What's new

[Tổng hợp] Ý THỨC khi TRÊN ĐƯỜNG phượt và tại NƠI ĐẾN

Chitto

Phượt thử
Staff member
Trước đây trên diễn đàn hình như đã có topic tương tự, nhưng tôi tìm không thấy, cho nên lập lại topic này.

Topic này quan trọng nhất là sự ĐÓNG GÓP của tất cả các bạn đã và đang tham gia các cung đường, các chuyến đi, để chúng ta có những chuyến đi thực sự ý nghĩa với chính mình và với cả những nơi mình đi qua, mình sẽ đến.
 
Xả rác

Việc đầu tiên muốn đề cập là việc Xả Rác.

Hiện bên box Miền Bắc có topic Phượt và Rác mô tả tình trạng rác thải khắp nơi trên đường lên một số cung đường núi.

Điều này không chỉ xảy ra ở một cung đường, một điểm đến, mà xảy ra khắp nơi, mà dân phượt thiếu ý thức thường xuyên mắc phải. Cứ ăn xong là vứt rác ra chỗ ngồi. Ôm ngồi trên xe ăn bánh kẹo thản nhiên thả ra đường, uống nước xong vứt chai bất cứ lúc nào... Những hành động đó gây tác hại rất lâu dài, vì rác thải từ sản phẩm công nghiệp hiện đại hàng nghìn năm không tiêu hủy.

Một số khác có ý thức hơn một chút, nhưng chỉ thu gom các rác như nylon, vỏ chai, còn vỏ hoa quả, thức ăn thừa cũng thản nhiên bỏ lại với lý do "đồ tự nhiên cứ để nó tự hoại, thêm chất" :( . Những đám và đống rác như thế đâu có tốt đẹp gì cho môi trường? Trước hết là TRÔNG rất bẩn, sau nữa nó có thể bốc mùi, hơn nữa có ai chắc các loại rác đó không có các loại chất bảo quản có thể gây độc?

Cho nên, tốt nhất là thu gom tất cả rác thải vào túi, mang theo đến nơi có thể bỏ, mà cụ thể là nơi có thùng rác, hoặc khu vực dân cư có tụ tập rác, nơi có người sẵn sàng nhận rác thải nylon, vỏ chai để tái chế, tái sử dụng.
 
Hủy hoại thiên nhiên

Tình hình phá hoại thiên nhiên ít được nhắc đến trên diễn đàn này, nhưng không chắc rằng không có.

Cách đây một thời gian có bạn khoe đi rừng ở Tây Nguyên lấy được một phiến đá đẹp, một cành cây đẹp, và khi tôi phản đối thì thành viên đó nói rằng: Ngay cả kiểm lâm cũng lấy và khuyến khích mình lấy thì tại sao không được. Tôi trả lời rằng: Kiểm lâm cũng không phải ai cũng biết bảo vệ môi trường, không phải ai cũng bảo vệ rừng. Thậm chí nhiều người góp tay phá rừng.

Khi trước tôi lên Sơn La, có một anh kể ở đó có một quán thịt rừng đồ thật rất ngon, toàn gà rừng, nai rừng, lợn rừng, nhím rừng,.... Tôi bảo là chắc gì đồ thật mà là đồ nuôi đội lốt. Anh ta bảo : "Không có đồ giả đâu, em trưởng kiểm lâm ở đây mà".

Tình trạng phá hoại tự nhiên không chỉ ở chỗ chặt cây bẻ cành đập đá ngắt hoa, mà hình ảnh một xế phóng xe máy vào giữa đồng tam giác mạch ở Hà Giang năm 2012 (đã từng lên báo) cũng thế. Người đó hồn nhiên nghĩ rằng đó là đồng "hoa dại" nên lao vào, nhưng kể cả đồng hoa dại thì cũng có phải chỉ mình ngắm đâu, mà sao không nghĩ đến những người khác?

