What's new

[Chia sẻ] Qua miền Trung nắng gió

Phi trường Tân Sơn Nhất chiều mưa, nhớ chiều vàng lênh đênh trên biển xanh ngắm rặng san hô kỳ ảo dưới chân hòn Bà, nhớ trưa hè rong ruổi trong vườn quốc gia Phong Nha-Kẽ Bàng, nhớ những ngày nắng đổ lửa và đêm nóng hầm hập thơ thẩn ở Huế hay lê la ở Hội An...biết bao điều để nhớ...
Chuyến đi của tôi bắt đầu vào một ngày giữa tháng 6 kết hợp với chuyến team building của công ty. Thủ trong người quyển bí kíp "Du lịch 3 miền: Trung" của Bửu Ngôn, đôi sandal dưới chân, balo trên vai và cây súng tòn ten thế là tôi lên đường thỏa mãn cơn thèm thuồng cái nắng cháy da và những cơn gió khô không khốc của miền Trung.

39749_1366733447965_1220532566_30909795_6674711_n.jpg

Lộ trình của chuyến đi như sau:
Ngày 1: Sài Gòn - Đà Nẵng (theo tour) - Nghỉ đêm trên đỉnh Bà Nà
Ngày 2,3: tham quan Đà Nẵng, Hội An, nghỉ đêm ở Đà Nẵng (theo tour)
Ngày 4: Cù lao Chàm
- Đi tàu từ Cửa Đại ra cù lao Chàm
- Ngắm san hô ở bãi Xéo (san hô chết)
- Tắm biển ở bãi đá Chồng
- Chia tay đoàn lên đảo tìm chổ nghỉ
- Chiều đi ngắm san hô ở chân hòn Bà (san hô sống)
- Nghỉ đêm trên Cù lao
Ngày 5: cả ngày rong ruổi từ Cù Lao Chàm đi Đồng Hới (Quảng Bình)
Ngày 6: thăm động Phong Nha và rừng quốc gia Phong Nha-Kẽ Bàng (cưỡi ngựa xem hoa)
- Buổi sáng tham quan động khô và động ướt
- Buổi trưa đi men theo đường 20 và đường Hồ Chí Minh vào rừng quốc gia Phong Nha-Kẽ Bàng
- Về Đồng Hới đón xe đi Huế
Ngày 7: du ngoạn Huế bằng xe đạp
- Sáng tham quan Đại Nội
- Chiều đạp xe qua lăng Tự Đức, điện Hòn Chén
- Tối đi thuyền trên sông Hương nghe hò Huế
Ngày 8: du ngoạn Huế bằng xe máy
- Sáng đi chùa Thiên Mụ và Chùa Huyền Không Sơn Thượng
- Chiều tham quan đan viện Thiên An, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng và chùa Từ Hiếu
- Tối dạo cầu Trường Tiền
Ngày 9: Về Hội An đón đêm rằm phố cổ
Ngày 10: Đà Nẵng - Sài Gòn
Tổng thiệt hại: 3tr500K không tính vé máy bay khứ hồi và chi phí những ngày đi theo tour.
 
Last edited:
Qua miền Trung nắng gió: Huế

Theo chân một đoàn khách du lịch đang tham quan điện Thái Hòa, tôi may mắn được nghe cô hướng dẫn viên giải thích về lịch sử và những công trình bên trong thành nội, một quần thể cung điện qui mô mà hiện giờ hầu hết chỉ còn là phế tích đang trong quá trình phục dựng. Phía sau điện Thái Hòa là hai màn hình LCD 3D trình chiếu các đoạn phim về Tử Cấm Thành được phục dựng lại. Đành rằng sự giúp đỡ về kinh phí và nhân lực trong quá trình phục dựng và bảo tồn một công trình được công nhận là di sản thế giới là rất đáng trân trọng, nhưng sự hiện diện của các thiết bị tối tân ở đây dường như làm đã làm mất đi phần nào vẻ cổ kính vốn có của di tích và mang tính quảng cáo cho thương hiệu Samsung nhiều hơn.
Rời điện Thái Hòa, tôi theo đoàn tham quan qua những con đường rợp bóng cây xanh để đến Thái Miếu và Hiển Lâm Các.

