Chủ nhiệm lớp G là cô giáo Liên – Một giáo viên trẻ, nhiệt huyết. Cô nhận lớp từ đầu kỳ II lớp 11, thay thầy Mã nghỉ hưu. Giờ Hoá của cô rất sôi nổi, Thanh thích cách dạy của cô vì cô hay lấy ví dụ thực tế. Dưới sự dìu dắt của cô lớp G lúc nào cũng dẫn đầu trong mọi hoạt động thi đua. Mỗi tháng nhất trường, cô lại thưởng riêng cho lớp. Thầy Mã dạy Lý rất giỏi nhưng nghiêm khắc, đến môn của thầy, cả lớp im re, không khí học nặng nề. Giờ sinh hoạt nào cũng thế, thầy nói như quát :
- Còn em nào chưa đóng tiền, hôm nay nộp nốt để tôi quyết toán với nhà trường.
Lại tiền, chán èo. Cả tuần mới có một tiết không phải học mà chỉ nghe rặt phê bình, nhắc nhở. Mặt đứa nào đứa ấy dài ra, cả lớp đang ồn ào bỗng chốc im phăng phắc.
Hai sáu tháng ba. Cắm trại. Cũng tầm này năm ngoái có sự kiện trọng đại: Ấy là trường được chọn làm đơn vị chủ nhà, tổ chức đăng cai hội khoẻ Phù Đổng kết hợp với giao lưu văn nghệ, thể thao. Mười hai đơn vị bạn và gần ba mươi chi đoàn của trường, tổng cộng tròn bốn mươi trại, kín hết cả sân vận động. Cô Liên dứt khoát:
- Mỗi em đóng 50 ngàn, bao gồm cả ăn trưa. Cô giao phần cổng cho tổ một, phần trại cho tổ hai, phần thi nữ công gia chánh cho tổ…
Cứ thế, mọi việc y lệnh. Hội trại diễn ra suôn sẻ, ồn ào, náo nhiệt. Cô Liên luôn miệng thúc giục, lúc cười, lúc lớn tiếng. Nhưng công việc đâu vào đấy.
“Đang đi qua lễ đài là chi đoàn 11G, trong năm học vừa qua tập thể 11G luôn vững mạnh về mọi mặt…” Tiếng loa giới thiệu át cả tiếng xì xào.
- Cháy, cháy rồi kìa, tầng ba. Hình như là ở lớp 11G.
Cô Liên đang ở kỳ đài vội lên ngay, mặt cô nhíu lại, chưa bao giờ thấy cô tức giận đến như vậy. Phòng học lớp 11G, nhà trường bố trí cho 1 đơn vị bạn làm nơi tập kết đồ biểu diễn. Lửa đùng đùng, toàn bộ đồ diễn biến thành tro bụi. Thủ phạm vụ cháy thật khó xác định. Mang tiếng cho nhà trường quá – Cô Liên nghĩ.
- Vào hàng đi, làm gì mà đờ ra thế, nhanh lên, tập trung xong còn phải ra làm nốt trại kìa - Lớp trưởng Sang như hét vào tai Thanh.
Thằng Vụ nheo mắt:
- Bà chậm như rùa ấy, lớp mất thi đua vì bà bây giờ.
Híc, cái thằng. Chỉ được cái bẻm mép, đến là ghét. Năm ngoái, nếu không có cô chủ nhiệm rộng lượng đứng ra bảo lãnh cho hành động đốt trường thì năm nay hẳn còn được ngồi đây chắc? Chứng cớ rành rành thế mà mãi mới nhận, đồ anh hùng rơm. Chó chê mèo lắm lông, đồ lành phành – Thanh bực mình lẩm bẩm.
Cô bé Thương ngồi ngay đầu bàn, tính nhút nhát, hay khóc. Ngồi cạnh là thằng Giang, một tay chuyên hóng hớt có biệt hiệu là Thái giám. Hắn có cái giọng e é như quan hoạn, nghe rất buồn cười. Đôi mắt ti hí, híp hết cả mặt, tính như đàn bà, chuyện nào cũng xỏ xiên. Bực một nỗi, hắn lại là hàng xóm. Có gì lớn bé, hắn đều mang lên lớp tồng tộc hết. Thương ức lắm, đã thế hắn lại ra cái vẻ đàn anh. Cũng bởi mẹ Thương với mẹ hắn chơi rất thân với nhau, hai bà đều muốn hắn đèo Thương đi học. Tuy chả ai ưa gì nó nhưng cũng phải kiêng dè vì nó hay có tính tọc mạch, chuyện lớn chuyện bé nó đều tấu đến tai cô chủ nhiệm, lắm lúc cũng phiền toái, mệt mỏi. Mà chỗ nào cũng thấy mặt nó, thiêng ghê, đốt nhang muỗi nó cũng lên. Lạy hồn. Đúng là không oan khi bị gắn biệt danh Thái giám.
