Trước hết, có nhiều người hỏi tôi tại sao tôi có nhiều thời gian và kiên nhẫn đến vậy để nhất quyết chỉ di chuyển bằng cách đi nhờ xe rủi ro và đầy khó khăn. Tôi là một sinh viên sắp ra trường, đang thực hiện một thứ gọi là
gap year và theo dõi từ
đầu đến cuối hành trình đi nhờ xe này để hiểu tại sao đi nhờ xe lại là một chất gây nghiện đối với tôi.
Ngày 3 - Đèo Ngang, Quảng Bình đến Huế, Thừa Thiên Huế
Có lẽ bởi sự thật rằng tối hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi dựng lều ngủ ngoài trời, trong sự lo lắng bầu trơi đêm có thể trở mình trút nước xuống cái lều tội nghiệp của tôi, khiến cả đêm tôi giật mình tỉnh dậy vô số lần. À phải rồi, chắc tại tôi nằm ngủ ngay gần đường quốc lộ nên tiếng còi xe chạy qua đọng lại trong không trung dễ dàng tìm đến và phá quấy giấc ngủ của tôi đây mà. Mở mắt lúc 6 rưỡi sáng, tôi thở dài một tiếng an lòng khi nhận thấy mình vẫn yên ổn tới giờ, không bị ướt sũng dưới cơn mưa được dự báo nhưng không xuất hiện, không bị cướp bóc hay hãm hại chút nào bởi kẻ xấu "nào đó" mọi người vẫn thường rỉ tai nhau nghe. Thế giới này không tệ hại như bạn tưởng.
Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng lều để ngủ ngoài trời. Vậy nên sau khi làm rách một góc lều, tôi ngủ không yên khi tưởng tượng ra đủ loại giun bọ sẽ bò vào trong lều
Kéo phéc-mơ-tuya lều ngủ một nửa vòng tròn, tôi hứng khởi thò đầu ra khỏi chiếc kén bị ẩm ướt đôi chút vì sương sớm, và được chào đón bằng hình ảnh bác thanh tra đang đi vệ sinh cách đó tầm chục mét, quay mông lại với tôi. Câu chào buổi sáng chưa bao giờ ngại ngùng đến vậy.
Khung cảnh sáng sớm. Rõ ràng, phơi quần áo lên nóc lều qua đêm không phải là một ý hay khi mà giờ đây quần áo tôi còn ướt hơn so với hôm qua vì sương...
Thu dọn đồ đạc xong xuôi, tôi mò vào phòng vệ sinh của cơ quan thu phí sau khi nhận được sự đồng ý của anh bảo vệ. Vệ sinh cá nhân và vấn đề giặt-phơi quần áo là một trong những trở ngại phiền toái nhất của việc đi du lịch bụi. Nếu bạn đã quen với việc có thể dễ dàng tìm đến phòng tắm hay phòng vệ sinh khi sống tại thành phố, du lịch bụi có thể trở thành ác mộng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân của bạn. Đôi khi, bạn sẽ chẳng tìm thấy toilet nào ngoài thiên nhiên, và nguồn nước sạch và ấm duy nhất chỉ có tại nhà dân xung quanh khiến cho những người hướng nội, ngại giao tiếp sẽ phải vận dụng hết chức năng của gan để nhu cầu cơ bản mỗi sáng của họ được giải quyết.
Nhu cầu giặt-phơi cũng vậy, trừ khi bạn được nghỉ tại nhà dân, việc phải di chuyển liên tục sẽ dấy lên nỗi lo quần áo bị ẩm mốc, và tệ hơn là không có quần áo khô để mặc.
Tận dụng trời nắng, và anh bảo vệ đang không để ý, tôi vắt tạm quần áo lên hàng rào cơ quan, hi vọng sau một tiếng quần áo tôi đủ khô để có thể đi tiếp.
