What's new

U Minh Hạ - U Minh Thượng và Mũi Cà Mau

Những câu chuyện về Cực Nam - Rừng U Minh Thượng, Hạ và Mũi Cà Mau,

Tôi có 2 năm cho một chuyến đi, có lẽ chuyến đi ấy là chuyến đi dài nhất từ trước đến giờ... Một khoảng thời gian được sống và làm việc ở xứ rừng U Minh, Cà Mau và "lang thang" khắp trên các con rạch chằng chịt đầy Đước, Mắm, Tràm ... mỗi khi mùa hoa đến lại vàng rực cả một vùng, thi thoảng chứng kiến những đàn ong bay rợp trời.... Con người, Cá và Rắn, những câu chuyện kể mãi không hết !

Thời đó nghèo, không máy ảnh nên chả có ảnh để khoe các bác, nhưng những câu chuyện về nó, nếu không kể ra thì e rằng phí bởi bây giờ chả còn tìm đâu những tháng ngày tươi tắn ấy nữa....
 
Last edited:
Năm đó, em quá chán ngán cái việc ngồi viết bậy viết bạ trong một cty quảng cáo, hưởng lương 500k/tháng và đi xe đạp mòn đít khắp Sài Gòn tìm cảm hứng sáng tạo.... Đêm về, toàn mơ ngày mai trúng 20 tờ vé số (1 cặp) để có trăm cây vàng mua cái xe hơi đi cho thích ... Sáng ra nhịn ăn sáng dành tiền mua vé số, nhưng rốt cục mua mãi mà chả trúng gì !!! Chán quá, em đi Cà Mau chơi và cũng chả nhớ là thế nào mà em lại ở lại đó xung vào đội quân đi thu mua hải sản cho Seaprodex SG.. Tức là đi thu mua tôm ấy mà....

Lần đầu tiên em biết đến Năm Căn. Lúc đó Năm Căn còn bé tý và làm gì có đường QL 1 như bây giờ! TT loay hoay vài bước chân là ra đến đìa tôm, vuông tôm, ra đến rừng đước um tùm thâm u. Có mỗi cái phố chợ ồn ào nhạc Tuấn Vũ, Giao Linh, Hương Lan.....ỉ ôi nhạc cải lương tân cổ và mấy chục cái quán cafe kiêm bán hàng tạp hoá tả pí lù. Thanh niên trai tráng ở đâu mà nhiều thế, toàn các anh to cao lực lưỡng đen trùi trũi ngón chân toẽ ra.. Vâm vỡ phát khiếp! Họ cứ ồn ào uống rượu, ồn ào hát hò, ồn ào chửi bậy, khói thuốc lá 7 viên Kim cương và thuốc rê đen hôi xì cứ mù mịt quán...Đến chiều, tự dưng cái phố chợ ấy vắng hoe, chả thấy mấy ai. Họ đi biển rồi.

Đêm đầu tiên em xuống xóm để ngày mai bắt đầu công việc. Thằng bạn em nó bảo: Mày tập lái tắc ráng đi, tập chèo xuồng đi nhá, ở đây đex có đường cho mày đi đâu... Mà mày cũng tập bơi đi, đề phòng... Nó bỏ lửng câu nói nhưng em biết ý nó vì con sông Cái Lớn rộng mênh mông và sóng lừng lững đang ở ngay trước mặt em.

Em được phân công về đội thu mua tại Lâm ngư trường Viên An Đông đóng tại xã Nhưng Miên huyện Năm Căn. Trung tâm xã hôm em xuống đang vào mùa làm đường. Các bác có biết họ làm đường thế nào không? Kỳ công lắm! Chả là thế này: Ở Năm Căn, nhất là những xã vùng Mũi Cà Mau, đất ở đó chỉ là loại đất mùn được tạo nên từ phù sa và lá đước, rễ đước mục nát. Nó xôm xốp mềm, bềnh bồng khi ta bước đi trên đó. Cái xẻng xắn đất ở dưới đó gọi là cái vá, cầm cái vá xục một phát xuống đất, chỉ nhẹ nhàng thôi cũng đủ ngập lưỡi... Bênh cái vá lên, dưới đất ôi thôi là lắm cái con giun đất mà người dân ở đó gọi là con trùn, loại con này chả có gì giống giun cả vì cái thân nó xanh xanh đỏ đỏ, nhơn nhớt và trong trong. Đất xốp và chất khoáng nhiều nên cây cối trồng trọt ở đó tốt lắm... Chuối, khoai, bắp cứ gọi là "khác người". chuyện này em kể sau ....

