What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
@ chitto, bpk đang “phiêu” 1 tý thôi, ý bpk là “mơ ước” được nghe Phật giảng kinh ở đây, vào khoảng gần 2.500 về trước. Đang phiêu diêu trên trời, bạn cắt dây 1 cái, bpk té cái bịch xuống đất, trở về với thực tại rồi.


Hị hị, tớ lại "cắt dây" thêm một lần nữa nhớ. Giả sử tất cả những kinh sách là hoàn toàn đúng sự thực, và vào đúng lúc đó, BPK lang thang ở khu rừng thưa đó, thì sẽ gặp mấy người ngồi túm tụm, quần áo bẩn thỉu rách nát, tóc tai dài thòng bết lại, râu ria chắc xồm xoàm. So với đám nông dân khổ sở cày ruộng, những người này trông có lẽ còn tiều tụy tệ hại hơn rất nhiều lần.

Một người xem ra có vẻ ốm yếu đói ăn nhất đang ra sức thuyết phục mấy người còn lại bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa mà chắc chắn BPK không hiểu gì, mà các vị cao tăng của thế giới hiện tại chắc cũng chẳng hiểu gì. Người đó có thể có đôi mắt rất sáng, hơi sức vẫn còn mạnh mẽ, nhưng chắc chắn nhìn bên ngoài thì rất là ghê rợn: giơ xương, hốc mắt trũng sâu còn mắt thì lồi ra, tóc dài dính bết chặt, móng chân móng tay dài, trên mình chỉ có mảnh vải rách không còn ra màu gì nữa.

Có khi lúc đó BPK cũng chẳng nhận ra được đó là ai...
 
Nhìn trên bản đồ, thấy Việt Nam mình lúc đó ở miền Trung đang còn trong thời kỳ của Vương quốc Chămpa.

Vào lúc đó thì còn không có cả Việt Nam mình nữa cơ. Thời đó thì toàn bộ vùng đất miền Bắc và đến Nghệ An đều chỉ là quận Giao Chỉ (còn dưới cấp Châu) của nhà Đường.

Trung và Nam trung bộ là đất Chiêm Thành. Phía Nam là đất Phù Nam. Nước Đại Việt chỉ có từ năm 938.

Tuy vậy, Phật giáo đã vào đất Luy Lâu (Bắc Ninh) và đất Vĩnh Phúc từ đầu Công nguyên rồi.
 
Chuyện bản đồ

@ 2LuaMienTay, Chitto, cảm ơn rất nhiều phát hiện và thông tin của các bạn.


Bpk cũng bực mình và rất lạ về cái bản đồ này, cũng không tính sẽ nói nhiều vì bpk không muốn nói đến chuyện có liên quan đến chính trị chính em trên diễn đàn, nhất là chuyện xảy ra trong chùa nữa. Nhưng không nói không được.


Nhìn cái bản đồ đó, khi mà trên đó có tên của nước Pakistan (chỉ mới vừa được tách ra từ Ấn Độ vào giữa TK XX), rồi Nam Hàn, Bắc Hàn riêng rẽ (cũng vừa mới chia cắt), rồi cả vùng Tây Tạng, Tân Cương… giờ đều nằm gọn lỏn trong đất nước Trung Hoa… chúng ta cũng có thể hình dung bản đồ này được vẽ dựa theo bản đồ gần đây. Vậy mà đến Việt Nam, họ lại sử dụng cái bản đồ từ thời xa xưa nào đó mà vẫn còn Vương quốc Champa. Vậy là sao? Chẳng thà cổ là cổ, kim là kim chứ cái kiểu nửa nạc nửa mỡ này thật không chịu được.


Mà đây là bản đồ chỉ nói về hành trình của 1 nhà sư ở TK VII lâu lắc lâu lơ. Cái bản đồ này do chùa vẽ nên? Vậy họ vẽ từ nguồn thông tin nào? Không lý đem 2 cái bản đồ của 2 thời kỳ cũ và mới rồi gộp lại để vẽ? Mà làm như thế để làm gì?...


Nói chung là không thích!!!
 
@ pà-kon, cám ơn các bạn đã ủng hộ tinh thần hén. Bpk sẽ cố gắng chia sẻ để không phụ lòng các bạn.

@ likemoon, bpk “quăng lựu đạn” tý nghen. Nếu chỉ ghi cụ thể tý xíu quãng đường bên TQ thôi thì nó như thế này nè: Saigon – Lào – Xishuangbanna – Zinghong – Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangrila – Deqin – Shangrila – Côn Minh – Thành Đô – Lạc Sơn – Nga My – Langzhong – Thành Đô – Lasha – Nepal… Bây giờ bpk vẫn chưa ngán đi một mình đâu. Có nhiều mình đi vẫn thích, nhưng nếu không có nhiều mình thì một mình vẫn cứ lên đường thôi.
....................................................




