What's new

Tây Nguyên - Những con đường lầm bụi

Nhớ một ly cà phê ở ngã sáu Ban Mê, tôi đi bộ ra phố, đôi chân như nặng thêm. Trong túi lúc này còn vẻn vẹn 6 nghìn đồng, tôi lẩm nhẩm: vừa đủ tiền uống nước, rồi tung tăng đi tiếp. Tôi không mang theo nhiều tiền mặt, chỉ cầm theo mấy cái thẻ ATM để rút tiền mặt hàng ngày, đó là một cách hạn chế chi tiêu, nhưng nhiều khi cũng đẩy tôi vào tình huống trái khoáy như lúc này.
Nếu cà phê không còn giá 6 nghìn? Tôi vẫn bước vào quán cà phê vỉa hè, lòng hồi hộp như chơi giải ô chữ. Thứ 6 ngày 13, thật may mắn là cà phê đen có giá 6 nghìn.
Rút được tiền, ăn tối xong tôi trở về buôn. Nhìn đồng hồ, 8h tối, tất cả các ngôi nhà dài đều cài cửa im lìm. Đâu đó vang lên tiếng chó sủa váng óc, một cậu choai choai hỏi tôi dăm câu, rồi thủng thẳng bảo: Tối đến là bà con đi ra phố chơi hết rồi, không ai ở nhà đâu.
Văn minh văn meo, âu cũng là cái liễn.

Khi đang viết những dòng này, tôi đang mở cửa và ôm Netbook ngồi trên ban công, bên cạnh là ly cà phê sữa đá. Tôi có thể ngắm nhìn bầu trời Ban Mê đầy sao, để gió lùa vào tóc. Sáng mai, tôi sẽ dậy thật sớm, tôi sẽ đi dọc con suối cuối buôn làng, để nghe kể về câu chuyện nguồn nước chung của mảnh đất Tây Nguyên.

Bất giác lúc này, tôi nghĩ đến câu thơ mình nhặt nhạnh trên mạng:
"Tây Nguyên nắng gió
Tây Nguyên bụi đỏ
Tây Nguyên đi mãi mà vẫn còn đường..."
113708940_n_1331267945.jpg
 
247004968_n_1331268084.jpg

Tôi lại về với Pleiku
Với mùa khô mịt mù bụi đỏ
Những nẻo đường bốn mùa lộng gió
Núi đồi trập trùng
như câu hát trầm bổng ngân nga
...
Mấy tháng qua tôi vẫn treo câu thơ này trên Gmail cá nhân như một lời hẹn, chẳng hiểu sao cái buổi chiều lần đầu tiên đến với phố núi này, tôi lại rủ rỉ với xế của mình: em thích nơi này quá. Có phải vì thích cái cảm giác đi trên những con đường cong như võng, vừa xuống khỏi dốc lại bắt đầu hối hả ngược gió để leo lên một con dốc khác. Hay là phải lòng cái gió quần quần như đẩy lùi xe về phía ngược dòng. Chỉ có những mùa khô thôi, gió mới nhiều như thế. Chả vậy mà người ta tháo hết yếm để đi cho nhanh, hồi đầu tôi cứ tưởng họ hay đi rẫy, đi rừng, nên tháo yếm cho khỏi ngã. Hóa ra chỉ vì gió, chờ mùa mưa về, yếm xe mới được lắp đủ đầy.

Vượt đèo Buôn Hồ trong làn sương mờ mịt, khẽ thót tim khi thấy một người bạn độc hành đeo khăn rằn đang vượt lên trước mũi xe, rồi lại thảnh thơi đi giữa những rừng cao su trơ lá ngay sát 2 bên đường, tôi về với Pleiku.
Vẫn còn đó cảm giác bàn tay run lạnh vì đi vội vã không mang cho mình một đôi găng tay, cảm giác mắt kính sương mờ ướt nhẹp, cảm giác ngất ngây khi đứng lại nghỉ chân, uống một ly cà phê sóng sánh.

Nếu Krông Nô làm tôi nhớ đến những ngôi nhà dài của người M' nông nằm lẫn trong những vườn cà phê hoa trắng, thì Buôn Hồ lại làm tôi nhớ tới những đứa bé chạy tung tăng trong vườn hồ tiêu xanh cao. Tất cả những con đường tôi đã qua, đều có gì đó rất riêng.
Không có những phiên chợ đầy sắc màu của xứ Bắc, Tây Nguyên chỉ khép mình trong nhịp thở của cuộc sống giản đơn, sáng lên rừng lên rẫy, chiều tất tả trở về trong ánh hoàng hôn, để lại quây quần ngồi bên nhau trước thềm của ngôi nhà sàn, kể cho nhau nghe chuyện đẻ đất đẻ nước.

