What's new

Trang văn thơ thành viên tự sáng tác

Khi thì đèo dốc cheo leo
Lúc thù suối lội ngang hàng ống pô
Song Khủa cảm tác


Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ cung offroad (*) mây vời vợi xa
Ta về ta nhớ thiết tha
Dáng ai bé nhỏ mặn mà yêu thương
Cùng nhau vượt những cung đường
... Mộc Châu, Song Khủa, dặm trường Vạn Yên
Sối Tọ ai đó gọi tên
Để thương để nhớ qua miền Mường Cơi....
Mình về nơi ấy xa xôi
Nhớ chăng em hỡi khoảng trời bên nhau...?

(*) Offroad: đường khó, gập ghềnh, lầy lội
 
DÒNG THỜI GIAN

Và buồn nhớ mẹ ta xưa
Còng lưng đội hết nắng mưa của giời
Con đi con lớn lên rồi
Hoa râm tóc bạc mẹ ngồi nhớ con
Kinh kỳ dan díu vàng son
Đỉnh cao danh vọng cho tròn khát khao
Chiều nay diều bỗng lộn nhào
Bàng hoàng tỉnh giấc chiêm bao cuộc đời
Mẹ ơi con khóc gọi người
Mênh mông nấm đất khoảng trời mênh mông…
 
Lối ta đi chẳng bao giờ phẳng lặng
Đường ta về sao nặng bước chân hoang
Ơi trần thế sao cứ phải vội vàng
Để một ngày nghe ngỡ ngàng chậm lại
 
TỰ BẠCH


Anh vụng về lắm em ơi
Yêu anh là khổ cả đời đó em
Cuốc cày anh vốn chẳng quen
Ruộng đồng đã bỏ, chốn quê xa rồi
Buôn bán chẳng biết lãi lời
Văn chương dang dở tình thời dở dang
Chỉ là công chức nhàng nhàng
Đồng lương ba cọc chỉ màng nuôi thân
Yêu anh em khổ trăm lần
Làm sao em hỡi muôn phần mai sau?
Anh buồn không muốn em đau
Nhưng yêu em quá biết đâu nhọc nhằn
 
Tác phẩm mới, tác phẩm mới:


GÁNH BÚN ĐẬU SAU GIẢNG ĐƯỜNG
( Truyện ngắn của Bằng Lăng Tím )

Hè vừa rồi tôi về trường cũ ôn thi cao học. Sau gần chục năm, cảnh vật cũng có nhiều thay đổi. Trường xây thêm mấy khu giảng đường mới, khó khăn lắm mới nhận ra một vài dấu vết của ngày xưa...
Cũng tình cờ, xuống Hà Nội lần này, tôi gặp lại người bạn thân hồi đại học. Anh tên Lường, Đào Văn Lường. Dáng to cao lực lưỡng, lại con nhà võ thành thử Lường nhanh nhẹn hoạt bát lạ thường. Hai thằng đi với nhau thực chả ăn nhập gì, một thì thấp bé như cái kẹo, một như chàng khổng lồ trong truyện cổ tích. Tôi cứ thắc mắc tại sao anh lại đâm đầu vào cái ngành sư phạm này làm gì. Với sức vóc và võ nghệ cao cường như anh thì chí ít, anh cũng theo nghề của cha là duy trì võ đường nổi tiếng ở quê, hoặc trở thành vận động viên Karate đẳng cấp quốc gia, nếu không nói giật giải quốc tế. Đằng này anh lại chọn nghề dạy học, mà lại dạy văn mới thật lạ. Anh rất thích viết, nhưng tác phẩm nào cũng dở ẹc. Mỗi lần truyện của tôi được đăng báo là anh lại háo hức đón đọc. Lường hay tỉ tê với tôi để học, tôi bảo: “Cái nghề văn thời nay chỉ là thú vui thôi, không mong kiếm được cơm đâu. Hơn nữa dạy Toán hay Lý thì dễ chứ viết văn thì dạy thế nào được, mỗi người một cách, thích viết thế nào chả xong, đâu có khuôn mẫu gì”. Nghe tôi nói, Lường lại hì hục viết.
Cái gánh bún đậu ngày xưa chúng tôi hay ăn gọi là quán bà Sánh. Tôi ăn chả hết một suất, phải thêm đậu bớt bún. Còn Lường, nhìn cách ăn của bạn mới thèm làm sao, rất ngon, rất mau lẹ và lần nào cũng hết nhẵn. Lường bảo:
- Của chúng sinh, không được bỏ phí phải tội.
Bây giờ, quay lại trường cũ, gặp nhau, Lường không khác xưa là mấy, nghiêm nghị hơn chút, vầng trán có vẻ đăm chiêu sâu thẳm điều gì đó. Khi nhắc đến chuyện vợ con, Lường chỉ thở dài không nói. Lường thích độc thân.
Trưa, định rủ Lường đi ăn bún đậu nhưng anh tắt máy với bộ phim hay, đành đi một mình. Tầm này đông khách, đa phần phải ngồi đợi. Bà Sánh không còn bán nữa, nhưng thế chỗ đó là một phụ nữ, tôi không rõ tuổi bởi lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mặt. Tay thoăn thoắt, mắt không rời việc, đứa con gái chừng sáu bảy tuổi tíu tít chạy tới chạy lui bê bún cho khách. Chỗ ngã ba có anh xe ôm thỉnh thoảnh chạy lại, lúc xách nước khi lấy bún, tôi đoán chắc là chồng. Nhìn gia đình họ tuy vất vả nhưng có vẻ hạnh phúc lắm. Đĩa bún đậu hờ hững, hôm nay thấy mệt, tôi ăn mà lòng dạ vẩn vương đẩu đâu. Bỗng nghe tiếng xi xao, chưa kịp định thần thì đã thấy xung quanh khách đứng hết cả dậy, ai cũng cầm lấy đĩa bún ăn dở và tản ra. Đứa con gái nhanh như chớp vơ vội ghế, còn cô chủ quán cuống cuồng xách hai quang gánh chạy vào ngõ nhỏ. Mấy tay trật tự viên ào tới, giằng lấy ghế từ tay con bé, miệng còi toe toe, mặc cho nó tội nghiệp kêu khóc van xin. Tôi liền giữ lấy một tay đeo băng đỏ mặt non choẹt và bảo:
- Này mấy anh, có biết cháu nó còn rất bé không?
- Ông xê ra, đừng có lôi thôi, để yên chúng tôi làm nhiệm vụ.
Nhiệm vụ, nhiệm vụ gì mà như cướp ban ngày thế? Tôi uất ức lên tận cổ, nhìn chục cái ghế bị vứt lên xe thùng mà vẫn chưa hiểu hành động thô lỗ của mấy tay dân phòng. Cơn bão qua đi, tôi tiến tới dỗ dành cô bé:
- Nín đi cháu, để chú mua lại ghế khác cho nhé?
Cô hàng bún đậu quảy gánh quay lại, bình thản như chưa có gì xảy ra. Chắc chuyện như thế đã thành lệ, cô không nói gì cứ lẳng lặng với công việc của mình, tiếp tục cắt cắt pha pha. Những khách vừa đứng dậy ban nãy giờ quay lại, mất ghế, họ đều ngồi xổm mà ăn. Chủ quen, khách cũng quen, còn tôi thì ngơ ngác. Ngày xưa, quán bún đậu của tôi có khi nào xảy ra như thế này đâu?
---> Tiếp
Truyện hay lắm :)
 