Trở lại chuyện làm đường. Vì đất xốp như thế nên người dân ở đó họ nghĩ ra cách làm đường cũng chẳng giống nơi nào. Đầu tiên họ đào rãnh hai bên chỉ để lại khoảng rộng đủ làm mặt đường. Rãnh phải sâu và có nước. Họ chặt củi thật nhiều rồi trải trên mặt cái khoảng rộng định làm đường. Mùa khô, nắng gay gắt và khô khốc, củi được đốt và âm ỉ cháy, cháy âm ỉ sâu xuống nền đất mùn cả mét và khi nó nguội đi thì họ có một lớp bao gồm vừa tro vừa như gạch xốp... Họ dùng cây to làm cái vồ và thanh niên trai tráng ra sức nện, nện cho kỹ và lại bắt đầu làm tiếp một lớp thứ 2. Lần này họ đem củi trải ra, bên trên rải một lớp đất lấy ở đâu đó (đất nền cứng) và lại đốt... Sau khi cháy khoảng 2 hoặc ba ngày thì lớp đất ấy trở thành gạch vụn. Lần này họ chỉ nện sơ qua và cứ để thế cho đi lại.... Sang mùa khô sau, họ lại làm một lần nữa, con đường đã thành hình và rắn chắc cứ như đường xã..lộ !

Khuya lắm em mới đến xóm Viên An Đông. Nó nằm ven một con lạch bé tý, khuất nẻo trong mênh mông rừng đước thuộc Lâm ngư trường cùng tên... Đêm đen kịt, đèn pin cũng chẳng đủ sáng, rỉ rả tiếng nhái, tiếng kẽo kẹt của cành đước cổ thụ trước gió... Vừa bước chân lên lớp đất cạnh bờ, em thấy rào rào con gì chạy ... Soi đèn thì thấy chao ơi là lắm, có đến hàng trăm con gì giống như con cáy ngoài Bắc nhưng nó to hơn nhiều, có con to bằng nắm tay đứa trẻ con đang chạy tít mù.... Thằng bạn em nó bảo: Chỗ này lắm Ba Khía thế, bắt về làm mắm ngon phết !!! Còn mày có biết con đang kêu uôm uôm kia là con gì không? Con Bù Toọc nghe rõ chưa, tức là con nhái ấy!
À .. Ra là con Ba Khía và con Bù Toọc nó thế đấy...
 
.. Mũi Cà Mau cách xã Nhưng Miên (Xóm Viên An Đông) khoảng 30 km đi trên các con rạch xuyên qua rừng đước cổ thụ.. Những năm ấy đước còn vô vàn, bạt ngàn và mênh mang .. Từ Ông Trang đến Rạch Tàu, từ Xẻo Lá đến Năm Căn mênh mông đước và đước. Mùa hoa tràm, hoa đước nở vàng từng bầy ong mật bay thành đàn trên những tàng cây xum xuê xanh ngăn ngắt, tiếng đàn ong bay từ xa đã nghe vo vo rì rầm... rì rầm...

Tôi đã từng theo mấy ông già người nhà của thằng bạn đi đốt ong ở rừng U Minh Hạ trên mạn Cái Tàu... Lần ấy đi 3 ngày và tôi bị ong đốt cho sưng hết cả mặt nhưng bù lại biết thế nào là đi đốt ong...

Đầu tiên, tôi thấy các ông ấy chuẩn bị "bùi nhùi" là một mớ giẻ, cỏ cháy trộn chất gì đó mà nó bắt lửa rất nhanh và khói mù mịt. Sau nữa là mặt nạ đề phòng ong đốt (nhưng chả mấy khi dùng). Một ít thuốc xoa làm tan nọc ong....Thùng đựng mật, có khi là một vài cái ống nhựa rất to được gắn đít và có quai xách... Cơm nắm, thức ăn, nước ngọt và thuốc rê...

