Tôi vốn dự tính không dây vào mấy chuyện thị phị xung quanh 2 quyển sách của em HC, phần vì nghĩ thời gian đó nên để mà viết về những chuyến đi mình đã trải qua thì hơn, phần vì nghĩ là chuyện thị phi đó phần lớn đều bắt nguồn từ những forum mà người viết chả biết cái quái gì về việc đi lại, cũng chả hứng thú gì việc đi lại cả, nên việc họ tán nhảm về chuyến đi của người khác không đáng phải quan tâm. Thế nhưng, khi tôi chợt thấy là ngay cả trên phượt – là cộng động của dân đi - cũng có những ý kiến ra vào khác nhau thì tôi cho là mình cũng nên góp một ý kiến giúp phần đánh giá các chuyến đi và sách của HC. Tôi xin có các ý kiến về cả những thứ có thể không được tranh luận trên đây: ( viết đến đây thì nghĩ là mình cũng phải up cái này trên FB cho các cộng đồng phượt khác )
1. Chuyến đi 25 nước khởi đầu từ 700 USD: nhiều bạn nghi ngờ là không được?
Tôi xin khẳng định với các bạn là có thể được. Nếu bạn chọn cách đi rẻ nhất là ngủ nhờ, vẫy xe đi nhờ, ăn ít ( mà vẫn chũm chĩm như em HC ) thì du lịch với một vài đô / ngày là hoàn toàn có thể. Trước HC, người Việt ta đã có một vài người đi như vậy rồi ( một cô bạn tôi đi từ năm 2000 với mức như vậy – các bạn hãy tìm trên google “ du lịch bụi 1 đô la / ngày “ sẽ tìm ra các bài báo … về cô này- từ năm đó, với số học bổng ít ỏi tiết kiệm được sau khi đi học ở Sing, cô ấy đã đi qua các nước châu Á trong vòng 9 tháng, tới tận Pakistan lúc còn đang căng thẳng với Ấn. Dù là tít của bài báo có thể hơi quá một chút nhưng vài đô một ngày là có thể). Chưa kể là vừa đi vừa làm thì dù ít dù nhiều cũng kiếm được vài chục đô một tháng – đủ sống để đi tiếp. Ở nhiều nước việc các bạn trẻ làm thêm kiếm tiền đi tiếp là khá phổ biến. Ở các nước mà tâm lý “ quý tây “ kiểu như VN ta, việc một ông tây làm ở quán phở ( ví dụ thế ) là khá lạ lẫm và có thể thu húc khách hàng nên nhiều lúc người ta cũng thích thú và sẵn sàng giúp đỡ - Ai cũng có thể kiếm việc kiểu vậy. Hay bạn thử xem, nếu có một ông Tây về làng mình, về xóm mình, bạn có sẵn lòng cho ông ấy ở nhờ nhà và thêm bát thêm đũa không? – tôi tin rằng có – có khi còn hãnh diện với xóm làng xung quanh ấy chứ.Với các nước phát triển như Úc, Mỹ, Châu Âu, kiếm việc kiếm chỗ ở cũng không quá khó. Ở khá nhiều hostel họ chăng biển mời dân du lịch bụi làm việc ở hostel, đổi lại được chỗ ở miễn phí. Hôm tôi ở Newzealand, gặp một cô người nam phi, cô này sáng làm việc cho hostel 2 tiếng ( dọn dẹp, phục vụ ), trưa và chiều đi trượt tuyết, tối thì làm dọn bàn ở quán ăn, kế hoạch của cô ấy là làm một vài tháng nữa, đủ vài ba ngàn thì đi châu Á ( trong đó có đến VN ).
Trên thế giới thì có vô vàn các bạn trẻ đang đi kiểu như HC. Các bạn ấy hầu hết là chỉ học hết phổ thông, rồi bắt đầu đi chừng vài ba năm trải nghiệm cuộc sống rồi mới quay về học tiếp hoặc đi làm. Nhưng cũng có những bạn đi rồi ngấm vào và đi luôn một lèo tới 5- 7 năm. Phần nhiều các bạn trẻ này đều từ các nước phương Tây, nhiều bạn nghĩ là vì các nước đó giàu, có điều kiện… không hẳn thế. Tôi cho là vì văn hoá của họ gốc là văn hoá du mục, máu đi ngấm vào người từ huyết quản, họ cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro , phần vì cha mẹ khuyến khích con cái làm việc mình thích và khác với VN ta, cánh cửa đại học không phải là cánh cửa tốt duy nhất, phần khác các bạn đó khá là tự lập từ bé.
2. Visa
Visa không bao giờ là cánh cửa quá khó. Trên thế giới này có khoảng 190 nước thì chỉ có chừng 30 – 40 nước sẽ khắt khe để xin visa, còn lại thì ít cũng phải là 100 nước visa là khá dễ dàng với người Việt ta. Visa có giá trung bình khoảng 25-30 đô gì đó cho 15-30 ngày. Cứ theo thế thì đi 100 nước cũng đủ mệt rồi! Và chuyện xin visa, kể cả ở những nước phương Tây, Âu, Mỹ, thì nó cũng phụ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể, con người cụ thể chứ không quá máy móc như các bạn tưởng đâu ( chả thế mà Mỹ vừa mới bắt cái anh công chức phụ trách Visa ở tp HCM về vụ “ tham nhũng visa” đấy thôi).
