What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 5

@ oilman, cảm ơn bạn. Mình chạy song song nghen! Cho nó đa dạng về những lát cắt của Ấn Độ!

@ Ariel, cám ơn bạn nhé!
..............................................................................

(cont.)


Dù đêm trước tôi về nhà rất khuya, sáng hôm sau tôi cũng lọ mọ thức giấc lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị cho chuyến đò trên sông Hằng lần thứ 2. Tôi lang thang cũng nhiều nhưng chưa bao giờ tôi ở trong 1 cái phòng dormitory thênh thang mà chỉ có 1 mình. Chẳng thà là ở 1 mình trong 1 cái phòng bé bé, cảm giác còn ấm cúng, rất khác khi nửa đêm trằn trọc thức giấc thấy chỉ 1 mình mình trên giường giữa căn phòng rộng thênh thang đầy những chiếc giường trống. Đâu đó tiếng rì rầm đọc kinh của các tín đồ ở ngôi đền Vàng gần bên, cũng không xa lắm ngoài kia là sông Hằng với những hỏa đàn thiêu xác nghi ngút ngày đêm… đó là lý do làm giấc ngủ của tôi luôn chập chờn và giúp tôi thức giấc sớm – cũng là lúc những tiếng “ựm bòòòò” của các chú bò bắt đầu rền vang trong ngõ nhỏ.


PB201112.jpg

Bắt đầu hành trình bình minh trên sông


PB201113.jpg

Sông Hằng lúc đầu ngày chưa có nắng


Len lỏi trong con hẻm nhỏ bé tối thui, lầy ướt nước tiểu và nhòe nhoẹt phân bò, tôi lần mò tìm đường ra phố, để xuống sông. Trời Varanasi lúc 5.10am vẫn cứ như đang giữa khuya dù ở bến sông đã tấp nập khách du. Con sông ngái ngủ im lìm khuya qua giờ đã tỉnh giấc cho 1 ngày bận rộn dù sông vẫn còn tối đen. Tôi xuống bến sông kiếm tìm ông lái đò già đã đưa tôi đi ngắm hoàng hôn. Hôm qua, tôi và ông đã thỏa thuận giá cả và giờ giấc cho chuyến đi hôm nay. Giá có tăng cao hơn vì theo như ông lão nói các chuyến tàu bình minh luôn đắt hơn các chuyến tàu hoàng hôn. Tuy nhiên tôi vẫn đồng ý vì tôi biết giá đó còn rất rẻ so với giá niêm yết của dịch vụ trong nhà nghỉ tôi đang ở, dù đó là nhà nghỉ có dịch vụ rẻ nhất Varanasi (tôi book 1 cái giường trong dorm giá 60Rp nhưng ông chủ nói “cho mày ngủ nguyên cái dormitory, lấy giá 1 phòng đơn 120Rp”, tôi đồng ý luôn vì biết rằng đây là giá rẻ nhất Varanasi). Và cũng từ buổi trò chuyện - chủ yếu bằng tay - với ông lão trên sông chiều qua, tôi đã rút ra 1 kinh nghiệm, đó là dành hết thời gian trên đò cho chuyến đi 1 chiều, sau đó tôi sẽ leo lên bờ đi bộ về thay vì ngồi đò xuôi và ngược trên cùng 1 đoạn sông. Do thỏa thuận này, tôi trả thêm cho ông lão một ít nhưng đoạn đường tôi đi được xem như là gấp đôi so với việc chỉ ngồi trên thuyền. Và việc đi bộ lang thang trở về cũng là 1 trải nghiệm rất khác với việc chỉ ngồi trên thuyền cả đi lẫn về. Các bạn thử áp dụng chiêu này cho lần đi sắp tới của mình nhé.


PB201116.jpg



PB201171.jpg

Công việc đầu ngày trên dòng sông


PB201181.jpg

Cạo tóc – để tưởng nhớ người thân


Bến sông giờ đây rộn ràng không chỉ bởi khách du và những con đò mà còn bởi những gia đình Ấn Độ mộ đạo bắt đầu công việc tắm rửa và cầu nguyện nơi các ghat. Phải nói là tôi cũng rất khâm phục niềm tin của họ, để có thể tắm rửa trên sông sông giờ đang rét buốt với cái lạnh ban mai mùa đông. Có thể thấy rõ nét mặt tái mét cũng như đang run cầm cập nhưng họ vẫn kiên trì đằm mình trên dòng sông vừa tắm vừa cầu nguyện. Rất tiếc là cái máy chụp hình của tôi sau vài lần rơi lăn lóc, nó hư hay vỡ cái bộ phận nào đó mà chụp hình vào lúc trời tối không được, nên hầu như không có các cảnh trên sông lúc tờ mờ để sẻ chia cùng các bạn.