Đi nhờ xe lần thứ nhất trong ngày
Vậy là tôi lại lên đường. Khoác lên mình chiếc balo giờ đã nhẹ bớt sau khi đống thức ăn hộp đã chui tọt vào bụng sau bữa tối hôm trước, tôi cuốc bộ dọc theo đường quốc lộ như thường lệ. Còn khoảng 1300km nữa tôi sẽ đến được thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đi bộ qua trạm thu phí và nhận được những ánh nhìn tò mò của các bác đang xây dựng công trình gần đó. Tôi mỉm cười và vẫy tay với họ một cách vô lo vô nghĩ như thể phía trước đang có taxi dành riêng cho tôi chờ sẵn. Lúc này, tôi không cảm thấy chút lo lắng nào về chặng đường dài nẫu ruột phía trước, mà chỉ quan tâm đến việc tôi có thể tìm bữa ăn sáng của mình ở đâu. Có thực mới vực được đạo. Có cái bụng chắc và đầy tôi mới có đủ sức để tiếp tục đưa tay lên trời, vẫy một cách cầu khẩn với mọi chiếc xe chạy ngang qua. Vì vậy, tôi tạt vào một quán ăn ven đường sau khi mới đi bộ được khoảng 10 phút.
Nhưng tôi cũng không nhớ nổi vì lí do gì mà tôi không dùng bữa sáng tại đó, mà chỉ mua một chai nước 1,5l rồi lại đi tiếp. Tôi hờ hững đánh mắt vội vàng với chiếc xe tải đang đánh lái ra khỏi quán ăn, với biển số 36 (biển Thanh Hóa) được in lên tờ giấy dán trên cửa kính, khi tin rằng những chiếc xe mang biển số như vậy sẽ chẳng chạy quá xa khỏi Thanh Hóa là bao. Nếu bạn có ý định đi nhờ xe đường dài như tôi, hãy thử vận may với những chiếc xe mang biển số của khu vực mà bạn muốn tới. Chẳng hạn, nếu bạn muốn đi nhờ xe từ Nam ra Hà Nội, hãy lao ra đường và chặn những chiếc xe mang biển số 29, 30, 31 nếu chúng xuất hiện.
Chiếc xe đã đưa tôi đi từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có biển số Hưng Yên. Nếu các bạn đi nhờ xe từ Nam ra Bắc, hãy nhắm những chiếc xe có biển số như thế này
Vậy là tôi lại quay trở về tâm sự với người bạn trung thành nhất trong hành trình của mình - con đường quốc lộ nối liền Bắc Nam - mà không thể biết nổi chiếc xe sẽ đưa tôi đi tiếp đang ở đâu, bao giờ sẽ xuất hiện, và sẽ đưa tôi đi được bao xa. Những băn khoăn và lo lắng mới chớm xuất hiện trong đầu tôi chưa đầy một phút, thì câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề đã nháy xi nhan, tấp vào lề. Kiên nhẫn và chờ đợi.
Mặc dù từng có kinh nghiệm với hơn 4 nghìn cây số đi nhờ xe khi còn ở Úc, đôi lúc tôi vẫn không thể tin được đi nhờ xe ở Việt Nam có thể dễ dàng và đơn giản như vậy. "Trời ơi chẳng lẽ tôi muốn đi bộ cũng không được sao, tại sao mọi người cứ chui từ đâu ra bắt tôi phải lên xe vậy?", tôi nghĩ đùa trong đầu như vậy trước sự hào phóng bình dị đến bất ngờ của người những người không hề quen biết.
Tôi nhận thấy, khả năng mình gặp phải tài xế bất lương trên đường chỉ nhỏ như khả năng trúng số độc đắc vậy. Trước chuyến đi, tôi cũng hay hoang tưởng rằng từ "người lạ" đồng nghĩa với "người xấu", bởi chúng ta thường sợ những thứ chúng ta không hiểu. Chẳng phải ai cũng được dạy rằng không đi theo người lạ, không nhận đồ của người lạ, không nói chuyện với người lạ sao? Từ đó, cụm từ "người lạ" phần nào đó trở thành danh từ gói gọn tất cả những người chúng ta chưa từng tiếp xúc lại với nhau, buộc chun xung quanh họ thật chắc, rồi dùng băng keo gắn cho họ cái mác người chắc-là-xấu. Tuy nhiên, trong cộng đồng hitchhiker (người đi nhờ xe) vẫn có một câu nói nửa đùa nửa thật về vấn đề an toàn khi đi nhờ xe như thế này: "Chỉ cần một thằng dở chứng mà thôi...".
Tôi mở cửa xe, ngóc đầu lên cười với anh tài xế và hỏi "Anh đang đi đâu thế ạ?".
(còn tiếp chớ)
Artport.vn