35691_1342599004619_1220532566_30850534_798619_n.jpg


4970638459_58711cc94c_b.jpg

Thế miếu là nơi thờ phụng 13 vị vua triều Nguyễn, trong ảnh là bàn thờ của vua Minh Mạng, vị vua nhiều vợ, nhiều con nhất trong 13 đời vua, và còn nhiều cái nhất khác nữa...

35309_1342598284601_1220532566_30850532_3244328_n.jpg

Hiển Lâm Các là nơi tưởng niệm những vị Công thần lập nên Triều Nguyễn, tòa lầu ba tầng cao 17m, theo quy định của triều đình thì không tòa nhà nào trong hoàng thành (bờ Bắc sông Hương hiện nay) được xây cao hơn Hiển Lâm Các.

Các công trình kiến trúc bên trong Tử Cấm Thành đều có các cổng vào được trang trí khá cầu kì băng các hoa văn sành sứ khảm nổi.

35691_1342599124622_1220532566_30850537_3613197_n.jpg

Cổng sau Thái miếu

35691_1342599164623_1220532566_30850538_5165835_n.jpg

Cửa Chương Đức, dành cho phụ nữ ra vào thành

Lịch trình của hầu hết các đoàn tham quan kết thúc tại Hiền Lâm Các. Tôi lân la theo những con đường rợp bóng cây để tránh cái nắng sáng gay gắt và tìm đến các di tích khác còn lại trong Tử Cấm Thành.

35691_1342599204624_1220532566_30850539_7753734_n.jpg

Cung Diên Thọ nơi ở của mẹ vua

35691_1342599324627_1220532566_30850542_3769639_n.jpg

Phước Thọ Am nơi thờ Phật của Hoàng Thái Hậu
 
Last edited:
Qua miền Trung nắng gió: Huế

Dạo hết một vòng thành nội, tôi tạc qua viện bảo tàng nắm một số hình ảnh về cung đình thời xưa.

36382_1342599964643_1220532566_30850544_7523583_n.jpg

Cung nữ và thái giám sao mà già và xấu thế, không giống trong phim gì hết!

Mệt lả cả người, tôi dừng lại gần của Hiền Nhơn ngỉh mệt, chai nước 1.5 đem theo từ sáng đã cạn, cái nắng miền Trung thật là nồng nàng đến khó tả!
Tình cờ tôi phát hiện ra trong khu vườn xanh mát gần đó là hai chú voi nhởn nhơ gặm cỏ, một em khoai tây đang đứng phẩy phẩy tay để cố nói chuyện với voi.


36382_1342600044645_1220532566_30850546_286362_n.jpg

Chia tay hoàng cung trong nắng trưa, tôi đạp xe một mạch qua đường Nguyễn Bình Khiêm thường thức món bánh nậm bà Đó, món ăn mà theo cuốn sách du lịch là không thể bỏ qua. Chỉ nghe giọng miền Nam và nhìn vẻ mặt ngơ ngơ là bác chủ quán đề nghị ngay tôi nên thử một dĩa thập cẩm cho biết. Thật không uổng công đi xa đến vậy, nào là bánh bèo, bánh nậm, nào là bánh ram ít lại thêm miến chả tôm...nhìn thôi là đã thấy thèm. Tiếc là lúc đó đói quá nên ăn ngấu nghiến đến khi nhớ ra việc chụp ảnh thì cái dĩa bánh đã sạch sành sanh. Thong thả đạp xe trở về khách sạn và làm một giấc đến 1g chiều, tôi lại lên đường cho hành trình viếng một số lăng mà theo cuốn sách hướng dẫn "chỉ khoảng 15km".
Khởi động bằng vài con dốc nhẹ nhàng trên đường Điện Biên Phủ, tế đàn Nam Giao hiện ra giữa rừng thông xang ngút ngàn như một ốc đảo giữa trưa hè sa mạc. Tôi thật sự ngạc nhiên về sức sống của những cây thông giữa một xứ sở nóng thế này.