(tbc.)
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 6

(cont.)


Trời vẫn còn tối đen khi những con đò bắt đầu đi trên sông, rồi chợt nhờ nhờ sáng rất nhanh. Không có nhiều sương dày đặc như trong các guidebook mô tả việc về hình ảnh lãng mạn rẽ sóng rẽ sương đi tìm bình minh trên sông Hằng vào sáng hôm nay. Chỉ có 1 làn sương, hay cũng không phải là sương, rất mỏng, bay là đà trên sông. Các ghat ven sông vẫn để đèn thâu đêm nên ở con sông không có vẻ thật sự huyền bí như tôi đã nghĩ. Nếu tắt hết các đèn ở các ghat con sông hẳn sẽ có một vẻ rất riêng – chắc vậy.


PB201122.jpg

Hoa đăng trên sông sớm


PB201130.jpg


PB201125.jpg

Tắm để tẩy trần và cầu nguyện trên dòng sông


PB201131.jpg

Buổi lễ sáng bên bờ sông


PB201136.jpg

Pháp sư đang làm lễ


PB201183.jpg

Chuẩn bị làm lễ


PB201155.jpg

Những người dân đang chờ làm lễ


Cũng như chiều qua, nhiều con đò trên sông thả hoa đăng dập dềnh trên sóng lăn tăn nhưng có đều là trời đang sáng dần lên nên những đốm lửa trên sông lại mang một nét mới, góp phần cho chân trời đã bắt đầu hồng hồng thêm sắc khí. Đi lên các ghát xa xa, trời sáng hẳn dù mặt trời chưa ló dạng. Rất nhiều gia đình đã dồn xuống bờ sông. Tôi còn trông thấy cả 1 cặp nam nữ Nhật Bản cũng đang cắn răng tắm bên bờ sông đục ngầu ban sáng. Bên cạnh việc tắm rửa cầu nguyện, khúc sông giờ như 1 bến nước tập trung rất nhiều người làm đủ mọi việc, từ đánh răng rửa mặt đến giặt giũ phơi phóng, đến cạo đầu hớt tóc, đến vị thầy cúng đang làm lễ gì trên 1 đàn cao bên sông, đến các chú đạo sĩ nhỏ đầu cạo trọc đang chăm chú ngồi nghe giảng kinh kệ hay đọc kinh… bên bờ sông. Bức tranh cuộc sống ven bờ sông rực rỡ sắc màu và đầy đủ các cung bậc.

(tbc.)
 
@ Tôi xuống bến sông kiếm tìm ông lái đò già đã đưa tôi đi ngắm hoàng hôn. Hôm qua, tôi và ông đã thỏa thuận giá cả và giờ giấc cho chuyến đi hôm nay. Giá có tăng cao hơn vì theo như ông lão nói các chuyến tàu bình minh luôn đắt hơn các chuyến tàu hoàng hôn. Tuy nhiên tôi vẫn đồng ý vì tôi biết giá đó còn rất rẻ so với giá niêm yết của dịch vụ trong nhà nghỉ tôi đang ở, dù đó là nhà nghỉ có dịch vụ rẻ nhất Varanasi (tôi book 1 cái giường trong dorm giá 60Rp nhưng ông chủ nói “cho mày ngủ nguyên cái dormitory, lấy giá 1 phòng đơn 120Rp”, tôi đồng ý luôn vì biết rằng đây là giá rẻ nhất Varanasi). Và cũng từ buổi trò chuyện - chủ yếu bằng tay - với ông lão trên sông chiều qua, tôi đã rút ra 1 kinh nghiệm, đó là dành hết thời gian trên đò cho chuyến đi 1 chiều, sau đó tôi sẽ leo lên bờ đi bộ về thay vì ngồi đò xuôi và ngược trên cùng 1 đoạn sông. Do thỏa thuận này, tôi trả thêm cho ông lão một ít nhưng đoạn đường tôi đi được xem như là gấp đôi so với việc chỉ ngồi trên thuyền. Và việc đi bộ lang thang trở về cũng là 1 trải nghiệm rất khác với việc chỉ ngồi trên thuyền cả đi lẫn về. Các bạn thử áp dụng chiêu này cho lần đi sắp tới của mình nhé.


Em thích nhất là đoạn này bác viết...Em đọc đi đọc lại mấy lần và càng nể phục cho sự dày dạn kinh nghiệm của bác...(c). Đã học hỏi được rất nhiều qua các bài viết của bác.
 
