What's new

[Xách ba-lô lên và Đi] Vòng quanh thế giới trong 1000 ngày

Em bắt đầu chuyến đi của mình từ năm ngoái, 13/05/2010. Hiện tại đang ở Ethiopia và vẫn tiếp tục đi. Bây giờ em mới bắt đầu viết lại Nhật ký hành trình bằng tiếng Việt. Em không có quyền up ảnh nên nhật ký không được sống động lắm. Mọi người có gì góp ý cho em nhé.

PS1. Em vừa đi vừa viết, khi nào tìm được Internet mới đưa bài viết lên được nên hơi chậm, mọi người thông cảm.
PS2. Mọi người click vào nút Like của Facebook phía bên trên ủng hộ em với nhé :">
 
Last edited:
Chíp giờ này chắc hết xiền rồi hả? Sao không kể tiếp đi hả trời?:T
:D bác nói đúng ý E.
Mò vào Fb thấy chip vừa kể xin được làm việc ở một sòng bài. Chắc sẽ có nhiều chuyện để kể.

Trên Phượt E có nhiều Cụ rất giỏi sao ko có gợi ý ..... hay hay cho E nó nhỉ
 
[Xách ba-lô lên và Đi] Phần 9: Cứu Núi chiếc Răng của Kuching

Dạ em đúng là hết tiền (nói là hết tiền cũng không đúng vì có bao giờ có tiền đâu mà hết), nên đang tạm dừng ở Tanzania làm việc cho một sòng bạc ở đây. Xin lỗi mọi người em lơ là viết bài. Giờ có thời gian rảnh em sẽ chịu khó viết :D

Em vẫn chưa up được ảnh. Ảnh về buổi leo núi này mọi người xem ở đây nhé http://www.facebook.com/media/set/?set=a.121175577915649.11863.118001358233071&type=1

http://www.facebook.com/media/set/?set=a.121676151198925.12000.118001358233071&type=1


----

Hồi còn tập kickboxing ở Kuala Lumpur, tôi có chơi thân với Annie. Khi tôi đến Kuching, chị giới thiệu cho tôi gặp bạn của chị, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Jong Saw Kang. Tôi nhanh chóng kết bạn với cả Jong và bạn gái của anh, Hui Hui. Jong và Hui Hui đưa tôi đi thăm quan rất nhiều nơi ở Kuching cũng như Sarawak. Có một chuyện tình cờ thế này. Một năm sau khi tôi rời khỏi Kuching, một người bạn từ Mỹ của tôi sang Kuching tình nguyện, thế nào rồi lại cũng quen Hui Hui. Khi bạn tôi add Hui Hui trên Facebook, thấy ngay tôi là bạn chung. Thế giới thật là nhỏ bé.

Jong không chỉ dẫn tôi đi chơi rất nhiều nơi, mà còn chỉ cho tôi những kỹ thuật chụp ảnh cơ bản. Biết tôi thích chơi thể thao, Jong rủ tôi đi leo núi (rock-climbing) với nhóm leo núi của anh. Anh úp úp mở mở là lần leo núi này có ý nghĩa hết sức đặc biệt.

Điểm leo là một vách núi nằm trong rừng, khoảng 1 giờ lái xe từ Kuching. Vách núi này có hình dáng rất đặc biệt, thẳng đứng và nhọn ở phía trên, trông như một chiếc răng khôn vậy. Có lẽ vì thế mà vách núi này có tên là Núi chiếc Răng. Nhóm leo núi của Jong có khoảng 20 người, chủ yếu là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hay tình nguyện ở Kuching. Trưởng nhóm là Malcolm, nghe đồn là một tay leo núi kỳ cựu bậc nhất đất Sarawak này. Ông tầm khoảng 40-50 tuổi, nước da đen sạm cháy nắng, khung người cứng cáp đúng kiểu dân chơi thể thao, phong cách hết sức quân sự.
- Chip, leo núi bao giờ chưa?
- Chưa.
- Muốn leo thử không?
- Có chứ.