LỜI PHÁN CỦA LÃO LAI
(Truyện ngắn của Trương Vân Ngọc)


Tôi không bao giờ mê tín dị đoan, ba thằng bạn tôi cũng vậy. Từ thủa còn học phổ thông với nhau, cả bốn đều không coi thánh thần quỷ quái ra chi cả. Ấy vậy mà gần đây, thằng Tứ bỗng đổi khác, nó luôn luôn đi lại chỗ phủ thờ ông Hoàng Mười của lão Lai xóm trên, điệu bộ rất khó hiểu. Hỏi, nhất định không nói. Tra, nhất định không khai. Lạ thật, kỳ quặc thật.
Tuấn, Tứ, Toàn, và tôi tức Tú là bộ tứ toàn tờ cũng có thể nói là chơi với nhau tương đối bền lâu và thân thuộc. Một nhóm bốn tê nổi tiếng của trường THPT Nam Đoài: To cao, đẹp giai, học hành chỉnh chu và có chút tự kiêu. Việc thằng Tứ thay đổi, tất nhiên làm ba thằng tôi không khỏi ngạc nhiên, thậm chí là bực nữa. Tôi ở gần nhà Tứ nhất được phân công theo dõi, điều tra vòng trong. Hai thằng còn lại thoắt ẩn thoắt hiện ở vòng ngoài.
Nhưng rốt cục, cả ba thằng chẳng moi được thông tin nào của Tứ cả. Đấy là chuyện của hơn mười năm về trước. Bây giờ, cả bốn thằng tôi đã trưởng thành, và đều có công ăn việc làm ổn định. Duy chỉ có chuyện tình duyên của Tứ là hơi lận đận, lần nào gặp nhau, Tứ đều có bạn gái mới, nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng lại thấy chia tay. Bọn tôi cũng nhiệt tình giới thiệu mấy đám mà chẳng ăn thua gì.
Nói thật, xét về ngoại hình, công nhận Tứ điển trai nhất, lại ăn nói có duyên. Từ ngày ra trường kiếm được công việc tốt, tiền rủng rỉnh, việc Tứ nhiều bạn gái là điều đương nhiên. Nhưng chẳng mối tình nào đến đầu đến đũa làm mấy thằng tôi tò mò. Điều tò mò hơn nữa là không phải các nàng đến với Tứ một thời gian rồi chán bỏ đi mà trái lại, toàn Tứ bỏ. Lắm lúc tôi phát bực mà quát thẳng vào mặt bạn là đồ dở hơi. Loanh quanh đã ngoài ba chục rồi, chẳng mấy chốc mà già đâu, nhưng Tứ bỏ ngoài tai tất cả.
Rồi cuối cùng hắn cũng cưới vợ. Một cô gái khá xinh con một gia đình viên chức trong quận, nàng làm kế toán cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cô này, mãi sau tôi mới nhớ ra là học đại học sau chúng tôi hai khóa và cũng là cô bạn gái đầu tiên của Tứ. Nhìn hai đứa đẹp đôi và có phần hạnh phúc, bọn tôi vui lắm. Chắc chắn lần này, có vợ rồi, Tứ sẽ bằng lòng với số phận và chỉnh chu cho gia đình.
Vì đặc thù của ngành, tôi phải biệt phái lên vùng ngược. Cũng vì thời gian hạn hẹp và bận rộn, lại đường xá xa xôi nên không mấy khi tôi có điều kiện về, mọi thông tin trao đổi cho nhau đều qua điện thoại, Facebook. Thú thực tôi cũng ít quan tâm tới Tứ nữa, bởi cũng bề bộn công việc, gia đình và những đứa con, bao nhiêu thứ phải lo. Lần này có dịp trở lại, bốn thằng tụ tập. Tứ có vẻ rất nhiều tâm sự, tôi liền rót đầy ly rượu cho hắn và nói:
- Nào mày uống đi, uống cho hết chỗ này, rồi kể cho bọn tao đầu đuôi xem nào? Tại sao lại đến nông nỗi này?
Tứ uống, cái cổ dướn ra, rượu tràn cả bên mép. Khuôn mặt hốc hác cùng đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ khiến hắn khác hẳn với ngày nào.
- Chúng mày ạ, tao đã mất hơn mười năm đi tìm người con gái ấy, hơn mười năm đấy biết không? Tao cưới vợ là vì sức ép gia đình, chứ thực ra, người tao cần tìm vẫn chưa thấy. Ba thằng mày thong thả, để tao kể cho mà nghe. Hôm nay tất cả bọn mày sẽ được giải đáp thắc mắc bấy lâu.
Rồi Tứ kể, kể bằng thái độ rất nghiêm túc và tỉnh táo.