Xã hội Ấn Độ đầy màu sắc và đầy tương phản cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là cái oilman cảm thấy thú vị khi cảm nhận về nó. Đọc loạt bài của bpk đã cảm thấy muốn quay trở lại. Cho ai chưa tới Ấn, thử làm một hành trình từ tây bắc (Rajsthan) sang đông bắc (West Bengal) sẽ thấy mình đi từ sa mạc, vương quốc hồi giáo một thời của các Mongul (vua trị vì các khu vực bắc Ấn đến từ Afghanistan), qua khu vực thành thị đông đúc, đến các đồi chè xanh mướt cứ ngỡ mình đang ở Trung Quốc hay Miến Điện (vì người dân ở đó trông rất đông á) rồi trở về cái đông đúc náo nhiệt của Kolkata.
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 7

@ oilman, ở Ấn Độ mọi thứ tương phản đến đáng ngạc nhiên và có thể gây sốc nếu bạn nào hơi “mong manh, nhạy cảm”. Khi đã quen và khi đã bỏ qua được những khó chịu chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều trên bước đường lang thang, chúng ta sẽ thấy một Ấn Độ khác hẳn, thú vị hơn nhiều, đúng là cái nôi của một nền văn hóa lớn. Hành trình từ tây sang đông của bạn hầu như tập trung hết tinh túy của Ấn Độ rồi còn gì, bao nhiêu là điểm must-see của LP đều nằm trên cung đường đó. Kể ra đi nghen bạn. Còn hành trình miền Nam Ấn cũng hay lắm bạn ơi!
............................................................................................


(cont.)


PB201140.jpg

Vẫn chưa thấy mặt trời lên trên sông Hằng


Mặt trời vẫn chưa ló dạng nhưng ánh sáng đầu ngày đã sáng hẳn trên các ghat to lớn bên bờ sông. Rất nhiều ghat có ghi rõ niên đại đâu từ thế kỷ XVII, XVIII nhưng vẫn còn rất nguyên vẹn. Kiến trúc của các ghat rất khác nhau, theo niên đại hoặc theo kiến trúc của các vùng rất khác nhau của đất nước Ấn Độ to lớn. Sự hiện diện của chúng đã đem lại cho sông Hằng 1 vẻ đẹp khác thường và con sông Hằng lờ lững bên dưới cũng làm cho chúng đẹp hơn hẳn.


PB201118.jpg

Ghat từ đầu TK XIX


PB201148.jpg


PB201150.jpg

Ghat “Hanuman” vì có nhiều khỉ, theo lời ông lái đò


Trời đã sáng hẳn thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Như vậy hôm nay tôi cũng đã may mắn vì mấy hôm trước ở Varanasi không có mặt trời. Mãi chen lấn để lách qua những đám mây dày đặc của những ngày đông, mặt trời trở nên bé nhỏ và yếu ớt. Chỉ đủ để thấy chiếc dĩa tròn hồng hồng ở ngang lưng chừng trời chứ chẳng oai vệ như ở ngày hè miền nhiệt đới chói chang. Tuy nhiên, chỉ với chút hồng yếu ớt đó, con sông Hằng đã chuyển sang 1 sắc thái hoàn toàn khác. Bừng sáng dịu dàng và kiêu hãnh!


PB201163.jpg

Bình minh trên sông Hằng


PB201167.jpg

Sông bỗng bừng sáng


Chút sương mỏng teng trên sông giờ cũng ánh lên một chút hồng khi những tia nắng bắt đầu lan trên sông. Những con đò bé bé ở xa xa giờ chợt thoắt hiện khi sương bắt đầu tan đi, làm thành những điểm nhấn tô điểm cho con sông chợt trở nên tinh khôi hơn trong một bình minh sương hồng.

(tbc.)
 
Varanasi – Hoàng hôn mờ khói, bình minh sương hồng – 8

(cont.)


Tôi leo lên bờ, vẫy tay chào ông lão chèo đò đang quay đò về chốn cũ, rồi bắt đầu hành trình lang thang trên bờ sông. Bờ sông Hằng là nơi phản ánh cuộc sống đa dạng và sinh động của người dân Varanasi. Những chiếc saree dài 7-8m thật nhiều màu nằm phơi dài phất phới trên triền sông, không xa là hàng hàng lớp lớp những bánh phân bò nén tròn nâu nâu phơi mình trong nắng, rồi những chiếc drap giường, khăn trải bàn màu trắng cũng nằm hơ hớ ngay trên bờ sông…


PB201176-1-1.jpg

Bon chen xuống sông tẩy rửa tội lỗi nhưng không dám tắm, chỉ dám nhúng chân vào nước sông Hằng thôi.
Không biết như vậy có rửa được tội lỗi không há?