Malcolm hướng dẫn tôi thắt dây bảo hộ, và để con trai anh đứng dưới giữ dây bảo hộ cho tôi. Không có giầy leo núi chuyên nghiệp, tôi leo bằng giầy thể thao thường. "Đi giầy trơn, dễ trượt. Nhưng có dây bảo hiểm, không lo đâu," Malcolm động viên.

Ban đầu, tôi leo rất nhanh. Nhưng nhanh rồi ẩu. Một bước bất cẩn, tôi trượt chân. Phản ứng tự nhiên của dân gà không biết kỹ thuật trèo, tôi bám tay vào dây bảo hộ. Dây cứa lòng bàn tay tôi chảy máu. Mọi người ở dưới lo cuống lên. Malcolm hét vọng lên:
- Chip, xuống ngay.

Nhưng lúc đó tôi đã gần lên tới đỉnh, không muốn xuống. Tôi cứ tiếp tục leo tiếp. Malcolm hết sức tức giận. Lúc tôi xuống đến nơi, ông nạt:
- Lần sau mà còn ngoan cố như thế sẽ không cho leo nữa.

Jong bào chữa cho tôi:
- Nhưng Chip leo giỏi đấy chứ.
- Ừ, con bé leo tốt, cho tham gia nhóm được. - Tôi nghe mà mở cờ trong bụng. Tuy mới được leo có một lần, tôi đã thích ngay môn thể thao này. Leo núi không nguy hiểm như mọi người vẫn tưởng, bởi không ai leo mà không có dây bảo hộ cả. Nhưng đây là một môn thể thao đầy thử thách, nó đòi hỏi người leo sức mạnh tinh thần nhiều hơn là sức mạnh thể chất. Trong thời gian ở Kuching, mỗi lần nhóm đi leo núi, tôi đều đi cùng. Và sau này, khi đến các quốc gia khác, tôi cũng luôn tìm cách tham gia các nhóm leo núi tại địa phương. Leo núi không chỉ trở thành một công cụ giúp tôi kết bạn nhanh chóng, mà môn thể thao ngoài trời này còn cho phép tôi khám phá những địa danh tuyệt đẹp mà ít khách du lịch đặt chân tới.

Chúng tôi ở đấy khoảng hơn một tiếng thì có nhóm phóng viên đến. Lúc đấy tôi mới biết ý nghĩa đặc biệt của chuyến leo núi lần này. Đây là nỗ lực cuối cùng để bảo vệ núi chiếc Răng. Để lấy đá làm xây dựng, không ít ngọn núi quanh khu vực này đã bị đập bỏ. Núi chiếc Răng là một trong những ngọn núi hiếm hoi còn sót lại nơi mà các bạn trẻ có thể đến và leo được. To tát hơn một chút, mọi người hy vọng lần leo núi này sẽ lôi kéo được sự chú ý của quần chúng với môi trường đang bị phá hủy quanh mình. Nhưng những nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. Một tháng sau, Jong cho tôi hay không còn dấu vết gì còn núi chiếc Răng nữa. Cái duy nhất tôi còn giữ là bản scan bài báo này trên báo Star, một trong những tờ báo chính của Malaysia. Bài báo có hình và câu hỏi phỏng vấn tôi nữa. Sau này, tôi có thể cho con cái tôi xem ảnh, làm mặt buồn bã mà nói rằng: tôi là một trong những người cuối cùng leo núi chiếc Răng.
 
Chào Chíp,

Không biết em có ý định thăm Taiwan không, nếu có thì PM cho miǹh nhé. Em có thể ở nhà Chị (luôn có phòng trống cho em). Nếu Em muốn thăm các trại trẻ mồ côi ở đây, Chị có thể giới thiệu cho em một người bạn của Chị. Vợ chồng chị ấy là tình nguyện viên của chương trình giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ tại taiwan. Chị ấy đang nhận nuôi một em bé mồ côi tại nhà cho đến khi có người muốn nhận em bé ấy làm con nuôi.