Gần đây hơn, có bạn đi Ba Vì mua hoa phong lan rừng do những người dân ở đó trèo hái. Điều này có vẻ đơn giản, nhưng cũng là gián tiếp gây hại cho tự nhiên.
 
Đối xử với người dân

Từ những ngày đầu đi phượt, chúng tôi luôn giữ nguyên tắc không bao giờ cho tiền trẻ con, chỉ cho KẸO. Gần đây được nghe kể nhiều bạn vào bản, gặp trên đường cho tiền trẻ em. Điều này có thể làm hư trẻ, và không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng có thể bị thay đổi cách đón nhận khách từ xa.

Trước đây có câu chuyện lên A Pa Chải rất kinh điển: Những đoàn đầu tiên lên cực Tây thời còn hoang sơ được nhà Pờ Dần Sinh giúp, và rất xúc động với tấm chân tình đó. Thế là hàng loạt đoàn về sau ùn ùn kéo đến, ai cũng nhận mình là bạn của Pờ Dần Sinh cả, khiến bố của cậu ấy từ kinh ngạc đến khó chịu. Lạm dụng lòng tốt của người khác cũng là một hành động rất thiếu ý thức.

Chúng ta đã từng tổ chức sự kiện Phiên chợ Thương nhớ Đồng Văn, Phiên chợ Cuối năm tặng ảnh cho bà con, nhưng không phải vì thế mà lúc nào, chỗ nào cũng xông vào chụp ảnh khi người ta không đồng ý, không thoải mái.
Chính chúng tôi cũng đã từng mắc phải lỗi thiếu ý thức: Đó là khi vào bản gặp một đám trẻ con đang chơi, thấy được chụp ảnh cả lũ khoái quá làm đủ các trò nhào lộn, rồi trèo cả lên cây nhảy nhót. Lúc đó một bà mẹ đi ra thấy mới bảo: "Thôi đừng chụp nữa, chúng nó nhảy cây rồi ngã gãy tay gãy chân đấy thì ai chịu". Lúc đấy mới thấy mình suy nghĩ còn chưa đủ thế nào.

...
 
Có một việc mình rất oải là đi dọn rác vào buổi sáng sau đêm BBQ. Cơ man bạt ngàn, chuyến đi có vài chục bạn cùng đi nhưng sáng sớm ra chi có vài bạn phụ mình gom rác, đốt rác, vệ sinh khu trại. Ý thức gom rác, giữ vệ sinh cho chính nơi mình dựng trại các bạn cũng còn thiếu lắm. Đi chơi thì hào hứng, nhưng dọn dẹp sau cuộc chơi thì ...haizzzzzzzzz.
 
Việc này là ý thức chung kém của nhiều người rồi, topic mở ra hy vọng mọi người đọc và nâng cao nhận thức của bản thân mỗi người.
 
Mình cũng xin góp ý thêm về việc phượt đêm bằng xe máy, việc sử dụng đèn pha, khi đường vắng thì mình có thể dùng đèn pha cho dễ nhìn, nhưng khi có xe đối diện thì nên chuyển qua chế độ chiếu gần, giúp người đi đối diện không bị lóa, hạn chế được tai nạn. Không hy vọng toàn dân có ý thức, nhưng hy vọng dân phượt sẽ ý thức được chuyện này, học cách sử dụng đèn xe máy cũng là một nét văn minh.
 
Mình cũng xin góp ý thêm về việc phượt đêm bằng xe máy, việc sử dụng đèn pha, khi đường vắng thì mình có thể dùng đèn pha cho dễ nhìn, nhưng khi có xe đối diện thì nên chuyển qua chế độ chiếu gần, giúp người đi đối diện không bị lóa, hạn chế được tai nạn. Không hy vọng toàn dân có ý thức, nhưng hy vọng dân phượt sẽ ý thức được chuyện này, học cách sử dụng đèn xe máy cũng là một nét văn minh.

Cái này thì miền núi đã vượt miền xuôi rồi. Cá bạn ở vùng cao sử dụng đèn rất có ý thức
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top