37254_1344412289950_1220532566_30853856_4159263_n.jpg


37254_1344412329951_1220532566_30853857_4992263_n.jpg

Đây là nơi cầu cho mưa thuận gió hòa, gồm ba tầng tượng trưng cho trời đất và con người, để có được đồi thông xanh này biết bao đời vua quan triều Nguyễn đã cùng trồng (nghe giống phong trào Tết trồng cây của Bác Hồ vậy)

Cách Đàn Nam Giao không xa là một ngã ba rẻ lên đồi Vọng Cảnh, do trưa hè nắng gắt trông gà hóa cuốc nên tôi ì ạch leo lên con dốc cao rồi lại đổ xuống mấy con dốc nữa, từ đường trải nhựa sang đường đá cấp phối, đến khi nhận ra mình lạc đường thì đã muộn, đành quay lên mấy con dốc và trở ra.

37254_1344412409953_1220532566_30853859_1015218_n.jpg

Trên con đường lên lăng Tự Đức, đầy những hàng bán hương nhiều màu sắc...
 
Qua miền Trung nắng gió: Huế

Loay hoay gửi xe rồi mua vé 30K vô lăng vừa may gặp ngay một đoàn khách tham quan thế là lại được nghe cô hướng dẫn viên trong tà áo dài thuyết minh về lăng Tự Đức với giọng Huế nhẹ nhàng. Cách cổng vào không xa, một ao sen xanh mát hiện ra với một tiểu đảo xung quanh có hai nhà thủy tạ nho nhỏ. Những bức tường đã nhuốm màu thời gian nhưng không làm toát lên vẻ u buồn của một lăng mộ, trái lại vẻ đẹp thanh tao toát lên từ những mái ngói vàng tươi, sắc xanh của sen và những đồi thông xanh hay vẻ mộc mạc đơn sơ của mái nhà thủy tạ khiến người thưởng ngoạn có cảm giác thư thái nhẹ nhàng. Đó có lẽ là ý tường của vua Tự Đức khi xây dựng khu lăng tẩm này, một nơi để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc và yên giấc nghìn thu một cách thanh thản, không u sầu bởi sinh tử là quy luật của tự nhiên.

35717_1344413089970_1220532566_30853860_5179296_n.jpg

Ao sen trước lăng

36442_1344437970592_1220532566_30853889_1209273_n.jpg

Leo lên những bậc thang của cổng tam quan, giang điện thờ đầu tiên hiện ra

35717_1344413209973_1220532566_30853863_7671869_n.jpg

Qua khỏi gian điện chính đến một gian điện thờ khác với mái ngói màu xám, đây chính là nơi thờ phụng bà Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.

Chịu khó lắng nghe cô hướng dẫn viên, tôi được biết thêm đây là lăng tẩm duy nhất có thờ mẹ vua. Những câu chuyện về sự hiếu kính của ông đối với mẹ tức bà Từ Dũ khiến đời sau phải ngưỡng mộ. Đáng tiếc khu lăng tẩm xinh đẹp này đã được đổi bằng mồ hôi và xương máu của quá nhiều người khiến lòng dân phẫn nộ, trong những năm ông trị vì giặc giả nổi lên khắp nơi và quân Pháp bành trường thế lực ở miền Nam, nên về sau vua Tự Đức đã đặt tên lăng của mình là Khiêm Lăng và những kiến trúc bên trong đều bắt đầu bằng chử "khiêm" hàm ý ông là một vị vua thất bại.
Định đi một vòng ra phía sau để tham qua nhà bia thì bất ngờ trời đổ cơn mưa. Đứng dưới mái hiên nhà thủy tạ trú mưa, lặng lẽ ngắm những giọt mưa bay bay trên mái ngói gợi lại hình ảnh: "chiều nay mưa trên phố Huế, biết ai đã quên ai rồi...", tôi quả thật may mắn vì được ngắm con mưa Huế dù chỉ là cơn mưa mây thoáng qua trong giây phút, để rồi sau này mỗi lần nghe Mưa trên phố Huế nỗi buồn của những cơn mưa cố đô sẽ thấm đẫm hơn trong tâm hồn.

