Nhật bản - khi xa nhớ gì?
Thế là cũng đến lúc phải rời Nhật bản để quay lại với các bạn Ý đại lợi.
Trước, quyết định sang Nhật thực tập vài tháng cũng vì đã làm việc, đã biết nhiều về Nhật nên em nhất định mong có 1 thời gian trải nghiệm ở Nhật xem sao. Hơn nữa, sau 8 tháng ở trong cái ký túc dành riêng cho gái ở Ý, ngày ngày 3 bữa pasta, sao mà thèm cái không khí nhộn nhịp ở châu Á, và nhất là sẽ được đàn đúm với lũ bạn thân cũng đang ở Nhật.
Phải nói là lúc mới sang có nhiều cái, em đã từng nghe kể nhiều mà vẫn shock và có phần khó chịu. Như cái việc 1 ngày mất 3 tiếng vô nghĩa lèn chặt trên tàu, ở trên tàu thì phải tránh nói cười thành tiếng, thỉnh thoảng quên lại bị bạn suỵt, sợ người Nhật cho là mình thiếu hiểu biết, rồi thời tiết nóng nóng ẩm ẩm, lại gió đùng đùng (ô rởm gãy tan tành), rồi thì... đủ thứ.
Ngày nào cũng có chuyện để ngạc nhiên, làm đôi khi con bạn lại tưởng em than phiền, chê trách nước Nhật, ngợi ca nước Ý, nó cũng bức xúc lắm, vì nào nó có tội tình gì khi rủ mình sang Nhật mà ngày nào cũng phải nghe kêu ca thế?
Rồi thấy ái ngại (ko phải khó chịu nhé) với cả sự quá tận tụy của cái gọi là japanese service. Tại cửa 1 số siêu thị, để cạnh tranh với siêu thị khác, và cũng để giảm thiểu tối đa thời gian ko cần thiết cho các thượng đế, luôn có 1 nhân viên (thường là nam, hơi già già) đứng đó, cạnh cái đống giỏ để đồ, làm 1 việc duy nhất là dựng nghiêng cái giỏ, nhấc cái quai lên vừa tầm thuận lợi nhất, làm sao để thượng đế đi qua ko cần dừng lại đến 1'', vẫn giữ nguyên tốc độ, quàng tay qua đã có thể nhặt lấy cái giỏ vào bước đi, tiếp tục công việc mua sắm. Nhìn người đàn ông ấy, thấy thương, và thấy ái ngại. Làm sao 1 con người lại có thể ngày ngày làm duy nhất 1 công việc nhàm chán, quanh năm suốt tháng chẳng đi đâu, hàng ngày nhìn thấy mọi người đi qua trước mặt mình nhưng có lẽ ko 1 ai dừng lại nhìn ông ấy chứ đừng nói là bắt chuyện.
Rồi thấy giận cái sự luôn luôn vươn tới sự hoàn hảo trong dịch vụ của người Nhật. Nếu ko vì cạnh tranh, nếu ko vì cuộc sống quá vội vã, có cần thiết phải tạo ra 1 cái công việc như thế hay ko để rồi có ai đó lại ngày ngày đứng đó. Chẳng khác nào nhân vật tưởng tượng trong truyện cười về anh nhân viên đứng trước cửa bưu điện, thè lưỡi cho mọi người dán tem. Nghĩ đến điều đó, thấy mệt hơn là thấy tiện lợi. Cuộc sống ngày càng cạnh tranh hơn cũng là do con người tạo ra thế. Tiện thì có tiện, nhưng vô hình chung kiểu phục vụ hoàn hảo như thế làm cho con người cảm giác cuộc sống càng hối hả hơn, cuống quít hơn, đi là đi, có lẽ cũng chẳng cần biết có sự tồn tại của 1 ai đó cạnh cái đống giỏ. Dừng lại 2, 3'' mà nhặt cái giỏ thì có làm sao cơ chứ?
