What's new

[Chia sẻ] Từ Sài Gòn đến vùng Kham, Tây Tạng (với video)

Tôi tức tốc khởi hành đến vùng Kham của Tây Tạng vào ngày 16/03/2008, tức 2 ngày sau khi hàng loạt báo chí trong và ngoài nước đồng loạt thông tin về cuộc bạo loạn nổ ra tại thủ phủ Lhasa để được thỏa mãn tính hiếu kì đã thành bệnh từ thuở thiếu thời, cũng may là visa, được làm cho chuyến đi vào tháng 1 để đến chứng kiến trận bão tuyết khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm làm chết hơn 150 ngàn con bò Yak đã bị hoãn lại, vẫn còn thời hạn, trong cái rủi cũng có cái may.

Với hi vọng được hưởng chút sái còn sót lại tôi dự định sẽ đến 2 lò cực đoan của Phật giáo Tây Tạng là LiTang và GanZi, là hai nơi mà tôi tin rằng đã có những tác động không nhỏ đến cuộc bạo loạn lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Trên đường đi từ Thành Đô đến Khang Định, là cửa ngõ đến LiTang và GanZi, xe của tôi cùng rất nhiều xe khác từ hai hướng đã bị kẹt lại giữa đường để chờ xe cứu hộ kéo một chiếc xe vận tải bị rớt xuống sông do đường đèo quá hẹp

[YT]XemfBOT1Fzk[/YT].

Thấy tôi đứng nhìn hàng hóa của chiếc xe gặp nạn đang trôi theo dòng sông, một gã đi cùng xe đến bắt chuyện, vì nghĩ tôi là khách ba-lô chính hiệu mới đến Trung Quốc lần đầu nên gã cố gắng dùng Chinglish để nói chuyện cho đúng điệu, để khỏi làm gã mất hứng tôi cũng ráng nói chyuyện với gã bằng tiếng Anh một thứ tiếng tuy rất được yêu thích nhưng chẳng mấy khi mang lại hiệu quả ở xứ xở này. Khi biết tôi có dự định đến LiTang, gã liền nhiệt tình mời chào tôi đến quán trọ kiêm quán ăn của gã ở đó, gã khoác lác là quán của gã rất nổi tiếng với dân ba-lô, vì ngoài ăn và ở gã còn có thế cung cấp thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Khi nghe tôi hỏi một câu khá nhạy cảm là gã là người Hán hay dân Tây Tạng, gã vội toét miệng cười rồi nói có bố là dân Tây tạng chính hiệu con nai vàng, tôi cười thầm vì biết gã nói dối để câu khách Tây mà thôi vì cái tạng của gã cùng với giọng nói đặc mùi miền Nam Trung Hoa khi nói chuyện với đồng hương chẳng có liên quan gì đến Tây Tạng cả .

Sau mấy tiếng sốt ruột chờ đợi, rồi đường cũng thông xe để chúng tôi ngốn nốt quãng đường còn lại. Đến chiều thì xe đến Khang Định sau khi vượt qua gần 300 km. Tôi, cũng như những hành khách phương xa khác, vội vã bước ra khỏi cái bến xe chật trội và ảm đạm để tìm ngay bầu không khí trong lành của đất trời cao nguyên Tây Tạng , thế nhưng, đón chúng tôi lại là một cơn mưa đá kèm theo tuyết lạnh cóng khiến mọi người phải vội vàng mặc áo ấm

[YT]UvHuFamBxY0&feature=channel[/YT]