35717_1344413289975_1220532566_30853865_1891951_n.jpg

Mưa rơi trên mái ngói

35717_1344413249974_1220532566_30853864_814686_n.jpg

Giọt mưa đọng lại trên những lá sen

35717_1344413329976_1220532566_30853866_5079266_n.jpg

Sau cơn mưa, vòng ra sau lăng tôi bắt gặp những tượng đá của voi, ngưa, quan quân có kích thước nhỏ hơn người thật, anh hướng dẫn đứng gần đó giải thích rằng vì vua không cao nhưng luôn muốn người khác phải ngước nhìn! Hóa ra thiếu thước tấc cũng có lợi trong nhiều trường hợp.

36442_1344437890590_1220532566_30853887_379010_n.jpg

Nụ hoa sen sau cơn mưa

Định sẽ vào tham quan lăng Đồng Khánh gần đó, được giới thiêug là được gìn giữ khá nguyên vẹn đến cả những thứ đồ linh tinh của vua như cây quạt cũ kỹ hay những trang giấy còn nguyên thủ bút của vị vua chỉ tại vị trong 2 năm ngắn ngủi. Tiếc thay đến nơi thì lăng đang trong giai đoạn trùng tu nên không được vào tham quan.
Tiếp tục đạp xe theo con đường "tà đạo" mà cuốn sách hướng dẫn vạch ra, tôi đến bến đò đi điện Hòn Chén, tốn 20K bao nguyên con đò qua điện tham quan nhưng chẳng có nhiều thứ để xem ở đây, vắng qua nên chú bảo vệ cũng chả thèm bán vé, chủ bảo thích thì cứ cúng một ít tiền vào hòm công quả tùy lòng hảo tâm, thôi thì đành an ủi là cũng đã đi thuyền trên một khúc sông Hương vậy. Quay về định vào lăng Thiệu Trị nhưng nhìn từ ngoài vào thấy nhỏ qua thế là đi luôn...
Dại khờ theo con đường lên lăng Khải Định, đường xấu và lắm dốc quanh co, nhưng nhờ vậy mà tôi gặp được em, hai đứa đạp xe trên con đường quanh co lắm dốc, vào đến lăng thì đã gần đến giờ đóng cửa, nhìn tiếc nuối, không biết tiếc cho sự muộn màng hay tiếc bóng ai...dù sao mười mấy cây số đường về sau đó đôi chân đã không còn biết mỏi...
 
Re: Qua miền Trung nắng gió: Huế

35309_1342598364603_1220532566_30850533_4188161_n.jpg
[/center]

Thái miếu là nơi thờ phụng 13 vị vua triều Nguyễn, trong ảnh là bàn thờ của vua Minh Mạng, vị vua nhiều vợ, nhiều con nhất trong 13 đời vua, và còn nhiều cái nhất khác nữa...

Theo như bức chân dung vị vua trên án thờ thì đó là gian thờ vua Tự Đức chứ không phải Minh Mạng (ông nội Tự Đức).

Khu mà bạn tham quan là Thế Miếu chứ không phải Thái Miếu. Thái Miếu thờ 9 vị chúa Nguyễn, nay đã hoàn toàn là phế tích. Thế Miếu thờ các vua Nguyễn thì còn nguyên vẹn như ta thấy ngày nay.
 
Re: Qua miền Trung nắng gió: Đà Nẵng

Quanh Thủy sơn còn có Vọng Hải Đài (ngắm biển) và Vọng Giang Đài (ngắm giang sơn).