Đi xuồng ba lá dọc các con lạch xâm xấp nước, len lỏi qua khu rừng đước cổ thụ rễ xum xuê thẳng tắp cắm xuống mặt sình, đôi khi giật mình vì cá quẫy vọt nước và thấp thoáng rắn trườn mình xào xạc... Đến trảng đất cứng, lúc này đã vào khu rừng tràm, cỏ mọc ngút ngàn, chúng tôi giấu xuồng lên bờ đi bộ... Khoảng 30'' đi trên mặt sình ươn ướt nước rậm rạp cây cỏ thì gặp một tổ ong khoái to tướng... Chúng tôi tản ra và nổi lửa.... Cây sào dài khoảng 2,5 m đầu sào được gắn miếng bùi nhùi là giẻ và cỏ bắt đầu bốc cháy, khói mù mịt... Ông già nhất cầm cây sào gí sát vào tổ ong... Ong bay ra vù vù, có tới hàng ngàn con, đen kít cả khoảng trời ... Những người còn lại cầm sào có gắn giẻ đốt cháy cho khói bay lên xua đàn ong..... Lạ một cái là nó không đốt ai mà cứ tản ra dần dần cho đến khi chỉ còn một ít con võ vẽ bay xung quanh như luyến tiếc cái tổ ấm.....

Người thanh niên trèo lên cây, cầm dao cắt cái tổ rồi thòng dây đưa xuống... Họ xẻo cái tổ ra làm nhiều mảnh và vắt mật vào thùng.... Mật ong vàng ươm, thơm nức, ngửi một lúc thấy người như say say... Cái mảng sáp hươm hươm vàng, lẫn cả ong non...Cái món ong non được họ coi là đặc sản.... Có tổ ong vắt được 30 lít mật....

Ở Viên An Đông ngày đó đa số là dân "tứ chiếng" các nơi kéo về lập ấp, lập làng và khai khẩn. Có người ở tận Quảng Bình, trên Đồng Tháp, Vĩnh Long, rồi cả ở Phố Chợ Cà Mau cũng xuống khai khẩn đất làm vuông tôm. Thi thoảng lại có cả người ngoài Bắc nhưng đa số là dân gốc Hà Nam Ninh. Ban đầu họ chỉ khai khẩn các vùng đất hoang, cỏ lác hoặc rừng đước nhỏ... Sau dần đông đúc thì họ "vô tư" phá rừng đước cổ thụ. Đại diện cho Nhà Nước để giữ rừng là Lâm - Ngư trường Nhưng Miên, có cả một ban bệ gồm chục người rất "oai" lúc nào cũng kè kè AR15 với AK47 phóng xuồng cao tốc (Vỏ lãi gắn máy) rầm rầm đi tuần tra ... Thế nhưng cũng chẳng xuể. Càng ngày càng đông dân và rừng càng ngày càng thấy hẹp dần....

Rừng đước sau khi bị chặt phá được gom lại. Cây to thì cưa ra từng đoạn ngắn để đốt than, cây nhỏ gom lại một đống cao. Những khoảng trống dài 150 - 200 m, bề ngang 5m hình chữ nhật sẽ được đào sâu xuống khoảng 1,5m, liền kề và nối thông với nhau như hình chữ U. Đất mềm xôm xốp chỉ cần lấy "vá" xấn nhẹ xuống là ngập lưỡi. Đất đắp lên bên cạnh tạo thành bờ ngăn cách với rừng đước ngập mặn... Đào một ngày cật lực được khoảng 10 m chiều dài. Điều kiện tiên quyết để làm vuông tôm là phải nối thông với lạch nước biển, có cống ngăn để mở ra khi nước lớn, nước ròng cho tôm theo nước biển vào sinh sản....

Ngày đó sao tôm tự nhiên lại nhiều đến thế.... Cả Viên An Đông chưa thấy ai nuôi tôm mẹ, mua tôm con hoặc mua thức ăn cho tôm... Hoàn toàn đánh bắt tự nhiên, khai thác tôm tự nhiên. Khi con nước lớn, người ta mở cửa cống cho nước biển tràn vào mang theo tôm con và ấu trùng tôm... Khi nước ròng, người ta mở cửa cống, đặt lưới để "hứng" tôm. Cất lưới, mẻ tôm "đậm đặc" nặng trĩu nhảy "tíu tít, lách tách" ... Tôm to thì bắt cho vào thùng, tôm nhỏ thả lại vào vuông chờ lớn.....