Tôi lại bắt đầu một thói quen như những lần trước đây, đó là khoác chiếc ba-lô lên vai rồi rảo bước khắp chốn, vừa để tìm một căn phòng vừa ý đồng thời được nhìn ngắm phố xá và từng con người của vùng đất mới với hy vọng sẽ tìm được điều gì đó mới lạ. Tuy đang ở độ cao chỉ 2600 mét so với mực nước biển nhưng với chiếc ba-lô mỗi lúc một nặng dần khiến tôi cũng khá mệt mỏi sau gần 2 giờ vừa đi vừa lải nhải hỏi hết phòng trọ này đến khách sạn khác nhưng chẳng nơi nào muốn chứa chấp một tay ba-lô trong giai đoạn căng thẳng này cả. Tuy đã hiểu khá nhiều về những con người Trung Hoa trong suốt hơn 10 năm lang thang ở xứ này, tôi cũng không thể kiềm chế được sự bực bội, cuối cùng tôi đành phải bước vào khách sạn lớn nhất của thị trấn dù biết giá phòng sẽ rất cao, nhưng biết sao được vì trời đang lạnh cóng dần khi màn đêm sắp buông xuống.

Thế nhưng, có những lúc dù bạn sẵn sàng trả nhiều tiền nhưng người ta vẫn chẳng muốn nhận, cô tiếp tân khách sạn này cũng vậy, sau khi biết tôi là dân nước ngoài, cô nàng vội từ chối với lý do là không được phép. Đến nước này tôi chẳng còn lý do gì để nhịn nữa, tôi nói như hét vào mặt cô ta về sự bất mãn của tôi đối với lòng hiếu khách của dân Khang Định, về sự vô trách nhiệm với khách du lịch phương xa. Gã bảo vệ khách sạn sau khi thấy tôi đỏ mặt tía tai trút giận vào cô tiếp tân,vội bước đến kéo tôi ra ngoài rồi phân bua: “Để tôi kiếm cho một chỗ, tôi giới thiệu thì họ sẽ nhận thôi, đừng lo”. Nghe vậy bao nhiêu tức giận dường như tan biến, tôi vội toét miệng cười một cách rất ư dễ thương rồi lại khoác chiếc ba-lô đang càng lúc càng trĩu nặng trên vai lầm lũi theo gã bảo vệ đi vào một con hẽm nhỏ gần đó.

Dừng bước trước một căn nhà gỗ, gã gõ cửa, một cô bé bước ra nhìn tôi với chút vẽ dò xét, sau khi trao đổi với gã bảo vệ vài câu bằng tiếng địa phương, cô nàng quay qua tôi nói: “mỗi giường là 20 Tệ, có đồng ý không?”. Dĩ nhiên là tôi không phản đối, thấy vậy cô ta liền tươi cười rồi đút vào túi gã bảo vệ ít tiền lẽ để chia tay. Lòng cảm thấy nhẹ nhỏm, tôi theo cô gái lên gác để nhận giường. Khi đi qua những căn phòng trống hoác, tôi biết đêm nay chỉ có một mình tôi trên căn gác gỗ rộng thênh thang và lạnh lẽo này. Phòng của tôi nằm cuối dãy và nhờ vậy, có cửa sổ nhìn ra bên ngoài, ngoài khung cửa tuyết rơi càng lúc càng dày, tôi chợt rùng mình nhưng chẳng phải vì cái lạnh của mùa đông giá.

Căn phòng tuy hơi nhếch nhác và bẩn nhưng lại có bộ sưởi điện đặt dưới nệm, tuy không đủ ấm nhưng cũng đủ giúp tôi khỏi bị chết cóng đêm nay. Nhà vệ sinh chung nằm ngoài trời lại có nhiều kẻ hở nên gió lạnh cứ tràn vào, nhưng may là có nước nóng, do diện tích khá hẹp nên tôi gần như phải đứng trên hố bệt để tắm, tôi chợt phì cười khi liên tưởng đến những nhà vệ sinh chật chội tương tự của khu ổ chuột ChungKing Mansion ở Hồng Kông mà tôi đã nhiều lần được cư trú.

Tắm qua loa xong, tôi vội vàng mặc quần áo rồi chạy một mạch về phòng leo lên giường, nuốt vội hai thanh chocolate rồi trùm chăn kín mít. Đêm ấy, sau một hồi lâu trằn trọc, tôi đã lịm dần vào giấc ngủ mệt nhọc không hề mộng mị, một giấc ngủ điển hình của một người sống ở vùng thấp khi đến cao nguyên Tây Tạng.