Chúc em Chân cứng đá mêm̀ và post bài nhiều nhé. Chị đi nhiều nhưng để sống và cảm nhận từng nơi đã đi qua như em thì chưa làm được vì cuộc sống, vì gia đình, con cái và điều quan trọng là không được ý chí và quyết tâm như em.

Nếu cần giúp đỡ về vật chất trong trường hợp cần thiết thì PM nhé đừng ngại, chỉ mong góp một chút để em hoàn tất cuộc hành trình như đã định.
 
[Xách ba-lô lên và Đi] Phần 10: Lần đầu ăn sâu và ông lão "dê cụ"

Trước khi mọi người đọc tiếp phần này, tôi phải khẳng định rằng Kuching có rất nhiều rất nhiều cảnh đẹp, nhiều đến mức tôi phải viết riêng một phần để nói về những nơi đấy chứ ở đây không đủ đất. Ấy vậy mà khi tôi hỏi bạn bè tôi đến Kuching thì nên xem gì, ai cũng trả lời: "Làng văn hóa", "Làng văn hóa". Thế là tôi quyết định phải đến đây thăm quan một lần cho biết. Nhưng mà vé vào cửa mắc quá, những 60RM (~$18) lận nên tôi cứ chần chừ mãi chưa đi. Cho đến một hôm, Barry Chong cho tôi biết về World Harvest Festival (đại loại là lễ Gawai nhưng do nhà nước tổ chức) ở Làng văn hóa vào ngày 29 và 30 tháng 5. Vé vào cửa là 25RM, vừa cho phép bạn tham gia lễ hội, vừa cho phép bạn tham quan Làng văn hóa. Tôi lấy vé mà hí hửng, mình thông minh quá đi mà hehehe.

Nhưng rồi cái sự hả hê của tôi qua đi nhanh chóng ngay khi tôi bước qua cánh cổng làng. 25RM cho cái làng này còn là đắt! Cả làng chỉ có 7 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà là đặc trưng kiến trúc của một dân tộc đang sống ở Sarawak: nhà dài (longhouse) của người Iban, Bidayuh và Orang Ulu, nhà cao của người Melanau, rồi cả nhà trang trại của người ... Trung Quốc. Mà nhà dài ở đây cũng chẳng dài. Nếu ở một làng người bản địa thực sự, nhà dài sẽ rất dài, đủ dài để chứa cả chục hộ gia đình. Nhà dài ở đây chỉ để cho một gia đình ở. Tôi nghĩ, đến bảo tàng Sarawak xem mô hình các ngôi nhà này sẽ thú vị hơn nhiều. Ở bảo tàng, thậm chí bạn có thể bước chân vào một ngôi nhà và đầu bạn chạm vào những đầu lâu treo lủng lẳng. Những đầu lâu đó là đầu lâu người thật, được thu thập từ không đâu khác mà chính là từ nhà của những thợ săn đầu người nổi tiếng của bang Sarawak. Ở bảo tàng còn có một cột gỗ cao, to một vòng tay người lớn ôm không xuể với những hình trạm khắc rất kỳ dị. Trên đỉnh cột đấy là quan tài. Chỉ những tộc trưởng hay người lập công lớn mới được mai táng như thế.

Điểm hấp dẫn duy nhất của làng văn hóa mà màn trình diễn các điệu nhảy truyền thống của Sarawak từ 11.30 sáng đến 4.30 chiều. Nhưng vì tôi đã xem màn trình diễn đó không ít lần ở nhà hát, tôi cũng không hứng thú gì cho lắm. Thế là tôi tách khỏi Barry và Trắng để đi loanh quanh một mình. Tôi lân la hỏi chuyện một cậu bạn đang sống cùng gia đình trong một ngôi nhà dài ở đây. Cậu bằng tuổi tôi, đang học đại học ở Kuching. Cậu cho biết gia đình cậu được trả tiền để sinh sống trong ngôi nhà đó. Thảo nào vé vào đây đắt thế.