Còn với người dân, đây vừa là nơi thể hiện lòng thành cho những người mộ đạo và cũng là nơi sinh hoạt của những người dân sống quanh đây. Những người dân tắm rửa giặt giũ phơi phóng bên cạnh những tín đồ đang quỳ lạy, tụng niệm hay tắm rửa tẩy trần dưới sông. Nhiều gia đình đang tụ tập bên bờ sông để cầu nguyện cho người thân vừa mất, mà bạn rất dễ nhận ra vì họ vừa cạo trọc đầu nhẵn thín, góc các, các đạo sĩ hay pháp sư cũng rì rầm khấn vái nghiêm trang bên cạnh những chú bò, dê đang lang thang khắp nơi khắp chốn và mùi xú uế do các chú thải ra, cùng với của cả con người, nồng nặc trên nhiều khúc sông… Sông Hằng vẫn lờ lững trôi bên dưới, như vẫn đã trôi từ ngàn đời nay.


PB201182.jpg

Chất đốt ở 1 thành phố 3.500 tuổi


PB201190.jpg

Sân phơi của thành phố 3.500 tuổi


PB201187.jpg

Thành kính


PB201189.jpg

Nô đùa


Lang thang trên triền sông, đến khi gần về nhà nghỉ, mặt trời vẫn cứ hồng hồng bên sông, dù đã cao lưng chừng trời. Tôi leo lên 1 góc nhỏ trên cao, hơi vắng vẻ và ngồi lại thật lâu để ngắm bình minh muộn, ngắm sông Hằng thật kỹ trước khi chia tay con sông huyền thoại.


PB201177.jpg

Chào nhé sông Hằng!


PB201193.jpg

Chào nhé Varanasi


Rồi đến lúc tôi cũng phải về, để đi tiếp con đường lang thang của mình. Chào nhé sông Hằng! Rất mong một ngày được quay lại!
 
Đọc bài của bpk cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ của bạn, bỏ qua những lo lắng thường ngày và cái nhìn nửa ly nước đầy (http://en.wikipedia.org/wiki/Is_the_glass_half_empty_or_half_full%3F) của những nơi bạn đi qua làm oilman cảm thấy nhớ về vùng đất mà có khi tự hỏi nó có thật sự tồn tại hay không. Ấn Độ là bức tranh 4D, màu mè, tương phản, lật ra đằng sau bức tranh cũng vẫn thấy đẹp và có cả âm nhạc :).
 
Đọc bài của bpk cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ của bạn, bỏ qua những lo lắng thường ngày và cái nhìn nửa ly nước đầy (http://en.wikipedia.org/wiki/Is_the_glass_half_empty_or_half_full%3F) của những nơi bạn đi qua làm oilman cảm thấy nhớ về vùng đất mà có khi tự hỏi nó có thật sự tồn tại hay không. Ấn Độ là bức tranh 4D, màu mè, tương phản, lật ra đằng sau bức tranh cũng vẫn thấy đẹp và có cả âm nhạc :).

Đúng vậy. Nhất Ân Độ, bét cũng ÂĐ. Một đất nước đặc biệt và khác biệt, có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới lại đa màu và tương phản như nơi đây.

Ở cơ quan mình, có lẽ mình là người duy nhất thích Ấn Độ. Ai cũng nhìn mình như nhìn Mai-ca từ trên trời rơi xuống khi mình nói thích. Mọi người chỉ thấy bẩn, khó ăn,...Thế mới biết, sự chia sẻ cảm xúc cũng khó và không phải cứ muốn là được.
 
Di sản thế giới Ajanta và Ellora

@Pisces: nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Ấn Độ có nhiều thứ hay để khám phá mà họ không thấy ra.
----
Khi ở Mumbai tôi có dịp đến hai di sản Phật giáo còn rất nguyên vẹn. Ajanta và Ellora cách Mumbai khoảng hơn 300km. Có thễ bắt tàu hỏa Mumbai - Aurangabad và từ đó phải đi bằng xe thêm 100km nữa.

Hai di sản thế giới Ajanta và Ellora có những đền thờ, thiền viện của ba tôn giáo Phật, Hindu và Jain. Điểm đặc biệt là các cấu trúc này được đục ra từ vách núi đá bằng trình độ kiến trúc, điêu khắc, trang trí mỹ thuật rất công phu sắc xảo. Hai khu Ajanta và Ellora có tổng cộng 64 cấu trúc lớn nhỏ.