Vậy bây giờ, mời bạn cùng tôi đi khám phá những vùng đất mà-trước-đó-chắc-sẽ-có-nhiều-người-nghĩ-rằng-là-mình-khó-đến-được nhé! Không đi thì làm sao tới! Bắt đầu nào!

Kính phục Bpk quá.(c)
Bạn đi tổng cộng mất bao time và money cho chuyến này?
Lần sau đi đâu rủ mình với nhé(wait)
 
Thích cái cảm nhận của bác về Ấn Độ, rất đáng một chuyến đi. Trước đây em có viết một bài về tu viện cổ ở gần Mumbai, để tìm được sẽ góp vui với bác.
 
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 8

Một người xem ra có vẻ ốm yếu đói ăn nhất đang ra sức thuyết phục mấy người còn lại bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa mà chắc chắn BPK không hiểu gì, mà các vị cao tăng của thế giới hiện tại chắc cũng chẳng hiểu gì. Người đó có thể có đôi mắt rất sáng, hơi sức vẫn còn mạnh mẽ, nhưng chắc chắn nhìn bên ngoài thì rất là ghê rợn: giơ xương, hốc mắt trũng sâu còn mắt thì lồi ra, tóc dài dính bết chặt, móng chân móng tay dài, trên mình chỉ có mảnh vải rách không còn ra màu gì nữa. Có khi lúc đó BPK cũng chẳng nhận ra được đó là ai...

@ Chitto, bpk đọc sách, cũng có nghe nói đến giai đoạn tu khổ hạnh trước khi Đức Phật đắc đạo… nên không lạ với những hình ảnh quá sinh động mà bạn mô tả. Nhưng lý do lý trấu là tại từ trước đến giờ, bpk chỉ được thấy những bức tượng Phật lúc nào cũng đầy đặn phúc hậu, ánh mắt từ bi, sáng ngời hào quang… nên trong tâm trí cũng chỉ nghĩ đến những hình ảnh mơ ước đó mà thôi. Cũng chỉ nghĩ là được ngồi trong 1 khu vườn xanh mát trong lành, nai tơ ngơ ngác dạo quanh (?!), rồi những người mộ đạo chân thành đang ngồi nghe Đức Phật đang ngời sáng, tỏa hào quang trên cao kia giảng kinh kệ… Thôi rồi, bạn không những cắt dây cho bpk rớt xuống mà còn đạp thêm 1 phát nữa cho bpk lăn xuống hố luôn rồi. Hix! Cám ơn bạn!!!

@ Nheva, chuyến đi này hơn 3 tháng, bpk còn chưa muốn về nhưng nhà có việc đành phải bỏ về. Hy vọng là bpk sẽ có dịp được lang thang chung, “nhiều mình” với các bạn trên diễn đàn này.

@ oilman, cám ơn bạn. Bạn nhớ tham gia nhanh nhanh nhé!
......................................................................

(cont.)


Rời chùa Tàu, tôi lại lang thang đi tiếp đến chùa Nhật Bản. Ngôi chùa toát lên vẻ trầm mặc tao nhã khác hẳn màu sắc ấm cúng của những ngôi chùa Việt hay hơi nhiều màu của những ngôi chùa Tàu. Sắc màu thâm trầm của ngôi chùa Nhật này chẳng hiểu sao lại khác hẳn với hầu như tất cả các ngôi chùa Phật giáo châu Á khác hay có màu chủ đạo vàng và đỏ, nhưng do vậy lại làm cho ngôi chùa Nhật có 1 vẻ quyến rũ “lạnh lùng giá buốt” rất riêng. Tưởng tượng rằng ngôi chùa này nằm trong 1 khu vườn đá trắng, bên 1 dòng suối róc rách, dưới những rặng trúc quân tử hiên ngang… chắc tôi xin ở lại đây làm công quả quét dọn vườn tược luôn quá đi mất. Trong chùa có 1 bức tượng Phật nằm, phỏng theo mô hình của bức tượng Phật lúc ngài nhập Niết bàn ở Kushinagar, nằm ngay giữa chánh điện. Điều này tôi rất ít gặp ở các chùa khác, nơi bức tượng Phật nằm hay được nằm riêng, bên ngoài.


PB191045.jpg

Chùa Nhật bản trầm mặc


PB191046.jpg

Bên trong chùa Nhật bản


Viếng xong chùa Nhật, tôi lại đi tiếp đến chùa Tibet, lòng vui vui như gặp lại người thân quen xa nhớ. Không thể lẫn vào đâu được chiếc cổng chùa vàng, đỏ, với 2 chú dê xinh xắn ở trên, những chiếc màn che thân quen, cờ phướn Tibet tung bay phần phật trong gió... Ở ngay trước cổng chính của chùa là lời kêu gọi của cộng đồng Tibet lưu vong về việc giải phóng Tibet, điều mà tôi chưa thấy ở các ngôi chùa Tibet trên đất Nepal. Có lẽ do chính quyền Ấn Độ mạnh mẽ và cũng không thuận thảo với Trung Quốc nên ủng hộ các vị sư Tây Tạng. Còn Nepal bé nhỏ, nằm sát TQ, chịu nhiều sức ép từ vị láng giềng đại ca nên tuy có cưu mang nhiều ngôi chùa Tibet nhưng không cho phép các sư thầy Tibet lên tiếng kêu gọi tự do. Tôi cũng chỉ đoán vậy thôi vì cũng chẳng biết hỏi ai về việc này.