Với những nơi đã đến trong hành trình một năm trước, tôi không quay trở lại. Chỉ thoáng bồi hồi khi nhìn thấy cái biển Quốc lộ 14C - 60km mà lần trước mình đã từng chọn. Vẫn những rừng cao su nghiêm trang dưới trời xanh, hay chăng chỉ còn vài ba chiếc lá còn sót lại trên thân cây bàng bạc. Tôi đã đi qua 2 mùa khô của Tây Nguyên...
 
Tìm mãi rồi cũng đến được làng văn hóa Plei ốp, hỏi mãi người dân trong thành phố thì cũng có người đồng ý dẫn đường. Làng nghèo quá, nên dân bỏ đi tứ xứ hết, chỉ còn lại vài ba người già và trẻ nhỏ đang dắt díu nhau trong trưa nắng. Nếp nhà Rông đầu làng sàn để lâu đã mục, cánh cửa nhà khép chặt bằng chiếc khóa Việt tiệp. Trên cây nêu dựng trước, vải xanh đỏ đã bạc màu.
044148227_n_1331268125.jpg

Lũ trẻ con thấy người lạ trốn biệt sau những gốc cây to, chúng nhất định không lấy bánh kẹo tôi cho, cứ vừa chạy vừa nói bằng tiếng bản địa.
Những ngôi nhà sàn Giarai nghèo nàn, chân xếp toàn củi khô xen lẫn giữa những ngôi nhà vôi vữa mới cất. Có lẽ những ngôi nhà mới là của những người đi làm ăn xa.
_30559476_n_1331268364.jpg

Tôi cứ đi hết các con đường đất để vào làng, rồi lặng đi khi bắt gặp những tượng gỗ đầy sắc thái xung quanh khu nhà mồ. Tôi vẫn nhớ thầy giáo tôi đã nói rằng: nhà mồ Giarai là đẹp nhất. Tôi cũng không biết nói thế nào là đẹp, chỉ là cảm giác run rẩy khi đi trên lớp lá khô xào xạc của từng ngôi mộ. Tôi đứng giữa hoang tàn, nghe hàng chục tượng gỗ âm dương kể chuyện, chuyện cuộc đời và cái chết...
8_5639089_n_1331268182.jpg

Sau những khoảnh khắc chậm chạp, tôi lại trở về guồng của chuyến đi, vội vã gửi trả xe về Ban Mê, vội vã đuổi theo chiếc xe Bus nèn chặt người để lên Kontum, vì tôi sợ, nếu mình chậm lại, dù một chút thôi, tôi sẽ bỏ lỡ một hoàng hôn bên sông Đak Bla,cũng như bỏ lỡ một buổi chiều được đi bộ trên chiếc cầu treo Konklor nối liền hai bờ sông.
128990743_n_1331268210.jpg

Tôi đã nghe kể rằng, vùng đất ven sông Đăk Bla xưa là rừng thiêng nước độc, theo tiếng Bana, Đăk có nghĩa là nước, Bla có nghĩa là cọp. Vài chục năm trước, khi người ta chưa bắc cầu Konklor để nối làng với phố, vùng núi này chỉ toàn cọp dữ, nhưng lại sống thuận hòa với người Bana. Người Bana chia nguồn nước với cọp, chia núi rừng với cọp, và cùng chung vui trong lễ hội nước đầu năm. Dĩ nhiên tất cả chỉ là chuyện cũ, giờ thì con đường và cây cầu, nối bản làng cổ KonKtul với cả thành phố Kontum và quốc lộ 14 rồi, cái chữ cũng đã về làng.

Bóng chiều đổ xuống, người lái xe ôm già chở tôi đi ven sông, về với bản làng cổ nhất Kontum. Dòng sông đẹp, giữ lại trong mình bóng đổ của những nếp nhà Rông ven đó. Cứ hết bản này qua bản khác, tôi chỉ biết định hình nhờ những mái nhà cao vút trong nắng chiều rơi.
Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp ở làng KonKtul là cậu bé Bana đạp xe hối hả trước ngôi nhà Rông bằng tre cũ.
320687239_n_1331268237.jpg

Tôi đã bước lên chiếc thang gỗ, rồi chụp ảnh cho bọn trẻ Bana. Những gì tôi giao tiếp, chỉ có những bức ảnh mà thôi. Một chú bé mặt buồn so ngồi chờ mẹ về trên bậu cửa nhà sàn, một ông lão ngậm tẩu thuốc, mắt nhìn về phía dòng sông, một đám trẻ con nuối đuôi nhau làm thành đoàn tàu đi trong ánh chiều chạng vạng... tất cả đều rất đẹp!
979424186_n_1331268263.jpg
 