Trời mưa, tôi chạy vào trú mưa trong một ngôi nhà. Ông cụ quản lý nhà có đôi tai to ơi là to. Ông rất nhiệt tình chỉ dẫn cho tôi cái này cái kia. Nghĩ là ông thân thiện, tôi xin chụp ảnh cùng ông. Ông ta ôm tôi rất chặt. Tôi gạt tay ông ra, nhưng ông cứ sấn lại. Ông ghé sát vào tai tôi thì thầm: "Kiss me." Và tôi khi tôi còn chưa kịp định thần, ông ta cho tay lên ngực tôi. Lúc đấy trời tạnh mưa, mọi người bắt đầu đổ xô vào. Không biết là tôi bị sốc không kịp phản ứng, hay là vì ông ta đã quá già và tôi không muốn gây cho ông rắc rối, tôi chỉ lẳng lặng đi ra. Đáng lẽ tôi phải vả vào mặt ông ta rồi.

Ấm ức, tôi đi tìm cái gì ăn cho bõ tức. Tôi tìm đến Lễ hội Ẩm thực tại nhà dài của người Iban. Gọi là lễ hội cho oai chứ thực ra nó chỉ là một cái bàn dài chứa đầy đồ ăn. Tôi để ý ngay một cái đĩa đầy những sâu rán. Nhìn thấy cái mặt nghệt ra của tôi, bác chủ quán biết ngay tôi là du khách. Bác giải thích với tôi đây là món ăn truyền thống của người Iban. Bác cho hay con này ăn sống được, sau đó bê cho tôi một xô đầy sâu. Bác giục: "Ăn thử đi." Nhìn những con sâu to bằng khoảng ngón tay cái, trắng nõn nà, béo múp míp, quằn quại trong đống đất tơi trộn xơ dừa, tôi chưa cần cho vào miệng đã thấy nhầy nhụa trong cuống họng. Tôi cố nuốt trôi miếng nước bọt, ấp úng: "Thôi bác rán cho cháu."

Trước hết, tôi phải chọn cho mình con con sâu trông có vẻ "ngon lành" nhất. Người Iban thực sự chắc sẽ chọn con to béo nhất, tôi chọn cho mình con nhỏ bé gầy gò nhất. Bác chủ quán sau đó lấy một que dài, lạnh lùng xiên thẳng từ đầu tới đuôi, hay từ đuôi tới đầu gì đó, của chú sâu tội nghiệp. Bác sau đó đưa chú sâu lên bếp lửa, nướng cho đến khi lớp da bên ngoài ngả màu vàng đen. Chắc mùi phải thơm lắm, nhưng lúc đấy tôi đang trong tâm trạng thần kinh bất ổn định nên cũng chẳng để ý xem mùi nó như thế nào.

Một nhóm thanh niên mặc đồng phục xanh, chắc đi theo chương trình của một trường nam sinh nào đấy, lúc đó cũng có mặt. Họ thấy sâu cũng sán vào, nhưng không đồng chí nào dám thử. Biết tôi quyết định ăn, các đồng chí ấy có vẻ thích thú lắm, người này gọi người kia, vèo một phát phải hơn một trăm người vây xung quanh. Tôi nhắm mắt nhắm mũi đưa chú sâu vào miệng, cố gắng nhai lấy một phát rồi nuốt. Tiếng hò hét cổ vũ vang dội. Máy ảnh chớp lia lịa. Trong phút chốc, tôi trở thành ngôi sao của màn biểu diễn đắt khách nhất ngày hôm đó tại Làng văn hóa.

Video vụ ăn sâu ở đây mọi người nhé: http://www.youtube.com/watch?v=If3XrpgFcmU
 
Em Huyền Chíp ơi con này là con sâu dừa (Đuông dừa) mà ở VN mọi người vẫn ăn bình thường mà, nó là đặc sản đấy toàn ăn sống chấm nước mắn ớt thôi !
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,555
Bài viết
1,169,585
Members
192,160
Latest member
quatanginlogo
Back
Top