***
- Con xin thầy, con đã tin tuyệt đối lời thầy rồi ạ. Con không dám mạo phạm tới oai linh của quỷ thần nữa. Thầy cho con xin một lời phán, dù có thế nào, nhất định con sẽ thực hiện bằng được.
Lão Lai gật gù, cái mặt nghiêm trang cùng bộ cánh bát quái trong không gian khói hương nghi nghút giữa phủ điện, khiến Tứ sợ hãi quỳ mọp. Chẳng biết do sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là sự linh nghiệm của lão mà mấy lời phán về Tứ, nó xảy ra cứ như là được sắp xếp trước vậy. Lần thứ nhất, rất tình cờ Tứ gặp trong lễ cúng bốn mươi chín ngày bà nội. Lão bảo “Nội trong tuần này, con sẽ bị nhiều điểm kém và mẹ con phải lên trường gặp thầy chủ nhiệm”. Tứ cười một cách ngạo mạn, không thèm tiếp chuyện, bởi Tứ xưa nay học hành rất khá, chưa bao giờ phải để thầy cô nhắc nhở. Ấy vậy mà hôm trả bài kiểm tra, Tứ bị tới ba điểm 1. Chưa hết bực mình vì kết quả, Tứ lại bị khiển trách bởi thái độ chưa đúng với thầy. Thế là bản kiểm điểm được viết cùng với đó, mẹ Tứ đã phải lặn lội tới trường khiến suốt tuần đó, Tứ không sao giải thích nổi lời phán của lão Lai. Lần tiếp theo, Tứ gặp vào buổi chiều, lúc trú mưa dưới hiên hợp tác xã, lão lại phán “Con phải cẩn thận đấy, trong tháng này con sẽ bị mất của cải”. Tứ nghi ngờ, không có nhẽ lời lão lại linh nghiệm vậy, mà mình có gì đáng mất đâu. Tuy có băn khoăn chút ít nhưng rồi mấy hôm sau đó, Tứ quên khuấy bởi còn bao nhiêu việc khiến Tứ phải lo, nhất là kỳ thi tốt nghiệp và đại học sắp tới. Ngày Tứ đi nộp hồ sơ thi đại học, bởi mải mê viết lách và chen lấn, lúc nộp được là lúc Tứ phát hiện cái cặp cùng chiếc xe đạp mẹ mới mua cho hôm qua dựng bên ngoài không cánh mà bay. Tứ như mếu chạy về, cả ngày hôm ấy, Tứ lĩnh trọn cơn giận dữ của cha mẹ. Và lần cuối cùng, Tứ gặp lão thầy bói chết tiệt ấy trong hoàn cảnh chả giống ai: Cả Tứ và lão Lai đi qua cây cầu khỉ, chỉ vì mưa trơn mà cả hai đều ngã xuống mương! Chưa kịp hoàn hồn thì lão Lai nói luôn “Tháng sau, con sẽ bị đau hơn thế này nhiều”. Tứ chột dạ, đã hai lần lão ấy nói trúng phóc, lần này không thể chủ quan được. Bụng bảo dạ, từ hôm ấy, đi đâu Tứ cũng hết sức cẩn thận đề phòng. Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra suôn sẻ. Nửa tháng sau, Tứ nhận được kết quả đạt loại giỏi, cả nhà vui mừng khôn xiết, Tứ cũng sung sướng không kém. Ngay tối hôm ấy, Tứ trộm xe của bố phi thẳng tới nhà thầy chủ nhiệm báo tin. Quá khuya không thấy con về, vợ chồng ông Tư sốt sắng đi tìm. Họ bàng hoàng thấy con trai nằm sóng soài bên vệ đường cùng chiếc xe máy cong vành vỡ yếm. Đợt thi đại học lần ấy, người ta thấy một thí sinh tay chống nạng, tay vịn vai bố thận trọng bước vào phòng thi!.
 