Hic! Vọng hải đài chính xác là ngắm biển Đà Nẳng, nhưng Vọng Giang Đài không phải nghĩ quá rộng - mà bạn cắt nghĩa là ngắm giang sơn đâu! nó có nghĩa là ngắm sông Hàn, sông Cẩm Lệ ( vậy nên từ 2006 ĐN mới có quận Cẩm Lệ đó ) và sông Cổ Cò đó!
 
Last edited by a moderator:
Qua miền Trung nắng gió: Huế

@Chitto: em đã sửa lại theo góp ý của bác.
@Linhnam: lúc tham quan Vọng Giang Đài mình chỉ nghe loáng thoáng anh hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về nơi này nên đã chú thích sai, lần sau sẽ chú ý hơn, cảm ơn bạn đã giúp mình "xóa dốt".
===================================================================
Về đến Huế đã gần 6g tối, tôi vội vã tạt qua quầ vé Châu Tuấn trên đường Lê Lợi kiếm một vé nghe ca Huế trên sông Hương. Đã yêu giọng nói nhẹ nhàng của những cô gái Huế ngay từ buổi đầu đặt chân lên đất thần kinh nên tôi khó mà bỏ qua cơ hội được thưởng thức buổi biểu diễn này. Chú bán vé vốn quen biết với những đoàn ca Huế nên chẳng khó khăn để tìm một đoàn tối đêm đó để gửi tôi lên với danh nghĩa là cháu bà con xa (mất 60K để đánh đổi), theo lời giới thiệu của chú thì đây là một đoàn khá hay nhưng tôi không có cơ hội để kiểm chứng.
Về nhà trọ tắm rửa xong, tôi quay ra bến đò để kịp giờ lên thuyền. Chiếc thuyền rồng cập bến cho tôi lên rồi lại nổ máy quay lại khu vực giữa cầu Tràng Tiền và cầu Phú Xuân sau đó dừng lại để con thuyền trôi nhẹ nhàng trên dòng Hương lơ đãng. Bữa tiệc của đoàn khách trên thuyền cũng vừa tàn, ở một góc là bốn cô ca nhi trong những tà áo dài khăn đóng đang ngồi chuẩn bị, góc đối diện dàn nhạc gồm hai chú đánh đàn nguyệt và đàn nhị, một anh thổi sáo, một cô đánh đàn tranh cũng đã vào vị trí.
Tôi được xếp ngồi ngay sau lưng dàn nhạc. Buổi văn nghệ bắt đầu với bài Mưa trên phố Huế và khoảng 3-4 bài hát khác về Huế, xen kẽ những tiếc mục hát đối đáp, hò và ca Huế. Chương trình kết thúc bằng những tràng pháo tay và hoa (héo) từ những khán giả đã ngà ngà hơi men và tiết mục thả đèn trên sông.

36691_1344414009993_1220532566_30853870_7532580_n.jpg

Cung đàn lỗi nhịp...cô nhạc công đàn tranh đang chỉnh tông cho dây đàn chuẩn bị cho show diễn

36442_1344438010593_1220532566_30853890_7591952_n.jpg

Kiếp cầm ca...

36691_1344414049994_1220532566_30853871_1849345_n.jpg

Ban nhạc

36691_1344414089995_1220532566_30853872_6575470_n.jpg

Những ánh nến trên dòng Hương Giang

Khoảng 9g đêm show diễn kết thúc, tôi lại đạp xe qua bờ Bắc thưởng thức món chè hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Bạn có thể gặp rất nhiều quán chè Huế trên các tuyến đường khác, nhưng trong quyển sách du lịch đã giới thiệu quán này nên tôi đi thử. Tôi cứ đinh ninh một quán nổi tiếng thể thì chủ quán ắc hẳn khá lớn tuổi và có thâm niên "bán chè", nhưng thật bất ngờ hai cô chủ quán tuổi còn khá trẻ và ăn mặc khá model, duy có chất giọng thì vẫn còn "rất Huế". Hai cô cũng tỏ vẻ ngạc nhiên thích thú khi tôi trưng ra quyển sách Du lịch 3 miền có giới thiệu quán chè của mình trong đó. Khi được đề nghị chụp ảnh thì chỉ có cô chị đồng ý còn cô em thì khá là e thẹn.