Món Tôm bọc lá chuối nướng than đước hoặc Tôm đang còn "nhảy tanh tách" vắt chanh uống "gượu" đế ngay bờ vuông tôm thú đáo để....
 
Nói về chuyện cây rừng ở U Minh Hạ và U Minh Thượng. Rừng ở đây hầu hết là Đước và Tràm, có cả Bần, Dừa nước, Mắm... Nhưng có lẽ Đước là loại cây "ghê nhất". Nó mọc trên khắp vùng đất cực Nam mênh mang, bạt ngàn và sinh sôi nhanh một cách kinh khủng...

(Từ từ em viết tiếp vậy, lại có khách ..)
 
Bác Hoàng ới, chuyện của bác thích quá, rất sinh đông.
Nhưng cái cách bác đặt tít... hơi tiếc ạ. Kính bác xem lại.
Em bầu bài này 5 sao.
 
Cám ơn bạn Toét nhá (c)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

.... Cây Đước, loài cây sống trong sình lầy ngập mặn nhưng tươi tốt và vươn sức sống mãnh liệt vô cùng ! Đước cổ thụ vươn rất cao, có cây lâu năm đường kính thân của nó cũng đến 30cm. Điều đặc biệt là Đước rất giòn, tuy sớ gỗ của nó cực chắc, nặng ! Mùa gió, lốc thổi mạnh khiến Đước gẫy cành răng rắc và đổ sụp một cách ngon lành.....

Chui vào rừng Đước khi chiều đã xuống, cái thứ "ghê" nhất là muỗi, thứ hai là rắn ! Muỗi nhiều đến mức tiếng vo ve của nó nghe cứ như dàn đồng ca vang vang âm âm trong tai... Ở Cà Mau vào đầu mùa mưa, muỗi sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt, kể ra ở đây có bác sẽ cho em là nói khoác, chứ thực ra những ai đến đấy sẽ biết thế nào là muỗi : Chỉ cần vơ tay một phát, trong lòng bàn tay đã có thể có 3 - 4 chú chết bẹp gí.....

Không khí trong rừng Đước đậm đặc, nếu chui vào sâu, ở trong đó lâu sẽ bị "choáng". Không phải do thiếu oxy mà do không khí nóng ngột ngạt, âm u... Ngày trước, dân khai khẩn đất hoang muốn lập làng và làm nhà toàn phải chọn khoảng đất thưa cây, phá Đước xung quanh nhà với chu vi đủ rộng cho không khí có chỗ thoáng đãng....

Đêm, dân vùng U Minh thường dùng loại mùng (màn) gian để sinh hoạt trong đó tránh muỗi. Họ mua vải mùng, đo độ dài, độ cao, độ rộng của căn nhà rồi may thành chiếc mùng gian, tối cả nhà buông mùng rồi chui vào đó, ăn uống và sinh hoạt gia đình ở cả trong chiếc mùng gian này, chỉ có bếp và khu vệ sinh thì không có... (Hi.hi.... Mà vệ sinh thì làm gì có bởi nhà vệ sinh chỉ là cái cầu bằng hai thân cây Đước ghép song song, che vài tấm lá, chủ yếu là che cái chỗ tế nhị thôi, chỗ khác bỏ ngỏ... ) :D

Từ nhà nọ sang nhà kia thường dùng xuồng ba lá, tắc ráng thì nhà giàu mới có. Nhà gần nhau thì bắc cầu khỉ... Ngày tôi ở đó, tivi màu không có, nếu có tivi chỉ là tivi đen trắng, thêm cái đầu đọc băng hình chạy bằng điện ắc quy, buổi tối nhà nào có tivi đen trắng, đầu chạy băng hình, thêm cái loa nữa thì trở thành quán cafe, đông nghẹt thanh niên hẹn hò tán tỉnh nhau, họ có thể bơi xuồng đi cả 5 - 7 cây số đến chơi và uống cafe gặp gỡ bạn bè.... Chủ yếu sử dụng phim chưởng bộ của Hong Kong hoặc Taiwan, đánh đấm ì xèo hoặc tình yêu dạng "Quỳnh Dao" lâm ly bi luỵ, thỉnh thoảng cải lương ỉ ôi nước mắt chảy như "sông suối".....
 