- Được rồi, nào, thế bây giờ con muốn phán gì? Tương lai hả, tốt. Học hành, tốt. Hậu vận nói chung tốt – Lão Lai nghiêm giọng nói với Tứ.
- Dạ con cảm ơn thầy, vậy thầy cho con xin lời khuyên về đường tình duyên, sau này con nên lấy người con gái như thế nào ạ?
Lão Lai bỗng cười sằng sặc khiến Tứ ngơ ngác, một lúc lão nói:
- Này ta bảo thật, nhìn tướng con ta thấy, sau này con sẽ rất hạnh phúc, giàu sang, có địa vị, con cái nếp tẻ đủ cả. Nhưng con phải tìm được người con gái nào có ba nốt ruồi nhỏ xếp thành hình tam giác ở chỗ kín mà lấy làm vợ. Nếu không, con sẽ gặp đại hạn. Việc này khó, cơ mà kiên trì vẫn được, con chớ coi thường lời phán của ta. Và nữa, con không được nói cho bất kỳ ai.

***
- À ra vậy – Cả ba thằng tôi đều ồ lên.
Thằng Toàn châm chọc:
- Thế cái ấy của bà xã mày có vết chấm đen nào không?
Tứ không nói gì chỉ lắc đầu thở dài. Tôi bực mình quát:
- Bây giờ là thời đại nào mà mày còn tin vào lời phán của thầy bói? Mày còn muốn gì nào, vợ mày xinh xắn, đảm đang như thế, lại con nhà gia giáo, học hành công ăn việc làm tử tế, khối kẻ ngoài kia mơ chả được.
Thằng Tuấn ít nói nhất trong bọn xẵng giọng:
- Mày bị hâm rồi, mà tao nói cho mà biết nhé, bất luận thế nào thì bây giờ đã lấy người ta, mày phải bằng lòng đi. Đừng làm cho cái Thanh nó khổ, trong đám con gái đến với mày, tao ưng nhất nó đấy.
Hết hai năm biệt phái, tôi lại trở về cơ quan cũ. Vừa mới làm việc được mấy hôm, tôi đã nghe người ta nói Tứ ngoại tình, đòi bỏ vợ. Tôi bực lắm, một hôm nhân lúc nghỉ trưa, tôi chạy sang cơ quan hắn và kéo ra quán cóc bên ngã tư. Tôi không giấu được thất vọng, mắng thẳng vào mặt hắn:
- Mày là thằng đàn ông tồi, mày thật ích kỷ và mù quáng. Hạnh phúc phải tìm đâu xa cơ chứ, nó ở ngay đây này, trong nhà mày đấy hiểu chưa?
Rồi tôi kể cho hắn nghe hôm rằm vừa rồi tôi lên chùa, được sư thầy giảng đạo cho. Trong lúc thuyết pháp, sư có kể ra câu chuyện về việc kiếm tìm hạnh phúc. Nội dung đại để là ngày xưa có anh chàng lười nhác chẳng chịu lao động, anh ta suốt ngày mơ được gặp Phật để ban cho anh ta sự sung sướng. Có người bảo phải đi tìm thì mới gặp, thế là anh ta bỏ mặc mẹ già, khăn gói lên đường nhằm hướng Tây thẳng tiến, quyết tìm cho bằng được Đức Phật. Anh ta đi mãi, đi mãi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà Đức Phật vẫn chưa thấy đâu. Một hôm đến bên bờ suối, phần vì mệt, phần vì đói, anh ta cúi xuống dòng nước trong uống một ngụm rồi ngủ gục trên một tảng đá lớn. Trong mơ, anh ta thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ đến bên và bảo “Con muốn gặp Đức Phật để kiếm tìm hạnh phúc phải không? Vậy thì bây giờ, con hãy trở về nhà đi, trên đường về, con hãy để ý xem người nào chân phải đi dép trái, chân trái đi dép phải và mặc áo khoác ngược thì chính là người con muốn gặp đó” Nói xong cụ già biến mất. Anh ta bàng hoàng tỉnh cơn mơ, rồi y lời cụ, anh ta trở về. Suốt dọc đường, ai anh ta cũng nhìn xem có như lời ông cụ già trong mơ hay không, nhưng cả hành trình trở về, tuyệt nhiên chẳng có. Buồn bã, thất vọng, anh ta đành về nhà giữa đêm bão bùng. Nghe tiếng con, bà mẹ mừng quá lập cập ra mở cửa. Vì vội vã, chân phải bà xỏ vào dép trái, chân trái xỏ dép phải, tấm áo cũng khoác ngược. Nhìn thấy cảnh tượng đó, anh ta òa lên khóc và ôm chặt lấy mẹ. Đức Phật và hạnh phúc ngay kề bên mà bây lâu anh ta phải nhọc công kiếm tìm. Thế là từ đó anh ta đã sống rất tốt, chăm chỉ làm việc, cuối năm ấy anh ta cưới vợ rồi sinh con, căn nhà đầy ắp tiếng cười.
Nghe xong câu chuyện, Tứ bỗng cười ùng ục – Cái điệu cười đặc trưng quen thuộc của hắn, khiến tôi chẳng hiểu gì. Rồi hắn nhăn mặt bảo tôi:
- Thôi mày đừng giáo huấn nhau kiểu đó đi, tao có phải trẻ con đâu, chả nhẽ có ba cái nốt ruồi ở chỗ đấy mà tao không tìm thấy ư?
- Nhưng mày cũng rất hạnh phúc cơ mà, cần gì ba cái nốt của nợ ấy. Cái Thanh quá tuyệt, tao nghe bố mẹ mày nói nó đối xử rất tốt với nội ngoại, ai cũng quý nó. Còn mày thì cứ như người ngoài hành tinh ấy, vậy mục đích mày tới Trái Đất là gì? Mày phải chú tâm vào gia đình đi, quan tâm tới cô ấy vào. Đến bệnh viện khám xem lỗi ở đứa nào mà mấy năm rồi vẫn chưa có. Hãy quên ngay lời phán chết tiệt đi, nó mới chính là hạn đấy.
Tứ không trả lời mà lẳng lặng bỏ đi. Mấy hôm sau thằng Tuấn điện thoại báo, ông bạn vàng đã chia tay cô bồ thứ năm vì phát hiện ra chỗ ấy của nàng chỉ có một cái nốt ruồi duy nhất. Tôi bắt đầu phát chán, Tứ cũng cố tình lảng tránh chúng tôi. Bẵng đi một thời gian dài, mặc dù cả bốn thằng công tác trong cùng thành phố nhưng ba chúng tôi đều không gặp Tứ, chỉ có Thanh thỉnh thoảng gặp tôi, lần nào cũng đẫm lệ, dường như sức chịu đựng của nàng đã cạn, mặc dù tôi cố gắng an ủi động viên.
Thành phố vừa trải qua cơn bão lớn, mưa suốt ngày, đường xá thành sông. Tôi khốn khổ vật lộn với con ngựa sắt, quãng đường có hơn cây số mà phải mất hơn hai tiếng mới về đến nhà. Vừa mở cửa, thằng con trai mười tuổi của tôi đã thông báo có chú Tứ đến chơi khiến tôi rất ngạc nhiên. Tứ đợi tôi đã lâu, dáng vẻ rất buồn. Tứ cho tôi biết Thanh đã mang thai, mà đó là điều cấm kị bởi lão Lai căn dặn không được quan hệ với bất cứ ai, ngoại trừ khi đã tìm thấy. Hóa ra từ ngày cưới, Tứ đã bỏ mặc Thanh, chẳng quan tâm ngó ngàng gì đến vợ. Thảo nào cả hai đều khỏe mạnh bình thường mà mãi đến bây giờ Thanh mới đơm hoa đậu trái. Tôi nhỏ nhẹ với Tứ:
- Thôi bạn ạ, hơn ba chục tuổi rồi, tìm kiếm làm gì nữa. Bây giờ cậu hãy chăm chút cho tổ ấm của mình đi, cô ấy không có lỗi, cô ấy cần có cậu trong lúc này. Đứa con sẽ gắn kết tất cả, mình tin như vậy. Lời của lão Lai chẳng thể bốn lần đúng cả bốn đâu, phải có sai chứ. Không có gì là tuyệt đối mà.
Tứ bần thần, tối đó hai chúng tôi uống đến say. Tứ buồn lắm, Tứ đã khóc. Trong cơn mê, rõ ràng đôi ba lần Tứ nhắc tới tên vợ. Tôi thầm oán lão thầy bói Lai chơi ác quá. Nghe đâu trước khi chết lão vẫn khăng khăng rằng, thằng Tứ sẽ tìm được và lời phán của lão luôn đúng. Ôi, khổ thân bạn tôi.
Rằm tháng mười một âm lịch, Thanh trở dạ. Một bé gái xinh xắn nặng ba cân rưỡi ra đời, Tứ xoắn xuýt luống cuống. Ba bà vợ của chúng tôi mỗi người một tay, cùng với bà nội, ngoại, nên mọi việc được thu xếp nhanh chóng. Tất cả đều hân hoan chào đón thành viên mới, nhưng Tứ vẫn giấu một nét buồn, một nỗi lo âu sợ hãi sâu thẳm không sao cởi tháo.