36691_1344414129996_1220532566_30853873_1282213_n.jpg

Hàng chè Huế trong hẻm nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng

36691_1344414169997_1220532566_30853874_2655147_n.jpg

Cô hàng chè... ăn hai ly rồi mà vẫn muốn ăn thêm, chè ngọt hay cái gì khác ngọt...

Về gần đến nhà trọ thì bụng đói cồn cào, tôi ghé vào một quán khá vắng thưởng thức món bún thịt nướng kiều Huế. Món này không hợp khẩu vị cho lắm ngoài món nước chấm thị có vị là lạ với rất nhiều mè. Tối hôm đó tôi có một giấc ngủ thật ngon sau một ngày đạp xe và đắm chìm trong những hương vị của cố đô.
 
Sáng hôm sau tôi thức dậy khá sớm để mục kích "nắng hàng cau nắng mới lên". Khó mà tìm được những hàng cau hay "vườn ai mướt qua xanh như ngọc" ở Vĩ Dạ bây giờ, may mắn thay vẫn còn một con đường nhỏ ở Huế mà bạn có thể thả hồn theo những vần thơ của Hàn Mặc Tử, đó là xuân Phú Mộng. Theo sách hướng dẫn du lịch thì đây là nơi tập trung những nhà vườn Huế với những hàng cau, hàng chè tàu...những nếp nhà lẫn khuất sau những bức bình phong, hòn non bộ. Vùng Kim Long này cũng là nơi tập trung rất nhiều phủ của ông hoàng, bà chúa ngày xưa. Rút kinh nghiệm hôm trước, hôm nay tôi thuê xe máy để khỏi phải hành xác và tham quan được nhiều điểm hơn, nhwng do khù khờ mà vớ phải một em xe đã xuống cấp trầm trọng do chủ nhà nghỉ mướn dùm, thôi thì cứ đi hi vọng là đi tới nơi và về tới chốn.

35219_1349554098492_1220532566_30865640_7210882_n.jpg

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên...một điểm tham quan trên đường Phú Mộng...

35219_1349554138493_1220532566_30865641_6062401_n.jpg

Trong ngôi nhà đó, tuy không gặp khuôn mặt chữ điền nào, nhưng có lẽ đóa sen này là hình ảnh mà tôi ưng ý nhất trong cả chuyến đi..

Cuối đường Phú Mộng là gặp đường Kim Long, đi thêm quãng nữa là đến chùa Thiên Mụ, bắt đầu một buổi sáng dành cho chùa chiền.

34168_1349547858336_1220532566_30865597_2044300_n.jpg

Chùa Thiên Mụ, biểu tượng của Huế... trước cổng chùa, gốc phượng vĩ đỏ hoa soi bóng trên dòng Huơng Giang

34168_1349547898337_1220532566_30865598_4178038_n.jpg

Thân ai khổ như thân con rùa
Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia
Đã vậy còn bị người ta khắc tên và vẽ tùm lum lên nữa...rùa thiệt là khổ...



35227_1349547938338_1220532566_30865599_1018760_n.jpg

Cổng tam quan của chùa có 6 bức tượng, hình như là những vị thiên vương canh giữ cửa trời

34168_1349547978339_1220532566_30865600_5668339_n.jpg

Tháp Phước Duyên

38141_1349548418350_1220532566_30865601_8213270_n.jpg

Đúng là trời không phụ lòng người, cuối cùng thì cũng gặp được một em (chị thì đúng hơn) áo tím, nón tím luôn...chỉ tiếc chị này hơi quá tuổi để làm nữ sinh Đồng Khánh.
 
