trong cộng đồng hitchhiker (người đi nhờ xe) vẫn có một câu nói nửa đùa nửa thật về vấn đề an toàn khi đi nhờ xe như thế này: "Chỉ cần một thằng dở chứng mà thôi...".

Tôi mở cửa xe, ngóc đầu lên cười với anh tài xế và hỏi "Anh đang đi đâu thế ạ?".

(còn tiếp chớ)
Artport.vn
 
@onelove
Đúng là có một số điều con trai có lợi thế hơn so với con gái. Nhưng để nói về hitch-hiking, xin đừng lấy giới tính làm lí do ngăn cản bạn làm điều này. Cá nhân mình biết 2 nữ hitch-hiker ở Việt Nam. Một chị chuẩn bị hitch-hike Đông Dương cuối tháng này sau khi hitch-hike Tây Bắc một mình. Một em sinh năm 96 cũng dám thử hitch-hike và trở về an toàn lành lặn, toàn gặp những người tốt trên đường, và vẫn ấp ủ dự định đi tiếp. If there's a will, there's a way. Còn lại là lí do mà thui.
 
Mình cũng mới trải qua 1 chuyến đi và nhận ra rằng không phải cứ an toàn trở về là tốt đẹp. Có nhiều vấn đề sinh ra là để đổ lên đầu con gái. :) :) kiểu kiểu đó. Quyết định đi đâu, làm gì không hẳn chỉ cho bản thân mà còn vì những người xung quanh.
Mình tự thấy đó là hạn chế bắt buộc phải sống chung. Cái cố gắng được là cân bằng nó.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,444
Bài viết
1,147,316
Members
193,505
Latest member
w88vtvcom
Back
Top