Một buổi sáng, chưa bước vào lớp Thương đã nghe mấy đứa xì xào. Nào là thất tình, nào là tranh ăn với em, cả tháng không tắm v v và v v. Lại còn đặt vè nữa chứ: “Con bé Thương/ Đi xin tương/ Nhảy qua tường/ Đánh vỡ bát/ Về mẹ tát/ khóc hu hu/ Ngồi thu lu/ Như đống rạ nát…” nghe mà điên tiết. Chắc chỉ có Thái giám thôi, không ai vào đây cả. Vừa ức vừa buồn. Được, từ nay sẽ đi bộ, cóc cần ai đưa đón.
Ngay hôm sau, Thương lầm lũi một mình tới trường, ai nói cũng mặc. Một lần tình cờ gặp một anh sinh viên cho đi nhờ. Thế là quen, rồi cứ đi nhờ, nhiều lần như thế…Trong trang sách của Thương thỉnh thoảng kẹp lẫn một vài lá thư. Thương thấy nhơ nhớ, mang mác, cảm giác rất lạ. Những khác lạ ấy không qua được mắt thầy dùi, tất nhiên Thái giám biết thì...toàn trường biết. Thương ngượng, lên lớp chỉ biết ôm mặt gục xuống bàn. Giờ Hoá rất sôi động, mà cô bé chả nắm được gì. Tan học, cả lớp thấy hai cô trò tản bộ quanh khuôn viên trường, không biết họ nói với nhau những gì mà hôm sau Thương đã vui vẻ trở lại. Nhưng hai tuần nay phải đi bộ, không ai đưa đón nữa. Anh chàng sinh viên của Thương biệt tin tức…Buồn. Nhớ. Tê tái…
Thứ Hai giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng đứng trên kỳ đài giáo huấn một thôi một hồi về nề nếp, kỷ luật. Hôm nay có hai tiết văn liền, bài viết số 6. Cả lớp bò ra bàn viết, im phăng phắc. Đề khó như thi tốt nghiệp, đứa nào cũng kêu trời.
Giờ ra chơi, cô Liên đang ở văn phòng bỗng nghe tiếng gọi:
- Em thưa cô, cô lên ngay lớp đi, bạn Thương, bạn ấy muốn…- Tiếng Bình bí thư lắp bắp không ra hơi khiến cô giật mình.
- Bình tĩnh đi nào, có chuyện gì thong thả nói cho cô nghe.
Bình vừa dứt lời, lập tức hai cô trò hối hả chạy lên tầng ba. Học sinh Thương bé nhỏ nước mắt giàn giụa, một nửa người đã ở bên kia lan can, chỉ có một tay bám vào thành tường, cô bé muốn nhảy xuống. Ở phía dưới rất đông học sinh, nháo nhác lo sợ. Đã có nhiều phương án cứu hộ nhanh chóng được đặt ra, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Bình tĩnh cô Liên tiến tới, giữ một khoảng cách vừa đủ, vẫn giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, cô hướng về Thương bảo:
- Em Lưu Thị Thương, hãy nghe lời cô leo ngay vào đi. Nếu em nhảy xuống, tôi sẽ hạ hạnh kiểm em cả năm học, cả năm em nghe rõ chưa?
Nghe cô chủ nhiệm nói vậy, Thương ngập ngừng, quên cả ý định tự tử. Trong đầu chợt lo lắng, bị hạ hạnh kiểm? Từ cấp một đến giờ có bao giờ phải để thầy cô nhắc nhở về ý thức kỷ luật đâu, mình là học sinh ngoan mà, giờ lại bị hạ hạnh kiểm?
Thấy Thương do dự, cô Liên lại tiếp:
- Thương, em hãy bình tĩnh, có gì vào trong lớp nói cho cô nghe nào, bây giờ hãy nắm lấy tay cô. Được rồi. Em có thấy bạn bè, thầy cô đang rất lo lắng cho em không?
-----> Tiếp