Qua miền Trung nắng gió: Huế

Khuôn viên chùa Thiên Mụ khá rộng, bên trái có một ao nhỏ thả nhiều cá chép, cạnh đấy là nơi đặt chiếc oto đã chở hòa thượng Thích Quảng Đức đi tự thiêu và nơi tu tập của các chú tiểu với một giàn cát đằng phủ bóng trước hiên. Phía sau chùa là khu rừng thông xanh, ao sen nho nhỏ với một vài nụ e ấp trong nắng vàng, thảm cỏ xanh trải ra mát mắt...khung cảnh và bầu không khí thanh tịnh khiến lòng người tĩnh tại.

38141_1349548538353_1220532566_30865604_8318276_n.jpg


38141_1349548498352_1220532566_30865603_7545174_n.jpg


38141_1349548578354_1220532566_30865605_6203142_n.jpg

Long tu hoa tím...

Rời chùa Thiên Mụ, tôi tiếp tục men theo con đường ven sông Hương để đến chùa Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa nằm nép mình trên đồi vắng. Đường đi xa và xấu hơn tôi tưởng, mấy bận cứ ngỡ chiếc cá tàng tôi thuê sắp rời ra từng bộ phận nhưng cuối cùng thì cũng đến được nơi cần đến một cách an toàn, thành tâm Phật độ! Giữa những ngọn đồi nhấp nhô chợt mở ra một khu vườn với những ao súng tím cả góc trời, giữa các ao là những tiểu đảo nho nhỏ nối với nhau bằng nhiều cây cầu hay những bục đá vừa bước chân...Chùa còn khá mới, mọi nơi đều được trang trí bằng thư pháp khá độc đáo. Chánh điện có cách bài trí khác hẳn những ngôi chùa mà tôi từng tham quan, giản dị mà vẫn toát lên một vẻ đẹp thanh thoát.

4982291391_68142748f9_b.jpg

Tím cả góc trời...

38141_1349548778359_1220532566_30865610_1916491_n.jpg

Chánh điện

Trong tương lai nếu con đường đến chùa được nâng cấp khách thập phương đến cãng cảnh chùa sẽ nhiều hơn, nhưng có lẽ sự yên tịnh và vắng vẻ phù hợp hơn cho một nơi tu tập của sư sải xa lánh khỏi bụi hồng trần và khách viếng chùa cũng tìm được sự tĩnh tâm nơi cửa Phật.
Ra khỏi cửa chùa những lo toan hằng ngày lại ập đến, diều đầu tiên tôi băn khoăn không biết trưa nay sẽ ăn gì, có thực mới vực được đạo, nhiều món đặc sản thật khó lựa chọn, cuối cùng tôi quyết định ăn bánh khoái tại quán Lạc Thiện trên đường Đinh Tiên Hoàng, kế bên là quán Lạc Thành, cả hai quán đều được bán bởi những người khiếm thính. Anh chủ quán bắt lên bếp một cái quánh (?) nhỏ đổ bột vào rồi cho thêm ít giá, tép và đập thêm vào một cái trứng, tiếng xèo xèo tạo nên cảm giác "khoái", thèm thuồng nơi thực khách. Cuối cùng một cái bánh nhỏ xinh giống bánh xèo được bày ra bên cạnh đĩa rau, dưa leo và một thứ quả là lạ cùng một chén nước chấm cũng là lạ. Đang phân vân không biết ăn thế nào thì anh chủ quán ra hiệu gấp một miếng bánh thêm một ít rau, tép tỏi và chan nước chấm vào rồi cứ thế mà xơi. Hượng vị là lạ cộng cái đói lammf nên một vị ngon khó tả của món ăn. Xong xuôi tôi mới chú ý bức tường cạnh đấy đầy chữ kí của thực khách tây có ta có...hầu hết đều thích thú với món bánh Khoái và ông chủ quán thân thiện.