3. Chuyện viết sách :
Sách của HC không phải là một cuốn sách hướng dẫn du lịch nên không thể đòi hỏi nó cung cấp những thông tin chính xác như LP, hay thậm chí khó có thể so sánh với những bài viết của Backpacker.
Nếu bạn viết, bạn sẽ phải lựa chọn các phong cách viết khác nhau, một là ghi chép lại chính xác thông tin đã xảy ra để làm một dạng cẩm nang du lịch, hai là viết nhiều về những cảm xúc của cá nhân mình, ba là hướng theo cách dựa trên những trải nghiệm của mình để viết với mục đích khơi gợi những cảm hứng của bạn đọc…hay còn nhiều cách khác, kể cả hư cấu ( một trong những quyển sách hư cấu nhảm nhí nhất là quyển Mật mã Tây Tạng đang được rất nhiều bạn tìm đọc)
Sách của HC là sự pha trộn của khá nhiều những yếu tố kể trên, nên đôi khi ta thấy như hoang đường trong lúc ta muốn tìm kiếm một sự chính xác. Và đôi khi bạn lại thấy sự chi li trong cái bay bổng, chuyện này dễ hiểu vì bản chất một chuyến đi nó là vậy. Nó cần sự bay bổng hoang dã để thu hút ta, thúc đẩy ta, nhưng cũng cần sự chi li để có thể thực hiện được hành trình ấy.
Về mặt tạo cảm hứng ( dù thế nào cũng có khá nhiều yếu tố tích cực ) thì tôi tin là sách của HC đã thành công, còn về việc cung cấp thông tin như đi lại thế nào, xin visa ra sao… thì nó không phải là quyển sách đáng đọc, mà thật sự, về mặt này thì sẽ không có một quyển sách nào vượt được LP.
Tôi là một trong những người được HC nhờ đọc sách đầu tiên, từ khi còn đang ở dạng bản thảo. Với tư cách là một người đọc đã đi nhiều, tôi thấy, sách của HC hơi tản mạn, thiếu một cái mạch lạc, hay là một sợi chỉ có tính triết lý xuyên suốt, và nặng về những xúc cảm nhất thời của tuổi trẻ. Nhưng sao có thể đòi hỏi một quyển sách mang tính trải nghiệm như vậy có đủ sức mạnh thâm thuý của một nhà hiền triết, và lại từ một cây bút trẻ? Nhưng cũng phải nói rằng , quyển hai đã chín chắn hơn quyển một, dù rằng cũng vẫn những phong cách viết như vậy. Mặt khác, tôi rất trân trọng và đánh giá cao nỗ lực viết sách và chia sẻ của HC và những bạn viết khác. Người đi nhiều vô cùng nhưng “hầu hết những kẻ lữ hành đều là những kẻ ích kỷ” – câu này trích một topic cùng chủ đề trên box du lịch hồi xưa nhé !- họ không sẵn lòng mất thời gian công sức để chia sẻ lại những trải nghiệm cho người khác, họ thà dành thời gian đó kiếm tiền, đi tiếp…
Bất luận ai đó có thể đánh giá thế nào đi nữa, ta vẫn phải thấy rằng, 2 quyển sách của HC đều thành công, nó thu hút một lượng dư luận, độc giả, sự quan tâm lớn lao. Và tại sao chúng ta lại không thấy vui vẻ, tự hào là ít nhất cũng có một em trẻ đại diện cho giới phượt của mình trở thành “ hot girl “ nhỉ ?
4. Chuyện liệu có một ekip nào xung quanh không
Tôi không tin đứng đằng sau HC là một ekip nào cả, từ quá trình ra sách quyển 1, tôi có biết những khó khăn và trăn trở của em này và những ngờ nghệch khi làm việc với nhà xuất bản đầu tiên. Đương nhiên, cuốn sách chỉ là điểm kết tụ của những bài viết trước đó đã đăng trên báo. Không chỉ là các bài viết mà còn là sự ủng hộ và theo dõi của khá nhiều báo chí khác, điều này cũng là một quá trình lâu dài. Nhưng bạn đừng đánh đồng điều đó với hàm ý là có một ekip truyền thông đứng đằng sau. Cũng dễ hiểu sau một loạt các chuyện ngớ ngẩn kiểu như “ trai đẹp bị trục xuất “, bạn có quyền nghi ngờ. Nhưng tôi tin chắc là không ai mất công mất của xây dựng nên một kịch bản cho một cá nhân rồi chạy theo kịch bản ấy từ năm 2009 chỉ để ra một quyển sách, tạo ra một nhân vật. Cộng đồng phượt của VN ta còn quá nhỏ bé để có thể kinh doanh.
Chuyện sự kiện được xây dựng trong giới đi lại khám phá cũng đã có nhiều, ta thì có những chuyện cuộc đua kỳ thú, leo Everest, tây thì có Men vs Wild… nhưng không ai đặt kịch bản này vào một cá nhân – như HC – nếu có - vì nó quá rủi ro về mặt thời gian và kinh doanh.
Ngoài ra, với cá tính chung của dân “ phượt “, tôi không tin là chúng ta muốn chuyến đi, sự trải nghiệm của cá nhân chúng ta bị ảnh hưởng của bởi những kế hoạch, lịch trình của các “ sự kiện “, và HC cũng vậy.
Tóm lại, tôi tin là chuyến đi của em được xây dựng và thực hiện bởi chính bản thân em, không có sự chống lưng của ai khác, còn việc tận dụng được những sự giúp đỡ trong cả hành trình bằng các cách khác nhau thì chuyện đó là đương nhiên.