Last edited:
Công nhận lão Hoàng sáng choang này đi nhiều và chịu khó quan sát, ghi chép. Lão viết nhanh để anh em có cái mà đọc.
 
Chào bác Caoson ! Lâu nay bác kín nhời quá ! hình như em gặp bác lần mới đây nhất là tháng 8 năm ngoái bác nhỉ =)) Chả thấy "ý ới" anh em đi rượu chè gì :D

Em xin tiếp chuyện Cà Mau !

Hồi đó ở Cà Mau dân mới đến khai khẩn làm rẫy (ruộng lúa hay là ruộng màu đều gọi là rẫy =)) ) đất tốt khiếp lên được ! Cây cối trồng lớn nhanh như thổi. Em thề không nói quá lời ! Ở đây chắc chưa có bác nào chứng kiến loài chuối ở U Minh có thân cây đường kính cỡ 25cm, buồng chuối có tới 36 nải, nặng 82 kg. Còn củ đậu (trong Nam gọi là củ sắn nước) thì rất to, sàn sàn cỡ 2 – 2,5 kg, cá biệt có những củ đậu to bằng cái mũ cối bộ đội, ăn sượng và ít nước, không ngọt ! Khoai lang và củ mì thì thôi rồi … cứ gọi là khác người, to vãi ….

Dân tứ xứ đến U Minh, Cà Mau khai khẩn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, họ đến từ các vùng quê nghèo, đa số thất học. Gái trai gì cũng chỉ biết ký cái họ tên khi cơ quan công quyền tập trung lại .. Thật lạ, ngày đó chính quyền các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi, Năm Căn, An Minh .. của hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang rất “dễ dãi” việc quản lý nhân khẩu. Chỉ cần có CMTND và có bản khai cộng với cái trích ngang cá nhân là được tạm trú theo diện KT3, khoảng 2 năm là nhập được hộ khẩu như ai … Được hợp thức hoá đất đai, được hưởng mọi “quyền lợi” thuế má …

Có một sự thật nhức nhối ngày đó, rừng bị tàn phá nhanh khủng khiếp. Ngày hôm qua mới chèo xuồng qua còn cả một cánh rừng đước cổ thụ mênh mông, vài ba ngày quay lại thì rừng đã bị đốn ngã ngả nghiêng, quang quẻ … Khói lò đốt than đước toả lên nghi ngút. Tháng sau đi qua đã có một vuông tôm mọc lên và một gia đình trẻ chuẩn bị “thành hình”….

Chính quyền, đại diện là các tổ tuần tra của kiểm lâm, của các lâm ngư trường đều được trang bị súng, vỏ lãi cao tốc để ngăn chặn lâm tặc và dân di cư tự do phá rừng, thế nhưng không xuể, một phần là do “nể nang tình nghĩa”, một phần do bắt tay với tiêu cực…

Đất phù sa vẫn cứ bồi, Hải đăng Hòn Khoai vẫn rọi những tia sáng rực rỡ qua những cánh rừng đước thâm u và những vuông tôm bạt ngàn, dân vẫn vô tư kéo đến lập ấp lập xóm, rừng vẫn bị phá một cách không thương tiếc … Thế nhưng có một điều là dân càng ngày càng giàu, thương hồ đi tàu đến mua nông sản ngày một nhiều, võ lãi thu mua tôm máy nổ ì ầm suốt cả ngày đêm, trẻ con ra đời nhanh theo cấp số nhân ….=))
 
Cổ vũ cho bác Hoàng sáng choang. Bác viết nhanh nhanh cho bà kon đọc.Ghét cái kiều vừa đọc vừa chờ quá.
 
Hay quá! Đọc truyện của bác Hoàng em lại nhớ hồi bé đọc Đất rừng phương nam. Nhất là mấy cái truyện đi lấy mật, rừng đước...
Sông nước, cuộc sống, con người thật kỳ lạ...
Kể tiếp đi bác ơi (beer) (beer) (beer)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top