Tôi đã không uổng phí sự vội vã của mình cho ngày về với Kontum, để được đắm mình trong sự thân thiện của người Bana. Một buổi chiều, vứt lại tất cả những xô bồ cận tết, vứt lại hành trang trên bờ, tôi ùa mình xuống dòng nước hiền hòa của con sông Đăk La, cùng tắm với những thiếu nữ Bana đẹp như rừng núi.
Những chiếc thuyền độc mộc trên đường trở về nhà, thấp thoáng phía xa, chỗ tôi tắm, 3 chiếc thuyền cũng đã neo chặt chẽ.
Nếu đã từng được ngắm những cô gái Thái hòa mình trong giai điệu nước của Tây Bắc, bạn cũng như tôi, thèm một lần được đắm mình trong dòng nước Tây Nguyên.
631801906_n_1331268289.jpg


Tôi mặc kệ quần áo đã ướt hết, mặc kệ chiếc máy ảnh vứt lăn lóc trên bờ, cả người lái xe ôm già đang nhìn tôi nghi hoặc. Tôi đã làm được điều mà mình thèm muốn bấy lâu.

Sông vẫn chảy, và vẫn kể cho tôi nghe chuyện về dòng nước, về cuộc đời của họ. Họ khép mình với cuộc đời hiện đại, nhưng lại hòa mình trong dòng chảy thiên nhiên. Một mùa lễ hội sắp đến, cồng chiêng sẽ không còn im ngủ trong góc nhà Rông, cây nêu sẽ dựng lên, con trâu tốt sẽ được chọn, và ảnh lửa sẽ lại bập bùng bên những ché rượu cần ấm nóng, già làng sẽ lại kể những câu chuyện muôn đời không cũ... như lúc này, tất cả vẫn đang rộn rã trong tôi!
...
 
540339207_n_1331268517.jpg


Hòa bình đã trải mình trên mảnh đất Tây Nguyên, những lá cờ đỏ treo cạnh mái nhà Rông như một lời nhắc nhở với buôn làng : máu xương dân tộc ta đã đổ xuống để nuôi dưỡng mảnh đất và tâm hồn này. Hòa bình về, rồi nhiều năm sau đó, cây cầu treo KonKlo được xây dựng trong thời kỳ đất nước đổi mới đã làm vơi đi những bóng thuyền độc mộc mỗi sớm chiều chèo ngang con sông Đắk Bla - con sông huyền thoại có dòng nước chảy về phía Tây. Chẳng hiểu sao tôi lại thích nghĩ về con sông này, dù chiều hôm ấy, tôi phải dứt lòng quay lưng đi, phía sau tôi những ngôi mộ trong khu nhà mồ thấp lè tè, là bóng 2 cậu bé đạp xe vun vút đi trong buổi chiều có ánh hoàng hôn màu tím. Dưới bánh xe là con đường lạo xạo đá, trên đầu là ánh mặt trời lẩn quấn trốn tìm cùng những bóng chít lau...

Thật khó để vứt lại đó một cuối năm bộn bề tổng kết và men say, mà đi như lần này. Cũng thật khó để tự dành cho mình một con đường rộng, tự dưng thấy run run khi nghĩ đến những ngày đi xa, đông đúc và vội vã. Nhưng tôi chẳng ngại ngần mặc chiếc váy ngắn, mặc cho đôi chân chi chít sẹo sau những lần ngã xe, hệt như việc chẳng ngại ngần mà ùa mình xuống dòng nước mát trong một buổi chiều đáng nhớ nhất chuyến đi.

Tôi trở về thành phố Kontum để lại uống một ly cà phê khác, để thấy cái đắng cũng dễ chịu muôn phần. Thành phố nhỏ vẫn đó, vẫn là nhà thờ Gỗ, nơi bọn trẻ trong tu viện ùa ra chơi đùa mỗi buổi chiều, vẫn phố xá nhộn nhịp chen đôi ba sắc màu thâm trầm của những chiếc xà rông.
Có ai đó nói với tôi rằng: Kontum là xứ sở đa thần, đa sắc tộc. Tôi thì chỉ nghĩ rằng Kontum là xứ sở của những sắc màu. Không phải là sắc hoa tết, sắc xanh đỏ của những ô cửa sáng đèn, đó là sắc màu của văn hóa, của nguyên sơ.
Chẳng thể kiếm đâu ra những quán hàng lưu niệm san sát bán toàn đồ tàu ở những bản làng tôi đi qua, chẳng có nhà hàng- khách sạn nào ở bất kể buôn nào tôi đến, chỉ có con người và cuộc đời họ, lầm lụi trong bụi đỏ.