Giấc ngủ tuy không ngon như ở nhà, nhưng cũng đủ giúp tôi lấy lại sự hưng phấn để bắt đầu một ngày mới. Khi thấy tôi bước ra khỏi cửa, cô bé còn nói với theo: “cẩn thận đấy nhé! Đừng đi ra khỏi thị trấn, nguy hiểm lắm.” Nhoẻn miệng cười cám ơn, tôi dạo bước xuống phố. Vừa lặng lẽ ngồi ăn Màn Thầu và uống từng hớp sữa đậu nành nóng (bữa sáng phổ biến của dân lao động Trung Quốc), tôi vừa chăm chú nhìn từng nhóm Khampa du mục đang rảo bước trên phố, trông họ thật ấn tượng với vóc dáng cao to và càng ấn tượng hơn với mái tóc dài quấn tròn trên đầu, hoặc cũng có khi để mặc rối bù xõa dài trên vai, nhưng có lẽ điều làm cho họ khác biệt hẵn những giống dân Tây Tạng khác chính là chiếc mũi cao nhọn và cặp mắt sắc nhẹm đượm chất hoang dã, khiến tôi nhớ lại những huyền thoại về các chiến binh Khampa vang bóng một thời.

Từ vài chục năm nay, tuy không được phép mang dao kiếm bên mình như cha ông xưa kia, nhưng điều đó cũng chẳng làm giảm chút nào chất hung bạo truyền đời luôn toát ra trên gương mặt họ. Tuy cũng tôn sùng Phật giáo như mọi người anh em Tây Tạng khác nhưng truyền thống hiếu chiến và cách cư xử mạnh bạo khiến dân Khampa nổi tiếng không chỉ ở Tây Tạng, chính vì vậy các đời Đạt Lai Lạt Ma chỉ dùng dân Khampa làm vệ sĩ thân cận, một nữ tác giã nổi tiếng người Tây Tạng đã thừa nhận việc cha của bà, một quan chức của triều đình Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã bị một vệ sĩ Khampa quất roi trong một buổi họp triều đình chỉ vì một sơ suất nhỏ về nghi thức mà chẳng hề dám phản kháng gì. Ngày nay tuy việc đeo dao kiếm đã bị cấm đoán trong xã hội Khampa, nhưng chuyện súng đạn thì lại khác, mới đây, chính quyền Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 20 ngàn khẩu súng bất hợp pháp của người Khampa sau hàng loạt các cuộc bố ráp gắt gao, vì thế tôi nghĩ rồi đâu cũng vào đấy, vì dân Khampa vẫn muôn đời là dân Khampa, dù đôi khi cũng cảm thấy hơi e ngại tính khí của họ nhưng tôi vẫn ngưỡng một họ, những chiến binh Khampa.

(tbc)
 
Last edited by a moderator:
Đỉnh quá bác ạ. Bác là người được nhắc đến là thổ công TQ trên báo TT đúng không? Em cũng ước mơ được đến miền tây TQ. Có điều em hơi lạ là đang bất ổn như thế mà họ vẫn cho phép bác mang máy ảnh vào à?
 
Bạn 3000 mến

người TQ tuy giám sát khá gắt gao vùng Tây Tạng mỗi khi có biến động , nhưng nếu bạn đừng gây chú ý và có chút kinh nghiệm thì vẫn qua mặt được họ.trong chuyến đi của tôi , do quá ngây ngô nên một tay Nga đã bị tịch thu toàn bộ máy chụp hình và cả thẻ nhớ , thật đáng tiếc!thường thì đối với dân đi chuyên nghiệp chuyện này rất khó xảy ra.

Kim Sơn
 
Bạn Clue mến
Cám ơn lời khen của bạn,tướng bạn trông rất ngầu , vì vậy , khi nào có chuyến đi nào "dữ dội" tôi sẽ nhớ đến bạn
Kim Sơn
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,462
Bài viết
1,153,076
Members
190,098
Latest member
sportbarz
Back
Top