Nhưng một chị bạn Nhật lại phân tích theo mặt tích cực của sự việc mà em nghĩ cũng có lý. Đối với người Nhật được làm việc, được đóng góp vào sự phát triển của xã hội là hạnh phúc. 1 người tiết kiệm được 2'', cả nước tiết kiệm được xxx giây, từng ấy giây lại được qui ra giá trị sản xuất v.v...
Có lý nhưng mà sao vẫn ko muốn chấp nhận, và chắc chẳng bao giờ thấm được cái lý thuyết ấy khi mà thỉnh thoảng vẫn muốn làm 1 số việc bị cho là ko ra tiền, hehe...
Đấy là lúc mới sang thì ngạc nhiên, từ ngạc nhiên nó chui ra mồm thành ra là kêu ca. Chứ quen đi thì mọi chuyện lại phình phường, quay lại tiếp tục khám phá, hưởng thụ những cái hay ho, phải nói là rất hay ở Nhật.
Có 2 cái mà em thèm nhất khi xa Nhật là không khí quán nhậu (izakaya) và đi tắm suối nước nóng.
Món ăn ở Nhật cực kỳ phong phú. Quán Nhật ở VN chỉ có vài món cơ bản, điển hình, kiểu như nhà hàng VN ở nước ngoài hàng nào cũng vài món cơ bản í. Nhưng ở Nhật còn rất nhiều món đặc sắc. Cách chế biến khá kỹ tính, nhưng luôn đảm bảo vị rất thanh, dịu, dễ ăn, ăn được nhiều và ăn nhiều lần không ngán.
Quán nhậu theo em cũng là 1 nét văn hóa của người Nhật (giống như bia hơi nhà mình). Nhưng đồ ăn trong quán nhậu thường đắt, và rất ngon, thu hút khách. 80% người Nhật buổi tối đi làm về lại kéo nhau ra quán, vào quán nhậu lúc nào cũng đông vui, tấp nập, không khí rộn ràng, chẳng kể thứ 2 hay thứ 7.
Con mực này vừa lúc trước còn đang bơi ngoài bể, giờ đã lìa đời. Mọi người lại còn lấy đũa gảy gảy vào râu nó, nó cứ giãy mãi. Con bạch tuộc thì khoẻ hơn, đã có người đi cấp cứu vì cho 1 cái râu bạch tuộc vào mồm, nó giãy khoẻ quá, ko nhai ko cắn được, đầy 1 mồm, phải vào viện
Và đi tắm nước nóng. Xịn ra thì đến những khu có suối nước nóng thiên nhiên, rất nhiều vì Nhật có nhiều núi lửa. Đặc biệt ở phía bắc trên Hokkaido, mùa đông tuyết trắng, suối nước ở dưới lại bốc hơi nghi ngút, tắm xong lại nhảy lên tuyết lăn lộn, nóng nóng lạnh lạnh, nghe nói sức khoẻ vô song. Tắm xong lại nghỉ tại những khu nhà cổ bằng gỗ bên bờ suối, quây quần chén lẩu, chắc là sướng lắm. Em nói thế vì đến những chỗ này với người Nhật cũng là đắt, đắt hơn đi du lịch ngoại quốc chứ chưa kể đến những đứa lê lết như em.
Thế nên em chỉ đến những khu bình dân như Hakone, nghỉ trong nhà của 2 ông bà già ở 1 khu hiu hắt (6000Y/phòng), đi bộ ra khu nhà tắm công cộng. Gọi là nhà tắm công cộng nhưng cũng đẹp lắm (đẹp ngang các sì-pa nhà mình), chỉ không phải là tắm ở suối thiên nhiên, mà là dẫn nước vào bể chứa, vào thùng gỗ. Nước nóng bỏng mông, 56 độ. Cái này rẻ, vé vào chỉ 600Y thôi. Ko được lăn lộn trên tuyết, nhưng cũng có sân gỗ cho mọi người nghỉ ngơi và phơi cái gì muốn phơi.
Bác nào quan tâm, xem phim The Silk nhé, có cảnh anh người Pháp sang Nhật mua trứng tằm, xem chị Nhật bủn tắm suối nước nóng, mờ mờ ảo ảo đẹp rã man.