34599_1349549858386_1220532566_30865616_5490536_n.jpg

Bánh Khoái
 
Qua miền Trung nắng gió: Huế

Trưa hè lại lang thang trên con đường rợp bóng thông xanh vào lăng Khải Định. Không còn bóng ai đạp xe bên cạnh, tôi rẽ vào con đường lên Đan Viện Thiên An, dù sao cả buổi chiều hôm nay chỉ còn hai khu lăng tẩm cần phải tham quan nên không việc gì phải vội. Tôi vốn nghĩ rằng đan viện là nơi luyện đan dược gì đó vì trong sách hướng dẫn có ghi tinh dầu tràm là một trong những sản phẩm nổi tiếng của nơi này. Lên đến nơi mới mới ngớ ra đây là một cơ sở tôn giáo lớn vơi nhiều kiến trúc lai Âu Á, nhà thờ mới với những ô cửa kính màu sắc tươi tắn, cạnh bên là tháp chuông 7 tầng có lẽ lấy cảm hứng từ những mái chùa cổ. Tôi vẫn chưa quen với cảm giác đi giữa những đồi thông ngút ngàn của xứ sở miền Trung đầy nắng gió này, cứ như đang thơ thẩn đâu đó trên Đà Lạt 40oC.

34599_1349549898387_1220532566_30865617_5748844_n.jpg

Đan viện Thiên An trưa hè

4986713400_d259ac9fca_b.jpg

Khung cảnh trong thánh đường giờ tu tập

Tiếp tục thẳng tiến lăng Khải Định. Sau khi đóng lệ phí 30K +5K tiền gửi chiếc xe xấu xí (trong khi hai bạn khoai tây thản nhiên dựng chiếc xe wave mới cáu cạnh trước lăng ra vô vẫn y nguyên). Khác hẳn với tông màu tươi sáng của lăng Tự Đức, lăng Khải Định phủ lên mình một màu xám xịt. Giữa cái nắng như thiêu đốt làn da của tôi đã chuyển sang màu đen đặc như thổ dân châu Phi, mồ hôi thì túa ra như tắm, nước uống bao nhiêu cũng không đã khát, nhìn những bậc thang xám nối tiếp nhau dẫn lên cái cổng sắt đen thui và mấy cái nhà cũng xám nốt, nhìn qua nhìn lại ngoài tôi ra chỉ có mấy bạn khoai tây, thiệt là nản! Thôi thì đã trót mua vé phải đi cho xứng đáng đồng tiền.

34599_1349549978389_1220532566_30865619_425486_n.jpg


4986157445_08b0e3b737_b.jpg

Xám toàn tập

Ngoài vẻ xám ảm đạm thì những đường nét trạm trổ bên ngoài các công trình nơi đây quả là những tuyệt tác công phu và sắc sảo và cái đáng xem nhất vẫn còn chờ tôi bên trong lăng.
Không khí bên trong lăng khá là dù đỡ nóng hơn bên ngoài nhưng vẫn khá oi bức nhưng bạn sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác khó chịu đó để đắm chìm vào những tuyệt tác khảm sành sứ phủ đầy các bức tườg trong lăng, đặc biệt là trên mộ phần của nhà vua. Khó có thể tin là những đường nét mềm mại đầy màu sắc và hết sức có hồn đó lại được tạo nên từ những mảnh sành sứ thô kệch. Từ những đóa hoa, rồng phượng, mây cho đến những bức bình phong, bàn thờ... tất cả đều rất sống động, đòi hỏi sự tỉ mỉ và thể hiện một trình độ nghệ thuật đỉnh cao đã được nâng lên thành một phong cách kiến trúc riêng độc đáo.

34599_1349550018390_1220532566_30865620_7390252_n.jpg


4986802678_fb6ccede33_b.jpg

Các tuyệt tác của nghệ thuật khảm sành sứ
 
Đọc loạt bài của bạn thích thiệt đấy. Khoái nhất là những lúc tùy cơ ứng biến, ăn cơm cùng anh gì ở Quảng Bình, ngủ nhà bác taxi, gia nhập đoàn cùng 9 cô tiên nữ xem động Phong Nha...Tiếp nhé bạn :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,618
Bài viết
1,154,004
Members
190,149
Latest member
inhopgiaycarton
Back
Top