***
- A lô, mày đang ở đâu đấy, tới ngay nhà thằng Tứ nhé, bọn tao đang ở đây. Nhanh lên, có cái này hay lắm – Tiếng thằng Toàn như hét trong điện thoại.
Tôi hối hả đến ngay, vừa tới nơi đã thấy mâm bát bày sẵn, nồi lẩu bốc khói nghi nghút. Chưa hết ngạc nhiên, thì thằng Tứ đã ôm chầm lấy tôi mà hú như trẻ con. Hắn vừa cười vừa khóc bảo tôi:
- Tao tìm thấy rồi mày ạ, thấy thật rồi. Lời lão Lai quả là chuẩn xác.
Sau ly rượu đầu tiên, Tứ bắt đầu tiết lộ. Chưa bao giờ chúng tôi thấy hắn hể hả và vui đến vậy. Bằng giọng háo hức sung sướng, Tứ cho chúng tôi rõ bí mật. Hóa ra hôm đưa Thanh vào viện, cậu ta đâu có biết tất cả các bà chửa trước khi lên bàn đẻ, đều được các y tá cạo sạch vùng âm hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình sinh nở. Mãi tới sáng nay khi con gái đầy tuần, tình cờ lúc giúp vợ vệ sinh, thấy chỗ kín của Thanh nhẵn nhụi, Tứ tò mò nhìn kỹ. Trời ơi, đập vào mắt Tứ là ba cái chấm hình tam giác. Quá bất ngờ, Tứ đã hét lên như Acimesre nhảy ra từ bể nước: Thấy rồi, tìm thấy rồi… Trước thái độ lạ lùng ấy, Thanh hết sức ngạc nhiên. Khi được Tứ giải thích, nàng mới hiểu lý do bấy lâu chồng mình lại như thế.
Kể cho chúng tôi nghe xong, Tứ lại tiếp tục kêu lên:
- Ba thằng chúng mày ơi tìm thấy rồi, tao hạnh phúc quá…
Tứ cứ khóc khóc cười cười, nồi lẩu đã sôi từ lâu mà cả bọn vẫn ngây ra vì niềm hạnh phúc của Tứ. Tôi với chai Vốt - ka rót tiếp ra bốn ly và nói:
- Nào hãy cạn vì đứa bé, vì niềm hạnh phúc được phát hiện trong chính ngôi nhà này. Một, hai, ba…Cạn.
Bỗng Thanh bế đứa bé từ trong buồng đi ra, mặt sáng ngời trong hạnh phúc. Tứ khéo léo đón lấy, vừa nựng con vừa thơm vào má vợ và nói:
- Cục vàng của tôi các bạn ạ, đây nữa này, nàng là tình yêu của tôi đấy…
Lúc này đã quá trưa, bên ngoài mưa vừa tạnh. Những ánh nắng đầu tiên bao trùm khắp không gian khiến mọi vật như bừng lên.
Tôi thấy gương mặt ai ở đây cũng rạng rỡ.