PB191049-1.jpg

Lời kêu gọi trước chùa Tây Tạng


PB191050.jpg



PB191051.jpg

Chùa Tây Tạng vắng vẻ


Chùa Tây Tạng vắng vẻ, tôi lặng lẽ vào chùa, đi theo những hàng bánh xe chuyển pháp luân, vừa đi vừa quay những chiếc bánh xe cầu nguyện, vừa bồi hồi nhớ mới đây thôi mình cũng đã vừa đi vừa quay như vậy ở chùa Jokhang, cung Potala... nơi miền đất Lasha yêu thương. Bao giờ mình mới quay lại nơi ấy?


(tbc.)
 
Varanasi, Lang thang vườn Lộc Uyển thanh bình – 9

(cont.)


Chiều đã muộn, tôi rời Sarnath lòng tràn ngập niềm hân hoan thơ thới. Về đến ga Varanasi, tôi đi lon ton vào phòng Tourist Information để hỏi thăm thông tin về chuyến tàu rời Varanasi ngày mai. Đang lớ ngớ nhìn quanh nhìn quẩn thì thấy có chú kia đang ngồi không nhổ râu nên bước tới hỏi thông tin. Chỉ vừa mới hỏi “vui lòng cho tôi hỏi thăm…?” thì chú ấy bảo luôn, “mày muốn mua vé đi đâu tao mua giúp cho”. Rồi tẹt 1 cái rất nhanh tôi đã có vé tàu. Lúc này quay lại mới thấy các bạn khoai Tây nhìn tôi với ánh mắt mang hình viên đạn, đầy vẻ căm hờn. Té ra là các bạn ấy đang ngồi xếp hàng chờ để giải quyết vé, mà người đang giải quyết cho họ là 1 chú khác, ngồi gần chú đã giúp tôi. Tôi đâu có biết, lúc tôi đến cũng thấy chú kia đang giải quyết vé nên tôi đâu có chen ngang, chỉ tính hỏi thăm thông tin ở chú đang rảnh rỗi thôi mà. Dù sao thì sự đã rồi, tôi cũng hơi quê quê, rón rén đút cái vé vào túi rồi âm thầm đi ra cửa, rồi ung dung ra khỏi ga, lòng càng thêm phơi phới khi vé đã nằm trong tay, nhảy phốc lên chiếc xe lôi thẳng tiến về phía bờ sông.


PB191053.jpg

Kẹt xe ở Varanasi


Chiều nay ở Varanasi kẹt xe, tội nghiệp anh tài xế xe lôi phải đi lòng vòng tìm đường tránh rồi cũng bị kẹt. Cuối cùng, sau 1 hồi lòng vòng hơn tiếng đồng hồ đám kẹt xe mới rã, dù sao cũng đỡ hơn ở quê nhà. Mà sao thấy Ấn Độ, Varanasi cũng có nhiều cái giống giống Việt Nam. Nếu thay hết những người Ấn da đen cao lớn bằng những người Indochine da vàng mũi tẹt thì có lẽ Varanasi cũng chẳng khác Việt Nam là mấy, nhất là cái cảnh tượng bon chen giành đường, lấn trái, bóp còi inh ỏi… chẳng khác gì nhau.


PB191054.jpg

Ngồi trên xe làm tấm hình với mấy nhóc cũng chung cảnh ngộ kẹt xe


Rồi tôi cũng về được khu phố bờ sông, đã bớt ồn ào hơn khi chiều xuống. Tôi bắt đầu xuống sông chiến đấu với các bạn cò, bạn vạc để thuê thuyền đi ngắm hoàng hôn trên sông. Sau 1 hồi rèn luyện, tăng cường phát huy kỹ năng thương lượng, kỹ năng chiến đấu, kể cả khả năng chửi bới văng tục khi bị chèo kéo quá mức, bị nắm tay nắm chân lôi kéo xô đẩy… tôi leo lên 1 chiếc đò nhỏ, chỉ một mình tôi là khách du, với chỉ giá 70Rp cho 1 chuyến đò đi ngắm hoàng hôn trên sông. Giá ban đầu là 300 Rp/đò, vì theo các chú, dù đi 1 người phải trả ít nhất như vậy. Nhưng cuối cùng thì đã không “là như vậy”.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,578
Bài viết
1,153,811
Members
190,134
Latest member
etaxiprk2
Back
Top