Tôi rời Tây Nguyên trong một ngày nắng đẹp, chiếc ba lô nặng hơn vì có thêm chút quà cho lũ bạn ở nhà, nhưng tâm hồn thì nhẹ bẫng. Tôi đã đi hết những gì còn khuyết trong chuyến đi một năm trước, tôi có thể mỉm cười vì mình vẫn còn đó đôi chân độc hành không chùn bước, và con đường tôi thì rộng thênh thang. Tôi trở về để tìm chính mình trong mùi hương trầm năm mới, nấu một nồi bánh chưng ý nghĩa thân tình, và hơn hết là được ủ mình trong chiếc chăn của mùa đông xứ Bắc.

Tôi sẽ nhớ Tây Nguyên rất nhiều, nhưng cũng dám bỏ lại phía sau những bóng cây chạy ngược chiều gió thổi, những nắng ấm cao nguyên, những con đường đất bazan quấn lấy người hay là bỏ lại con đường lầm bụi của mình để quay về với thủ đô quen.
Chỉ một cái nhắm mắt, tôi đã về Hà Nội, Hà Nội ướt át đón tôi, và mời tôi một ly nước gạo nóng ở đường tàu Trần Phú trước khi trở về nhà.

01/2012
 
Chúng tôi gần nhau hơn nhờ balo nặng trĩu buộc sau xe, nhờ cái ôm thật chặt của những người mới hôm nào còn xa lạ. Chúng tôi tự tìm cho mình phút yên bình trong buổi trưa vắng vẻ ở nhà thờ gỗ Kon Tum hay sự vui vẻ của tất cả mọi người bên bếp thịt rừng nướng đỏ lửa.

Đến với một mảnh đất mới, điều mà chúng ta luôn luôn phải đối mặt đấy là sự khác biệt văn hóa. Cái sự khác biệt mà chúng tôi có ở đây lại là muôn sự hỏi đường. Người ta bảo tôi rẽ phải trong khi tay thì chỉ sang trái. Còn cảnh sát giao thông thì chỉ một đường, trẻ con chỉ lối khác, cuối cùng trẻ con đúng. Chúng tôi đã không biết bao lần long vòng hết trong thành phố rồi đến những vùng thưa thớt dân cư.

Rồi đến chuyện hỏi đường đi vào buôn, vào bản của người Bana nữa, hình như cũng chẳng ai biết. Được bạn xế cào cào xung phong dẫn đường, cả đoàn càng đi lại thấy đường thêm đỏ, chỉ thấy trước mặt là một cái lò gạch cũ và những con suối cạn.
059566541_n_1325733697.jpg

Những con đường nhỏ không bóng người qua, râm mát nhờ những hàng cao su đứng nghiêm trang trong nắng chiều rồi lại đến những con đường đất bụi quẩn vào áo, vào miệng..
Dẫu là đi lạc, cũng là một lần được lạc đúng điệu. Có phải dễ gì người ta có thể được thủng săm ở một vùng đất bạt ngàn cao su và bụi đường như thế.

Chúng tôi đã một lần được đến với thủy điện Yaly, công trình thủy điện vĩ đại của thế kỷ 20 bằng xe máy, cũng nhờ vụ đi lạc. Nếu không lạc, chúng tôi đã đến thủy điện này khi nó còn mở cửa thăm quan, chúng tôi sẽ không được nì nèo bảo vệ và bác quản lý để được vào ngắm nhìn công trình này bằng được. Một chuyến đi mà tôi nhận được sự giúp đỡ và quan tâm của rất nhiều người: những đồng hương Bắc đáng mến.
Một hoàng hôn khác trên con đường lên thủy điện Yaly kỳ vỹ...
Bác chụp tấm hình này ở đâu đấy ạ, giống đường về nhà em quá.
 
Ở Kontum bạn ạ, đường mòn nhỏ ko có tên đâu, từ con đường này đoàn mình đi lạc ra tận thủy điện Yaly
Thế thì không phải rùi, đường về nhà em ở Gia Lai cơ.
Em cũng mới đi tuần trước, miền trung bữa nay nắng nóng quá, đi rất mệt.
Em có tấm hình rất giống hình của bác nhá.
P1100889.jpg
 
Ở Kontum bạn ạ, đường mòn nhỏ ko có tên đâu, từ con đường này đoàn mình đi lạc ra tận thủy điện Yaly

Vậy là bạn đi qua xã Ia Phí rồi , có một lần mình định đi từ Ia Ly ra Kon Tum bằng đường đó nhưng nghe nói đang làm khó đi lắm , bây giờ chắc ngon rồi ha ?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,461
Bài viết
1,147,518
Members
193,531
Latest member
smmallservice894
Back
Top