Viết xong đêm 18.8.2013
Trương Vân Ngọc
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN BẾN ĐÀ SƠN
(Truyện ngắn của Trương Vân Ngọc)

Chị Lương mệt mỏi ngồi tựa lưng vào vách tường, thỉnh thoảng húng hắng ho. Gương mặt khắc khổ, nước da nhăn nheo xanh xao khiến cho dáng hình chị càng thêm nhỏ bé. Duy chỉ có đôi mắt là lúc nào cũng ánh lên niềm hy vọng, chứa đựng một nghị lực phi thường. Căn nhà tranh của hai mẹ con chị bé nhỏ khiêm tốn nép mình bên dòng sông Đà, bên bến Đà Sơn – Đoạn chảy qua xóm Thúy Dục, tuy hẹp nhưng rất sâu. Vọng từ bên kia bến sông, tiếng ru nghe não nề “ À a à ơi, chiều chiều mưa phủ Đà Sơn / Thương em cô quả, nuôi con một mình”.
Thành xuống bếp lấy cho chị bát nước vối, cái thứ lá có tác dụng giải nhiệt này, ở đây rất sẵn. Đón lấy bát nước, chị gắng ngồi thẳng và chầm chậm uống.
- Chú Thành ạ, người ta bảo đàn bà đứng chữ Giáp khổ lắm, chị thì chị không tin, nhưng ngẫm ra, số chị vất vả thật – Chị Lương nhỏ nhẹ.
Thành vẫn ở bên chị, lắng nghe chị kể. Cậu đã lên Đà Sơn được một tuần, đúng hôm chị bị trượt ngã. Ngoài sân, nắng tháng tư chớm hạ ràn rạt, đâu đó đã có tiếng ve dắng dỏi…Dưới bến sông, sóng vẫn ì oạp vỗ vào bờ, thỉnh thoảng một vài đợt gió ào tới mát lạnh.