Toàn bộ các cấu trúc ở Ajanta thuộc về Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Tại đây vẫn còn vài cái đang xây dựng dang dở cho phép các nhà khảo cổ hiểu được người xưa đã đục những hang động nhân tạo này như thế nào. Sự hoang tàn của nó cũng được giải thích là vào khoảng thế kỷ thứ 6 đạo Phật ở Ấn Độ suy kiệt. Các tu sĩ di chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á. Về mặt chạm trổ và kiến trúc, các thiền viện ở đây đã sắc xảo nhưng vẫn còn chưa bằng các cấu trúc ở Ellora. Nhưng các tranh vẽ trên tường thì cực kỳ giá trị. Ví dụ có một tranh vẽ công chúa có đeo chuỗi ngọc. Khi có ánh sáng rọi vào chuỗi ngọc sáng toát một màu trắng như ngọc thật. Tranh khác nói về cuộc đời của đức Phật từ khi mới sinh ra cho đến khi nhập niết bàn. Mỗi tranh có một chi tiết, một câu chuyện mà tôi chưa xem hết và không biết hết để kể.

Các cấu trúc ở Ellora có sau Ejanta và chúng tỏ ra sắc xảo hơn về mặt kiến trúc và điêu khắc. Nơi đây tập hợp thiền viện, chùa chiền của 3 tôn giáo Phật (niên đại từ 500 đến 700AD), Hindu (700 đến 900AD) và Jain (900 đến 1100AD). Tất cả các cấu trúc ở đây cũng như ở Ejanta đều được đục ra từ một vách đá. Các hoa văn, hình tượng, chi tiết đều dính liền với nhau không có lấp ghép.

-------
Ajanta

Từ điểm này, một người Anh trong chuyến đi săn đã phát hiện ra phế tích Ajanta. Một khu thiền viện quan trọng của Phật giáo. Từ đây, chúng tôi đi men theo miệng của thung lũng, nhìn được toàn bộ di tích Ajanta từ trên cao. Thung lũng có hình móng ngựa, bên dưới là con suối mang nước cho cả khu thiền viện.

DSC06243.jpg


DSC06259.jpg


DSC06327.jpg


Các thiền viện ở đây được đục ra từ vách núi theo phương pháp từ nóc xuống. Có nghĩa là phần nóc được hoàn thiện trước rồi đi dần xuống phần nền. Rất nhiều kiến trúc hai ba tầng như những nhà lầu ngày nay. Người ta điêu khắc và vẽ tranh trên tường, cột rất tỉ mĩ. Có những bức tranh về cuộc đời đức Phật và cuộc sống dân gian thời bấy giờ vẫn còn rõ màu.

DSC06289.jpg


DSC06293.jpg


DSC06298.jpg


DSC06318.jpg
 
Last edited:
------
Allora

Kiến trúc nhiều tầng với cầu thang hai bên, lang cang, hành lang như một căn nhà nhiều tầng hiện đại.

Nhìn từ bên ngoài bức tường
DSC06357.jpg


Nhìn từ sân nhà đằng sau bức tường, hai bên tòa nhà có cầu thang lên những tầng bên trên như một chung cư hiện đại. Đây vừa là nơi ở vừa là nơi học thiền học đạo.
DSC06366.jpg


Một cái khác đẹp hơn.
DSC06378.jpg


Cầu kỳ nhất ở đây là đền Kailash. Kailash là đền thờ thần Shiva của đạo Hindu. Nó được đục ra từ vách núi đá bằng kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc sắc xảo nhưng với công cụ rất thô sơ. Người ta khởi công tạo ra nó từ khoảng thế kỷ thứ 8 sau công nguyên và ước tính có thể mất hàng trăm năm để hoàn thiện. Khoảng 400 000 tấn đá đã được đục ra từ vách núi và bên trong ruột của ngôi đền chỉ bằng sức người và những cây đục (chipsel).

Măt trước:
DSC06333.jpg


Nhìn từ vách núi bên hông đền:
DSC06337.jpg


Nhìn từ bên trên:
DSC06345.jpg


Điêu khắc trên nóc đền:

DSC06350.jpg


----

Có thể nói tôi cảm thấy ngợp sau khi đến xem hai nơi này. Mặc dù các di tích ở Ajanta có vài trăm năm sau khi đức Phật qua đời nhưng về ý nghĩa kiến trúc, khảo cổ, Phật học thì nơi này cực kỳ quan trọng vì mọi thứ đều còn nguyên vẹn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,040
Bài viết
1,157,682
Members
190,364
Latest member
abuzaid
Back
Top