***
- Mẹ kiếp, mắt mũi đâu, đi đứng thế à, ngu cho chết – Thằng tóc xanh đỏ miệng toàn hơi rượu, vừa đâm vào chị quát to rồi rồ ga biến mất.
- Tội nghiệp cho người ta quá, có ai giúp chị ta không?
- Chắc là người của xưởng may Thành Đạt đây mờ.
- Eo ôi khiếp quá, máu kìa. Cẩn thận, không khéo gẫy chân rồi…
Chị chỉ nghe loáng thoáng có vậy rồi ngất đi, đó là cái buổi chiều tan ca tồi tệ đã biến chị thành kẻ tàn tật. Đồ đạc, tiền bạc cứ thế đội nón ra đi khiến căn nhà trở lên trống hoác, nhưng bác sĩ vẫn phải cưa của chị chân trái vì dập nát và hoại tử.
- Chị cầm lấy số tiền này, chị biết đấy, công ty còn gặp nhiều khó khăn, chị thông cảm cho chúng tôi – Tay trưởng phòng nhân sự nhăn nhó, nói xong hắn bước ra khỏi nhà nhanh như lúc đến.
Chỉ hiểu, hắn và doanh nghiệp đã hết trách nhiệm. Chị bị mất việc.
- Mẹ, con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con sẽ thôi học và đi làm lấy tiền giúp mẹ - Tiếng đứa con gái nhỏ nhẹ nhưng làm chị giật mình bàng hoàng.
- Không, bằng mọi giá con vẫn phải đến trường, con là niềm an ủi và hy vọng cuối cùng của mẹ. Đời mẹ khổ nhiều rồi, giờ chỉ còn có con, nếu thương mẹ thì hãy trở lại trường, mọi việc mẹ lo được.
Trận lũ kinh hoàng ào qua Đà Sơn, nó cuốn phăng cây cầu tre bắc qua sông sang bên Thúy Dục và Đà Tây, khiến nhân dân đi lại cực kỳ khó khăn. Nửa tháng sau, khách qua lại thấy người phụ nữ mất một chân đang gắng sức chèo lái con đò nhỏ đưa khách. Có một bác cựu chiến binh thương tình đã giúp chị sợi dây thừng dài cột ngang hai đầu bến. Nhờ đó mà chị đỡ vất vả hơn bởi khách và chủ đò cùng bám dây kéo thuyền sang bên kia bờ.
Thấm thoát cô bé Hạnh đã lên lớp mười hai. Trên tường nhà kín những giấy khen, nó vẫn phải trọ học trên trường huyện bởi dự án xây trường cấp ba ở Đà Sơn có từ lâu nhưng hiện đang nằm trên giấy. Nó thương mẹ lắm, nhưng chả giúp được gì nên chỉ cố gắng học. Mười một năm đạt danh hiệu học sinh giỏi là nguồn động viên rất lớn mà nó dành cho mẹ. Năm nay cuối cấp, nó cần rất nhiều tiền, nào là sách vở bút mực, học thêm học nếm, quỹ nọ quỹ kia rồi tiền trọ, gạo muối củi lửa.... Thời buổi này đi học sao mà cần tiền nhiều đến thế. Hạnh không thể nghĩ, tất cả đều đè lên đôi vai mảnh mai của mẹ.
- Nhưng chú Thành ạ, chị lo lắm, chú thấy đấy, cây cầu sắp khánh thành rồi, bến Đà Sơn sẽ không còn ai qua sông bằng thuyền nữa…
Thành thoáng chạnh lòng, một nỗi buồn và thương cảm khôn tả, rồi mai đây mẹ con chị sẽ sống ra sao? Thành biết con gái chị rất thương mẹ, nó cứ nằng nặc đòi bỏ học để đi làm, nhất là hôm trước chị ngã xuống sông, may sao đúng lúc Thành đến đó cứu kịp. Với chị, bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng phải ái ngại và từ chối nếu chị đến xin việc. Nhiều đêm chị đã khóc, tiếng nấc nghẹn ngào hòa cùng tiếng sóng nơi bến sông vọng lại.
Cuối cùng cây cầu cũng được thông, việc đi lại thật sung sướng, tiện lợi. Nhưng cũng từ hôm ấy, người ta không còn thấy bóng chị Lương đâu nữa. Căn nhà tranh bé nhỏ đóng cửa im ỉm cả ngày. Chị rời nhà với chiếc nạng gỗ từ lúc tinh mơ và đến cuối tuần mới trở về. Thành không biết chị đi đâu, mọi người không biết và cô bé Hạnh cũng không biết. Bến Đà Sơn dần dần mất dấu vết, cỏ bắt đầu mọc. Sóng vẫn ì oạp đánh vô bờ. Thỉnh thoảng một vài con thuyền chài nhỏ lướt qua, cảnh vật trở về hoang sơ tĩnh lặng.
Cô bé Hạnh bước vào buổi học đầu tiên của kì hai, nó rất lo lắng vì đã quá năm sáu ngày rồi mà mẹ vẫn chưa gửi tiền ăn, tiền học. Mọi lần, cứ đầu tháng mẹ lại nhờ bà Thảo ở xóm trên hay đi chợ huyện mang lên cho.
- Thầy gia hạn cho em đến cuối tuần, nếu không, buộc thầy phải đưa em lên ban giám hiệu nhà trường – Thầy chủ nhiệm không vui nói với nó.
Tháng sau và những tháng tiếp theo, nó vẫn luôn phải nộp chậm trễ như thế. Thầy chủ nhiệm thắc mắc:
- Lý do gì mà em đóng toàn tiền lẻ và nhàu nát thế này, bên tài vụ họ không nhận là thầy trả lại em đó nghe không?
Hạnh rất tủi thân, nó không lý giải nổi vì sao mẹ lại gửi như thế. Mẹ nó bảo đã xin được việc làm về mây tre đan gì đó ở xã bên cơ mà. Nhưng nó đành nin lặng, và cắm cúi học. Bạn cùng trang lứa, đứa quần nọ áo kia, điện thoại Facebook chém gió ầm ầm, có đứa còn được cha mẹ sắm xe đạp điện bạc triệu. Còn nó, ngay cả đến tiền ăn tiền học còn thiếu thốn thì lấy đâu để như bạn bè? Nhiều đêm nó tủi thân, nằm vùi trong chăn mà thầm khóc một mình. Hạnh không muốn cho ai biết hoàn cảnh của nó, nó chỉ muốn thời gian trôi thật nhanh, tốt nghiệp xong nó sẽ đi làm đỡ mẹ. Mẹ đã quá khổ rồi, không thể kéo dài thêm được nữa. Ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường đại học, Hạnh không bao giờ nghĩ đến.

***
 
Chị Lương cố lết về nhà, toàn thân run bần bật vì ướt mưa. Ngày hôm nay chị đã gặp lại con người đó, cái con người mà cách đây gần hai mươi năm, chị đã tin tưởng và yêu say đắm. Chị đã nhận ra anh ta, cái khuôn mặt ấy, với cái cằm bạnh ra và đôi lông mày sâu róm, mỗi khi cười đôi sâu ấy chập vào nhau tựa hồ hai vệt đen quét qua quả đất. Con người ấy có vứt xuống chín tầng địa ngục vẫn không giấu đi đâu được. Anh ta oai vệ, đầu tóc mướt mát, comple thẳng đứ, giầy bóng nhoáng bước xuống từ chiếc xe ô tô đời mới ngay trước mắt chị. Nhưng chắc chắn một điều, anh không thể ngờ rằng cô thiếu nữ xinh đẹp trẻ trung năm xưa lại thành ra như này. Bây giờ, anh sung sướng. Anh giàu sang. Anh bội bạc. Kệ, số phận đã an bài, chị cũng chẳng ca thán trách móc chi. Chị chỉ thương con gái chị, cái giọt máu của kẻ quất ngựa truy phong. Trời đã cho như thế, chị sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng để cho con được học hành bằng bạn bằng bè. “Mẹ ơi, chủ nhật tuần này, nhà trường họp phụ huynh, mẹ cố đến nhé, nếu không là con không được thi tốt nghiệp đâu” – Chị cầm mảnh giấy nhắn của con gái mà lòng đau thắt. Làm sao chị có thể đến trường được đây? Sự xuất hiện của chị trong lúc này chỉ làm tổn thương con gái mà thôi. Bất giác chị thấy tủi thân, con cái người ta có đủ cha mẹ, có ông bà. Còn con gái chị thì chịu thiệt thòi nhiều quá. Bây giờ chị mới thấy hối hận vì sự ương bướng của mình thời thanh xuân. Chị đã dứt gia đình theo anh ta, rồi bị cả nhà từ mặt. Đi mắc núi, trở lại mắc sông, mười mấy năm trời chị âm thầm nuôi con Hạnh khôn lớn, chị hy vọng ông trời sẽ thương và bù dắp cho chị.
- Đời chị khổ thế đấy chú Thành ạ, chú còn ở đây nửa tháng nữa đúng không? Thôi thì chú thương chị, chú đến họp cho cháu nhé?
Thành vẫn chưa hiểu hết đầu đuôi câu chuyện và con người chị ra sao, đang định hỏi thêm thì đột nhiên chị lại nói:
- Chủ nhật chú lên huyện, chú đưa giúp cái này cho một người, đây là địa chỉ. Chú đừng nói gì cả, chị không muốn rắc rối về sau nữa.
Sau buổi họp phụ huynh, Thành tìm đến địa chỉ viết trên gói giấy xi măng. Đó là ngôi nhà ba tầng khang trang nằm ngay trung tâm thị trấn. Tiếp cậu là một người đàn ông độ tứ tuần, tuy cái bụng có hơi phệ và cái cổ khí phinh phính nhưng nom còn phong độ lắm. Trên tường treo tấm bằng gia đình văn hóa: Chồng - Vi Công Tản, vợ - Vàng Y Hương, con Vi Công Việt rất ngay ngắn. Thành đoán thằng con trai chú hình như cũng đang học ở trường với Hạnh. Nhận gói đồ từ tay Thành, ông nhìn trước ngó sau xem chừng bà vợ rồi mới mở ra xem. Bỗng chú vỗ vai cậu, giọng ồm ồm:
- Có khi anh em mình ra ngoài phố làm cốc bia nhỉ, ở nhà ngột ngạt quá?
Thành định từ chối song thấy chú Tản nháy mắt nên khẽ gật đầu.
- Lúc sáng anh có nhìn thấy chú, chắc là chú họp thay?
Thành trả lời đại rằng cậu đi thay phụ huynh em Thắm, nhà dưới mãi bến Đà Sơn, nếu chú muốn tìm hiểu thêm thì cứ xuống đó mà hỏi. Thành không biết vì đơn giản, cậu chỉ là sinh viên trường Y học cổ truyền, lên đây thực tập tìm lá thuốc để hoàn thành đề tài cho luận văn tốt nghiệp. Cậu trọ nhờ ở đấy sau hôm cứu chị mà thôi. Chú Tản có vẻ không vui, nhưng trước khi ra về vẫn xin số điện thoại.
Thành không nghĩ là sáng hôm sau chú xuống Đà Sơn. Nhìn căn nhà tranh tồi tàn trơ trọi nơi bến nước hiu quạnh, chú có vẻ trầm ngâm suy tư lắm. Thành nhớ lời hứa với chị Lương, nên im lặng. Chú Tản bảo cậu cùng dạo bộ ra bến, vừa đi chú vừa tâm sự:
- Người nhờ em gửi trả anh cái khăn này nhất định là “Khau” rồi. Gần hai mươi năm qua, anh không có tin tức gì của “Khau”.
Ngày ấy, vẫn nơi bến Đà Sơn này, nơi cây cầu bê tông vừa xây chính là cái cầu tre, anh đã đưa “Khau” sang bên kia sông để về Đà Tây bản làng của anh. Nhưng đúng vào dịp chuẩn bị làm đám cưới thì anh có lệnh nhập ngũ. Anh đã khuyên “Khau” cứ tạm về xuôi, chờ anh trở về. Nhưng “Khau” không chịu nên anh đành nhờ một người bạn gái làng bên cho “Khau” tá túc. Khi hết thời gian quân ngũ, anh trở về thì cả khu Đà Tây đã bị giải tỏa để làm hồ chứa nước cho nhà máy thủy điện. Tìm mãi mới gặp cô bạn, nhưng cô bạn cũng không biết “Khau” đi đâu. Anh lặn lội về quê “Khau” và được biết gia đình đã từ mặt bởi năm xưa không nghe lời bố mẹ, bỏ làng theo giai lên mạn ngược. Thế là anh mất tin tức của “Khau”. Bây giờ, thật không ngờ “Khau” lại sống ở đây, nhất định anh phải tìm bằng được.
- Thế em không biết “Khau” đi đâu, bao giờ về à? – Trước khi trở lại thị trấn, chú Tản cố gặng hỏi thêm.
Thành không trả lời vì chính cậu cũng không biết, hơn nữa cậu ta cũng không muốn xen vào chuyện riêng tư của họ…

***
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,482
Bài viết
1,147,778
Members
193,549
Latest member
datuocmo1999
Back
Top